headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Tám quyển sách quý - Quyển 4 : DIỆT ĐẾ (Nirodha Dukkha)

tudieude5HT Thích Thiện Hoa  

 

SAU KHI NÓI VỀ PHƯƠNG DIỆN ĐAU KHỔ XONG, ĐỨC PHẬT NÓI VỀ PHƯƠNG DIỆN AN LẠC

Sau khi giải bày đầy đủ hiện tượng nhân quả về phần nhiễm, về phương diện đau khổ xong, đức Phật liền thuyết minh các hiện tượng nhân quả về phần tịnh, về phương diện an lạc. Nói một cách khác dau khi dạy xong Khổ đế và tập đế, đức Phật liền dạy Diệt đế và đạo đế. Có người chỉ thấy hai phần đầu của Tứ đế là Khổ và Tập, nên đã tưởng Phật là đạo yếm thế, bi quan.

 Họ cho rằng Phật giáo gieo vào lòng người sự chán đời và tuyệt vọng. Họ đã lầm lớn! Kẻ bi quan, chán đời là kẻ thấy cuộc đời xấu xa, đau khổ, mà không tìm ra phương pháp để giải thoát ra khói cảnh ấy, mà chỉ buông xuôi tay ngồi nhìn và khóc than, sầu khổ. Ðạo Phật không làm như thế. Ðạo Phật trình bày cho mọingười nhìn thấy cái hiện tại đen tối của mình, cái hoàn cảnh xấu xa, có nhiều sự sự khuyết điểm, để cải đổi nó, kiến tạo lại một cuộc sống đẹp đẽ, an vui hơn. Một giáo lý như thế, không thể gọi là yếm thế, bi quan được mà chính là yêu đời, lạc quan, vì còn tin tưởng ở khả năng kiến tạo của mình và chúng sinh. Cảnh giới mà Ðức Phật trình bày cho chúng ta thấy ở đầy là một cảnh giới hoàn toàn trái ngược với cảnh giới tối tăm, sầu khổ, đớn đau mà chúng ta đang sống. Cảnh giới ấy là cảnh giới huy hoàng, an lạc, mà chỉ những người diệt tục, hết mê mới đạt được.

Cảnh giới ấy, chúng ta sẽ nghe đức Phật trình bày trong phần Diệt đế sau đây:

I.- ĐỊNH NGHĨA

Sao gọi là Diệt đế?
Diệt là tiêu diệt, trừ diệt. Diệt ở đây tức là diệt dục vọng mê mờ, phiền não Ðế là lý lẽ chất thật, đúng đắn do trí tuệ sáng suốt soi thấu và thuyết minh. Diệt đế, chữ Pali gọi là "Nirodha Dukkha" tức là sự thật đúng đắn, mà đức Phật đã thuyết minh về hoàn cảnh tốt đẹp mà mọi người có thể đạt được khi đã diệt hết mọi phiền não, mê mờ. Phiền não, mê mờ là nguyên nhân của đau khổ, như chúng ta đã nghe Phật thuyết trong Tập đế.

Khổ là quả, mà tập là nhân. Diệt khổ mà chỉ diệt cái quả thì không bao giờ hết khổ được. Muốn diệt khổ tận gốc, thì phải diệt cái nhân của nó, như muốn nhổ cái thân cây, thì phải bớí cho hết cái rễ ăn sâu trong lòng đất.

Trong khi Nhân Quả, Phật dạy rằng: "Các ông phải biết, ví tập nhân phiền não mới có quả khổ sanh tử, vậy các ông phải dứt trừ phiền nào tập nhân. Khi đã dứt trừ rồi, lại thường thương nắm chắc chổ dứt trừ cho chắn chắc, không khi nào nới bỏ. Ðến khi chứng được đạo Niết Bàn, thì phải tất nhiên tập nhân phiền não phải diệt hết, mả khổ luân hồi cũng không còn".

Thế cho biết, muốn giải thoát tất phải tu hành. Mà tu hành là gì?

Là diệt trừ tập nhân phiền não vậy. Diệt trừ phần nào tập nhân là đã bước đến hết gần giải thoát chừng ấy, như một cái phao; càng bớt dần chừng nào vật nặng dìm nó xuống, thì nó lại nổi dần lên mặt nước chừng ấy vậy.

II.- THỨ LỚP ĐOẠN HOẶC

Như chúng ta đã biết trong bài Tập đế, tập nhân phiền não rất phức tạp, có thứ mong manh, cạn cợt, có thứ in sâu vào tâm thức từ lâu đời lâu kiếp rất khó dứt trừ. Do tính chất cạn sâu của các thứ phiền não ấy, nên đoạn trừ cũng phải tuần tự, theo thứ lớp.

Có hai lớp đoạn hoặc chính là:

1.- Kiến đạo sở đoạn hoặc:

Những mê lầm nầy, khi thấy chánh đạo mới đoạn được. Ðây là sự dứt trừ những sai lầm về phần lý trí. Những phiền não nầy thuộc loại cạn cợt gây ra bởi sự gần gũi tà sư, sự tuyên truyền tà vạy của sách vở, cùng những người tri kiến không chân chánh. Nếu gặp được Minh sư, thấy đưọc chân lý, thì liền đoạn hết. Vì thế sự dứt trừ những phiên não nầy, gọi là "Kiến đạo sở đoạn hoặc".

