headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 09/11/2024 - Ngày 9 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TRĂNG THU

trangthuThích Tâm Hạnh

Hôm nay là ngày mười bốn tháng tám, gần tới ngày rằm Trung thu, mà Trung thu thì mọi người thường nói về trăng. Trong nhà Phật cũng thường dùng vầng trăng để nói lên đạo lý theo hai chiều, chiều thuận và chiều nghịch. Nói về vầng trăng theo chiều thuận nghĩa là sao? Là dùng vầng trăng để chỉ cho ánh trăng chân thật nơi mỗi người, còn chiều nghịch là quên đi vầng trăng nơi chính mình mà theo ánh trăng bên ngoài. Hôm nay nhân ngày Trung thu, chúng ta cùng nhau xem lại từ chư Phật đến các vị tổ sư và các bậc cổ đức đã dùng vầng trăng để nói lên đạo lý như thế nào, và chúng ta nên vui với vầng trăng nào thì tốt. Cho nên đề tài nói chuyện với quý Phật tử hôm nay là “Trăng thu”.

 1/ HÀNH VI THIỆN ÁC CỦA MỖI NGƯỜI VỚI VẦNG TRĂNG.

 

Trong Kinh A Hàm, Đức Phật dạy: “Người làm thiện cũng giống như mặt trăng, người làm ác cũng giống như mặt trăng”. Tại sao vậy? Bởi vì người làm thiện giống như mặt trăng từ mùng một đến rằm, ngày càng sáng tỏ thêm lên, còn người làm ác cũng giống như mặt trăng, nhưng từ ngày rằm đến đêm ba mươi, ngày càng khuất lụi dần vào bóng tối.

 

Tất cả chúng ta, hễ ai được sanh ra đời, mang thân người tức là đều có phước phần nhất định, giống như một mặt trăng đang sáng với phước đức tương ứng mà mình có được. Nhưng nếu chúng ta không biết nương phước đức đó để vun bồi thêm, làm cho căn lành ngày càng tăng trưởng mà ngược lại, tạo thêm bao nhiêu nghiệp không tốt, cô phụ phước đức mà mình hiện có để rồi phải chịu trầm luân đi xuống thì hạng người này cũng giống như mặt trăng từ ngày rằm đến đêm ba mươi, lụi dần vào bóng tối. Như vậy thật đáng buồn. Còn những người khi mang thân người, biết nương mặt trăng đang sáng của mình để tiếp tục tu tập trong đời sống hằng ngày, làm cho phước lành của mình ngày càng tăng trưởng, giống như mặt trăng từ mùng một đến ngày rằm, ngày càng sáng tỏ hơn.

 

Tương tự, trong Kinh A Hàm, Đức Phật cũng chỉ rõ bốn hạng người ở thế gian:

 

Hạng thứ nhất là từ tối vào tối.
Hạng thứ hai là từ tối đến sáng.
Hạng thứ ba là từ sáng vào tối.
Hạng thứ tư là từ sáng đến sáng.

 

Hạng thứ nhất là người thiếu phước, sanh ra đời trong một gia đình thiếu thốn, không có đủ tiện nghi, tức là sanh ở chỗ tối. Người đó lại không biết đến Phật pháp, không biết làm lành, tu tạo phước đức mà lại tạo thêm các nghiệp ác cho nên ngày càng đi xuống và lẩn vào bóng tối, cho nên từ chỗ sanh ra đã tối tăm lại tiếp tục đi vào chỗ tối tăm.

 

Hạng thứ hai, cũng là người sanh ra trong một gia đình không đầy đủ các điều kiện tốt, nhưng biết rằng mình sanh ra phải chịu cảnh thiếu thốn thế này là do chính mình ngày xưa thiếu công đức tu hành, không biết tạo phước. Vì biết như vậy nên an phận với những gì mình đang có được, đồng thời tiến lên bằng cách học hiểu Phật pháp, tu tạo phước lành, giúp ích cho mọi người, làm cho phước đức của mình ngày càng tăng trưởng, để ngay hiện đời có được một cuộc sống tươi sáng, đời sau mình sẽ được tốt đẹp hơn. Như vậy thì tuy rằng đời nay coi như sanh ra trong chỗ tối nhưng sẽ tiến dần đến chỗ sáng.

 

Hạng thứ ba, là người sanh ra trong chỗ đầy đủ tiện nghi, nhưng do không đủ duyên để biết Phật pháp, không biết làm lành mà ngược lại còn tạo ác, cho nên tuy rằng ngày hôm nay có phước phần, nhưng ngày sau sẽ rơi vào chỗ xấu xa do nghiệp ác đời này tạo. Hạng người này được xem như từ chỗ sáng vào chỗ tối, giống như mặt trăng từ rằm dần tới đêm ba mươi.

 

Hạng thứ tư, là người sanh ra trong chỗ đầy đủ tiện nghi, có văn hóa, lại được gặp Phật pháp, biết tu tạo và tăng trưởng phước lành để đời sau càng thăng tiến hơn nữa. Đó chính là ở chỗ sáng mà tiếp tục đi vào chỗ sáng hơn.

 

Ngày nay, chúng ta hội đủ duyên lành được làm người, tức là mình đang ở chỗ sáng. Đang ở chỗ sáng rồi, mình phải đặt câu hỏi là ngày mai mình sẽ đi đến chỗ tối hơn hay sáng hơn đời này? Chắc không ai dại gì đi vào chỗ tối, phải không? Vậy phải làm cách nào để đi đến chỗ sáng hơn? Nếu muốn đời sau sáng hơn đời này thì không gì hơn là chúng ta phải học hiểu Phật pháp, khéo tu tập pháp lành theo lời Phật dạy, thì khi thân hoại mạng chung, nhất định mình sẽ đi trên con đường lành theo phước đức mình đã tạo, như vậy mới xứng đáng là mặt trăng từ mùng một đến ngày rằm.

 

2/ DƯỚI ÁNH TRĂNG THU.

 

Giờ quý Thầy sẽ kể cho quý vị nghe câu chuyện về hai người bạn là huynh đệ cùng tu hành đã khuyên nhau dưới ánh trăng thu.

