headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 03/12/2024 - Ngày 3 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Nữ lưu NHÀ PHẬT

nuluunhaphatViên Chiếu

 

Trong ngày hội thảo nhóm đầu tiên tại Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới Sakyadhita lần thứ 11 tổ chức ở chùa Phổ Quang, thành phố Hồ Chí Minh, vào cuối năm 2009, không ít thành viên tham dự hội nghị đã mỉm cười khi nghe đọc đề tài thảo luận: “Nếu một nữ Phật tử trở thành tổng thống, đất nước và xã hội sẽ như thế nào?” Chắc ban tổ chức nghĩ thành viên mình sẽ lúng túng một khi cơ hội vào tay nên cho tập dượt trước phòng xa! Thôi thì tha hồ các ứng cử viên tổng thống tương lai vẽ vời tưởng tượng. Người hùng hồn biện luận các đức tính cần có của một vị nữ tổng thống. Kẻ nêu những trở ngại phái nữ thường gặp khi hoạt động chính trị. Hình như không ai nhớ để vẽ ra hình ảnh một đất nước dưới sự lãnh đạo của một nữ Phật tử sẽ như thế nào.

 Là hội nghị của nữ Phật tử nên các chủ đề thảo luận thường là tranh đấu giành quyền bình đẳng cho phụ nữ. Ni giới Việt Nam lúc này mới tận mắt, tận tai nghe các vị ni các nước Á châu láng giềng kể những khó khăn của Ni giới nước họ, và nhận ra hạnh phúc lớn lao mình đang được hưởng: được sống tại một nước không có (hoặc ít) kỳ thị nam nữ, Ni giới được xuất gia, thọ giới và sinh hoạt bình thường như chư tăng… Ở các nước có truyền thống Phật giáo cổ xưa như Ấn Độ, Srilanka, Nê-pan v.v…, sinh hoạt Ni giới ngày nay lại rất hạn hẹp và yếu ớt. Mãi đến năm 1982, Giáo hội Thái Lan vẫn chưa thống nhất về việc cho chư ni thọ giới Cụ túc, nên các nữ Phật tử Thái Lan phải sống đời cư sĩ rất lâu trong hoài nghi, sợ hãi, vì nếu đi thọ giới nơi khác họ sẽ thành người phá hoại truyền thống và sẽ mất nhiều quyền lợi, sẽ không được kính nể v.v… Tới năm 2009, cả nước Thái Lan chỉ có 800 Tỳ-kheo-ni được học, được độ đệ tử, giảng dạy giáo lý và giới luật cho đệ tử. Tỳ-kheo-ni đầu tiên của Thái Lan được thọ giới năm 1971 tại Đài Loan. Sau thiên niên kỷ mới, số Tỳ-kheo-ni tại Thái Lan vẫn còn được đếm trên đầu ngón tay. Các tu nữ không được thọ giới Tỳ-kheo-ni gọi là Tịnh nữ, có đăng ký chính thức chỉ mới 5.000. Tại Nê-pan, năm 1988 mới có vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên và cũng chỉ được thọ giới tại Mỹ. Ấn Độ quê hương Phật, sau khi Phật giáo suy tàn, kỳ thị giai cấp và nam nữ vẫn trầm trọng.

 

Trong khi các thành viên hội nghị thảo luận sôi nổi tìm cách vượt qua các chướng ngại để được sinh hoạt bình đẳng với chư tăng hoặc ít ra cũng có điều kiện, phương tiện dễ dàng hơn, một ni cô Miến Điện chậm rãi trình bày ý kiến khi được hỏi:

 

- Chúng em không thấy trở ngại gì trong tu tập cả. Dù không được thọ giới Tỳ-kheo-ni, chúng em cố gắng tu tập tốt các giới được thọ và cũng thấy an lạc. Chúng em tuân thủ truyền thống dân tộc mình, kính trọng vâng lời chư tăng và dần dần khám phá rằng vẫn có thể đạt được kết quả mong muốn nếu nỗ lực tốt. Vấn đề chính là có quyết tâm tu hay không.

 

Sư nói nhỏ nhẹ nhưng cả nhóm hội thảo đều giật mình, im lặng ngẫm nghĩ.

 

Nước Trung Hoa cổ không hổ danh là cái nôi vĩ đại của Phật giáo thiền tông, vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên được ghi vào sử sách là sư Tịnh Kiểm ngay từ thế kỷ thứ IV sau Công nguyên (357 B.C). Và trải suốt thiền sử Trung Hoa, biết bao danh ni làm gương sáng tiếp thêm sức mạnh cho hành giả đi sau nỗ lực tu học. Người ta thường than thở sử liệu hành trạng chư ni quá ít. Nhưng có lẽ cũng không sao.

