headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 28/03/2024 - Ngày 19 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Đạo Nhất

tsdaonhat8. Thiền sư Đạo Nhất (Mã Tổ)
(709 - 788)

Sư họ Mã, quê ở huyện Thập Phương, Hán Châu. Thuở nhỏ, Sư dung mạo lạ thường, đi như trâu, nhìn như cọp, lưỡi dài khỏi mũi, dưới chân có hai khu ốc. Lúc bé, Sư đến chùa La-hán xin xuất gia với hòa thượng Đường ở Từ Châu. Sau Sư thọ giới Cụ túc nơi Luật sư Viên ở Du Châu.

Khi xưa tổ Bát-nhã-đa-la ở Tây Thiên có lời huyền ký rằng dưới chân thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng sẽ xuất hiện một con ngựa tơ đạp chết người trong thiên hạ. Con ngựa tơ này chính là ngài Đạo Nhất. Thiền sư Đạo Nhất họ Mã, quê ở huyện Thập Phương, Hán Châu. Người đời sau quá kính trọng Ngài nên gọi là Mã Tổ, tức ông tổ họ Mã. Ngài là đệ tử nối pháp của thiền sư Hoài Nhượng.

Thuở nhỏ Ngài có dung mạo trang nghiêm siêu phàm, bước đi như trâu, mắt nhìn như cọp. Con trâu lúc nào cũng bước đi chậm rãi, không nhón gót, rất vững vàng. Con cọp không liếc ngó hai bên mà chỉ trừng trừng nhìn thẳng. Lưỡi Sư lè ra dài khỏi mũi, dưới bàn chân có hai khu ốc tròn như hai bánh xe. Ngài xuất gia với hòa thượng Đường tại chùa La-hán ở Từ Châu, thọ giới Cụ túc nơi Luật sư Viên ở Du Châu.

Đời Đường khoảng niên hiệu Khai Nguyên (713-742 TL), Sư tập thiền định ở viện truyền pháp tại Hoành Nhạc, nhân thiền sư Hoài Nhượng giáo hóa được giải ngộ. Bạn đồng tham học với Sư có sáu người, chỉ riêng Sư được truyền tâm ấn.

Sau khi tạm biệt thầy, Sư đến Kiến Dương ở ngọn núi Phật Tích, kế dời sang Lâm Xuyên, sau lại đến núi Cung Công - Nam Dương. Niên hiệu Đại Lịch (765 TL) Liên soái Lộ Từ Cung và Linh Phong, Cảnh Mộ thỉnh Sư khai đường để truyền bá tông phong. Từ đây học giả bốn phương tụ hội về rất đông. Có thể nói Giang Tây là một trường thi Phật.

Khoảng niên hiệu Khai Nguyên (713-742 TL) đời Đường, Ngài tham học thiền pháp tại Hoành Nhạc với thiền sư Hoài Nhượng, khai ngộ tâm ý siêu nhiên, từ đây ở hầu thầy suốt mười năm, mỗi ngày càng nhận sâu lý đạo. Trong sáu người bạn đồng tham học, Ngài là người được thiền sư Hoài Nhượng ấn khả và truyền tâm ấn.

Sau khi khế ngộ tông chỉ và được truyền tâm pháp, Ngài đến trụ tại núi Phật Tích ở Kiến Dương, chẳng bao lâu dời sang Lâm Xuyên và cuối cùng đến núi Cung Công - Nam Dương. Niên hiệu Đại Lịch (765 TL), Liên soái Lộ Từ Cung và Linh Phong, Cảnh Mộ là những người lãnh đạo quân binh rất hâm mộ Phật pháp, đã thỉnh Ngài khai đường để truyền bá tông phong. Từ đây tăng tục khắp nơi tụ hội về tham học rất đông. Đạo tràng ngày thêm hưng thịnh, đương thời ca tụng Giang Tây là một trường thi Phật.

Một hôm Sư dạy chúng:

- Các ngươi mỗi người tin tâm mình là Phật, tâm này tức là tâm Phật. Tổ Đạt-ma từ Nam Ấn sang Trung Hoa truyền pháp thượng thừa nhất tâm, khiến các ngươi khai ngộ. Tổ lại dẫn kinh Lăng-già để ấn tâm địa chúng sanh. Sợ e các ngươi điên đảo không tự tin pháp tâm này mỗi người tự có, nên kinh Lăng-già nói: “Phật nói tâm là chủ, cửa không là cửa pháp.” (Phật ngữ tâm vi tông, vô môn vi pháp môn.)

Kinh Lăng-già nói: Phật nói tâm là chủ, cửa không là cửa pháp, đây là cốt yếu của thiền tông. Người tu thiền lấy tâm làm chủ, lấy cửa không làm cửa pháp. Cho nên bước vào cửa không tức cửa Bát-nhã để thấy được chân tâm của mình.

Phàm người cầu pháp nên không có chỗ cầu, ngoài tâm không riêng có Phật, ngoài Phật không riêng có tâm, không lấy thiện chẳng bỏ ác, hai bên nhơ sạch đều không nương cậy, đạt tánh tội là không, mỗi niệm đều không thật, vì không có tự tánh nên tam giới chỉ là tâm, sum la vạn tượng đều là cái bóng của một pháp, thấy sắc tức là thấy tâm, tâm không tự là tâm, nhân sắc mới có.

