headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 14/12/2024 - Ngày 14 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

NẤC THANG TIẾN ĐẠO

nacthangtiendaoTrên bước đường công phu phải có những nấc thang tiến đạo, thì đời tu của chúng ta mới có ý nghĩa, có giá trị thiết thực. Nấc thang đó được thể hiện qua phương pháp và cách ứng dụng công phu của mỗi hành giả.

Nói về công phu tu hành, có những lúc tôi bảo tu hành rất dễ, nhưng cũng có lúc tôi le lưỡi thưa rằng không phải dễ đâu. Thật ra nói dễ nói khó đều không sai, tùy theo cách hành trì và tinh thần tu tập của mỗi người.

 

Hòa thượng Trúc Lâm luôn dạy chư Tăng Ni tu thì phải giác ngộ. Sự giác ngộ ấy phát xuất từ công phu, từ tâm nguyện của mình. Ngài quở chúng tôi “chú nào tu nghệ sĩ thì không dính dáng đâu”. Tu nghệ sĩ là tu thế nào? Là một nắng mười mưa, một bữa ưa mười bữa không ưa. Chỗ này khi lớn lên tôi chiêm nghiệm thấy quả thật không sai. Cho nên muốn tiến đạo cần phải đặt định cho mình một nấc thang, một cái mốc tu tập vững chắc.

 

Ngày xưa chư Tăng tu học có nhiều thời gian nghiên cứu. Ở đây Hòa thượng dạy ngoài việc tu học anh em còn phải lao động. Điều này đôi khi chúng ta thấy mất thì giờ nhưng không ngờ nó lại có một giá trị đặc biệt. Nhờ lao động chúng ta tiếp cận được với ánh nắng, tốt cho sức khỏe. Ngoài ra còn cảm nhận công khó khổ của người Phật tử đem thức ăn đến dâng cúng cho mình. Từ đó chúng ta biết trân quý phẩm vật của người, kiệm phước của mình, tập trung tu nhiều hơn. Qua lời dạy của Thầy, tôi thường nhắc nhở chư huynh đệ, mỗi người nên thiết lập một thời khóa biểu tu hành. Nấc thang tiến đạo chính là khóa biểu này. Chúng ta bảo vệ, gắn bó, sống chết với nó thì mới tiến bộ. Tu theo kiểu hâm nóng một ngày để nguội ba bốn ngày, rồi lại hâm nóng và để nguội. Cứ nóng lạnh nóng lạnh giống như bệnh sốt cách nhật thì chết chắc. Bây giờ phải có thuốc ngừa cữ, biết cữ vào khoảng nào thì trước đó mình uống thuốc. Khóa biểu tu học chính là thuốc ngừa bệnh.

 

Chúng ta có rất nhiều bệnh. Nếu không nói ra, không thật lòng thì không ai trị cho mình được hết. Sống chung thầy trò như cha con, nhưng mình giấu giếm bệnh tật thì thầy cũng bó tay, làm sao biết được trong bụng của mình. Phải nói thật. Như người ham ngủ thì nói bệnh ham ngủ, người ham ăn nói bệnh ham ăn, người ham đi chơi nói bệnh ham đi chơi… Còn nhiều thứ bệnh ngủ ngầm bên trong, chúng ta không chịu nói nên thầy không thể hỗ trợ, vì vậy chẳng những bệnh không hết mà còn ngày càng trầm trọng. Đôi khi nói ra và tha thiết khẩn cầu xin sám hối mà còn chưa thực sự chừa bỏ được, huống là không chịu nói. Nếu cứ giữ tình trạng như vậy thì tu không tiến, nấc thang tiến đạo trèo không biết tới chừng nào!

 

Như lời Hòa thượng Trúc Lâm dạy tu thì phải giác ngộ. Chữ “giác” là nhận ra, biết. Chữ “ngộ” cũng là nhận. Trước nhất biết mình có cái gì? Biết mình có cái tâm, biết mình có tánh giác, biết mình có khả năng tu thành Phật. Cái biết này rất quan trọng. Nhiều khi chúng ta cũng biết qua lời dạy của Phật, rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nhưng mình không dám nhận nên không ngộ. Biết rồi còn phải dám nhận, thực hiện điều Phật dạy mới giác ngộ được.

