headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TU TRONG MỘT CHỮ NHỚ

ChanDungDucPhatThichCaAi cũng nói tu khó, nhưng tại sao khó? Tại tập khí của con người là hay quên nên tu khó. Thí dụ như đang ở đây tôi nói gì quí vị nghe hiểu rõ ràng, khi về nhà thì quên mất, khó là ở chỗ đó. Mà vì sao lại quên? Vì vọng tưởng chuyện này chuyện kia hoặc bị tâm phiền não che mờ chớ không gì khác. Thời Phật tại thế, có một vị Bà la môn đến hỏi Phật: "Bạch ngài Cù Đàm, tại sao có khi có những bài chú chưa từng học mà bỗng nhiên tôi nhớ, cũng có khi có những bài chú đã thuộc lòng rồi lại quên?"

Đức Phật đáp: "Nguyên nhân thứ nhất khiến quên là do năm món triền cái che đậy. Đó là tham, sân, thùy miên, trạo hối, nghi hoặc, khiến cho tâm trí bị che mờ, nên dễ quên. Nguyên nhân thứ hai khiến nhớ, là có khi tạm xa lìa năm món triền cái, tâm trí sáng suốt nên nhớ lại nhớ nhiều việc. "

Phật thí dụ như bát nước trong, đem hoà màu vào làm mất đi sự trong suốt của nó nên khi nhìn vào bát nước không thấy được mặt của mình. Cũng vậy, sự tham nhiễm làm mờ đi trí sáng suốt. Tham nhiễm dụ cho màu, nước trong dụ cho trí sáng suốt. Màu hoà vào làm mất đi sự trong của nước dụ cho tham nhiễm làm mờ đi trí sáng, do đó dễ quên. Ví dụ thứ hai, như bát nước dù trong mà nấu sôi sùng sục lên cũng không nhìn thấy mặt được. Cũng vậy, khi nổi sân là tâm đang sôi sục thì mất sự sáng suốt. Đây là hai món triền cái gần với mình. Ví dụ thứ ba, như bát nước trong bị rêu phủ trên mặt cũng không nhìn thấy được mặt. Cũng vậy, khi thùy miên (buồn ngủ) thì tâm trí mơ màng khó nhớ. Ví dụ thứ tư, tuy bát nước trong nhưng bị dao động thì nhìn vào thấy mặt mình cũng bị dao động không thấy rõ được. Cũng vậy, khi trạo hối thì tâm không yên nên khó nhớ. Ví dụ thứ năm, như bát nước trong vừa bị khuấy động, vừa để trong chỗ tối thì khi nhìn vào làm sao thấy được mặt mày.

Cũng vậy, khi tâm bị nghi hoặc che đậy thì trí mờ không nhớ được những việc lâu xa. Tóm lại, khi có năm món triền cái nầy thì trí nhớ bị lu mờ, không có nó tâm trí mới sáng suốt, bén nhạy.