 

Xưa kia An Lộc Sơn vây hãm Đông thành, ông Lý Đăng bị cầm giữ cho đến chết. Lý Đăng có người con là Lý Nguyên, nhân thấy cha bị bắt và cầm giữ cho đến chết nên phẫn chí, tự thề không làm quan, không lấy vợ, không ăn thịt cá và bỏ nhà vào chùa Huệ Lâm. Ở trong chùa có một vị tăng là Viên Trạch. Vị Tăng này kết bạn với Ngài Lý Nguyên rất thân và cùng rủ nhau đi dạo Nga Mi Sơn. Ngài Lý Nguyên muốn đi đường Kinh Châu qua sông Tố lên đường núi, còn Ngài Viên Trạch thì muốn đi theo đường Tà Cốc, Trường An (tức Kinh Sư, kinh đô của đời nhà Đường). Ngài Lý Nguyên vì thề không làm quan nên không muốn đi theo đường Kinh sư nên nói: “Tôi đã dứt việc đời, há trở lại đường Kinh sư hay sao?”. Bấy giờ Ngài Viên Trạch làm thinh giây lâu, rồi mới nói: “Đi đứng cố nhiên chẳng do ý người”, do đó chiều theo ý ngài Lý Nguyên, đi theo đường Kinh Châu. Khi thuyền đến Nam Phổ, thấy có một người đàn bà mặc quần gấm đang múc nước, khi ấy Ngài Viên Trạch giựt mình, khóc và chỉ người đàn bà nói: “Tôi sở dĩ không muốn đi đường này là vì bà ta”. Ngài Lý Nguyên nghe vậy cũng giựt mình không hiểu chuyện gì, hỏi nguyên do. Ngài Viên Trạch nói: “Bà này họ Vương, tôi sẽ làm con của bà, bà mang thai đã ba năm, vì tôi không đến nên không sanh được. Nay đã thấy rồi thì không còn trốn thoát được nữa. Ông nên dùng phù chú nguyện giúp tôi sanh ra mau, ba ngày sau, khi tắm đứa bé, mong ông đến với tôi, tôi sẽ cười để làm tin cho ông biết. Sau mười ba năm, dưới ánh trăng thu, phía ngoài chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu sẽ cùng ông tương kiến. Tôi đã ba đời làm Tỳ kheo tu thiền ở sông Tương, phía Tây chùa Nhạc Lộc, có một hòn đá to, tôi thường tọa thiền trên đó”. Nghe Ngài Viên Trạch nhắc lại kiếp trước của mình như vậy và giờ phải thác sanh như vậy, Ngài Lý Nguyên rất hối hận, vì người bạn đã theo ý mình đi con đường mình quyết định mà bị thác sanh vào người đàn bà này, nay nhân duyên tới đành phải xa cách bạn, song không khỏi xót xa, ngậm ngùi. Đến chiều, Ngài Viên Trạch chết. Người đàn bà sanh được ba ngày, Ngài Lý Nguyên đến thì quả nhiên, đứa bé nhìn Ngài Lý Nguyên và cười. Sau mười ba năm, đến kỳ hẹn, vào đêm trung thu, Ngài Lý Nguyên tìm đến chỗ hẹn và chỉ nghe bên bờ sông Cát Hằng có một chú bé mục đồng gõ sừng trâu mà ca rằng:

 

Tam sanh thạch thượng cựu tinh hồn,
Thưởng nguyệt, ngâm phong bất yếu luận.
Tàm quý tình nhân viễn tương phỏng,
Thử thân tuy dị tánh thường tồn.

 

Nghĩa là:

 

Ba đời trên đá linh hồn cũ,
Hưởng trăng với gió chẳng cần bàn.
Hổ thẹn tình người xa đến viếng,
Thân này tuy khác tánh còn nguyên.

 

Có nghĩa là đã ba đời Ngài tu thiền trên đá ở phía Tây chùa Nhạc Lộc, bao nhiêu thú vui trăng gió của ngày xưa, hôm nay không còn là việc để nhắc đến. Nhưng gặp nhau trong khoảnh khắc này thì:

 

Hổ thẹn tình người xa đến viếng
Thân này tuy khác tánh còn nguyên.

 

Trong vòng luân hồi đã từng gặp nhau, đã từng tu hành với nhau, nay bạn đến đây thăm tôi, nhưng thân đã đổi khác rồi. Tuy thân đã đổi khác, nhưng tâm vẫn nhớ, bản tánh kia chưa từng đổi bởi tử sanh, nên tánh vẫn còn nguyên.

 

Ngài Lý Nguyên nghe vậy, bèn gọi: “Trạch công, ông có mạnh không?”.

 

Ngài Viên Trạch nói: “Chân tín sĩ Lý Công! Ông duyên tục chưa hết, cẩn thận chớ gần nhau, chỉ chuyên cần tu thì chẳng đọa, rồi sẽ gặp nhau nữa”.

 

Ngài Viên Trạch mới ca tiếp:

 

Thân tiền thân hậu sự mang mang,
Dục thoại nhân duyên khủng đoạn trường.
Ngô Việt sơn xuyên tầm dĩ biến,
Khước hồi yên trạo thướng Cù Đường.

 

Nghĩa là:

 

Thân trước thân sau sự mịt mùng,
Muốn nói nhân duyên sợ điếng lòng.
Ngô Việt núi sông tìm đã khắp,
Khua chèo trở lại đến Cù Đường.

 

“Thân trước thân sau sự mịt mùng”, khi mình bỏ thân này sang đời sau, mình đâu có nhớ được thân trước mình như thế nào. Nhân duyên ngày xưa mình đã sống với mọi người, đã thân với ai, đã cùng nhau tu hành như thế nào, mình đâu có biết được?

 

“Muốn nói nhân duyên sợ biện lòng”, Ngài Viên Trạch muốn nhắc lại những nhân duyên xưa kia đã từng sống với nhau, cùng nhau tu hành thanh thoát như vậy, nhưng hôm nay không còn được diện kiến nữa. Nhưng sợ ngài Lý Nguyên nghe được thì hai bên sẽ rất đau lòng.

 

“Ngô Việt núi sông tìm đã khắp, Khua chèo trở lại đến Cù Đường”. Quanh quẩn trong vòng sanh tử luân hồi đã nhiều kiếp, tìm nhau cũng đã khắp chốn cùng đường, hôm nay vừa được gặp lại nhau thì lại vội ly biệt, nhưng vẫn còn một chốn yên bình, đến trong ấy sẽ được gặp nhau mãi mãi: “chuyên tu thì chẳng đọa, rồi sẽ gặp nhau nữa”.

 

Sau khi đọc bài kệ xong, Ngài Viên Trạch ẩn mất và không còn thấy nữa. Ngài Lý Nguyên trở lại chùa sống hơn ba mươi năm và chết lúc tám mươi tuổi.

 

Ngày nay chúng ta được sanh ra làm người, đã có duyên lành gặp Phật pháp rồi thì mình phải cố gắng khắc tâm tu hành, tu hành sao cho đúng như lời Ngài Viên Trạch đã khuyên Ngài Lý Nguyên, để làm sao mỗi một đời, duyên tục của mình được gột bớt dần, chứ không có quyền dày thêm. Nếu như tất cả quý vị ngồi trong pháp hội này, ngày hôm nay mỗi người đều cố gắng tự gột bớt duyên tục thì ngày sau chúng ta sẽ tiếp tục gặp nhau giống như trong pháp hội này nữa, nhưng sẽ thanh thoát hơn, nhẹ nhàng hơn, vui tươi hơn, an ổn hơn. Duyên tục được gột bớt thì vầng trăng mình càng sáng tỏ, như ánh trăng từ mùng một đến ngày mười lăm, không bị các mây trần làm lu mờ.

 

3/ KHỔ ĐAU SANH TỬ LÂU DÀI.

