headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

CON ĐƯỜNG XƯA

Hòa thượng tôn sư luôn thương tưởng quí Phật tử, ân cần nhắc nhở qua những băng từ, quí vị luôn nương theo tu học từ trước đến giờ. Đồng thời Ngài cũng chỉ dạy các vị đệ tử đến đây trực tiếp giảng giải Phật pháp và hướng dẫn cho toàn thể hội hữu Phật tử trong đạo tràng tu học. Quí vị thật đủ duyên lành và duyên lành ấy ngày càng phát triển một cách mạnh mẽ. Đó là điều đáng mừng.

Đề tài hôm nay tôi muốn nói với quí vị là con đường xưa. Tôi nghĩ nếu ngày xưa chúng ta không có duyên, không có chủng nào đối với Phật pháp thì nhất định bây giờ không làm sao gầy dựng nổi một đạo tràng đông đảo như thế này. Bởi trước kia chúng ta đã có duyên, đã từng là huynh đệ pháp hữu với nhau, nhắc nhở nhau trên bước đường tu học Phật pháp nên mười năm qua, đạo tràng Trúc Lâm Thái Tuệ vẫn tu học đều đặn, mỗi tuần quí Phật tử về đây sinh hoạt Phật pháp một lần. Đây là một phúc duyên lớn Tam Bảo hộ trì cho chúng ta, chớ không phải tự nhiên được như vậy.

Tuy nhiên đời trước chúng ta áp dụng Phật pháp còn lôi thôi, do vậy bây giờ mình để thời gian trôi qua mất hết, không đủ sức tỉnh giác sớm, khiến cho phiền não vọng tưởng kéo lôi mãi, chưa dừng dứt được. Trong kinh Niết-bàn đức Phật có dẫn dụ một sự việc như thế này. Như một số người đi du ngoạn mùa xuân, ngang qua hồ nước trong thấy đẹp quá, họ lượm sạn nhỏ thảy xuống hồ. Trong lúc cao hứng, họ thảy chơi thôi, không nghĩ sẽ tìm lại viên sạn. Nhưng không phải thế, trong kinh Phật dạy tiếp: “Những viên sạn người này liệng xuống hồ ngày xưa, nếu có người sáng ý muốn tìm lại, thì có hai cách: Một là để cho hồ nước lắng thật yên, thật trong, sẽ nhìn thấy viên sạn chỗ nào, rồi thì nhè nhẹ thò tay vớt lên. Cách thứ hai, nếu là người đại lực lượng, họ đem gào tát quách hết nước đi sẽ hiện viên sạn lên thôi”. Nhưng cách sau là của những người hùng dũng, khỏe mạnh, can trực lắm mới làm nổi. Hầu hết chúng ta chỉ ngồi yên, chờ nước lắng trong, viên sạn hiện ra mới thò tay xuống vớt lên. Đó là dẫn dụ trong kinh Niết-bàn.

Huynh đệ thử nghiệm lại xem, quí vị chỉ ngồi lại thì tự nhiên cặn cáu hiện ra, khỏi cần lắng, khỏi cần đợi lúc nào hết. Ngồi yên chừng năm ba phút, nó hiện ra. Có những chuyện hiện ra một cách hết sức lạ lùng. Chúng ta không biết mình làm hồi nào, bây giờ nó hiện ra. Có người bảo tự nhiên nó hiện ra. Thưa không phải tự nhiên đâu, hồi trước mình đã bày đặt như thế nào đó, đã gieo chủng tử vào trong tàng thức rồi, bây giờ yên lặng nó hiện ra. Cho nên ngồi yên tĩnh tọa sẽ dễ thấy rõ và giải trừ những thứ cặn cáu từ nhiều đời chúng ta đã tạo ra.