2.- Tu đạo sở đoạn hoặc:

Những mê lầm nầy, khi tu đạo mới đoạn được. Ðây là sự đoạn trừ những phiền não, sâu kín, đã đâm sâu gốc rễ trong tâm thức, biến thành thói quen, như sự chấp ngã, sự say đắm nhục dục, tham, giận, kiêu căng v.v... Ðối với những thứ phiền não nầy, phải cần nhiều công phu tu hành dẻo dai, chắc chắn mới có thể đoạn trừ được. Do đó, mới gọi là "Tu đạo sở đoạn hoặc".

III.-CÁC TẦNG BẬC TU CHỨNG

Ðoạn trên đã nói tổng quát về hai loại đoạn diệt phiền não cho dễ phân biệt và dễ hiẻu. Ðến đây, để có một ý niệm rõ ràng về các tầng bậc tu chứng mà một hành giả cần phải trải qua, chúng ta hãy tuần tự điểm qua các quả vị từ thấp đến cao.

1.- Tứ Gia Hạnh:

Muốn đoạn trừ kiến hoặc, trước tiên người tu hành phải rời xa các tà thuyết, xoay tâm ý, tư tưởng dần vào chân lý: vô thường, vô ngã, bất tịnh, tứ đế, để nhận chân được các tánh cách vô thường, vô ngã, bất tịnh, không thật v.v... của cuộc đời. Nhờ sự gần gũi với chân lý như thế, nên những điều thấy biết sai lầm điên đảo sẽ tan hết và tám mươi tám món kiến hoặc cũng không còn. Tuy nhiên, không phải chỉ trong một lúc mà đoạn được tất cả kiến hoặc; trái lại, phải cần nhiều thời giờ, công phu tu tập. Từ những tư tưởng, thành kiến mê lầm của phàm phu mà đến Thánh trí để dự vào lòng Thánh quả, người tu hành phải tu bốn gia hạnh sau đây:

1. Noản vị: Noản là hơi nóng; vị là địa vị. Người xưa, khi muốn lấy lửa, họ dùng hai thanh củi tre cọ sát vào nhau; trước khi lửa sắp bật lên, phải qua giai đoạn phát ra hơi nóng. Người tu hành muốn có lửa trí tuệ, cũng phải trải qua giai đoạn hơi nóng. Tất nhiên hơi nóng lửa trí tuệ chưa đốt cháy được củi phiền não, nhưng không thể không qua giai đoạn nầy được. Ðó là giai đoạn "Noản vị".
2. Ðảnh vị: Ðảnh là chóp cao. Qua khỏi giai đoạn Noản vị, người tu hành tiếp tục tiến bước và lên được trên chóp đỉnh núi mê lầm. Ðứng ở địa vị nầy, toàn thân hành giả được tắm trong khoảng không gian rộng rãi vô biên, nhưng chân chưa rời khỏi chóp núi mê lầm.
3. Nhẫn vị: Nhẫn là nhẫn nhịn, chịu đựng. Người biết nhịn, luôn luôn vẫn yên lặng sáng suốt trước sự khuấy phá của đối phương. Người tu hành lên đến bậc này, trí giác ngộ đã gần sáng tỏ, thân tâm vẫn giữ được mực yên lặng trong sáng, mặc dù các pháp có lăng xăng và ẩn hiện.
4. Thế đệ nhất vị: Bậc nầy cao quí nhất trong đời. Tu đến bậc này là một công phu rất to tát, gần giải thoát ra ngoài vòng Dục giới, như con diều giấy bay liệng giữa không trung, tự do qua lại, không còn bị cái gì làm ngăn ngại, ngoài sợi giây gai nhỏ. Nếu bứt sợi gai kia là diều bay luôn. Cũng như thế, người tu hành phá hết phần kiến hoặc nhỏ nhít sau cùng là được giải thoát luôn.

Tóm lại, người tu hành thường xuyên qua bốn món gia hạnh nầy, tức là phá được cái lầm về tri kiến hay kiến hoặc, cái lầm của Phi phi tưởng mà chứng đặng quả Tu đà hoàn là quả vị đầu tiên trong Thanh văn thừa.

2.- Tu Đà Hoàn:

Tiếng Hán dịch là Dư lưu quả (dự vào dòng Thánh). Ở quả vị này, ý thức đã sáng suốt, không còn bị mê lầm nữa, song thất thức còn chấp ngã, nên phải trở lại trong cõi Dục, nhiều nhất là bảy phen sanh tử nữa, mới gọt sạch các kiết sử phiền não thầm kín, nằm nép trong tâm thức, và chứng quả Tu Đà Hoàn.

3.- Tư Đà Hàm:

Tiếng Hán dịch là Nhất lai, nghĩa là một phen sanh lại cõi Dục để tu hành và dứt cho sạch phần mê lầm ở cõi Dục, mới tiến đến bực A Na Hàm. Trên kia, quả Tu đà hoàn chỉ là kết quả của công phu tu hành đoạn được kiến hoặc, chứ chứ đá động đến tư hoặc. Sau khi chứng quả Thánh đầu tiên rồi, phải tu nữa để đoạn trừ tư hoặc, mới chứng được bậc nầy. Tuy nhiên, ở cõi Dục có chín phẩm tư hoặc, mà vị này chỉ mới đoạn có sáu phẩm, còn ba phẩm nữa chưa đoạn. Nghĩa là mới đoạn sáu phẩm thô thiển bên ngoài, còn ba phẩm sâu kín bên trong chưa đoạn. Vì thế, phải trở lại một phen để đoạn cho hết ba phần sau, mới bước lên Thánh quả thứ ba là Tư Đà Hàm được.