Ở đây Ngài giải thích rõ cho chúng ta biết ngoài tâm không riêng có Phật, ngoài Phật riêng không có tâm, nghĩa là tức tâm tức Phật. Không lấy thiện chẳng bỏ ác, tức không chấp thiện cũng không bỏ ác. Chúng ta chớ hiểu lầm, nói chẳng bỏ ác nên cứ làm ác thì nguy. Thiện ác không lấy không bỏ thì dứt bặt cái nghĩ hai bên,cho nên nhơ sạch đều không nương cậy, đạt tánh tội là không, mỗi niệm dấy lên đều biết không thật.

Vì tất cả pháp không có tự tánh nên tam giới chỉ là tâm. Nếu dùng trí Bát-nhã nhìn tất cả sự vật một cách tường tận thấy đều là giả tướng mà tự tánh là không thì duy có nhất tâm là chủ. Cho nên tất cả hình ảnh hiện lên chỉ là cái bóng của nhất tâm. Vì thế nhân sắc để thấy tâm, nhân bóng mà thấy hình, tâm không tự là tâm.

Các ngươi chỉ tùy thời nói năng tức sự là lý, trọn không có chỗ ngại, đạo quả Bồ-đề cũng như thế. Nơi tâm sanh ra thì gọi là sắc, vì biết sắc không, nên sanh tức chẳng sanh. Nếu nhận rõ tâm này, mới có thể tùy thời ăn cơm mặc áo nuôi lớn thai thánh, mặc tình tháng ngày trôi qua, đâu còn có việc gì.

Các ngươi chỉ tùy thời nói năng tức sự là lý, trọn không có chỗ ngại, đạo quả Bồ-đề cũng như thế, ngay nơi sự tức mọi thứ nói năng hành động đều thấy được lý, không có gì chướng ngại. Nơi tâm sanh ra thì gọi là sắc, vì biết sắc không, nên sanh tức chẳng sanh, thấy sắc biết tánh sắc là không, nên sắc chẳng sanh.

Nếu nhận rõ tâm này, mới có thể tùy thời ăn cơm mặc áo nuôi lớn thai thánh, mặc tình tháng ngày trôi qua, đâu còn có việc gì, nếu nhận rõ tất cả đều là bóng của tâm thì còn gì để tu, còn gì là phiền não, Bồ-đề, đối đãi. Cho nên thiền sư chỉ sống, tùy thời ăn cơm mặc áo, nuôi lớn thánh thai. Nghĩa là không chạy theo ngoại cảnh bên ngoài, tùy duyên mà bất biến, mặc tình cho tháng ngày trôi qua, nên càng ngày tâm càng thanh tịnh.

Hòa thượng Trúc Lâm dạy, một niệm vừa dấy khởi, không chạy theo nó, nó không đủ sức kéo lôi mình. Biết nó không thật thì hằng sống được với cái liễu liễu thường tri. Các ngươi nhận ta dạy, hãy nghe

bài kệ này:

Tâm địa tùy thời thuyết,
Bồ-đề diệc chỉ ninh.
Sự lý câu vô ngại,
Đương sanh tức bất sanh.

            Dịch:

Đất tâm tùy thời nói,
Bồ-đề cũng thế thôi.
Sự lý đều không ngại,
Chính sanh là chẳng sanh.

Đất tâm là chỉ cho pháp môn tâm địa tùy thời mà nói, khi nói thế này, khi nói thế khác. Bồ-đề cũng thế thôi, cho nên sự và lý không thấy có hai thì vô ngại. Sự lý vô ngại rồi thì chính khi sanh đã là vô sanh, không có gì khác. Đang ở trong vọng tưởng mà không bị niệm tưởng dẫn thì cứ mặc tình nói tâm tánh, Bồ-đề, giác ngộ giải thoát một cách tự tại. Còn khi đã chạy theo niệm tưởng, ôm niệm tưởng cho là mình thì nói gì cũng không đúng.

Có vị tăng hỏi:

- Hòa thượng vì cái gì nói tức tâm tức Phật?

Sư đáp:

- Vì dỗ con nít khóc.

- Con nít nín rồi thì thế nào?

- Phi tâm phi Phật.

- Người trừ được hai thứ này rồi, phải dạy thế nào?

- Nói với y là “phi vật”.

- Khi chợt gặp người thế ấy đến thì phải làm sao?

- Hãy dạy y thể hội đại đạo.

Thiền sư Đạo Nhất dạy tức tâm tức Phật, chính nơi tâm mình là Phật, ngoài tâm không có Phật. Chủ trương này thấy gần như là một chân lý tuyệt đối nhưng khi có người hỏi thiền sư Đạo Nhất: Hòa thượng vì cái gì nói tức tâm tức Phật? Ngài đáp: Vì dỗ con nít khóc. Dỗ con nít khóc là phương tiện chứ không phải chân lý. Lâu nay chúng sanh lầm tưởng Phật ngoài tâm mà có nên đi cầu Phật bên ngoài. Bởi cầu Phật bên ngoài nên không gặp Phật, không thành Phật. Thiền sư Đạo Nhất vì thương chúng sanh lầm lạc nên chủ trương tức tâm tức Phật để kéo họ xoay lại bên trong. Vì thế đây cũng là phương tiện, chưa phải cứu cánh.

