headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 09/11/2024 - Ngày 9 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Khi Như Lai nhập Niết-bàn

nietbanChân Hiền Tâm

Sau khi nói với Đại chúng: “Giờ đây ta nhập niết bàn, cả mình ta đau nhức”, Như Lai nhập Sơ thiền rồi xuất Sơ thiền, nhập Nhị thiền v.v… Cứ thế mà thuận nghịch nhập các thiền định đến 27 lần. Trong đó, phổ cáo với đại chúng 3 lần về Bát-nhã thậm thâm, Ma-ha Bát-nhã và Phật nhãn. Y đó, Như Lai có thể nhìn thấu thực chất của ba cõi lìa nhị biên, phi tất cả. Rồi Ngài kết luận: “Pháp tướng như vậy, ai biết rõ thời gọi là người xuất thế. Ai không biết, thời gọi là đầu mối của sinh tử. Đại chúng cần phải dứt vô minh, diệt đầu mối sinh tử”.   

Sau đó ngài nằm nghiêng bên phải, đầu quay về phương bắc, chân hướng về phương nam, mặt hướng về phương tây, lưng day với phương đông và nhập Niết-bàn. Như Lai nhập Niết-bàn rồi, bốn cặp sa-la đang che phủ giường thất bảo biến thành sắc trắng như bạch hạc, khô dần và bắt đầu gãy rụng. Sông rạch khô cạn. Biển lớn đục ngầu. Sóng cuồn cuộn nổi. Hư không vang vọng Thiên âm không dứt:  “Khổ thay! Khổ thay! Đấng Vô thượng chánh giác đã diệt, chúng sinh tội khổ trôi mãi trong biển lớn sinh tử, mê mất con đường chân chánh, không do đâu giải thoát được”. Cũng nói: “Đức Phật đã nhập Niết-bàn. Chúng sinh đã mất con mắt. Quỉ La sát phiền não lan tràn khắp nơi. Sự khổ não xoay vần không dứt”. 

Đó là những gì được nói kinh Đại Bát Niết-bàn, ở phẩm Ứng Tận Hoàn Nguyên.

Như Lai của Trời Người nhập Niết-bàn không khác Như Lai trong mỗi chúng sinh “nhập Niết-bàn”. Thế giới thường, lạc, ngã, tịnh trở thành sông tro, biển máu. Mọi thứ khô cằn, biển nổi, sóng to. Khổ não xoay vần. Tiếng vô thường, khổ, không vang vọng… Chỉ vì ông Phật trong mỗi chúng sinh đã “nhập Niết-bàn”. Vô minh nắm thế chủ động. Tham ái và sân hận lẫy lừng.

Con bé nói với tôi: “Con đã mộng thấy hai tượng Phật nằm tĩnh lặng rất đẹp, nhưng con đã khởi tâm bực tức và đè lên đó, chỉ vì con thì khổ quá mà hai ông lại an ổn thảnh thơi. Khi đè lên, con thấy hai bức tượng tan rã và trước mắt con, một thế giới sinh tử, tranh tàn, khổ não hiện ra”.[1]

Con bé đã để cho tính đố kỵ che khuất tâm Phật của mình. Nó không hề biết chính vì đó mà khổ não hiện hình. Không biết thành trên cảnh khổ, lại khởi tâm đố kị và ganh tị. Phật tâm không tương ưng với đố kỵ và ganh tị. Càng khởi tâm đố kỵ càng xa Phật tâm. Sống được với Phật tâm, thế giới quanh mình sẽ bình yên. “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”.[2] Tiếc là chưa ai giải thích với con bé về điều đó. Nó không biết những điều nó đang nghĩ đó là đố kỵ. Là những thứ cần phải buông đi hơn là nắm giữ như một lẽ thường tình ở đời, rồi lấy đó làm bàn đạp tiến thân.

