headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 15/12/2024 - Ngày 15 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Đức Thành (Hoa Đình Thuyền Tử)

tsducthanhSư người tiết tháo tuyệt vời, độ lượng xuất chúng. Nơi Dược Sơn, Sư được tâm ấn, cùng Đàm Thạnh, Viên Trí là bạn đồng học thâm giao.

Thiền sư Đức Thành có hiệu là Hoa Đình Thuyền Tử. Hoa Đình là tên bến đò, Thuyền tử là người chèo thuyền. Ngày xưa Hòa thượng dạy tới thiền sư Hoa Đình, thầy trò chúng tôi có nhiều cảm khái về cuộc đời, nhân duyên, phong cách giáo hóa của ngài.

Đoạn sử giới thiệu về thiền sư Đức Thành cũng khá thú vị. Sanh quán của ngài ở đâu chúng ta không được biết, chỉ biết đây là người tiết tháo tuyệt vời, độ lượng xuất chúng. Một vị có khí lượng đặc biệt. Nơi pháp hội ngài Dược Sơn Duy Nghiễm, Sư được tâm ấn, cùng các vị Đàm Thạnh, Viên Trí là bạn đồng liêu rất thông cảm nhau.

 Khi rời Dược Sơn, Sư bảo hai bạn:

- Hai huynh mỗi người sẽ ở một nơi để dựng lập tông chỉ Dược Sơn, riêng tôi tánh tình quê mùa, chỉ ưa sơn thủy làm vui thú, không có tài năng. Ngày sau, hai huynh biết tôi dừng ở đâu, có gặp vị Tọa chủ nào lanh lợi mách cho một người đến, nếu kham chỉ bảo tôi sẽ đem chỗ bình sanh thọ nhận trao lại, gọi là đền đáp ân của Tiên sư.

Lời tâm sự với hai huynh đệ trước khi chia tay tại đạo tràng của thiền sư Dược Sơn, Ngài nói rất chân thật, rất khiêm tốn, thật dễ cảm mến. Hai sư huynh mỗi người mỗi nơi, dựng lập tông chỉ của thầy, riêng tôi tánh tình quê mùa, không có tài năng, cho nên xin một thuyền một bóng, vui thú sông nước qua ngày. Đây là hình thức ẩn tích mai danh, không ưa thế sự ở đời. Tuy nhiên việc bổn phận đối với gia phong tổ tông, ngài không dám quên. Vì vậy nhờ hai huynh đệ giới thiệu cho vị tọa chủ nào hữu duyên, nếu kham chỉ bảo, ngài sẽ đem chỗ bình sanh thọ nhận trao lại, gọi là đền đáp ân đức của thầy tổ.

Thật giản dị! Tự biết mình không nhiều nhân duyên như huynh đệ, ngài sắp việc giáo hóa thật gọn gàng, chỉ mong được một người nửa người mà thôi, không cần đông. Ngày xưa Hòa thượng Trúc Lâm rất cảm khái về lời lẽ của thiền sư Hoa Đình. Riêng tôi tánh tình quê mùa, chỉ ưa sơn thủy làm vui thú. Nghe mộc mạc làm sao!

Chia tay nhau, Sư đi đến Tú Châu nơi sông Ngô, bến Hoa Đình, sắm một chiếc thuyền nhỏ tiếp chúng bốn phương qua lại, tùy duyên độ nhật. Người thời ấy không biết tung tích Sư, bèn gọi Sư là Hòa thượng Thuyền Tử.

Sống như ngài gọi là cao ẩn. Giữa biển người mênh mông, đâu ai biết ngài là một thiền sư đã ngộ đạo. Tự gầy dựng cho mình một cuộc sống giản dị, là người lái đò với chiếc thuyền nan nhỏ, đưa khách sang sông độ nhật. Từ pháp hội Dược Sơn chia tay với các huynh đệ, Ngài đến sông Ngô vùng Tú Châu, tức miền Nam Trung Hoa.