Phật dạy thực tế như vậy mà thế gian không chịu nghe. Họ bảo rằng tôi thông minh học đâu nhớ đó và nhớ dai nữa làm sao quên được. Nhưng đây phải xét lại, phải phân biệt cái nhớ của tâm mê và cái nhớ của tâm ngộ. Người đời nhớ dai nhưng nhớ cái gì? Đó là nhớ theo duyên, theo cảnh, nhớ theo phiền não. Ai làm mình giận thì nhớ đời. Cũng nhớ, nhưng chưa phải chỗ Phật muốn nói ở đây, vì nhớ những thứ đó thì không nhớ được những chuyện khác. Thí dụ mình đang nhớ giận người nào thì tâm mờ, hoặc ngồi đây mà nhớ chuyện nhiều năm về trước, hay nhớ bên Mỹ, hay nhớ triết lý này triết lý nọ chứa đầy trong đầu thì đó là sống trong cái thức tưởng hay còn gọi là sống theo những cái bóng của quá khứ; hoặc không nhớ quá khứ thì nghĩ tới tương lai. Tương lai là gì? Là quá khứ phóng đại, vì từ quá khứ mới tưởng thành tương lai. Vậy là cũng đang sống với cái đâu đâu. Rốt lại có thực sống không? Bây giờ đặt câu hỏi: "Ai đang sống đó? Chỉ ra xem ! Tại sao như vậy?” Đó chỉ là tâm phân tán thôi. Tâm phân tán theo cái nầy, phân tán theo cái kia, luôn luôn có vấn đề trong đầu nên không được an ổn. Do không an ổn nên tâm bị che mờ, bị che mờ nên không nhớ được việc cần nhớ. Hoặc càng học cho nhớ nhiều chừng nào thì tâm càng loạn động chừng nấy. Ngài Vô Trụ phó chúc một công án cho đệ tử là Vô Hữu bằng một câu chuyện. Chuyện kể có một người đang đứng trên một đồi cao, có ba du khách đi ngang qua đường nhìn thấy người đứng trên đồi mới nói với nhau. Người thứ nhất nói: "Chắc anh ta bị mất vật gì thương yêu nên đang kiếm nó. " Người thứ hai cãi: "Không, chắc anh ta đang đứng chờ một người bạn thân. " Người thứ ba nói: "Trông cái dáng tôi đoán chắc anh ta đang đứng thưởng thức khí trong lành. " Mỗi người một ý cãi nhau không thôi, mới đề nghị lên đồi gặp anh kia hỏi cho ra lẽ. Ba người cùng nhau lên đồi, gặp người kia. Anh thứ nhất hỏi: "Anh làm gì ở đây vậy? Có phải anh đánh mất vật gì không?" Người kia đáp: "Tôi không mất gì hết. " Người thứ hai hỏi: "Anh đang chờ ai phải không?" Người kia đáp: "Không, tôi không chờ ai hết. " Người thứ ba hỏi: "Vậy có phải anh đứng hóng mát không?" Anh kia đáp: "Không phải, tôi chỉ đứng đây thôi. " Câu chuyện này ngài Vô Trụ bảo là một công án. Mình luôn sống như ba người ở dưới đồi, luôn lấy cái suy nghĩ trong đầu mình mà suy ra cho người, nghĩa là trong đầu luôn có vấn đề. Như vậy thì quả tang mình sống trong vô minh, sống trong vọng tưởng. Đó cũng là nhớ mà nhớ theo thế gian, đối với đạo gọi đó là quên. Quên là sống quên mình, sống không nhớ chủ. Còn nhớ là vì trong đầu mình có vấn đề gì mình nhớ vấn đề đó.

Có một người Ấn tên Tam Tạng Đại Nhĩ sang Trung Hoa, tự xưng có tha tâm thông, là thấy được tâm người khác. Vua muốn trắc nghiệm mới mời vào cung gặp quốc sư Huệ Trung. Lần thứ nhất quốc sư khởi tâm nghĩ đến cầu Thiên Tân rồi hỏi:

- Bây giờ tôi đang ở đâu?

Tam Tạng Đại Nhĩ nói:

- Ngài là quốc sư của một nước mà sao lại đến cầu Thiên Tân xem khỉ giởn?

Lần thứ hai quốc sư nghĩ đến bến đò Tây Xuyên rồi hỏi Tam Tạng:

- Bây giờ tôi đang ở đâu?

Tam Tạng nói:

- Ngài là một quốc sư sao lại đến bến đò để xem đò đua?

Lần thứ ba quốc sư không nghĩ gì hết, hỏi:

- Bây giờ tôi đang ở đâu?

Tam Tạng tìm hoài không được. Ngài hỏi thúc:

- Ở đâu, nói xem?

Tam Tạng tìm không ra. Cuối cùng quốc sư quở:

- Chồn tinh! tha tâm thông ở chỗ nào?

Tại sao lần thứ ba Tam Tạng không nói được? Vì đây là tha tâm thông thường thôi chứ không phải đạo thông. Tha tâm thông này chỉ thấy theo vọng tưởng nên hễ quốc sư nghĩ đến cây cầu, đến bến đò thì tướng cây cầu bến đò hiện trong đầu, Tam Tạng mới thấy được, đó là thấy theo cái bóng. Đến khi quốc sư không nghĩ gì hết thì Tam Tạng làm sao thấy. Nhưng chính chỗ không nghĩ gì mới là quốc sư thật. Nghĩ chỗ này chỗ kia là cái bóng, còn bây giờ quốc sư thật ngay trước mặt mà không thấy, đó gọi là sống mất mình. Nếu Tam Tạng thực sự có con mắt Thiền thì ngay khi bị hỏi "hiện giờ ở đâu", liền vỗ vai ông một cái thì biết ở đâu liền, không nói ở đâu. Do ông chỉ nhớ theo bóng nên Quốc sư quở, tức là mê mình. Học thiền là phải dám buông những thứ nhớ đó. Nhớ thứ nầy nhớ thứ kia buông liền, buông liền những thứ nhớ đó là sống trở lại chính mình, đó gọi là sống Thiền. Còn nhớ theo kiểu thế gian thì càng nhớ nhiều càng sanh loạn, có người học nhớ nhiều quá rồi điên, vì chứa đầy quá!

