headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TINH THẦN TỰ DO TRONG ĐẠO PHẬT

Hôm nay chúng tôi đủ duyên qua đây, trước hết là thăm chư Tăng Ni cùng toàn thể quí Phật tử. Sau đó theo lời yêu cầu của quí vị, tôi có một thời pháp ngắn đề tài là Tinh thần tự do của đạo Phật.

Khi nói tới tinh thần tự do của đạo Phật là nói tới mục đích cứu kính giải thoát. Tự do là nhân, giải thoát là quả. Từ nhân tự do đưa đến quả giải thoát. Bởi vậy người tu theo Phật phải thấm nhuần ý nghĩa tự do này.

Có thế mới thực hiện được mục đích giải thoát tối hậu, vì cái nhân là yếu tố quyết định nhất để đưa đến cái quả. Tăng Ni cũng như Phật tử đều biết nói đến tu Phật là nói đến đạo giải thoát. Nhưng nếu chúng ta chỉ biết quả giải thoát, mà không biết nhân nào để đưa tới quả giải thoát đó thì làm sao tu giải thoát được.

Muốn giải thoát sanh tử, trước hết chúng ta phải biết tinh thần tự do Phật dạy như thế nào. Ứng dụng được tinh thần tự do đó vào đời sống tu hành, ta mới có thể thu nhặt được kết quả tốt đẹp. Tinh thần tự do của đạo Phật khác hơn tự do ở thế gian. Tự do của thế gian là ta đòi tự do với người khác, còn tự do trong đạo Phật là tự do nơi chính mình, tự do của nội tâm, chớ không phải tự do ở ngoại cảnh.

Trên đường tu muốn thành đạt kết quả tốt đẹp, chúng ta phải biết tạo nhân tự do để đưa tới kết quả xứng đáng. Nhân tự do đó từ sự tu tập, không phải bỗng dưng mà có. Đó là điều quan trọng, chúng ta cần phải biết. Tất cả vui khổ trên thế gian này không phải bỗng dưng nó đến, đều do chúng ta tạo lập hoặc tu tập mà được. Vì vậy đạo Phật nói những khổ vui ấy không phải do áp lực của một đấng nào đặt ra cho ta, mà tự mình gây tạo lấy. Chính chúng ta là chủ nhân chọn vui hay chọn khổ.

Quí Phật tử ai cũng muốn vui, không ưa khổ. Như vậy chúng ta phải làm sao để được vui? Trong kinh, Phật thường nhắc câu “Ta không có quyền ban vui hoặc giáng khổ cho ai hết”. Rõ ràng cái vui khổ là do chúng sanh tự tạo. Tạo nhân vui thì được quả vui, tạo nhân khổ thì chuốt quả khổ. Nhưng lâu nay chúng ta hay đổ thừa, một là đổ thừa trời, hai là đổ thừa số mạng. Tại trời khiến cho tôi khổ nên gặp việc gì khổ cũng kêu trời. Nếu không do trời đặt định thì số mạng đặt định. Cái số của tôi khổ hay cái số của tôi vui. Đó là hai ý niệm không đúng lẽ thật.

Trong nhà Phật nói khổ vui không phải từ đâu đến, mà do tự chúng ta gây tạo nên. Điều này mới nghe quí vị thấy như khó hiểu nhưng lẽ thực là vậy. Ví dụ như có Phật tử gặp hoàn cảnh trái ngược liền bực bội than thở trách cứ. Làm như vậy có hết khổ không hay chỉ thêm khổ thôi. Ngược lại nếu Phật tử gặp khổ liền biết rõ khổ này không phải do ai đem đến mà do ta không khéo tu. Bởi thế bây giờ phải chịu khổ. Nghĩ như vậy thì không trách hờn ai, chỉ tự trách mình. Do đó không oán xã hội, không hờn người thân và mọi người chung quanh. Hiểu như vậy tự nhiên lòng mình bớt oán hờn, bớt thù hận.