 

Tất cả chúng ta đã lăn lộn trong vòng luân hồi sinh tử này rất nhiều kiếp rồi, nhưng có ai biết được không? Mỗi một đời như vậy mà mình không khéo giác thì càng luân hồi. Càng lăn lộn trong bụi trần đó bao lâu thì càng tô bồi thêm duyên tục, vầng trăng trí tuệ nơi mình càng bị lu mờ bấy nhiêu. Đó là gốc, là nguyên nhân kéo theo bao nỗi khổ khác trong cuộc đời. Cho nên muốn hết khổ, muốn tiến lên thì không gì hơn là chúng ta phải bắt chước, học theo hạng người thứ hai và thứ tư, giống như mặt trăng từ mùng một đến ngày rằm.

 

Quý Thầy sẽ kể một câu chuyện để thấy mình đã trải qua vòng luân hồi dài và nhiều như thế nào. Trong Thích môn tự cảnh lục, có ghi lại câu chuyện của một vị Thánh Đạt Ma Mật Đa làm tăng đốt lò và chụm bếp.

 

Sau khi Đức Phật diệt độ, trong ngọn núi của xứ Kế Tân có bậc Thánh Tỳ kheo tên Đạt-Ma-Mật-Đa tài huệ hơn người, tọa thiền bậc nhất. Chỗ Ngài Đạt-Ma-Mật-Đa ở có ba lớp hang. Bấy giờ có hai vị tăng từ xa nghe tiếng tăm nên đi đến lễ bái, thấy tôn giả mặc y cũ kỹ xấu xí ở trước lò của tầng hang thấp nhất, vì muốn điều phục thân tâm mình mà làm vị tăng chụm lửa, đốt lò.

 

Khi ấy hai vị tăng hỏi: Trưởng lão Đạt-Ma-Mật-Đa đang ở đâu?

 

Ngài đáp: Ở trong phòng của tầng hang trên kia.

 

Hai vị tăng liền đi lên tìm. Tôn giả dùng sức thần túc phút chốc trở về phòng mình.

 

Hai vị tăng vừa gặp lấy làm lạ liền sanh nghi ngờ, hỏi: Đại đức là bậc Thánh nhân, uy danh đầy khắp cõi Diêm-Phù-Đề, tại sao lại tự cúi thấp mình làm tăng chụm lò như vậy?

 

Thánh Đạt-Ma-Mật-Đa đáp: Nay ông nên biết, ta gẫm nhớ trong vòng sanh tử chịu khổ lâu dài. Vì thấy rõ cái khổ đó nên giả sử đầu và tay có thể nhen đốt được, ta sẽ vì chúng tăng mà đốt hết, huống nữa là những phần khác của thân đem để chụm lửa thì đâu đáng gì mà cho là khó? Ta nhớ lại vào thuở xa xưa trong 500 đời thường làm thân chó đói khát khổ sở. Tuy trải qua nhiều thân chó, nhưng chỉ có hai lần được no đủ. Một lần nhân có người uống rượu quá say ói mửa bên cạnh đường, ta đi ngang gặp được một lần no. Lại một lần khác làm chó trong nhà nghèo, hai vợ chồng nấu cháo đựng đầy trong niêu và có việc tạm đi vắng. Ta vì đói nên chui đầu vào trong niêu mà ăn, khi ăn được no rồi thì rút đầu ra không được. Người nhà về gặp như thế liền nổi giận dữ lấy dao bén chém đứt đầu ta. Ta nghĩ đã thọ thân chó 500 lần, tuy có hai lần được no nhưng bị mất thân mạng. Thế nên gẫm lại trong sanh tử lâu dài quanh quẩn trong năm đường, tuỳ sanh ra nơi nào thảy đều chịu khổ. Cho nên ngày nay ta chẳng từ mọi nhọc nhằn, sao lại chối từ, không vì chúng tăng mà nhóm lửa?

 

Giờ xét lại mình, hôm nay mình tu hành là nhọc hay không nhọc? Nếu nói thuận tiện mà không nhọc nhằn thì không phải. Có khi vì sinh nhai mà tất bật từ sáng đến chiều, tối mới tranh thủ một chút thời gian ngồi thiền, nghe pháp, phải phấn đấu lắm mới làm được. Xét lại hoàn cảnh của mình phải phấn đấu để tu học Phật pháp thì rất là nhọc, nhưng nếu quý vị thấy được cái nhọc, cái khổ trong nhiều đời mê lầm mình đã trải qua là gian nan và đau khổ đến rợn người, thì cái nhọc nhằn phấn đấu tu hành để thoát khổ ngày hôm nay có đáng phần nào không? Không đáng gì để mình phải ngại cả. Khi hiểu được lợi ích của sự tu hành là để thoát khổ, mình sẽ sẵn sàng tu hành tinh tấn hơn, khẩn thiết hơn, tha thiết hơn mà không hề biết mệt mỏi.

 

Quý vị thấy hiện tại mình sinh ra đời, sự khổ đau cũng nhiều chứ đâu phải là ít. Được làm người có phước như vậy mà còn khổ, huống nữa là sanh ra trong các loài kia thì còn khổ biết chừng nào. Mình đã lăn lộn trong sáu nẻo luân hồi biết bao lần, không ai có thể tính đếm hết được. Nếu cộng lại tất cả những loài mình đã trôi nổi từ vô thủy kiếp đến nay thì sự khổ đau lớn hay nhỏ? Khổ rất là lớn, vì vậy xét ra, khổ này là một lẽ thật. Các vị Thánh vì đã tỏ sáng đạo nhãn nên các Ngài mới thấy được cái khổ trong luân hồi một cách rõ ràng. Bằng vào cái thấy của quý Ngài và bằng sự chiêm nghiệm của mình hiện tại, chúng ta mới thấy được nỗi khổ lớn trong sanh tử là một lẽ thực. Cho nên ngày nay muốn thoát ra khỏi cái khổ lớn đó thì không gì hơn là phải chuyên tâm lo tu tập. Một khi vầng trăng trí tuệ được tỏ rạng thì bóng đêm đau khổ sẽ tự trừ. Quý vị phải biết cách dẹp khổ, đừng nên chăm chăm nhìn vào cái khổ đó rồi nóng vội muốn cho nó qua thật nhanh, đừng nên để ý nó và cũng không có tâm niệm để mặc nó. Chỉ là ngay đó, tâm mình khéo lặng trong thì các khổ tự trừ. Thực tế thì hiện tại mình có khổ thực chứ không phải là không, nhưng thực ra cái khổ đó không có khả năng làm cho mình khổ mà mình vẫn thấy khổ thực, là vì mình đang mê. Còn khi trí tuệ bật sáng ra thì những cái khổ đó nhìn lại giống như một trò cười, không đáng, nhưng không hiểu sao mình lại khóc cười trên đó được. Quý vị thử nhớ lại những nỗi khổ thời ấu thơ, hiện nay đâu có giá trị gì? Rõ ràng nỗi khổ đó không thật mà hồi trẻ con mình lại thấy nó có vẻ khủng khiếp. Thì tương tự, những nỗi khổ hôm nay mình cho là ghê gớm, nhưng rồi ngày sau nó cũng chẳng còn có giá trị gì. Mới biết khổ đau là không thật. Và nên biết sớm, biết kịp thời để chúng ta khỏi phải mất một thời trả giá thương đau. Muốn được như vậy thì một mặt không theo các thứ bên ngoài, mặt khác phải thường giác tỉnh, khéo lặng lại trên các cảnh khổ đau. Khi lực giác tỉnh đủ lớn thì các khổ đau tự tiêu trừ, không cần nhọc công đuổi dẹp. Tu là để giác. Trở về tánh giác thì các vọng, nghiệp, khổ tự trừ, chứ không phải nhọc công đi dẹp những thứ huyễn hóa không đâu đó. Có khi chúng ta nghe nói dẹp bản ngã, tiêu trừ nghiệp, giải thoát khỏi sự trói buộc khổ đau..., chúng ta liền tưởng tượng lập nên một bản ngã thật trong đầu để dẹp, có một cái nghiệp thật để tiêu trừ và có một sự trói buộc thật để cởi bỏ giải thoát. Đó là lầm. Đang khi chưa có gì thì thẳng đó mà lặng trong, đừng lập thêm một pháp. Khi nó đến thì phải thấy rõ, nó là đồ giả, không thật, không theo nó, tìm lại sự lặng trong trên nó thì tất cả mọi thứ tự tiêu trừ. Dụng công như thế sẽ có hiệu quả và không phải nhọc nhiều công sức. Các bậc cổ đức đã thoát ra rồi, thấy rõ và đã nói lại cho chúng ta biết “nằm ở trong vòng luân hồi mà chịu cái khổ suông”, chỉ do chúng ta còn mê nên mới thấy có cái khổ thực. Bây giờ muốn hết khổ thì không gì hơn là phải siêng năng tu tập để vầng trăng trí tuệ được tỏ rạng thì bóng tối đau khổ sẽ tự trừ. Cho nên vấn đề cốt lõi muốn giải quyết được cái khổ lớn sanh tử thì chỉ cần tỏ sáng vầng trăng trí tuệ nơi chính mỗi người là xong.

