headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 03/12/2024 - Ngày 3 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH PHÁP HOA - PHẨM TÍN GIẢI (TT)

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ ông Trưởng giả toan muốn dụ dẫn người con mà bày chước phương tiện, mật sai hai người, hình sắc tiều tuỵ không có oai đức: "Hai người nên qua xóm kia, từ từ nói với gã cùng tử, nơi đây có chỗ làm trả giá gấp bội. Gã cùng tử nếu chịu thời dắt về đây khiến làm. Nếu nó có hỏi muốn sai làm gì? Thời nên nói với nó rằng " Thuê người hốt phân, chúng ta hai người cũng cùng ngươi chung nhau làm". Khi đó hai người sứ liền tìm gã cùng tử, rồi thuật đủ việc như trên.

GIẢNG:

Ở đây nói rằng, ông Trưởng giả dùng phương tiện, sai người đến nói với gã cùng tử đó là thuê mướn đến hốt phân, đây là muốn nói lên Phật dùng phương tiện ngầm ngầm đánh thức mình, vì chỉ thẳng không chịu nhận. Phật dùng phương tiện sai hai người đó là hai người gì? Cũng như bảo: Thôi, bây giờ ông hãy dẹp phiền não đi sẽ được giải thoát, sẽ được Bồ đề, tức là bỏ cái này sẽ được cái kia, đó là hai bên, giống như hai người mà ngầm ngầm thôi. Bởi bảo dẹp phiền não đi sẽ được Bồ đề, nghe như vậy thì thấy dễ làm, còn bảo ngay phiền não tức Bồ đề thì không biết sao. Nhưng phiền não dẹp đi đâu? Bỏ nó chỗ nào? Mới thấy đó là phương tiện của Phật, chứ sự thật phiền não có ngoài mình đâu, dẹp nó rồi bỏ nó đi đâu đây? Mà bỏ cho ai? Thì chính mình khởi chính mình dừng là xong chứ có dẹp đi đâu. Mình khởi được thì mình dừng được. Thí dụ như ai nói nặng mình, mình giận thì đó là phiền não.Còn biết giận là bậy, dừng lại thì thôi, có bỏ đi đâu? Cho nên đó là phương tiện còn đối đãi.

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ gã cùng tử trước hỏi lấy giá cả liền đến hốt phân. Người cha thấy con, thương xót và quái lạ. Lại một ngày khác ông ở cửa sổ xa thấy con ốm o tiều tuỵ, phân đất bụi bậm dơ dáy không sạch. Ông liền cởi chuỗi ngọc, áo tốt mịn màng cùng đồ trang sức, lại mặc áo thô rách trỉn dơ, bụi đất lấm thân, tay mặt cầm đồ hốt phân, bộ dạng đáng nể sợ, bảo những người làm rằng: "Các ngươi phải siêng làm việc chớ nên lười nghỉ!" Dùng phương tiện đó đặng đến gần người con.

GIẢNG:

Quí vị ở đây cho hốt phân thì chịu hay cho vàng bạc chịu? Gã cùng tử hốt phân thì chịu, nhưng trước hỏi lấy giá cả, tức là trả giá, thấy đáng thương không? Cả kho báu đó là của ai? Là của mình lại đi trả giá từng ngày thì mới thấy đau không? Trả giá, là nói lên cái gì? Đó là mong có được, tu mà có đắc quả có được đạo thì mới chịu, cho nên phải trả giá. Do đó người cha thấy con thương xót, cả gia tài đó vốn của mình không ai khác mà không dám nhận, bây giờ còn trả giá đi làm công!!! Trong nhà Thiền có câu chuyện Sơ Sơn đến hỏi Ngài Quy Sơn Đại An là:

-Câu có câu không như bìm nương cây, khi cây ngã bìm khô thì thế nào?

Câu có câu không tức là hai bên có không, giống như dây bìm leo bám vào cây, nhưng khi cây ngã rồi bìm khô tức là hai bên có - không nó ngã hết, dứt sạch hết thì thế nào? Bặt hết cả có - không thì còn gì nữa? Ngay đó Ngài Quy Sơn Đại An cười ha hả. Nếu ngay đây quí vị bặt hết có - không thì sao? Thì sung sướng biết mấy. Nhưng Sơ Sơn chưa hiểu, mới thưa:

- Con đã lặn lội từ xa ngàn dặm đến đây để học đạo. Hoà thượng đâu được đùa như vậy? Là còn trả giá, chớ ngay đó khéo nhận thì sung sướng quá rồi! Hai bên có - không mà bặt hết đó là gì? Là chân thật hiện tiền rồi, ngay đó nhận là xong, nhưng không chịu nhận, cho nên Ngài Quy Sơn nghe nói tới đó cười ha hả. Cười đó là nhắn ông ngay đó nhận là xong, nhưng Sơ Sơn chưa chịu, nên kể công đi từ xa ngàn dặm đến, đáng lẽ Hoà thượng phải dạy thế nào chứ!

Ngài Quy Sơn Đại An mới bảo thị giả:

- Hãy lấy mấy đồng tiền trả công giày cỏ cho Thượng tọa này đi.

Cho nên cái cười đó là đánh thức mình ngay đó phải tự nhận thôi. Đợi nói tức là trả giá, như ở đây gã cùng tử đó hỏi lấy giá cả rồi mới chịu hốt phân.

Rồi sao? Người cha thấy con thương xót, lại một ngày khác ông ở trong cửa sổ xa thấy con ốm o tiều tuỵ, phân đất bụi bặm dơ dáy, ông mới cởi chuỗi ngọc, áo tốt, mặc áo rách dơ giống nó gần nó thì nó mới chịu.

