headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NGƯỜI ĐỒNG HÀNH

nguoidonghanhHạnh Bổn

Thời gian thấm thoát đã hơn sáu năm, kể từ khi tôi rời thiền viện Linh Chiếu về thiền viện Trí Đức, sự thay đổi nơi chốn thật là do nhân duyên, chớ trong tâm tôi chưa từng nghĩ đến. Người xưa nói “tùy duyên bất biến”, còn tôi thì theo duyên mà biến.

Một hôm, sau giờ thọ trai Hạnh Chiếu kéo tay tôi đến ngồi sau nhà Tổ Linh Chiếu, bảo rằng:

- Gia đình cô Từ An có cúng một miếng đất để cất thiền viện, tôi hướng dẫn đến gặp Hòa thượng Thường Chiếu, thỉnh Ngài nhận và trông coi tất cả, từ việc xây cất đến hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu học sau này. Hòa thượng là Viện trưởng cả hai viện Tăng và Ni.

 Tôi hỏi:

- Nơi đó ở đâu?

Hạnh Chiếu nói:

- Gần chợ Long Thành, ngoài quốc lộ đi vô cũng khá xa. Trong đó là rừng cao su và vườn cây điều rất vắng, nếu cất thiền viện thì yên tịnh lắm. Khi nào cất xong huynh về phụ lo cho Tam bảo bên Ni. Tôi coi phần tổng quát và giảng dạy, huynh trông nom việc nội tự, chỉ chúng làm rẫy hay bảo trì.

Tôi gật đầu đồng ý. Hạnh Chiếu nói tiếp:

- Nhưng về việc bếp núc hai đứa mình đều dở, chỉ biết nấu cơm và luộc rau, những món khác thì không biết, làm sao chỉ dạy cho chúng? Thôi thì sau này muốn ăn ngon, mình cùng nhau dẫn ra tiệm.

Tôi cười gật đầu.

Tôi ở Linh Chiếu khá lâu, Hòa thượng Ân sư giao làm trưởng rẫy, nên chưa từng làm tri khố hay bếp trưởng bao giờ hết, chỉ biết nấu cơm và luộc rau. Vì tất cả chúng đều thay phiên nhau nấu cơm khuya, nên tôi chỉ biết làm bao nhiêu đó, còn những món ăn khác thì mù trớt, hơn nữa bản thân tôi cũng không thích đứng bếp. Tôi nhớ Hòa thượng Ân sư dạy: “Là người tu thì việc gì cũng phải làm, thích hay không thích thảy đều như nhau, vì lợi ích cho người khác mà tụi con không được tránh né, phải làm tất cả việc cho mọi người được hòa vui”.

Trong khoảng thời gian thiền viện Trí Đức gần khánh thành thì xuất hiện một huynh đệ là Hạnh Giám. Nhân giả này rất giỏi việc trong bếp, nên phần đó được giao cho Hạnh Giám. Tôi tưởng mình yên phận với những công việc bên ngoài, nào ngờ một hôm Hạnh Chiếu nói:

- Tết năm nay mình gói bánh tét, huynh chỉ huy việc này, chớ Hạnh Giám không đủ sức khỏe.

Tôi im lặng, người ta nói im lặng là đồng ý còn tôi thì khác. Ngày tết ở Linh Chiếu gói bánh, mọi việc đều có huynh đệ làm sẵn, tôi chỉ biết gói. Bây giờ Hạnh Chiếu giao việc này cho tôi, thật là nan giải, không biết có làm được hay không, trong bụng cũng hơi lo. Thời may là gần tết ở thiền viện Thường Chiếu có giỗ Tổ, tôi về học hỏi cách thức làm bánh nên cũng tạm yên tâm. Tết năm đó gói bánh tét ăn được, không dở lắm. Qua trận này tôi tưởng đâu mình xong nghiệp “hỏa đầu quân”, nào ngờ vị lãnh đạo trong bếp là Hạnh Giám, Sư tu hành khổ hạnh hay là mắc bệnh gì mà thân thể từ từ ốm ầy trở thành “siêu mỏng”, ai thấy cũng động lòng, tôi liền khởi từ bi tâm lãnh phần ông táo thay cho Hạnh Giám.

bandonghanh2

Thật tình tôi là dân “học đại”, bây giờ phải chỉ huy một số dân “đại học”. Ni chúng ở Trí Đức do quen cầm bút nên đụng đến nồi thau thì rớt liên miên. Đồ dùng bằng inox cũng bị hư và móp, huống là tô chén dĩa, chúng cứ rớt và bể như bể bánh phồng. Thiền sinh cuối tháng lên thỉnh nguyện, người thì làm bể tô chén, người thì làm bể ly dĩa, cho tới máy móc cũng bể bạc đạn luôn… Sư trụ trì kết thúc: “Tháng này tôi bị lỗ, vì huynh đệ làm hao của Tam bảo quá nhiều”. Đó là tôi chưa kể nồi inox cũng bị lủng đáy, vì nấu mà quên đổ nước.