 

Giác ngộ có nhiều từng bậc. Hòa thượng dạy tiểu ngộ là cái biết không hoàn bị lắm. Người có khóa biểu tu học tốt trước sẽ được những tiểu ngộ, rồi từ từ đến đại ngộ, chắc chắn như vậy. Huynh đệ chúng ta đại ngộ thì chưa dám nói, nhưng tiểu ngộ thì rất nhiều. Nhận ra, hiểu biết chúng ta mới dám bỏ tất cả để đi tu. Chỉ có điều bảo vệ nấc thang tiến đạo, phát huy liên tục tâm Bồ-đề, mình chưa có kinh nghiệm. Chỉ một chút đó thôi mà thành ra trở ngại.

 

Bởi chưa có kinh nghiệm nên không chiến thắng được nghiệp tập, đụng cái gì thua cái đó. Ngồi thiền đau một chút là ngán. Thầy nhắc, huynh đệ nhắc, thời khóa nhắc, khuôn khổ đời sống của người tu luôn hỗ trợ nhắc nhở cho chúng ta liên tục, nhưng đụng phải tập nghiệp tự nhiên thấy khó. Cho nên có những thiền sinh tu một năm rồi mà chưa ngồi thiền được một tiếng, vì nhát nhúa quá đi. Lúc đầu từ 15 phút cố gắng được tới một tiếng đồng hồ, nghe Thầy nói sẽ hết đau, nhưng thực tế thấy vẫn còn đau, trong lòng lo sợ suy nghĩ chắc là ngồi không nổi nên thối Bồ-đề tâm, từ đó không tiến được.
Chỗ này Hòa thượng dạy “chết bỏ”. Thực sự mà nói chết thì phải bỏ chứ làm sao lấy được. Nghiệm cho cùng, lời dạy của Thầy rất là hữu lý. Bởi rất hữu lý nên bước được tới chỗ đó, mình sẽ tiến, sẽ vượt qua tất cả trở ngại. Nếu còn ôm giữ khối nghi trong lòng thì ngồi tới một tiếng đồng hồ là thấy đau. Dù cho thầy có đứng một bên mình vẫn lén kéo chân ra, nắn nhẹ nhẹ hồi lâu mới kéo lên. Nhưng xui xẻo làm sao, kéo ra được một lần rồi, không bao lâu lại muốn kéo ra nữa. Trong bụng cứ xúi kéo ra kéo vô hoài. Cho nên Thầy dạy phải cắn răng chịu đựng, phải chết bỏ. Nghe lời thầy, mình cố gắng hành trì thì sẽ vượt qua. Hồi ở Chân Không, tôi ngồi thiền tới khoảng một tiếng là thấy Thầy đứng bên cạnh. Nhờ thế mà vươn lên không bị chùn lại. Bởi vươn lên được nên trong đời sống tu hành có niềm vui.

 

Niềm vui đó là niềm vui gì? Thầy dạy chết bỏ, anh em ngồi đến 1g45’ đau muốn chết mà chết không được, nên rồi cũng không bỏ. Chết không được làm sao mà bỏ. Bấy giờ anh em ngồi lại toàn là chuyện đau nhức. Cứ đau nhức rồi lại đau nhức, không có gì khác. Tuy nhiên nếu chúng ta cắn răng chịu, không cục kịch nhúc nhích, không kéo ra kéo vô thì đau nhức sẽ đến hồi kết thúc. Chỗ này người nào dám bước tới, lướt qua được mới có kinh nghiệm. Có vị nói giống như đụng vào vách tường, đau đã rồi bung ra hết đau. Lúc đầu nghe vậy tôi không tin, huynh đệ bảo muốn biết hư thực cứ ngồi sẽ biết. Quả thực như thế. Chịu đựng được rồi, cái đau biến mất hồi nào không hay.

 

Trong huynh đệ có vị do dự nên không chiến thắng, không tiến được. Công phu hôm nay tiến nhưng ngày mai chưa chắc. Bữa nay vui vẻ, ai đi ngang mình cũng cười cũng vui, tu tiến. Ngày mai không hiểu vì sao buồn xo, thấy anh em đi qua, vội đóng cửa cái rầm, hết tiến. Cứ như vậy đó. Bây giờ làm sao giữ được công phu để hóa giải những bất thường của mình, nhất định sẽ tu tiến. Công phu hằng ngày là nấc thang tiến đạo nên phải cố gắng.