 

4/ VỀ VỚI VẦNG TRĂNG CHÂN THẬT CHÍNH MÌNH.

 

Nãy giờ quý vị đã thấy được giá trị của vầng trăng trí tuệ nơi mình là như thế nào. Hôm nay là ngày rằm, quý vị dù muốn hay không thì cũng đều đang tắm mình trong ánh trăng sáng vằng vặc ấy. Nhưng phải coi lại, có khi đang tắm mình trong vầng trăng đó thì có biết làm cho vầng trăng ấy sáng tỏ thêm lên hay là chỉ biết vui theo vầng trăng bên ngoài để vầng trăng kia lui dần vào bóng tối.

 

4.a/ Vui theo loạn động là đau khổ.

 

Muốn được tắm mãi trong vầng trăng ấy thì phải biết thưởng thức vầng trăng ấy như thế nào. Trước tiên đặt lại vấn đề, mình vui theo trăng gió bên ngoài là có lỗi hay không lỗi? Vui theo trăng gió bên ngoài là thanh thoát hay khổ đau? Thông thường, chúng ta nghĩ rằng mình ngắm trăng, thưởng trăng là cái vui thoát trần, không đến mức lỗi như đắm vào những thú vui trần tục khác. Không ai bắt lỗi mình trong đó cả, nhưng nếu nhìn kỹ hơn mới thấy, vui theo trăng gió bên ngoài là cả một sự thiệt thòi lớn cho chính mình. Nhìn được mặt đó mới thấy được cái lỗi nơi chính mình để từ đó, buộc mình ra khỏi chứ không ai bắt lỗi mình trong vấn đề này. Tại sao như vậy? Vì khi vui theo trăng gió bên ngoài là quên mất chính mình, và khi ấy không những trăng gió bên ngoài, mà bất cứ thứ gì bên ngoài cũng đều làm cho chúng ta quên mất chính mình cả. Mà quên mất chính mình, bất giác lao ra thì vòng luân hồi có ra từ đó. Bất giác lao ra để đi trong vòng sanh tử luân hồi thì sướng hay khổ? Dứt khoát là phải chịu khổ chứ không thể nào tránh khỏi. Vui với trăng thì thanh thoát, nhưng lỗi ở chỗ vui theo trăng bên ngoài, phải đánh lỗi ngay chỗ phóng ra đó. Một chút phóng ra này mình coi nhẹ, coi là bình thường, nhưng đó là cái gốc đi trong luân hồi, vào luân hồi thì phải khổ, cho nên vui theo trăng gió bên ngoài chưa hẳn thực sự thanh thoát.

 

Trong Kinh A Hàm có kể lại, có một vũ kịch sư đến hỏi Đức Phật rằng: “Con nghe ngoại đạo nói, ai mà vũ kịch hay, làm cho nhiều người vui thích thì sau khi chết sẽ sanh lên cõi trời hý tiếu, có phải vậy không thưa đức Thế Tôn?”.

 

Bấy giờ Đức Phật lặng thinh không đáp, đợi cho vũ kịch sư hỏi ba lần, Đức Phật mới nói. Tại sao Đức Phật không nói liền mà phải đợi vũ kịch sư lặp lại câu hỏi ba lần mới nói? Vì lúc đầu ông không khách quan để hỏi tìm chân lý mà muốn Đức Phật trả lời một câu thích ứng với sở thích của mình, tức là sinh về cõi trời hý tiếu, vì ông đang là một vũ kịch sư rất giỏi. Vì thế, đức Phật phải đợi khi ông hỏi đến ba lần thì tâm thiết tha cầu học đã có, lúc ấy Đức Phật mới nói: “Người vũ kịch vui làm cho tâm người buông lung, ba độc dấy khởi. Do tạo cái nhân ấy cho nên sẽ mắc quả báo sanh vào địa ngục hý tiếu”.

 

Thường ngày mình nghe nói người nào làm cho người khác vui thì có phước, nhưng Đức Phật lại nói vào địa ngục là sao? Tại vì khi làm người vui thì tâm của người đó bị buông lung, mà khi buông lung, bất giác phóng ra thì ba độc có ra từ ấy. Có lúc nào quý vị đang sáng tỏ rõ ràng mà có tham sân si không? Không. Khi nào mình mê tối thì mới có tham sân si. Đang sáng thì không tối, mà quên sáng để đi ra thì mờ tối, con người khi đã ra thì tâm bị chao đảo, mà chao đảo thì không làm chủ được chính mình, không được định tĩnh, buông lung, ba độc dấy ra từ đó. Tạo cái nhân làm cho một người mất đi sự tự chủ của chính họ, buông lung, chịu ba độc để khổ thì có thể sanh về cõi trời được không?

 

Qua đó mới thấy không phải nhất thiết mình làm cái gì cho người khác vui cũng đều được phước lành. Muốn được phước lành, còn tùy thuộc niềm vui ấy có chánh đáng hay không chánh đáng. Nếu niềm vui đó là vui trong tịch tĩnh, vui trong sự trong sáng, dứt các vọng niệm, hợp với đạo lý thì đó là niềm vui trong sạch, vui giải thoát thì đó là tốt. Còn trái lại nếu vui theo ngũ dục, vui theo trăng gió bên ngoài, khiến cho tâm thần dao động, phiền não phát sanh, đó là niềm vui trần tục, kết tập nhân đi vào sanh tử, mà sanh tử thì khổ đau. Cho nên phải tạo niềm vui chính đáng cho người thì mới được phước. Còn làm cho người vui trong mê lầm, chịu khổ, tạo nhân cho người khổ thì mình phải đọa vào địa ngục hý tiếu.