Khi đố kỵ xuất hiện, hãy đặt nó qua một bên. Đừng bao giờ so sánh mình với người khác. Đừng bao giờ thấy ghét bỏ người khác chỉ vì người ta hơn mình. Có thể tài năng của họ không bằng mình, nhưng đứng về mặt phúc đức, thứ mà người đời gọi là may mắn, họ đã gây tạo nhiều hơn mình. Mọi thứ đều có nhân duyên của nó. Đó là lý do đừng so sánh mình với người khác rồi sinh tâm bất mãn hay phiền não.

Hãy thực hiện những mong muốn của mình bằng con đường mà Phật đã dạy. Muốn sung túc hãy bố thí cúng dường. Muốn những mối quan hệ trong đời được tốt đẹp, hãy sống hết lòng với thiên hạ. Hãy mĩm cười khi thấy người khác hơn mình. 

Có thể mình sẽ thấy bất mãn vì những gì mình đã làm không được đền đáp, nhưng mọi thứ đều có nhân duyên. Khi đã gieo một cái nhân không tốt ở quá khứ thì khi đủ duyên, mình phải nhận lại cái quả không may. Nhưng khi đã gieo những nhân tốt mới, thì cái nhân đã gieo ở quá khứ sẽ thay đổi. Nhất định mình sẽ nhận được cái quả tốt đẹp trong hiện đời và mai sau.

Tham dục đang ngự trị ở thế giới này. Giá trị con người được biểu thị qua danh và lợi. Phật tượng ở nơi nào đó, trong chốn vô thường tạm bợ này, đã được bao kín bằng những đồng tiền mệnh giá rất nhỏ[3]. Cực nhỏ, nhưng nó có khả năng che khuất mọi ông Phật khi tất cả đều đổ dồn vào đó. Bạc và tiền có khả năng phủ che tất cả khi tâm con người không hướng Phật đạo mà trực chỉ tham dục, lấy tham dục làm đích đến đời mình. Phật không còn chỗ để ló đầu, dù vẫn còn ngay đó.

Trà tỳ

Lễ trà tỳ của Như Lai được tổ chức theo phép tắc của Chuyển Luân Thánh Vương. Đó là lời dạy của Như Lai.[4]

Nhân dân thành Câu-thi-na do tham phước lành, nên không muốn cho đại chúng Trời Người khiên kim quan của Phật mà sai 4 đại lực sĩ trong thành làm việc đó, nhưng không thể nào chuyển dịch được kim quan. Phải đưa 8 đại lực sĩ, rồi 16 đại lực sĩ… vẫn không làm được việc đó.

Hình như thời nào cũng có những con người như thế. Tâm riêng tư, tâm thủ chấp vẫn hiện diện đâu đó dù ở rất gần Phật, dù được cái duyên rất tốt là sống cạnh Như Lai. Tham chấp luôn chực chờ để ló đầu khi dủ duyên. Thành có khi rồi, không được nhân duyên gần Phật, chỉ biết học theo pháp của Phật, mà tâm tham chấp không có điều kiện để hiện thành. Lâu dần sẽ nhạt phai. Bởi tất cả đều do huân tập mà có. Không huân tập tham chấp mà huân tập thiền định và trí tuệ thì thực chất của tham chấp sẽ hiện hình.

Cho nên, thuận hay nghịch đều có cái hay cái dỡ của nó. Vấn đề vẫn ở chính mỗi người. Mê mờ hay tỉnh giác. Cảnh giới chỉ là duyên. Không phải cứ ở cạnh Phật là đã như Phật. Người như Thiện Tinh vẫn có thể là thị giả của Phật, ở rất gần Phật. Nhưng chánh kiến hoàn toàn không có, dù đã đọc tụng mười hai bộ kinh, chứng được Tứ thiền.[5] Vì thế được ở gần Phật là một duyên rất tốt, nhưng y đó mà không chịu học hỏi tu hành thì tâm tham chấp và ngã mạn sẽ phát sinh. 

Lúc đó, bậc trí tuệ A-nậu-lâu-đà mới thong thả bảo các đại lực sĩ rằng: “Dầu cho tất cả nhân dân trong thành, cũng không khiên nổi kim quan huống là các ông. Các ông phải thỉnh đại chúng cùng chư Thiên trợ lực mới mong khiên nổi kim quan vào thành”.