 

Bồ-tát Sĩ Đạt Ta ngày xưa xin phép phụ vương đi ra ngoài thành xem xét dân tình, Ngài chứng kiến những gì? Chứng kiến cảnh người già, người bệnh và người chết, cũng những vấn đề cũ sì, đâu có gì lạ. Chúng ta đâu không thấy nhan nhản những cảnh ấy, nhưng thấy rồi thôi không cảm nhận như Đức Phật. Thật ra mình hơi ớn, chẳng biết cái chết đó có bò đến ta không. Tuy nhiên chỉ một chút xíu là quên ngay, không như Bồ-tát Sĩ Đạt Ta. Dấu ấn in đậm trong lòng khi Ngài chứng kiến cảnh người già lụm cụm, người đau yếu rồi thây chết. In đậm đến mức độ những hình ảnh thân thương như vợ con, vương vị, cung vàng điện ngọc đều thải ra ngoài cửa thành.

 

Thái tử vén màn lên nhìn vợ con rồi từ giã ra đi. Vì Ngài cảm khái rằng nếu như thế này mãi thì đời kiếp nào mới hết khổ. Ngài trải lòng thương đến tất cả chúng sanh, từ đời này sang đời khác cứ trói buộc nhau rồi than khổ, không biết bao giờ thoát khỏi. Vì thương mình, thương gia đình, thương chúng sanh nên Ngài đành gác tình riêng, quyết định nửa đêm vượt thành tìm đường thoát khổ. Khi vượt thành Ngài nói với ai? Nếu nói với ông hoàng em thì không xong, ông sẽ tâu lên vua cha, nói với bà dì cũng không xong, bà bảo con đi thì mẹ khổ lắm. Cho nên cuối cùng nói với ông đánh ngựa Xa-nặc. Đây là người trung thành, chỉ tuân lệnh, không bao giờ cản trở con đường của Ngài. Nhờ thế hai thầy trò an toàn vượt khỏi hoàng thành trong đêm tối.

 

Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hiện thân cuối cùng là hoàng tử trong cung vua Tịnh Phạn, tên Sĩ Đạt Ta. Vượt thành xuất gia một cách kiên quyết mãnh liệt, chứng tỏ Ngài đã có công phu tu hành từ nhiều đời. Do vậy một phen tiến thì không lùi, một phen đi thì không quay lại. Nói vượt thành là vượt thành, không hề sợ đêm tối hay sợ bất cứ thứ gì khác. Nấc thang, bước đi của con người như vậy mới thành đạt.

 

Đến nơi rừng sâu Ngài cởi bỏ hoàng bào, ngọc ngà châu báu, cởi bỏ luôn cả vương vị của mình, trả hết về cho triều đình, mặc chiếc áo của gã thợ săn vào rừng tu hành. Như vậy tiến có nhanh không? Ngay trong đêm, ra khỏi hoàng thành thẳng tiến vào rừng, bắt tay ngay vào việc tu hành. Không như chúng ta bây giờ phải tập sự, ở viện Tăng, viện Ni chi cũng có thời gian tập sự. Nhiều vị trải qua ba bốn lần tập sự, mỗi lần ba tháng, sáu tháng hoặc cả năm, nhiều năm… cũng chưa xuất gia. Như vậy là vì chưa cương quyết.

 

Tâm cương quyết biểu hiện trong sự hòa hợp, tuân thủ và kham nhẫn đời sống xuất gia, như vậy mới tu được. Bồ-tát Sĩ Đạt Ta là bậc thầy của chúng ta, ai giám sát Ngài về việc này? Do Ngài tự quyết định, tự nỗ lực thôi. Sau khi vào rừng chuyên tâm học đạo, hỏi đạo các nơi không chút sao lãng lui sụt. Chưa bao giờ nghe nói Ngài điện thoại về vua cha, kể bữa nay gặp ông thầy ngó bộ không ổn, cũng không nghe nói con nhớ cha quá, muốn về thăm một chút…

 

Vào rừng cắm đầu tu, hỏi đạo và được sự hướng dẫn của các vị Thầy nổi tiếng đương thời, Ngài chứng được những quả vị cao nhất mà các Thầy đã chứng, nhưng cuối cùng thấy chưa ổn, nên Ngài ra đi tìm một lối tu cho mình. Rõ ràng Đức Phật có những nấc thang tiến đạo trong suốt quá trình tu hành. Chúng ta muốn tu tiến cũng phải quyết như vậy.

 

Giai đoạn kế Ngài chấp nhận đời sống khổ hạnh. Lịch sử ghi lại quá trình tu khổ hạnh của Đức Thế Tôn rất đáng kính phục, người ý chí trung bình đã không thể làm nổi, nói chi đến kẻ ý chí hạ liệt. Mỗi ngày ăn một hạt mè, một hạt đậu nên thân thể suy kiệt tới mức chỉ còn bộ xương sống, da thịt teo tóp chẳng thấy đâu nữa, hai con mắt sâu như hai đáy giếng. Thử nghĩ như vậy làm sao sống nổi? Thế mà đạo giác ngộ vẫn chưa sáng.

