headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Trung Luận - QUÁN BA TƯỚNG.

            Nếu sanh là hữu vi,
            Ắt nên có ba tướng.
            Nếu sanh là vô vi,
            Đâu gọi tướng hữu vi?

 

Hỏi: - Kinh nói pháp hữu vi có ba tướng sanh, trụ, diệt; muôn vật do pháp sanh mà sanh, do pháp trụ mà trụ, do pháp diệt mà diệt, thế nên có các pháp?

Đáp: - Chẳng phải. Tại sao? Vì ba tướng không cố định. Ba tướng đó là hữu vi hay làm tướng cho hữu vi? là vô vi hay làm tướng cho hữu vi? Cả hai đều chẳng đúng. Tại sao?

            Nếu sanh là hữu vi,
            Ắt nên có ba tướng.
            Nếu sanh là vô vi,
            Đâu gọi tướng hữu vi?

Nếu sanh là hữu vi, lý đáng có ba tướng sanh, trụ, diệt. Điều đó chẳng đúng. Tại sao? Vì cùng trái nhau. Trái nhau là, tướng sanh lý đáng pháp sanh, tướng trụ lý đáng pháp trụ, tướng diệt lý đáng pháp diệt. Nếu khi pháp đang sanh, chẳng nên có pháp trụ và diệt trái nhau. Cùng một lúc ắt chẳng đúng. Như tối và sáng chẳng cùng một lúc. Do đó nên sanh chẳng được là pháp hữu vi. Tướng trụ và diệt cũng như thế.

Hỏi: - Nếu sanh chẳng phải hữu vi, hoặc là vô vi thì có lỗi gì?

Đáp: - Nếu sanh là vô vi, làm sao hay làm tướng cho pháp hữu vi. Tại sao? Vì pháp vô vi không tánh. Nhân diệt hữu vi gọi là vô vi. Thế nên nói chẳng sanh, chẳng diệt gọi là tướng vô vi, trọn không có tự tướng. Vì vậy không pháp chẳng thể làm tướng tướng cho pháp. Như sừng thỏ, lông rùa... chẳng thể làm tướng cho pháp. Thế nên, sanh chẳng phải vô vi. Trụ và diệt cũng như vậy.

        Lại nữa,
                    Ba tướng hoặc tụ, tan,
                    Chẳng thể có sở tướng.
                    Làm sao ở một chỗ,
                    Một thời có ba tướng?

Tướng sanh, trụ, diệt đó, hoặc từng cái hay làm tướng cho pháp hữu vi, hoặc hoà hợp hay làm tướng cho pháp hữu vi. Cả hai đều chẳng đúng. Tại sao? Nếu bảo từng cái thì, ở trong một chỗ hoặc có tướng Có, hoặc có tướng Không. Khi sanh thì không có trụ và diệt, khi trụ thì không có sanh và diệt, khi diệt thì không có sanh và trụ. Nếu hòa hợp, là pháp cùng trái nhau, làm sao đồng thời cùng một lúc?

Nếu bảo ba tướng lại có ba tướng, điều đó cũng chẳng đúng. Tại sao?

                    Nếu bảo sanh, trụ, diệt,
                    Lại có tướng hữu vi.
                    Tức đó là vô cùng,
                    Không, tức trái hữu vi.

Nếu bảo sanh, trụ, diệt lại có tướng hữu vi; sanh lại có sanh, có trụ, có diệt, như thế ba tướng lại nên có tướng nữa. Nếu vậy ắt vô cùng. Còn nếu không có tướng nữa, ba tướng ấy ắt chẳng gọi là pháp hữu vi, cũng chẳng thể làm tướng cho pháp hữu vi.

Hỏi: - Ông nói ba tướng là vô cùng, điều đó chẳng đúng. Sanh, trụ, diệt, tuy là hữu vi, mà chẳng phải vô cùng. Tại sao?

                    Sở sanh của sanh sanh,
                    Sanh sanh bản sanh kia.
                    Sở sanh của bản sanh,
                    Lại sanh ra sanh sanh.