4.- A Na Hàm:

Tiếng Hán dịch là Bất lai (nghĩa là không trở lại cõi Dục nữa). Khi còn mê lầm của cõi Dục lôi kéo, mới sanh vào cõi Dục. Ðến địa vị A na hàm nầy những mê lầm ấy không còn nữa, nên không bị tái sanh ở đấy nữa, trừ trường hợp phát nguyện trở lại cõi nầy để độ sanh. Vị nầy ở cõi Trời Ngũ tịnh cư thuộc Sắc giới, cũng gọi là Ngũ bất hoàn thiên hay Ngũ na hàm. Vị nầy đã cách xa chúng ta như trời vực, đã thoát ra ngoài cõi Dục. Tuy thế, họ vẫn còn mang trong mình những mê lầm vi tế câu sanh của hai cõi Sắc và Vô sắc. Vì vậy, ở Ngũ tịnh cư thiên, họ phải tu luyện để dứt cho hết vi tế hoặc, mới bước lên Thánh quả A La Hán (Tư hoặc gồm có chín phẩm. Tư đà hàm quả đoạn sáu hoặc, A na hàm quả đoạn thêm ba hoặc; đến A La Hán quả là đoạn hết).

5.- A La Hán:

Ðây là quả vị cao nhất, trong Thanh Văn Thừa. Tiếng Hán dịch có ba nghĩa:

1. Ứng cúng: Vị nầy có phước đức hoàn toàn, trí huệ hơn cả, đáng làm nơi phước điền cho chúng sinh cúng dường.
2. Phá ác: Vị nầy đã phá tan những nhiền não tội ác, không còn bị chúng khuấy phá sai sử trói vuộv nữa.
3. Vô sanh: Vị nầy không còn bị xoay vần trong sanh tử luân hồi nữa, vì đã phá trừ được phiền não là yếu tố của sanh tử luân hồi.

Trong ba nghĩa nầy, Vô sanh là nghĩa quan trọng hơn hết, nên đã được nêu lên trong chữ A La Hán. Vị nầy không những đã phá hết mê hoặc nông cạn, mà chính ngay chủng tử mê lầm thầm kín cũng đã dứt sạch. Cho đến chủng tử cháp ngã là nguồn gốc phiền não, nguồn gốc luân hồi, cũng bị dẹp lại một bên, không còn bóng dáng ra vào trong A lại da thức nữa.

Tính cách của lòng ngã chấp là khiến chúng sanh luôn luôn cố chấp bản thân nhỏ hẹp, tạo thành ranh giới giữa mình và người, mình và sự vật, để rồi gây nên vô lượng tội nghiệp và chịu vô lượg khổ báo. Một tính cách nguy hại của lòng ngã chấp nữa là thường làm cho chúng sanh không tỏ ngộ, không thể chấp được cái tánh "đồng nhất, không mất" của vạn sự vạn vật. Do đó, chúng sanh phải chịu lắm nỗi thăng trầm với xác thân bé nhỏ của mình.

Vị A La Hán, do sự cố công bền chí, đã diệt được lòng chấp ngã ấy, nên không bị sống chết khổ đau, lo buồn sợ hãi chi phối. Như đồ đệ của ả phù dung, một khi đã bỏ được bệnh nghiền thì không còn ra vào nơi tiệm hút làm bạn với bàn đèn ống khói nữa. A La Hán là vị đã đoạn được cái sai lầm của cõi trời Phi phi tưởng, nên không còn vương vấn với các cõi trời ấy nữa.

Song quả A La Hán cũng chia làm hai bực, tùy theo căn cơ lanh lợi hoặc chậm lụt của các vị ấy.

1. Bất hồi tâm độn A La Hán: là vị A La Hán trầm không trệ tịch, tự thỏa chí vào địa vị đã chứng, chứ không phát tâm xoay về Ðại Thừa.
2. Hồi tâm đại A La Hán: là vị A La Hán lợi căn lợi trí, phát tâm xoay về Ðại Thừa rộng lớn chứ không tự mãn ở địa vị đã chứng.

IV.- GIÁ TRỊ (DIỆU DỤNG) CỦA BỐN CÕI THÁNH

Bốn quả thánh của Thanh văn trên đây, đều là những kết quả giải thoát hiển nhiên của công phu tu tập. Không cứ căn cơ nào đều có thể ở ngay trong cảnh giới củA mình (kinh gọi là tự địa, tự giới), mà tu tập để đạt đến bốn quả vị ấy. Hễ đoạn trừ mê lầm được chứng nào thì chứng quả đến chừng ấy, chứ không phải chờ sanh qua thế gian khác mới chứng quả kia đâu.

Khi chứng đến quả Tu đà hoàn thì gọi "Kiến đạo sở đoạn". Ở đây, ý thức đã tương ứng với Huệ tâm sở, sáng suốt, trực nhận đạo lý một cách rõ ràng. Còn các vị sau, thuộc về "Tu đạo sở đoạn", nghĩa là sau khi đã gội rửa các chủng tử mê lầm (tư hoăc) của A lại da thức mới chứng được. Do sự dứt trừ phiền não sâu hay cạn đó, mà diệu dụng của mỗi quả vị khác nhau.