Con nít nín rồi thì thế nào? Khi họ đã trở về tâm thì nói gì. Phi tâm phi Phật. Ởû trên dùng chữ “tức” để chỉ thẳng tâm là Phật, ở đây dùng chữ “phi” để phủ nhận cái phương tiện đó, tức tháo gỡ bệnh chấp tức tâm tức Phật ở trên. - Người trừ được hai thứ này rồi, phải dạy thế nào? - Nói với y là “phi vật”. Cứu cánh lìa hai bên thì không còn vật gì để bám. - Khi chợt gặp người thế ấy đến thì phải làm sao? - Hãy dạy y thể hội đại đạo. Đây là người đạt đạo rồi, đã sống với tâm thể rỗng rang sáng suốt. Như vậy học thiền đâu khó quá, phải không?

Có vị tăng hỏi:

- Ly tứ cú tuyệt bách phi, thỉnh Thầy chỉ thẳng ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?

Sư đáp:

- Hôm nay ta mệt nhọc không thể vì ngươi nói, ngươi đến hỏi Trí Tạng.

Trong kinh Lăng-già đoạn đầu kể lại Bồ-tát Đại Huệ hỏi Phật 108 câu, nhưng Phật chỉ dùng một chữ “phi” để đáp. Giả sử hỏi “Có Phật hay không Phật” là còn nằm trong đối đãi nên đáp “Phi” để phá cái chấp đó. Ở đây Tổ sư nói gọn là bách phi tức một trăm câu. Còn tứ cú là cách lý luận theo Ấn Độ như có, không, chẳng phải có chẳng phải không, cũng có cũng không. Phàm lý luận hoặc là tứ cú hoặc là bách phi, đây là đại diện cho tất cả ngôn ngữ nói bày. Bây giờ muốn lìa tứ cú bách phi thì không còn ngôn ngữ nữa. Cho nên khi vị tăng hỏi Ly tứ cú tuyệt bách phi, thỉnh Thầy chỉ thẳng ý Tổ sư từ Ấn Độ sang? Ngài liền đáp Hôm nay ta mệt nhọc không thể vì ngươi nói, ngươi đến hỏi Trí Tạng.

Vị tăng ấy đến hỏi Trí Tạng. Trí Tạng bảo:

- Sao không hỏi Hòa thượng?

Tăng đáp:

- Hòa thượng dạy đến hỏi Thầy.

Trí Tạng bảo:

- Hôm nay tôi đau đầu, không thể vì ông nói, đến hỏi sư huynh Hải.

Tăng đến hỏi Hoài Hải, Hoài Hải bảo:

- Đến chỗ ấy tôi cũng chẳng hội.

Tăng trở lại trình Sư, Sư bảo:

- Tạng đầu bạch, Hải đầu hắc.

Trong nhà thiền thường hay nhắc nhở người tu hành chớ bị đầu lưỡi các ngài lừa. Nghĩa là cảnh báo cho những người hay chấp chặt vào ngôn ngữ, không sống được với tâm thể bất sanh bất diệt của mình. Trí Tạng, Hoài Hải dụ cho chỗ bặt ngôn ngữ, trí tuệ sẵn có, biển tâm rộng lớn thênh thang không tình chấp. Vị tăng bị lừa bởi cái khéo của ba thầy trò nên không nhận ra được.

Cư sĩ Bàng Uẩn đến hỏi:

- Nước không gân xương hay thắng thuyền muôn hộc, lý này thế nào?

Sư đáp:

- Trong ấy không nước cũng không thuyền, nói gì là gân xương?

Uẩn bảo:

- Người không lầm xưa nay, thỉnh Thầy để mắt nhìn lên!

Sư liền nhìn thẳng xuống.

Uẩn nói:

- Một cây đàn cầm không dây, mà Thầy đàn rất hay.

Sư liền nhìn thẳng lên. Uẩn lễ bái. Sư trở về phương trượng. Uẩn theo sau thưa:

- Vừa rồi muốn làm khéo trở thành vụng.

Nước không gân xương hay thắng thuyền muôn hộc, lý này thế nào? Nước không gân xương mà hay thắng thuyền chở nặng là sao. Nếu nghiệm kỹ sẽ thấy Bàng Uẩn hỏi về nước hay hỏi cái gì? Hình dáng thân thể có tướng mạo rõ ràng, nhưng nước không hình tướng vì sao có thể điều khiển được các thứ có hình tướng? Ý chỉ cho tâm không tướng mạo nhưng có thể điều khiển được thân tướng tứ đại. Ngài đáp: Trong ấy không nước cũng không thuyền, nói gì là gân xương? Câu trả lời khéo làm sao.

Bàng Uẩn nghe câu này đã lãnh hội nên hỏi: Người không lầm xưa nay, thỉnh Thầy để mắt nhìn lên, ý nhắc lại lời thiền sư Hoài Nhượng ấn ký cho Mã Tổ Đạo Nhất “Người được tâm ta, giỏi về xưa nay là Đạo Nhất”. Sống được với cái tâm thật này rồi nên không lầm xưa nay. Thỉnh Thầy để mắt nhìn lên, Ngài liền ngó xuống. Mời nhìn lên mà ngó xuống là phá đối đãi. Uẩn nói: Một cây đàn cầm không dây, mà Thầy đàn rất hay. Uẩn lễ bái. Sư trở về phương trượng. Uẩn theo sau thưa: Vừa rồi muốn làm khéo trở thành vụng. Như vậy thầy trò đã cảm thông nhau rồi.

