headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 30/03/2024 - Ngày 21 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH DUY MA CẬT: III- PHẨM ĐỆ TỬ: PHÚ-LÂU-NA

TongiaPhuLauNaHT. Thích Thanh Từ - giảng


Chánh văn:
Phật bảo ngài Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử:

- Ông hãy đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.

Ngài Phú-lâu-na bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham đi đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa trong rừng Đại Lâm, ở dưới cội cây vì các vị tân học Tỳ-kheo nói pháp. Khi ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con: “Thưa ngài Phú-lâu-na, trước phải nhập định, quán tâm của những người này, sau đó mới nói pháp.

 

 Không nên đem đồ nhơ để trong bát báu, phải biết tâm niệm của các thầy Tỳ-kheo này, không nên cho lưu ly đồng với thủy tinh kia. Ông không thể biết căn nguyên của chúng sanh, không được dùng pháp Tiểu thừa phát khởi. Những người kia tự không thương tích, ông chớ làm thành thương tích. Muốn đi con đường lớn, chớ chỉ lối nhỏ. Không đem biển cả để vào dấu chân trâu. Không đem ánh sáng mặt trời sánh với ánh sáng đom đóm. Thưa ngài Phú-lâu-na, những vị Tỳ-kheo này xưa kia phát tâm Đại thừa, giữa chừng quên ý này, sao lại dùng pháp Tiểu thừa mà hướng dẫn họ? Tôi xem trí tuệ Tiểu thừa rất là cạn cợt, giống như người mù, không thể phân biệt tất cả căn cơ lợi độn của chúng sanh.”

 

Khi ấy ông Duy-ma-cật liền nhập định, khiến cho những vị Tỳ-kheo này tự nhớ lại túc mạng, từng ở chỗ năm trăm đức Phật gieo trồng cội gốc công đức, hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, liền khi đó hoát nhiên nhớ được tâm trước. Lúc đó các thầy Tỳ-kheo này cúi đầu lễ dưới chân ông Duy-ma-cật. Khi ông Duy-ma-cật nhân vì họ nói pháp thì những vị đó đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không còn thối chuyển. Con nghĩ hàng Thanh văn không quán được căn cơ chúng sanh thì không nên nói pháp, thế nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.

 

Giảng:

 

Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử, chữ Hán dịch là Mãn Từ Tử. Khi Phật nói những bài pháp đơn giản ngắn gọn, chư Tỳ-kheo không hiểu đến hỏi, Tôn giả giảng rộng ra cho mọi người đều hiểu. Vì vậy ngài được nổi tiếng là người nói pháp rất tài giỏi, là đại đệ tử thuyết pháp bậc nhất của Phật. Vậy mà cư sĩ Duy-ma-cật chê trách tôn giả Phú-lâu-na thậm tệ. Thuyết pháp mà không biết căn cơ chúng sanh, chẳng khác nào đem món ăn dơ để trong bát báu, đem ngọc lưu ly sánh với thủy tinh, đem pháp Tiểu thừa để giáo hóa; không nên đem nước biển cả đổ vào dấu chân trâu... Nhưng chúng ta chỉ nghe tôn giả Phú-lâu-na thuật lại, gần như mạt sát mình cho hội chúng nghe, chứ không nghe từ miệng cư sĩ Duy-ma-cật nói. Qua đó chúng ta thấy tinh thần vô ngã của Tôn giả. Đương thời là người thuyết pháp đệ nhất, vậy mà ngài không chút phiền muộn khi nghe những lời chỉ trích thậm tệ từ một ông cư sĩ, mà còn nể phục.

 

Tóm lại, cư sĩ Duy-ma-cật nói, muốn thuyết pháp phải biết trình độ căn cơ của người, mới có lợi ích cho họ. Như cư sĩ Duy-ma-cật nhập định khiến người nghe nhớ được bản tâm, biết được túc mạng. Còn chúng ta không nhập định được, phải dò dẫm để biết trình độ căn cơ sở thích của họ thì khi giảng pháp người nghe mới có thể nhận hiểu được.

 

[ Quay lại ]