Khi pháp sanh, thông với tư thể, bảy pháp chung sanh: 1-pháp, 2-sanh, 3-trụ, 4-diệt, 5-sanh sanh, 6-trụ trụ, 7-diệt diệt. Trong bảy pháp đó, bản sanh trừ tự thể, hay sanh sáu pháp. Sanh sanh hay sanh bản sanh. Bản sanh hay sanh sanh sanh. Thế nên ba tướng dù là hữu vi mà chẳng phải vô cùng?

Đáp: -      Nếu bảo là sanh sanh,
                Hay sanh ra bản sanh.
                Sanh sanh từ bản sanh,
                Đâu hay sanh bản sanh?

Nếu sanh sanh ấy hay sanh bản sanh thì, sanh sanh ắt chẳng gọi là từ bản sanh mà sanh. Tại sao? Sanh sanh ấy từ bản sanh mà sanh, làm sao hay sanh ra bản sanh?
        Lại nữa,
                       Nếu bảo bản sanh ấy,
                       Hay sanh ra sanh sanh.
                       Bản sanh từ kia sanh,
                       Đâu hay sanh sanh sanh?

Nếu bảo bản sanh hay sanh ra sanh sanh, thì bản sanh ấy chẳng gọi là từ sanh sanh mà sanh. Tại sao? Bản sanh ấy từ sanh sanh mà sanh, làm sao hay sanh ra sanh sanh? Cái sanh sanh lý đáng sanh ra bản sanh, mà nay sanh sanh chẳng hay sanh ra bản sanh. Sanh sanh chưa có tự thể, đâu hay sanh bản sanh. Thế nên bản sanh chẳng hay sanh ra sanh sanh.

Hỏi: - Sanh sanh ấy đang sanh, chứ chẳng phải trước, chẳng phải sau hay sanh ra bản sanh, nhưng sanh sanh đang sanh, hay sanh ra bản sanh?

Đáp: -      Chẳng đúng. Tại sao?
                Nếu sanh sanh đang sanh,
                Hay sanh ra bản sanh.
                Sanh sanh còn chưa có,
                Đâu hay sanh bản sanh?

Nếu bảo sanh sanh đang sanh, hay sanh ra bản sanh, có thể phải. Nhưng thật ra nó chưa có, thế nên sanh sanh đang sanh, chẳng thể sanh ra bản sanh.
        Lại nữa,
                    Nếu bản sanh đang sanh,
                    Hay sanh ra sanh sanh.
                    Bản sanh còn chưa có,
                   Đâu thể sanh sanh sanh.

Nếu bảo bản sanh ấy đang sanh, hay sanh ra sanh sanh, có thể phải. Nhưng thật ra nó chưa có, thế nên bản sanh đang sanh chẳng thể sanh ra sanh sanh.

Hỏi: -       Như đèn hay tự soi,
                Cũng hay soi cái khác.
                Cái sanh cũng như thế,
                Tự sanh, sanh cái khác.

Như đèn vào nhà tối, đồng soi các vật cũng hay tự soi chính mình. Sanh cũng như vậy, hay sanh cái khác, cũng hay tự sanh?

Đáp: -      Chẳng đúng. Tại sao?
                Trong đèn tự không tối,
                Chỗ trụ cũng không tối.
                Phá tối mới gọi soi,
                Không tối ắt không soi.

Thế đèn tự không có tối, chỗ sáng đến cũng không tối, vì sáng và tối trái nhau nên phá tối mới gọi soi, không tối ắt không có soi. Đâu được nói đèn tự soi, cũng soi cái khác.

Hỏi: - Đèn ấy chẳng phải chưa sanh mà có soi, cũng chẳng phải sanh rồi mà có soi, nhưng đang sanh thì hay tự soi và cũng soi cái khác?

Đáp: -     Làm sao đèn đang sanh,
                Mà hay phá nơi tối?
                Lúc đèn này mới sanh,
               Chẳng thể đến kịp tối.

Đèn đang sanh gọi là nửa sanh, nửa chưa sanh; thể đèn chưa thành tựu, làm sao hay phá tối? Lại đèn chẳng hay đến kịp cái tối; như người bắt được giặc mới được gọi là phá.

Nếu bảo tuy đèn chẳng đến tối mà hay phá tối, điều đó cũng chẳng đúng. Tại sao?

                        Nếu đèn chưa đến tối,
                        Mà hay phá được tối.
                        Thì đèn ở khoảng này,
                        Ắt phá tất cả tối.