Trong nhà thiền có câu chuyện một giáo sư đi học thiền. Giáo sư thì trong đầu nhớ rất nhiều, ông đến học thiền với Thiền sư Nan In (Nhật Bản) thời Minh Trị Thiên Hoàng. Đến gặp Thiền sư thay vì thưa hỏi để được Thiền sư chỉ dạy, nhưng ông chỉ lo tuôn ra những sự hiểu biết của ông thôi. Thiền sư rót trà mời khách, nhưng ngài rót hoài đầy tràn tách rồi mà ngài vẫn không thôi. Ông giáo sư thấy vậy mới ngưng nói, thưa: "Bạch ngài, tràn rồi. " Bấy giờ Thiền sư mới nói: "Ông cũng vậy, đầu ông đã đầy tràn rồi thì cần gì phải học nữa? Trừ khi ông cạn tách trà của ông đi, còn bây giờ không còn chỗ chứa thêm nữa. " Đó là Thiền sư muốn đánh thức ông giáo sư đến học thiền thì trong đầu phải trống rỗng để tiếp nhận, còn trong đầu nhớ quá nhiều tràn cả ra ngoài thì còn chỗ nào để tiếp nữa.

Chứa nhiều đến nỗi đối diện Thiền sư mà không thấy Thiền sư, chỉ thấy những thứ ở trong đầu mình thôi. Học thiền kiểu đó làm sao tiếp nhận được? Vì vậy trong nhà thiền, những thứ chứa trong đầu nhớ dai nhớ giỏi chưa phải là thiền.

Trong nhà thiền có một vị tên là Đức Sơn cũng vì chỗ đó mà bị bà già bán bánh gạt. Ngài Đức Sơn quảy một gánh kinh ghé quán của bà hỏi mua bánh điểm tâm. Bà hỏi:

- Thầy quảy gánh gì nặng vậy?

Ngài đáp:

- Thanh Long sớ sao

Bà già biết đó là sớ giải kinh Kim Cang, bà nói:

- Như vậy thầy là giảng sư. Nếu thầy đáp được câu hỏi của tôi thì tôi cúng dường bánh cho thầy ăn, còn không đáp được thì xin mời thầy đi nơi khác.

Bà hỏi:

- Trong kinh Kim Cang nói: “Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được, vậy thầy điểm tâm nào”?

Thật đơn giản nhưng ngài đáp không được, vì sao? Chỉ vì còn lo tìm tâm nào để điểm nên không trả lời được. Tâm quá khứ không thể được vì quá khứ qua rồi, nó là tâm hư dối nên không thể được. Tâm vị lai chưa đến nên cũng không được. Còn tâm hiện tại thì đang sanh diệt đổi dời, mình đang ngồi đây chứ tâm đã chạy về Sài Gòn rồi nên cũng không thể được. Vậy thì điểm tâm nào đây? Tâm ba thời đều hư dối không thật nhưng cái gì biết tâm ba thời đều hư dối? Chính cái luôn có mặt đó mà không nhớ, cứ lo tìm tâm ba thời nên bị bà già gạt. Tâm ba thời hư dối không thể được nhưng cái gì biết là nó hư dối không thể được? Chỗ đó lại không nhớ mà nhớ tâm ba thời kia nên gọi là mê, là bị gạt. Chỗ này trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy rất rõ. Ngài nói: “Căn bản của Bồ Đề Niết Bàn từ vô thủy chính là cái thức tinh nguyên minh của ông hiện nay”. Thức tinh nguyên minh tức là cái sáng nguyên vẹn chưa bị lẫn lộn gì hết, nó sáng sẵn như vậy chứ không nhờ cái gì để sáng, “nó hay sanh ra các duyên, nhưng sanh rồi lại chỉ nhớ các duyên đó mà quên chính nó. Chính vì chúng sanh bỏ quên cái sáng suốt có sẵn này nên suốt ngày tu hành mà không được giải thoát, chỉ đi vào trong các đường luân hồi”. Ví dụ như khi ta nhìn cành hoa thì chỉ biết cành hoa mà quên mất cái đang biết cành hoa, đó gọi là mê. Bởi mê nên suốt ngày đi theo các duyên mà không giải thoát. Bây giờ nhớ trở lại, biết rõ hết mà không quên cái đang biết, đó là nhớ trở về. Chính chỗ nhớ về đó là cái gốc của Bồ Đề Niết bàn, cái gốc của giác ngộ thành Phật. Tu là nhớ chính cái hằng biết đó chứ không phải nhớ những thứ bóng kia. Đây là nhớ Tánh giác, tức là nhớ ông Chủ của mình chứ không phải nhớ cảnh bên ngoài. Hễ nhớ cảnh bên ngoài tức là nhớ các thứ giả thì đi vào sanh tử. Đây thì quên tâm quên cảnh mà nhớ lại chính mình. Đó là cái nhớ của người giác.