 

Đồng thời xuất gia với Ngài có năm anh em Kiều Trần Như. Đây là những vị triều đình cử đến, vừa bảo vệ vừa tu cho có bạn với Thái tử. Cuối cùng Ngài từ giã các bạn đồng tu, trở lại đời sống tu bình thường. Thế Tôn nhận bát sữa của mục nữ Sujata cúng dường, nhưng không phải ngang đó Ngài chểnh mảng hoặc bỏ cuộc. Đây là một sự chuẩn bị để tiến lên một bước lớn. Khi nhận và uống xong bát sữa, Đức Phật đến bên dòng sông Ni Liên Thuyền tắm rửa, thấy sức khỏe hồi phục trở lại. Ngài thả bát xuống dòng Ni Liên và phát đại nguyện, nếu công phu của tôi thành tựu thì cho cái bát này trôi ngược dòng. Quả thực cái bát trôi ngược dòng. Ngài phấn khởi tới cội Tất Bát La, trải cỏ làm tòa, kiết già phu tọa với lời kiên thệ: “Nếu ngay nơi đây không đạt được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, dù thịt nát xương tan quyết không rời khỏi chỗ ngồi này.” Đây là câu thệ nguyện kiên quyết cuối cùng. Thế Tôn thiền định trong 49 ngày đêm, đêm cuối cùng khi sao mai vừa mọc Ngài triệt chứng, giác ngộ hoàn toàn.

 

Từ khi vượt thành xuất gia cho đến lúc ngộ đạo, không có quãng nào Ngài khởi niệm thoái chuyển. Trước giờ phút thành tựu giác ngộ viên mãn, ma quân hiện ra dưới nhiều hình thức quấy phá Ngài kịch liệt. Chiêu thức cuối cùng nặng nề nhất là chúng hiện ra hình ảnh công chúa Da Du Đà La, người vợ hiền ngày xưa của Thái tử. Lưới ái vây bủa là nghiệp tập nặng nhất của chúng sanh từ vô thủy kiếp đến nay. Lịch sử ghi lại nhân duyên vợ chồng của hai vị trải qua rất nhiều đời, đến đây mới được đập tan.

 

Huynh đệ chúng ta ai cũng phải chuẩn bị nghe, coi chừng nó hiện ra là rơi đài đó. Tu mấy mươi năm mà chỉ bất giác một phút là tiêu đời. Trở lại vấn đề tu hành, Phật nói có khi sự phát tâm tu hành của mình ngang ngửa với các bậc thánh hay chúng ta có mặt cũng xấp xỉ với thời gian Ngài còn là một chúng sanh. Nhưng Đức Phật cương quyết tu học nên thành đạo, chuyển pháp luân làm lợi ích chúng sanh, nhập Niết-bàn cho tới năm này là 2556 năm. Vậy mà chúng ta vẫn còn đây. Bởi vì những nghiệp cũ, những chủng tử tăm tối còn ngủ ngầm trong chúng ta quá nhiều. Do vậy phải cẩn thận đối với các tập khí, chủng tử.

 

Tại nhà khách Thiền viện Thường Chiếu, luôn có một số tịnh nhân cư sĩ tập tu. Nhiều vị phát tâm mãnh liệt, làm công ty xí nghiệp nhưng phủi bỏ hết vô đây tu. Thời gian tập sự mau hay chậm, được xuất gia sớm hay không là do chính các vị. Anh em được học Phật pháp, mỗi đêm phải lên điện Phật tọa thiền, tụng kinh. Sống trong môi trường như vậy mà có vị không quên được điếu thuốc. Thèm quá họ lén mua thuốc rồi vào nhà vệ sinh hút. Đáng lẽ giờ đó an nghỉ, chuẩn bị tu học mà lại lén vô nhà vệ sinh hút thuốc. Có đáng thương không? Nhớ hút thuốc là một đơn cử trong vô số cái nhớ khác, nó sâu dày rất khó bỏ.

 

Tóm lại, tất cả chúng ta đều cố gắng và làm sao khi đã cắm mốc được rồi, phải nuôi dưỡng, phát huy nó. Không nên cứ tiến rồi lùi, tiến rồi lùi thì chẳng tới đâu hết. Chỗ này Đức Phật tuyên bố: “Ta đã hàng phục tất cả, rõ biết tất cả, ta không nhiễm một pháp nào, ta xa lìa hết thảy, diệt dục mà giải thoát, tự mình chứng ngộ, còn ai là thầy của ta nữa”. Câu nói này mới nghe thấy như tự phụ, nhưng thực sự là như vậy. Việc tu hành do tự mình chiến thắng, chứ không ai khác.