Một đêm, Trí Tạng, Hoài Hải, Phổ Nguyện theo hầu Sư xem trăng.

Sư hỏi:

- Ngay bây giờ nên làm gì?

Trí Tạng thưa:

- Nên cúng dường.

Hoài Hải thưa:

- Nên tu hành.

Phổ Nguyện phủi áo ra đi.

Sư bảo:

- Kinh vào Tạng, Thiền về Hải, chỉ có Phổ Nguyện vượt ngoài sự vật.

Giai thoại này diễn ra giữa Mã Tổ và ba vị đệ tử lớn. Nhân chuyện xem trăng Ngài muốn dò xem chỗ nhận của từng người sâu cạn ra sao, nên hỏi: Ngay bây giờ nên làm gì? Ngài Trí Tạng do tâm luôn nghĩ nhớ đến giáo pháp, nên trả lời cúng dường. Ngài Hoài Hải đã có được sự an định trong công phu, đáp: Nên tu hành. Hai vị này dù đi đúng đường nhưng chưa thật sự triệt để. Chỉ có ngài Phổ Nguyện đã hằng sống được với cái chân thật hiện tiền, thực sự xong việc nên tâm không còn nghĩ nhớ, không còn dấy khởi một niệm nào, vì thế phủi áo đi ra. Giống như người đã no rồi thì không cần ăn nữa. Ngài Phổ Nguyện đã xong việc rồi nên không mong cầu phước báo hữu lậu, cũng không cố công ngồi thiền tu hành. Bởi Ngài đã sống được với cái hiện tiền ngay đây bây giờ, cần thì ở, xong việc thì phủi áo ra đi. Tự tại an nhiên. Cho nên Mã Tổ khen chỉ có Phổ Nguyện là vượt ngoài sự vật.

Hoài Hải hỏi:

- Thế nào là chỉ thú Phật pháp?

Sư đáp:

- Chính là chỗ ngươi bỏ thân mạng.

Sư lại hỏi Hoài Hải:

- Ngươi lấy pháp gì chỉ dạy người?

Hoài Hải dựng đứng cây phất tử.

Sư bảo:

- Chỉ thế thôi hay còn gì khác?

Hoài Hải ném cây phất tử xuống.

Ngài Hoài Hải là vị đại đệ tử nối pháp của Mã Tổ Đạo Nhất. Sau khi Mã Tổ thị tịch, Ngài nhận lời thỉnh của đại chúng khai đường thuyết pháp ở núi Bách Trượng, mở rộng thiền chỉ của Nam tông, dung hợp luật Đại thừa, Tiểu thừa, lập ra Bách Trượng Thanh Quy là pháp tắc đầu tiên của Thiền tông.

Ngài Hoài Hải đã nhận được ý chỉ của đạo, nên mới hỏi: Thế nào là chỉ thú Phật pháp? Mã Tổ đáp: Chính là chỗ ngươi bỏ thân mạng, tức muốn đạt được chỉ thú Phật pháp phải vượt ra ngoài chấp ngã, chấp pháp vậy. Tổ hỏi lấy pháp gì chỉ dạy người, ngài Hoài Hải dựng đứng cây phất tử. Hỏi tiếp: Chỉ thế thôi hay còn gì khác?, ngài Hoài Hải liền ném cây phất tử xuống. Nghĩa là khi muốn dạy người phải tùy duyên dùng phương tiện. Người hội rồi thì phương tiện cũng phải buông. Chư tổ ngày xưa thường sử dụng những chiêu thức rất bình thường để biểu hiện chỗ mình đã thâm nhập, nên khi được hỏi, có vị cởi dép đội lên đầu đi ra, có vị phủi áo đứng dậy bỏ đi… tự tại hồn nhiên, không thêm bất cứ niệm toan tính, nghĩ ngợi nào.

Tăng hỏi:

- Thế nào được hiệp đạo?

Sư đáp:

- Ta sớm chẳng hiệp đạo.

Tăng hỏi:

- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?

Sư liền đánh và nói:

- Ta nếu không đánh ngươi, các nơi sẽ cười ta.

Hiệp đạo là chỗ mọi người tự lãnh hội, đâu thể chỉ bày cho người khác được. Cho nên hỏi làm sao được hiệp đạo, đáp chỗ đó ta cũng chẳng lãnh hội. Hỏi: Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang? Ngài liền đánh và nói: Ta nếu không đánh ngươi, các nơi sẽ cười ta. Đó là chỗ không ngôn ngữ, không nói năng thì đâu thể dùng ngôn ngữ để trả lời. Nếu nói ra sẽ bị lỗi và mọi người chê cười cho rằng như vậy là không hiểu đạo. Đang trong chỗ yên ổn mà dấy khởi này khác, lại còn thưa hỏi, bị ăn đòn là phải.