Thật là một họ “Quên”: Nói chuyện lớn tiếng quên giảm bớt, hấp cơm quên đổ nước vô nồi, mở vòi nước quên khóa lại, dọn cơm quên lấy đũa muỗng… chỉ một chữ quên là xong hết mọi chuyện. Nhưng có một việc xin chúng ta đừng quên, mà hãy nhớ sống với cái “Biết” chân thật luôn hiện tiền nơi sáu căn của mỗi người, thấy nghe hiểu biết đừng dính mắc. Bậc cổ đức dạy:

Thấy sắc không dính sắc,
Nghe tiếng chẳng mắc tiếng.
Sắc tiếng nếu không ngại,
Thẳng đến thành Pháp Vương.

Ni chúng Trí Đức thích làm tri khố lắm, vì có dịp để trổ tài, người ta gọi là “tài lai”. Thật vậy, vị tri khố kỳ này là An Thụy hơi bị lai căng. Một hôm khố bèn xuất chiêu nói cho đúng là xuất kho, lấy hết khoai tây đem luộc cho mềm, cắt ra, trét bơ Tường An vào củ khoai thật nhiều rồi đem nướng, dọn lên cho đại chúng ăn. Chiều hôm đó, có một vị nói với tôi:

- Thưa Thầy, hôm nay tri khố làm món khoai gì lạ lắm, con ăn xong nó không xuống bụng, lại chạy ngược lên óc. Ngán quá, những vị khác cũng không ăn được, bây giờ còn dư một thau.

Tôi liền bảo:

- Tri khố nói với Thầy đó là món ăn của Mỹ, chắc là “Mỹ Tho”.

Tri khố ngang đây chưa chịu dừng, vài ngày sau đến nói với tôi:

- Thưa thầy, cho con xin làm món Mê-hi-cô cho đại chúng ăn.

Tôi bảo:

- Thôi con, ở đây toàn là ni cô Việt Nam, sợ không biết ăn món Mê-hi-cô đâu.

Tri khố cười tiếc nuối, uổng cho một món lạ không được trình làng.

Mỗi tháng Phật tử về Trí Đức Ni tu tập một ngày. Trước đó có người cúng nấm rơm, tôi bảo tri khố nấu chín để dành trong tủ đông. Đến ngày tu, tôi nói với An Thịnh:

- Con lấy nấm rơm trong tủ đông đem ra cho Thầy nấu súp.

Nói xong tôi đi làm việc khác. Khi trở lại không thấy nấm tôi vội đi tìm, bắt gặp An Thịnh ngồi vắt rổ nấm, một bên là thau nước có màu hơi đen, bấy giờ không phải là nấm nữa, mà nó trở về nguyên thủy, thành cọng rơm. Tôi liền nói:

- Chèn ơi! Sao con dốt quá vậy? Nấm đã nấu chín rồi, con đem rửa làm gì ?

An Thịnh bảo:

- Con thấy nó đông cứng quá nên rửa cho rã ra, rồi vắt nước khô ráo cho Thầy nấu.

 Tôi bặt đường ngôn ngữ, không còn gì để nói. Ngẫm nghĩ việc trong bếp mình đã dở, vậy mà có người còn tệ hơn. Đó là chỉ điểm qua việc nhỏ, còn nhiều đại sự khác nữa, huynh đệ làm tôi không hiểu nổi.

Người xưa nói “vạn sự khởi đầu nan”, tôi nói thêm “gian nan xin đừng nản”. Ni chúng Trí Đức trong thời gian đầu, việc khó khăn nhất là ngồi thiền. Giống như chiến sĩ ra trận, trong giờ tọa thiền tôi là chỉ huy trưởng được xếp ngồi hàng trên, đại chúng ngồi những hàng dưới. Đến khi xả thiền, tôi xoay lại nhìn, chỉ còn vài người ngồi lưa thưa giống như răng rụng, các chiến sĩ ta bại trận rút lui, vì đau chân quá nên ngồi không nổi.