Bây giờ muốn đi trở lại con đường xưa thì chúng ta phải có một tinh thần kiên quyết, buông bỏ hết các duyên, lắng yên tĩnh lặng. Được thế trước nhất chúng ta sẽ có nhận định chân chính. Từ chân chính nghĩa là chính xác, vì lệch đi một chút chúng ta rời xa chính mình, không biết đi về đâu. Thành thử giai đoạn đầu của người trở về cội nguồn xưa thì phải hiểu biết chân chính, đúng với lời dạy của Phật, của Tổ. Từ đó chúng ta mạnh dạn bước thật vững, thật dài, thật chắc trên bước đường trở về quê xưa.

Chân là gì? Chân là không lẫn gì hết, ngay thẳng chính đáng, không bị lệch, không bị bẻ cong, không bị ngã tẻ. Kiến thức về Phật học của chúng ta phải như thế, mới đảm bảo con đường tu vững chải, niềm tin tăng trưởng, mãi mãi chúng ta bước thật vững trên con đường xưa.

Nhiều huynh đệ thật tội nghiệp, bước ban đầu không vững, nên tu tập một thời gian gặp nghịch duyên bị lung lay liền. Thời chúng tôi còn làm điệu, có những Phật tử đã ủng hộ đạo tràng, ủng hộ Phật pháp thật đắc lực, nhưng không biết vì sao tới khi tôi lớn lên, những vị ấy không còn như trước nữa. Hiện tượng đó khiến tôi có chút suy nghĩ, có lẽ bước đi của họ chưa được vững chải nên mới xảy ra trường hợp đáng tiếc như vậy. Đây là điều huynh đệ trong đạo tràng, mỗi chúng ta nên xét lại cho thật chuẩn bước đi của mình. Người xưa nói một bước đi đúng, sẽ thâu ngắn được đoạn đường dài trở về quê, một bước đi sai thì cách xa vô vàn, không biết lối về là đâu. Do vậy nên chúng ta phải làm sao tránh đi sai lệch, phải giữ vững lập trường, cứ một con đường thẳng tiến, không lung lay, không suy suyễn.

Trong tâm chúng ta có những sự kiện nổi cộm lên, thì thời ngồi thiền không yên, dù mình cố gắng khéo sắp đặt hình thức bên ngoài thế nào nhưng thực sự bên trong không yên. Sự bất an này không ai giải quyết cho mình được hết, bởi vì mình cũng không dám nói thật với ai. Do vậy công phu tu tập tuy lâu, nhưng sự bực bội, cau có tới bây giờ vẫn còn. Chúng ta sơ ý một chút là nó hiện ra, nó ngủ ngầm ở đâu không biết, nhưng có cơ hội là nó xuất hiện. Hòa thượng Viện trưởng thường nhắc vọng tưởng không thật, đừng theo nó mà mất mình, mất đi sự thanh tịnh quí báu. Thế mà chúng ta vẫn cứ chạy theo vọng tưởng để tự chuốt lấy phiền não khổ đau.

Nếu những ai có túc duyên tu, nghe lời nhắc nhở của người xưa, liền vận dụng vào đời sống tu tập và thấy có kết quả an lạc ngay trong hiện tại. Ví dụ nghe thầy dạy như thế, chúng ta thấy mình làm được, không đến đỗi khó. Điều đó chứng tỏ chúng ta đã từng hành trì trong những đời trước, nên bây giờ thấy quen, thấy dễ. Tuy nhiên, nếu không thực hành thường xuyên thì nó thành khó. Đó là điều ngay trong công phu hằng ngày, chúng ta phải nghiêm cẩn, điểm trán từng sự việc như vậy. Nếu trị được những thứ đó rồi thì phiền não không thành vấn đề. Cho nên các thiền sư nói phiền não vốn không, hay phiền não tức Bồ-đề.

Nếu người nào thực sự thấy phiền não không thật, thì mọi hiện tượng trên đời này không làm gì được người ấy được. Ăn mặc, ngủ nghỉ, tiền tài, danh vọng, địa vị… tất cả các thứ, không gì động địa họ nổi. Từ đó chúng ta mới nhận ra ý nghĩa lời Phật dạy:

                    “Chư hạnh vô thường,
                    Là pháp sanh diệt
                    Sanh diệt diệt rồi
                    Tịch diệt là vui”.