Nếu đèn có sức chẳng đến tối mà hay phá tối thì, chỗ này thắp đèn lý đáng phá tối ở tất cả chỗ, vì đều chẳng đến kịp.
Lại nữa, đèn chẳng nên tự soi và soi cái khác. Tại sao?

                        Nếu đèn hay tự soi,
                        Cũng hay soi cái khác.
                       Tối cũng nên tự tối,
                        Hay che tối cái khác.

Nếu vì đèn cùng tối trái nhau nên hay tự soi, cũng soi cái khác, thì tối cùng đèn trái nhau nên cũng phải tự che và che cái khác. Nếu tối cùng đèn trái nhau mà chẳng hay tự che và che cái khác, thì đèn cùng tối trái nhau, cũng nên tự soi và cũng soi cái khác. Thế nên dụ đèn chẳng phải.

Vì nhân duyên phá tướng sanh chưa hết nên nay lại nói thêm.

                        Sanh này nếu chưa sanh,
                        Làm sao hay tự sanh?
                        Nếu sanh rồi tự sanh,
                        Sanh rồi đâu cần sanh?

Khi sanh ấy tự sanh, là sanh rồi (tự )sanh, hay chưa sanh mà sanh? Nếu chưa sanh mà sanh, ắt là không pháp. Không pháp thì đâu thể tự sanh. Nếu bảo sanh rồi sanh, ắt là đã thành chẳng cần lại sanh nữa. Như đã làm chẳng nên làm nữa. Hoặc đã sanh, hoặc chưa sanh, cả hai đều chẳng sanh nên không sanh. Ở trước ông nói sanh như đèn, hay tự sanh cũng sanh cái khác. Việc đó chẳng đúng. Trụ và diệt cũng như thế.

        Lại nữa,
                    Sanh, chẳng sanh rồi sanh,
                    Cũng chẳng chưa sanh sanh.
                    Đang sanh cũng chẳng sanh,
                    Trong “Khứ Lai” đã đáp.

Sanh, gọi là các duyên hòa hợp mà có sanh. Vì trong đã sanh không có tạo tác nên không sanh. Vì trong chưa sanh không có tạo tác nên không sanh. Đang sanh cũng chẳng đúng. Lìa pháp sanh thì đang sanh chẳng thể được; lìa đang sanh thì pháp sanh chẳng thể được, làm sao đang sanh sanh? Việc đó trong phẩm “Khứ Lai” đã đáp. Pháp đã sanh chẳng sanh. Tại sao? Sanh rồi lại sanh nữa, như thế lần lượt ắt vô cùng. Như làm rồi lại làm nữa.

Lại nữa, nếu sanh rồi lại sanh thì do cái sanh nào mà sanh? Nếu tướng sanh ấy chưa sanh mà nói sanh rồi sanh, ắt tự trái với lời đã nói. Tại sao? Tướng sanh chưa sanh mà ông bảo là sanh. Nếu chưa sanh bảo là sanh thì, pháp hoặc có thể sanh rồi sanh, hoặc có thể chưa sanh mà sanh. Ở trước ông nói sanh rồi sanh, điều đó ắt chẳng nhất định.

Lại nữa, như đốt rồi chẳng nên đốt nữa, đi rồi chẳng nên đi nữa. Do những nhân duyên như thế... nên sanh rồi chẳng nên sanh nữa.

Pháp chẳng sanh cũng chẳng sanh. Tại sao? Nếu pháp chưa sanh ắt chẳng cùng với duyên sanh hòa hợp. Nếu chẳng cùng với duyên sanh hoà hợp ắt không pháp sanh. Nếu pháp chưa cùng với duyên sanh hòa hợp mà sanh, lý đáng không pháp làm mà làm, không pháp đi mà đi, không pháp nhiễm mà nhiễm, không pháp sân mà sân, không pháp si mà si. Như thế ắt phá pháp thế gian. Thế nên pháp chẳng sanh thì chẳng sanh.

Lại nữa, nếu pháp chẳng sanh mà sanh thì pháp chưa sanh ở thế gian đều nên sanh. Tất cả phàm phu chưa sanh bồ đề, nay nên sanh bồ đề, A La Hán chẳng hoại pháp, không có phiền não, nay nên sanh phiền não, thỏ... không sừng, nay đều nên sanh sừng. Nhưng điều đó chẳng đúng. Thế nên pháp chẳng sanh cũng chẳng sanh.