Đây là đất Kinh Châu; tại nơi này Đông Ngô, Tào Tháo, Lưu Bị diễn ra những trận thư hùng có một không hai trong lịch sử. Như trận Xích Bích, Khổng Minh đã đốt cháy sự nghiệp của Tào Tháo cùng hàng chục vạn tinh binh. Nhưng cuối cùng gặp được bậc đại anh hùng Quan Vân Trường, nghĩa khí ngất trời nên Tào Tháo thoát thân. Cuộc đời của người xưa có tiết tháo, có khí phách, có hùng tráng mà cũng có bi tráng đến não nùng. Cho nên dù uy dũng cỡ nào, cũng không bằng một thiền sư đạt đạo, sống tiêu dao tự tại giữa sông nước mênh mông. Không thích thú lắm sao ?

Nơi đây thiền sư Hoa Đình mượn bến đò làm duyên độ nhật qua ngày. Tuy nhiên hoài bão hoằng pháp lợi sanh của một người đệ tử Phật không dám bỏ quên. Do vậy ngài vẫn kiên nhẫn chờ đợi một người hữu duyên.

Một hôm, thuyền đậu bên bờ, Sư ngồi rảnh rang, có vị quan hỏi:

- Thế nào là việc hằng ngày của Hòa thượng?

Sư dựng đứng cây chèo, bảo:

- Hội chăng?

Vị quan thưa:

- Không hội.

Sư bảo:

- Chèo tạt sóng xanh, cá vàng ít gặp. (Trạo bát thanh ba, kim lân hãn ngộ.)

Chèo qua biết bao con nước, rà hết dưới đáy sông vẫn chưa tìm được một con cá vàng, tức là chưa gặp được nhân duyên.

Sau này, thiền sư Viên Trí có dịp đi đến Kinh Khẩu, gặp lúc thiền sư Thiện Hội thượng đường. Có vị tăng hỏi: “Thế nào là pháp thân?” Thiện Hội đáp: “Pháp thân không tướng.” Tăng hỏi: “Thế nào là pháp nhãn?” Thiện Hội đáp: “Pháp nhãn không vết.” Viên Trí bất chợt phát cười.

Thiện Hội xuống tòa, thỉnh hỏi Viên Trí:

- Tôi vừa đáp câu hỏi của Tăng, chắc có chỗ không đúng khiến Thượng tọa phát cười, xin Thượng tọa từ bi chỉ dạy.

Viên Trí bảo:

- Hòa thượng nhất đẳng là đúng, về xuất thế thì chưa có thầy.

Thiện Hội thưa:

- Chỗ nào tôi không đúng, mong Thượng tọa vì nói để phá.

- Tôi hoàn toàn không nói, mời Hòa thượng đi đến chỗ Hoa Đình Thuyền Tử.

- Người ấy như thế nào?

- Người ấy trên không có miếng ngói, dưới không có mũi dùi. Hòa thượng muốn đi xin đổi y phục mà đến.

Kinh Khẩu tức là Kinh Châu, hồi xưa thuộc Đông Ngô. Trong thời tam quốc, Lưu Bị làm chủ và sai Quan Vân Trường trấn thủ.
Thiền sư Viên Trí nghe những lời đối đáp của ngài Thiện Hội với học tăng bất giác phát cười. Trả lời như vậy không sai nhưng đã thành tử ngữ. Viên Trí bảo: Hòa thượng nhất đẳng là đúng, về xuất thế thì chưa có thầy. Nếu nói ngài là vị pháp sư thì đúng rồi, nhưng tâm tông thì chưa được thầy ấn chứng.

Chỗ này, thật ra cũng cho chúng ta thấy cái hay của ngài Thiện Hội. Một vị pháp sư đang thuyết giảng trước một pháp hội đông đảo như vậy, lại có người dám cười, thâït dễ giận. Nhưng ngài không giận, còn xuống tòa thành tâm thỉnh hỏi: Tôi vừa đáp câu hỏi của Tăng, chắc có chỗ không đúng khiến Thượng tọa phát cười, xin Thượng tọa từ bi chỉ dạy. Thật là hay! Đừng nói đã là pháp sư, có khi chỉ là một vị tăng thường thôi, mà ai tỏ vẻ chê trách là đã phát tiết rồi. Qua khẩu khí, ngài Viên Trí biết người này cũng khá, cho nên giới thiệu đến thiền sư Hoa Đình.

Trên không có miếng ngói tức là không có chỗ ở nhất định. Dưới không có mũi dùi tức là không có chỗ cắm sào, không vướng mắc bất cứ nơi nào. Ngài sống trên chiếc thuyền nhỏ, ai nhờ đưa qua sông thì đưa, không nhờ thì thôi. Có tiền cũng được, không tiền cũng xong. Khỏe.