Đức đại bi vì muốn thế gian đồng được phước báu, nên kim quan từ rừng Sa-la tự bay lên không trung, vào cửa Tây, vòng ra cửa Đông, nhiễu qua cửa Nam, rồi đến cửa Bắc, lại trở vào cửa Tây… Cứ thế đến bảy ngày, kim quan mới trở lại giường thất bảo. Nhân dân và đại chúng đều theo cúng dường kim quan trong suốt bảy ngày đó.

Thân của Như Lai, lần nữa được mang ra tắm rửa, rồi đặt trở vào kim quan. Kim quan được đặt trên lầu hương chờ hỏa tán. Nhưng mọi ngọn đuốc khi đến lầu hương đều tắt. Đại chúng không biết vì cớ gì mà lễ trà-tỳ không thể thực hiện. Mọi ngọn đuốc đều tắt, ắt phải có nhân duyên.

Là do đại đệ tử Ma-ha Ca-diếp chưa về.

Do lòng kính trọng đối với Thế Tôn, ngài muốn đưa các thầy Tì kheo cùng về, nên không dùng thần thông mà đi bộ, thành phải đến bảy ngày mới tới.

Về tới nơi, kim quan tự mở nắp, thân tướng Phật lộ ra. Lại được mang tắm rửa bằng thủy hương lần nữa và đặt trở vào kim quan.

Khi Ma-ha Ca-diếp làm kệ nhiễu quanh kim quan lần đầu, chân Phật lộ ra khỏi kim quan, phóng ra ngàn tia sáng chiếu khắp mười phương thế giới. Khi Ma-ha Ca-diếp nhiễu quanh kim quan bảy vòng, làm kệ tán thán lần hai, chân Phật mới rút vào.

Ngoại trừ các thầy Tì kheo chuyên phạm giới là rất đổi vui mừng khi thấy Như Lai nhập diệt, còn lại không ai không thương tiếc than khóc.

Việc trà-tỳ được tiếp tục. Nhưng lửa thế gian không thể đốt được thân Như Lai nên Như Lai tự phóng quan thiêu xác. Phải đến bảy ngày mới cháy hết lầu hương.  

Phân chia Xá-lợi

Việc phân chia Xá-lợi được nhắc đến khi lầu hương sắp cháy hết.

Tệ nạn lại xảy ra khi có cái duyên khiến tập khí tham dục của con người trổi dậy.

Tứ thiên vương, thần Sông v.v… là những vị có thần lực ở cõi trời và sông biển, nghĩ mình có khả năng rưới tắt lửa hỏa táng, nên tự dùng nước tưới lửa để đoạt Xá-lợi về thờ tự, nhưng không xong. Thế lửa cháy càng mạnh. Thấy vậy, A-nậu-lâu-đà lên tiếng: “Lòng các ông quá tham. Nếu tất cả Xá-lợi đều theo các ông về Thiên cung và biển sâu thì người mặt đất này làm sao đến đó mà cúng dường?”. Tâm chúng sinh thường như vậy. Thấy mình có khả năng hơn người thì thường dùng khả năng đó để tranh đoạt hơn là nhường cho người kém năng lực hơn mình. Khi nghe A-nậu-lâu-đà nói vậy, chư vị tỉnh ngộ sám hối.

Chỉ riêng Thiên đế, ngày trước đã xin Phật chiếc răng nanh, nên khi Thiên đế tới, lửa tự tắt. Ngài liền mở kim quan thỉnh răng nanh của Phật. Lúc đó có hai quỉ La Sát nhảy vào cuỗm được hai răng nanh, chỉ là không ai thấy.

Được hay mất ở cuộc đời này đều có nhân duyên. Tứ thiên vương, phước báu hơn hẳn các đường khác vẫn không tranh được Xá-lợi nhưng quỉ La-sát lại làm được điều đó. Mọi thứ đều có nhân duyên. Không có nhân duyên không thể tranh đoạt. Một phước báu nào đó ở quá khứ có thể giúp chúng ta đạt được dễ dàng những mong muốn trong hiện tại, nhưng phương tiện dùng để đạt được việc đó mang tính thiện hay bất thiện là tùy mỗi người quyết định.

