headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 30/03/2024 - Ngày 21 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

SỰ GIÁC NGỘ VĨ ĐẠI

NS.TN Như Dung

phat13Mắt Thế Tôn nhìn xa ngoài muôn dặm,

Lòng Thế Tôn như bể thẳm xanh màu,

Tay hiền từ đốt đuốc giữa đêm thâu,

Với pháp vũ đầy vàng châu cảm mến.

Cũng là một con người – nhưng là con người xuất cách vĩ đại, thường được tôn xưng là bậc Thế gian giải,… Phật, Thế Tôn.

Trong niềm tin bất tận vô ngôn, bình minh ngưỡng vọng vô biên, một vì sao sáng – tịch lặng – không lời.

Người chơi vơi – Ta cũng chơi vơi, bấp bênh giữa dòng đời xuôi ngược, chỉ có rừng đá lạnh lặng im muôn thuở, trong đêm trường – vết hình hài truy tìm: cuộc mộng, trầm kha.

Vâng! Chính sự suy tư đặc biệt nhạy bén về giấc mộng trầm kha đó, Thái tử đã nhận thức được rằng, cuộc đời không phải lúc nào cũng an vui hạnh phúc, nấp đằng sau mọi hạnh phúc đều sẵn có khổ đau và vô thường ngày đêm rình rập.

Trong Tăng Chi Bộ kinh (Anguttara-nikaya) cũng đã nêu rất rõ, từ khi còn niên thiếu được sống trong sự yêu thương của phụ vương và di mẫu, đời sống gia đình vô cùng ấm cúng và nó tách biệt với sự khổ đau bất hạnh ở bên ngoài, vậy mà Thái tử đã nhận thức sâu sắc vấn đề này. “Này các Tỳ-kheo, ta đã sống cuộc đời rất được nuông chiều trong cung phụ vương. Và này các Tỳ-kheo, giữa cuộc đời đầy hạnh phúc ấy, tư tưởng này thường nảy lên trong trí ta:

Quả thật, một kẻ chỉ biết sống đời thế tục hoàn toàn chính kẻ ấy bị tuổi già chi phối, lại rất chán ngán khi thấy một người già nua. Song phần ta cũng bị tuổi già chi phối và không thể thoát được chuyện ấy. Nghĩ như thế, này các Tỳ-kheo, mọi lạc thú về tuổi trẻ đều rời bỏ ta.

Quả thật, một kẻ chỉ biết sống đời thế tục hoàn toàn, chính kẻ ấy phải chịu cái chết chi phối, lại rất chán ngán khi thấy một tử thi. Song phần ta cũng phải bị cái chết chi phối và không thể thoát được chuyện ấy. Nghĩ như thế, này các Tỳ-kheo, mọi lạc thú về đời sống đều rời bỏ ta.” (Tăng Chi Bộ kinh III – 38) Đây là một sự thật bất di bất dịch của cuộc đời mà mọi người trên thể gian đều phải ngậm ngùi trải qua.

Trong bóng tối vô minh dày đặc đang bao phủ kiếp nhân sinh, chìm đắm giữa đêm trường sinh tử, biết tìm đâu ra lối thoát nẻo luân hồi lục đạo. Sự ra đời của đức Phật như vầng dương tỏa rạng phá tan màn đêm u tịch. Đức Phật dạy: “Ta ra đời vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và loài người.”

Ra đời chính vì mục đích đó nên ngài từ bỏ lại đằng sau mọi lạc thú vinh hoa, quyết chí tầm chân lý giải quyết nguồn gốc đau khổ cho nhân loại.

Suy cho cùng và nhìn cho thấu thì phương trình của cuộc đời có thể là nhiều ẩn và phức tạp, nhưng chỉ cần hiểu được một đầu mối thì không phức tạp một chút nào, đáp án cũng rất rõ ràng và chính xác: lý tưởng cao xa + mục đích rõ ràng + ý chí dồi dào + tầm nhìn nhạy bén + hành động quyết đoán + nghị lực duy trì bền bỉ + nhu cầu quá nhiều = SỰ THÀNH CÔNG.

Quả thật, với trí tuệ siêu việt của một con người vì nguyện lực mà thị hiện, đức Phật đã cho ra đáp án chính xác của phương trình mang nhiều ẩn và phức tạp đó bằng sự thực nghiệm và thực chứng của ngài : “Đâu  là khổ và đâu là con đường đưa đến giải thoát.”

