headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 27/04/2024 - Ngày 19 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HOÀI XUÂN

 Có những con nước chảy ngược xuôi đôi dòng, ta cứ ngỡ vẫn con nước cũ qua lại ven bờ, nhưng thực ra không có dòng nước nào ra đi mà trở lại bao giờ. Dòng nước luôn mới tinh khôi. Tuổi ấu thơ của chúng ta cũng qua đi và không trở lại. Hoài niệm về quá khứ trong giây phút hiện tại là chuyện đáng ăn đòn mà cũng đáng thương đáng nhớ quá chừng.

Chỉ dặn lòng hãy thắp sáng quá khứ trong hiện tại thì quá khứ cũng chính là hiện tại. Quá khứ vừa cũ mèm lại vừa mới trinh nguyên. Thì ra, ta vẫn có thể làm mới lại cả một dòng sinh mệnh của mình. Một dòng sinh mệnh luôn tuôn chảy, cho ta niềm tin và tình thương hôm nay trong từng khoảnh khắc trở mình, cũng là cho người hơi thở phả vào dòng sinh mệnh hôm mai…

Rất mong là như vậy.

***

Hồi đó, bọn tôi còn là mấy điệu nhỏ ham chơi rong ngoài xóm, bỏ hết chuyện tụng niệm trong chùa. Cứ mỗi lần Thầy đi đâu về là tôi sợ muốn chết. Thầy gọi từng điệu ra trình diện, có khi bị kiểm tra tại chỗ và… bị đòn. Tôi vẫn chưa quên được cái đau thấu trời vì những trận đòn sốp dẻo khi Thầy về chùa, chưa kịp nghỉ ngơi gì cả.

Có lần Thầy đi đám cầu nguyện “về nhà mới” của một Phật tử thân tín. Hai giờ chiều xe đến đón Thầy, tới chiều tối chúng tôi vẫn chưa thấy Thầy về. Bọn điệu ngồi học bài để trả bài cho Thầy vào hôm sau. Đợi mãi không được mấy điệu tôi lăn ra ngủ hết. Tới 10 giờ tối Thầy mới về. Con ky nằm bên tôi sủa quá trời mà tôi vẫn không hay. Sư phụ vô phòng, thấy mấy điệu đang ngủ say. Thầy mở đèn kiếm từng đứa một. Lúc đó tôi mới hay Thầy về, nhưng lỡ bộ tôi nằm im không dám cục cựa. Bỗng điệu Trí nói cái gì đó, tôi nín cười không được. Thầy nghe tiếng cười liền hỏi “đứa nào?”. Thế là tôi được đưa ra ánh sáng, bị một trận đòn vô lễ, Thầy về đã không ra chào, nằm đó giỡn! Trận đòn đau lắm, thấm thía lạ lùng. Tôi không dám trách ai, chỉ thầm mong sao cho mình mau được thoát khỏi những trận đòn nát da nát thịt này.

Tuổi nhỏ, tôi thường hay buồn lắm. Không ai hiểu mình. Mỗi lần nghĩ về thân phận, về cuộc đời vào một ngày mai. Mình sẽ làm gì, ở đâu … là tôi khóc.

***

Bọn tôi bấy giờ chỉ loanh quanh mấy đứa họ Nhật. Tôi Nhật Quang. Còn Nhật Đạo thì nhỏ quá, chú ấy chưa biết lo là gì đâu. Rảnh một chút là chú chạy ra chợ Vườn Chuối chuyện tròø với mấy cô Phật tử bán hàng ngoài đó. Chú được mấy cô Phật tử thương lắm. Những lần phạm lỗi bị đánh đòn, là mấy cô vào chùa can xin Thầy tha cho bằng được. Cứ mỗi lần chú bị đòn là náo loạn cả lên. Mấy cô hốt hoảng chạy kiếm người này người kia xin phụ, miễn sao chú khỏi đòn hoặc ngâm lại đó là được rồi. Nhật Đạo thân nhỏ tíu lại ở dơ nhưng cái miệng của chú lợi hại lắm. Chú ăn nói có duyên, cả Thầy cũng phải bật cười khi chú dang ca xin khỏi đòn.