 

4.b/ Bất giác, dao động là nguyên nhân đưa đến khổ đau.

 

Tại sao vui với trăng gió bên ngoài mình phải chịu khổ? Nếu như trên cái vừa lòng thích ý nó có thể làm cho mình vui thích được thì cái nghịch ý trái lòng nó cũng có thể làm cho mình khổ đau được. Vì sao lại như vậy? Thường mình nghe và chỉ nhớ vui và khổ mà quên rằng tại sao mình khổ, làm sao được vui. Một cảnh vui làm cho mình vui được là vì mình quên mình lao ra theo cái vui và cảm nhận nó. Trên cảnh vui mà mình quên mình lao ra được thì trên cảnh khổ mình cũng sẽ quên mình mà lao ra được. Bởi vì khi bắt đầu lao ra là động. Do sự bất giác, dao động, dấy tâm rồi mới lao ra và cảm nhận vui buồn. Trên cái vui mà bất giác, dao động được thì trên cái khổ tâm mình cũng theo đó mà không giác, náo động và khổ đau. Bất giác và dao động trên cái vui quen rồi thì nó sẽ lớn mạnh và chi phối mình khổ đau nhiều trên cảnh đau khổ. Chính cái bất giác, dao động, dấy tâm, lao ra này là cái làm cho khổ và vui chi phối được mình. Cái khổ và vui là cái bên ngoài, tự nó không có khả năng chi phối mình. Nhưng tại mình bất giác, dao động, lao ra thì ngay cái dao động lao ra đó là lỗi. Trên khổ mà không tĩnh lặng, cứ dao động lao ra thì phải chịu khổ thôi, không trốn được. Chừng nào trên khổ mà mình giác lại được thì khổ đó không chi phối được mình, thì trên khổ mà mình không khổ. Mà muốn giác mạnh thì trên vui, mình không có quyền mất mình để vui trên đó. Tuy rằng trăng gió bên ngoài là đẹp, là mát, là thơ, nhưng quên mất mình đi ra thì những cái vui đó làm cho mình đi ra hoài, huân thành lối mòn, tập cho mình quen thói bất giác, cho nên khi khổ tới, mình mất tự chủ và bất giác liền, khi đó các khổ xâm nhập và mình phải chịu khổ đau. Nếu mình không thấy điều quan trọng đó thì không bao giờ thắng được. Cho nên ở đây phải thấy cho rõ, thấy cho tường tận chỗ bất giác phóng ra thì mình mới thấy được sự tai hại của việc vui theo trăng gió bên ngoài, chuốc lấy sự đau khổ là như vậy. Không phải trăng gió làm cho mình khổ mà chính cái bất giác huân thành thói quen này làm cho chúng ta khổ.

 

Nói rộng ra cho quý vị thấy, trên một cảnh vừa lòng mà mình vui theo thì khi ấy mình bất giác, quên mất chính mình mà phóng ra. Vừa bất giác phóng ra mà không giác trở lại kịp thì mình đang theo cái sanh diệt và bị cái sanh diệt đó cuốn trôi, cũng giống như người chưa biết bơi mà ra chỗ nước sâu, vừa lao ra thì liền bị trượt chân chết đuối. Cho nên lao ra bị sanh tử cuốn lôi là khổ chứ không phải vui theo trăng gió bên ngoài là khổ. Chính trên cảnh vui nhỏ mà bất giác lao ra thì chính cái bất giác lao ra đấy huân lâu ngày sẽ trở thành thói quen, thành lối mòn nên khi cảnh khổ tới, mình cũng bị cái thói quen lao ra đó khiến cho mình mất tự chủ, từ đó bị cảnh khổ chi phối và phải chịu khổ.

 

Từ đây rút ra kinh nghiệm, những cái vui và khổ của thế gian có ra đều từ bất giác. Hai cái đó là vô thường đắp đổi chứ không có thực. Mà cái vô thường đắp đổi không thực thì không có quyền làm cho mình vui buồn trên đó. Tại vì chúng ta bất giác lao ra nên phải chịu vui khổ trên cái vô thường tạm bợ không đáng đó thôi.

 

Người bình thường không xét kỹ thì coi niềm vui trăng gió bên ngoài là thanh thoát, nếu nói vui theo trăng gió bên ngoài là khổ thì không ai chấp nhận. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, thấy được cái bất giác lao ra theo niềm vui bên ngoài đó chính là nguyên nhân làm cho mình khổ, thì mới thấy cái vui thanh thoát đó rất nhỏ, không đủ để bù lại cho cái khổ từ sự bất giác của mình. Ngày xưa, quý Ngài đối với việc này rất kỹ chứ không phải xem thường như mình. Sở dĩ mình coi thường là bởi mình chưa thấy được cái tai hại và nỗi khổ từ sự bất giác đó. Cũng không phải riêng chúng ta ngày nay mà xưa kia có nhiều vị tu hành đắc lực nhưng cũng do dễ dàng tha thứ, dễ dàng xem thường một chút vui nhỏ của trăng gió này mà phải đi lại vào trong vòng luân hồi, chịu lao đao lận đận.

 

4.c/ Thoạt vừa khinh suất, đi vào luân hồi.

 

Chắc ai cũng biết cuộc đời của ông Tô Đông Pha, là một vị quan hiểu đạo lý, sống một đời tiêu dao với trăng gió thơ ca, không hề màng tới chuyện trần tục, nhưng cũng phải chịu bao gian nan, khổ sở, truân chuyên, bị lưu đày từ vùng này sang vùng khác, có khi vừa đưa lên làm quan cửu phẩm lại bị hạ xuống tầng thấp nhất, vừa bị đưa đày đến vùng biên ải chưa đến nơi, lại bị tội khác đày đến một vùng khác. Tiền thân của ông Tô Đông Pha là Thiền sư Giới ở núi Ngũ Tổ, khi sắp tịch Ngài chống cây gậy rồi tịch. Như vậy công phu tu hành của Ngài không phải thường. Nhưng vì trong lòng còn chút vui theo cợt gió, thưởng nguyệt, vịnh trăng, nên đời sau mang phước đức tu hành cộng với cái vui trăng gió đó để đi làm một ông quan, tiêu dao với phong nguyệt thơ ca rất hay, gặp Ngài Phật Ấn bàn bạc đạo lý rất giỏi, nhưng song song đó phải chịu cảnh lận đận, lao đao như vậy. Cái vui này không phải mới có từ thời làm thiền sư, mà đã có từ thời cùng Ngài Phật Ấn làm huynh đệ. Ông Tô Đông Pha có một kiếp cùng Ngài Phật Ấn làm huynh đệ tu hành, nhưng Ngài Phật Ấn chuyên tâm tu tập nên đời nào Ngài được sanh ra cũng tiếp tục tu hành. Còn ông Tô Đông Pha là sư đệ, tu thì tu, mà thấy trăng thì cứ ngắm, trào phúng thì cứ làm thơ. Ngài Phật Ấn thấy vậy thương nên phát nguyện đời nào sư đệ sanh ra mà bị lầm lỗi thì đời đó Ngài sẽ sanh cùng để khơi dậy chủng tử tu hành, không để sư đệ theo thói đó mà bị sa đọa.