Sở dĩ chúng sanh mãi khổ đau trong sanh tử luân hồi vì tự trói chặt thân tâm mình bằng sợi dây tham dục và vô minh tà kiến. Từ vô minh sinh ra tham dục, tham dục trở lại nuôi dưỡng vô minh. Và cứ thế dòng chuyển lưu bất tận.

Như vậy, khổ đau là do con người tự tạo ra thì cũng chính do con người phải tự mình diệt khổ, tự mình triệt phá vô minh, tự mình dập tắt tham dục để đi tới sự giải thoát. Sẽ không một đấng quyền uy nào có thể cứu giúp được. “Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm; chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gột rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm người khác trở nên trong sạch.” (Kinh Pháp Cú, câu 165)

Với con đường giác ngộ, bằng sự nổ lực của bản thân thông qua thiền định và quán chiếu, đức Phật hướng dẫn chúng sanh một cách thiện xảo và tinh tế những kinh nghiệm giác ngộ của ngài và con đường đã đưa ngài đạt đến mục đích đó.

 “Này các Tỳ-kheo! Có hai cực đoan mà người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai? Một là đắm say trong các dục lạc, hạ tiện, đê hè, phàm phu, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỳ-kheo, là con đường Trung đạo do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”. (Tương Ưng Bộ kinh V, HT. Thích Minh Châu dịch. Trang 611)

Trong Tăng Chi Bộ kinh III, phẩm IX Pháp, đức Phật đã kể lại cho gia chủ Tapussa và tôn giả A-nan về tiến trình chứng ngộ trong đêm thành đạo đó là chín cấp bậc thiền, chứng từ Sơ thiền cho đến Diệt thọ tưởng định, gọi là Chín cấp bậc thiền chứng theo thứ lớp (cửu thứ đệ định, bao gồm tứ thiền, tứ không và Diệt thọ tưởng định). Ngài còn xác quyết rằng chỉ sau khi thuận thứ và nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi chín cấp độ thiền chứng này, ngài thấy bằng trí tuệ, mọi lậu hoặc bị đoạn diệt, khi đó ngài mới thành tựu Chánh đẳng Chánh giác.

Đó là giây phút huy hoàng nhất trong cuộc đời của đức Phật, là một điểm son đánh dấu sự kiện hy hữu nhất trong lịch sử tôn giáo Ấn Độ. Chính trong giây phú đó, Thái tử không còn là một chúng sanh bình thường mà ngài đã trở thành bậc Giác ngộ. Điều này đã minh chứng một sự thật cao quý rằng đức Phật không phải là một đấng tạo hóa, ngài là một con người như bao nhiêu con người khác, một chúng sánh cũng như bao chúng sanh khác. Điểm nổi bật ở ngài là một tâm hồn thánh thiện, một khát vọng vô biên để tìm cầu chân lý, một ý chí kiêu hùng. Tất cả những phẩm tính cao đẹp đó đã hun đúc cho nhân cách và tâm nguyện tầm đạo của ngài, để rồi trong đêm hôm ấy, ánh sáng giác ngộ bừng lên giữa khung cảnh yên bình của núi rừng xứ Ấn.

Đạo Phật đã tồn tại và phát triển trên hai nghìn sáu trăm năm, dù có lúc thịnh lúc suy, có lúc thăng lúc trầm, nhưng ánh sáng giác ngộ của đạo Phật vẫn không ngừng soi sáng con đường giải thoát khổ đau cho nhân loại. Bất cứ nơi nào ánh sáng trí tuệ và suối nguồn yêu thương từ bi vô hạn của đức Phật soi rọi đến, thì nơi đó bóng đêm si mê ám chướng được xua tan, hận thù ân oán đối với chúng sanh được hóa giải, đời sống tinh thần của từng cá thể được quân bình ổn định, nhân loại nhờ đó được hạnh phúc, hòa bình, an lạc.