Con đường, hướng tu hành của chúng ta là như vậy. Sanh diệt còn, tịch diệt chưa được, thì chưa phải thiền. Trên quá trình này, mỗi người chúng ta phải phấn đấu tích cực, dù gặp khó khăn nhưng vẫn quyết định tiến lên, luôn luôn đi tới, để thể nghiệm được tinh thần thiền như lời Phật dạy. Chúng ta hoàn toàn làm chủ những dấy niệm, phiền não, thì chúng trở thành đồ bỏ thôi, có gì đâu. Người xưa nói người nào nhiều phiền não thì giác đạo của họ lớn. Lời này không sai, vì tận nguồn của phiền não là giác. Nhưng bây giờ chúng ta đang mê nên phiền não là phiền não. Lúc phiền não mình bị nó sai sử. Vì vậy một ngày bị chừng vài phiền não sai sử là ta thấy mệt, thấy đỏ mặt tía tai hết rồi, khổ lắm, đừng nói đến phiền não vô vàn. Chung quanh cuộc sống này, lúc nào cũng bị vây nhiễu bởi bất an, phiền não, bức xúc. Ăn không ngon cũng phiền não, ngủ không yên cũng phiền não, người bạn nói một câu bất ổn cũng phiền não, không sắp đặt được việc gia đình cũng phiền não, ngồi thiền không được cũng phiền não, không có thì giờ đi chùa cũng phiền não, làm gì cũng phiền não được. Những lăng xăng không đáng gì mà làm chúng ta phiền não cả ngày. Cho đến tu rồi cũng vẫn phiền não. Ví dụ hồi trước, quí vị chưa tin kính Tam Bảo, gặp ai phỉ báng Tam Bảo quí vị thấy gợn buồn thôi, rồi bỏ qua, thôi kệ ai làm gì làm. Nhưng bây giờ đã trở thành thiền sinh của đạo tràng Trúc Lâm Thái Tuệ khoảng mười năm, nghe ai nói động đến Tam Bảo, quí vị sẽ thấy bức xúc. Nếu chưa dạy cho người kia một bài học, quí vị thấy chưa yên. Rõ ràng trong chúng ta luôn sẵn sàng hình thành phiền não.

Cho nên tu không khéo chẳng những không triệt được gốc phiền não mà vô tình còn nuôi dưỡng và làm tăng trưởng nó hơn lên.

Ngài Đại Châu Huệ Hải đến Mã Tổ hỏi Phật pháp, Mã Tổ nói: Kho báu nhà mình đầy đủ mà không chịu sử dụng, chạy lăng xăng tìm cái gì? Ngài nhận ra liền và hỏi: Bạch thầy, kho báu nhà con là gì? Tổ dạy: Chính cái ông đang thưa hỏi ta đó. Bao nhiêu đó đủ rồi. Do vậy ngài Đại Châu về núi riêng tu tập, làm tất cả Phật sự không ngoài lời dạy của thầy “kho báu nhà mình có đủ hết”, chỉ vậy thôi. Chúng ta thấy các thiền sư đâu có nói nhiều, có khi các ngài nói ngược ngạo, khó hiểu nhưng thực sự các ngài chỉ thẳng ùi đó, không để người ta đi lòng vòng.

Một vị khác cũng trong pháp hội của Mã Tổ, là ngài Pháp Thường. Khi đến thưa hỏi Phật pháp, Mã Tổ dạy: “Tức tâm tức Phật”. Bao nhiêu đó Ngài về núi tu, hóa đạo lợi sinh cũng chừng ấy, ở núi rừng hay thiền viện cũng chừng ấy, làm bất cứ việc gì cũng chừng ấy, tức tâm tức Phật. Có một lần nghe đệ tử đã ra làm hóa chủ một phương nhưng chưa biết tin tức ra sao, nên Mã Tổ cho người đến dọ thử. Hỏi: “Thầy được cái gì nơi thầy mà về ở đây?”. Ngài trả lời: “Ta được thầy dạy tức tâm tức Phật”. Người đó nói: “Bây giờ thầy dạy là phi tâm phi Phật”. Ngài liền trả lời một cách dứt khoát: “Mặc cho ông già phi tâm phi Phật, ta chỉ biết tức tâm tức Phật”. Dứt khoát như vậy. Vị kia trở về trình lại với Mã Tổ, Ngài gặt đầu nói: “Trái mai đã chín”.