Hòa thượng muốn đi xin đổi y phục, tức là thiền sư Hoa Đình không thích dáng vẻ hình thức, bình thường thôi. Cho nên muốn thụ giáo với ngài thì bề ngoài giản dị một chút, mới có nhân duyên khế hợp.

Thiện Hội bèn giải tán chúng, sửa soạn hành lý, đi thẳng đến Hoa Đình Thuyền Tử.

Người xưa học đạo chỉ để giải quyết vấn đề sanh tử, không vì thứ gì khác. Chúng ta bây giờ thế nào? Có người cũng muốn tu để sau này hoằng pháp lợi sanh. Người xưa có những vị dường như không đặt vấn đề đó, học đạo tu hành chỉ nhắm việc chính là giải quyết sanh tử. Giải quyết sanh tử xong rồi, chuyện hoằng pháp lợi sanh tùy duyên, không muốn cũng đến.

Việc sanh tử là gì? Người biết rõ việc này thì có chỗ dụng công. Nếu không biết thì ngó đi ngó về rồi cuộc đời chơi vơi, hỏng. Trong tất cả nỗi khổ của chúng sanh, cái khổ lớn nhất là khổ luân hồi sanh tử. Do mình si mê, lầm tạo nghiệp bị quả báo xoay chuyển trong vòng luân hồi. Vì cứ tạo nghiệp rồi thọ quả, thọ quả rồi tạo nghiệp, vay trả trả vay không dứt. Người tạo nghiệp nhân không tốt, thọ quả khổ cũ chưa hết, lại tạo thêm nghiệp nhân xấu mới, cho nên khổ chồng lên khổ, rồi than trời trách đất.

Chư Phật, Bồ-tát vì thấy chúng sanh khổ như thế, nên các ngài thị hiện ra đời, chỉ dạy chúng ta phương pháp tu tập để thoát khỏi những nỗi khổ đó. Kinh Pháp Hoa, đức Phật nói mục đích chư Phật ra đời là vì khai thị cho chúng sanh thấy biết, nhận ra và sống được với tri kiến Phật của mình. Để làm gì? Để đừng tạo nghiệp, đừng tăm tối, hết khổ, giải thoát.

Ngài Từ Vân nói:

Phật tại thế thời ngã trầm luân,
Kim đắc nhân thân Phật diệt độ,
Áo não thử thân đa nghiệp chướng,
Bất kiến Như Lai kim sắc thân.

Phật ở đời thì mình còn trầm luân, khi được thân người thì Phật đã diệt độ. Than ôi, đau khổ cho cái thân nghiệp chướng này, không biết chừng nào mới gặp được Phật. Tức là không biết chừng nào chúng ta mới phá được si mê điên đảo. Người tu nào nhận được yếu chỉ thì nhất định sẽ tu tiến. Hằng ngày siêng năng đẻo gọt, cạo bỏ si mê điên đảo. Chúng ta tu cho mình, chứ có tu cho ai mà giãi đãi. Phải lập chí, bất cứ việc gì chung quanh cũng không làm mình suy xuyễn. Bởi mục đích của chúng ta là phải buông bỏ, đừng dính mắc, đừng để cho nó bu bám mình nữa. Đây là việc chính yếu nhất, ít nhiều gì mỗi ngày chư huynh đệ cũng phải làm được. Tu như thế mới thấy vui.

Chư Phật nói những nỗi khổ như mất cha, thiếu mẹ, không có cơm ăn áo mặc v.v… đều không đáng chi so với cái khổ vô minh tăm tối. Vì vô minh chúng sanh mới tạo nghiệp trầm luân trong sanh tử, chịu nhiều thứ khổ. Hôm nay chúng ta đã theo Phật xuất gia, thấy rõ rồi thì xin dừng. Đừng xem thường nó, một khi bị si mê dẫn thì thiệt là muốn dừng mà dừng không được đó. Bởi muốn dừng mà dừng không được nên phải nương vào Phật lực, vào những lời dạy của Phật, của các bậc Tổ sư, quyết tâm thực hiện theo sự chỉ giáo của các ngài, chớ không phải cầu các ngài ban cho mình cái gì hết.