 

Bây giờ mình mới thấy rõ, một chút xíu vui theo trăng gió bên ngoài, mình coi là tầm thường, coi là thanh thoát, thoát tục, nhưng chính cái nhỏ đó làm cho mình phải đi vào trong vòng luân hồi sanh tử để rồi chịu bao cảnh lận đận lao đao. Đem ra cân lại, vì một chút xíu vui theo trăng gió đó để đổi lại cái bị lận đận lao đao, gian truân quá khổ thì niềm vui nhất thời đó có xứng đáng cho chúng ta vui không? Không xứng đáng thì mình có nên lao ra để vui theo trăng gió bên ngoài không? Nhiều lúc chúng ta không xét, bị nó lừa nên coi nhẹ nó, mình sống chung với nó một cách hòa bình, an nhiên, thấy không có gì cả, cho tới khi khổ rồi mới khóc thì lúc đó làm gì kịp. Cho nên bây giờ phải lo tỉnh trước cho chắc ăn.

 

Một chuyện tương tự, thời vua Thành Thái, có một vị trụ trì ở chùa Từ Hiếu đạo cao đức trọng (hình như là Ngài Cương Tử), tu thiền định rất là miên mật. Ngài ngồi thiền nhiều đến nổi mi mắt sụp xuống, mỗi lần muốn nhìn phải vén mi mắt lên mới thấy. Khi vua Thành Thái đến chùa, bảo thị vệ đứng bên ngoài, một mình vua xuống ngựa đi bộ bước thẳng vào phương trượng, thoi vào bụng vị Hòa thượng một cái. Hòa thượng nắm tay vua, hai người cùng đi dạo ra ngoài vườn nhổ củ mì (sắn) rồi cùng nhau nướng ăn. Vị Hòa thượng cũng không thấy mình là một vị hòa thượng đạo cao đức trọng, vua cũng không thấy mình là một vị vua, hai người trở lại trong một phong thái rất bình dị, thân gần. Tại sao lại như vậy? Cũng bởi đã từng cùng nhau tu hành từ nhiều kiếp trước đó. Hai người thường cùng nấu, cùng ăn và cùng kể chuyện kiếp trước đã cùng nhau tu hành như thế nào. Nhưng vua Thành Thái tu thì tu mà vẫn ham vui theo bên ngoài nên mang cái phước tu hành đó kết hợp với cái vui này mà đời nay phải sanh ra làm vị vua. Một vị vua quý vị thấy sướng hay khổ? Chưa chắc có đầy đủ tài sản, quyền uy, danh vọng là sướng mà khi nào ngồi trên địa vị danh vọng, của cải, quyền uy thì quý vị mới nếm được cái khổ của những thứ đó là dường nào. Là một người tu hành mà ham thích một chút vui bên ngoài để rồi mang phước đức tu hành làm một ông vua để phải chịu khổ như vậy, khi vua nhớ lại, đến thăm vị trụ trì ngày xưa đã từng tu hành với mình, thì trong lòng biết bao ngậm ngùi, quý vị có biết không? Giả sử bây giờ quý Thầy nhắc lại tiền kiếp quý vị đã từng tu hành với quý Thầy như thế nào, rồi quý vị so lại đời sống tu hành thanh thoát của mình ngày xưa với cảnh sống bây giờ trong một gia đình nhỏ nhoi, nhộn nhịp, lăng xăng lộn xộn, vội vội vàng vàng thì chắc rằng không ai mà không bùi ngùi, tủi thân, buồn tiếc, phải không? Cho nên ham vui một chút để rồi chịu khổ thì thật là tội nghiệp và đáng tiếc thay.

 

Ngài Vân Môn cũng vậy, ngày xưa Ngài cùng sư huynh tu trong cùng một pháp hội, nhưng vì còn tâm ưa thích bên ngoài nên có nhiều đời phải làm vua, bị gián cách việc tu hành. Sau khi hết làm vua, chủng tử tu hành nó gợi nhắc lại nên quay trở lại tu và sau này trở thành một thiền sư đạt đạo. Sư huynh của Ngài tu hành miên mật nên những đời Ngài làm vua thì sư huynh vẫn tiếp tục tu, cho đến ngày Ngài ngộ đạo thì sư huynh cũng ngộ đạo. Hai người ngộ đạo như nhau, nhưng so về cái dụng thì Ngài Vân Môn không bằng sư huynh, do vì một số đời làm vua, việc tu hành bị gián đoạn.

 

Chúng ta đã biết Ngài Quy Sơn Linh Hựu là một thiền sư nổi tiếng ở Trung Quốc. Lúc Ngài xuất gia tu hành, đang trên đường đi thọ giới, thì Ngài Hàn Sơn, Thập Đắc (hiện thân của Ngài Văn Thù, Phổ Hiền) rình trong bụi rậm đón đường, đợi Ngài Quy Sơn đi qua liền nhảy ra, hét lên một tiếng thật lớn. Ngài Quy Sơn giựt mình. Hai vị nói: “Có nhớ ta chăng? Ta cùng ông ở trong hội của Phật Thích Ca, trải qua mấy trăm đời làm quốc vương mà quên nhau rồi hay sao?”. Tức là Ngài Hàn Sơn, Thập Đắc trải qua nhiều đời tu hành miên mật nên diệu dụng rất phi thường. Còn Ngài Quy Sơn vì có mấy trăm đời làm quốc vương nên hôm nay quên, không nhớ ngày xưa đã cùng tu hành với hai Ngài Hàn Sơn và Thập Đắc. Một bên tu hành liên tục nên đời nay nhớ lại bao nhiêu kiếp và diệu dụng thấy đạo rõ ràng. Còn một bên cũng tu hành, nhưng trải qua nhiều đời làm vua, bao đời làm vua là bao đời trí tuệ bị ngăn cách nên nay còn gánh gói đi thọ giới, không nhớ đời trước của mình là ai.  Đó là chuyện xưa, bây giờ quý vị xét lại nơi mình. Có nhiều người ở thế gian nhiều lúc thấy những cảnh ngoài đời cũng không có gì đáng thích thú, trong thâm tâm nhiều lúc cũng muốn xuất gia, hoặc có vị khi thấy hình ảnh người tu cũng ngậm ngùi, man mác như là nhớ lại cái gì xa xăm khó tả, có khi chịu không nổi, muốn đi tu, nhưng lúc chuẩn bị dứt áo ra đi, nhìn lại thấy mình còn bị nhiều cái cột chân quá, đi không nổi. Đó cũng là một dấu hiệu cho biết rằng, đời trước mình cũng có nhân duyên xuất gia tu hành, cho nên đời nay thấy cảnh tu mới có những cái man mác trong lòng như vậy. Nhưng mà đã có lần lỡ vui với đêm trăng nào đó. Thấy đêm Trung Thu gió mát, trăng thanh, cảnh vật hữu tình, dọn bánh dọn trà ra để vịnh trăng thưởng nguyệt. Vì mang phước đức tu hành của quá khứ cộng với cái duyên vui đó, nên đời nay phải có một ngôi nhà tạm gọi là đầm ấm, nhưng ngôi nhà đó có gì bền chắc và trong đó là vui nhiều hay khổ nhiều? Một khi cái duyên vui theo trăng gió bên ngoài đã huân vào rồi thì sẽ làm cho duyên tu của mình kém mỏng, vì vậy mà đời này muốn tu nhưng chưa đủ duyên để tu. Biết vậy thì phải dàn xếp làm sao cho duyên mình đủ mới được, chứ còn ngày nay nếu không biết được căn nguyên cội nguồn của nó, mà vẫn còn lao theo những duyên vui bên ngoài thì sẽ còn tiếp tục bị lôi kéo nữa, không biết đến bao giờ duyên trần nó mới tha thứ cho mình thoát ra được.