Như hiện đời, chúng ta có điều kiện để làm giàu thành công. Đó là phước báu hiện đời mình có được do đã gầy dựng được cái nhân thiện nghiệp trong quá khứ. Song làm giàu bằng cách nào và buôn bán thứ gì là tùy quyết định của mỗi người. Đây là cái mốc mà con người có thể định đoạt cái nhân để có cái quả trong tương lai. Nếu làm giàu bằng những phương tiện gian dối, bán á phiện, buôn xì ke, ma túy thì ngay phước quả tạo ác nhân. Có thể với cách đó, mình sẽ được thỏa mãn mọi thứ, nhưng tương lai thì mù tịt. Vì trên phước quả tạo ác nhân. Ngược lại, nếu chúng ta từ chối những gì thuộc bất thiện nghiệp, chỉ thực hiện thiện nghiệp, thì có thể với cách đó mình không được thỏa mãn lắm về những gì mình đang có. Nhưng rồi mình sẽ có mọi thứ trong tương lai, vì trên phước quả tạo phước nhân. Song chúng ta ít phân định được những việc như thế. Dễ nhập nhèm các thứ với nhau. Chỉ thấy những gì mình muốn là quan trọng. Quên mất hành tác thân, khẩu, ý nghiệp mới là quan trọng. Vì thế, thế giới luôn tranh tàn và mình trở thành một con rối trong dó.  

Nếu thiện nghiệp của bạn đã thành lực, nó có khuynh hướng kéo bạn thoát khỏi các bất thiện nghiệp.

Thành có khi, thiện nghiệp mà Tứ thiên vương tu tạo trong quá khứ và hiện đời đã thành lực. Chính lực đó tạo ra cái duyên không cho bất thiện nghiệp trong hiện tại sinh khởi, giúp chư vị tỉnh giác hơn với những việc làm của mình.

Thấy Thiên đế lấy Xá-lợi, mọi ngươi ùa vào muốn tranh, nhất là những kẻ có thế lực vũ trang. Mặc lời khuyên ngăn của A-nậu-lâu-đà, mọi người vẫn xấn tới, nhưng không ai lấy được. Vì Bạch điệp và bông Đâu la buộc quanh kim quan còn nguyên,  không thể nào mở nắp.

Lúc đó A-nậu-lâu-đà mới chậm rãi tháo Bạch điệp cùng bông Đâu-la quấn quanh kim quan phân cho đại chúng về xây tháp cúng dường. Đồng thời mở kim quan phân Xá-lợi.

Xá lợi được cho vào tám ché vàng đặt trên tám tòa sư tử, đưa về đặt giữa thành Câu-thi-na. Năm trăm nhà chú thuật được cắt canh giữ mỗi ché. Còn ở bốn mặt thành thì có bốn đội quân phòng vệ.

Vua các nước do hay tin muộn nên khi về thành thì Xá-lợi đã được đặt vào bình ché. Mọi người đều muốn thỉnh Xá-lợi nhưng không được. Người trong thành viện lý do Như Lai nhập Niết-bàn tại đó, nên Xá-lợi phải được đặt đó cúng dường. Vua bảy nước xin Xá-lợi không được bèn mang quân đến vây kín thành Câu-thi-na. Nhân dân trong thành cũng võ trang đầy đủ chuẩn bị đánh một trận.

Lúc đó, trong đại chúng có Bà-la-môn họ Yên đứng lên phân giải: “Xin các lực sĩ thành Câu-thi-na lắng nghe. Đức Thế Tôn từ vô lượng kiếp chứa công đức lành, tu hạnh nhẫn nhục. Chư vị cũng thường nghe Như Lai ca ngợi hạnh nhẫn nhục. Hôm nay Như Lai vừa diệt độ, chư vị không nên vì Xá-lợi mà đánh đập nhau. Hành động đó chẳng phải là cử chỉ tôn kính Xá-lợi. Chư vị  nên chia Xá-lợi của Như Lai ra làm tám phần cúng dường bảy nước”.