Đặng Ẩn Phong từ biệt Sư đi nơi khác, Sư hỏi:

- Đi đến đâu?

Ẩn Phong thưa:

- Đi đến Thạch Đầu.

- Đường Thạch Đầu trơn.

- Có gậy tùy thân, gặp trường thì đùa.

Bấy giờ pháp chủ ở Giang Tây là Mã Tổ, pháp chủ ở Hồ Nam là Hy Thiên. Đặng Ẩn Phong cũng là một vị đệ tử lớn của Mã Tổ Đạo Nhất. Khi Ngài từ biệt đi đến Thạch Đầu, Tổ đã cảnh báo trước: Đường Thạch Đầu trơn nhưng ngài tự tin, con có cây gậy đây lo gì.

Ẩn Phong vừa đến Thạch Đầu, đi nhiễu giường thiền một vòng, dựng tích trượng dộng đất một tiếng, hỏi:

- Ấy là tông chỉ gì?

Thạch Đầu nói:

- Trời xanh! Trời xanh!

Ẩn Phong không đáp được, lại trở về thưa với Sư. Sư bảo:

- Ngươi nên đi lại bên ấy, nếu Thạch Đầu nói “Trời xanh!”, ngươi “Hư! Hư!”.

Ẩn Phong lại đi đến Thạch Đầu làm như trước.

Thạch Đầu bèn: - Hư! Hư!

Ẩn Phong không đáp được, lại trở về trình với Sư. Sư bảo:

- Ta đã nói với ngươi “đường Thạch Đầu trơn”.

Ngài Ẩn Phong đi đến Thạch Đầu nhiễu quanh giường thiền một vòng, dựng tích trượng rồi hỏi tông chỉ. Trong nhà thiền hình ảnh này được coi là chỗ thố lộ vô ngôn, cho nên Tổ đáp: Trời xanh! Trời xanh! Bầu trời xanh biếc, mênh mông không một gợn mây. Chỗ không ngôn ngữ nhưng khéo dùng ngôn ngữ trả lời nên người nghe khó bề lãnh hội. Ngài Ẩn Phong trở về, Tổ dạy: Ngươi nên đi lại bên ấy, nếu Thạch Đầu nói “Trời xanh!”, ngươi “Hư! Hư!”. Hư! Hư là tiếng gầm của sư tử, đã là cảm thông nhau đâu còn lời gì khác. Nhưng khi đến, ngài Thạch Đầu bèn Hư! Hư! Vì thế Ẩn Phong đầu hàng, không thể đáp. Đó là chỗ khéo léo của thiền sư.

Có vị giảng sư đến hỏi:

- Thiền tông truyền giữ pháp gì?

Sư hỏi lại:

- Tọa chủ truyền giữ pháp gì?

- Tôi giảng được hơn hai mươi bản kinh luận.

- Đâu không phải là sư tử con?

- Không dám.

Sư thốt ra tiếng: Hư! Hư!

Giảng sư nói:

- Đây là pháp.

- Là pháp gì?

- Pháp sư tử ra khỏi hang.

Sư bèn im lặng. Giảng sư nói:

- Đây cũng là pháp.

- Là pháp gì?

- Pháp sư tử ở trong hang.

- Không ra không vào là pháp gì?

Giảng sư không đáp được, bèn từ giã đi ra đến cửa, Sư gọi:

- Tọa chủ!

Giảng sư xoay đầu lại. Sư hỏi:

- Là pháp gì?

Giảng sư cũng không đáp được. Sư bảo:

- Ông thầy độn căn.

Vị giảng sư tuy có lanh lợi thông minh nhưng chưa vào được cửa. Khi thiền sư Đạo Nhất thốt ra tiếng thì Ngài đáp pháp sư tử ra khỏi hang, khi làm thinh thì đáp pháp sư tử ở trong hang. Nhưng đặt câu hỏi không ra không vào thì sao, Ngài không đáp được. Nếu khi thiền sư gọi Tọa chủ! Ngài quay lại sụp xuống lạy thì xong rồi. Vì không hiểu nên thiền sư hỏi tiếp: Là pháp gì? Cũng không đáp được, cho nên bị quở là: Ông thầy độn căn, tức chưa nhận được ý chỉ.

Người giảng mấy chục bộ kinh mà bị nói là độn căn nghe cũng kỳ. Nhưng văn tự chữ nghĩa không tải nổi cái tâm thể rỗng rang cũng như chưa biểu hiện hết sức sống chân thật. Cho nên mọi cung cách chỉ biểu hiện một khía cạnh nào thôi không thể trọn vẹn. Chỗ cứu cánh vô ngôn mới là rốt ráo.

Một hôm Sư dạy chúng:

- Đạo không dụng tu, chỉ đừng ô nhiễm. Sao là ô nhiễm? Có tâm sanh tử, tạo tác, thú hướng đều là ô nhiễm. Nếu muốn hội thẳng đạo ấy, tâm bình thường là đạo. Sao gọi là tâm bình thường? Không tạo tác, không thị phi, không thủ xả, không đoạn thường, không phàm thánh. Kinh nói: “Chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh thánh hiền, là hạnh Bồ-tát.”

