headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 09/11/2024 - Ngày 9 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Tám quyển sách quý - Quyển 2: VẤN ĐỀ TU TÂM VÀ DƯỠNG TÁNH KHÁC NHAU VÀ BỔ KHUYẾT CHO NHAU NHƯ THẾ NÀO ?

caybodeTrong đời sống hằng ngày, chúng ta thường nghe hay thường quen miệng nói đến hai chữ "tu dưỡng" chẳng hạn như: "Con nên tu dưỡng tánh tình để thành người có đức hạnh" hay: "Nó hư, vì không biết tu tâm, dưỡng tánh". Hai tiếng "tu dưỡng" thường đi đôi với nhau, nên chúng ta thấy mường tượng như chúng nó giống nghĩa nhau, có một phạm vi, một tác dụng riêng biệt. Tu là sửa, mà dưỡng là nuôi.

Người ta sửa cái xấu, mà nuôi cái tốt - Sữa là trừ, mà nuôi là cộng; tu có tánh cách tiêu cực, dưỡng tánh có tánh cách tích cực. Một bên tiêu trừ cái xấu, một bên bồi bổ cái tốt. Một bên làm cho hết hư, một bên làm cho thêm nên. Mọi sự vật trong đời tương đối nầy đều có phần xấu và phần tốt. Đối với cái xấu ta phải tu, đối với cái tốt ta phải dưỡng. Chẳng hạn, khi ta trồng một cây gì, công việc của chúng ta có hai phần lớn: bắt sâu bọ, trừ nước phèn, nước mặn: đó là tu hay sửa. Bỏ phân, tưới nước ngọt, cho nó đủ thoáng khí và ánh nắng mặt trời: đó là bổ hay dưỡng. Tu bổ một cái cây, cho nó đơm hoa kết trái, là thế.

Công việc trồng cây Bồ đề trong mỗi người chúng ta cũng tương tự như thế, nhưng tất nhiên là phải tốn nhiều công phu tu bổ hơn, vì nó rất khó trồng. Nó không chịu được "bóng rợp si mê" của rừng vô minh, mà phải có ánh sáng của "mặt trời trí tuệ"; nó không chịu được nước phèn, nước mặn của "ao sân hận, độc ác", mà phải có nước ngọt của "suối từ bi"; nó không chịu được xú khí của "đống rác phiền não ô trọc", mà phải có không khí trong sạch của "bầu trời thanh tịnh". Nó không thể sống trên một miếng đất lồi lõm, nơi cao nơi thấp của "triền núi bất bình đẳng" mà chỉ sống giữa "đồng bằng bình đẳng". Nhưng ở đây, chúng ta phải coi chừng trâu bò của "anh chàng trọc phú tham lam" thường thả rong ăn phá: để ngăn đón chúng dẫm đạp, ta phải làm một cái "hàng rào trì giới", hay xây một cái "thành tự tại". Ta lại phải luôn luôn tìm bắt cho hết những con "sâu ích kỷ, giải đãi, tiêu cực, nghi ngờ"; trong công việc nầy, ta cần nhờ sự giúp sức của những con "kiến lợi tha, nhẫn nhục, tích cực, tinh tấn" để diệt trừ, từ trong trứng những con sâu bọ kia.

Tóm lại, trong việc trồng cây Bồ đề nầy, mặc dù phức tạp, nhưng có thể chia ra làm hai loại chính: một loại là bài trừ những ảnh hưỡng xấu ở chung quanh, gọi là tu; một loại là bồi bổ cho cái mầm quý báu của cây Bồ đề mỗi ngày mỗi lớn mạnh, gọi là dưỡng.

Hai loại công việc ấy, người trồng cây Bồ đề không được xem loại nào trọng, loại nào khinh, loại nào cần thiết, loại nào bỏ qua. Tu mà không Dưỡng thì kết quả khó toàn vẹn.

Nhưng chúng ta đừng nên thấy công việc trồng Bồ đề nầy khó khăn, phức tạp mà ngã lòng, thối chí. Không có công việc gì tốt đẹp, vĩ đại mà không khó khăn. Không có hoa hường nào là không có gai. Vì sợ gai mà ta không dám hái hoa hường sao? Cây Bồ đề, một khi nhờ công phu tu dưỡng của ta mà đơm hoa kết trái thì công dụng của nó thật vô cùng lớn lao. Không phải riêng ta mà muôn ngàn người đều được hưởng thụ. Sách có nói: "Nhất nhơn tác phước, thiên nhơn hưởng, độc thọ khai hoa, vạn thọ hương". (Một người làm phước, muôn người được ảnh hưởng; một cây được trổ hoa, muôn cây đều được thơm lây).

Trong tập "Tu Tâm", chúng tôi đã nói rõ nội dung và phương pháp "Tu Tâm" như thế nào rồi. Trong tập nầy chúng tôi chỉ trình bày về vấn đề dưỡng tánh.

Nhưng dưỡng tánh đây là dưỡng tánh gì? Tất nhiên không phải là tánh tình tầm thường có tốt có xấu của chúng ta, cũng không phải tánh thiện mà thầy Mạnh Tử thường nói. Tánh đây là tánh Phật!

Tánh Phật ở đâu mà dưỡng? Thưa, nó có sẵn trong mỗi người chúng ta. Phật dạy: "Nhất thế chúng sanh giai hữu Phật tánh": Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Song vì chúng sanh không biết dưỡng tánh Phật của mình, để cho nó bệnh họan, gầy mòn, tiều tụy, nên nó không có sức để phát sinh những đức tính phi thường và đưa chúng ta đến quả vị Phật. Vì không biết dưỡng tánh Phật nên từ vô thủy đến giờ, chúng ta bị trầm luân trong biển khổ sanh tử, vĩnh kiếp làm chúng sanh.

Tất cả các vị Thánh hiền vì biết nuôi dưỡng tánh Phật, diệt trừ tánh chúng sanh, nên đã trở thành Bồ tát hay Phật. Nay nếu chúng ta không sớm lo dưỡng tánh Phật của mình, thì từ đây về sau, chúng ta cũng vẫn quanh quẩn mãi trong nẻo tối luân hồi, trôi lăn trong biển sầu nước mắt.

[ Quay lại ]