headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THIỀN VÀ TUỔI TRẺ

 Ni Sư Như Đức  

I. GIỚI THIỆU THIỀN CHO NGƯỜI TRẺ

Chữ “trẻ” ở đây không hàm ngụ tuổi tác và thời gian. Chỉ nói về tinh thần tích cực và nhiệt tình đối với cuộc đời. Như trong tác phẩm “Những Người Trẻ Lạ Lùng” của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có đoạn “... những người 60 - 70 trẻ lạ lùng và trên 70 là trẻ vĩnh viễn...”. Vì không hạn cuộc thời gian nên những người được gọi “trẻ” là những người sống hết mình và làm việc hết mình. Thiền sư Thiền Lão (dòng thiền Vô Ngôn Thông, đời thứ 6) thời Lý cũng là một người trẻ như thế. Khi vua Lý Thái Tông đến chùa hỏi Sư:

- Hòa thượng ở đây bao lâu ?

Sư đáp :

                    Sống ngày nay biết ngày nay

                   Còn xuân thu trước ai hay làm gì

Thiền sư không nói ngày giờ năm tháng, chỉ nói cái hiện tiền rõ ràng.

Khi nhà vua hỏi:
- Hằng ngày Hòa thượng làm gì?
Sư đáp:

                    Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác

                    Trăng trong mây trắng rõ toàn chân.

Thiền sư không nói nơi chốn công việc, cũng không xưng chức danh địa vị mà chỉ nói cảnh giới nội tại y nhiên trong sáng. Có thể Sư thấy tự giới thiệu mình như thế là đã đủ, nên khi nhà vua hỏi thêm, Sư chỉ nói: “Nhiều lời vô ích”. So ra cách trả lời của thiền sư Thiền Lão với vua Lý Thái Tông từ bi và dễ chịu hơn cách đối đáp của Tổ sư Bồ-đề-đạt-ma với Lương Võ Đế. Nhà vua khi thấy một vị Sư ngoại quốc ngồi trước mình đối đáp ngang tàng, muốn biết chân diện mục nên hỏi:

- Đối diện trẫm là ai ?

Ngài Đạt-ma trả lời nhát gừng:

- Không biết !

Trả lời như vậy rất đúng với đạo lý vô ngôn, nhưng hơi tàn nhẫn.

Chúng ta không thể bắt chước các thiền sư. Tuổi trẻ cũng không thích bắt chước ai, chỉ muốn giới thiệu mình một cách độc đáo. Muốn được như vậy cần số vốn tích lũy từ TÂM.

Thiền chỉ là một cách biểu hiện của tâm. Hiểu một cách bình thường tâm có hai mặt: Tiêu cực và tích cực. Tiêu cực thì gây khổ đau cho mình cho người, những bản án của xã hội, những tình trạng bê bối do những người vô tâm gây tạo, những tuổi trẻ sa đọa ăn chơi phung phí đều từ chỗ sử dụng tâm theo tà đạo. Tà đạo thì kéo theo tà khí, những luồng khí cản hắc ám khiến tâm không được trong sáng thảnh thơi. Con người từ đó đi xuống. Tâm chính đạo là những tấm gương hết lòng vì người vì đời. Như tỷ phú Bill Gates đã di chúc cống hiến 95% tài sản của mình để y tế thế giới chế tạo vaccin chích ngừa bệnh bại liệt, bệnh sốt rét... cho trẻ em trên thế giới, nhất là trẻ em Châu Phi. Tấm gương làm việc của ông khiến cho giới trẻ ngưỡng mộ lại càng ngưỡng mộ hơn vì lòng hỷ xả vị tha. Dù không là thiền sư nhưng cách hành xử buông bỏ của Bill Gates y như nhà thiền.

Có một tên trộm vào am tranh của thiền sư Lương Khoan (Daigu Ryōkan 1758-1831) trộm đồ. Không có vật gì đáng giá, Thiền sư đang tọa thiền bèn quay ra cho tên trộm chiếc áo đang mặc trên mình. Sư ở trần, nhìn ngắm trăng bên cửa sổ mà nói: “Tên ấy thật đáng thương! Tiếc rằng ta không thể đem ánh trăng này cho hắn”.

Bậc đạt đạo lấy gió mát trăng thanh làm kho vô tận mặc tình tiêu dùng, chiếc áo của Sư có thể cho tên trộm một hai bữa cơm, nhưng cái nghèo đói của tâm hắn thì không có gì bù đắp.

Hiện tại chúng ta nghe nhắc nhiều đến chữ Tâm. Người lãnh đạo phải có tâm, người cầm bút phải có tâm, người thầy thuốc phải có tâm... Chữ tâm được kêu gọi trên khắp lãnh vực truyền thông.