Đạo không dụng tu, chỉ đừng ô nhiễm, nghĩa là đừng ô nhiễm thì khỏi cần tu gì hết. Còn có tâm sanh tử, tạo tác, thú hướng tức còn dấy niệm sanh diệt cũng đều là ô nhiễm tức chưa phải là đạo. Muốn hội thẳng đạo ấy, tâm phải bình thường. Nghĩa là không tạo tác, không thị phi, không thủ xả, không đoạn thường, không phàm thánh. Nói cách khác là không còn thấy hai bên, không kẹt bên này mắc bên kia, tâm đó chính là đạo. Vì vậy Kinh nói: “Chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh thánh hiền, là hạnh Bồ-tát”. Đừng mắc kẹt phàm cũng đừng mắc kẹt thánh tức không vướng mắc hai bên, đó là Bồ-tát.

Mã Tổ Đạo Nhất đề cử tông phong chỉ thẳng tâm mình, thấy tánh thành Phật. Cho nên giải thích một loạt về tâm, diệu dụng của tâm và tất cả những năng lực phi thường của tâm. Ngài cũng chỉ cho chúng ta biết, mỗi người đều có diệu dụng đó nhưng phải hết nhiễm ô. Muốn hết nhiễm ô phải tu, hành đạo, học thiền, ngồi thiền, làm tất cả các việc công đức. Vì thế khi có ai hỏi tu để làm gì? Chúng ta chỉ trả lời tu để hết nhiễm ô, không nên nói tu để thành thiền sư, thành Phật.

Chỉ như hiện nay đi đứng ngồi nằm, ứng cơ tiếp vật đều là đạo. Đạo tức là pháp giới, cho đến diệu dụng như hà sa đều không ngoài pháp giới.

Đi đứng ngồi nằm trong bốn oai nghi, ứng cơ tiếp vật có chỗ nào không phải đạo đâu. Chỉ tại chúng ta quên nên nó mất, nếu không quên thì chỗ nào cũng là đạo. Cho nên đạo tức là pháp giới, nghĩa này bao trùm giống như hư không. Bởi nơi đâu, chỗ nào cũng đều có hư không hiện hữu. Vì thế không khi nào thiếu đạo cả, cho đến diệu dụng như hà sa đều không ngoài pháp giới. Hơn nữa đạo tức là tâm, nhưng phải là vô tâm chứ không phải cái tâm sanh diệt.

Nếu chẳng phải vậy, tại sao nói “pháp môn tâm địa”, tại sao nói “vô tận đăng”? Tất cả pháp đều là pháp của tâm, tất cả tên đều là tên của tâm. Muôn pháp đều từ tâm sanh, tâm là cội gốc của muôn pháp. Kinh nói: “Biết tâm đạt cội nguồn nên hiệu là Sa-môn.” Tên đồng nghĩa đồng, tất cả pháp đều đồng, thuần nhất không lẫn lộn.

Kinh nói: “Biết tâm đạt cội nguồn nên hiệu là Sa-môn”, đây là dẫn trong kinh Tứ Thập Nhị Chương. Người tu phải biết tâm, phải đạt được cội nguồn của các pháp mới gọi là sa-môn. Chủ trương của Mã Tổ là tất cả pháp đều từ tâm sanh, không một pháp nào ngoài tâm. Cho nên thấy pháp tức thấy tâm thì đâu còn khởi tâm chạy theo pháp làm gì. Vì thế ngay nơi các pháp mà được tâm, tâm không còn theo các pháp nữa.

Nếu ở trong giáo môn được tùy thời tự tại thì dựng lập pháp giới trọn là pháp giới, lập chân như là chân như, lập lý tất cả pháp trọn là lý, lập sự tất cả pháp trọn là sự, nắm giở một thì ngàn theo, sự lý không khác, toàn là diệu dụng.

Nếu ở trong giáo môn tức ở trong phần kinh điển mà biết tùy thời tự tại, nghĩa là nhận được cái diệu lý mà không mắc kẹt ngôn ngữ thì dựng lập cái gì được cái nấy. Không bị mắc kẹt, không bị chướng ngại thì pháp sự nào lập ra cũng thành tựu hết.

Lại không có lý riêng, đều do xoay lại của tâm. Ví như bao nhiêu bóng mặt trăng thì có, mà bao nhiêu mặt trăng thật thì không, bao nhiêu nguồn nước thì có, mà bao nhiêu tánh nước thì không, bao nhiêu sum la vạn tượng thì có, mà bao nhiêu hư không thì không, bao nhiêu lời nói đạo lý thì có, mà bao nhiêu tuệ vô ngại thì không; bao nhiêu các thứ thành lập đều do một tâm.

Lại không có lý riêng, đều do xoay lại của tâm. Tất cả các pháp gốc từ nguồn tâm nên không pháp nào ngoài tâm, vì vậy nói đều do xoay lại nguồn tâm. Ở đây lấy ví dụ cho chúng ta dễ hiểu, trên hư không chỉ có một mặt trăng thật, nhưng khi nhìn dưới mặt hồ thì có bóng mặt trăng trong hồ, nhìn dưới mặt ao thì có bóng mặt trăng trong ao, nhìn dưới mặt sông thì có bóng mặt trăng trong sông… Nghĩa là trăm ngàn chỗ có nước đều có trăm ngàn bóng trăng hiện. Tuy có trăm ngàn bóng trăng hiện trong nước nhưng mặt trăng thật thì không hai. Cũng vậy, các pháp ngàn muôn nhưng thể tự tâm thì không hai.