Hỏi: - Pháp chẳng sanh chẳng sanh là do chưa có duyên, không tạo tác, không người tạo tác, không thời, không phương... nên chẳng sanh; nếu do có duyên , có tạo tác, có người tạo tác, có thời, có phương... hòa hợp nên pháp chẳng sanh sanh. Thế nên nói tất cả pháp chẳng sanh đều chẳng sanh, việc đó chẳng phải.

Đáp: - Nếu pháp có duyên, có thời, có phương... hòa hợp ắt sanh thì, trước có cũng chẳng sanh, trước không cũng chẳng sanh, vừa có vừa không cũng chẳng sanh. Ba trường hợp đã phá ở trước, thế nên sanh cũng chẳng sanh, chẳng sanh cũng chẳng sanh. Đang sanh cũng chẳng sanh. Tại sao? Phần đã sanh chẳng sanh, phần chưa sanh cũng chẳng sanh, như trước đã đáp.

Lại nữa, nếu lìa sanh có đang sang, lý đáng đang sanh mà sanh. Song lìa sanh không có đang sanh, thế nên đang sanh cũng chẳng sanh.

Lại nữa, nếu nói đang sanh sanh, ắt có lỗi hai cái sanh: Một là do cái sanh nên gọi đang sanh. Hai là do trong đang sanh mà sanh. Cả hai đều chẳng đúng. Không có hai pháp, làm sao có hai cái sanh? Thế nên đang sanh cũng chẳng sanh.

Lại nữa, cái sanh chưa phát khởi ắt không có đang sanh vì không có đang sanh nên cái sanh nương vào đâu? Thế nên chẳng được nói đang sanh sanh.

Như thế suy tìm sanh rồi không sanh, chưa sanh không sanh, đang sanh không sanh. Vì không có sanh sanh nên sanh chẳng thành. Vì sanh chẳng thành nên trụ và diệt cũng chẳng thành. Vì sanh, trụ, diệt chẳng thành nên pháp hữu vi chẳng thành. Thế nên trong bài kệ nói, trong đi rồi, chưa đi, đang đi đã đáp.

Hỏi: - Tôi chẳng cố định nói sanh rồi sanh, chưa sanh sanh, đang sanh sanh, nhưng do các duyên hòa hợp nên có sanh?
Đáp: - Dù ông có nói thế, điều này ắt chẳng đúng. Tại sao?

            Nếu bảo đang sanh sanh,
            Việc ấy đã chẳng thành.
            Làm sao các duyên hợp,
            Bấy giờ lại được sanh?

Đang sanh có sanh đã đủ thứ nhơn duyên phá rồi, vì sao nay ông lại nói do các duyên hợp nên có sanh? Nếu các duyên đầy đủ hoặc chẳng đầy đủ đều cùng với tướng sanh đồng phá.

            Lại nữa,
                        Nếu pháp các duyên sanh,
                        Tức là tách tịch diệt.
                        Thế nên sanh, đang sanh,
                        Cả hai đều tịch diệt.

Vì pháp do các duyên sanh vốn không tự tánh nên tịch diệt. Tịch diệt gọi là không đây, không kia, không tướng, dứt đường nói năng, bặt mọi hý luận. Các duyên, như nhân sợi có vải, nhân lát có chiếu. Nếu sợi tự có tướng cố định thì chẳng nên từ gai mà có ra. Nếu vải tự có tướng cố định thì chẳng nên từ sợi mà có ra. Mà thật từ sợi có vải, từ gai có sợi, thế nên sợi cũng không tánh cố định, vải cũng không tánh cố định. Như đốt và bị đốt, do nhân duyên hòa hợp thành, không có tự tánh. Vì không có bị đốt nên hay đốt cũng không. Vì không có hay đốt nên bị đốt cũng không. Tất cả pháp cũng như thế. Vì vậy pháp từ các duyên sanh vốn không tự tánh. Vì không tự tánh nên Không, như sóng nắng không có thật. Thế nên trong bài kệ nói: sanh cùng đang sanh, cả hai đều tịch diệt, chẳng nên nói đang sanh có sanh. Dù ông dùng đủ mọi nhân duyên muốn làm thành tướng Sanh đều là hý luận, chẳng phải tướng tịch diệt.