Hôm nay đây, để tỏ lòng tri ân sâu sắc đến đức Từ phụ, hàng đệ tử Phật phải nhận ra trọng trách của mỗi người con Phật trong bối cảnh thời nay. Như chúng ta biết, khoa học hiện nay đang trong thời ký phát triển, nền văn minh thời đại tiến bộ, nhu cầu con người đòi hỏi càng ngày càng cao. Do vậy, xu hướng nền tảng đạo đức xuống dốc trầm trọng. Vì thế, vai trò của Phật giáo hết sức quan trọng và cấp bách. Đức Phật dạy : “Tránh các điều ác, Siêng làm việc lành. Giữ ý nghỉ trong sạch.” Chúng ta phải truyền tải bức thông điệp này đến cho mọi người cùng học cùng tu để tự giác, và nỗ lực thực hiện trọn vẹn nhằm trước hết cứu lấy đời mình, sau đó một phần nào hóa giải bớt đi sự nguy vong của nhân loại. Chúng ta biết, trẻ em là mầm non của đất nước, nhưng hiện nay đa phần lao vào các trò chơi đồi trụy, chích hút nghiện gập… Đây là một nỗi đau và là nỗi lo âu  của các bậc làm cha làm mẹ. Thế nên, song song với việc giáo dục ở trường, gia đình vẫn còn có những mái chùa đã và đang tạo điều kiện cho con em đến chùa sinh hoạt, khuyến kích tu học Phật pháp nhằm vun bồi đạo đức, ươm mầm cho tương lai. Bên cạnh đó, hiện nay trên toàn thế giới vẫn rất lo lắng về nguy cơ thiên tai, bệnh tật. Nhật Bản, Trung Quốc, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ… những thảm họa khốc liệt do những trận động đất kinh hoàng xảy ra khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Những cơn sóng thần cứ vài năm tái diễn một lần, mỗi lần như vậy cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng, cuốn trôi không biết bao nhiêu làng mạc, nhà cửa, tài sản. Gần đây nhất cơn bão Haiyan lớn nhất trong lịch sử đã quét sạch Philippin với con số trên bốn ngàn dân khiến gia đình tan nát, chia ly. Rồi triều cường diễn ra khắp mọi nơi, bệnh tật hoành hành về ung thư, H5N1, AH1N1… Sự thê lương này chỉ là hậu quả của vô minh và lòng tham dục quá sâu nặng ở con người. Tất cả những gì thế giới gánh chịu hôm nay đều có nguyên nhân của nó.

 Thế mới nói, dù khoa học có tiến bộ đến đâu, văn minh thời đại có đạt đến mức nào đi chăng nữa mà thiếu vắng ánh sáng giác ngộ và suối nguồn từ bi của đạo Phật thì thế giới vẫn còn tối tăm, bế tắc; loài người vẫn còn bất an đau khổ. Vì vậy, người con Phật phải là người tiên phong trong việc xây dựng lại một xã hội ổn định, thế giới yên bình, an lạc, không gì hơn ngoài phương pháp thực hành lời Phật dạy sống theo con đường Trung đạo và “Tránh các điều ác. Siêng làm việc lành. Giữ ý nghĩ trong sạch.”

Kiếp người quá ngắn ngủi, mạng sống lại mong manh chỉ trong hơi thở. Một nhà sư áo vải đã từng có lời thơ:

Mắt sâu hút bóng thiên đàng,

Một khung trời nhỏ lá vàng chợt bay,

Người ngồi giữa cuộc đổi thay,

Nghe sông núi cạn phút giây vô thường. (Y Sa)

Cuộc đời vô thường thế đó, thời gian trôi đi chẳng trở lại, chúng ta thử nhìn lại chính mình xem đã có được những khoảnh khắc ngắn dài để cảm nhận hương vị hạnh phúc cũng như chia sẻ cho cuộc đời bằng niềm hạnh phúc đó? Chúng ta sống dù chỉ một phút, một giây trong một ngày mà có được nguồn hạnh phúc sinh khởi ngay trong hiện tại – cái hiện tại đang là ấy, cũng đủ ý nghĩa sống lắm rồi.

Hạnh phúc không phải là cái gì đó lớn lao, khó tìm và tìm ở đâu xa, mà nó sinh khởi từ những điều rất nhỏ nhoi hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày: Một chút muối khi được thêm vào bát canh nhạt nhẽo cũng có thể làm nên hạnh phúc. Một ly trà đá dưới nắng cháy giữa trưa mùa hạ cũng có thể làm nên hạnh phúc. Chỉ một lời nói từ ái, một nụ cười… cũng mỗi người, và chỉ khi tỉnh thức chúng ta mới thực sự sống hạnh phúc và nhận diện được hạnh phúc. Hạnh phúc tức vắng mặt khổ đau, tỉnh thức đồng nghĩa với giác ngộ.

 

[ Quay lại ]