 

Như vậy quý vị thấy, dù đã có công phu, nhưng nếu mình xem thường và dễ dàng tha thứ một niệm lao ra vui theo trăng gió bên ngoài thì chính niệm đó lại có tác dụng dẫn mình đi trong sanh tử và phải chịu quả khổ. Cho nên phải biết rõ rằng, ngày nào mình còn lao ra vui đùa theo ánh trăng bên ngoài thì ngày đó còn mê, mà mê thì phải chuốc khổ thôi, chứ không có cái vui nào thực trong mê cả.

 

Vì vậy, là người hiểu đạo lý chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm của một niệm lao ra khiến tâm mình phải chao động, phải tiêu hao khí lực và khổ đau. Thấy rõ như thế thì không bao giờ mình dám lao theo cái vui thưởng trăng, ngoạn gió bên ngoài tạm thời đó để rồi phải chịu cái khổ lâu dài, mà mình phải biết quay về với vầng trăng chân thật nơi chính mình, như thế mới hưởng được niềm vui chân thật và lâu dài được.

 

Thông thường chúng ta đợi khi khổ rồi mới nhận thấy. Nhưng nếu ai khéo, một niệm dễ vui phóng ra, liền nhận thấy rõ chỗ lao ra đó là nguy hiểm, nếu mình nghiêm khắc không dễ dàng tha thứ thì mới nhận ra được cái lắt lay, chao động của tâm mình, mà khi thấy được cái lắt lay chao động làm cho mình khổ thì sẽ rất là sợ. Nếu mà sợ được thì mới không dám lao ra, nếu lúc nào quên, lao ra thì cái sợ này nhắc mình thức liền. Khi được nhắc Hằng ngày như vậy thì sức tỉnh giác rất cao, sức tỉnh giác cao thì không đi ra, lâu dần sức giác càng lớn, có nghĩa là vầng trăng trí tuệ càng sáng. Vầng trăng trí tuệ sáng thì khổ vui cuộc đời bớt chi phối mình, còn nếu quý vị nào ráng tu mạnh mẽ hơn thì khổ vui trong đời không còn đủ giá trị chi phối mình nữa.

 

5/ TRĂNG MÃI CÒN ĐÂY.

 

Như vậy, ngay một niệm lao ra là đang theo vầng trăng bên ngoài mà quên đi vầng trăng đang sáng nơi chính mình. Cũng ngay niệm lao ra đó mà kịp giác trở lại thì ngay đó, vầng trăng tâm đang vằng vặc sáng từ thuở nào đến giờ chứ không phải mới sáng đây. Tại mình lao ra nên bị mây tạm che, giác trở lại thì mây tan trăng hiện. Khi mà mình rõ được vầng trăng nơi chính mình rồi thì không còn cố ý đi ngắm trăng, nếu có gặp vầng trăng ngoài thì trăng ngoài trăng trong lồng lộng không gián cách chứ không phải buộc quý vị bịt mắt, không được ngắm vầng trăng bên ngoài. Lỗi là ở chỗ mình lao ra, chỉ biết trăng bên ngoài mà không biết trăng nơi chính mình. Khi hai bên không còn gián cách thì không còn luận là trăng trong, trăng ngoài mới có thể nói đến vầng trăng thu được. Còn thấy có trong, có ngoài, thấy mình và trăng còn khác thì nói trăng là mê theo trăng.

 

Vào ngày rằm trung thu, Thiền sư Hệ Nam có cảm hứng làm một bài thơ về trăng thu rằng:

 

Trung thu đêm ấy ngày rằm
Trăng trong khe biếc in thầm bóng trôi.
Sông Ngân đâu chỉ thế thôi
Bốn trăm châu cả sáng ngời thiếu chi.

 

Đêm ấy, ngày rằm trung thu, bên một bờ khe trong vắt, trăng in bóng lạnh âm thầm trôi trên đó, ngắm một vầng trăng trong núi như thế rất tuyệt. Không chỉ khe đó mà sông Ngân hà trên trời cũng đang tắm mình trong vầng trăng đó. Và cũng không chỉ sông Ngân mà cả bốn trăm châu cũng sáng ngời vầng trăng đó không thiếu. Vầng trăng đó trùm hết tất cả mọi chỗ, soi thấu đến tất cả nơi, không chỗ nào bị ngăn che, thiếu vắng. Ngài Hệ Nam đang ngắm vầng trăng nào mà sáng quá vậy? Bàng bạc ánh trăng nơi tâm Ngài đang lồng lộng cùng ánh trăng bên khe suối không chỗ xen hở, mình và vật đều quên, không còn phân biệt đây mình, kia vầng trăng thanh nữa, lúc ấy, vầng trăng tâm bàng bạc soi khắp cả bốn trăm châu, không chỗ nào mà vầng trăng ấy không soi tới. Ngài Hệ Nam ngắm được vầng trăng đó (ngắm cũng là một cách nói vì ngắm là có bên ngoài), thì quý vị có quyền ngắm được vầng trăng đó không? Nơi Ngài có thì ai cũng sẵn đủ, chỉ là quên mình theo vật thì bị ánh trăng bên ngoài làm cho chúng ta tán loạn và chịu khổ đau, nhưng vừa nhớ lại thì vầng trăng vằng vặc sáng khắp tất cả nơi, không chỗ nào mà không soi thấu.

 

Có người biện luận rằng mình cứ ngắm trăng, miễn là trăng trong, trăng ngoài không có sự ngăn cách là được. Nhưng mình phải thật thà coi lại là có thực sự ngăn cách hay là không ngăn cách. Chỗ này chúng ta cần phải chín chắn dụng công, chứ không phải thích đi ngắm trăng rồi dùng lý đạo để lái theo cho hợp với sở thích phàm tình của mình, rồi mình vui theo bên ngoài cho thỏa thích.