Đứng cửa sổ xa thấy con đó là ý gì? Đó là nói lên ngay cửa sáu căn này Phật tánh luôn luôn hằng hiển lộ, luôn luôn phóng quang, nếu không có nó mỗi người đâu có nghe, đâu có thấy; có nghe, có thấy rõ ràng là nó luôn phóng quang đó, nhưng mỗi người lại không chịu nhận.Cũng như ở đây ông Trưởng giả ở cửa sổ đứng nhìn đó, mà đứa con này có dám nhận đâu? Nhưng vì sao lại không chịu nhận? Bởi vì lo sống theo bụi trần, bị bụi bậm đó nó che. Mà che đó là che cái gì? Sự thật che đó là chỉ che bên ngoài thôi, chớ không làm nhiễm được Phật tánh đó. Nếu ai khéo nhận thì thấy rõ nơi các căn của mình thấy nghe hiểu biết đây, Phật tánh luôn luôn phóng hào quang sáng ngời mỗi ngày, chưa từng thiếu vắng. Ở trong sách Thiền có đoạn nói về Ngài Thần Tán lúc đầu ở với vị Bổn Sư tại một chùa nơi quê hương, nhưng vị Bổn Sư này tu hành chưa ngộ đạo nên Ngài bỏ đi học đạo, gặp Tổ Bá Trượng dạy cho. Sau đó Ngài ngộ đạo rồi, trở về với Bổn Sư ở nơi chùa cũ. Khi về Ngài cũng không nói học được gì hết, mà vẫn hầu hạ Thầy như cũ. Một hôm hầu Thầy tắm, Ngài kỳ lưng cho Thầy, khi kỳ lưng, Ngài lấy tay vỗ vỗ lưng vị Bổn Sư nói:

- Điện Phật đẹp mà Phật không thánh.

Vị Bổn Sư nghe nói vậy liền ngoái đầu ngó lại. Ngài Thần Tán mới bảo:

- Phật tuy không thánh, nhưng vẫn phóng quang.

Khi Ngài vỗ vỗ cái lưng đó nói: Điện Phật đẹp nhưng không thánh. Tức là ngay thân này có Phật, nhưng Phật không hiện được. Khi nghe nói như vậy, vị Bổn Sư ngoái đầu ngó lại, thì Ngài nói tiếp: "Tuy không thánh mà vẫn thường phóng quang". Vậy phóng ở chỗ nào? Nếu không có nó thì cái gì biết ngoái đầu ngó lại? Ngay đây mà nhận được thì thấy Phật liền. Cho nên Ngài nói không thánh mà thường phóng quang. Thấy được chỗ này là thấy Phật tánh hiện khắp nơi, cũng như ánh sáng thiền đó ở chỗ nào cũng có hết, ngay trong nhà tắm cũng có luôn. Nhưng ở đây còn chưa chịu nhận, cho nên ông Trưởng giả đứng cửa sổ dòm thôi, dòm rồi thì sao?

Bấy giờ ông mới cởi chuỗi ngọc châu báu đó, mặc áo dơ xấu, để cho gần với các tướng của nó, đến gần nó mới dễ nhận, đó là muốn nói lên cái gì? Cởi áo trân báu mặc áo thô xấu, đó là muốn nói Phật tánh sáng suốt nó ẩn trong thân nhơ nhớp của mình, Phật tánh thì nó không có những tướng sanh diệt này, nó cũng không có những tướng nhơ nhớp này, nhưng mà nó ẩn trong đây, trong thân chúng sanh này có Phật tánh. Đến gần đó mới bảo: "các ngươi phải siêng làm chớ có lười nghỉ, tức là nhắc: Thôi phải luôn tinh tấn để trở về với ông Phật đó, mà đây gọi là ráng siêng năng làm. Đó là Ngài dùng phương tiện để đến gần con khiến cho người con đó tin nhận, tức là muốn nói lên. Phật cũng là người, Tổ cũng là người, mà Ngài đã giác ngộ được, thì mình cũng là người, tại sao mình lại không? Cho nên ở đây Ngài mặc áo nhơ tức là áo người cũng như mình đó. Chính chỗ đó là chỗ ngầm đánh thức mọi người có niềm tin mạnh nơi mình, đều có đủ khả năng để giác ngộ. Trong đây cũng ngầm nói lên một ý nghĩa nữa là, nhắc cho mọi người khéo quên cái niệm nhơ-sạch đó, thì liền thấy Phật pháp thân sẵn nơi mình thôi. Nếu còn phân biệt là nhơ là sạch thì khó thấy được, bởi vì còn có niệm nhơ-sạch là còn thấy hai bên. Do đó có vị Tăng hỏi Ngài Vân Môn là:

- Thế nào là Phật?

Thì Ngài đáp:

- Que cứt khô!

Nếu hiểu theo phàm phu thì nghĩ, Ngài nói sao hỗn láo quá, nghĩ như vậy tức là sao? Là mình còn niệm nhơ-sạch. Ở đây Ngài đáp như vậy là khiến cho người đối diện đó quên cái niệm nhơ sạch, mà quên được niệm nhơ sạch thì ngay đó chính là Phật rồi .

Rồi Điều Ngự Giác Hoàng, cũng có lần vị Tăng hỏi Ngài là:

- Thế nào là pháp thân thanh tịnh?

Thì Ngài đáp:

                        Đục vàng rơi trong phân sư tử
                        Gã đen đúa vác bó hương thơm.

Nghĩa là:

Cái đục vàng nó rơi trong đống phân sư tử, còn người nhơ nhớp lại vác bó hương thơm.

Đục vàng là chỉ cho nó thanh tịnh, nó sạch, còn phân là chỉ cho cái nhơ. Cũng vậy, gã đen đúa vác bó hương thơm, hương thơm tức chỉ cho sạch, còn đen đúa chỉ cho dơ. Tức ngay đó mà quên niệm nhơ sạch thì thấy pháp thân, Ngài đáp khéo như vậy, mà người thường nghe những câu như vậy nói rằng: Ngài đáp sao mà có vẻ thô phải không? Nhưng khi mình nghĩ thô đó thì chính mình còn niệm thô-tế, nên không thấy được ý Ngài muốn chỉ. Như vậy ông Trưởng giả cởi áo tốt mà mặc áo nhơ là muốn đánh thức mọi người nhớ nơi mình, có Phật tánh sẵn nơi cái thân nhơ nhớp này, nếu khéo quên được niệm nhơ sạch thì thấy được pháp thân chân thật đó, nhưng muốn thấy được cái đó, thì cũng phải khéo tinh tấn mà sống trở về, nên ông nhắc là lo siêng năng.