Như bây giờ Phật tử gặp người hoạn nạn khó khổ trăm bề, ta tùy theo khả năng của mình, tìm cách giúp họ qua cơn khổ. Khi khổ họ khóc, bây giờ qua cơn khổ họ vui cười. Đó là ta tạo nhân tốt hay nhân xấu? Giúp cho người vui, qua cơn khổ thì họ thương mình. Đó là ta tạo một nhân tốt, nên được quả tốt là người quí mến. Nếu một xóm một làng có mười người, hai mươi người khổ, ta đều giúp như vậy thì xóm làng đó đối với mình tốt hay xấu? Rất tốt, đó là do mình đã gieo nhân tốt. Ngược lại nếu trong xóm làng, ai ta cũng gây gổ hết thì họ thương hay ghét mình? Rất ghét. Rõ ràng khổ vui đó không phải do trời định, mà do ta ứng xử với mọi người tốt hay xấu thôi.

Phật nói lẽ thật, chớ không đổ thừa viển vông. Nếu chúng ta muốn đời mình an vui, gặp những điều tốt thì phải sẵn sàng giúp đở những kẻ đau khổ buồn phiền cho họ bớt khổ, được vui. Như vậy đời mình nhất định sẽ được vui. Nhiều người nói mình có của giúp hết rồi, còn tiền nữa đâu mà vui? Quí vị nên nhớ người tốt bụng giúp kẻ này người kia, mới thấy như thiệt thòi nhưng thật ra họ lại có nhiều người khác sẵn sàng giúp trở lại, chớ không mất mát đi đâu. Cho nên đừng sợ vì tốt bụng mà nghèo đói. Chỉ những kẻ ích kỷ hẹp hòi mới nghèo khổ hoài, vì ai cũng ghét hết, nên đâu có giúp họ.

Cuộc đời chúng ta đâu phải lúc nào cũng gặp cơ hội tốt. Nếu có phương tiện ta nên tranh thủ giúp người khác, để khi mình gặp hoạn nạn, người ta giúp trở lại. Còn khi đủ điều kiện mình không giúp đỡ ai hết, đến lúc gặp hoàn cảnh xấu ai cũng ngó lơ. Đó là vì ta không biết chọn con đường tốt. Đường tốt hay đường xấu đều do mình quyết định cả. Quí vị muốn đi con đường nào? Con đường hạnh phúc nhất là con đường đem đến cho mình an vui. Muốn thế ta phải ráng đem niềm vui đến cho mọi người chung quanh. Ngược lại, nếu ta đem đau khổ đến cho người cũng có nghĩa là ta đem đau khổ đến cho mình. Lẽ công bằng như vậy.

Phật tử cứ nghĩ tu là lên chùa tụng kinh. Lúc nào nghèo tụng kinh Pháp Hoa cho có tiền. Như vậy tụng kinh chỉ để cầu xin Phật ban cho mình được vui vẻ, giàu sang, hạnh phúc. Do đó Phật đã tuyên bố hẳn hoi rằng Ngài không có quyền ban ơn giáng họa cho ai cả. Rõ ràng chúng ta là đệ tử Phật mà làm trái lại những gì Ngài đã dạy.

Vì thế tôi muốn nhắc lại cho tất cả thấy chúng ta tu là tu trên ba nghiệp: ý niệm, hành động, lời nói. Nếu muốn mọi điều tốt lành đến với mình thì ý niệm, hành động, lời nói của chúng ta phải tốt với mọi người. Nếu ý niệm, hành động, lời nói đối với mọi người xấu thì đừng mong quả tốt đến với mình. Đó là một lẽ thật.

Có nhiều vị thắc mắc mình đối xử tốt với người khác mà thỉnh thoảng họ lại bất nghĩa với mình? Điều này cũng có xảy ra trong đời sống nhưng không nhiều lắm. Con người thường có bệnh ai xử xấu với mình thì nhớ đời, ai xử tốt với mình lại mau quên. Bởi vậy nên thấy người xấu nhiều, người tốt ít. Nhưng nếu như có người xử xấu với mình ta phải nghĩ sao? Tôi từng nói nếu ta tốt với người mà họ xử xấu với mình, ta đừng vội giận. Đó là vì nhân tốt của mình chưa đủ, chưa thật tốt nên người ta mới xấu với mình, chớ không phải họ không biết ơn, không biết nghĩa.