Ở địa vị "Kiến đạo sở đoạn" là thành tựu được năm phép thần thông (công dụng tự tại không bị chướng ngại).

1. Thiên nhãn thông: Nhãn lực soi thấy khắp muôn loài cùng sự sanh hóa trong thế gian bao la hiện tại.
2. Thiên nhĩ thông: Nhĩ lực nghe khắp mọi nơi, đủ các tiếng tăm đồng loại và dị loại.
3. Tha tâm thông: Tâm lực biết được tâm niệm, sở cầu của kẻ khác.
4. Túc mạng thông: Trí lực hay biết các kiếp trước của mình.
5. Thần túc thông: Có hai nghĩa: một là được thần thông tự tại như ý muốn, hai là trong giây lát muốn đi đâu liền được như ý muốn, không bị sự vật hữu hình làm chướng ngại.

Năm phép thần thông nầy, tuy có đặc biệt hơn nhân loại nhiều, song chưa phải là điểm quan trọng của người tu hành cầu giải thoát. Ðiểm quan trọng nhất của người tu giải thoát là "Lậu tận thông". Lậu tận thông là được trí tuệ thông suốt cả ba đời, không còn bị các phiền não hữu lậu làm ngăn ngại, nghĩa là giải thoát sanh tử. Chỉ những vị A La Hán mới được Lậu Tận Thông.

V.- DIỆT ĐẾ TỨC NIẾT BÀN

Kinh Niết Bàn dạy: "Các phiền não diệt gọi là Niết Bàn, xa lìa các pháp hữu vi cũng gọi là Niết Bàn".

Như các đoạn trước của bài nầy đã nói, đến bốn quả Thánh thì phiền não nông cạn và sâu kín đã tuần tự bị tiêu diệt. Vậy chứng được bốn quả Thánh ấy, tức là đã chứng được Niết Bàn. Nói một cách khác, Diệt đế tức là Niết Bàn.

Niết Bàn hay Niết Bàn na hay Nê hoàn là do dịch âm chữ Phạn Nirvana mà ra. Niết Bàn có nhiều nghĩa như sau:

- Niết (Nir) là ra khỏi; Bàn (vana) là rừng mê, Niết Bàn là khỏi rừng mê.
- Niết là chẳng; Bàn là dệt. Còn phiền não thì còn dệt ra sanh tử, không phiền não thì không còn dệt ra sanh tử. Vậy Niết Bàn là không dệt ra sanh tử luân hồi.
Chữ Bàn cũng có nghĩa là không ngăn ngại. Niết Bàn còn có nhiều nghĩa khác nữa, song tóm lại không ngoài ba nghĩa: Bất sanh, giải thoát, tịch diệt.
- Bất sanh, nghĩa là không sanh ra, không sanh các thứ mê lầm tội lỗi.
- Giải thoát, nghĩa là thoát ra ngoài sự ràng buộc, không mắc vào các huyễn ngã, huyễn pháp.
- Tịch diệt, nghĩa là vắng lặng, dứt sạch. Vắng lặng, an lành, dứt sạch tất cả nguồn gốc mê lầm.
Vì lẽ Niết Bàn có nhiều nghĩa như thế, nên trong kinh thường để nguyên âm mà không dịch nghĩa.
Theo định nghĩa của chữ Niết Bàn nầy, thì bốn quả vị trên kia đều gọi Niết Bàn cả. Song vì đã hoàn toàn hay chưa hoàn toàn mà chia ra làm hai thứ:

1.- Hữu dư y Niết Bàn: (Niết Bàn chưa hoàn toàn).

Từ quả vị thứ nhất Tu đà hoàn đến quả vị thứ ba A na hàm, tuy đã đoạn trừ tập nhân phiền não, những chưa tuyệt diệu, tuy đã vắng lặng an vui, nhưng chưa viên mãn, tuy an vui chưa hoàn toàn, vì phiền não và báo thân phiền não còn sót lại, nên gọi là Niết bàn hữu dư y. Vì phiền não còn sót lại nên phải chịu quả báo sanh tử trong năm bảy đời; song ngã chấp đã phục, nên ở trong sanh tử mà vẫn được tự tại, chứ không bị ràng buộc như chúng sinh.

2.- Vô dư y Niết Bàn: (Niết Bàn hoàn toàn).

Ðến quả vị A La Hán, đã đoạn hết phiền não, diệt hết câu sanh ngã chấp, nên hoàn toàn giải thoát cả khổ nhân lẫn khổ quả. Sự sanh tử không còn buộc ràng vị nầy được nữa, nên gọi là Niết Bàn vô dư y. Ðây là quả vị cao tột của hàng Thanh văn. Ðến đây ngọn lửa dục vọng đã hoàn toàn tắt hết, và trí vô ngại hiện ra một cách đầy đủ, không khi nào còn trở lại tâm khởi chấp ngã nữa. Vì thế, nên được tự tại giải thoát ngoài vòng ba cõi: Dục, Sắc, và Vô sắc giới.

VI.- NIẾT BÀN CỦA ĐẠI THỪA GIÁO

Phật Giáo gồm có Tiểu Thừa và Ðại Thừa mà Niết Bàn là danh từ chung cho cả hai thừa ấy. Trên đây đã nói đến Diệt đế, hay Niết Bàn của Tiểu Thừa, nhưng chưa nói đến Niết Bàn của Ðại Thừa. Vậy nói đến Niết Bàn, thì cũng nên mở rộng phạm vi, nói luôn cả Niết Bàn của Ðại Thừa để độc giả có một quan niệm đầy đủ về hai chữ Niết Bàn.