Lúc sau lại bảo con rằng: "Gã nam tử này ngươi thường làm ở đây đừng lại đi nơi khác, ta sẽ trả thêm giá cho ngươi, những đồ cần dùng như loại bồn, chậu, gạo, bột, muối, dấm, người chớ tự nghi ngại. Cũng có kẻ tớ già hèn hạ, nếu cần ta cấp cho, nên phải an lòng, ta như cha của ngươi chớ có sầu lo".

Vì sao? Vì ta tuổi tác già lớn mà ngươi thì trẻ mạnh, ngươi thường trong lúc làm việc không lòng dối khi trể nãi giận hờn nói lời thán oán, đều không thấy ngươi có các điều xấu đó như các người làm công khác. Từ ngày nay nhẫn sau như con đẻ của ta. Tức thời Trưởng giả lại đặt tên cho cùng tử gọi đó là "Con".

GIẢNG:

Đến đây thấy vui được một phần và được Phật đặt tên cho là "Con". Bây giờ ông Trưởng giả bảo: Thôi ngươi đừng đi đâu nữa, ở đây làm rồi ta sẽ trả thêm giá cho ngươi. Đó muốn nói lên ý gì? Đây muốn nói, chỉ nên hằng sống ngay đây thôi, đừng cầu thêm gì khác nữa, và cũng là muốn cho mình quên chỗ cũ đi, tức là những tập khí cũ, quên cái mình có sở đắc, cái học hiểu những kiến giải, mà hãy nhận ngay đây, chớ đừng thêm gì nữa. Chỗ này cũng giống như trong nhà Thiền có đoạn Ngài Tông Nguyên bảo với Ngài Đạo Khiêm. Ngài Đạo Khiêm ở với Ngài Đại Huệ một thời gian dài mà chưa ngộ đạo. Một hôm Ngài Đại Huệ sai đem thơ cho một người ở xa, thì Ngài Đạo Khiêm mới than: "Ta cả đời học đạo mà chưa có xong gì hết, nay lại phải đi trên đường xa nữa thì công phu tu sẽ bị tổn thất đi!" Cho nên Ngài Đạo Khiêm không muốn đi, thấy vậy Ngài Tông Nguyên là bạn mới khích lệ nói rằng:

- Không thể nói trên đường đi lại không có thể tham thiền được, huynh hãy đi tôi sẽ cùng đi với huynh.

Trên đường đi Ngài Đạo Khiêm lại than lần nữa:

- Tôi cả đời học đạo mà chưa được gì hết, bây giờ còn phải đi đường dài xa như vầy, thì công phu bị tổn thất hết, không biết rồi sẽ ra sao đây!

Nghe nói vậy Ngài Tông Nguyên mới bảo:

- Từ trước đến giờ có điều gì mà huynh nhận từ các Ngài, như Ngài Viên Ngộ v.v… thì bây giờ chẳng cần nhận đến nữa mà hãy gạt qua một bên đi, ở trong đây có việc gì cần giúp thì tôi sẽ làm giúp hết cho huynh. Nhưng chỉ có năm việc huynh phải tự làm là đi đại, đi tiểu, ăn cơm, mặc áo, "chính huynh là người phải tự mang lấy thây thúi này trên suốt quãng đường đi". Khi nghe tới đó Ngài Đạo Khiêm liền tỏ ngộ. Ở đây muốn nói lên cái gì? Khi Ngài Tông Nguyên nói: Có những điều gì mà huynh nhận được từ các Ngài như Ngài Viên Ngộ và những việc mà tôi giúp huynh được nhưng cũng là được những cái bên ngoài. Còn những cái ăn cơm, mặc áo, đi đại, đi tiểu thì chính huynh phải tự nhận thôi và nhất là huynh phải mang cái thây thúi này trên suốt quảng đường đi. Là Ngài muốn nói chính mình phải tự nhận, chính mỗi người phải mang cái thây thối này trên suốt quảng đường đời này, chớ không ai mang thế cho mình hết, thì phải nhận ra cái đó thôi, cái đó phải chính mình nhận không ai nhận cho mình được; hiểu cái đó thì thấy được ở đây, bảo là thôi ông đừng đi nơi khác, đừng nhận gì khác nữa mà phải khéo dừng nơi đây thôi.

Rồi ông nói thêm còn có cần gì đó thì ta sẽ cho ngươi hết, bây giờ an lòng đi, coi ta như cha đẻ, tức là sao? Tức là muốn nói lên nếu mình chịu dừng lại đó, là được thầm thọ ký cho rồi, cũng như đây bảo dừng lại đó, coi ta như cha đẻ của ngươi, là nhận làm con rồi, nghĩa là thôi thôi đừng chạy lang thang nữa thì ngay đó là chỗ thầm thọ ký của Phật! Kế đặt tên cho cùng tử là "con", thành ra nói cha, nói con là sao? Đó cũng là phương tiện đặt tên thôi. Ở đây nói con chỉ là cái tên đặt cho thôi, mình phải thấy được ý đó, khiến cho chúng ta phải có cái nhảy, tức là phải nhảy qua ranh giới cha con đó, còn thấy có cha, có con là còn thấy có mình, có Phật, có chúng sanh, có mê, có ngộ, cũng còn chưa hết lầm. Bởi vì sao? Bởi vì Thanh văn, Duyên giác hay Bồ Tát, thì cũng đồng một pháp tánh chân thật đó thôi, nghĩa là cho dù có nói là Thanh văn, là Duyên giác hay là Bồ Tát, thì cũng đồng một nguồn bất sanh bất diệt đó, đồng một nguồn sáng ngời từ muôn thuở đó, không ai thiếu hết thì nói gì là cha là con?

Khi đó gã cùng tử, dầu mừng việc tình cờ đó song vẫn còn cho mình là khách là người làm công hèn vì cớ đó mà trong hai mươi năm thường sai hốt phân, sau đó lòng gã mới lần thể tin ra vào không ngại sợ, nhưng chỗ gã ở cũng vẫn nguyên chỗ cũ.

