headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Chánh pháp trong tôi

 Hạnh Chiếu 

Từ phương trượng, Thầy tôi bước ra. Màu hậu vàng uy nghi như màu chánh pháp. Ngồi xuống chiếc ghế mây, Thầy nhìn một lượt khắp chúng đệ tử:

- Tất cả hãy ngồi vào ghế.

Mọi người đều thấy lạ. Cái khung cảnh đoanh vây dưới chân Thầy đã thành nếp. Hôm nay sao Thầy thay đổi? Tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi ngồi xuống chiếc ghế sau cùng cuối dãy bàn, thì lại nghe Thầy bảo:

 - Tất cả hãy chấp tay lại niệm Phật cầu gia bị.

Tiếng hòa kinh của Thầy tôi, các pháp huynh tôi bất chợt như đọng lại trong hiện tại cái khung cảnh Linh Thứu sơn của quá khứ ngàn năm. Và giọng Thầy chậm rãi:

- Hôm nay, Thầy bắt đầu cùng với tụi con đọc lại thật kỹ những bản kinh, luận, sử mà chúng ta đã được học qua. Lần đọc này, có gì chưa hiểu tụi con cứ đưa ra, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu, suy nghiệm cho thật sáng tỏ, đồng thời tất cả cùng góp ý tu chỉnh những bản kinh Thầy đã giảng được hoàn bị hơn. Kinh giáo là phương tiện trợ giúp cho người thực tâm tu hành đi đến kết quả viên mãn, nên chúng ta không thể khinh suất. Để tỏ lòng tôn quí Pháp bảo, nên khi trùng tụng lại, Thầy muốn Tăng Ni phải dọn mình cho trang nghiêm thanh tịnh. Và sau này, những lúc không có Thầy, huynh đệ tụi con vẫn giữ theo tinh thần ấy, tiếp tục công việc Thầy còn dỡ dang. Mong sao việc làm này sẽ đem lại lợi ích cho bản thân chúng ta và cho mọi người trong hiện tại cũng như mai sau.

Thật là tinh khôi mà lại cổ xưa không cùng. Lời Thầy mới như hôm nay mà sao nghe cũ như hôm nao, làm tôi nhớ quá cái giây phút hơn hai ngàn năm trước trong hang núi Kỳ Xà Quật. Lúc đó, đức Phật vừa tịch khoảng hơn ba tháng. Nỗi đau mất thầy của Tôn giả A Nan chưa nguôi thì cái buồn bị tội bị rầy khi nghe Sư huynh Đại Ca Diếp trách cứ càng dồn dập. Nào là A Nan không chịu thỉnh Phật trụ thế, nào là tại A Nan mà nữ giới xuất gia, làm “giảm thọ” chánh pháp, nào là ai người ta cũng chứng Thánh mà A Nan thì cứ một bề đa văn cho đến ra nông nổi… Vậy là cuối cùng, Tôn giả không được vào dự đại hội kết tập kinh điển.

A Nan khổ quá chừng. Ngài vào rừng quyết hạ thủ công phu phen này. Sau bao ngày đêm không ngủ và trong lúc tuyệt cùng mọi nghĩ tưởng, Tôn giả vừa nghiêng mình định ngã lưng thì bỗng dưng sao mai bừng sáng. Lập tức Tôn giả nghiễm nhiên trở thành bậc A-la-hán, đệ nhất trùng tụng tạng kinh lần kết tập đầu tiên ấy. Để bây giờ, chúng ta mới có được những bản kinh của “Một thời đức Phật còn tại thế”. Mới thấy Sư huynh Đại Ca Diếp thương Nan đệ biết chừng nào!

Tinh thần giáo dục của Trưởng lão cũng đủ cho chúng ta thấy được thâm ý của Ngài. Đa văn bác học chỉ là phần thứ, sáng đạo tỏ tâm mới là việc chính yếu của người xuất gia tu Phật. Tuy nhiên ngôn hạnh tương ưng, tu học song hành mới có thể gọi là Tăng bảo. Và chỉ có Tăng bảo mới có thể hiểu được trọn vẹn thế nào là Pháp bảo, Phật bảo. Làm sao cho giáo đoàn hiểu được Phật và sống đúng như những gì Phật hiểu, Phật dạy, phải chăng chính là mục đích của những lần kết tập kinh điển ?

 Đó là câu chuyện thời chánh pháp.

Tôi sinh ra trong thời mạt pháp. Vì vậy ánh hào quang của chánh pháp như bị tư tưởng thời đại vô tình làm nhòa đi cái lung linh kỳ diệu vốn có của nó. Bất chợt hôm nay, được nép mình dưới uy quang của Thầy và các bậc huynh trưởng, tôi như thấy được những niềm tin, những đường nét sáng trong vừa ló dạng trên từng vóc dáng hình hài, trên đất, trên lá cây và trên mỗi khuôn mặt hôm nay. Không có thời gian và không gian phân cách sự cảm thông giữa người trước kẻ sau, giữa thiên nhiên cây cỏ với chim kiến trùng dế…

Và như thế, tôi có thể tạm gọi giây phút ấy là giây phút của chánh pháp được không? Khi mà sự sống và đạo không có gì tách rời nhau. Tất cả đều như ẩn hiện trong từng hơi thở, giọng đọc, ánh nhìn, nụ cười, nói nín… thật chân thành, kính tín, độ lượng của những người con Phật cùng hướng về nếp sống đạo. Và phải chăng sống đạo thì lúc nào cũng là thời đại chánh pháp. Sống đạo thì giờ phút nào cũng là giờ phút thiêng liêng, giờ vui bất tuyệt ?

Giọng đọc của pháp huynh tôi mỗi lúc mỗi lúc như rõ hơn, sáng hơn: “Này Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc; thọ tưởng hành thức cũng lại như vậy…” Bất chợt tôi nghe một cảm giác tràn đầy hạnh phúc như được đi qua cái ranh giới của quá khứ, hiện tại ngàn năm.

[ Quay lại ]