Ví như trước kia ta gây oán hờn với người nào đó một trăm phần. Bây giờ biết tu không gây oán hờn nữa, ăn ở hiền lành cho tốt. Nghĩ vậy ta xử sự tốt với họ. Nhưng ngày xưa do mình xấu với người ta một trăm phần trăm, bây giờ mới tốt có năm chục phần trăm, chưa đủ sức bù đắp với nhân xấu trước. Vì thế họ vẫn không tốt với mình. Thấy thế ta nổi giận, tại sao tôi tốt rồi mà chưa tốt lại với tôi? Tại cái tốt của tôi chưa đủ để họ hết giận. Bây giờ phải ráng tốt hơn nữa, tốt tới chừng nào đủ xóa hết nhân xấu trước thì họ hết giận. Đừng nghĩ người đó là kẻ phản bội, bởi trước mình làm họ giận một trăm phần, bây giờ mới tốt có năm chục phần, làm sao người ta hết giận được?

Chúng ta cũng thế, nếu trước kia ai xử sự với mình xấu một trăm phần trăm, bây giờ họ mới sửa đổi, mới hiền lành với mình phần nào thôi, chưa đủ khỏa lấp sự bực bội trước, làm sao ta hết giận được? Chừng nào thấy người đó quả thật tốt bụng, quả thật hiền lành mình mới hết giận. Đó là lẽ đương nhiên thôi. Nên chúng ta xử tốt với ai, mà họ chưa tốt lại với mình thì biết rằng đó là vì trước kia ta đã làm khổ họ nhiều, bây giờ phải đền trả lại. Chúng ta chỉ thấy hiện tại mà đâu biết quá khứ. Nếu biết rõ quá khứ thì việc hiện tại sẽ dễ chấp nhận ngay.

Như trên đã nói chúng ta có quyền chọn cho mình con đường tốt hay con đường xấu. Ở đây không ai muốn đi đường xấu hết, như vậy ta phải làm cho mọi người an vui, nhà Phật gọi đó là ban vui tức lòng từ. Đừng gây khổ đau cho nhau nữa, nhà Phật gọi đây là cứu khổ tức lòng bi. Gom chung cả hai tâm hạnh trên, gọi là tâm từ bi. Nếu không hiểu như vậy, lại cho rằng người ta ghét mình quá, thôi ta tụng kinh cầu Phật gia bị cho thiên hạ đừng ghét nữa. Tu như vậy có kết quả không? Tụng kinh mà gặp thiên hạ vẫn nói lời hung dữ, hành động thô xấu, ý niệm bất chánh thì càng làm cho người ta ghét thêm. Chúng ta không can đảm, không gan dạ nhìn sự thật, cứ né tránh, rồi đi cầu cứu chỗ này chỗ kia, không chịu ứng dụng tu hành.

Nếu khổ vui do tự mình chọn lựa thì chúng ta có tự do không? Quá chừng tự do. Tự do chọn khổ, tự do chọn vui. Đã do mình chọn thì ta phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự chọn lựa ấy. Khi gặp khổ ráng chịu, gặp vui cũng không nghĩ may, nghĩ rủi, vì tất cả đều do ta tạo mà. Phật tử thường gặp việc tốt là may, gặp việc xấu là rủi. Nhưng hỏi may rủi từ đâu ra thì không biết. Nghĩ như vậy là phó thác cuộc sống này cho cái gì mình cũng không biết nữa.

Phật chỉ cho chúng ta thấy mình có quyền lựa chọn tốt xấu, tức Ngài muốn chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình. Không đổ thừa, không trốn tránh trách nhiệm. Người biết rõ như thế là người có sức mạnh. Có hiểu đạo ta mới đủ khả năng, đủ sức mạnh sắp đặt cuộc đời mình, nếu không ta cứ cắm đầu ký thác gởi gắm đời mình cho ai cũng không biết. Thật nguy hiểm. Đó là tôi nói bước tự do thứ nhất.