Kế nữa là niềm tin của chúng ta phải sống động và hiện thực. Các vị thiền sư ngày xưa tin pháp mà các ngài đang áp dụng, việc các ngài đang làm, dù gặp sự cố phong ba bão táp gì, các Ngài cũng vẫn bình thường, vẫn giữ vững lập trường như vậy. Có vị thiền sư nói: “Kính bạch đức Thế Tôn, kính bạch liệt vị tổ sư, con tên ..., hiện đời con phát tâm tu thiền, do báo nghiệp nặng nề nhiều đời kiếp như thế nào, khiến con ngày hôm nay tu hành dũng mãnh, nhưng vẫn chưa khắc phục được những báo nghiệp khó khổ đau đớn này. Bây giờ đối trước Tam Bảo, đối trước đức Thế Tôn, bằng tâm thành của con, con nguyện giả như ngay trong đời này, con tu hành với kiến giải chân chánh này, mà không khắc phục được báo nghiệp của con, con chết đi, bị đọa vào địa ngục thời gian dài vô số kiếp để trả cho hết những nợ nần đó, con vẫn vui lòng. Kính bạch đức Thế Tôn, với tâm nguyện này trước Tam Bảo, trước đức Thế Tôn, con nguyện khi được trở lại làm người, vừa mở mắt ra là con nhớ lại chủng Bát-nhã để tu hành cho mau”. Đó là lời khẩn thiết trình bạch tự tâm mình của một vị tu thiền. Những lời này được phát lên từ những con người có niềm tin vững chắc.

Chúng ta ngày nay có niềm tin vững chắc chưa? Tôi gợi ý này để quí Phật tử kiểm lại xem, niềm tin của mình thật vững chắc chưa. Có những trường hợp thế này, như ngày đầu xuân, quí vị rủ nhau đi hành hương lễ Phật. Tới một ngôi chùa thấy trang nghiêm, có vị thầy nói: Lại đây, thầy dạy cho pháp tu này ba tháng thành Phật. Lúc đầu quí vị định không nghe, nhưng không hiểu sao cuối cùng quí vị đi theo. Hết ba tháng này tới ba tháng khác, một năm tới ba lần ba tháng, ba tháng đầu năm là quý một, ba tháng kế là quý hai, ba tháng kế nữa là quý ba… Bốn năm năm gặp lại, huynh đệ nói: Ủa! sao mấy năm nay cô đi đâu không thấy về chùa. Bây giờ mới tâm sự chuyện như vậy đó. Kể trong uất ức “Con xấu hổ quá, cãi lời thầy, để đi theo một người mà mình không biết rõ đường lối và công phu tu hành của họ đúng hay sai. Điều này rất nguy hiểm.

Tất cả chúng ta đều có một kiến thức chân chánh, Phật là giác. Muốn được Phật rước thì phải giác, không giác thì Phật không rước. Cho nên người tu niệm Phật cũng phải niệm Phật tha thiết, như vậy Phật mới rước. Trở về pháp tu thiền, trước tiên hành giả có kiến giải chân chánh rồi mới đến niềm tin vững chắc. Phật tử đã trải qua một thời gian tu tập, quí vị ắt hẳn cũng biết, nếu không kiên quyết, không cố gắng, chúng ta sẽ không có niềm tin với pháp môn mình tu. Từng việc làm, từng thời khóa dụng công đều xứng hợp với lời dạy của Thầy tổ chỉ giáo. Như vậy chúng ta khả dĩ được chút tương ưng, chút lợi lạc. Từ đó niềm tin vững chắc sẽ đến với chúng ta.