GIẢNG:

Được gọi là con rồi, cũng còn tự thầm thầm cho mình là khách, chưa dám nhận gia tài đó là của mình nữa, rồi cũng phải chịu hốt phân, đó là ý nghĩa rất là sâu xa! Sao vẫn gọi là con rồi mà còn coi là khách? Hai mươi năm đó cũng sai hốt phân, chỗ ở cũng nguyên chỗ cũ, chỗ cũ là chỗ nào? Ý nói tuy thầm được thọ ký rồi, nhưng mà cũng còn nhiều năm công phu, còn phải gạn lọc rồi mới dần dần tự tại ra vào được, chớ không phải được thọ ký là xong. Ở đây tuy gọi là con nhưng tập khí cùng tử vẫn còn, cũng còn cho mình là khách, nghĩa là tư cách của người làm công đó chưa quên được, vẫn còn tư cách thói quen của người làm công, cho dù muốn làm ra vẻ ông chủ có giống không? Có khi làm dáng ông chủ còn thấy tức cười, lố bịch nữa, làm không tự nhiên. Đây là điều răn mình chưa thật tự tại thì đừng làm ra vẻ tự tại, để người ta thấy mình không thật tự tại thì thành lố bịch. Bởi tập khí của người làm công nó quen rồi, bây giờ tuy được nhận là con, nhận thì nhận chớ còn những thói quen đi đứng nói năng giống như người làm công thôi. Mình cũng vậy, ngay đây có tỏ ngộ được thọ ký đó, nhưng tập khí chúng sanh vẫn còn, lâu lâu cũng hiện ra nên phải gạn lọc thời gian mới xong. Ông Trưởng giả biết được điều đó, nên ngay đó ông không giao gia tài cho liền, nghĩa là phải đợi thời gian là còn sai hốt phân. Hốt phân tức là gạn lọc những tình chấp, những kiến giải hai bên, gạn hết mấy cái đó đi rồi mới được giao gia tài cho. Do đó trong nhà Thiền khi có người tỏ ngộ rồi thì các Tổ thường dặn: "Ông khéo hộ trì, khéo bảo dưỡng".

Khéo hộ trì, khéo bảo dưỡng đó là khéo giữ gìn cho nó không bao giờ mất, cho nó được sống trọn vẹn trong đó không chạy lọt, thì mới thật là viên mãn.

CHÁNH VĂN:

Thế Tôn! Bấy giờ Trưởng giả có bệnh, tự biết mình không bao lâu sẽ chết mới bảo cùng tử rằng: "Ta nay rất nhiều vàng bạc, trân báu, kho đụn tràn đầy, trong đó nhiều ít chỗ đáng xài dùng, ngươi phải biết hết đó. Lòng ta như thế, ngươi nên thể theo ý ta".

Vì sao? Nay ta cùng ngươi bèn là không khác nên gắng dụng tâm chớ để sót mất.

Khi ấy cùng tử liền nhận lời bảo lãnh biết các của vật, vàng, bạc, trân báu và các kho tàng, mà trọn không có ý mong lấy của đáng chừng bữa ăn, chỗ của gã ở vẫn tại chỗ cũ, tâm chí hạ liệt cũng chưa bỏ được.

GIẢNG:

Từ trước đến giờ tuy nhận là con mà chưa cho biết, bây giờ tập cho quen dần biết hết những cái đó, nhưng gã cùng tử tuy được như vậy, mà cái mừng đó cũng không có ý mong lấy, giá trị đó đáng chừng bữa ăn thôi, chỗ của gã ở vẫn tại chỗ cũ, tâm trí hạ liệt cũng chưa bỏ được hết, tức là sao? Tức là chỗ này đã thực có sức thọ dụng rồi, là có phần đạo lực trong đó, nhưng cũng không có ý mong cầu, lấy của đó giá trị đáng chừng bữa ăn thôi, vì cái này là cái đã từng sống trong đó, sống hàng ngày không phải cái gì khác mới có. Tuy vậy mà còn chưa quên được chỗ cũ, nghĩa là ở đây tuy có chỗ thọ dụng đó rồi mà chưa quên được chỗ dùng. Cho nên còn phải giữ gìn nữa, giữ gìn không để cho nó sót mất. Tức là khi tu đến chỗ thường giác, người bình thường tu đến đây là hay rồi, nhưng còn cái thường giác là sao? Còn có cái giác để thường giác là giác cái gì? Giác là giác cái mê mà còn thường giác là còn chưa hết mê cho nên mới thường giác, như vậy là chưa thật tột. Người tu thiền phải hiểu thật kỹ để không có lầm lẫn. Thiền Sư Hân ở Dũng Tuyền, một hôm Ngài thượng đường bảo:

- Ta 49 năm ở tại chỗ này mà còn có lúc chạy lọt, bọn các ông chớ có mở miệng to, kẻ kiến giải thì nhiều, còn người hạnh giải thì trong muôn người mới có một.

Ngài nói trong 49 năm ở tại chỗ này có lúc còn chạy lọt nữa, huống nữa là mình, cho nên bọn ông chớ ăn to nói lớn. Nhiều khi có những vị học thiền sáng được chút ít gì đó, rồi liền ăn to nói lớn, thấy giống như mình là Tổ rồi, sự thật có lúc nó cũng chạy lọt, mà cái gì chạy lọt? Tức “tâm trộm” của mình, nó lén lén nó chạy, nên Ngài nói kiến giải thì nhiều mà hạnh giải thì ít, nghĩa là thấy được thì nhiều nhưng mà sống được thì ít, chớ không phải đơn giản, đó là nhắc nhở mình.

Cũng vậy Hoà thượng Quy Sơn có lần hỏi Ngài Ngưỡng Sơn:

- Này Huệ Tịch, tâm thức của ông nó vi tế lưu chú không đến đã được mấy năm rồi?

Ngưỡng Sơn chưa vội đáp, hỏi lại:

- Hoà thượng không đến đã được mấy năm rồi?

Ngài Quy Sơn đáp:

- Lão Tăng không đến đã bảy năm rồi.

Ngài Quy Sơn lúc đó đã bảy mươi tuổi.