Đến tự do thứ hai. Đạo Phật nói chúng ta muốn đi đâu thì tự chọn xe mà đi. Đi xa thì chọn xe chạy xa, đi gần thì chọn xe chạy gần. Tùy nhu cầu của mình mà chọn lựa. Trong nhà Phật có chia ra Ngũ thừa Phật giáo: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ-tát thừa. Thừa là cỗ xe, Ngũ thừa là năm cỗ xe. Trong năm cỗ xe đó chúng ta ưng chiếc nào thì chọn chiếc đó, Phật không bắt buộc. Ví dụ người nào muốn đời này làm người được an vui hạnh phúc, đời sau trở lại làm người được an vui hạnh phúc hơn nữa thì chọn cỗ xe Nhân thừa Phật giáo, tức là qui y Tam bảo, giữ gìn năm giới, bảo đảm hiện tại tốt, đời sau trở lại làm người tốt hơn.

Ai muốn đời sau tiến hơn đời này, được sanh vào cõi trời thì tu Thiên thừa Phật giáo. Giáo lý này dạy tu Thập thiện tức mười điều lành. Ngoài năm giới ra, quí vị tu thêm mấy điều lành thuộc về thân, miệng, ý. Khi nhắm mắt sẽ được sanh lên các cõi trời cao đẹp hơn cõi người.

Người muốn đời này hay đời sau chứng quả Thanh văn thì phải bước vào hàng ngũ xuất gia như quí thầy quí cô, thọ giới Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo Ni. Giữ giới nghiêm chỉnh, thường hành thiền định để phát sinh trí tuệ, chứng quả A-la-hán, đó gọi là Thanh văn thừa.

Ai muốn tu Duyên giác thừa thì lấy mười hai nhân duyên làm pháp quán căn bản. Ứng dụng quán chiếu cho đúng sẽ chứng được Duyên giác thừa, còn gọi là Bích chi Phật. Vị này do tu hành được giác ngộ nhưng chỉ mới xong trên phần tự lợi thôi.

Ai muốn tu hạnh Bồ-tát cứu giúp mọi người, thương yêu muôn loài, Phật dạy tu pháp Lục độ: bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ. Thành tựu sáu pháp này một cách rốt ráo là hàng Đại Bồ-tát, thực hành hạnh tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

Trong năm cỗ xe đó, Phật không bắt chúng ta phải đi cỗ này, không được đi cỗ kia. Tùy chúng ta lựa chọn. Trong mấy cỗ xe này, quí vị chọn cỗ nào? Chắc xe số một. Phật tử thường thích làm sao đời này tốt đẹp, đời sau sanh ra được tốt đẹp hơn nữa. Bao nhiêu đó đủ rồi, không dám mong gì cao hơn. Như vậy cũng tốt. Muốn thế quí vị phải giữ năm giới: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu hay hút á phiện, xì ke, ma túy.

Trong năm giới này, nếu người không sát sanh thì đời này khỏi tù tội, đời sau sanh ra được sống lâu ít bệnh hoạn. Người không trộm cướp, đời này khỏi sợ tù tội đời sau sanh ra lại có của cải giàu sang, không ai cướp giựt được. Người không tà dâm đời này gia đình đầm ấm vui tươi hạnh phúc, đời sau sanh ra đoan chánh trang nghiêm. Người không nói dối đời này được mọi người tin quí, đời sau sanh ra nói năng lưu loát ai cũng kính tin. Người không uống rượu, hút á phiện, xì ke, ma túy, đời này không khổ đời sau sanh ra trí tuệ sáng suốt, tinh thần minh mẫn.

Trong năm điều tốt đẹp ở mai sau này, quí vị có muốn thiếu cái nào không? Chắc là không. Có ai muốn chết yểu không? Không. Có ai muốn nghèo khổ không? Không. Có ai muốn xấu xí không? Không. Có ai muốn nói ngọng nói lịu, nói ra chẳng ai nghe không? Không. Có ai muốn ngu tối đần độn không? Không. Như vậy cả năm giới là điều kiện đầy đủ tốt đẹp cho cuộc sống hiện tại và cả mai sau.