Nói tóm lại, tu không có gì khó, chỉ một chút xíu này thôi: Chỗ mình thường nhớ thì phải hằng quên, chỗ mình hay quên thì phải hằng nhớ. Quay đầu lại chính là bờ, nắm được căn bản rồi thì thấy được chỗ tu của mình. Rất đơn giản.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ tát Đại Thế Chí tu niệm Phật tam muội, ngài nói rằng: "Cũng giống như người mẹ luôn nhớ con mà con không nhớ mẹ thì làm sao gặp nhau được. Còn mẹ nhớ con mà con cũng nhớ mẹ thì chắc chắn mẹ con sẽ gặp nhau. " Cũng vậy, Phật luôn nhớ chúng sanh mà chúng sanh không nhớ tới Phật thì làm sao gặp Phật. Giờ đây luôn nhớ Phật mà đến chỗ không còn niệm khác xen vào, thì lúc đó là Phật hiện tiền. Như vậy là mình và Phật gặp nhau, đó là chỗ rất thiết thực.

Còn ngài Quán Thế Âm tu phản văn văn tự tánh là xoay cái nghe nghe lại nơi tự tánh, tức là thay vì nghe tiếng bên ngoài thì bây giờ quên cái tiếng đó, nghe trở lại tánh nghe hằng hiện hữu nơi mình không gián đoạn, đó là chỗ chơn thật, là con đường chứng viên thông của ngài.

Có một lần Tể tướng Đỗ Hồng Tiệm đến luận đạo với Thiền sư Vô Trụ. Đang luận đạo thì có con quạ đậu trên cành cây trước sân kêu, Tể tướng mới hỏi Thiền sư Vô Trụ:

- Thầy có nghe chăng?

Thiền sư đáp:

- Nghe !

Một lúc sau con quạ bay đi, ông hỏi:

- Giờ thầy có nghe không?

Thiền sư đáp:

- Cũng nghe.

Ông nói :

- Con quạ đã bay đi rồi tại sao thầy nói nghe?

Ngay đó Thiền sư gọi tất cả đại chúng rồi nói to lên cho tất cả cùng nghe. Sư bảo:

- “Đức Phật ra đời rất khó gặp, chánh pháp rất khó nghe, các ông hãy lắng nghe cho kỹ ! Có tiếng, không tiếng, không dính dáng gì đến tánh nghe. Tánh nghe xưa nay chẳng sanh nên đâu từng có diệt.

Khi có tiếng thì thinh trần tự sanh, khi không tiếng thì thinh trần tự diệt, tánh nghe chẳng nhơn nơi tiếng mà có sanh có diệt. Ngộ tánh nghe thì không bị thinh trần chi phối. Cho nên phải biết, tánh nghe vốn không sanh, diệt, đến, đi. ” Ngay đó Tướng quốc làm lễ cảm nhận lời dạy của Sư. Đây nhân tiếng quạ kêu mà đánh thức cho mỗi người thấy rõ: "Tiếng hoặc có hoặc không, có sinh có diệt, tánh nghe thì đâu có theo tiếng mà có hay không. " Trước khi quạ kêu đã như vậy rồi, đâu đợi quạ kêu mới có nghe. Cũng vậy, trước khi nghe giảng quí vị có nghe không? Vậy thì khi hết giảng quí vị đâu có mất. Thử nhớ trở lại coi sẽ thấy rõ ràng tánh nghe luôn luôn có mặt với mình. Nhớ như vậy là nhớ lại tánh nghe của mình, đó là chỗ Phật muốn chỉ. Cho nên ngài nói Phật ra đời khó gặp, chánh pháp khó nghe, tức là nhấn mạnh cần phải lắng nghe lại tánh nghe mới thấy được Phật pháp mầu nhiệm chỉ nằm trong một chỗ đó thôi. Phật ra đời cũng từ chỗ đó. Chúng ta đa số nghe nói Phật ra đời liền nghĩ đến vườn Lâm Tỳ Ni ở Ấn Độ. Nhưng đó là chỗ lầm lẫn không hay. Vì sao? Vì phải hiểu Phật là gì? Lúc ngài ra đời ở vườn Lâm Tỳ Ni thì chưa có tên. Sau đó vua Tịnh Phạn mới đặt tên là Tất Đạt Đa chứ không phải tên Phật. Phật nghĩa là giác, nên khi Thái tử thành đạo, tức giác ngộ được tánh giác mới gọi là Phật. Cội cây nơi ngài ngồi là cây Tất- bát- la chứ không phải là cây bồ đề. Sau khi Phật thành đạo rồi, để kỷ niệm chỗ Phật thành đạo giác ngộ mới đổi tên cội cây thành cây Bồ-đề, Bồ- đề nghĩa là giác. Rõ ràng, khi thành đạo giác ngộ mới gọi là Phật, mà thành đạo từ đâu? Từ trong tự tánh chứ không phải từ vườn Lâm Tỳ Ni hay dưới gốc cây bồ đề. Như vậy, chỗ này phải sống được, muốn sống được phải nhớ lại.