Ngày nào chưa hết mê thì ngày đó càng phấn đấu, chưa hết khổ thì càng cố gắng buông cái khổ xuống. Không phải cứ quỳ trước Phật than khóc: “Phật ơi, con nghiệp chướng sâu dày chắc tu không được, Phật tu dùm con đi.” Biết mình nghiệp nặng thì cố gắng ngoi lên, đừng để nó nhận chìm nữa. Ngày xưa lúc chúng tôi mới lên núi, miệng nói bình yên chứ trong lòng cũng bôn chôn không yên. Nói như vậy mà không phải như vậy. Song nhờ những yếu chỉ này, những bậc thầy này dẫn đường, Hòa thượng mới từng bước chỉ dạy, giúp chúng tôi dẹp được bôn ba buổi ban đầu.

Cuộc đời không biết được mấy mươi năm, nếu chúng ta yên vị tu tập, hành trì đúng với yếu chỉ của thầy tổ đã dạy chừng năm mười năm, thì thật đáng quý báu vô cùng. Cho nên thời gian nào tu được thì tranh thủ tu, bằng không cứ trôi dạt qua ngày. Các vị thiền sư thường nói, chẳng lẽ cam phận làm tăng cơm cháo. Thật đáng tủi hổ! Cho nên mong chư huynh đệ nhận thấu được chỗ đó, yên lòng tu tập, dẹp được tất cả những góc cạnh trong tâm tưởng, làm trở ngại đường tu của chúng ta.

Vừa thấy Thiện Hội đến, Sư liền hỏi:

- Đại đức trụ trì chùa nào?

Thiện Hội thưa:

- Chùa tức chẳng trụ, trụ tức chẳng giống.

- Chẳng giống, giống cái gì?

- Chẳng pháp trước mắt.

- Ở đâu học được nó?

- Chẳng phải ở chỗ mắt tai đến.

Ngài Thiện Hội đã chuẩn bị như lời mách của thiền sư Viên Trí, vậy mà vừa đến đã bị hỏi “thầy trụ trì chùa nào?” Thiện Hội thưa: Chùa tức chẳng trụ, trụ tức chẳng giống. Trả lời như thế là có hơi hướm của người hướng dẫn rồi đó. Chẳng giống, giống cái gì? - Chẳng pháp trước mắt. Ở đâu học được nó? - Chẳng phải ở chỗ mắt tai đến.

Ngài Hoa Đình hỏi giống cái gì? Ở đâu học được nó? Một cuộc trắc nghiệm thẳng thắn. Bởi vì chỗ này không phải là những thứ hình thức bên ngoài. Thiện Hội cũng khá lanh lợi khi đáp chẳng phải ở chỗ mắt tai đến. Đây là chỗ nhận được từ tâm, chứ không phải từ bên ngoài đến.

Sư cười bảo:

- Một câu hợp đầu ngữ, muôn kiếp cọc cột lừa. Thả ngàn thước tơ ý ở đầm sâu, lìa lưỡi câu ba tấc, nói mau! nói mau!

Hoa Đình thật sự tấn công thẳng tay, xem vị này nói như vậy mà thật sự sống được như vậy không? Một câu hợp đầu ngữ, muôn kiếp cọc cột lừa, ông nói như thế chứ thật ra cũng còn vướng mắc cọc cột lừa. Thả ngàn thước tơ ý ở đầm sâu, lìa lưỡi câu ba tấc, nói mau! nói mau! Biểu nói mau nói mau, tức thúc thể hiện cái sẵn có của mình. Đây là một diệu thuật.

Thiện Hội vừa mở miệng, bị Sư đánh một chèo té xuống nước. Thiện Hội mới leo lên thuyền, Sư lại thúc:

- Nói! Nói!

Thiện Hội vừa mở miệng, lại bị Sư đánh. Thiện Hội hoát nhiên đại ngộ, bèn gật đầu ba cái.

Ông thầy thộp cổ bảo: Nói! Nói! Nói cái gì? Vừa định nói thầy đập cho một hèo té xuống nước. Ngóc đầu dậy thầy thộp cổ bảo: Nói mau! Nói mau! Định nói, thầy đập cho cái nữa, xong việc. Bây giờ không nói nữa, chỉ gật đầu ba cái. Nước sữa hòa hợp, tuy nhiên như thế rõ ràng không còn lẫn lộn.