Năm giới này giữ dễ hay khó? Thật tình không khó, nhưng người thế gian ít ai giữ đủ. Đây là điều đáng buồn. Chúng ta thấy thế gian, người có tật này người có tật kia, đó là vì giữ không tròn năm giới. Thiếu một giới nào thì trở lại làm người sẽ bị khuyết tật thuộc về giới đó, không được toàn vẹn. Muốn bảo đảm đời này, đời sau được an lành thì chúng ta phải giữ trọn vẹn năm giới. Đó là quyền của mình, chớ đâu có ai đặt định cho ta. Đức Phật đã chỉ quá rõ, tùy chúng ta chọn lựa thôi.

Như vậy đạo Phật có tôn trọng tự do không? Rất tôn trọng. Phật không can thiệp vào cuộc đời của ai cả, Ngài chỉ nói cho chúng ta biết thôi. Đó là bổn phận của người hướng đạo chân thật, ngay thẳng. Đạo Phật không bao giờ áp đặt điều gì cho bất cứ một ai hết. Thế Tôn chỉ vạch ra, tùy chúng sanh chọn lựa lấy. Nếu ta không khéo, chọn cái xấu thì cam tâm chịu, chớ đừng trách Phật, trách trời, trách số mạng gì hết. Đó là bước tự do thứ hai.

Đến tự do thứ ba. Phần này thuộc về nội tâm của chúng ta. Tôi xin hỏi tất cả quí Phật tử đối với tham sân si, quí vị thấy nó tốt hay xấu? Ba thứ này là ba thứ xấu, Phật gọi là tam độc. Đã là ba thứ độc mà còn chứa chấp nó thì vô lý quá. Hơn nữa khi chứa chấp nuôi dưỡng nó, ta phải chịu nhiều đau khổ. Vậy tại sao không đuổi nó ra gấp, chứa chấp làm gì? Đó là quí vị tự muốn khổ thôi.

Bởi vậy đức Phật dạy các thầy Tỳ-kheo: Trong nhà của các ông có ba con rắn độc đang ở, vậy các ông ngủ có ngon không? Ngủ không ngon. Nằm hồi hộp không biết lúc nào nó cắn mình. Bây giờ muốn ngủ ngon phải làm sao? Phải thức dậy đuổi ba con rắn ấy chạy ra ngoài. Cũng vậy, chúng ta biết ba thứ độc tham, sân, si còn ở trong tâm thì mình luôn bị hiểm nguy không thể lường trước được. Đã biết thế chúng ta phải gấp rút tống cổ nó ra ngoài, không chút tiếc nuối. Đằng này ngược lại mình không nỡ tống cổ nó. Muốn thì muốn sướng mà chứa thì chứa khổ. Có mâu thuẫn chưa?

Quí Phật tử thấy như con rắn sân nằm ở trong tâm mình, tai nạn xảy đến khó lường trước được. Đang đi đường bình yên, ai lỡ đụng mình một cái nổi sân lên chửi mắng người ta, người kia bị mắng cũng nổi sân mắng lại. Mắng chửi một hồi cơn sân càng bốc cháy dữ dội, thế là nhào vô đánh lộn, cấu xé… dẫn tới thương tích hay tù tội. Đó, con rắn sân ở trong nhà thì tai nạn không thể lường trước được. Rắn tham rắn si cũng vậy.

Cho nên người tu Phật phải sạch hết ba thứ độc. Nếu chưa sạch nổi ít nhất cũng phải giảm bớt. Lưu ý quí vị xuất gia cũng còn bị ba con rắn này lẻn bò vào nhà, đừng nói chi đến Phật tử. Cho nên tất cả đều phải cẩn thận dè dặt trông chừng, ngăn đón, ruồng đuổi nó. Chúng ta tự do xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho mình, cũng tự do tạo một kiếp sống khổ đau cho mình.