Sau đó tôi đổi chiến lược, ngồi thiền dưới Ni chúng để huynh đệ không còn đi xuống giữa chừng nữa. Việc ngồi thiền đối với tân thiền sinh thật khó khăn, nên có người bảo: “Làm quan sợ cửa ải, làm sãi sợ… ngồi thiền”. Trong giờ tọa thiền, các thiền sinh cứ loay hoay leo lên bồ đoàn tuột xuống tọa cụ liên tục, thật tội nghiệp. Sáng nào Sư Trụ trì cũng nhắc nhở, sách tấn để các vị vượt qua mọi chướng ngại nơi thân.

Sau một thời gian, các thiền sinh tạm quen với việc tọa thiền, bớt trạo cử thì đến hôn trầm, ngủ gục đủ kiểu. Tôi xin được thống kê chúng Trí Đức Ni ngồi thiền ngủ gục có 9 kiểu, vì số 9 là số đẹp. Hôn trầm là bệnh rất khó trị, người xưa phải dùng đủ mọi cách như lấy dùi nóng đâm vào đùi cho đau để hết ngủ gục, hoặc có vị ngồi thiền gần vực thẳm, khi ngủ gục rơi xuống bị tan thân mất mạng, do sợ chết mà không dám ngủ gục. Các vị dùng nhiều cách để trị bệnh hôn trầm.

Chúng ta ngày nay không làm được như các ngài, ni chúng Trí Đức thực hành theo sự chỉ dạy của Hòa thượng Ân sư, dùng thiền bảng để thức tỉnh, nhưng chỉ bớt được phần nào, chớ không hết ngủ gục. Tôi dùng dầu nóng thoa lên đầu và trán, hoặc bóp hai vai cho mạnh để hành giả được tỉnh, nhưng vẫn không hiệu quả. Một hôm, tôi nghĩ ra cách dùng khăn giấy ướt lau mặt chung cho những vị ngủ gục, thấy có kết quả. Các thiền sinh đang ngủ gục, vừa thấy bóng tôi liền mở mắt ngồi ngay thẳng không dám gục nữa. Trong tâm tôi rất mừng vì phen này đuổi được ma hôn trầm của Trí Đức Ni rồi. Sau đó có vị hỏi tôi:

- Thưa Thầy! Sao Thầy dùng có một cái khăn lau mặt cho tụi con vậy, nếu người mặt mụn hay lang ben nổi đầy, Thầy lau chung khăn như vậy, sợ bị lây.

Tôi thầm nghĩ: À! Thì ra hành giả kỹ quá sợ lây bệnh trên mặt khó coi, nên không dám ngủ gục. Bậc cổ đức có dạy: “Xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”, vậy mà mới lau mặt chung khăn liền sợ lây bệnh, biết bao giờ mới xả được thân này? Sau khi nghe hỏi như vậy, tôi nói:

- Chuyện lau mặt chung khăn là chuyện nhỏ, Thầy thấy tụi con bốn năm đứa uống chung ca cà phê mới là chuyện lớn, vì rất nhiều bệnh lây qua đường miệng, sao tụi con không sợ, lại sợ lau mặt chung khăn?

Đương sự nghe nói thế im lặng, cười tỏn tẻn. Chuyện này đến tai Sư Trụ trì. Ngày thỉnh nguyện, Sư tuyên bố không cho tôi lau mặt những người ngủ gục chung khăn, chỉ lau mỗi vị môït khăn. Được vài ngày, có thiền sinh nói với tôi: “Thưa Thầy! Tụi con ngồi thiền ngủ gục, Thầy lau mặt mỗi người một khăn, không còn sợ lây bệnh và mát quá, nên tụi con ngủ ngon ghê”.

Tôi tự than: Mình không còn cách nào để giúp cho Ni chúng bớt ngủ gục trong lúc ngồi thiền nữa rồi! Người xưa mỗi khi gặp khó khăn, chướng ngại thì các ngài hay lập “đại nguyện”. Còn tôi, trong lúc ngồi thiền thấy chúng ngủ gục nhiều quá, nên liền “nguyện đại” cho rồi: Con xin nguyện lãnh chịu hết những bệnh ngủ gục của đại chúng, để quý vị ngồi thiền được yên tỉnh sáng suốt, không còn bị ma ngủ gục làm mê mờ nữa.

Khi nguyện đại xong, tôi thầm nghĩ: Nếu tất cả kiểu gục của ni chúng mình đều lãnh đủ thì ngồi thiền trở thành dị dạng, đâu còn phong thái của một thiền sinh ngồi yên tĩnh tọa. Nghĩ như vậy, tôi liền nguyện lại:

- Con xin phát nguyện, cùng với đại chúng đồng hành, thẳng bước tiến lên trên con đường Phật đạo.

[ Quay lại ]