Ngài Ngưỡng Sơn thưa:

- Huệ Tịch con chính đang náo loạn.

Đó là lời nói thật thà, đây là chỗ sống thực chớ không phải là chỗ muốn nói sao cũng được. Ví dụ nói tự tại mà có thật là tự tại không đó là chuyện khác.

Ở chỗ này Ngài Đại Huệ có lời bình:

Lấy đây mà xét chỗ này lấy thô tâm nói không để mà dối nhau được chăng? Thật ra phải là người có lực lượng lớn mới được.

Mình hời hợt bảo tâm thức đó không đến, nói vậy được chăng? Quả thật người có lực lượng lớn mới được, nghĩa là phải có đạo lực thật sự, chớ không phải chuyện đơn giản. Đây là muốn nói lên hạnh và giải phải tương ứng, tức là cái hiểu và cái sống phải hợp với nhau mới được, chớ đừng vội nói lên lý suông, mở miệng nói ra như là Thánh, nhưng sự thật thì hạnh vẫn là phàm phu thì chưa phải. Do đó cùng tử tuy được như vậy mà chỗ ở vẫn tại chỗ cũ, tâm chí hạ liệt cũng chưa bỏ được tức là những tập khí cũ chưa sạch hết.

CHÁNH VĂN:

Lại trải qua ít lâu sau, cha biết ý chí con lần đã thông thái trọn nên chí lớn, tự chê tâm ngày trước. Đến giờ sắp chết, ông gọi người con đến và hội cả thân tộc, quốc vương, quan đại thần, dòng sát lợi, hàng cư sĩ, khi đã nhóm xong, ông liền tự tuyên rằng: "Các Ngài nên rõ, người này là con ta, của ta sanh ra, ngày trước sanh trong thành nọ, bỏ ta trốn đi, nỗi trôi khổ sở hơn năm mươi năm, nó vốn tên ấy, còn ta tên ấy. Xưa ta ở thành này lòng lo lắng tìm kiếm, bỗng ở nơi đây gặp đặng nó. Nó thiệt là con ta, ta thiệt là cha nó. Nay ta có tất cả bao nhiêu của cải, đều là của con ta có, trước đây của cải cho ra thâu vào, con ta đây coi biết".

Thế Tôn! Khi đó gã cùng tử nghe cha nói như thế, liền rất vui mừng được điều chưa từng có, mà nghĩ rằng: Ta vốn không có lòng mong cầu, nay kho báu này tự nhiên mà đến.

GIẢNG:

Đến đây là trao gia tài. Trải qua thời gian, khi cha biết ý chí của con có chí lớn, tự chê tâm ngày trước, tức là quên tâm hẹp đó, bây giờ sắp chết ông liền hội hết bà con thân tộc đại thần để tuyên bố: đây chính là con thật của ta, không phải như trước kia nhận làm con thôi. Con mà có chí lớn tự chê tâm ngày trước là chỉ cho quên những tập khí cũ, quên tâm sai biệt, tâm nhỏ hẹp đó, thực sống với tâm Phật này, nên bây giờ mới hội họp thân tộc vua quan để tuyên bố, “nó chính là con ta”. Tới đây là thời tiết đã chín mùi, nghĩa là cái tâm đã thuần thục rồi, đến chỗ này cũng giống như là trâu trắng sờ sờ đuổi cũng không đi, như vậy mới thật là tự tại, sử dụng được kho báu của mình. Còn bây giờ không đuổi mà nó chạy hồi nào mất rồi. Ở đâây đuổi cũng không đi nữa. Nhưng để chứng minh cho việc này thì phải hội họp bà con thân tộc vua quan lại, mà hội họp bà con thân tộc lại là chỉ cho cái gì? Thứ nhất là chỉ cho mọi niệm thu hết trở về một chỗ, thì mới chứng minh cho việc đó. Thứ hai đây là lẽ thật hiện bày sờ sờ đó, không có chút gì giấu giếm mập mờ nữa hết. Đêán đây mới thật sự là an tâm.

Quí vị thấy, nghe dễ mà sống được thật không đơn giản chút nào phải không? Nếu ban đầu nói kiểu này không ai dám tu, cho nên phải nói chính ông là Phật đó thôi. Nhưng mà sống được chỗ đó thì cần có thời gian.

Rồi thì sao nữa? Vị cùng tử đó mừng chưa từng có mà nghĩ rằng: ta vốn không có lòng mong cầu, nay kho tàng báu này tự nhiên mà đến. Tức ở đây là chỉ cho chỗ tự chứng, tự cảm thông thôi không thể nghĩ bàn đến được. Cái này không phải do mình tạo tác mà thành. Nói tự nhiên đến, không phải là để tự nhiên thôi không cần tu hành gì, mà đây nói lên chỗ sẵn nơi mình không phải do tạo tác, đó là cái sẵn ở ngay tự tánh và như vậy thì còn gì mà có được có mất? Còn thấy có được có mất là còn thấy có cái bên ngoài, còn đây là sẵn nơi mình rồi thì không còn có niệm được mất nữa. Do đó Ngài Nham Đầu bảo Tuyết Phong là:

- Phải từ hông ngực mà lưu xuất, thì sau này ông sẽ cùng ta che trời che đất mà đi.

Từ trong hông ngựa mà tuôn ra: Tức là phải vượt qua tất cả những cái bên ngoài, từ bên trong sống dậy không còn có cái gì để nương tựa hết, thì đến đó mới thật sự là ứng dụng một cách tự nhiên, không còn tưởng là cha là con gì nữa, cũng không còn tưởng dùng, bao nhiêu của báu đó sẵn nơi mình thôi, là sẵn dùng cần gì phải tưởng dùng. Còn tưởng dùng, là cũng còn có một niệm nhỏ cách biệt trong đó. Giống như cái tay của mình đây, cần cầm gì thì cầm thôi, chớ mình nghĩ tôi dùng tay này để cầm ly, thì như vậy là sao? Thì biến cái tay thành ra cái thứ hai rồi, mình nghĩ phải dùng tay này để cầm ly thì còn một lớp cách, còn sẵn có tay rồi khi cần thì cầm thôi, mới thật sự là tự nhiên. Chỗ đó là chỗ chưa từng có, ngoài tưởng tượng phân biệt. Như vậy các ngài nói lên thí dụ này, là để trình chỗ tín giải của mình với Phật. Đoạn kế là đoạn các Ngài hợp pháp lại thí dụ đó, qua phần hợp pháp rồi phần kế mới đến Phật thọ ký.

