headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 06/10/2024 - Ngày 4 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Tám quyển sách quý - Quyển 2: KẾT QUẢ TỐT ĐẸP CỦA NGƯỜI DƯỠNG TÁNH: TỰ GIẢI THOÁT

hoasen12H.T Thích Thiện Hoa

Những đức tánh chúng ta đã thấy ở phần chính: Từ Bi, Trí tuệ, Bình đẳng, Lợi tha, Nhẫn nhục, Hỷ xả, Thanh tịnh, Tinh tấn và Kiên chí là những đức tánh căn bản đưa đức Bổn Sư Thích Ca đến quả vị Phật.

Nếu kể những đức tánh phụ khác, thì không biết bao giờ cho hết. Nhưng mặc dù không kể ra một cách rành mạch, những đức tánh ấy vẫn đã được nhắc đến, điểm qua, trong khi chúng ta bàn đến những đức tính căn bản ở trên; chúng liên lạc mật thiết với nhau cả.

 

Đứng về phương diện tuyệt đối mà nói, thì đức tánh nào cũng có hàm chứa, bao gồm những đức tánh khác. Chẳng hạn như trong Từ bi vẫn có bóng dáng củaTrí tuệ, Bình đẳng, Lợi tha, Hỷ xả; trong Hỷ xả vẫn có bóng dáng của Nhẫn nhục, Lợi tha, Từ bi, Thanh tịnh, Tinh tấn... Nhưng khi chúng ta tách riêng một đức tánh nào để nói là chúng ta muốn soi sáng riêng khía cạnh ấy, chiếu lớn nó ra để nhìn thấy cho rõ hơn. Vậy thôi !

Thế nên, người ta có thể trưởng dưỡng cái đức tánh căn bản mà có thể thành tựu luôn những đức tánh khác. Thí dụ chúng ta chỉ chuyên tâm trau dồi tánh Từ bi và Trí tuệ, mà những đức tánh khác tự nhiên phát lộ.

Nhất là đối với những người sơ cơ, mới bắt đầu tu dưỡng thì nên lựa những đức tính tương đối ít khó khăn mà trau luyện trước. Chẳng hạn tập tánh Nhẫn nhục, Hỷ xả, hay Tinh tấn, Lợi tha trước rồi dần dần luyện những tánh khác sau. Như thế, ta sẽ tránh được sự rợn ngợp vì thấy nhiều quá, mà không dám khởi sự tu hành, hay bỏ dở nửa đường vì sợ gặp nhiều khó khăn quá, như người thấy núi cao quá không dám leo, hay mới leo lên nửa chừng, thấy hiểm trở quá nên leo xuống.

Trong mọi công việc, khó nhất là những bước đầu. Ta vượt qua những khó khăn ban đầu, và thấy có kết quả, ta sẽ phấn khởi và mạnh dạn tiếp tục tiến tới, lây ngày trở thành thói quen.

Điều quan trọng nhất là phải kiên tâm, trí chí, luôn luôn cố gắng vươn lên, hay nói theo danh từ đạo Phật là phải tinh tấn. Với tinh tấn, không có gì là không làm được.

Trong việc lập chí để thành Phật, tất nhiên sự kiên tâm phải bền vững như sắt đá. Không năm bảy tháng, đôi ba năm mà ta đạt kết quả. Cũng không phải vài ba mươi năm, hay một đời mà ta có thể thành Phật. Công cuộc tu hành phải tiếp tục từ kiếp này sang kiếp khác, từ đời này sang đời khác.

Mặc dù con đường đi đến mục đích cuối cùng lâu dài, diệu vợi như thế, nhưng mỗi một chặng đường mà ta vượt qua được là một thành công, đem lại cho ta nhiều phần thưởng xứng đáng trong lúc ta còn làm người. Chẳng hạn, nếu ta chưa có được Từ bi, Trí tuệ tuyệt đối như Phật, thì trong phạm vi tương đối, ta cũng có được một tình thương rộng lớn, một trí sáng chân chánh, tô điểm cho cuộc đời ta có ý nghĩa. Nếu ta chưa có được tánh Hỷ xả, Thanh tịnh tuyệt đối như Phật thì trong phạm vi tương đối, ta cũng có được nỗi vui vẻ trong sạch, làm cho đời ta thanh thoát nhẹ nhàng.

Nói một cách khác, tánh Phật càng nhiều và càng lớn mạnh trong ta, thì ta càng thoát dần ra khỏi ngục tối tăm và đau khổ của đời, tháo gỡ dần xiềng xích, dây nhợ mà ma vương, chúa tể của dục vọng và xấu xa đã trói buộc ta từ bao nhiêu kiếp trước. Với sự phát triển của tánh Phật, ta dần dần lấy lại được tự do mà ta đã mất, làm theo ý nghĩ chân chính của ta, chứ không bị dục vọng sai sử, hành hạ như một tên nô lệ.

Tự do càng mở rộng, ta lại càng vượt ra ngoài những chi phối của hoàn cảnh. Đến trình độ mà ta đã vượt ngoài sự chi phối của thời gian và không gian, sự múa rối của quỷ vô thường, sự đe doạ của cái vòng lẩn quẩn luân hồi; đến trình độ mà ta có thể làm tất cả mọi việc không bị ngăn ngại, sống một cuộc sống vĩnh cửu, an vui, trong sáng, đến đó là ta đã được tự tại giải thoát. Ta đã đến đích cuối cùng: Ta đã thành Phật.

 

 

[ Quay lại ]