Như Lai trong mỗi chúng sinh “nhập Niết-bàn” thì tập khí tham chấp, dành giựt và tranh đấu được huân tập lâu xa trong tàng thức sẽ hiện khởi khi đủ duyên. Nếu không y vào những gì mà Như Lai đã làm và đã nói, tức không y vào giáo pháp của ngài , lấy đó làm phương tiện và lý tưởng sống cho mình thì tranh tàn khổ não xảy ra.

Thế giới này, ngày càng nhiều hoạn nạn, chết chóc, tranh tàn chính vì thứ gì cũng muốn bo bo về mình. Tâm cho ra thì yếu mà tâm chiếm hữu thì mạnh. Tôi làm không phải vì người, hay chí ít là vì tôi và vì người, mà vì tôi và những cái của tôi (kinh luận gọi là ngã và ngã sở). Vì cái ngã và ngã sở đó mà ngay cả trong môi trường đạo giáo, cũng không tránh khỏi phân biệt và dành giựt. Mọi việc trở thành bất lợi chỉ vì để cho tâm ngã và ngã sở bành trướng mạnh mẽ.

Trong đời, thật là may mắn khi được Thiện tri thức nhắc nhỡ kịp thời, giúp dừng đi tham ái, đố kỵ, cố chấp v.v… Nhân dân thành Câu-thi-na đã được Bà-la-môn nước Yên nhắc nhỡ đúng thời. Giúp mọi người tỉnh ngộ, tránh được cuộc tranh tàn chết chóc không đáng xảy ra. Điều đó cũng có nghĩa, một khi chưa dừng được tâm tham ái, tâm ích kỷ v.v… thì thế giới của mình sẽ chẳng bình an. Tranh tàn, hoạn nạn, đổ máu vẫn xảy ra không dứt ở thế giới này.

Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh.

Tâm người nào thanh tịnh thì thế giới người đó thanh tịnh.

Thế giới của mình không thanh tịnh vì tâm mình không thanh tịnh.

Đơn giản chỉ là thế.  

Thấy thế giới quanh mình không thanh tịnh hay không thể thanh tịnh với thế giới quanh mình thì biết là do tâm mình không thanh tịnh. Muốn thế giới mình thanh tịnh thì hãy làm cho tâm mình được thanh tịnh. Tâm sân giận, tham ái, mặc cảm, hơn thua, tranh dành v.v… một khi hiện khởi thì dừng. Không theo đó mà tạo nghiệp. Nếu cứ theo đó mà hành xử thì thế giới của mình chẳng bình yên. Hãy đặt nó qua môt bên. Chúng ta sẽ thấy sóng dù táo tợn, vẫn hiện diện một sự an ổn thanh bình. Tâm thanh tịnh thì cõi giới mình thanh tịnh.

Xá lợi được lường ra phân cho tám nước. Bình lường Xá-lợi được Bà-la-môn họ Yên thỉnh về xây tháp thờ tự tại tụ lạc Đầu-na-la. Người nước Ba-la Diên-na cũng thỉnh tro về xây tháp cúng dường. Việc phân chia Xá-lợi hoàn mãn tốt đẹp.

Coi như ở Diêm-phù-đề có tám tháp thờ Xá-lợi của Phật, một tháp thờ bình lường Xá-lợi và một tháp thờ tro.  
 


[1] Giấc mộng được nghe từ một cô bạn nhỏ.

[2] Kinh Tịnh Danh.

[3] Tượng Pht được đặt trong lồng kính. Tiền hai trăm và năm trăm được bỏ vào lồng kính, che khuất tất cả tượng Phật. Nhìn vào như thùng phước sương đựng toàn tiền lẻ.  

[4] Kinh “Đại Bát Niết-bàn”. HT Thích Trí Tịnh dịch.

[5] Kinh Đại Bát Niết-bàn

[ Quay lại ]