CHÁNH VĂN:

Thế Tôn! Ông phú Trưởng giả đó là Đức Như Lai, còn chúng con đều giống như con của Phật. Đức Như Lai thường nói chúng con là con.

Thưa Thế Tôn! Chúng con vì ba món khổ nên ở trong sanh tử chịu các sự đau đớn mê lầm không hiểu biết, ưa thích các pháp tiểu thừa. Ngày nay Đức Thế Tôn khiến chúng con suy nghĩ dọn trừ những phân dơ các pháp hí luận. Chúng con ở trong đó siêng gắng tinh tấn đặng đến Niết Bàn, cái giá một ngày. Đã đặng đây rồi lòng rất vui mừng tự cho là đủ, mà tự nói rằng: Ở trong pháp của Phật, do siêng năng tinh tấn nên chỗ đặng rộng nhiều.

Nhưng Đức Thế Tôn trước biết chúng con lòng ưa muốn sự hèn tệ, ham nơi pháp tiểu thừa, chúng con bèn bị Phật buông bỏ chẳng vì phân biệt rằng: Các ông sẽ có phần bửu tàng tri kiến của Như Lai.
Đức Thế Tôn dùng sức phương tiện nói bày trí huệ của Như Lai. Chúng con theo Phật đặng giá Niết bàn một ngày, cho là đặng nhiều rồi, đối với pháp đại thừa này không có chí cầu. Chúng con lại nhơn trí huệ của Phật, vì các vị Bồ Tát mà chỉ bày diễn nói, nhưng chính tự mình lại không có chí muốn nơi pháp đó.

Vì sao? Đức Phật biết chúng con ưa nơi pháp tiểu thừa, nên dùng sức phương tiện thuận theo chúng con mà nói pháp, chúng con không tự biết thật là Phật tử. Ngày nay chúng con mới biết Đức Thế Tôn ở nơi trí huệ của Phật không có lẫn tiếc.

Vì sao? Chúng con từ xưa đến nay thật là Phật tử mà chỉ ưa nơi pháp tiểu thừa, nếu chúng con có tâm ham đại thừa thời Phật vì chúng con mà nói pháp đại thừa. Ở trong kinh này chỉ nói pháp nhứt thừa. Lúc xưa Đức Phật ở trước Bồ Tát chê trách Thanh văn ham pháp tiểu thừa. Nhưng Đức Phật thiệt dùng đại thừa để giáo hoá, vì thế nên chúng con nói vốn không có lòng mong cầu mà nay báu lớn của đấng Pháp Vương tự nhiên đến, như chỗ nên đặng của Phật tử đều đã đặng đó.

GIẢNG:

Đây là phần hợp pháp lại.

Ông phú Trưởng giả đó là đức Như Lai, còn chúng con là con của Phật, cho nên đức Như Lai thường nói chúng con là con. Như vậy Trưởng giả là chỉ cho Như Lai, nhưng cũng chỉ cho tâm chân thật. Còn con Trưởng giả chỉ cho các Ngài mà cũng chỉ cho chúng ta nữa. Về lý, tâm lang thang đây đó của mình là chỉ cho con, còn tâm chân thật đó gọi là cha, là Trưởng giả.

Đây chúng con vì ba món khổ nên ở trong sanh tử chịu các sự đau đớn mê lầm không hiểu biết, ưa thích các pháp tiểu thừa. Ngày nay Thế Tôn dạy khiến chúng con suy nghĩ dọn trừ những phân nhơ các pháp hí luận.

Ở đây chỉ cho chúng ta luôn mắc kẹt trong ba món khổ, vì kẹt trong khổ đó, nên trước tiên là mong thoát khổ trước đã rồi sau đó muốn nói gì thì nói. Ba món khổ đó là ba món gì? Tức là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.

- Khổ khổ là sao? Nó mang hai chữ khổ luôn. Tức mình mang cái thân hữu lậu vô thường này là cái khổ rồi, trong đó còn có pháp bất như ý luôn luôn nó bức bách thân tâm của mình nữa.

- Hoại khổ là sao? Là chỉ cho pháp gọi là lạc thọ, cái kia khổ thọ là mình thọ nhận cái điều bất như ý là khổ rồi. Nhưng cái lạc thọ cũng là cái khổ nữa. Vì theo đây cái lạc thọ là điều như ý nhưng mà nó sanh thì mình vui, khi nó hoại thì cũng bức bách thân tâm mình khổ nữa, lúc có nó thì mình vui, khi nó qua rồi lại khổ nữa. Thấy tưởng đâu là vui, nhưng sự thật nó là gốc đưa đến cái khổ. Thí dụ như quí vị gặp cái gì vui quá khi qua rồi nhớ lại còn tiếc nên thấy khổ.

- Hành khổ là sao? Là pháp chỉ cho xả thọ, ở trên nói khổ, vui cũng đều là khổ hết. Ở đây xả là bình thường không khổ không vui, nhưng cũng do duyên mà tạo tác, nên nó cũng dời đổi, nó không luôn luôn ở trạng thái xả thọ hoài, mà nó là sanh diệt. Cho nên có lúc nó cũng bức bách thân tâm này, vì vậy đối với bậc thánh thì thấy cũng đều là khổ hết. Tóm lại thọ khổ, thọ vui hay là thọ bình thường không khổ không vui đều là khổ hết. Dù nó bình thường thì cũng bình thường trong một giai đoạn nào đó thôi, là cũng trong giai đoạn chuyển biến, chuyển biến rồi cũng đưa đến vô thường nó bức bách thân tâm mình, vậy cho nên đều là khổ hết.