Bao nhiêu nguồn nước thì có, mà bao nhiêu tánh nước thì không, tánh nước là tánh ướt. Dù có trăm sông ngàn ngòi nhưng nước chỉ có duy nhất một tánh ướt. Bao nhiêu sum la vạn tượng thì có, mà bao nhiêu hư không thì không, sum la vạn tượng không biết thiên hình vạn trạng nào nhưng chỉ có một hư không bao trùm nó. Bao nhiêu lời nói đạo lý thì có, mà bao nhiêu tuệ vô ngại thì không, người được tuệ vô ngại tự tại thì ai hỏi đâu đáp đó nên nói trăm ngàn muôn ức nhưng tuệ vô ngại chỉ một mà thôi. Bao nhiêu các thứ thành lập đều do một tâm, đây là kết luận lại bao nhiêu thứ dựng lập đều không ngoài tâm, tức dựng lập thì nhiều nhưng chỉ một tâm.

Dựng lập cũng được, dẹp hết cũng được, thảy là diệu dụng. Diệu dụng trọn là nhà mình, chẳng phải lìa chân mà có, nơi nơi đều chân, thảy đều là thể của nhà mình.

Thấy tất cả các sự vật đều là tâm, ngoài tâm không có một vật cho nên lập gì cũng là không hết. Vì thế không còn dính mắc, chẳng lẽ tâm mà chạy đuổi theo tâm, tâm mình mà ghét tâm mình, tâm mình mà thương tâm mình, phải không? Cho nên tự tại trước mọi vật vì biết không có gì ngoài tâm, cũng như không có vật nào ngoài hư không. Hai thứ yêu ghét thủ xả theo đó mà hết.

Nếu chẳng vậy, lại là người nào? Tất cả pháp đều là Phật pháp, các pháp tức là giải thoát, giải thoát tức là chân như, các pháp không ngoài chân như, đi đứng ngồi nằm thảy là dụng bất tư nghì, không đợi thời tiết. Kinh nói: “Chỗ chỗ nơi nơi đều có Phật.” Phật là năng nhân, có trí tuệ khéo hợp lòng người, hay phá lưới nghi cho tất cả chúng sanh, vượt ra vòng trói buộc của có và không v.v... tình chấp phàm thánh hết, nhân pháp đều không, chuyển bánh xe không gì hơn, vượt các số lượng, việc làm không ngại, sự lý đều thông, như trời hiện mây, chợt có lại không, chẳng để dấu vết.

Tất cả các cách giải thích phá chấp của đức Phật trong kinh chẳng khác nào như trời chuyển mây vậy. Phật vì chúng sanh mà dựng lập phá chấp để cho họ không còn mê lầm, nhưng khi hết chấp rồi, tìm lại không thấy dấu vết.

Ví như vẽ nước thành lằn, không sanh không diệt. Đại tịch diệt tại triền gọi là Như Lai tàng, xuất triền gọi là pháp thân thanh tịnh.

Khi ngồi trên chiếc thuyền đang chạy, chúng ta để tay xuống mặt nước thấy có hình lằn kéo dài, lằn đó có sanh diệt không? Tay để thì có lằn gạch dài, lấy tay lên thì hết cho nên nó không sanh không diệt. Lối giảng kinh của Phật cũng vậy, tùy theo bệnh chúng sanh lập pháp phá chấp. Khi hết bệnh tức hết chấp thì đâu cần pháp tồn tại nữa. Đại tịch diệt tại triền tức chỉ cho pháp thân khi còn trong trói buộc của ngũ ấm, gọi là Như Lai tàng. Ra khỏi trói buộc của ngũ ấm gọi là pháp thân thanh tịnh.

Thể không tăng giảm, hay lớn hay nhỏ, hay vuông hay tròn, hợp vật hiện hình như trăng trong nước, vận dụng mênh mông, không lập mầm gốc chẳng hết hữu vi, không trụ vô vi. Hữu vi là dụng của vô vi, vô vi là chỗ nương của hữu vi, chẳng trụ chỗ nương, nên nói: “Như không chẳng chỗ nương.”

Khi tâm thanh tịnh rồi thì không còn đối đãi. Đối đãi chỉ là cái giả lập cho nên không trụ hữu vi cũng không mắc kẹt vô vi, vì thế hai bên đều không. Cho nên nói như không chẳng chỗ nương, tâm thanh tịnh không hình tướng gọi là như không, do không tướng thì còn nương gá vào đâu.

Nghĩa tâm sanh diệt, nghĩa tâm chân như: Tâm chân như dụ như gương sáng soi vật tượng. Gương dụ tâm, vật tượng dụ pháp. Nếu tâm chấp pháp là dính với cái nhân bên ngoài, tức là nghĩa sanh diệt. Tâm không chấp pháp tức là nghĩa chân như.