Một hôm ngài A Nan hỏi ngài Ca Diếp:

- Khi Thế Tôn truyền chánh pháp nhãn tạng cho sư huynh thì ngoài chiếc y Kim lan còn truyền riêng pháp gì nữa không?

Ngài Ca Diếp liền gọi:

- A Nan !

Ngài A Nan : "Dạ"!

Ngài Ca Diếp nói:

- Cây phướn trước chùa ngã.

Ngài A Nan liền lễ tạ.

Đó là truyền riêng cái gì? Cứ lo nghĩ một cái gì đó để truyền riêng thì quên mất chính mình đang hiện hữu, đang có mặt đó. Cái riêng và cái bí mật là ở chỗ đó chứ không có gì khác. Chỗ đó không thể nói hết nên giống như có gì bí mật. Nhưng bí mật chính là ngay chỗ mình đang hiện hữu đó. Ngài Ca Diếp gọi A Nan thì ngay đó liền đáp, nhớ liền chỗ đó, thì “bí mật” liền được “bật mí” chớ gì. Rõ ràng và đơn giản nhưng mà mình tưởng tượng quá nhiều thành không thấy được nó. Như ông cư sĩ Phạm Xung ở viện Viên Thông gặp Thiền sư Mân đang ngồi uống trà. Uống trà xong, ông than rằng: “Bạch thầy, con sắp già rồi, đến tuổi nầy mà còn rơi vào con đường quan chức cho nên cách việc này hơi xa. ” Ngài Viên Thông liền gọi “Nội hàn !” Ông liền “Dạ !” Ngài bảo “Có xa đâu?” Ngay đó ông liền vui vẻ thấy không có xa. Mình luôn quên mình, tưởng đâu là có cái gì đó cho nên nói là xa, không ngờ nghe gọi liền dạ thì rõ ràng nó đang có mặt đó chứ đâu. Nếu không có mặt thì đâu có biết dạ. Như vậy là ông đã có niềm vui. Niềm vui này là của riêng ông hay ai cũng có? Vậy tại sao mình không có? Tại vì không chịu nhớ lại thôi. Đây là điểm quan trọng. Như vậy nếu mình luôn nghe thinh trần với cái tâm trong sáng, mới mẻ, tinh khôi chưa xen gì trong đó thì bảo đảm nghe cái gì cũng tỏ ngộ được hết và nghe được những điều chưa từng nghe. Còn nghe với cái tâm quá cũ, chứa những cái khuôn trong đầu thì không nghe được những điều vi diệu. Vừa nghe gọi liền dạ, lúc đó tâm không có vấn đề gì thì rõ ràng nó có mặt đó chứ đâu, không có gì khác hết.

Bây giờ trở lại chỗ tu của mình hiện tại. Hoà Thượng dạy biết vọng là sao? Tức là có niệm khởi lên mình liền biết có niệm, niệm qua biết nó qua rồi, tức là phải luôn sống với tánh biết hằng có mặt. Bởi tánh biết hằng có mặt, nó có trước niệm, nên hễ khởi niệm gì liền biết ngay, không cần suy nghĩ cũng biết. Như vậy tánh biết có đồng với niệm hay không? Nếu tánh biết đồng với niệm thì làm sao nó biết được niệm? Nên thấy niệm khởi nhớ lại cái hay biết, đó là giác. Còn hễ theo tướng niệm thì quên mất tánh biết, đó là mê. Cái chỗ phải nhớ thì chúng ta lại quên, cái chỗ phải quên thì lại nhớ. Nhận ra được điều nầy mới thấy chỗ đang tu của mình rất đúng với lời Phật dạy. Chưa nhận được điều nầy thì còn nghi ngờ.

Tổ Lâm Tế có dạy: “Bên ngoài không pháp (tức không có pháp thật), bên trong cũng không thể được (là vì tâm hư vọng). Các ông chớ chụp lấy lời nói trong miệng của sơn tăng này mà lo hiểu, hãy thôi dứt, vô sự đi. (Cứ chụp lấy lời nói đó cũng chỉ là tiếng vọng thôi). Bây giờ đây, cái đã dấy lên chớ có tiếp tục, còn cái chưa dấy thì đừng cho dấy còn hơn là các ông đi hành cước 10 năm. ” Thật là đơn giản ! Tổ Lâm Tế là Tổ một tông lớn nổi tiếng mà ngài dạy rất rõ ràng như vậy thì mình cũng thấy chỗ tu rõ ràng thôi, nghĩa là ngay niệm khởi không theo là sống thiền rồi. Đường lối tu đơn giản vậy, nhưng vì mình hay quên.