Nhật Trí thì thôi, ông này ngủ li bì. Cứ đi đám về là kiếm chỗ chui xuống ngủ cho đã. Sư huynh này lớn hơn tôi nhiều tuổi. Được cái tuy vậy mà Sư huynh tụng kinh rất ăn tiền. Năm đệ Lăng Nghiêm công phu khuya, bao giờ Sư huynh cũng ăn đứt huynh đệ. Bọn tôi mấy đứa sau khi nấu nước châm trà dâng Thầy rồi là cùng nhau tụng Luật trước nhà Tổ, có Thầy chứng minh.

Nhật Tân thì luôn sạch sẽ, áo quần tươm tất. Chú này có chị là thợ may, xuất gia một lượt với chú, pháp danh Nhật Hòa. Chị Nhật Hòa rất khéo tay. Tất cả những đồ xả tang, Phật tử cho đem về là chị sửa thành áo hoặc đồ bộ cho các chú mặc. Hồi này chúng tôi trông cứ như là nhóm võ sĩ đạo, mặc đồ trắng xả tang của người ta mà cũng đẹp ra phết.

Còn chú Nhật Định mà không định gì hết. Thầy nói vậy. Chú chỉ tu một thời gian rồi đi đâu không ai biết. Hình như chú có mẹ ngoài Bắc, nghe nói sau này bà đã dẫn chú về Bắc.

Nhóm chúng tôi rã bè khi Thầy chúng tôi là vị Trụ trì chùa Phước Quang gần chợ Vườn Chuối viên tịch. Thầy tịch mới vài tháng thôi là chúng tôi chia tay. Anh em mỗi người mỗi ngả, chưa biết về đâu? Nghe lòng buồn rười rượi. Tôi mường tượng mình lại bước vào cuộc đi rong mới. Một thoáng băng mình, lũy kiếp trù trừ, không biết bến đỗ phương trời ?

***

Tôi nhớ năm ấy mình 16 tuổi. Một độ tuổi chưa đủ khôn nhưng đã có thể tự quyết định cho mình những đoạn đường. Tôi nghĩ vậy. Lần đầu tôi đeo đuổi sở nguyện được An cư kiết hạ tại đạo tràng Vạn Đức như một người lớn nhưng hãy còn ủ mình trong lớp trẻ con. Nên chi khi lên Vạn Đức gặp bà Ba Hộ (người ủng hộ tôi trong giai đoạn này) vừa hỏi đến thì tôi không còn cầm lòng được nữa. Tôi bật khóc, thực sự khóc. Nước mắt của tôi cũng ghê gớm thật. Bà Ba đã quyết định là sẽ xin cho tôi được nhập hạ tại Vạn Đức. Thế là cuối cùng tôi cũng được đi dự hạ ở đạo tràng Vạn Đức. Đây chính là cái cớ để tôi tung bay theo dự định tu học mới của mình sau khi mãn hạ.

Về Vạn Đức, mỗi ngày huynh đệ tôi được học các môn Phật pháp do chính Thầy chúng tôi là Hòa thượng Viện Chủ đạo tràng Vạn Đức sắp xếp và chủ giảng. Bài học khai khóa tại phương trượng của Hòa thượng vào chiều hôm ấy là bài Tán Phật: “Pháp vương vô thượng tôn, Tam giới vô luân thất”. Thầy đinh ninh giảng giải từng lời, dẫn từng chuyện cổ tích. Trong đó chuyện “Một niệm quy y của ông trời hết phước” làm tôi nhớ mãi không quên.

Có thiên tử nọ do hết phước trời, năm tướng suy hiện ra. Tuy nhiên, ông còn một chút duyên lành với đức Phật, nên trong lúc cúi đầu lễ Phật, bỗng thần thức ông thác sinh vào bụng một con lừa ở lò gốm. Lừa có mang và chạy báng bổ làm đổ bể các thành phẩm trong lò. Đang cơn tức giận, người chủ lò gốm xách cây rượt đập con lừa, làm cho nó bị sẩy thai. Chỉ trong chớp mắt cúi đầu cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn, tiên nhân thoát kiếp lừa. Bấy giờ thần thức ông đầy đủ phước đức trở lại nên bay về thiên giới, thân tướng trang nghiêm rực rỡ hơn trước, tiếp tục vui hưởng phước trời.