Trong giải trí, điện ảnh có những bộ phim đề cao tâm đức, mang tính văn hóa cao và chuyển tải một thông điệp hữu ích. Chẳng hạn cả nước vừa qua hết lời khen ngợi bộ phim Dae Jang Geum (Đại Trường Kim) của Hàn Quốc, những đối thoại có tính thiện và thiền khiến người xem cảm động. Đôi lúc chúng ta ghi nhớ lời thoại trong phim nhiều hơn là nhớ lời giảng dạy của các sư phụ.

Trong lãnh vực cạnh tranh khốc liệt như thương mại, nhà làm phim Hàn Quốc cũng đề cao chữ Tâm. Phim “Thương Gia” giới thiệu hai nhà buôn hai lối sống. Một bên áp dụng nhiều mánh khóe để kiếm thật nhiều tiền, một bên sử dụng đồng tiền như một phương tiện tạo hạnh phúc cho người nghèo. Và rốt cuộc người ta kết luận: “Xem phim ngộ ra rằng đạo kinh doanh cũng là đạo làm người. Làm bất cứ điều gì cũng cần lấy một chữ tâm...” (Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật 19-03-2006).

Báo chí hiện nay cũng hay dùng chữ Ngộ. Nguyên nó là một thuật ngữ đặc biệt của nhà thiền, để chỉ trạng thái tâm thức bùng vỡ, trút sạch hết tất cả băn khoăn tìm kiếm khổ đau, những lo âu về sanh tử, về sự tồn tại của bản ngã. Cái nghi hoặc mù mờ tự động rớt xuống, chướng ngại lớn nhất sụp đổ... Một thiền sư khi học đạo đến lúc thành tựu viên mãn phải trải qua nhiều lớp lột xác, gọi là “Tiểu ngộ phải đến mười tám phen”. Còn đại ngộ là một lần rũ sạch, làm xong, trở thành một con người mới. Có khi một đời chỉ cần một phen đại ngộ.

Thiền sư Bạch Vân Thủ Đoan (1024-1072) dụng công tu hết sức mà vẫn chưa khai ngộ. Một hôm Thầy của Sư là ngài Dương Kỳ Phương Hội (?-1054) hỏi:

- Trước đây ông thờ ai làm Thầy?
- Hòa thượng Trà Lăng Úc .
- Nghe nói Hòa thượng ấy qua cầu trợt té nhân đó đại ngộ và làm một bài kệ?
- Con còn nhớ bài kệ đó như sau:

                        Minh Châu vốn sẵn trong nhà

                        Từ lâu bụi đóng biết là có đâu

                        Hôm nay bụi sạch làu làu

                        Hào quang tỏa khắp một màu đẹp tươi.

Thiền sư Dương Kỳ nghe xong phát lên cười ha ha rồi bỏ đi. Thiền sư Bạch Vân không hiểu tại sao Thầy cười, nên cả đêm mất ngủ. Bài kệ đó có gì sai? Thái độ của mình có gì để Thầy buồn cười như thế? Sáng hôm sau, Sư đến phòng Thầy rất sớm, thưa:

- Vì sao Thầy nghe bài kệ đó lại cười?

- Trước đây ông có xem hề diễn trò chưa?

- Có xem.

- Ông xét ra còn thua tên hề!

- ??

- Tên hề thích được người khác cười, còn ông lại sợ bị người cười.

Thiền sư Bạch Vân Thủ Đoan nghe xong, hoát nhiên đại ngộ.

Câu chuyện này, chúng ta không thể lý giải, vì đó là cảnh giới tu chứng riêng của các thiền sư. Nhưng ngộ bao giờ cũng đóng vai trò tất yếu, then chốt trong nhà thiền. Chữ NGỘ chúng ta dùng hôm nay thường không nghiêm trọng như vậy, chỉ là một sự thấy ra, khám phá ra, nhìn thấu được vấn đề... Tất cả cụm từ này, dùng một chữ NGỘ thì cũng hay. Thỉnh thoảng những người trẻ ngồi nói chuyện với nhau, một người chợt la lên: “A! Tôi ngộ rồi”. Không có gì ghê gớm lắm trong cách nói ấy, nhưng không khí dường như vui hơn.