Hỏi: - Chắc chắn có ba đời sai khác, pháp đời vị lai được nhân duyên sanh liền sanh, cớ sao nói không sanh?

Đáp:Nếu có pháp chưa sanh,
            Nói rằng là có sanh.
            Pháp này trước đã có,
            Đâu cần lại sanh nữa?

Nếu trong đời vị lai có pháp chưa sanh mà sanh thì, pháp đó trước đã có đâu cần lại sanh nữa? Pháp có chẳng nên sanh nữa.

Hỏi: - Vị lai tuy có mà chẳng phải như tướng hiện tại. Do tướng hiện tại nên nói sanh?

Đáp: - Tướng hiện tại không có trong vị lai. Nếu không có, làm sao nói pháp vị lai sanh mà sanh? Nếu có thì chẳng gọi là vị lai, nên gọi là hiện tại. Hiện tại thì chẳng nên lại sanh nữa. Vì cả hai đều không sanh nên chẳng sanh.

Lại nữa, ông cho là đang sanh có sanh, cũng hay sanh cái khác, nay sẽ lại nói thêm.

                    Nếu nói đang sanh sanh,
                    Chính hay có sở sanh.
                    Đâu được lại có sanh,
                    Hay sanh cái sanh ấy.

Nếu sanh đang sanh, hay sanh cái khác, cái gì hay sanh lại cái sanh ấy?

                    Nếu bảo lại có sanh,
                    Sanh sanh ắt vô cùng.
                    Dù sanh sanh có sanh,
                    Pháp đều tự hay sanh.

Nếu sanh lại có sanh, sanh ắt vô cùng. Nếu sanh ấy lại không có sanh mà tự sanh thì, tất cả pháp cũng đều hay tự sanh. Mà thật chẳng phải.

        Lại nữa,
                    Có pháp chẳng nên sanh,
                    Không cũng chẳng nên sanh.
                    Có không cũng chẳng sanh,
                    Nghĩa này trước đã nói.

Phàm cái gì có sanh là có pháp mà có sanh? Hay không pháp mà có sanh? Hay vừa có vừa không mà có sanh? Việc đó đều chẳng đúng. Điều này trước đã nói. Lìa ba trường hợp này, lại không có sanh;Thế nên không sanh.

        Lại nữa,
                    Nếu khi các pháp diệt,
                    Khi ấy chẳng nên sanh.
                    Còn nếu pháp chẳng diệt,
                    Trọn không có việc đó.

Nếu pháp là tướng diệt, pháp ấy chẳng nên sanh. Tại sao? Vì hai tướng trái nhau: Một là tướng diệt, biết pháp là diệt. Hai là tướng sanh, biết pháp là sanh. Hai tướng là pháp trái nhau, mà cùng một lúc ắt chẳng đúng. Thế nên pháp thuộc tướng diệt chẳng nên sanh.

Hỏi: - Nếu pháp tướng diệt chẳng nên sanh, pháp tướng chẳng diệt lý đáng nên sanh?

Đáp: - Vì tất cả pháp hữu vi là niệm niệm diệt nên không có pháp chẳng diệt. Lìa hữu vi không có pháp vô vi cố định, pháp vô vi chỉ có danh tự ; thế nên nói pháp chẳng diệt, trọn không có việc đó.

Hỏi: - Nếu pháp không sanh lý đáng có trụ?

Đáp:Pháp chẳng trụ chẳng trụ,
            Pháp trụ cũng chẳng trụ.
            Đang trụ cũng chẳng trụ,
            Không sanh làm sao trụ?

Pháp trụ cũng chẳng trụ. Tại sao? Vì đã có trụ rồi. Vì nhân đi nên có trụ, nếu pháp trụ trước đã có, chẳng nên lại trụ nữa, pháp chẳng trụ cũng chẳng trụ, vì không có tướng trụ. Đang trụ cũng chẳng trụ, lià trụ và chẳng trụ trọn không có đang trụ. Thế nên đang trụ cũng chẳng trụ.