Câu chuyện đã cho tôi cái cảm giác con lừa lúc bị đánh, từng đòn cây đập vào thân lừa như đập vào thân tôi. - Giật mình tỉnh giấc, hú hồn qua mơ!

Sau đó chúng tôi được học nhiều bài kinh khác nữa. Hình ảnh pháp hội Linh Sơn trong bản kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa đến bây giờ như còn đó, chưa tan. Chúng hội vây quanh đức Thế Tôn, ràng ràng màu y vàng của thời thượng pháp. Đức Phật và Thánh chúng của hơn hai nghìn năm về trước được kéo dài tới phút giây hiện tại, đọng lại trong tôi ánh mắt đấng Điều ngự với trái tim tràn ngập vô lượng sinh linh. Thế Tôn đã yêu thương cuộc đời, yêu thương con người và cả những con lừa. Một tình yêu thực sự làm trổi dậy trong chúng sanh sự hồi sinh, tràn đầy sức sống. Tình yêu chân thực thì lúc nào cũng rạt rào tuôn chảy, không có bến bờ. Như Lai đã cứu chúng con và chúng sanh ra khỏi biển khổ trầm luân bằng chính trái tim không biết ngừng nghỉ của Ngài.

Đại chúng đã được học và phấn khởi ghi nhận từng bài học một cách thú vị. Hòa thượng dạy: Là tăng sĩ phải biết “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bản hoài”. Muốn thế trước hết phải chuyên tâm nhất ý vào việc tu học cho thành tựu. Thầy là một bậc Thầy lớn không chỉ của riêng tôi, mà của cả một thế hệ anh em chúng tôi và còn hơn thế nữa. Thầy là vị Thầy đầu tiên đem ánh sáng Phật pháp đến cho tôi. Từ Thầy, chúng tôi có được niềm an vui trong chánh pháp. Mà niềm an vui trong chánh pháp thì luôn phưởng phất lan tỏa trong suốt cuộc đời. Cuộc đời một tăng sĩ.

Những năm tháng được theo Thầy học Phật đối với tôi thật khó phai. Sau này dù ở đâu, giọng nói Thầy, tấm lòng Thầy vẫn còn trầm ấm mãi trong tôi.

***

Hạ qua, Thu đến, Đông sắp tàn. Mùa xuân lại bắt đầu. Mùa xuân của một tăng sinh nghèo dưới quê vừa lên phố, chỉ mơ có được chiếc áo tràng bảy vạt đi đường. Khiêm tốn tới tội nghiệp! Từ bé thơ, tuy đã được ở chùa rồi nhưng tôi chưa có cái áo tràng nào coi cho được. Tôi mơ lắm. Sắp đến ngày Tết, tôi ao ước mình có được chiếc áo tràng mới như tất cả huynh đệ.  Ngoài ra không có gì trong ý nghĩ ban đầu đơn sơ mộc mạc. Không lời chúc tụng, không thêm thắt chi chi. Cuối cùng mùa xuân năm ấy, tôi cũng được chiếc áo đi đường tám vạt thật mới, do cô Diệu Định chủ sạp vải chợ Vườn Chuối ủng hộ. Tôi vui lắm đặt cho nó cái tên “áo mới mùa xuân”. Hồi ấy niềm vui sao mà đơn sơ quá, giản dị quá. Thật hay!

Sau đó tôi lại có dịp cúng dường chiếc áo này cho một người huynh đệ từ miền xa vào, cũng chưa lần nào được áo tết. Nghĩ phận mình thương phận người. Cái thuở tăng sinh nghèo rớt mồng tơi, mà dễ thương dễ nhớ gì đâu. Người huynh đệ tôi mặc chiếc áo tràng mới tám vạt có hai cái túi hai bên, thọc tay vào túi đi tới đi lui oai ra phết. Nhìn ngắm mình, nhìn ngắm người mới bật cười cái “ôi khốn khó tuyệt vời” mà thầm cảm ơn cuộc đời. Một chiếc áo có tới hai niềm vui.