Thật ra chúng ta tự do với bên ngoài dễ, nhưng tự do với nội tâm rất khó. Như ta đâu muốn nóng giận, đâu muốn nói bậy cũng không muốn làm việc xấu. Nhưng khi nổi giận lên rồi thì bắt nói bậy, bắt làm xấu. Chú sân bắt sao ta làm vậy, không cưỡng lại nổi. Lúc đó tự mình cũng thấy bực bội, rõ ràng là mất tự do quá rồi. Cho nên Phật dạy phải đuổi cho được rắn tham, rắn sân, rắn si ra thì mình mới tự do, mới an vui. Còn chứa nó là còn đau khổ, còn mất tự do.

Chúng ta luôn đòi tự do mà gốc tự do thì không biết. Giận cứ để giận, buồn cứ để buồn, đôi khi còn bảo vệ nó nữa. Đang nổi giận, ai nhắc “sao anh hay giận quá”, liền bào chữa “tánh tôi vậy đó”. Đã nghĩ “tánh tôi” thì còn đuổi gì được nữa, bởi cho giận là cái tự nhiên của tôi rồi, không thể sửa được. Nhưng giận có phải tánh tự nhiên của mình không? Nếu người bằng hoặc thấp hơn mình, làm điều gì trái ý ta liền nổi sân. Nhưng với người lớn hơn, có quyền thế hơn, họ làm trái ý mình, ta dám vỗ bàn hét với họ không? Rõ ràng đâu phải tánh, mà là coi mặt nổi sân. Chẳng qua do sự cố chấp mà sanh ra các thứ tham sân, phiền não thôi. Nếu chúng ta khéo tu, khéo chuyển đổi nó sẽ giảm, chớ đừng nói tánh. Nói tánh là hết tu.

Nơi tâm mình có tham, có sân, có si chúng ta biết rõ để hạn chế chúng. Từ 100%, tu một năm còn 90%, tu hai năm còn 80%, sau đó mười năm hai mươi năm, nó giảm xuống lần lần đến ngó thấy, đó là chúng ta tu tiến. Ngược lại nếu người hồi chưa tu tham sân si 100%, tu được mười năm lên 120%, đó là tu xuống địa ngục chớ không phải tu lên Cực Lạc hay nhập Niết-bàn. Cho nên nói tới tu là nói tới sự chuyển biến. Chuyển biến bằng cách bỏ bớt những tập khí xấu, những khổ đau để được an vui. Đừng nghĩ tụng kinh niệm Phật nhiều là tu, trong khi thói xấu không chừa, thì Phật khó rước về Cực Lạc lắm.

Cho nên người thật tu phải biết gốc đừng theo ngọn. Gốc là nhân, ngọn là quả. Gốc xấu ác phải ngừa, phải tránh, phải bỏ thì quả an lạc sẽ đến với mình. Cực lạc là vui tột, mà muốn được vui tột thì tất cả nhân khổ đau phải dẹp hết mới được. Chúng ta càng tu càng cố gắng vượt ra những nhân xấu xa, những nhân đau khổ mới gọi là người biết tu, thật tu. Nếu không như vậy chưa thể gọi là người biết tu, thật tu. Tu là cốt dẹp tham sân si mà ta còn bảo vệ nó, có phải giả dối không? Bởi vậy người thật tu phải nhìn cho sâu, thấy cho kỹ để không bị lầm lẫn vì sự tự dối của chính mình.

Một khi tham sân si chứa chấp trong lòng nhiều quá chúng ta không có tự do. Bây giờ muốn tự do thì phải loại nó ra. Tự do đó mới là thứ thật. Còn đòi tự do ở ngoài không phải thật. Được cái này đòi cái kia, đòi hoài không biết đâu là cùng. Trong khi chính mình đang mất tự do vì tham sân si chi phối, mà không đòi lại sự tự do cho mình.