Sư bảo:

- Sợi nhợ đầu sào mặc ngươi đùa, chẳng chạm sóng xanh ý tự khác. (Can đầu ty tuyến tùng quân lộng, bất phạm thanh ba ý tự thù.)

Ngài mượn hai câu thơ để thầm nhận, bây giờ ông đã vào được, mặc tình đùa. Chẳng chạm sóng xanh ý tự khác là đã tự tại.

Thiện Hội bèn hỏi:

- Thả nhợ buông câu ý Thầy thế nào?

- Nhợ tơ nổi trên mặt nước biếc.

- Lời kèm huyền mà không đường, đầu lưỡi nói mà không nói.

- Câu khắp dòng sông mới gặp cá vàng.

Thiện Hội bịt tai.

Sư bảo:

- Như thế! Như thế!

Thầy trò đối đáp với nhau đoạn này thật thú vị. Xong việc rồi, tức là Thả nhợ buông câu ý Thầy thế nào? - Nhợ tơ nổi trên mặt nước biếc. Như Khương Tử Nha, câu mà không có lưỡi câu, sợi tơ nổi trên mặt nước. Con cá nếu thấy mồi cột trong lưỡi câu nối với sợi dây thì chắc nó không bao giờ dám đớp. Vì nó không thấy được sợi dây và lưỡi câu có cái mắc bén nên mới đớp mồi. Ở đây để cho sợi tơ nổi trên mặt nước thì con cá biết rồi.

Lời kèm huyền mà không đường, đầu lưỡi nói mà không nói, chỗ này là chỗ giữa thầy trò đã hiểu nhau, thầm truyền trao rồi.

Câu khắp dòng sông mới gặp cá vàng, câu này ngài Hoa Đình xác nhận hôm nay câu được con cá vàng, tức ấn chứng Thiện Hội đã nhận được chỗ tâm yếu và ngài cũng đã trao truyền hết chỗ bình sinh thọ dụng của mình. Thiện Hội bịt tai, Sư nói: Như thế! Như thế! Như vậy ông mới thật là người vào được chỗ đó. Bịt tai là không cần nghe, không cần nghe thì cũng không cần nói nữa. Dù đó là pháp yếu gì mà đã xong rồi thì cứ phát huy cái của mình.

Chỗ này ngài Nham Đầu nói, của báu từ bên ngoài đem vào không phải thứ thiệt, không phải là của mình. Cho nên khi Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đưa Lục tổ Huệ Năng tới bến phà Cửu Giang, xuống thuyền Ngũ Tổ cầm chèo, Lục Tổ thưa: “Khi mê thầy độ, ngộ rồi con tự độ.” Ngũ Tổ nói: “Như thế, như thế!” thầy trò gặp nhau ở chỗ đó.

Người xưa có nhiều cách biểu thị. Có khi các ngài nhướng mày, chớp mắt hoặc hét hoặc đánh. Người khéo liễu đạt thì ngay đó liền nhận, ai không khéo liễu đạt thì thôi. Hoặc có ngài chửi mắng một cách thậm tệ. Để làm gì? Để nếu mình còn nổi tam bành lục tặc thì các ngài nện cho một phát tiêu tan luôn.

Như chuyện ngài Hoàng Long Huệ Nam, đã là một pháp sư tài tuấn, đệ tử theo học rất đông. Tuy nhiên yếu chỉ xuất thế vẫn chưa quyết trạch. Nghe danh thiền sư Từ Minh là bậc đại thiện tri thức, ngài Huệ Nam có ý muốn tham kiến thọ học. Bỗng một hôm được tin ngài Từ Minh tới nơi pháp hội của mình, Huệ Nam vừa mừng vừa sợ. Quả thật đây là nhân duyên hãn hữu.

Một hôm, ngài Huệ Nam y áo chỉnh tề lên thưa hỏi ngài Từ Minh về yếu chỉ xuất thế. Bao nhiêu lần thưa hỏi là bấy nhiêu lần bị mắng xối xả. Chịu hết nổi, cuối cùng Ngài nói: “Bạch Hòa thượng, chính vì chưa hiểu mới cầu quyết nghi, mắng chửi đâu phải qui củ từ bi thí pháp?” Thiền sư Từ Minh trợn mắt nói: “Đó là mắng chửi sao?” Ngay câu này ngài Huệ Nam đại ngộ. Rõ là thần cơ diệu dược của chư Tổ phi thường, người đem tâm hẹp hòi, hiểu biết cạn cợt mà so lường làm sao hiểu nổi. Với người căn khí đại thừa, chỉ một câu gợi ý là vùng nhảy vượt. Đúng là một nhảy, thẳng vào đất Như Lai.