***

Xuân trên núi.

Thời gian qua đi, tôi lưu lạc nhiều chùa, tu học nhiều nơi. Mới biết hai chữ nhân duyên thật nan tư nghì. Cuối cùng thì ra tôi theo Thầy về núi - Hòa thượng Chân Không - Trong cuộc đời tu học của mình, tôi hữu duyên được thụ giáo nhiều Thầy, nhưng có thể nói ân đức và đạo tình sâu nặng nhất đối với tôi là Thầy. Hòa thượng Viện trưởng Chân Không – Thường Chiếu – Trúc Lâm. Những ngày cuối sắp rời Phật Học Viện, Thầy đã nói với tôi: “Sau này, chú theo Thầy tu nghen”. Tôi cúi đầu và không ngờ câu nói ấy đã quyết định cuộc đời còn lại của mình.

                            Ở núi kết cỏ ở gành non

                            Mừng được rời thân khỏi lối mòn

                            Biết đủ là vui niềm an lạc

                            Thẹn thuồng quá phận khó chu toàn.

Tôi lớn lên hồi nào không hay. Lớn lên ở non cao. Vui về ẩn thân chốn núi rừng là tránh được chỗ đông đảo nhiều người, xa chốn đô thị. Thật hữu phước biết chừng nào! Mỗi sáng mỗi chiều huynh đệ chúng tôi đều theo chân Thầy lên núi xuống núi. Lượm củi, trồng rau, hái trái, tưới cây… Xong việc, Thầy trò cùng đọc sách, xem kinh, tụng niệm, tọa thiền. Không vui thú lắm sao!

Có những buổi chiều, Thầy dạy tôi dịch kinh rồi đọc lại cho Thầy nghe. Thầy sửa từng chữ từng câu, giảng trạch từng ý từng lời, khiến cho tôi mở sáng đôi mắt tuệ, phát minh được chỗ nhật dụng. Thầy âm thầm căn dặn: “Ai đi đâu thì đi, chú ở lại đây với Thầy. Ngoài 40 tuổi, Thầy mới cho chú xuống núi”.

Không phải tới bây giờ Thầy mới lo cho tôi, mà từ những năm tôi còn theo học ở Học Viện Huệ Nghiêm, Thầy cũng đã lo lắng như vậy. Tôi nhớ, hôm ấy sau giờ thọ trai, Thầy gọi tôi vào thất, dặn: “Kỳ tới học kinh Lăng Nghiêm, mấy chú chuẩn bị kinh trước, để khi học khỏi mất thì giờ viết bài”. Nhưng gần tới ngày học, tôi vẫn chưa tìm được bản kinh. Thầy lại hỏi: “Chú có kinh chưa ?” Tôi cúi xuống thưa: “Bạch Thầy con chưa có kinh”. Thầy liền mở tủ lấy bộ kinh còn gói trong giấy đưa cho tôi và nói: “Đây là bộ Lăng Nghiêm Chánh Mạch, bản xưa. Thầy cho chú”. Cầm bản kinh trên tay, lòng tôi chùn xuống, mọi ngôn từ khép lại.

Nhật Quang tôi suốt đời không sao nói hết ân đức của Thầy, người đã tái tạo lại sự sống cho tôi. Những mặc cảm dai dẳng, những buồn tủi ấu thời đến đây mới được trút xuống, trả lại cho tôi người con Phật thuở nào. Cho nên một giờ ở núi là một giờ xuân, một ngày ở núi là một ngày xuân, một đời ở núi là một đời xuân.

                        Ở núi mây trắng phủ hang sâu

                        Học đạo rõ tâm ấy bước đầu

                        Lớn ắt buông ra trùm pháp giới

                        Thu vào chẳng lọt mũi kim đâu.

Rừng núi hang sâu với mây phủ muôn đời vẫn là quê hương của sơn tăng, là hang động của đạo nhân vô tâm. Nhưng đấy cũng là một cách nói thôi. Còn có yêu cầu khác cấp thiết hơn nữa của người học đạo là phải “biết tâm”. Tâm ấy “diệu dụng như hằng sa, buông ra trùm khắp pháp giới, thu vào mũi kim không lọt qua”. Thế thì tâm là gì? Phải biết rằng thiên đường địa ngục cũng không ngoài nó mà ra.