Bây giờ muốn ứng dụng tu phải làm sao đây? Đó mới là chỗ thực tế. Tức là trong tâm phải luôn luôn ý thức được mọi cử chỉ, mọi hành động. Đó là sống trở về ngay cái thực tại đang là. Thí dụ mình giơ cái tay thì mình ý thức được tâm mình đang có mặt nơi cử động đó. Rồi mình cười cũng ý thức được tâm đang có mặt nơi cái cười đó. Giở chân lên cũng ý thức được tâm đang có mặt nơi đó… Như vậy là lúc nào tâm cũng có mặt nơi thân, tức đang là chứ gì nữa ! Đó là sống thiền, chỉ bấy nhiêu đó thôi, không cần cầu gì khác.

Trong văn hệ A Hàm, kinh Vị Tằng Hữu tức là pháp chưa từng có, Đức Phật bảo ngài A Nan: “Này A Nan, Như Lai biết sự sanh khởi của cảm thọ, biết trụ, biết diệt, luôn luôn biết, chẳng có lúc nào chẳng biết”. Tức là khi cảm thọ sanh ra liền biết, nó đang trụ cũng biết, nó đang diệt cũng biết, luôn luôn biết như vậy không lúc nào không biết.

“Này A Nan, Như Lai biết sự sanh của tư tưởng, biết tư tưởng trụ, biết tư tưởng diệt, luôn luôn biết, không lúc nào chẳng biết. ” Tức là Như Lai luôn biết sự sanh diệt của nội tâm, không có lúc nào không biết hết. Như vậy nghĩa là hằng biết, hằng biết là hằng hữu không gián đoạn chớ gì. Mình bây giờ cũng vậy đó, chỉ cần lúc nào cũng BIẾT là gặp Như Lai liền. Đó là chỗ sống, chỗ tu. Có nhiều người học giáo lý thật cao siêu mà không ngờ cái chân thật ngay chỗ sống đó. Một cánh cửa đập mình cũng biết, vậy là mình đâu có mê, còn nghe cánh cửa đập liền nổi tức đó là mê rồi.

Trong sách thiền của Nhật Bản có câu chuyện một hành giả tên Tenno cho rằng công phu của mình đã đủ nên từ giã thầy xuống núi. Khi đến thất thầy để từ giã, bất chợt thầy hỏi:

- Lúc nảy vào đây ông để cây dù bên trái hay bên phải đôi dép?

Bị hỏi bất ngờ Tenno bối rối, suy nghĩ để nhớ lại thì vị thầy bắt ở lại không cho xuống núi.

Lần thứ hai. Mấy năm sau Tenno nghĩ mình đã đủ sức hằng tỉnh giác rồi nên tới từ giã thầy. Vị thầy bất chợt hỏi:

- Khi vào đây ông bỏ dép chân nào trước?

Bị hỏi bất ngờ Tenno không nhớ, phải suy nghĩ nên bị thầy bắt ở lại thêm nữa. Qua thời gian mấy năm ông thầy không dạy thêm gì ngoài câu chuyện dù và dép đó.

Một hôm Tenno tự tin với công phu Thiền miên mật của mình rồi, nên đến xin thầy xuống núi lần nữa. Khi đến từ giã, lúc đó trời đang có gió, ông thầy bảo :

- Con đến đóng cửa lại cho thầy.

Nghe nói vậy trong bụng mừng thầm, nghĩ thầy đã chấp nhận cho mình đi rồi, lại đóng cửa hơi mạnh tay, vang ra tiếng động, vị thầy bắt ở lại thêm nữa. Sau nầy Tenno trở thành vị Thiền sư nổi tiếng của Nhật Bản.

Như vậy học thiền không thể học suông được. Đây rõ ràng Thiền sư muốn đánh thức mình phải luôn tỉnh giác trong mọi cử chỉ và hành động, lúc nào cũng ý thức sự có mặt của cái tâm sáng suốt trong đó. Được như vậy thì lúc nào mình cũng sáng. Đến khi tâm tụ về một điểm gọi là điểm “đang là” thì ý Tổ sư “bật mí” liền. Còn bây giờ tâm mình chưa trụ được mà cứ lo đi tìm thì không bao giờ thấy được vì càng tìm thì càng xa. Càng suy nghĩ càng không trúng. Chính chỗ này là trà Triệu Châu.

Có ông tăng đến hỏi đạo, ngài hỏi:

- Ông đã từng đến đây chưa?

- Chưa từng đến.

- Uống trà đi !

