headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Ma Phiền Não

Chánh Văn:

Ma phiền não cũng gọi là sự chướng. Người tu hành mà chẳng trừ được sự chướng thì, rối rắm thánh đạo. Thế nào là phiền ? Sao gọi là não ? Phiền là chạy theo ngoại cảnh, não ấy tự sanh trong tâm, những người tu thiền, quyết phải dứt hẳn. Nếu chẳng dứt sớm, thì tánh định khó hiện. Như thấy sắc tâm sanh, là tâm dâm phiền não. Thấy giết tâm sanh, là tâm ác phiền não. Thấy của tâm sanh, là tâm trộm phiền não. Thấy vật tâm sanh, là tâm tham phiền não. Với người sanh mạn, là ngã tướng phiền não. Đối kẻ thấp kiêu ngạo, là phiền não tự đại. Gặp cảnh nghịch sinh sân, là tâm khuể phiền não. Gặp cảnh thuận vui mừng, là phiền não thích ý. Gặp oan gia sanh ghét, là tâm hận phiền não. Cùng thân thích sinh yêu, là tâm tư phiền não…

Nói tóm lại : Với tất cả cái thấy bên ngoài, mà trong tâm sanh thủ xả đều là phiền não khó nói cho cùng. Thế nên, những người tham thiền quyết phải dứt sự chướng. Sự chướng nếu chẳng không, thì chánh định bị não loạn. Người tu đời sau, đâu nên xem thường nó được !

Giảng:

Loại thứ ba là ma phiền não. Chữ phiền một bên bộ hỏa, một bên bộ hiệt ( giống như cái đầu bị lửa đốt. Nghĩa là khi phải tiếp xúc với sự việc gì đó mà nghe nóng trong đầu, bực bội không yên thì đó là phiền. Chữ Não (một bên bộ tâm, một bên có bộ xuyên tức hệ thống thần kinh não bộ bị động. Giống như cái nồi bị nung lửa, những thứ trong đó sôi sục lên. Tóm lại, phiền não là không yên trong lòng. Lòng đã không yên thì rối rắm, tăm tối, theo đó tác động ra bên ngoài các giác quan bất an, bất ổn. Như người mất búa ngồi trong nhà nhìn ra ngoài, thấy toàn là những người ăn trộm búa của mình.

Đối với người tu, chúng ta phải làm chủ và bảo tồn trong tâm mình, để đừng bị bức xúc, bất an, bất ổn. Trong lòng bất an nên khi tiếp xúc với bên ngoài, không làm chủ được thì những cố tật, tập khí của mình phát tiết, theo đó mà tạo nghiệp. Khi tâm bình thường thì đối với cảnh nghịch, ta chỉ cần nở một nụ cười là xong. Nhưng nếu trong lòng có nỗi bất an thì lại khác, có khi mình nổi nóng đập người ta, rồi sinh ra đủ thứ chuyện trên đời. Tất cả mọi tai họa xảy ra đều từ tâm sân khuể nổi lên.

Người tu chúng ta khi có những hiện tượng như vậy thì phải nhìn lại mình. Nhìn thấy một huynh đệ buồn buồn, thoái tâm Bồ-đề thì biết anh ta đang bị phiền não gì đó. Người tu chúng ta giải quyết phiền não bằng cách nào ? Hòa thượng dạy nó không thật, hơn nữa nhân vô thập toàn, nghĩa là không ai hoàn toàn trăm phần trăm. Đã vậy thì ta nên nhìn vào điểm tốt của người, đừng nhìn những điểm xấu của họ mà sanh phiền não. Đối với phiền não, những thứ làm chúng ta bất an, mất bình thường, làm chúng ta không còn hồn nhiên nữa thì phải bỏ đi. Tu là trị phiền não, trước nhất là trị từng niệm của mình. Niệm nào cũng kiểm soát được hết.

Trong cuộc sống có gì như ý đâu. Hôm nay làm mệt, mình nghĩ nếu bữa cơm có bát canh thích khẩu thì chắc ăn ngon lắm. Nhưng trái lại bữa ăn lại không có thứ đó mà gặp thứ mình không thích, thành ra nuốt không trôi. Thế là phiền não. Những mong mỏi như vậy thôi cũng ít khi có được. Đới với những cảnh này phải làm sao ? Phải tỉnh, phải buông đi. Chúng ta đừng bao giờ nuôi phiền não, cũng không lầm đối với phiền não, phải tỉnh sáng để loại những phiền não đó, đừng để nó tác động.