Rõ ràng nếu quí vị tu hành chân chánh, hành trì đúng pháp, mỗi ngày công phu tăng trưởng, nhất định sẽ được định tĩnh, ở đây tôi không nói tăng trưởng phước lạc tăng trưởng gì gì hết, mà tăng trưởng định tĩnh. Chư huynh đệ đi chùa, sinh hoạt trong đạo tràng tu thiền mà mỗi khi đối duyên xúc cảnh, mất bình tĩnh là biết mình tu hành chưa tốt. Phải tự xét tự biết như vậy. Cho nên bình tĩnh là chuẩn mực để đo kết quả sự tu tập. Bởi vì người tu thiền, nếu thiếu tỉnh sáng là chưa dính dáng, chưa thiền định được. Dù cho chúng ta có ngồi một ngày bốn thời, một thời hai tiếng mà không tỉnh sáng, cũng chưa gọi vào thiền.

Người được thiền định là người có đủ định và tuệ. Lục Tổ dạy định tuệ đồng đẳng, nghĩa là khi đối duyên xúc cảnh định tuệ viên mãn. Bây giờ chúng ta kiểm lại xem khi đối duyên tiếp cảnh, định của chúng ta có vững không, nó hiện tiền hay vắng mặt? Nếu nó vắng mặt thì biết mình chưa định hoặc định rất yếu. Định như vậy chưa chống nổi với nghiệp lực sinh tử. Vấn đề sinh tử, Hòa thượng nói giống như đêm ba mươi tăm tối, ta phải giải quyết sự việc đó một mình, liệu xem ta đủ sức để nói chuyện với quỷ vô thường không hay là lúc đó mình khiếp hoảng. Nếu khiếp hoảng thì chưa đủ sức.

Người tu Tịnh Độ khi lâm chung, nếu niệm Phật được định tĩnh thì Phật hiện đến rước, còn người tu thiền khi lâm chung ai rước? Vì hằng ngày chúng ta không cầu ai rước nên lúc đó đâu có ai rước, mình phải tự chọn đường mà đi chứ. Cho nên người tu thiền phải gan dạ, làm chủ lấy mình, không bị phiền não quấy rầy, niềm tin vững chắc thì tự tại, không còn bị nghiệp lực dẫn đi trong các đường.

Điều mà các Phật tử cần phải nhớ là luôn luôn tỉnh. Niệm ban đầu vừa móng khởi là tỉnh lền, đừng để qua niệm thứ hai. Nếu không kịp tỉnh để qua niệm thứ hai là thua rồi. Nó sẽ nối tiếp nhau dẫn mình chạy, không dừng được nữa. Chúng ta phải làm chủ được, phải kiện toàn niềm tin của mình đối với chánh pháp. Nếu không làm chủ được thì vô vàn sự kiện nối nhau làm ta rối rắm lắm. Chư vị tổ sư dạy chúng ta phải sống được với ông chủ. Ông chủ của chúng ta là gì? Sáu đường sáng suốt nơi mỗi chúng ta không hề thiếu vắng ông chủ. Sáu đường hay sáu đoạn thần quang luôn sáng suốt vững vàng đầy đủ trong ta. Vậy thì đừng để bị lệch hoặc trôi giạt, làm hỏng đi các thần quang của mình. Làm chủ tức là bảo vệ thần quang của ta, đừng làm gì trái lại với tâm nguyện, với công phu của mình là xoay lại thần quang. Vì vậy các thiền sư Việt Nam thường dạy phải phản quan tự kỷ.