Một vị tăng khác đến, ngài cũng hỏi:

Ông đã từng đến đây chưa?

- Đã từng đến.

- Uống trà đi !

Ông viện chủ thắc mắc, hỏi:

- Tại sao người đã từng đến hay chưa từng đến Hoà Thượng đều mời uống trà?

Ngài bảo:

- Viện chủ !

- Dạ.

- Uống trà đi !

Ngài hỏi ông tăng, ông đã từng đến đây chưa? Ông tăng trả lời, chưa từng đến. Nếu chưa từng đến vậy chớ ai đang đứng đối diện đây? Tôi hỏi, ông đáp rõ ràng đây mà bảo là chưa từng đến ! Vậy là ông đang trở về quá khứ chớ đâu có ở đây, tức là ông quên mất thựïc tại rồi. Đây là ngài đánh thức cho ông tăng nhớ lại cái hiện tiền đó. Ngài hỏi ông tăng khác đã từng đến chưa? Đáp đã từng đến. Đã đến rồi, tức là ông đang có mặt đây rồi thì còn muốn thêm gì nữa. Cho nên bảo: uống trà đi! Còn ông viện chủ thì sao?. Đến hay chưa là chuyện của hai ông kia, đâu dính dáng gì đến ông mà xen vào. Vì thế ngài gọi ông: “Viện chủ !” –“Dạ!” Dạ tức là ông đang có mặt ngay chỗ nầy đây mà ông không nhớ, lo nhớ chuyện của hai người kia. Nên ngài cũng bảo uống trà đi ! Đó là ngài muốn đánh thức mình sống trở lại ngay cái hiện hữu đây. Bây giờ quý vị đang ngồi đây cũng phải có mặt ở đây. Đó là đang sống thiền. Như vậy Nhớ là nhớ lại chỗ đang sống sáng ngời đó thôi, rất đơn giản. Quý vị thấy tu dễ không? Quá đơn giản, không rời khỏi mình một bước, chỉ là ở chỗ nào có mặt ngay chỗ đó là đủ rồi.

Có một chuyện khác của ông tăng đứng hầu ngài Huyền Sa. Ngài Huyền Sa chỉ một chấm màu trắng ở trên nền đất, hỏi:

- Ông thấy chăng?

- Dạ thấy.

Ngài im lặng một hồi rồi hỏi:

- Ông thật thấy chăng?

- Dạ thấy rõ ràng.

Ngài hỏi thêm lần thứ ba nữa, ông tăng cũng đáp “Dạ thấy. ” Lúc đó ngài mới bảo: “Ông cũng thấy, ta cũng thấy, tại sao lại bảo là không khế hội?” Tức là tại sao bảo ta sáng còn ông không sáng. Rất thực tế như vậy đó. Điểm trắng kia bây giờ dụ như cành hoa nầy, quí vị thấy không? Quí vị thấy, tôi cũng thấy. Vậy thì tại sao có người sáng, người không sáng? Có gì đâu, tại quí vị thấy cành hoa chỉ nhớ cành hoa thôi, cũng như ông tăng kia thấy điểm trắng chỉ nhớ có điểm trắng thôi mà quên mất cái đang thấy, tức là quên mất sự có mặt của mình nên gọi là mê. Bây giờ thấy cành hoa liền nhớ trở lại cái gì đang soi sáng cành hoa đó, nhớ chỗ đó là thấy được ngài Huyền Sa. Chẳng những thấy ngài Huyền Sa mà còn thấy cả chư Tổ và mười phương chư Phật trong chỗ đó nữa. Tu chỉ cần chút xíu đó thôi. Trong nhà thiền nói đông nói tây cũng nhằm chỗ đó. Mã Tổ nhéo mũi Bá Trượng cũng nhằm chỉ chỗ đó. Hai thầy trò đang đi dạo, thấy bầy vịt trời đang bay qua, Mã Tổ hỏi:

- Đó là cái gì?

Bá Trượng đáp:

- Bầy vịt trời.

Đợi bầy vịt trời bay qua, ngài hỏi:

- Bay đi đâu?

Bá Trượng đáp:

- Bay qua rồi.

Mã Tổ nhéo lỗ mũi thật mạnh, Bá Trượng la lên. Mã Tổ liền bảo:

- Sao không nói bay qua đi?