Ngài Thiện Hội cũng vậy, cũng là một vị thầy thuyết pháp, có đệ tử đông đảo. Nhưng trả lời còn vướng mắc, chưa thông, giống như bị kẹt nơi cọc cột lừa. Con lừa một khi bị cột vào cây cọc, thì dù nó có ba chân bốn cẳng đi nữa cũng không đi đâu được. Chỉ trừ khi nào bứt dây, nhổ cọc may ra mới thoát. Thiền sư Hoa Đình đã khéo nhổ cây cọc, nên mới có được một con cá vàng Thiện Hội đẹp như vậy.
Chúng ta nếu không khéo tu thì cũng rơi vào cái thế bị cọc cột lừa. Mình nở lòng nào đưa cuộc đời vào tình huống đó. Cho nên phải nuôi dưỡng khí phách, ý chí vượt thoát chứ. Hồi chưa biết thì thôi, chứ biết rồi làm gì để cho phải bị cột, bị kè như thế. Người xuất gia phải là người có ý chí phi thường, tâm hình dị tục, nói được làm được như các thiền sư ngày xưa vậy.

Sư phó chúc rằng:

- Ngươi ra đi phải tìm chỗ ẩn thân mất dấu vết, chỗ mất dấu vết chớ ẩn thân. Ta ba mươi năm ở Dược Sơn chỉ sáng tỏ việc này. Nay ngươi đã được nó, sau chớ ở chỗ xóm làng thành thị, nên vào trong núi sâu bên cạnh đồng để tìm lấy một cái, nửa cái tiếp tục không để đoạn dứt.

Thiện Hội liền từ giã Sư ra đi, thỉnh thoảng ngó lại.

Sư bèn gọi:

- Xà-lê!

Thiện Hội quay đầu ngó lại.

Sư liền dựng đứng cây chèo, bảo:

- Ngươi sẽ bảo riêng có.

Nói xong, Sư lật úp thuyền xuống nước mà tịch.

Truyền pháp xong rồi, từ giã đệ tử thầy nhập thủy định, úp thuyền thị tịch. Trước khi úp thuyền, ngài gọi Thiện Hội, Thiện Hội quay đầu ngó lại, Sư dựng đứng cây chèo bảo Ngươi sẽ bảo riêng có, tức truyền cho đệ tử cái uy vũ tự tại của tâm tông. Ngày hôm nay ta đã trao hết cho ông rồi, nhớ rằng cái này là riêng của ông đó. Nói xong lật úp thuyền mà tịch, không để cho đệ tử nói câu nào.

Một đoạn diễn xuất này của Hoa Đình Thuyền Tử làm cho lòng người xốn xang. Sâu lắng mênh mông. Bao nhiêu nguyện vọng gom lại chỉ còn một việc duy nhất, truyền Phật tâm tông xong là ra đi, không để lại dấu vết, không một chút lưu tình. Cả đời sống giản dị dưới chiếc thuyền nhỏ ở bến đò, dấu mình trong nếp thanh đạm, đơn sơ nhưng vẫn không quên việc bổn phận trong thiền gia. Thật là tấm gương sáng cho đời sau noi theo.

Người thông minh, nhớ giỏi mà thiếu tu chẳng qua chỉ là những cái cọc cột lừa mà thôi. Nhiều lắm là có được chứng chỉ trung cấp, cao cấp Phật học rồi đi nói, đi giảng đầu nọ đầu kia, nhưng yếu chỉ của Phật tổ lại không nhận ra. Điều này chư huynh đệ phải chính chắn chiêm nghiệm. Nếu dùng tâm lượng chúng sanh mà tu học thì không khi nào thành tựu được. Bao giờ chúng ta gạt phăng những thứ đó, nêu cao ý chí xuất trần, mới bước vào được cái khung ấy, chừng đó muốn nói gì thì nói, còn bây giờ xin hãy im lặng, mỗi vị tự xoay lại mình phản quan tự kỷ đi.