Tâm chân như là tâm không dính các pháp, dụ như tấm gương sáng hay soi tất cả vật tượng. Tâm sanh diệt là tâm chạy theo các pháp. Vật tượng dụ cho pháp vì thế vật tượng đều hiện trong gương. Nếu cái nào dính vật tượng gọi là sanh diệt, cái nào không dính vật tượng gọi là vô sanh. Cho nên trong lúc tu, chúng ta phải biết đâu là tâm sanh diệt, tâm vô sanh để khỏi bị mắc kẹt trong sanh diệt.

Ở đây Ngài giải thích thêm những ý nghĩa sâu rộng của chân tâm và diệu dụng phi thường của người đã làm chủ được tâm. Ngôn ngữ không phải là cái dùng để diễn tả chỗ đến, cho nên các vị thiền sư thường dùng những biểu hiện kỳ đặc, có khi là một tiếng hét, một cú đấm. Giống như tường đồng vách sắt không cho chúng ta cắm dùi, sanh tâm so đo, tìm kiếm bằng vọng động toan tính. Đó là chỗ bặt dấu vết, muốn đến được phải có công phu đắc dụng mới được.

Thanh văn tai nghe Phật tánh. Bồ-tát mắt thấy Phật tánh. Liễu đạt không hai gọi là bình đẳng tánh. Tánh không có khác, dụng thì chẳng đồng. Tại mê là thức, tại ngộ là trí. Thuận lý là ngộ, theo sự là mê. Mê tức là mê bản tâm mình, ngộ là ngộ bản tánh mình. Một phen ngộ là hằng ngộ chẳng trở lại mê.

Thanh văn tai nghe Phật tánh, nghĩa là các hàng Thanh văn nghe Phật nói mà ngộ. Bồ-tát mắt thấy Phật tánh, các vị Bồ-tát do mắt thấy mà tự tu chứng. Liễu đạt không hai gọi là bình đẳng tánh, thấy rõ cái tánh đó nên không còn mắc kẹt bên này bên kia, vì thế gọi là tánh bình đẳng. Tánh không có khác, dụng cũng chẳng đồng. Khi mê chạy theo sanh diệt gọi đó là thức, khi ngộ sống với chân như gọi đó là trí. Thuận lý tức là trở về tâm không sanh diệt, đó là ngộ. Theo sự là chạy theo các pháp bên ngoài, đó là mê. Mê tức quên bản tâm, ngộ là nhận được bản tâm. Một phen ngộ rồi thì không trở lại mê.

Như đang khi mặt trời mọc lên không trở lại tối. Mặt trời trí tuệ xuất hiện, không chung cùng cái tối phiền não. Liễu đạt cảnh giới của tâm liền trừ vọng tưởng. Vọng tưởng đã trừ tức là vô sanh. Pháp tánh sẵn có chẳng nhờ tu. Thiền không thuộc ngồi, ngồi tức có chấp trước. Nếu thấy lý này là chân chánh hiệp đạo, tùy duyên qua ngày, đứng ngồi theo nhau, giới hạnh huân thêm, nhóm nơi tịnh nghiệp. Chỉ hay như thế, lo gì chẳng thông.

Mặt trời trí tuệ xuất hiện sẽ xua tan bóng tối u mê, dứt bặt vọng tưởng. Vọng tưởng đã trừ tức là vô sanh. Hết vọng tưởng rồi thì được vô sanh chứ không phải tu mà được vô sanh. Ngồi thiền là tự tánh định, định bằng sáu căn, tức tự tánh sáu căn không nhiễm sáu trần. Người nào tâm hằng định, đi đứng nằm ngồi lúc nào cũng thể nhập được đạo. Như vậy thì tùy duyên qua ngày, an nhiên tự tại, lúc nào cũng liễu liễu thường tri.

Đệ tử của Sư được nhập thất (được vào thiền thất, là đã ngộ đạo) có đến 84 vị, mỗi người làm chủ một phương truyền hóa vô cùng.

Đời Đường niên hiệu Trinh Nguyên năm thứ 4 (788 TL) khoảng tháng giêng, Sư lên núi Thạch Môn, Kiến Xương, đi kinh hành trong rừng thấy chỗ hang động bằng phẳng, bèn bảo thị giả:

- Thân cũ mục của ta ở tháng sau sẽ trở về nơi này.

Nói xong, Sư trở về.

Đến ngày mùng 4 tháng 2, Sư có chút bệnh, tắm gội xong, ngồi kiết-già nhập diệt, thọ 80 tuổi, được 60 tuổi hạ.

Sau vua sắc ban hiệu Đại Tịch.

Thiền sư Đạo Nhất dùng yếu chỉ Bình thường tâm thị đạo và Tức tâm thị Phật hoằng truyền pháp yếu thiền phong. Đệ tử Ngài có đến 138 vị, trong đó 84 vị đã ngộ đạo, xuất sắc là các ngài Hoài Hải Bách Trượng, Phổ Nguyện Nam Tuyền, Huệ Hải Đại Châu, Ẩn Phong, Trí Tạng Tây Đường, Trí Thường Quy Tông … mỗi vị chủ hóa một phương, xiển dương thiền phong ngày càng hưng thịnh.

Ngày mùng 4 tháng 2 năm 788 TL, Ngài ngồi kiết-già nhập diệt, thọ 80 tuổi, được 60 tuổi hạ. Sau vua ban thụy hiệu Đại Tịch thiền sư.
 

[ Quay lại ]