headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NGŨ ĐĂNG HỘI NGHUYÊN-LINH KÊU HAY GIÓ KÊU ?

03.linhkeuTôn giả Tăng-già Nan-đề, người ở thành Thất-la-phiệt, du hành giáo hóa đến nước Ma-kiệt-đà, thấy một đồng tử cầm tấm gương tròn đi thẳng đến trước Ngài. Tôn giả hỏi:
- Ngươi bao nhiêu tuổi?
Đồng tử đáp:
- Con một trăm tuổi.
- Ông còn nhỏ tại sao nói trăm tuổi?
- Con chẳng hiểu lý, chính con một trăm tuổi.
- Căn cơ ông lanh lợi chăng?
- Phật nói: "Nếu người sống trăm tuổi, chẳng hiểu diệu lý Phật, chẳng bằng sống một ngày, mà thông hiểu được đó".
- Tấm gương tròn ông cầm trong tay là tiêu biểu cho cái gì?

- Chư Phật gương tròn lớn,
Trong ngoài không vết che.
Hai người đồng được thấy,
Tâm mắt đều không khác.
Tôn giả bèn độ cho đồng tử xuất gia và trao giới Cụ túc.
Một hôm, nhân gió thổi trước điện Phật, tiếng linh khua, Tôn giả hỏi:
- Linh kêu hay gió kêu?
Đồng tử đáp:
- Chẳng phải linh kêu chẳng phải gió kêu, mà tâm con kêu.
- Tâm như thế nào?
- Đều lặng lẽ.
Tôn giả biết căn cơ Đồng tử đã thuần thục, bèn đặt tên Già-da-xá-đa và phú chúc chánh pháp, giáo hóa chúng sinh.

BÌNH:

Già-da-xá-đa là người "Sanh nhi tri chi" đã hội được cơ duyên khi còn bé nên mới nói mình trăm tuổi. Và qua bài kệ, Tổ đã nhận thấy Ngài nhận được tánh giác trong suốt không dấu vết "trong ngoài, không ngăn cách kia đây, thấy và biết không hai". Tuy nhiên nhận được chưa phải xong việc, thế nên một hôm Tổ gạn hỏi:
- Linh kêu hay gió kêu?
Quả là một câu gài bẫy. Nếu chẳng phải người hằng sống với chính mình, rõ muôn pháp vốn từ tâm sanh, và không còn kẹt nơi âm thanh, sắc tướng, làm sao có thể đáp được:
- Chẳng phải linh kêu chẳng phải gió kêu, màø tâm con kêu?
Chỗ này giống với câu đáp của Lục Tổ "Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, tâm nhân giả động". Song để gạn kỹ một lần nữa. Tổ hỏi vặn: "Cái gì là tâm?". Có phải chăng, đây là chỗ vắng bặt muôn niệm, lặng lẽ thường nhiên? Thấy được đến đây tức là đã qua cửa ải sau cùng, được cùng Tổ nắm tay đồng đi.
 

[ Quay lại ]