Như thế vì tất cả chỗ tìm tướng trụ chẳng thể được tức đó là không sanh, nếu không sanh làm sao có trụ?
        Lại nữa,
                    Nếu các pháp đang diệt,
                    Thì ắt chẳng nên sanh.
                    Còn nếu pháp chẳng diệt,
                    Trọn không có việc đó

Nếu pháp là tướng diệt muốn diệt, pháp ấy không có tướng trụ. Tại sao? Vì trong một pháp có hai tướng trái nhau. Một là muốn diệt, hai là tướng trụ. Một lúc, một chỗ mà có tướng trụ và diệt, việc đó chẳng đúng. Thế nên chẳng được nói pháp tướng diệt có trụ.

Hỏi: - Nếu pháp chẳng diệt lý đáng có trụ?
Đáp: -   Không có pháp chẳng diệt. Tại sao?
             Tất cả pháp đã có,
             Đều là tướng già chết.
             Trọn chẳng thấy có pháp,
              Lìa già chết có trụ.

Khi tất cả pháp sanh ra, luôn luôn bị vô thường đeo đuổi theo. Vô thường có hai tên: già và chết. Cũng vậy, vì tất cả pháp luôn có tướng già chết nên không có đang trụ.

            Lại nữa,
                        Trụ chẳng tự tướng trụ,
                        Cũng chẳng tướng khác trụ.
                        Như sanh chẳng tự sanh,
                        Cũng chẳng tướng khác sanh.

Nếu có pháp trụ, là tự tướng trụ? Là tha tướng trụ? Cả hai đều chẳng đúng. Nếu tự tướng trụ ắt là thường, tất cả pháp hữu vi là từ các duyên sanh, nếu pháp trụ tự trụ ắt chẳng gọi là hữu vi. Nếu trụ là tự tướng trụ, pháp cũng nên tự tướng trụ. Như mắt chẳng hay tự thấy, trụ cũng như thế.

Nếu tướng khác trụ ắt trụ lại có trụ nữa, ắt là vô cùng. Lại nữa, thấy pháp khác sanh tướng khác, chẳng được chẳng nhân pháp khác mà có tướng khác. Vì tướng khác chẳng cố định nên nhân tướng khác mà trụ, việc đó chẳng đúng.

Hỏi: - Nếu không có trụ lý đáng có diệt?

Đáp: - Không. Tại sao?
                Pháp đã diệt chẳng diệt
                Chưa diệt cũng chẳng diệt.
                Đang diệt cũng chẳng diệt,
                Không sanh đâu có diệt?

Nếu pháp đã diệt ắt chẳng diệt, vì trước đã diệt rồi. Chưa diệt cũng chẳng diệt, vì lìa tướng diệt. Đang diệt cũng chẳng diệt, lìa hai trường hợp trên trọn không có đang diệt. Như thế suy tìm pháp diệt tức là không sanh; không sanh thì đâu có diệt?

            Lại nữa,
                    Nếu pháp đã có trụ,
                    Ắt là chẳng nên diệt.
                    Còn nếu pháp chẳng trụ,
                    Chính cũng chẳng nên diệt.

Nếu pháp cố định trụ ắt không có diệt. Tại sao? Vì vẫn còn có tướng trụ. Nếu pháp trụ có diệt, ắt có hai tướng: tướng trụ và tướng diệt. Thế nên chẳng được nói trong trụ có diệt. Như sanh và tử chẳng được có cùng một lúc.

Nếu pháp không trụ cũng không có diệt. Tại sao? Vì lìa tướng trụ. Nếu lìa tướng trụ ắt không pháp; không pháp làm sao diệt ?

        Lại nữa,
                        Pháp ấy ở khi ấy,
                        Chẳng ở khi ấy diệt.
                        Pháp ấy ở khi khác,
                        Chẳng ở khi khác diệt.

Nếu pháp có tướng diệt, pháp ấy là tự tướng diệt? Là tướng khác diệt? Cả hai đều chẳng đúng. Tại sao? Như sửa chẳng ở đang là sửa mà diệt. Vì tùy lúùc đang có sửa thì tướng sửa hẳn là trụ. Lúc chẳng phải sửa cũng chẳng diệt, nếu chẳng phải diệt thì chẳng được nói sửa diệt.