Trong cuộc sống nếu chúng ta biết loại bỏ những điều xấu dở của mình, không đem những xấu dở bên ngoài vào là thành công. Từ đi đứng, nói năng, làm việc mọi thứ, nếu biết cách công phu, giữ gìn mình, phân biệt chủ khách rõ ràng. Khách chỉ nghỉ nhờ rồi đi, còn chủ thì không đi. Từ những việc hết sức thông thường đó, nhưng nếu chúng ta không để ý thì công phu sẽ bị vướng, không tiến được.

Người tu thiền phải triệt tiêu phiền não như thế nào ? Nghĩa là đối cảnh đừng sanh tâm. Bởi vì trong tâm còn có vấn đề nên đối cảnh còn sanh tâm. Chúng ta làm sao đối cảnh không sanh tâm, cảnh tham không tham, cảnh sân không sân… Không luận là ai, nếu được như vậy thì người đó là Phật.

Chúng ta tu học là để làm Phật làm Tổ chứ không làm gì khác. Cho nên học đạo là để sống đạo, học là để thực hành chứ không phải để nói cho ai nghe. Việc học làm Phật bước đầu là làm sao rõ biết được phiền não. Những yêu, thích, giận, buồn xưa nay chúng ta chưa từng biết nó là vọng tưởng, nhưng ngày nay nhờ học Phật nên chúng ta biết nó không thật, nó là vọng tưởng. Nó đã dẫn chúng ta đi trong luân hồi sanh tử nhiều đời rồi. Bây giờ phải tỉnh, biết nó là vọng liền buông.

Ngài Lâm Tế có nói câu: “Phùng Phật sát Phật, phùng am sát ma”. Dù cảnh Phật, chúng ta cũng biết rằng đó là vọng tưởng. Ngài Nham Đầu nói của báu bên ngoài đem vô không phải là thứ thiệt. Muốn xài được phải là ở trong tâm mình, kho báu đó không bao giờ thiếu. Các Thiền sư nói không lầm chạy theo đối với các cảnh duyên vì biết nó không thiệt. Như vậy mới tự tại để thấy mọi việc dàn trải trước mắt.

Ở đây chúng ta vui vẻ sống trong hào quang chánh pháp, trong đạo tràng, nắm được cách tu rõ ràng như vậy thì rất thích thú. Cứ mỗi chiều ngồi kiểm lại xem, từ sáng tới giờ mình đã khắc phục được những gì. Mỗi lần khắc phục được là mỗi lần có sức mạnh, hay sức mạnh được tăng trưởng. Mỗi lần bị thua là mỗi lần yếu đi, coi như mình đã đầu hàng. Người quyết chí tu thì nhất định không đầu hàng, phải khắc phục. Như người chiến sĩ chiến đấu với hư không, phải tỉnh vì hư không chỗ nào cũng có hết.

Nếu chẳng dứt sớm thì tánh định khó hiện. Như thấy sắc tâm sanh là tâm dâm phiền não. Không đợi dính mắc gì hết mà đối với sắc trần khởi niệm là đã có phiền não, đã có vấn đề rồi, phải chỉnh đốn. Thấy giết tâm sanh là tâm giết phiền não. Thấy của tâm sanh là tâm trộm phiền não. Thấy vật tâm sanh là tâm tham phiền não. Với người sanh mạn là ngã tướng phiền não. Đối kẻ thấp kiêu ngạo là phiền não tự đại. Gặp cảnh nghịch sanh tâm là tâm khuể phiền não. Gặp cảnh thuận sanh tâm là phiền não thích ý. Gặp oan gia sanh ghét là tâm hận phiền não. Cùng thân thích sanh yêu là tâm tư phiền não…

Nói tóm lại, với tất cả cái thấy bên ngoài mà trong tâm sanh thủ xả đều là phiền não khó nói cho cùng.

Khi đối duyên xúc cảnh mà tâm thủ xả không dừng được thì đủ thứ phiền não. Cho nên người biết tu vừa có niệm dấy khởi liền buông thì trị được phiền não. Đây là một pháp tu đúng và thích hợp. Bất luận lớn nhỏ, già trẻ, khi vừa có một niệm dấy khởi liền buông. Bất cứ nơi đâu, trong công việc gì cũng đều tu như thế. Khi cuốc đất ta chỉ biết cuốc đất, những chuyện gì đã qua không nhớ, những chuyện chưa tới chẳng nghĩ, bình thường cuốc. Mình chỉ cần biết rõ là chân ta đang dẫm trên đất, tay cầm cuốc. Không để bất cứ một cái gì làm lầm mình, như vậy là ta đã sống và làm việc một cách hết sức sâu sắc.