Lớn thay! Tinh mật thay!

***

 Về Thường Chiếu.

Vâng lời Thầy dạy, tôi lại xuống núi về Thường Chiếu.

Bây giờ trở lại một gã tăng quê nơi thôn dã. Thường Chiếu khô khan, chai sạn với sỏi đá và nắng gió hanh hao. Quả thật nếu không có mấy năm ở núi, không được Thầy hun đúc nhuệ khí thiền tăng thì không biết chúng tôi có đảm đương nổi việc tu hành của mình tới ngày hôm nay chăng ? Nhờ có Thầy luôn ở bên cạnh khuyến tấn, tiếp sức cho chúng tôi, Thầy cùng khổ cùng vui, cùng đói cùng no với chư tăng, nên rồi tất cả đều có thể vượt qua cái “vạn sự khởi đầu nan”. Đồng sự để lợi sinh là thệ nguyện muôn đời của những người con Phật. Giai đoạn này trui luyện tinh thần cầu đạo và tiến đạo cho anh em chúng tôi thật hay. Có trải qua thử thách gian nan mới thấy rõ được lòng mình, lòng người.

Với Thanh Quy Bá Trượng, chúng tôi sống theo phương châm “một ngày không làm, một ngày không ăn”. Thầy luôn nhắc nhở huynh đệ chúng tôi phải từng phút từng giây thường soi chiếu lại mình, đừng hoang phí tuổi thanh xuân dong ruổi kiếm tìm nơi đâu. Quay lại và chấn chỉnh niềm kính tin nơi chính mình, súc tích công phu, an nhàn với nội tại. Nếu được qua cái nhìn hồn nhiên trực thị thì cuộc sống ngay bây giờ là an lạc, giải thoát.

Nắng sớm mưa chiều, ta cứ đứng nhìn cái hiện tiền. Trăng trong gió mát, ta cứ nhậm vận tùy duyên. Không lụy không phiền. Mỗi chúng ta hiện hữu như hư vô và tất cả. Am tranh gộp đá, suối rắt nhạc rừng, tô thành một lẽ sống thanh tao tiêu sái. Thiền tăng sống nơi chốn thôn dã, là nơi không bạn bè khách khứa, không ồn ào rộn ràng. Tuy nhiên rất hùng.

                       Mặc cho vầng quế tròn sang khuyết,

                      Ném quách cười vang bước rong chơi.

                      Và như thế, toàn cõi Thường Chiếu hiện bày.

***

Sau ngày về Thường Chiếu, tôi có đọc được bài thơ của Hòa thượng Phó Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật Học Huệ Nghiêm. Bài thơ Thầy viết không biết vào mùa nào, nhưng bất luận là mùa nào, tôi vẫn thấy trong ấy tràn đầy một sắc xuân ấm, một tiết xuân thanh, một cuộc đời phụng sự tăng chúng không biết mệt mỏi của Thầy. Té ra, vẫn có những con người đi trước luôn ngoảnh mặt nhìn lại những con người đi sau. Dấu chân nối tiếp những dấu chân. Bỗng dưng cái xuân sắc của thuở tôi còn là một học tăng tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm lại bừng bừng trổi dậy.

Kính bạch Thầy, con cung kính cúi đầu xin phép Thầy cho con được viết lại bài thơ của Thầy, thay cho lời xưng tán cúng dường:

                                                Học Viện Huệ Nghiêm

                            Huệ Nghiêm thể hiện bóng Lăng Già

                            Thắng cảnh tồn tâm pháp độ tha

                             Phún thủy ngư long bồi chúng đức

                             Trừng thần dã hạc dẹp quần ma

                             Thanh sơn chẳng ngại ngày mưa tuyết

                              Hải nguyệt đâu gì gió thoảng qua

                              Tôn trí kim thân An dưỡng địa

                              Huệ Nghiêm thể hiện bóng Lăng Già.