Trong nhà Phật có pháp mười hai nhân duyên. Nhân duyên đầu là vô minh. Từ vô minh có hành, hành tức có nghiệp, rồi nghiệp dẫn thức đi thọ sanh v.v... Như vậy gốc trầm luân sanh tử là vô minh. Nhưng vô minh là gì? Có nhiều lối giải thích khác nhau. Trong các kinh A-hàm, Phật dạy không biết Tứ đế như thật là vô minh. Rồi còn chỗ khác Phật giải cái gì là vô minh. Trong kinh Viên Giác Phật giải thích vô minh, tôi thấy rất thấm thía. Có một vị Bồ-tát hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn, thế nào là vô minh?” Đức Phật trả lời: “Thấy thân này thật, tâm suy nghĩ thật là vô minh”. Đơn giản làm sao!

Chúng ta nhìn lại mình có vô minh không? Trăm người như một, đều có hết phải không? Ai cũng thấy thân này thật, những suy nghĩ là tâm mình thật. Chấp thân thật, chấp tâm suy nghĩ thật, đó là vô minh. Tại sao? Bởi vì nếu thân này thật mình thì ta phải có quyền điều khiển toàn bộ, vì nó là mình. Nhưng trên thực tế ta có quyền điều khiển nó không? Biết bao thứ mình không muốn xảy ra mà nó cứ xảy ra, mình không muốn bệnh hoạn mà nó cứ bệnh hoạn. Rõ ràng ta không có quyền làm chủ nó. Đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai, Phật dạy thân này do tứ đại hòa hợp thành. Chất cứng trong người là đất, chất ướt là nước, chất động là gió, chất ấm là lửa. Bốn thứ này là bốn thứ vật chất căn bản để tạo thành thân người. Đất nước gió lửa là tri giác hay vô tri? Nó là vô tri. Bốn thứ vô tri hợp lại thành thân mình, chẳng lẽ mình là vô tri? Thế nên nói thân này là mình không được.

Nói vô tri không phải mình, sẽ có người bảo vậy cái suy nghĩ hữu tri đó là mình rồi. Hiểu như thế không đúng. Những nghĩ suy tính toán tuy có tri giác, nhưng nó đủ thứ. Khi ta nghĩ hiền lành như Phật, Bồ-tát; nhưng cũng có khi ta nghĩ dữ ác như cọp sói. Nếu nghĩ hiền lành là mình thì không có nghĩ dữ ác. Nếu nghĩ dữ ác là mình thì không có nghĩ hiền lành. Thế thì mình là cái nào? Nếu cái nào cũng mình hết thì nhiều thứ quá, chẳng lẽ mình tạp nhạp như thế? Đó là một ý nghĩa thứ nhất.

Ý nghĩa thứ hai, khi quí vị đang khởi tính toán gì đó, bất thần nhìn lại xem cái tính toán ấy từ đâu ra? Nó liền mất tiêu tìm không thấy. Như vậy nó chợt có chợt không, chợt sanh chợt diệt, làm sao thật mình được? Chúng ta từ lúc cha mẹ sanh cho tới trăm tuổi, mình là mình. Không phải khi có khi không. Nếu nghĩ suy đó là thật mình thì nó phải hằng hữu, phút giây nào cũng thường có. Đằng này nó khi có khi không, làm sao thật mình được?

Thân tứ đại vô tri mà nói là mình đó là vô minh. Tâm suy nghĩ lăng xăng chợt có chợt không, đủ thứ tốt xấu phải quấy, nói là mình cũng vô minh. Do lầm chấp ta như thế nên lúc nào cũng muốn ta hơn, muốn ta được khen, muốn ta là quí v.v... Từ đó bao nhiêu thứ tham lam phát sinh. Tham được thì vui, tham không được liền nổi sân lên. Nói tham sân si, nhưng thật ra si là gốc rồi mới tới tham, sân.

Bởi thế Phật dạy phải lấy trí tuệ sáng suốt diệt trừ vô minh. Muốn vô minh hết chúng ta phải sáng, phải giác ngộ. Muốn được sáng, được giác ngộ, ta phải hằng dùng trí tuệ quán sát, chiếu soi xem cái gì thật là mình. Tìm cho ra cái thật đó mới hết vô minh. Nếu chưa tìm ra được mà ôm ấp thân này, tâm suy nghĩ lăng xăng này cho là mình thật thì còn vô minh mãi mãi. Vô minh còn thì không bao giờ thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử. Đó là mất tự do.