Nói như thế, không có nghĩa là Niết Bàn của Tiểu Thừa và Ðại Thừa là hai loại hoàn toàn khác nhau về tính chất. Nếu có khác, thì chỉ khác về phạm vi rộng hẹp, rốt ráo hay chưa rốt ráo mà thôi; nghĩa là Niết Bàn của Ðại Thừa rộng rãi hơn có thể gồm cả Niết Bàn của Tiểu Thừa, mà Niết Bàn của Tiểu Thừa không thể gồm cả Niết Bàn của Ðại Thừa. Các thánh giả Nhị thừa (Tiểu Thừa) tuy đã đoạn hết phiền não, nhưng tập khí vẫn còn, công đức trí tuệ chưa viên mãn nên Niết Bàn mà họ chứng, dù là Niết Bàn của hàng A La Hán đi nữa, đối với Ðại Thừa cũng chưa hoàn toàn, nghĩa là còn là Hữu dư y Niết Bàn. Chỉ có Niết Bàn của chư Phật mới được gọi là Vô dư y Niết Bàn.

Ngoài cái nghĩa rộng hẹp trên, Niết Bàn của Ðại Thừa đại khái có hai loại:

1.- Vô trụ xứ Niết Bàn:

Ðây là Niết Bàn của các vị Bồ Tát. Các A La Hán, do tu nhân giải thoát mà chứng được quả giải thoát; nhưng chưa biết nguồn gốc của nhân quả, còn chấp có thực pháp phải tu, quả vị phải chứng, nên chưa được hoàn toàn tự tại. Các vị Bồ Tát thì trái lại, đã hiểu rõ "Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức", pháp tánh bình đẳng như như; không thấy một pháp gì cố định, một vật gì chắc thật, biệt lập chỉ thấy chúng là những hình ảnh giả dối, do đối đãi với thức tâm, tạo thành bởi thức tâm. Các vị Bồ Tát không có tâm địa đảo điên sai lầm, không gán cho sự vật một giá trị nhứt định, như tốt, xấu, khổ, vui, nên không sanh ra những thái độ oán, thân, bỉ, thử, ưa, ghét. Hễ còn tri kiến sai lầm đó, là còn bị chướng ngại khổ đau. Các vị ấy tu hành chứng theo sự tánh bình đẳng, đem tâm hòa đồng cùng sự vật mà làm việc lợi tha. Tuy làm việc lợi tha, mà vẫn ở trong chánh quán. Quán các phép như huyễn hư hóa, không có thật sanh tử, không có thật Niết Bàn, không bao giờ trụ trước (vô trụ). Do đó, Bồ Tát thường ra vào sanh tử lấy pháp lục độ để độ sanh, mà vẫn ở trong Niết Bàn tự tại.

2.- Tánh tịnh Niết Bàn:

Ðây là một thứ Niết Bàn tự tánh thường vắng lặng mà thườg sáng suốt, thường sáng suốt mà thường vắng lặng ra ngoài tâm lượng hẹp hòi của phàm phu và trí thức hữu hạn của Nhị thừa, ngoại đạo. Nó thường bộc lộ sáng suốt nơi chư Phật, mà vẫn thường sẵn có nơi mọi loài chúng sinh. Trong kinh có khi gọi đó là Phật tánh, là chơn tâm, là Như lai tạng v.v...

Nếu chúng sinh tự tin mình có tánh Niết Bàn thanh tịnh, và khởi tâm tu hành theo tự tánh ấy, tức có thể thành Phật không sai.
Mạng tự tánh Niết Bàn mà để cho phiền não cấu trần che lấp, thì làm chúng sanh trầm luân trong bể khổ.
Trái lại, ngộ tự tánh Niết Bàn mà hết vọng tưởng mê lầm là thành Phật, và có đầy đủ bốn đức: thường, lạc, ngã, tịnh.

- Thường nghĩa là không bị chi phối bởi tánh vô thường, khi nào cũng như khi nào, không lên bổng xuống trầm không có già trẻ, chết sống, đổi thay.
- Lạc nghĩa là không còn khổ não, lo buồn. "
- Ngã là được hoàn toàn tự chủ, không bị nội tâm hay ngoại cảnh chi phối.
- Tịnh là không còn ô nhiễm, luôn luôn thanh tịnh, trong sáng.

Chúng ta đừng lầm tưởng tánh "Chơn thường" nầy với điều thường hằng của thế gian; tánh "Chơn lạc" với sự vui thích tương đối là sự vui thích còn che đậy mầm mống đau khổ bên trong; tánh "Chơn ngã" với sự tự chủ trong nhất thời, tự chủ ngày nay bị động ngày mai; tánh "Chơn tịnh" với sự trong sạch tương đối ở thế gian, sự trong sạch vật chất, sự tướng bên ngoài, chứ bên trong vẫn còn nhiễm ô.

Vì tính cách quí trọng, cao cả tuyệt đối của bốn đức; Thường, Lạc, Ngã, Tịnh nên tánh tịnh Niết Bàn là thứ Niết Bàn cao quí tột đỉnh của đạo Phật, và người Phật tử Ðại Thừa trong khi tu hành, đều phát nguyện rộng lớn quyết tâm chứng được thứ Niết Bàn ấy mới thôi.