Trong bức thư viết ở Thường Chiếu, Nhật Quang con đã viết hầu Thầy:

Kính bạch Thầy, ba năm trước nhân chút việc của Thường Chiếu con về hầu thăm Thầy. Bao năm xa Thầy, xa trường, hôm nay được hầu chuyện với Thầy, trong con tự dưng cảnh xưa, người xưa chợt hiện về sinh động. Thầy vẫn như thuở nào, luôn luôn hoan hỷ với đàn con, dù đứa con đó đã phong trần, đã xa cách Thầy bạn và mái trường thân kính của nó từ lâu. Qua câu chuyện đạo lý và lời nhắc nhở tu hành của Thầy, con đã trình hỏi một vài điểm trong bài thi Thầy vừa độc tác, nhân dịp tôn trí kim thân Phật tổ, trong khuôn viên của viện. Thầy đã dạy rằng bài thơ này cụ thể hóa việc Phật sự của thầy ở đây. Đồng thời kích dương chư tôn học sĩ trong viện. Tựu trung chỗ nhắm của Thầy là mong mỏi ở chư tôn học sĩ, vừa mãn chương trình thụ huấn Cao đẳng Phật học của viện, nêu cao ngọn đuốc trí tuệ của thiền nhân và làm tròn sứ mệnh tiền nhân giao phó.

Nhật Quang con cung kính bái phục tinh thần cao cả, trách nhiệm lợi tha của các bậc Thầy đi trước. Các Ngài đã dầy công gầy dựng và kiên nhẫn duy trì thế hệ chúng con. Giờ đây đến lúc đàn con phải thể hiện ý chí và nhiệt huyết cho sự nghiệp duy trì hạt giống Phật tương lai.

Con kính mong Thầy tha thứ cho sự mạo muội của con, xin cho con được phép thi họa đôi dòng với khúc độc tác Học Viện Huệ Nghiêm:

                            Huệ Nghiêm núi báu chất Lăng Già

                            Báu tự không tâm chẳng tự tha

                            Khỉ chúa voi rồng đầy trong đó

                            Thánh tăng Bồ-tát hiện thăng tòa

                            Vô sanh đâu ngại ba đường khổ

                            Giải thoát sá gì sáu nẻo qua

                            Tự tại thân tâm An dưỡng địa

                            Huệ Nghiêm núi báu chất Lăng Già

Chỉ là một chút cảm khái chưa thấu đáo, nếu có chi trái phép cúi mong Thầy thương xót chỉ dạy cho.

***

Đã bao năm tháng tôi cố đi tìm một mùa xuân. Ở đâu? Chưa biết. Cứ đi tìm. Lang thang đó đây xuôi ngược, cuối cùng tôi mới nhận ra :

                        Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân

                        Mang hài đạp phá lãnh đầu vân

                        Qui lai khước phá mai hoa hạ

                       Xuân tại chi đầu dĩ thập phân

       Tạm dịch:

                        Suốt ngày tìm xuân chẳng thấy xuân

                        Đôi giày đạp nát núi mây ngần

                        Về lại ghé qua vườn mai ấy

                        Xuân ở đầu cành đủ mười phân.

Xuân đến thì trăm hoa đua nở, muôn vật tô lục chuốt hồng. Nhưng xuân của thiền tăng thì không như thế. Chẳng ở đầu non chẳng cuối ghềnh, chỉ ở trong tâm. Tâm xuân vượt qua mất còn, hoàn thành bất diệt, mặc cho trời đất bốn mùa thay đổi, vận thế ngửa nghiêng. Xuân là bất tận mênh mông, nên ở chỗ nào mà chẳng có mùa xuân.

Tuy nhiên, phải là kẻ đã buông lại buông mới có thể dự được chút phần. Còn thì, người đầy mộng mơ chưa thể thấy được gì ở nơi đây. Hãy thong thả đi, nhìn dưới gót chân mà đi. Khéo, khéo! Kẻo té.  

Tôi còn muốn viết thêm nữa, nhưng mà biết làm sao hơn …

     … Túy khách chừ say khước xuân mộng,

         Cuồng nhân chừ điên đảo tuyệt vời.

Chao ôi !

[ Quay lại ]