Ngay đó Bá Trượng liền tỏ ngộ. Rõ ràng thấy bầy vịt trời thì cùng thấy, nhưng Bá Trượng khi thấy chỉ nhớ bầy vịt trời, nên nó bay qua rồi ngài cũng nhớ theo nó, quên mất mình đang đứng đây. Mã Tổ nhéo lỗ mũi, Bá Trượng la lên. Liền đó Tổ hỏi: “Sao không nói bay qua đi?” Nếu bay qua mất thì ai còn kêu đau đây? Đó là Tổ đánh thức cho mình sống trở lại chỗ chân thật của mình. Chỗ đó chỉ cần nhớ lại là xong. Nói xa xôi cho dài dòng, bây giờ trở về thực tế, cái gì đang ngồi đây, cái gì đang nghe đó?ù Đó là cái thực tế hiện tiền nơi mỗi người, hễ nghe chuyện mà chạy theo chuyện là quên mất chính mình. Nên tu chỉ cần tóm lại bằng một chữ NHỚ mà thôi. Nghĩa là cái mình hằng nhớ thì bây giờ phải quên, cái mình hằng quên thì bây giờ phải nhớ, chỉ bấy nhiêu đó làm kiếp nầy qua kiếp khác cho xong, bảo đảm không sai. Còn học nhiều mà nhớ theo cái học tức là quên mất mình rồi.

Tóm lại, tu có nhiều cách, nói theo chữ nghĩa thì có tám mươi bốn nghìn pháp môn, nhớ không hết, nhưng tóm gọn chỉ một chữ NHỚ là đủ. Vì có pháp môn nào ngoài chữ Nhớ đâu. Một chữ NHỚ gồm thâu tất cả. Quý vị niệm Phật cũng phải nhớ, ngồi niệm Phật mà nhớ chuyện đâu đâu thì làm sao nhất tâm bất loạn cho Phật đến rước được. Còn niệm chú cũng phải nhớ chứ ngồi niệm chú đây mà nhớ chuyện lung tung thì đâu có thành công. Pháp tu Tứ niệm xứ cũng vậy, quán niệm xứ nào cũng phải luôn nhớ trở lại. Tập sống trở lại tức là luôn luôn tiếp xúc với tất cả, mà tiếp xúc với sự có mặt của tâm thì lúc nào cũng sáng hết. Nói chuyện với nhau phải ý thức được sự có mặt của mình ngay đó. Có khi nói chuyện với nhau mà trong đầu nghĩ chỗ khác, đó là không tiếp xúc được với nhau. Cũng vậy, đang đi mà trong đầu lại nghĩ đến chuyện khác, như vậy là không tiếp xúc được với chỗ đó. Rất dễ, mà cũng dễ quên nên nói một bài tâm kinh học hoài không thuộc. Tâm kinh nói rằng: “Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành sâu Bát-Nhã ba-la-mật-đa thì thấy năm uẩn đều không liền qua hết thảy khổ ách. ” Nhưng đang lúc đọc thì nhớ, ra rồi liền quên cho nên vẫn khổ ách như thường, chỉ vì quên thôi. Phải sống trở lại chỗ chân thật nơi mình thì tu mới dễ.

Trong nhà thiền có câu chuyện Thiền sư Hoằng Trí lúc theo Hoà Thượng Đơn Hà Tử Thuần, nhân một hôm đang đứng bàn luận với một vị tăng về công án thiền, trong lúc hứng quá ngài cười to lên. Hoà Thượng Đơn Hà nghe liền quở: “Một tiếng cười của ông làm mất đi bao nhiêu việc tốt rồi. Ông không thấy người xưa nói rằng: tạm thời chẳng còn, đồng như người chết sao?” Nghĩa là ngay đây mà vắng mặt thì giống như người chết thôi, mà ông còn cười nữa. Cười to là hứng, hứng tức là ngay đó quên mất chính mình rồi. Ngài Hoằng Trí nghe vậy liền đảnh lễ ghi nhận. Thời gian sau ngài nói rằng: “Dù cho ở trong thất tối một mình cũng chưa từng dám sơ xuất ”. Tức là lúc nào cũng tu miên mật. Quý vị ngay đây nên bắt đầu ứng dụng trở lại, lúc nào cũng thường nhớ, như vậy sẽ gần với Đạo. Đã bao nhiêu kiếp mình nhớ những chuyện bên ngoài quá nhiều rồi, bây giờ quên cũng đâu có uổng, sao lại còn tiếc. Đừng tiếc nữa, những thứ nhớ đó bây giờ quên đi, còn cái đã quên thì hãy nhớ lại, đó là sống trở lại với thiền, với cái chân thật. Chánh pháp là đó.

Để kết thúc lại, không gì hơn là chúc quí vị thường NHỚ, mà muốn thường nhớ thì phải dám quên. Nhất là quên cái gì? Quên cái TA này. Dám quên cái TA này thì mới thường nhớ được. Còn không dám quên cái TA này thì sẽ không thường NHỚ. Mong tất cả quí vị thành tựu cái thường NHỚ đó là gặp lại Như Lai, gặp chư Tổ thôi.

 

[ Quay lại ]