VII.- BIỆN MINH VỀ NIẾT BÀN

Tánh cách của Niết Bàn quá rộng rãi, cảnh giới của Niết Bàn quá cao thâm, nên hay gây ra nhiều sự hiểu lầm cho các căn cơ thiển bạc, mà tập quán, thành kiến, hoàn cảnh hằng ngày làm chủ trí thức. Người đời hay lấy tâm lượng hẹp hòi của mình để hình dung Niết Bàn, và đã hình dung một cách sai lạc, nên cuối cùng họ kết luận rằng: cứu cánh của đạo Phật là một sự không tưởng. Câu chuyện ngụ ngôn sau đây chứng minh một cách hùng hồn tâm trạng ấy:

Ngày xưa có một con cá, vì nó là loài ở nước, nên dĩ nhiên cuộc đời chỉ sống trong nước, và ngoài nước ra không biết gì hết.
Một hôm nó đang nhởn nhơ bơi lội trong hồ, tình cờ gặp một con rùa, mà nó đã quen từ trước, đi du lịch trên đất liền về. Nó liền chào:
- Chào anh! Ðã từ lâu tôi không gặp anh. Vậy xưa rày anh ở đâu?
- Ồ! Tôi đi du lịch từ trên đất liền về. Trên ấy, mặt đất khô ráo quá!
- Ðất khô! Anh nói cái gì lạ vậy? Tôi chưa bao giờ thấy nơi nào kỳ lạ như vậy. Lẽ nào lại có đất khô?
- Xin thề rằng tôi không nói đùa với anh đâu. Nhưng nếu quả tình anh không thể tin được thì tùy anh, không ai ngăn cản được anh; nhưng dù sao, tôi cũng mới từ đó về.
- Này anh, anh hãy cố gắng diễn đạt cho hợp lý hơn. Tôi nghi rằng cách diễn đạt của anh chưa được rõ ràng lắm. Anh vui lòng cho tôi biết đất mà anh nói đó có giống như cái gì trong thế gian của chúng ta ở đây? Nó có ẩm ướt không?
- Không! Nó không ẩm ướt.
- Thế nó có mát dịu và lạnh không?
- Nó không mát, không dịu mà cũng chẳng lạnh.
- Thế nó có trong suốt để cho ánh sáng xuyên qua được không?
- Không, nó không trong suốt và ánh sáng không thể xuyên qua được.
- Thế nó có mềm và dễ bị ép để cho tôi có thể quậy vi và đi lại dễ dàng trong ấy không?
- Không, nó không mềm, không bị dồn ép dễ dàng và trong ấy, anh cũng không thể bơi lội được.
- Thế nó có lưu động và đổ thành thác được không?
- Không, nó không lưu động và cũng không đổ thành thác được.
- Vậy thì nó có dâng lên để tạo thành những mũi sóng bạc đầu được không?
- Không, tôi chưa bao giờ thấy nó dâng thành làn sóng cả.
Ðến đây, con cá vênh váo tự đắc than rằng:
- Tôi đã từng nói với anh rằng: đất mà anh nói đó là không phải cái gì cả. Tôi cũng vừa hỏi anh về đất ấy và với câu hỏi nào anh cũng trả lời rằng không. Ðất anh nói đã là không phải bất cứ cái gì tôi nêu ra, vậy thì đất hẳn là ngoan không. Anh đừng tìm cách bịp tôi nữa.
- Tốt! Anh đã quả quyết rằng không có đất liền. Tôi cũng không có cách nào hơn là cứ để anh tiếp tục tin như anh đã nghĩ. Nhưng một mai, có ai khác hơn tôi và đủ sức phân biệt cho anh thấy sự sai khác giữa đất và nước, ngày ấy anh sẽ thấy rằng anh chỉ là một con cá ngốc.

Tâm trạng của con cá này là tâm trạng của một số người thường dựa vào sự hiểu biết nông cạn của mình, để quan niệm Niết Bàn. Có người nghĩ rằng Niết Bàn là một trạng thái hư vô tịch diệt luôn; có người nghĩ Niết Bàn là cảnh Thiên đường như của ngoại đạo; có người lại bảo nếu Niết Bàn không phải là hư vô tich diệt mà cũng không phải là Thiên đường, thì Niết Bàn là một không tưởng.

Niết Bàn không thể là một trạng thái hư vô tich diệt được. Tam tạng giáo điển chưa bao giờ nói đến cảnh giới hư vô ấy. Sự hiểu lầm Niết Bàn với hư vô là con đẻ của sự nghiên cứu thô thiển, nông cạn qua các định nghĩa của Niết Bàn. Nghe nói Niết Bàn tức là "Diệt", người ta vội tưởng ngay "Diệt" nghĩa là hoại diệt không có gì tồn tại cả. Người ta không ngờ rằng "Diệt" ở đây, có nghĩa là diệt nguồn gốc đau khổ, phiền não, mê lầm. Mà khi đau khổ diệt thì an vui tất phát sinh, mê lầm diệt thì sáng suốt tất tỏ lộ.

Như trên đã trình bày, Niết Bàn có đủ diệu dụng: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh thì sao gọi là hư vô được?