Bây giờ muốn tự do phải thoát khỏi vòng luân hồi. Muốn thoát khỏi luân hồi phải dùng minh để phá vô minh, tức là dùng sáng để trừ tối. Như ban đêm không đèn, trong nhà có bàn ghế đủ thứ hết, nếu chúng ta đi tới đi lui trong đó thì sẽ va vấp, đụng cái này cái kia, té ngã liên miên. Tại sao vấp té? Vì không thấy đường. Bây giờ muốn cho khỏi vấp, khỏi té thì mở đèn lên. Rất là đơn giản. Cũng thế, muốn hết khổ trong đêm tối vô minh, luân hồi, chúng ta phải dùng đèn trí tuệ, giác ngộ để trừ nó. Đó là trọng tâm, là chủ yếu của đạo Phật.

Người tu theo Phật mà không thấy được lẽ thật đó thì suốt kiếp vẫn trầm luân sanh tử. Chỉ khi nào tỉnh sáng, giác ngộ ta mới tự do tự tại đi lại trong vòng trầm luân sanh tử ấy, không còn bị nó lôi kéo nữa. Tự do tự tại trong sanh tử gọi là giải thoát sanh tử. Giải thoát đó là quả do tu diệt nhân tham sân si. Thế nên muốn được quả tự do cùng tột cứu kính, chúng ta phải cố gắng dẹp bỏ những nhân làm cho mình mờ mịt u tối, bằng không chúng ta cứ quẩn quanh trong đêm dài sanh tử.

Người tu Phật là người rất chuộng tự do, rất mong muốn tự do. Sự tự do ấy đòi hỏi ở chính mình, phải chận đứng những nhân làm mất tự do. Tu Phật là như vậy. Quí Phật tử ít chịu thấy lẽ thật lắm. Thân mình đã không thật mà cứ nghĩ đẹp quí, sống dai nên ai nói xấu mình nổi giận liền. Vì chấp thân nên bao nhiêu thứ phiền não vây quanh. Trên thế gian này có ai được mọi việc như ý đâu, nên ai cũng bị chê, bị trách. Rồi ai cũng bị bệnh, bị già, bị chết nên ai cũng khổ hết. Bây giờ muốn được vui thì phải dẹp hết nhân khổ ấy đi.

Đạo Phật nói khổ không có nghĩa là để mình chịu khổ, mà nói khổ để mình được vui. Ai cũng khao khát tự do, nhưng sự tự do đó phải quay lại mình mà tìm, đừng trông cậy bên ngoài. Cầu xin trông cậy bên ngoài là lệ thuộc, chớ không phải tự do. Giả sử Phật nói “Ta có thể ban ơn xuống họa cho các ngươi”, rồi chúng ta cứ cầu Phật. Ngày nào cũng hướng về Ngài van xin đủ điều. Rõ ràng như thế là lệ thuộc, là mất tự do.

Khi biết khổ vui, tất cả đều gốc ở mình thì ta dẹp nhân khổ, tạo nhân vui. Đó là tự do, hoàn toàn tự do không lệ thuộc vào ai cả. Bởi vậy tôi hay nói người tu dù là tu thiền mà cứ trông ơn trên giúp mình, đó là đòi mất tự do. Vì lệ thuộc ở đâu cũng mất tự do hết. Tu như vậy là đúng với đạo Phật không? Không đúng. Cho nên hiểu được ý nghĩa này, quí vị có thể đoán định được cái gì tà, cái gì chánh. Chánh là lẽ thật, tà là không có lẽ thật.

Bây giờ chúng ta khẳng định, là đệ tử Phật thì phải tu sao cho được tự do, được giải thoát. Đó là con đường mình phải đi. Phật tử can đảm hứa chắc như vậy mới thực là Phật tử. Mong tất cả xứng đáng là những người con của Phật, của đấng giác ngộ, đời đời không còn si mê nữa.

[ Quay lại ]