 

Ở đây Đức Phật nói ta đã hàng phục tất cả, rõ biết tất cả… diệt dục được giải thoát. Đó là nhận lại trí tuệ vô sư, trí tuệ Bát-nhã của mình. Khi học đạo, chúng ta sẽ thấy có một niềm vui, một sự phấn phát lạ thường. Niềm vui đầu tiên là nhận ra mình có “Tri kiến Phật”, trong các kinh luận Đại thừa gọi là Phật tánh, Chân tâm. Niềm vui thứ hai là biết mình có khả năng tu hành thành Phật. Bao nhiêu điều đặc biệt như vậy, nếu chúng ta cố gắng bảo vệ, nuôi dưỡng công phu thì việc thành Phật không khó.

 

Chúng ta nuôi dưỡng công phu thật đảm bảo, đừng để trật lên trật xuống, hoặc rơi vào những khoảnh khắc bị tập nhân quá khứ len vào dẫn đi. Đó là khéo léo vận dụng trong công phu. Ai rồi cuối cùng cũng phải tự hàng phục tất cả nghiệp tập, phiền não, không người nào có thể hàng phục thay mình được. Phải tự mình không nhiễm, tự mình biết tất cả, tự mình diệt dục, những dấy niệm đều làm chủ, không bị nó dẫn đi v.v… thì mới nếm được vị giác ngộ giải thoát. Muốn thực sự nếm được vị giác ngộ thì phải trải qua một quá trình trải nghiệm, chứ không ai có quyền năng ban cho mình.

 

Đức Phật cũng nói “do hàng phục được nội tâm, tự biết rõ tất cả các pháp thiện ác nhiễm tịnh”. Khi đã hàng phục được nội tâm rồi, đối với tất cả các pháp thiện ác chúng ta tự biết rõ ràng, cái nào tốt cái nào không tốt... Sự nhận biết này không giống như cái biết do học từ thầy. Tôi muốn nói đến chỗ tu giác ngộ, mình có thể làm được, chính mình chớ không ai khác. Đức Phật cũng nói bên ngoài không nhiễm ác pháp, không kẹt các thiện pháp do đó mà diệt dục được giải thoát, được tự tại chứng ngộ.

 

Chứng ngộ trong nhà Phật là tự mình không bị vướng bên này, không bị kẹt bên kia, không lệ thuộc nơi các pháp. Không kẹt các pháp ác, cũng không vướng mắc với pháp thiện, cả hai thiện ác đều ở bên ngoài, không dính dáng gì đến tâm giải thoát của chính mình. Thật ra muốn không vướng cái này, không bận cái kia chẳng phải dễ đâu.

 

Có vị Phật tử đã học đạo tu hành trên hai mươi năm, các công việc trong gia đình đã giải quyết ổn hết. Cho nên vị này rất vui vì thấy mình có phước, đủ duyên học Phật pháp với chư vị Tôn đức, học liên tục không có gì cản trở. Nghĩ vậy Phật tử cho rằng mình tu tiến nhưng đùng một cái kẹt đứa cháu nội. Bà thương cháu tới mức bữa nào chưa gặp nó là ngủ không được. Với tuổi tác bảy mươi mấy tám mươi mà như vậy thì hại cho sức khỏe lắm. Việc tu hành theo đó dần lui sụt.

 

Bà hỏi tôi: “Thưa Thầy như vậy con có tu được không?”. Tôi nói: “Tu được hay không Phật tử tự biết, làm sao hỏi tôi được”. Rõ ràng bây giờ bà đang bị vướng bởi tình thương này. Bao giờ bà bình thường được, đứa nhỏ thế nào mặc nó, bà chỉ lo việc tu hành thôi. Không buông được thì cứ lao lư, chạy theo cái nghiệp nên mất hết công phu. Không khắc tiến mức độ tu hành, không cắm mốc cho nên lui sụt dần dần.

 

Chúng ta nên nhớ càng lớn tuổi sức khỏe càng kém. Ngày xưa mình bận rộn nhưng vẫn tranh thủ tu tập các thời khóa đầy đủ. Đến hồi lớn tuổi lẽ ra rảnh rang có thì giờ tu nhiều hơn, nhưng vừa bắt vào công phu thì ngáp, thì ho, thì mệt, muốn đi nằm. Ngồi vô một chút thấy xót ruột quá kiếm cái gì ăn, hoặc kêu nhắc đứa này đứa kia làm chuyện này chuyện nọ. Bởi cứ như vậy nên công phu tu hành mất đi, không ghi được ở mức độ bình thường. Tu như vậy tới lúc hấp hối làm sao đảm bảo có thể vững tâm theo Phật.