Mắt chúng ta sáng, tai chúng ta thính, miệng chúng ta nói, mũi chúng ta ngửi… Các cảm xúc toàn thân chúng ta biết, lúc nào nó cũng đầy đủ. Nhưng nếu khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tâm dấy khởi phân biệt thì chúng ta quên mất nó, vì mắc chạy theo trần cảnh bên ngoài. Chúng ta khác người xưa ở chỗ đó, cho nên mình khổ, mình vướng mắc. Bây giờ các ngài muốn chỉ dạy chúng ta làm sao sửa đổi lại, thấy là thấy tự nhiên như vậy, sáng suốt rõ ràng như vậy, đừng thêm phân biệt đối đãi. Như bây giờ chúng ta ngồi đây, những cảm nhận chung quanh ta biết, nóng hay lạnh, hoặc có vật gì đụng chạm ta biết. Nếu không biết thì thân này bị chết sao? Mình được vinh dự là có cả sáu đạo thần quang. Sáu đạo thần quang ấy giàu có vô lượng, nên chúng ta không thể nào không thấy không cảm nhận, không biết tất cả những gì chung quanh.

Kế đây tôi sẽ nói đến những thần dụng của sáu đạo thần quang. Ví như người có khiếu về âm nhạc, họ luyện tập, học nghe, học sáng tác, thông nhạc lý từ xưa tới nay, nhạc tính thế nào họ thông hết. Người ấy nghe tiếng liền có thể định được âm thanh trên thuộc ngũ âm hay bát âm. Do vậy người nhạc sĩ có thể tập trung âm thanh để phối khí cho những bản nhạc. Vì thế một bản nhạc chúng ta nghe, gồm nhiều thứ âm thanh hợp lại hòa tấu. Tóm lại nếu chúng ta sử dụng được hết sáu đạo thần quang thì mình giàu có muôn hộ. Đức Phật đã nói chúng sanh giàu có muôn hộ, chứ không phải nghèo thiếu đâu.

Cho nên đối với các thần quang, nếu chúng ta sử dụng được, nó sẽ có thần dụng. Bấy giờ sáu đạo thần quang sẽ thành lục thông. Khi đó chúng ta sống nhẹ nhàng, vơi hết những phiền não bất an bất ổn. Một khi trong tâm đã sáng suốt, định tuệ hiện tiền, chúng ta luôn luôn an vui vì đã vượt thóat khỏi sự trói buộc của nghiệp lực. Phật pháp độc đáo nhất ở chỗ này. Chư tổ bảo buông hết đi thì việc gì mà chẳng xong. Cho nên có những vị trình bày với thầy dài dòng, khóc sướt mướt việc như thế như thế. Nhưng cuối cùng sư phụ chỉ nói: Thôi bỏ đi con. Thế là xong.

Người áp dụng đúng lời Phật dạy nhất định sẽ được định tuệ. Định tuệ đầy đủ thì sẽ làm chủ được, sẽ an vui giải thoát. Đó là bước trên con đường xưa để về lại ngôi nhà cũ của mình. Chúng ta vững niềm tin, làm chủ lấy thì tất cả phiền não lỉnh kỉnh sẽ hết. Tinh thần của nhà thiền là tất cả phải buông, vì các pháp vốn không thật. Hòa thượng Ân sư có bài kệ “Mộng” cũng nói lên ý này. Mộng tức là không thực, đã không thực thì nắm giữ làm chi cho nhọc công phí sức.

Chúng ta là đệ tử của Phật, của Hòa thượng, nên phải nhớ lời ngài dạy. Sang năm mới, bắt đầu việc tu học mới, biết tất cả hiện tượng chung quanh không thật, tất cả pháp trần là ảo mộng, phiền não vốn không, thì theo duổi nó làm chi. Buông bỏ hết. Những điều như vậy, chư huynh đệ hội hữu trong đạo tràng, nếu bước thật vững trên con đường đạo thì cố gắng nỗ lực tu học tăng tiến, phiền não không làm gì được, ngay đây chúng ta tự tại an vui.

Hôm nay đủ duyên lành chúng tôi về đây dự chứng ngày khai pháp của đạo tràng. Trước nhất tôi xin nhắc lại lời người xưa để chư huynh đệ nhớ và hành trì cho được viên mãn. Kế nữa sang năm mới, tôi cũng xin được thay lời đại chúng gởi đến toàn thể quí Phật tử lời chúc mừng năm mới. Chúc quí vị luôn an lạc, dứt sạch phiền não, tự tại bước trên con đường xưa thênh thang.

[ Quay lại ]