 

Có một vị tăng thưa với Thiền sư Viên Chiếu rằng: 

 

Nhiều năm cất giấu báu trong đãi,
Ngày nay trước mắt thấy rõ ràng.

 

Ngài Viên Chiếu nói:

 

Chỉ đợi trăng thu sáng,
Đâu ngờ mây mưa che.

 

Từ lâu lắm rồi, ai ai cũng sẵn một viên ngọc quý báu ngay nơi đãi da hôi thối này. Và vị Tăng này nói, hôm nay ông thấy rõ ràng ngay trước mắt. Đã là của báu ngay chính mình mà nói thấy là thấy cái gì bên ngoài rồi. Tuy vị tăng có thấy được Phật tánh rõ ràng trước mắt, nhưng thấy mà còn có một cái để nói tức là còn đối tượng, thì chưa khỏi bị kẽ hở cho phàm tình có chỗ chen vào. Và nếu đã thực thấy, thực nhận ra thì cứ mặc tình dùng đi, đến đây làm gì? Còn đến đây để nói như vậy thì đã loài ra áng mây mê mờ che lấp vầng trăng mình rồi. Cho nên Thiền sư Viên Chiếu nói, ông cứ ngỡ đợi đến Trung thu là trăng sáng, nhưng không ngờ đã vụng về, làm mây mưa che khuất vầng Trăng thu nơi ông rồi.

 

Đêm nay là ngày Rằm Trung Thu, tất nhiên trăng sẽ sáng. Nếu quý vị không có chủ ý rằng, đêm nay mình sẽ bày trà bánh để ngắm trăng, thì lúc nào trăng thu cũng hồn nhiên sáng vằng vặc. Còn nếu vừa tác ý bày trà bánh ngắm trăng thì “chỉ đợi trăng thu sáng, đâu ngờ mây mưa che”.

 

Chính vì vậy, trong bài phú Cư trần lạc đạo, vua Trần Nhân Tông nói:

 

Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý
Biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm.

 

Đi dạo chơi nơi non xanh, nước biếc thì có nhiều người ưa thích. Nhưng trong đó, người biết rõ đào là hồng, liễu là lục, các pháp thế nào thì thấy thế ấy, thấy biết một cách rõ ràng mà không có chỗ cho tình thức xen vào, thì có được mấy người đồng cảm thông, là tri âm của Ngài. Cho nên chuyện ngắm trăng bên ngoài là chuyện thường ở thế gian, nhưng biết rõ trăng là trăng thì có mấy người thấy biết được như thế. Trên cảnh mà giác biết, sáng tỏ rõ ràng, không đánh mất chính mình thì vầng trăng tâm đang soi sáng bàng bạc, có nơi nào thiếu vắng! Sống được như vậy thì Sơ Tổ nói người này đồng thông cảm với Ngài, là tri âm của Ngài.

 

Muốn trên cảnh rõ ràng mà không mất mình thì phải làm sao? Điểm chính yếu là nơi tâm mình phải rỗng suốt, thanh tịnh, không một chút bợn nhơ. Ngay đó, trước thì rỗng, sau thì khoáng nên không có ngằn mé, không có giới hạn, thênh thang. Vì thế Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ nói:

 

Tâm thanh tịnh không nhơ, không bợn.
Thân kiên cố không trước, không sau.
Sắc xuân hoa đóa đóa tươi hồng,
Trăng thu bóng tròn tròn viên diệu.

 

Đến trong đây, ánh trăng thu rực sáng mà mầu nhiệm lạ thường!

 

Thiền sư Tùng Duyệt ở Đâu Suất một hôm thượng đường nói: "Tai mắt một bề trong, ở yên trong hang vắng, gió thu vào cổ tùng, trăng thu sanh sông biếc. Thiền tăng khi ấy lại cầu chân, hai con khỉ đột bốn đuôi duỗi." Nói xong, Sư hét lên một tiếng.

 

Ngài nói gì vậy? Nói về trăng thu mà ngài nói gì không ai biết gì cả? Tức là Ngài dạy chúng ta tai mắt phải một bề trong, không để cho trần khuấy đục thì quý vị sẽ thấy rõ. Mà khi ấy thì phải ở yên trong hang vắng, không có quyền phóng ra để đem khách trần vào. Ngay đó, gió thu mát rượi sẽ thổi vào cội tùng cổ, ngay khi ấy niềm vui tràn ngập trong ánh trăng thu. Chỉ cần không tâm tạo tác, không tâm tìm kiếm, ngay đó khéo nhận thì liền xong. Còn nếu vừa có tâm kiếm tìm thì ánh trăng thu bị khuất mất. Thẳng đó liền là chơn, vừa có niệm tìm chơn liền mất, thiền tăng ngay đó còn tìm một cái chơn nào khác thì liền có chỗ hở cho tình thức vọng niệm sanh khởi. Cho nên ngài nói ngược lại cho bặt cái suy nghĩ của mình, để khi bặt mây nghĩ suy thì trăng sáng trở lại. Nghe nói "Hai con khỉ đột bốn chân duỗi", mình vừa suy nghĩ sao hai con khỉ mà có bốn chân duỗi ra? Ngài hét một tiếng, mình có kịp suy nghĩ không? Ngay đó, tâm tìm kiếm dứt thì vằng vặc trăng thu lồng lộng, ánh trăng soi bàng bạc khắp nơi.

 

Như vậy, bặt niệm đối đãi hai bên, tâm thanh tịnh rỗng rang không một chút nhơ bợn, không một chút chao gợn ở trong lòng thì ngay đó là ánh trăng thu sáng ngời viên diệu. Làm được như vậy thì vầng trăng thu của mình sẽ tròn vẹn, sáng ngời, mầu nhiệm, thanh khiết, viên diệu một cách lạ thường, sáng mãi cho tới khi nào bằng với vầng trăng canh ba mà Đức Phật đã giác ngộ thì viên mãn.

 

Cuối cùng, chúc toàn thể quý vị có duyên nghe được bài này, vầng trăng thu nơi chính mỗi người ngày càng tỏ rạng hơn, hằng sáng mãi, không để mây mưa che mờ khiến mình lầm đường lạc lối.

 

Nam mô Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni!

 

 

Hôm nay là ngày mười bốn tháng tám, gần tới ngày rằm Trung thu, mà Trung thu thì mọi người thường nói về trăng. Trong nhà Phật cũng thường dùng vầng trăng để nói lên đạo lý theo hai chiều, chiều thuận và chiều nghịch. Nói về vầng trăng theo chiều thuận nghĩa là sao? Là dùng vầng trăng để chỉ cho ánh trăng chân thật nơi mỗi người, còn chiều nghịch là quên đi vầng trăng nơi chính mình mà theo ánh trăng bên ngoài. Hôm nay nhân ngày Trung thu, chúng ta cùng nhau xem lại từ chư Phật đến các vị tổ sư và các bậc cổ đức đã dùng vầng trăng để nói lên đạo lý như thế nào, và chúng ta nên vui với vầng trăng nào thì tốt. Cho nên đề tài nói chuyện với quý Phật tử hôm nay là “Trăng thu”.

[ Quay lại ]