 

Cho nên chỗ này chúng ta phải cố gắng vượt qua, khắc phục, tự làm chủ, nghĩa là tự mình phải giác ngộ. Để làm gì? Để tất cả những dụ dự, dính mắc, dây mơ rễ má dẹp sạch thì công phu mới bắt đầu tiến được. Bản thân tôi hồi đó làm rất nhiều công việc, nhưng tới giờ thọ trai, ngồi thiền, tụng kinh vẫn tham dự bình thường. Bây giờ tụng kinh được miễn lý do là già, ngồi thiền được miễn lý do là thầy, sướng lắm. Người ta bắt đầu tụng kinh từ 6 giờ tới 7 giờ, mình lụi hụi nhảy mũi, xức dầu, cạo gió, hơ lửa, chườm muối v.v… Sướng ở chỗ nào, rõ ràng cái thân nó hại mình. Tôi đâu có muốn thế, mà ngày qua ngày cứ như vậy đó.

 

Đáng lẽ không theo đại chúng mình phải có công phu gì đáng kể để ghi bàn thắng. Đằng này không có công phu gì, thua lại càng thua. Tu như vậy làm sao tiến được, làm sao có thể thành Phật? Chúng ta cứ buông xuôi để thời gian trôi theo các duyên sanh diệt nên công phu không tiến. Lý do là vì mình không tỉnh, lại hay lui sụt.

 

Đức Thế Tôn ngồi dưới cội Bồ-đề với lời cả quyết thành đạo, suốt thời gian đó không hề lui sụt. Bởi không lui sụt nên mới ghi được bàn thắng khi sao Mai sáng rực. Chúng ta bây giờ không ghi được bàn thắng nào nên bao nhiêu lần sao Mai mọc mà mình vẫn tối thui. Ba giờ thức dậy không nổi, bốn giờ cháu nội vô kêu dậy, nói bữa nay sao tao đau mình quá. Cứ như vậy. Tuổi tác, sự mỏi mệt của thân giả tạm đã khống chế mình rồi. Phật dạy thân này giả tạm, chúng ta nghe mà không dám hiểu. Bởi thấy nó là thiệt nên ráng săn sóc, bảo vệ. Do vậy tu không tiến.

 

Phương pháp chúng ta tu tập hàng ngày là tọa thiền. Tọa thiền là gì? Hàng phục được thân tâm. Cho nên ai tọa thiền được thì người đó sẽ bước vào ngưỡng cửa hàng phục thân tâm. Hàng phục thân và hàng phục tâm nếu ngồi thiền được. Ngồi thiền ở đây không phải là hôm nay ngồi hai ba tiếng một lèo rồi ngày mai lại nằm dài nghỉ, hôm nào khỏe mới ngồi lại. Không phải như vậy. Ngồi thiền trở thành khóa biểu của thiền tăng, đúng như lời dạy của Hòa thượng Ân sư, nó là hơi thở của chúng ta. Thiếu hơi thở một phút là chết. Đặt định công phu tu hành như lời dạy này nhất định sẽ tu tiến.

 

Tọa thiền là hàng phục thân tâm. Những ý niệm như dòng nước chảy xiết, niệm niệm liên tục không dừng. Công phu tọa thiền sẽ thắng hết tất cả những thứ đó. Bây giờ đi từng bước, trước nhất chúng ta hàng phục thân. Khi ngồi thiền trước phải sắp đặt tay chân để như thế nào… ngồi trong tư thế điều hòa. Giữ suốt cuộc đời tu hành, tất cả các thời thiền điều hòa được thân thì mới hàng phục được tâm.

 

Nếu ngồi thiền yên ổn, đúng pháp, thân yên. Điều hòa thân được rồi, tiếp theo hơi thở cũng điều hòa, công phu tu hành theo đó cũng điều hòa, tức là trị được những niệm tưởng lăng xăng của mình. Biết rõ chính niệm tưởng này là dòng xích dẫn chúng ta đi trong luân hồi sinh tử. Bây giờ tọa thiền, thân an, điều phục được thân, tâm an điều phục được những dấy niệm.