Người học Phật ban đầu học đến đây, thấy đạo Phật nói cái gì nghe cũng khổ hết, thấy chán hết muốn sống phải không? Hiểu kiểu đó là hiểu một bên, chưa hiểu hết được của đạo Phật. Bởi vì đây trước tiên là Phật chỉ ra lẽ thật, nói ra lẽ thật cho mình thấy rõ cuộc đời thế gian nó là khổ như vậy đó, mình nhận rõ một cách đúng đắn rồi, sau đó Phật mới chỉ ra con đường thoát khổ. Còn như mình chưa nhận đúng đắn, thì dù cho có chỉ ra mình cũng chưa tin nữa, bởi vì cho nó là vui rồi thì đâu chịu nghe nữa. Cho nên ở đây trước tiên là phải nhận rõ một cách kỹ càng thấy khổ là chân thật khổ rồi, thì Phật mới chỉ ra con đường thoát khổ. Bởi vậy nói khổ là để đưa đến chỗ dứt khổ, chớ không phải nói vậy để mình chán. Nhưng người nghiên cứu học Phật hiểu một bên tức hiểu theo một chiều thì thấy đạo Phật nói cái gì cũng khổ hết, khiến cho người ta nghe thành chán đời, đó là chưa hiểu hết đạo Phật.

Thì ở đây các Ngài nói rõ, tất cả mình vì ba món khổ đó, cho nên chịu trong sanh tử, bây giờ đây căn bản ban đầu chỉ là thoát khổ. Tu để thoát khổ thôi, ít ai nghĩ tu là giải thoát để giáo hoá chúng sanh. Tức giải thoát cái khổ của mình trước. Nên ở đây các Ngài cũng nói lên tâm trạng đó, là ưa thích pháp tiểu thừa thôi.

Do đó mà bấy giờ Thế Tôn dạy cho chúng con dọn trừ những phân dơ các pháp hý luận, cho nên chúng con trong đó siêng năng tu hành được Niết Bàn, nhưng Niết Bàn cái giá một ngày thôi. Dọn phân dơ hý luận đó là gì? Đó là những tâm phân biệt: Lấy - bỏ, phải - quấy, hơn - thua đó, những phân dơ hý luận đó dẹp sạch rồi thì mới sống trong chỗ chân thật được. Cho nên ở đây Ngài ví dụ rõ ràng cho thấy chúng ta bởi vì tập khí sai lầm đó, nó mê lầm lâu đời, nên bây giờ đây tuy là gặp Phật, biết có sẵn tâm chân thật đó, nhưng mà còn phải dọn những cái phân nhơ hý luận, chớ đâu phải liền đó sống ngay được. Nghĩa là gặp được rồi đó, nhưng mà còn phải dọn dẹp, chớ không phải gặp rồi là sống được liền. Vì những thứ lâu đời tập quen rồi, không thể một sớm một chiều mà dứt được, do đó phải siêng năng tinh tấn. Siêng năng tinh tấn được đến Niết Bàn, nhưng trong đây Niết Bàn cái giá có một ngày. Tức đây chỉ là phương tiện thôi, thật sự tự tánh nó vốn Niết Bàn rồi, thì đâu có gì được có gì mất, nhưng ở đây do mình mê lâu đời rồi, không nhận ra được, bây giờ do công phu siêng năng tu hành mới chứng nhận được điều đó, rồi mình tưởng đâu là do công phu mình tu nên chứng được Niết Bàn đó. Nhưng muốn chứng Niết Bàn đó sống cho trọn vẹn thì phải cần có thời gian. Cho nên ở đây nói như vậy đó chỉ cái giá một ngày, muốn sống được trọn vẹn là sao? Tức là phải lo dọn dẹp những phân nhơ đó thì mới sống trọn vẹn được. Thì ở đây để mình thấy rõ được chỗ đó, nghĩa là Niết Bàn này không phải chỗ mình dừng ở lâu được, nó mới có một bên, mà ở trong đó mình còn khởi lên cái thần thông diệu dụng mình đi khắp trong sanh tư,û qua lại cả trong sáu trần thật tự tại mà vẫn không rời Niết Bàn, thì đó mới là thật sự. Đâây là ngăn ngừa cái niệm mới được đã cho là đủ, là nhắc nhở người tu mới được chút ít mà tự mãn là không phải.

Các Ngài nói: “Ở trong pháp của Phật, do siêng năng tinh tấn nên chỗ đặng rộng nhiều”, tức là sao? Tức các Ngài thấy do công phu siêng năng mới được, mà như vậy là nói lên điều gì? Do công phu siêng năng tinh tấn cho nên được, là do công phu mà được thì cái được đó chưa phải thật, nên mới gọi Niết Bàn cái giá một ngày, chứ còn tự tánh Niết Bàn nó sẵn tự bao giờ rồi, thì do công phu gì được, nhưng bởi vì chưa tới thời nên Thế Tôn chưa nói.

Vì vậy đây mới nói là Đức Thế Tôn trước biết chúng con lòng ưa muốn sự hèn tệ, ham nơi pháp tiểu thừa, cho nên chúng con bị Phật buông bỏ, chẳng có phân biệt mà nói rằng: các ông sẽ có phần bửu tàng tri kiến của Như Lai. Thế Tôn biết trước nhưng mà chưa có nói liền, tức là Ngài biết trước mình có đủ cái đó chớ không thiếu, nhưng phải đúng thời, mới khéo nhận được, đây các Ngài nói thêm:

“Đức Thế Tôn dùng sức phương tiện nói bày trí huệ của Như Lai, rồi chúng con theo Phật được Niết Bàn giá một ngày đó, cho là đặng nhiều rồi, đối với pháp đại thừa không có lòng mong cầu, tuy rằng cũng nhơn trí huệ Phật đó nói cho các vị Bồ Tát, nhưng mình không muốn”. Chỗ này nghe có lạ không? Tại sao nói cho các vị Bồ Tát tu mà mình thì không muốn? Nói nhưng chưa sống đến chỗ đó còn cho là của người. Như Lai dùng phương tiện nói bày trí huệ Phật là luôn luôn có gợi ý cho mình mà mình không nhận, nhưng mình vẫn sống trong đó mà không hay, rồi có khi mình nói gần gần giống như vậy đó, mà cũng chưa sống được.