 

Càng hiếm càng quý. Quý mới tìm tòi đọc. Dẫy đầy trước mắt lại dễ duôi.

 

Cuốn “Tỳ-kheo-ni truyện” của vị sư Bảo Xướng triều Lương, thế kỷ VI, ghi lại điểm son sớm nhất trong lịch sử chư ni Trung Hoa. Ngay từ thời Đông Tấn Mục Đế, vị ni đầu tiên là Tịnh Kiểm và các sư ni lỗi lạc kế tiếp như sư Đạo Nhất và Diệu Ấn ở thế kỷ IV, sư Huệ Chữ thế kỷ V, đã độ đệ tử, có chùa ni riêng ngay tại kinh đô Lạc Dương, giảng pháp, vào cung giảng pháp và luận đạo với vua và quan lại, viết văn và làm thơ… Sư ni Tịnh Kiểm được sử sách khen ngợi giới luật tinh nghiêm, giảng pháp có sức thuyết phục như gió thổi rạp cỏ. Còn Sư Diệu Ấn mỗi ngày có trên trăm cỗ xe đậu trước chùa, tăng tục quý tiện giàu nghèo đều mang đồ đến cúng dường và cầu pháp.

 

Triều Tống các sư ni nối pháp ngài Tông Cảo Đại Huệ cũng sử sách vang danh. Hai vị Diệu Tổng và Diệu Đạo (thế kỷ XII) vừa được đạo, có tài thuyết pháp, lại văn chương kiệt xuất. Sư Diệu Đạo được thầy dùng kệ ấn chứng. Tương truyền Sư ni có tập ngữ lục truyền tụng đương thời, nhưng đã thất lạc không còn. Sư ni thuyết pháp, có người kể lại với thiền sư Thuỷ Am, ngài khen:

 

- Người ấy không thể nói nam nữ. Đó là người nữ có tác lượng trượng phu, còn hơn bao nhiêu trưởng lão tăng sai luật lệ.

 

Sư ni Chân Như cũng được ngài Đại Huệ đối chúng nói kệ ấn chứng. Ngài rất phục tài thơ văn của Sư ni, thường trích thơ sư Chân Như trong bài viết của ngài.

 

Bài kệ ngộ đạo của Sư ni thường được truyền tụng:

 

Bình địa ngẫu nhiên trước điên
Khởi lai đô vô khả thuyết
Nhược nhơn cánh vấn như hà
Tiếu chỉ thanh phong minh nguyệt.

 

        Dịch:

 

Đất bằng ngẫu nhiên đầu chạm
Đứng lên muốn nói chẳng xong
Ví thử có ai đến hỏi
Cười chỉ gió mát trăng trong.

 

Đọc gương người xưa và nay chắc có người thắc mắc: tại sao có nơi người nữ không được tu tập bình đẳng như nam?

 

Nay xin đặt một câu hỏi: Tại sao có nơi người nữ được tu tập, được danh tăng độ và khen ngợi, được Phật tử hoan nghênh quy phục?

 

Những câu hỏi này phải chăng tương tự như hỏi: Tại sao người sinh ra giàu nghèo khác nhau, kẻ sống vinh người chết nhục khác nhau?

 

Hỏi thế không phải phủ nhận sự cần thiết của những nỗ lực giúp người nữ tu học, thọ giới, sinh hoạt như người nam. Làm những việc cần làm, nhưng có lẽ nên nhìn mọi sự với con mắt của thiền sư ni triều Minh, Độc Mục Kim Cang:

 

Nam nữ hà tu biện giả chân?
Quan Âm xuất hiện quả hà nhân?
Bì nang thoát tận hồn vô dụng,
Thí vấn nam thân thị nữ thân?

Dịch:

Nam nữ sao cần phân thật giả?
Quan Âm xuất hiện đúng thân gì?
Túi da thoát rồi thành vô dụng,
Là nam? Là nữ? Nói giùm đi!

 

Tương truyền Sư ni bị mù một mắt sau khi chuyên tâm đọc kinh Kim Cang. Tánh tình Sư bộc trực, đời sống rất giản dị. Sư thường phân phát hết các thứ được cúng dường, không giữ gì cả. Mỗi lần Sư giảng kinh Kim Cang, đông đảo tăng ni cư sĩ kể cả quan chức và giới trí thức đều đến nghe và cùng Sư biện luận. Nhiều người nhờ được Sư cảm hoá mà tu Phật. Lúc tịch, Sư cho biết trước ngày đi, thọ hơn bảy mươi tuổi.

 

 

 

[ Quay lại ]