 

Hòa thượng dạy chúng ta biết được các dấy niệm, làm chủ các dấy niệm, không chạy theo dấy niệm, nó không đủ sức kéo lôi mình. Ngài dạy chính xác như vậy mà mình không để ý, không làm. Làm chủ các dấy niệm lúc đầu thấy như khó lắm, nhưng tập dần sẽ thấy không khó nữa. Thân đau nhức dậy trời dậy đất mà còn điều hòa được, chịu được. Tập từ hồi mới ngồi 15 phút, tạo dựng cơ đồ ngồi được cả 1 tiếng 45 phút, rồi 2 tiếng đồng hồ, chừng đó vững vàng, an ổn lắm.

 

Khi chúng ta điều phục được thân thì song song đó cũng điều phục được tâm. Gầy dựng một sức chịu đựng bên trong, từ đó cũng điều hòa các kinh mạch. Cho nên người ngồi thiền nhiều thì khỏe, phong sáng, vầng trán bóng lên, làm chủ được các sự kiện, dễ dàng buông bỏ mọi thứ. Nếu làm chủ được thân thì đối với tất cả dấy niệm cũng có sức mạnh làm chủ. Đó là điều phục được tâm.

 

Hòa thượng dạy không chạy theo các dấy niệm, nó không đủ sức kéo lôi, tức thì định và tuệ đầy đủ. Chúng ta định tuệ không đầy đủ là vì còn chạy theo dấy niệm, bị nó lôi dẫn, chúng ta không làm chủ được. Không làm chủ được thì nói gì định, nói gì tuệ. Như vậy tuy có trí vô sư nhưng nó ngủ mất tiêu, không phát ra được. Trong công phu nếu chúng ta chủ động điều hòa thân tâm, không bị các niệm tưởng lăng xăng kéo lôi thì trí vô sư sẽ đầy đủ, sẽ hiện tiền. Người tu là người đang trên bước đường chiến thắng và sẽ thực hiện trọn vẹn, phát huy đầy đủ trí tuệ vô sư của mình. Đó là hướng tu hành của chúng ta.

 

Định là nội tâm yên tĩnh, không lăng xăng và lìa các pháp nhiễm các pháp ác. Mọi ham muốn được tháo gỡ, tâm rỗng rang sáng suốt, tự giác ngộ. Bản thân tôi khi ngồi thiền cũng luôn muốn được định. Dù ngồi một tiếng rưỡi hay một tiếng vẫn muốn phát huy định thể hiện tiền. Nhưng ta không ngờ khi khởi niệm muốn như vậy là đã không định. Định không có thì tuệ làm sao phát sanh? Do thiếu tuệ nên bước ra ngoài gặp cái gì cũng dính, cũng mê, cũng chạy theo v.v… Gặp đối tác thì trong lòng không yên, từ đó dẫn tới tạo nghiệp để rồi bị trói buộc trong vòng lẩn quẩn luân hồi sinh tử. Đối tác bên ngoài tuy thấy hình tướng mạnh bạo, nhưng không mạnh bằng những đối tác vô hình trong lòng. Như nước không xương ở đâu cũng đầy, đôi khi nó trở thành lũ thì sức mạnh phi thường. Trận sóng thần Nhật Bản vừa qua đã minh chứng rất rõ điều này. Những tòa nhà cao ngất, những cơ sở to lớn kiên cố tưởng không gì có thể phá vỡ, thế nhưng một khi trận sóng dữ ập tới thì tất cả sụp đổ như trò chơi.

 

Cũng vậy, vọng tưởng lôi chúng ta đi từ đời này sang đời khác, nó ghi bàn thắng thì ta phải gánh bàn thua. Dù bên ngoài mình ra vẻ chừng nào nhưng bên trong thua vẫn cứ thua. Nên đề nghị huynh đệ phải để ý tới các dấy niệm, vọng tưởng bên trong. Vọng tưởng là gì? Không là gì hết, có chăng chỉ là một chút tưởng, một chút quàng xiên không chính đáng. Tuy nhiên nó đủ sức kéo lôi và dẫn chúng ta đi, nhận chìm vào chỗ tăm tối, để rồi cắm đầu tạo nghiệp. Một khi đã tạo nghiệp thì quả báo đến mình không trốn đi đâu được.

 

Đối với người tu thiền, điều phục vọng tưởng là điều hòa được tâm. Điều hòa thân, điều hòa hơi thở, điều hòa pháp tu là vào được công phu. Người tu thiền trong mọi thời khóa, tự gầy dựng cho mình sự an ổn nhu hòa. Ghi bàn thắng nơi thân rồi sẽ tiếp tục điều hòa tâm. Điều hòa vọng tưởng lăng xăng, làm chủ nó thì tâm thể hiện tiền rỗng rang sáng suốt. Trực chỉ là chỉ thẳng, trong đời sống tu hành gầy dựng như vậy, tu tập như vậy, ngoài ra chẳng có việc khác.