            Lại nữa,
                        Như tất cả các pháp,
                        Tướng sanh chẳng thể được.
                        Do vì không tướng sanh,
                       Tức cũng không tướng diệt.

Như ở trước suy tìm tướng sanh của tất cả pháp chẳng thể được, khi ấy tức không tướng diệt. Vì phá sanh nên không sanh. Không sanh làm sao có diệt? Nếu ý ông vẫn chưa thôi, nay sẽ nói thêm về nhân duyên phá tướng diệt.

                        Nếu pháp đó là có,
                        Pháp đó không có diệt.
                        Chẳng nên trong một pháp,
                        Vừa có tướng Có Không.

Khi các pháp đang có, suy tìm tướng diệt chẳng thể được. Tại sao? Làm sao trong một pháp vừa có tướng có, vừa có tướng không? Như ánh sáng và bóng chẳng đồng chỗ.

        Lại nữa,
                    Nếu pháp đó là không,
                    Ắt là không có diệt.
                    Ví như đầu thứ hai.
                    Vì không nên chẳng đứt.

Nếu pháp là không ắt không có tướng diệt. Như đầu thứ hai, tay thứ ba, vì không nên chẳng thể chặt đứt.

        Lại nữa,
                    Pháp chẳng tự tướng diệt,
                    Tha tướng cũng chẳng diệt.
                     Như tự tướng chẳng sanh,
                    Tha tướng cũng chẳng sanh.

Như ở trước nói về tướng sanh, sanh chẳng tự sanh cũng chẳng từ tha sanh. Nếu do tự thể sanh, điều đó ắt chẳng đúng. Tất cả vật đều từ các duyên sanh. Như đầu ngón tay chẳng thể tự chạm. Cũng vậy, sanh chẳng thể tự sanh, từ tha sanh cũng chẳng đúng. Tại sao? Vì sanh chưa có, chẳng nên từ tha sanh. Vì sanh ấy không sanh nên không tự thể. Vì không tự thể nên tha cũng không. Thế nên từ tha sanh cũng chẳng đúng. Pháp diệt cũng như thế, chẳng tự tướng diệt, chẳng tha tướng diệt.

        Lại nữa,
                    Sanh, trụ, diệt chẳng thành,
                    Nên không có hữu vi.
                    Vì không pháp hữu vi,
                    Đâu được có vô vi?

Ở trước ông nói do có tướng sanh, trụ, diệt nên có hữu vi. Do có hữu vi nên có vô vi. Nay dùng lý suy tìm ba tướng chẳng thể được, làm sao được có hữu vi? Như ở trước nói, không có pháp không tướng. Vì không pháp hữu vi, đâu được có vô vi. Tướng vô vi gọi là chẳng sanh, chẳng trụ, chẳng diệt. Vì dừng tướng hữu vi nên gọi tướng vô vi. Vô vi tự không có tướng riêng, nhân ba tướng ấy mà có tướng vô vi. Như lửa là tướng nóng, đất là tướng cứng, nước là tướng lạnh, vô vi ắt chẳng như vậy.

Hỏi: - Nếu sanh, trụ, diệt ấy rốt ráo là không, làm sao trong Luận nói đến danh tự?

Đáp:Như huyễn cũng như mộng,
            Như thành Càn-thát-bà.
            Sanh trụ diệt đã nói,
            Tướng đó cũng như thế.

Tướng sanh trụ diệt không có cố định, người phàm tham trước cho là cố định, các bậc Hiền Thánh thương xót muốn dừng điên đảo cho họ, lại dùng danh tự do họ chấp trước để nói. Lời nói tuy đồng mà tâm thì khác. Cũng vậy, nói tướng sanh, trụ, diệt chẳng nên có vấn nạn. Như huyễn như hóa hiện ra, chẳng nên trách duyên cớ kia, chẳng nên ở trong đó có tưởng lo mừng, chỉ nên mắt thấy mà thôi. Như điều thấy trong mộng, chẳng nên tìm có thật. Như thành Càn-thát-bà, khi mặt trời mọc thì hiện, mà không có thật, chỉ tạm gọi tên, chẳng lâu ắt diệt. Sanh trụ diệt cũng như thế, phàm phu phân biệt cho là có, người trí suy tìm ắt chẳng thể được.

[ Quay lại ]