Chúng ta nhiều khi bị vọng tưởng dẫn đi một cách say mê. Bởi vì nó thay hình đổi dạng, phát tiết từ nơi những lổ chân lông của mình. Có những loại vọng tưởng cứng ngắc làm cho mình nhức nhói, có những loại vọng tưởng mềm mại làm cho mình thích thú. Tóm lại, không tỉnh là bị nó dẫn đi thôi.

Tu là phải tỉnh, thiếu tỉnh thì không thể làm gì được. Tỉnh để đừng bị vọng tưởng kéo lôi. Phật, Bồ-tát, các vị Tổ đều dạy cảnh không thật, thân không thật, tâm không thật. Mình không giữ được tâm thể chân thật rồi lao theo những thứ không thật đó. Như một giấc mộng, không biết là bao lâu. Nếu nhận và sống được với tâm thể rỗng rang sáng suốt thì chúng ta mới thấy rõ ta đang ở trong giấc mộng, thay hình đổi dạng, làm toàn việc mộng.

Chỉ khi nào quen sống được với ông chủ thì dần dần bỏ những mộng mơ đó. Nhận và sống với ông chủ, mau hay chậm là tự chúng ta, không có người thứ hai nào có thể giải quyết cho chúng ta được. Vậy thì đối với phiền não chúng ta cố gắng làm chủ, đừng để nó tác động. Nếu nó tác động thì sẽ sanh thành nghiệp lực, tạo quả báo, vai trả không biết bao giờ mới rồi. Muốn thế, chỉ có kiếm trí tuệ mới cắt đứt được. Chúng ta là những chiến sĩ sẵn sàng dùng kiếm của mình chặt đứt tất cả dây mơ rễ má kia.

Đức Thế Tôn sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, Ngài nói: Lạ thay tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí tuệ của Như Lai, mà sao lại bị mê muội như thế. Cho nên Ngài thường nói chúng ta có tri kiến Phật, có chân tâm, Phật tánh. Nhưng rồi chúng ta không nhận ra là vì nghiệp. Khi đã thành thói quen rồi tức là thành năng lực. Chúng ta nhiều đời kiếp đã gầy dựng và lầm theo nghiệp của mình.

Trong kinh A-hàm Phật nói cặn kẽ, giả dụ người có hai môi không đầy đủ, thiếu hai hàm răng, lưỡi ngắn củn, miệng không lưỡi thì người đó nói được gì. Nhưng ít khi chúng ta nghĩ tới chuyện đó. Nghe người ta nói một câu, thiên hạ bảo đó là chửi mình thì liền cho như vậy rồi nổi nóng lên. Đó bị cảnh kéo lôi. Chúng ta chỉ theo cảnh, theo hiện tượng bên ngoài thôi, ít khi nào chịu quay về nhận lại cái gốc.

Nếu trong mọi sinh hoạt, chúng ta luôn biết mình có tánh giác, có đức tướng trí tuệ, có tri kiến Phật. Mình là Phật sẽ thành nên những gì bên ngoài đều bỏ hết. Được như vậy thì chúng ta không tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì không bị quả báo. Chúng ta đừng lầm là tạo nghiệp mà không bị quả báo. Dù là bậc thánh đi nữa thì cũng phải trả nghiệp cũ khi quả báo đến. Tôn giả Mục Kiền Liên là một điển hình.

Tóm lại phiền não là những máy động đầu tiên mà chúng ta phải trị. Chúng ta phải làm chủ được năng lực từ thân miệng và ý. Đây là những phiền não làm cho chánh định của mình không thành tựu được. Thiếu định thì không có tuệ, định tuệ không có thì đi đường ma. Chúng ta sống sơ hở, không quan tâm, không phát huy được định tuệ thì dù tu đúng pháp vẫn chẳng đến đâu. Nếu định tuệ bị suy thoái thì sẽ lọt vào rọ ma.

Chú:

Còn lầm ngoại cảnh nên còn phiền não. Bởi chưa thấy được thật tánh nên giả cảnh làm rối rắm, lăng xăng, mờ ảo, khó mà tháo gỡ cho xong ! Người xưa nói : “Vật từ cửa đem vào, không phải là của báu trong nhà”. Của báu trong nhà là gì ? Mọi người sẵn có, luôn luôn đầy đủ, tánh tự bản nhiên, vào phàm vào thánh không đổi, không sanh không diệt, xưa nay bình đẳng, một đạo sáng suốt. Như đã nói, bởi thật giả chưa phân, nên bao nhiêu điều vụn vặt hiện bày trước mắt. “Nắm đông bắt tây” luống sanh phiền bực. Đáng thương ! Cũng bậc vương giả, mà gặp loạn trầm luân, uổng đời trôi dạt. Vùi thân trong chỗ bùn lầy, nát phận cùng loài man mọi, mặt mũi thật xưa nay khó nhìn. Đường về quê cũ vẫn còn diệu vợi, chưa dễ một sớm một chiều mà biết được.