 

Tu hành phải thật lòng, không nên giấu giếm, nuôi dưỡng những thứ không thật, không tốt. Khi có bệnh, có những khó khăn hoặc trở ngại thì phải thật lòng trình bày với Thầy. Bởi chỉ có Thầy mới thực sự hỗ trợ, hướng dẫn cho mình trên bước đường tu học. Trình bày để chi, để Thầy biết bệnh của mình mà giúp đỡ điều phục, chuyển hoá.

 

Trở lại vấn đề tu hành, nếu tọa thiền trong vòng 1g45’ hoặc 2 tiếng thấy ôi thôi là đau, chịu hết nổi. Đó là vì mình không cố gắng vượt qua. Đâu phải chỉ có mình đau, huynh đệ cũng đau như vậy, nhưng nhờ ý chí, sự cố gắng nên có người phá vỡ cơn đau, vượt qua thời điểm cam go nhất, ngồi được một trăm hai chục phút, chiến thắng. Khi gặp điều kiện thuận lợi chúng ta cố gắng gầy dựng công phu, nhưng nhớ cũng phải khéo léo. Vượt qua cơn đau mà không làm thương tổn thân thể như sai khớp, đau đầu, đau lưng… Được vậy công phu mới bền lâu. Nếu để tổn thương thân thể, vô tình người ta bảo tu thiền trở thành phế nhân thì không tốt. Tu làm sao giống Phật, giống Bồ-tát chứ đừng cong cong vạy vạy giống tôi thì mất uy tín thiền gia hết.

 

Cho nên ngồi thiền được định thì nội tâm yên tĩnh, mọi thứ lăng xăng nhơ nhiễm thiện ác không còn quấy rối chúng ta nữa. Vì vậy người tu thiền muốn vững vàng thì phải ngồi thiền. Ngồi thiền không được thì khó mà định. Chư Phật, Bồ-tát có nói về Na-già thường tại định, tức loại đại định luôn có trong mọi sinh hoạt, nhưng hiện tại chúng ta không vào được. Mình bước ra thì bá bên này dính bên kia, lăng xăng lộn xộn. Trở vô đóng cửa ngồi một mình thì lảm nhảm độc thoại như thằng điên. Huynh đệ có vướng mắc như vậy không? Có chứ. Vướng mắc này mới là khó gỡ.

 

Ưu tư, toan tính, phiền muộn còn đầy là con khỉ bên trong chưa ngủ. Vừa nghe con khỉ bên ngoài chóe chóe là nó nhảy ra liền. Cho nên chúng ta phải cố gắng, con khỉ bên trong ngủ yên thì mọi việc đều yên. Ngồi thiền để hàng phục thân tâm, có định thì nội tại vững vàng, mọi vướng mắc được tháo gỡ.

 

Các bậc tôn sư thường nhắc nhở chớ để tới đêm 30, hãi hùng sợ sệt vì cảnh đen tối sấm chớp thú dữ hầm hét, lúc đó chúng ta sẽ không làm gì được ngoài sự bấn loạn. Nghiệp đen tối dẫn đi vào đường khổ đau. Do vậy bình thường phải cố gắng dụng công tu hành để tự chiến thắng. Chúng ta cũng không mong cầu chi xa xôi, ngay trong hiện tại ngồi thiền được ghi bàn thắng là có tỉnh, có định.

 

Buổi nói chuyện hôm nay tôi muốn nhấn mạnh hai điểm này. Một là tu giác ngộ, tức gầy dựng được bàn thắng giác ngộ. Chúng ta không bị bất cứ sự duyên gì làm trở ngại, làm thối tâm Bồ-đề. Hai là làm chủ được thân tâm, có định tỉnh nên tự tại đối với tất cả các pháp. Định tỉnh hiện tiền rồi thì không có gì khó dễ chúng ta được. Khen chê tốt xấu không thể phá hoại công phu tu hành của chúng ta.
Rất mong chư huynh đệ tự ý thức, tự trình bạch mọi việc trong tâm lên Phật, lên các bậc Thầy để được uốn nắn thẳng vào con đường thiền, hàng phục thân tâm, làm chủ các pháp. Đó là công phu tu thiền của tất cả chúng ta.

 

[ Quay lại ]