headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 12/10/2024 - Ngày 10 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CHƠN KHÔNG VỚI TÔI THỜI NIÊN THIẾU

nisuhanhbinhNS. Thích Nữ Hạnh Bình

Ánh nắng và sức nóng oi bức của mùa hè gợi nhắc cho tôi nhớ lại, ngày đầu tiên lên Chơn Không thăm ông cách đây đã bốn mươi năm… Ôi! Thời gian! Thời gian đã mang theo ngọn lửa vô thường đốt cháy dần dần tuổi xuân và nét đẹp tươi thắm của ngày nào. Hôm nay, trong gian thất của Hòa thượng, Thầy vẫn còn đó, chúng tôi vẫn còn đây, nhưng đâu đó đã thấy thấp thoáng ẩn hiện bóng dáng của Vô Thường. Thầy, ngày nào ở Chơn Không, uy nghi lẫm liệt, nay đã già yếu hao mòn. Tất cả chúng con ngày nào mạnh mẽ trẻ trung, ngày nay bước đi đã chậm không còn lanh lẹ như xưa…Tuy vậy, trong đôi mắt của mỗi người vẫn còn sáng rực niềm tin của thuở nào…

Trần gian vốn là mộng

Thực hư cũng là mộng

Say mộng hay tỉnh mộng

Vẫn là mộng mà thôi.

Chơn Không với tôi thời niên thiếu…

Năm 1972… Ngày ấy tôi còn rất trẻ, tuổi mười lăm, mười sáu là tuổi tràn đầy sức sống, là học sinh sống giữa thành phố trong sự ồn ào náo nhiệt của đô thành, tôi không nghĩ gì đến tôn giáo, cho đến một hôm, đi học về tôi  thấy trong nhà tôi có một vị tu sĩ, mặc áo tràng nâu, đang ngồi chơi với ông nội, sau đó tôi mới được biết Người chính là Bác ruột của tôi.

Lâu lâu, bác ghé qua nhà tôi thăm ông nội, bác dạy nội niệm Phật tụng kinh. Thế là từ đó vào mỗi buổi chiều, đúng sáu giờ ông tụng kinh và bắt chúng tôi tụng theo. Tôi đến với đạo Phật từ thuở ấy.

Có một dạo, ông nội tôi bệnh rất nặng (bác tôi lúc này, nội dạy chúng tôi phải gọi là Thầy) Thầy đang tu trên núi, nghe tin liền cho xe về nhà tôi rước ông lên núi để Thầy tiện việc chăm sóc. Khi lên xe về núi, nội quay lại dặn chúng tôi: “Nghỉ hè tụi con lên Chơn Không thăm nội”. Ba tôi phải hứa chắc chắn với ông là hè đến, sẽ cho chúng tôi về núi thăm ông…Ông mới vui vẻ theo Thầy về núi.

Như lời đã hứa, khi được nghỉ hè, ba cho chúng tôi ra Vũng Tàu thăm ông. Nghe ba nói, ngọn núi nội ở có đài Ka Đa…chúng tôi không biết đài Ka Đa là gì? Khi đến Vũng Tàu chỉ biết hướng mắt lên những ngọn núi tìm đài Ka Đa. Cuối cùng xe cũng đưa chúng tôi đến chân núi. Thật không thể tưởng tượng được, trước mắt chúng tôi là một cái nghĩa địa thật to với nhiều cậy Thánh giá, người địa phương gọi là “Đất Thánh” giữa Đất Thánh có một con đường nhỏ dẫn lên núi (tâm trạng tôi lúc bấy giờ thật ngây thơ và hồn nhiên, đâu biết gì đến sự chết chóc tang thương, khi đối diện với khung cảnh hiện thực ấy… Tâm hồn tôi xao động thật nhiều).

Am đầu tiên chúng tôi xin tạm trú một tuần đó là “Dương Chi Am”. Mãi đến bây giờ (đã hơn bốn mươi năm) tôi vẫn nhớ vị Ni Trưởng thật hiền và dễ thương, lúc ấy chúng tôi gọi là “Sư cô Thị giả”. Mỗi sáng chúng tôi theo sư cô đem thức ăn sáng cho Thầy và cho nội, và ở lại chơi với nội suốt cả buổi sáng, đọc truyện cho nội nghe, kể chuyện cho nội cười. Ông nội thương chúng tôi lắm vì ông chỉ có hai người con trai là bác tôi và ba tôi, khi bác đi tu ông sống với gia đình chúng tôi…

 Nhân duyên ở chơi với ông một tuần tại Tu viện Chơn Không chúng tôi mới biết mỗi sáng, sau khi ăn sáng xong, Thầy qua thất của nội ở gần bên thất Thầy hỏi thăm sức khỏe của ông và tự tay thu dọn giường chiếu, đổ ống nhổ, đổ bô nước tiểu, xịt phòng, rồi tắm cho ông và dẫn ông đi tắm nắng. Có hôm Thầy ngồi cắt cho ông từng cái móng tay móng chân…

Sư cô thị giả chỉ có một việc là lo thức ăn cho ông nội.

Thầy dạy chúng tôi “Tụi con phải lấy chữ Hiếu làm đầu, đối với ông bà cha mẹ phải luôn luôn hiếu thuận”. Việc làm của Thầy và lời dạy của Thầy đã gây ấn tượng thật mạnh trong tâm hồn non trẻ của chúng tôi lúc bấy giờ…

Năm 1975…

Vào một buổi chiều, Thầy Như Thông lái chiếc xe hơi nhỏ đến nhà tôi, gương mặt thật buồn, báo tin với gia đình tôi là: “Ông nội đã chết”. Nghe tin xong gia đình tôi cấp tốc trở về Tu viện Chơn Không để lo đám tang cho ông… Mọi việc hậu sự đều do quí Thầy đảm trách chúng tôi chỉ có một việc là hầu kinh… Ông tôi thật có phước, trong suốt hai ngày liền không lúc nào vắng tiếng tụng kinh, cả ngày lẫn đêm, chúng tôi hầu kinh đã tím bầm hai đầu gối… Đến ngày thứ ba, là ngày hạ huyệt, đường núi gập ghềnh thế mà quí Thầy đã khiêng quan tài đến huyệt mộ một cách an toàn.

Thầy trầm ngâm trước huyệt mộ một hồi và bài tâm kinh vang lên khắp núi rừng, quan tài dần dần hạ xuống…

Thế là từ đây ông ở mãi bên Tu viện Chơn Không, đêm đêm nghe tiếng kinh ngân vang thật là yên ổn.

Chơn Không ngày ấy không còn, hôm nay Chơn Không rất đẹp và khang trang, đâu rồi những bậc đá gập ghềnh dốc đứng? Đâu rồi cái hang Ông Hổ với hàng cây phượng vĩ che mát gốc trồi? Đường lên Chơn Không thời ấy thật khó đi nên tu sĩ của thời ấy đúng nghĩa là tu sĩ của núi rừng. Thật quí thay, Chơn Không của năm mươi năm về trước.

[ Quay lại ]