Hôm nay hội đủ nhân duyên chúng ta sống trong một đạo tràng cùng chung tu học thế này, có lẽ cũng có gieo trồng duyên lành với Phật pháp từ nhiều đời. Biết đâu ngày xửa ngày xưa mình là một chúng sanh trong hội Phật tại Linh Sơn. Đức Thế Tôn có nhân duyên hướng đạo phát tâm xuất gia tu hành rồi thành Phật, hoằng pháp lợi sanh xong, nhập Niết-bàn đã 2.558 năm, mà mình thì còn ở đây.

Cứ thử tưởng tượng làm sao chúng ta bù đắp nổi dòng thời gian cả trên hai ngàn năm. Đủ biết khối si mê của mình cứng chắc tầm cỡ nào.

Nhờ học người xưa nên chúng ta nhớ lại rồi thấm. Như yếu chỉ xuất thế của ngài Thiện Hội là gì? Không mặc cảm, không tự ái, không đặt thành vấn đề gì hết. Thầy chỉ cho tôi chỗ chưa đúng thì tôi sẽ y theo đó quyết tiến. Nếu mình mặc cảm, cứ ngồi đó mà giảng pháp thân, pháp nhãn thêm chừng vài trăm năm nữa thì cũng vậy thôi. Mất công người ta làm thêm một lô tự điển ghi về pháp thân pháp nhãn mà không ai hiểu. Chỉ một phen dám dọn dẹp, buông bỏ, thật sự bước vào chỗ đó, một lần nhào lộn sanh tử là xong.

Chúng ta đủ duyên được học một loạt hành trạng của các thiền sư. Đó là những bước nhảy thượng phương, để thoát ly ra khỏi trần lao sanh tử, được giác ngộ giải thoát. Cho nên mỗi vị phải cố gắng, trong công phu, trong cuộc sống hằng ngày thể hiện sự buông xả để vượt thoát của mình. Các thiền sinh mới nhập môn tuy còn phải học giáo lý phổ thông, nhưng đâu phải vì thế mà không mài luyện những phương thức thẳng tắt, mạnh mẽ của chư tổ.

Thật ra lời dạy thấu triệt của chư Phật, chư Tổ là những lời rất giản dị. Yếu chỉ của các bộ kinh lớn như Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Niết-bàn… cũng không nói gì hơn ngoài việc chư Phật ra đời nhằm chỉ cho chúng sanh nhận hiểu Phật tri kiến, tu chứng Phật tri kiến. Chừng đó thôi. Người kế thừa tiếp tục giảng từ đời này qua đời kia cũng chỉ tri kiến Phật. Tri kiến Phật của ai? Tri kiến Phật của mình, chứ không phải của Phật.

Yếu chỉ của kinh Niết-bàn là gì? Chỉ Phật tánh là cái bất sanh bất diệt của chúng ta. Thân này sẽ bại hoại nhưng còn có cái không bại hoại. Giản dị quá. Chúng ta nắm một yếu chỉ rồi đào xới riết cũng xong thôi.

Kinh Thủ-lăng-nghiêm nói gì? Phật dẫn từ nhân duyên mê muội nên chúng sanh bị vướng mắc trong trần lao sanh tử, bây giờ chỉ ra tâm thể rỗng rang sáng suốt nơi mỗi người, hãy nhận và sống với nó thì ra khỏi luân hồi sanh tử. Ai cũng có sẵn cái bản tịnh minh thể, diệu tịnh minh tâm, nó hằng hữu bất sanh bất diệt. Khi nhận ra cái đó rồi, tôn giả A-nan phát nguyện: xin chư Phật mười phương chứng minh gia bị cho, con nguyện độ hết tất cả chúng sanh khổ não, sau đó con mới thành Phật. Vĩ đại chưa? Chứ không phải cho con đăng ký thành Phật trước, rồi sau mới đến chúng sanh đâu.

Kinh Lăng-già nói về thức và tâm. Chúng ta sống theo thức thì phân biệt vọng trần điên đảo, sống được với tâm thể thì an ổn, thanh tịnh, giải thoát. Chỉ vậy thôi. Với thiền sư thì nhanh hơn, thộp cổ bảo “nói”, mà nói thì bị đánh. Gật đầu cho xong. Vì vậy cuối cùng thiền sư Hoa Đình úp thuyền, kết thúc. Viên mãn.

 

[ Quay lại ]