Khổ thay ! Khổ thay !

Yêu cầu thấy được thật tánh thì mới trị được phiền não. Thấy thật tánh là biết tất cả đều không thật.

Người xưa nói : “Vật từ cửa đem vào, không phải là của báu trong nhà”. Lời này của ngài Nham Đầu Toàn Khoát nói với người sư đệ là ngài Tuyết Phong. Khi hai Ngài cùng đi hành khước, đường đi trở ngại, hai Ngài cùng nghỉ lại nơi miếu. Tuyết Phong lúc nào cũng ngồi công phu miên mật, riêng ngài Nham Đầu lúc nào cũng ngủ. Ngài Tuyết Phong còn vướng mắc nên hạ thủ công phu nhiều. Ngài Nham Đầu đã xong việc nên thảnh thơi tự tại. Đây là chỗ tinh vi, cao siêu.

Điểm này chúng ta phải dè dặt thận trọng. Nếu lầm nhận rồi nói không cần tụng kinh, không cần ngồi thiền, không cần sống trong khuôn mẫu thì chết dở.

Chừng nào được như ngài Nham Đầu rồi hãy nói câu ấy. Cẩu thả sẽ rơi vào lưới ma làm loạn thiên hạ, quả báo phải tự chuốt lấy thôi.

Ngài Tuyết Phong cứ ngồi thiền, thấy sư huynh ăn rồi ngủ nên kêu dậy: Người ta đi hành khước đã xong việc, sư huynh đến đây ăn rồi lại ngủ, không sợ thiên hạ cười cho. Ngài Nham Đầu bị quấy rầy, ngồi dậy, hỏi Tuyết Phong muốn cái gì. Tuyết Phong nói trong lòng chưa yên. Ngài Nham Đầu bảo: “Nếu có gì chưa ổn thì hãy nói ra tôi sẽ vì ông mà giải quyết cho”. Tuyết Phong thuật lại đoạn đường ngài đã đi qua. Ngài Nham Đầu quét sạch và bảo phải xoay về của báu trong nhà. Đây là tư cách của những bậc đã siêu xuất. Chúng ta học được ở các Ngài những điểm hay, nhưng cũng đừng quên vị trí của mình.

Của báu trong nhà là gì ? Mọi người sẵn có, luôn luôn đầy đủ, tánh tự bản nhiên, vào phàm vào thánh không đổi, không sanh không diệt, xưa nay bình đẳng, một đạo sáng suốt. Một loạt những danh từ chỉ cho của báu của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta học đây là danh từ học hiểu. Bao giờ chúng ta sống được với của báu rồi, thì không cần nói vẫn tự sẵn đủ.

Như đã nói, bởi thật giả chưa phân, nên bao nhiêu điều vụn vặt hiện bày trước mắt. “Nắm đông bắt tây” luống sanh phiền bực. Đáng thương ! Cũng bậc vương giả, mà gặp loạn trầm luân, uổng đời trôi dạt. Vùi thân trong chỗ bùn lầy, nát phận cùng loài man mọi, mặt mũi thật xưa nay khó nhìn. Đường về quê cũ vẫn còn diệu vợi, chưa dễ một sớm một chiều mà biết được. Khổ thay ! Khổ thay !

Do chưa nhận được của báu cho nên cam phận làm người trôi dạt, trầm luân mãi mãi. Nước đã xa nguồn thì cơ hội trở lại khó lắm. Khi nào ngồi trên cầu nhìn dòng nước chảy qua, chúng ta sẽ cảm thấy ngùi ngùi trong lòng, thương mình ghê lắm. Dòng nước trôi qua rồi tan loảng, không bao giờ quay trở về nữa. Chúng ta cũng vậy, nếu không tỉnh, không nhận ra của báu, thì mình cũng bị trôi dạt thế thôi.

Chuyện Tàu kể biết bao nhiêu vị tướng giỏi, uy thế dũng mãnh nhưng đến khi sa cơ thất thế, quân thù tràn tới mãnh liệt. Sức một mà địch tới muôn quân thù, làm sao thắng được. Cũng vậy, phiền não, tật đố, lăng xăng đủ thứ chuyện, nó bao trùm dày đặc. Nếu không có người chỉ dẫn cho mình thì đành phải trôi dạt, trầm luân. Chúng ta đã bị ngu mê để trôi dạt biết bao đời, nước đã xa nguồn. Bây giờ có cơ hội tỉnh thì rán tỉnh. Nên nhớ dù ít hay nhiều, có tu là có tiến.

Hãy gắng lên !
 

[ Quay lại ]