headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 10/09/2024 - Ngày 8 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH DUY MA CẬT: III- PHẨM ĐỆ TỬ: A-NA-LUẬT

TongiaAnaluatChánh văn:

Phật bảo ngài A-na-luật:

- Ông đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.

Ngài A-na-luật bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ lại ngày xưa, ở một chỗ đi kinh hành, khi đó có Phạm vương tên là Nghiêm Tịnh cùng với muôn vị Phạm vương phóng hào quang sáng suốt, đến chỗ của con cúi đầu làm lễ, hỏi con: "A-na-luật, thiên nhãn của ngài thấy xa được bao nhiêu?" Con liền đáp rằng: "Này nhân giả! Tôi thấy cõi tam thiên đại thiên thế giới của đức Phật Thích-ca-mâu-ni này như xem trái am-ma-lặc ở trong lòng bàn tay."

Khi đó ông Duy-ma-cật đến hỏi con: "Thưa ngài A-na-luật, thiên nhãn của ngài thấy, là làm ra tướng mà thấy hay không làm ra tướng mà thấy? Giả sử làm ra tướng thì cùng với ngũ thông của ngoại đạo không khác. Nếu không làm ra tướng ấy là vô vi, vô vi thì không nên có thấy."

Bạch Thế Tôn! Khi ấy con lặng thinh. Những vị Phạm vương kia nghe lời nói này rồi thì được chưa từng có. Liền làm lễ mà hỏi rằng: "Ở trên đời này ai có được chân thiên nhãn?"

 Ông Duy-ma-cật đáp: "Có đức Phật Thế Tôn được chân thiên nhãn, thường ở trong chánh định, thảy đều thấy các cõi chư Phật không do hai tướng."

Khi ấy, Phạm vương Nghiêm Tịnh và quyến thuộc năm trăm vị Phạm thiên đều được phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lễ dưới chân ông Duy-ma-cật, bỗng nhiên biến mất. Cho nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.

 Giảng:

Đoạn này chúng ta thấy cái nhìn của cư sĩ Duy-ma-cật khác với tôn giả A-na-luật. Tôn giả A-na-luật được thiên nhãn, thấy thế giới đức Phật Thích-ca giáo hóa không chỉ cõi Ta-bà, mà cả tam thiên đại thiên thế giới, giống như nhìn trái ổi hay trái xoài trong lòng bàn tay rõ ràng không khác. Cái thấy đó quá sức tưởng tượng của mọi người. Nhưng bị cư sĩ Duy-ma-cật gạn hỏi, ngài thấy đó là do có tướng mà thấy hay không tướng mà thấy? Nếu có tướng mà thấy thì giống như ngoại đạo. Ngoại đạo được ngũ thông, trong đó có thiên nhãn thông cũng thấy được rộng như ngài A-na-luật. Nếu không tạo ra tướng mà thấy là vô vi, vô vi làm sao có thấy! Như vậy với cư sĩ Duy-ma-cật, thiên nhãn còn nằm trong đối đãi, chưa phải thiên nhãn chân thật.

Đến đây chư thiên hỏi thế nào là chân thiên nhãn, ai có chân thiên nhãn? Ông đáp, chỉ đức Phật mới có. Chân thiên nhãn của Phật là ngay trong chánh định thấy tất cả cõi nước của chư Phật, không rơi vào hai tướng có không, không kẹt hai bên, hằng sống trong chánh định nên mới có chân thiên nhãn. Tôn giả A-na-luật chỉ thấy thế giới trong phạm vi giáo hóa của đức Phật Thích-ca, cái thấy của đức Phật vượt hơn hẳn ngài A-na-luật, Phật thấy rõ chư Phật ở các cõi nước, danh hiệu của các ngài, đang thuyết pháp gì...

Qua đó chúng ta thấy trên phương diện tu hành, tôn giả A-na-luật tuy tâm được thanh tịnh nhưng còn trong đối đãi, nên cái thấy cũng chưa rộng khắp. Khi nào vượt khỏi đối đãi, tâm hoàn toàn thanh tịnh, hằng sống trong chánh định thì chẳng những nhìn thấy một cõi Phật mà còn thấy hằng hà sa số cõi Phật. Đó là chỗ tu hành, không phải chuyện huyền bí, mà đây là lẽ thật. Do trí tuệ sáng suốt của ngài thấy được rõ ràng chứ không phải ức thuyết hay tưởng tượng. Đức Phật thấy trong bầu hư không này thế giới nhiều như số cát sông Hằng. Sông Hằng chảy từ núi Tuyết ra tới biển, có chừng bao nhiêu cát? Như sông Đồng Nai, chúng ta còn không thể đếm được số cát của nó, huống nữa là sông Hằng. Thế mà Phật nói cõi Phật nhiều như số cát sông Hằng. Vậy mới thấy giá trị của sự tu.

Chúng ta tu thiền, cốt cho tâm an định, khi tâm an thì trí sáng, tâm bất an trí rối loạn. Trí sáng đó hiển lộ qua sáu căn nên gọi là lục thông. Do tâm an định, trí tự sáng, đó là thần thông chân thật. Còn thần thông do luyện tập thì có giới hạn. Cho nên những điều Phật nói thật khó hiểu, vì cái thấy của ngài vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta. Đức Phật nói, điều ta dạy các ngươi giống như lá cây trong nắm tay ta, còn những điều ta biết mà không nói ra, nhiều như lá cây trong rừng.

Thế nên tu đến chỗ tâm thanh tịnh bình đẳng thì hiệu quả không thể nào lường được, không thể dùng trí phàm tục mà biết đến được.
 

 

[ Quay lại ]