Các Ngài giải thích vì sao? Vì Đức Phật biết chúng con ưa pháp tiểu thừa nên dùng sức phương tiện thuận theo mà nói thôi. Tức là Phật biết mình còn có tâm hạn hẹp đó, bây giờ nói thẳng ra thì chưa nhận được, cho nên phương tiện nói như vậy. Bây giờ mới biết đức Thế Tôn ở nơi trí huệ Phật không lẫn tiếc, Ngài không giấu giếm gì hết, chỉ là mình không khéo nhận vì tâm hạn hẹp này chưa đến được, nhưng khi đến được rồi thì thấy rõ ràng. Các Ngài mới nói thêm:

Vì sao? Chúng con từ xưa đến nay thật là Phật tử mà chỉ ưa nơi pháp tiểu thừa, ưa pháp nhỏ, tâm còn hạn hẹp đó, cho nên không có tâm ham đại thừa, do đó mà Phật chưa nói thôi, chớ không phải Phật giấu. Rồi mới thuật lại: Lúc xưa Phật ở trước Bồ Tát chê trách Thanh Văn ham pháp tiểu thừa.

Đọc chỗ này nhiều vị hiểu lầm, cho Phật chê trách Thanh văn tu mà còn nghiêng một bên, trầm không trệ tịch, như mất phần hạt giống Bồ Đề, là Phật gạt bỏ qua một bên, nhưng không phải, ở đây Phật chê trách đó là để chi? Đó là khích lệ để cho mình bỏ tâm niệm đó mà vươn lên, chớ không phải chê trách là gạt bỏ coi như mình vô phần, hiểu như vậy mới thấy được ý của Phật. Như vậy rõ ràng ai ai cũng đều có hết, Phật không giấu gì hết, đó là cái sẵn nơi mình mà mình không tự nhận, mình mê tự chối bỏ thôi. Đây coi như một lẽ thật mà lẽ thật này không của riêng ai, vậy thì Phật giấu giếm cái gì? Đâu phải cái đó của riêng Ngài đâu mà Ngài giấu. Trong sử có ghi có lần Ngài Pháp Hội hỏi Mã Tổ:

- Thế nào là ý Tổ Sư từ tây sang?

Mã Tổ bảo:

- Ông hãy nói nhỏ, lại gần đây ta nói cho nghe!

Mình nghe như vậy tưởng đâu có cái gì quí Ngài giấu, nói lớn sợ người khác nghe nên mới bảo nói nhỏ.

Pháp Hội đến gần, bất ngờ Tổ tát cho một tát, bảo:

- Chẳng thể nói cho người thứ ba biết, thôi ông hãy đi, ngày mai đến.

Hôm sau Pháp Hội một mình vào trong pháp đường thưa:

- Bây giờ xin Hoà thượng nói.

Tổ bảo:

- Ông hãy đi, đợi lão Tăng thượng đường, ông hỏi, ta sẽ vì ông chứng minh cho.

Bỗng nhiên Pháp Hội liền tỉnh ngộ thưa:

- Xin lễ tạ đại chúng chứng minh.

Câu chuyện đơn giản, người ngoài đọc thấy giống như Tổ nói chuyện đâu đâu, có gì đó Ngài giấu, tại sao không chịu nói thẳng, cứ nói bóng gió, hỏi như vậy không chịu nói hẹn ngày mai, ngày mai hẹn nữa, đợi ra thượng đường rồi ra hỏi, nhưng Ngài Pháp Hội nhận lãnh được ý đó liền, cho nên Ngài thưa là: "Xin lễ tạ đại chúng chứng minh".

Khi nghe Tổ bảo “ông hãy nói nhỏ lại gần đây ta nói cho nghe”, Ngài Pháp Hội tới, Tổ tát cho một tát rồi nói tiếp: “chẳng có thể cho người thứ ba biết”. Tức là sao? Tức là cái này không phải là cái để diễn tả, mà không cho người thứ ba biết, vì cái này không để cho tình thức phân biệt chen vào được, như câu chuyện bà già đốt am đó. Ông Tăng nói:" Tôi biết, cô biết, đừng cho bà già đó biết". Tức không cho người thứ ba biết, không cho tình thức phân biệt xen vào. Đâây là nói lên sự thật rõ ràng bày trước mắt mình nó sờ sờ đấy thôi, không giấu giếm gì hết, nhưng mình không nhận, do đó Tổ bảo rằng:

- Hãy đợi ta thượng đường, tức là khi lên thuyết pháp, giữa có đại chúng, thì ta chứng minh cho ông.

Là ý Ngài nói: Cái đó nó hiện bày trước mặt không giấu giếm gì hết, nó không phải của riêng ai, mà tất cả ai ai cũng có.

Do đó, khi nghe Tổ nói vậy thì Ngài Pháp Hội lãnh hội được ý đó nên Ngài nói: "Xin lễ tạ đại chúng chứng minh".

Như vậy để thấy Phật Tổ không giấu giếm gì mình, chỉ vì mình còn mê thôi. Do đó ở đây khi các Ngài nhận rõ điều đó rồi, rất vui mừng nên nói rằng:

- Chúng con nay không có lòng mong cầu, mà nay báu lớn của đấng Pháp Vương tự nhiên đến, như chỗ nên đặng của Phật tử đều đã đặng đó.

Chữ Phật tử ở đây nghĩa rộng hơn nhiều, không phải Phật tử thường thường như mình bây giờ, mà chỉ cho các vị Bồ Tát, bởi vì các Ngài là Thanh văn ở đây chưa dám nhận mình là Phật tử. Ở trước thấy, Bồ Tát mới đích thân là con Phật, còn các Ngài là Thanh văn chưa có phần đó. Nhưng bây giờ Phật nói tất cả Thanh văn đều được thọ ký có phần đó, nên bây giờ các Ngài mới nói mình thật sự là Phật tử. Phật tử có nghĩa sâu như vậy. Bây giờ các Ngài mới trùng tuyên lại nghĩa đó.

[ Quay lại ]