Niết Bàn của Phật cũng không phải là một cảnh thiên đường như người đời và các ngoại đạo thường ca tụng. Nguyên nhân của sự hiểu lầm này là do tập quán xem Phật Giáo cũng như các "thần đạo" khác. Trước khi Phật giáng thế, trong kinh Vệ đà (Véda) của ngoại đạo ở Ấn độ, cũng từ dùng danh từ Niết Bàn với nhiều định nghĩa khác nhau, tùy theo trình độ hiểu biết cao thấp của họ. Có đạo cho chết rồi mất hẳn là Niết Bàn; có đạo cho cõi trời của Dục giới là Niết Bàn; có đạo cho chứng được tánh không tham ái ở cõi Sơ thiền là Niết Bàn; có đạo cho các định cảnh Không vô biên xứ; Phi phi tưởng xứ ở cõi trời Vô sắc là Niết Bàn.

Nhưng, với đạo Phật những nơi ấy còn ở trong vòng tam giới luân hồi. Bởi ở đó chưa diệt được hết lòng chấp ngã, chấp pháp, còn sống chết theo vọng tưởng sanh diệt, chứ chưa được rốt ráo như Niết Bàn của Phật. Nói một cách tóm tắt dễ hiểu, Niết Bàn của đạo Phật là sự thể nhập vào bản thể sáng suốt, thanh tịnh, đầy đủ các đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Bản thể ấy không phải chết lặng mà là sống dộng, có dầy đủ công năng, một sự sống động vắng lặng, mà kinh thường gọi là "vắng thường soi, soi mà thường vắng" (tịch nhi thường chiếu, chiếu nhi thường tịch).

Một học giả Tây phương rất thông hiểu về đạo học Ðông phương. Ông Ram Linsen đã viết trong quyển Le Destin du XX siècle (vận mệnh của thế kỷ hai mươi) như sau về Niết Bàn: "Niết Bàn không phải tịch nhiên bất động, cũng không phải là cái trống không, là cái chết mất vô tông vô tích. Niết Bàn là sự thực chứng cái bản thể của vũ trụ. Không thực chứng được cái bản thể đó là người còn thiếu sót, là sống một đời sống mất quân bình giữa xác thịt và tâm linh. Niết Bàn không phải là ngoài cái động. Chính Niết Bàn mới là nguồn gốc của những việc làm chân chính. Ðây là một sự thật, nhất là đối với Ðại Thừa Phật Giáo".

Như thế, Niết Bàn không phải là một lối không tưởng, viễn vông không thực hiện được. Miễn là tự tin mình có tánh Niết Bàn và cố gắng tập sống theo tự tánh ấy, thì Niết Bàn là một kết quả rất thiết thực. Mê muội không tự tin mình có tánh Niết Bàn là chúng sanh; tự tin mình có tánh Niết Bàn và phát triển tánh ấy là Thánh giả. Ðể cho phiền não tham, sân, si vô minh chấp ngã làm chủ, là luân hồi. Gạn lọc cáu bẩn phiền não vô minh nơi tâm thức cho hết sạch, như hạn bỏ bùn nhơ noi nước, cho đến khi ly nước hoàn toán trong suốt, ấy là Niết Bàn hiển hiện.

VIII.- MỘT MẪU CHUYỆN VỀ NIẾT BÀN

Ðể chứng minh tánh cách triền phược của phiền não và giải thoát của Niết Bàn trên đây, trong kinh Samitha Nikaya (Tạp A Hàm) Phật kể một mẫu chuyện như sau:

"Có một tên trộm bị người ta bắt được đem nạp cho nhà vua. Muốn giam giữ nó, nhà vua ra lệnh dở nắp rương thả ra bốn con rắn dộc. Con thứ nhất quấn lấy tay mặt tội nhân; con thứ hai quấn lấy tay trái tội nhân; con thứ ba quấn lấy ngang hông và con thứ tư quấn quanh cổ nó.

Một người đức hạnh đến gần tội nhân, thấy rõ tình cảnh, liền nói rằng:

- Người đã bị người ta giữ gìn cẩn thận, vậy hãy đứng yên, chớ nên cựa quậy mà bị rắn cắn. Nọc con rắn thứ nhất sẽ là cho thân người cứng đơ như đá; nọc con rắn thứ hai làm cho thân người tiêu ra như nước; nọc rắn thứ ba làm cho thân người tan ra như bột và bị gió cuốn đi; nọc con rắn thứ tư sẽ đốt người cháy như ngọn lửa.

Tên trộm trả lời:

- Không phải! Những con rắn ấy đều là đồ trang sức của tôi. Ðây là đôi vòng của tôi, đây là sợi dây chuyển cổ và đây là sợi dây lưng.

Người đức hạnh lại dạy nó từ từ gỡ bốn con rắn ấy, đem bỏ vào trong rương, đậy nắp lại, rồi mau mau chạy trốn.

Nó làm theo.

Hay tin, nhà vua liền truyền lệnh cho năm trên lính đuổi theo bắt tên trộm.

Nó ráng chạy được một đổi, lại gặp người đức hạnh khi nãy hô to:
- Người hãy chạy thật mau lên! Có năm tên lính đang đuổi theo sau lưng kìa! Chúng lại thả ra bốn con rắn độc để rượt bắt người đấy. Khi đã đuối sức, tên trộm liền dừng chân lại, và thấy phía trước có sáu cái nhà bỏ trống, vừà bị sáu tên cướp vào vét sạch của cải.

Sáu tên cướp lại nhập đoàn với năm tên lính để đuổi bắt nó.

Người đức hạnh lại hô to lên nữa:
- Ngưòi ráng chạy mau lên! Bọn cướp và lính nhà vua sắp đến nơi. Chúng lại bắt thêm một người bạn thân của người để dụ người trở về trị tội.

Nhưng chạy được một đỗi, tội nhân lại gặp một cái biển ngay trước mặt, nên phải dừng chân lại. Nó hết sức lo âu, vì tại đây không có ghe thuyền chi để thoát thân cả.

Người đức hạnh dạy nó lấy tám cành cây khô, kết lại thành bè, để bơi đi trốn.

Làm bè xong, nó bơi ra được một đỗi thì gặp một hòn cù lao. Nó định ghé lên, nhng dòm ngoái lại phía sau, thấy quân lính vẫn còn đuổi nà theo. Nó cố sức bơi đến một cù lao thứ nhì, rồi thứ ba và thứ tư. Nhân dân ở tại chỗ đó liền tôn nó lên làm vua. Lúc ấy, đoàn người đuổi theo sau nó đều bị tiêu diệt và nó không còn thấy hình bóng đâu nữa!

Nhà vua ám chỉ cái nghiệp; tên trộm, ám chỉ người đi tìm đạo; bốn con rắn độc, ám chỉ tứ đại; năm tên lính, ám chỉ ngũ uẩn; sáu cái nhà bỏ trống sau khi bị cướp, ám chỉ sáu căn; sáu tên cướp, ám chỉ sáu trần; tám cành cây kết lại thành bè, ám chỉ bát chánh đạo; bốn cù lao, ám chỉ bốn bực thiền định hay bốn quả Thánh; lễ tôn vương, ám chỉ sự giải thoát; sự tiêu diệt của đoàn người đuổi theo sau, ám chỉ sự tan biến của màn vô minh và sự bẻ gảy bánh xe luân hồi".

Mẫu chuyện trên nầy ngụ ý rằng: kẻ phàm phu bị màn vô minh che lấp, đắm mê theo vật dục, nhận khổ làm vui, nhận xấu là tốt, khác gì kẻ tội trộm nhận rắn độc làm đồ trang sức. Nếu nó không nhờ nhà tu hành đức hạnh dạy bảo, thì đâu biết mình đang bị rắn độc bao vây để chạy thoát, và đâu có gắng sức dẻo dai để bước lên bờ giải thoát.

Chúng sinh khi còn mê lầm, gây nên tội lỗi, thì giờ phút nào cũng bị cầm tù trong đau khổ, bị trói buộc vì nghiệp nhân. Nhưng đến khi bước lên bờ giải thoát, được tự tại thì chẳng khác gì một vị chúa tể.

Bốn cù lao mà tên trộm đến được trong câu chuyện này, chỉ mới có nghĩa là bốn quả Thánh của hàng Nhị thừa chưa phải là Niết Bàn rốt ráo, hoàn toàn của chư Phật. Nhưng dù sao câu chuyện trên cũng cho chúng ta một ý niệm thô thiển về sự tiến triển của kẻ tu hành đi từ cảnh giới đau khổ, phiền não là cảnh giới Ta bà nầy, đến trạng thái Thường, Lạc, Ngã, Tịnh là Niết Bàn.

Nói tóm lại, Diệt đế tức là chân lý chắc thật nói về quả vị mà một kẻ tu hành có thể chứng được. Quả vị ấy tức là Niết Bàn.

Nhưng vì sự tu hành có thấp có cao, có rộng có hẹp, nên quả chứng tức là Niết Bàn cũng có thấp có cao.

Ðối với hàng Tiểu Thừa, thì ba quả đầu: Tu đà hoàn, tư đà hàm, A na hàm là thuộc về hữu dư y Niết Bàn, vì phiền não chưa hoàn toàn tuyệt diệu. Chỉ đến quả vị A La Hán là quả vị mà mọi phiền não đã tuyệt diệt, mới thuộc về Vô dư y Niết Bàn.

So với Ðại Thừa, thì Niết Bàn của A La Hán cũng còn là Hữu dư y Niết Bàn, vì các vị A La Hán mặc dù phiền não đã dứt sạch, ngã chấp đã hết, nhưng pháp chấp hãy còn, thấy có pháp mình tu, có Niết Bàn mình chứng, nên chưa có thể gọi là được Vô dư y Niết Bàn. Chỉ có Niết Bàn của Ðại Thừa mới là Vô dư y Niết Bàn, vì ở đây đã dứt sạch ngã chấp, pháp chấp, không còn thấy có pháp mình tu, Niết Bàn mình chứng.

Niết Bàn của Ðại Thừa có hai loại: Vô trụ xứ Niết Bàn của các vị Bồ Tát, và Tánh tịnh Niết Bàn là chân tánh bản lai thanh tịnh và sáng suốt của vũ trụ, mà các đức Phật đã thể chứng.

Trên đây kể sơ qua các loại Niết bàn, là các quả vị của Diệt đế Niết Bàn mà chúng tôi diễn tả bằng văn tự ở đây so với Niết Bàn thật, còn xa cách muôn trùng. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, không có phương tiện nào khác hơn, để trình bày và tìm hiểu Niết Bàn, thì đành phải dùng văn tự vậy.

Muốn thấy được Niết Bàn thật, phải tự mình thân chứng, phải thể nhập Niết Bàn. Muốn thân chứng, thể nhập Niết Bàn, cần phải tu theo phương pháp mà đức Phật đã dạy trong phần Ðạo đế, là phần mà chúng tôi sẽ trình bày trong những bài sau đây.

 

 

[ Quay lại ]