Thiền được cảm nhận nhiều qua hội họa và thư pháp, đó là khung trời tinh tế giúp chúng ta quên bớt nhọc nhằn hiện tại. Hình ảnh Tổ sư Đạt-ma được phóng họa nhiều nhất, với đôi mắt mãnh liệt hay bộ râu ngang tàng. Đôi lúc chỉ vài nét cọ, nhưng dường như có sự thúc hối kỳ lạ khi chúng ta ngắm bức tranh. Chúng ta muốn trở về ngồi yên tĩnh với chính mình, trong một góc nhỏ thư giãn, để mọi lo toan phiền muộn lắng xuống, trôi đi. Cái còn lại là một con người trong veo. Một đôi giây phút bắt gặp con người trong veo ấy, quý giá vô cùng. Đó là năng lực bền nhất giúp chúng ta sống khỏe và đẹp. Từ đó nghiệm ra rằng, trong bất cứ hình thái nào của cuộc sống, chúng ta đều có thể áp dụng thiền. Đi chợ nấu ăn, đi làm trong công sở, ngồi trước máy vi tính hay bước vào cửa hàng mua sắm... một chút trong sáng trong đầu, một chút tỉnh táo trong tâm, một chút tự do như gió như mây, và vững vàng trước mọi chao đảo của đời sống.

Đó là tính thiền, như một bài thơ muốn nói:

        Biết
                Ta ngồi coi gió xua cây

                Thấy cây xua gió...

                Tháng ngày hồn nhiên

                Vững vàng ta biết ngả nghiêng

                Niềm vui cũng rớt

                Buồn phiền cũng rơi.

                                (Tập thơ Theo Mùa - Thu Nguyệt)

II. NHỮNG TƯƠNG ỨNG GIỮA THIỀN VÀ TUỔI TRẺ

Thiền gần gũi với đời sống như ta và hơi thở của ta. Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác nói cho biết:

            Đi cũng thiền ngồi cũng thiền

             Nói nín động tịnh thể an nhiên

Người ta nói tuổi trẻ là tuổi yêu đời, luôn luôn tận hưởng giây phút hiện tại. Thiền cống hiến tính chất tích cực ấy nên rất gần với tuổi trẻ.

+ Tính thực tế

Trần Thái Tông (1218-1277) năm lên 18 tuổi (1236) đã làm một cuộc nổi dậy với chính mình. Nhà vua bỏ trốn triều đình, lên núi tìm Quốc sư Trúc Lâm. Khi được Sư hỏi han, trước tiên vua khóc “hai hàng nước mắt ứa ra ”. Phải thống khổ chịu không nổi thì một ông vua mới khóc. Và sau đó tỏ bày: “Trẫm còn thơ ấu vội mất hai thân, bơ vơ đứng trên sĩ dân không chỗ nương tựa. Lại nghĩ sự nghiệp các bậc đế vương đời trước, thịnh suy không thường, cho nên trẫm đến núi này chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác”. Trước sự yêu cầu khốc liệt ấy, Quốc sư chỉ nói: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là Chơn Phật. Nay bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài ”.

Một lời khuyên thực tế không vòng vo xa xôi, chỉ định cách thành Phật ngay chính tại nơi ta. Lời tuyên bố của Tổ Bồ-đề-đạt-ma cũng khẳng định như vậy: Chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật. Chúng ta phải nỗ lực tìm cầu nơi chính mình, không nương tựa núi rừng, không nương tựa Đạo sư bên ngoài. Hòa thượng Thanh Từ viết trong Thiền Sư Trung Hoa: “... Thiền dạy người tu một cách thực tế, tìm lại ‘bản lai diện mục’ của mình. Bởi quá thực tế nên người ta không hiểu nổi, con người là hướng ngoại, con người là cầu xin, con người là ỷ lại. Ở đây thiền đập tan ba tánh ươn hèn ấy. Ba tánh ấy đã chôn vùi chúng ta từ vô lượng kiếp. Chúng ta phải cương quyết quả cảm đập nát chúng, để rồi chúng ta tìm lại bộ mặt thật của chúng ta. Chúng ta là chủ nhân ông của chúng ta từ vô lượng kiếp. Chúng ta phải khôi phục lại quyền năng của ông chủ bản hữu nơi chính mình. Đó là chúng ta tu thiền... ”.

Những người trẻ khi nói hạnh phúc là điều có thật, cũng thực tế như ngọn nến cháy đến tận cùng.

     Hạnh phúc
                    Trong đêm tối

                    Một ngọn nến

                    lung linh...

                    lung linh...

                    nhỏ giọt hình hài

                    rồi lịm tắt...

                    Không làm nên bình minh

                    nhưng rất thành thật

                    cháy đến tận cùng trái tim

                    ... ... ...

                     Phải chăng em ơi,

                    hạnh phúc vẫn là điều có thật

                    khi ngọn nến cháy hết mình!

                    Một ngọn nến không làm nên bình minh

                    Nhưng nếu trăm ngàn ngọn nến lung linh?

                                                                (hhao2910@...)

Ngọn nến tự mình tỏa sáng, tự đã là Phật trong giây phút ấy, không phải tìm kiếm xa xôi.

+ Tính đơn giản

Đến Trần Nhân Tông (1258-1308), vừa là ông vua, vừa là Thiền sư thi sĩ, thì chuyện tu hành đơn giản như đói ăn mệt ngủ:

                    Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

                    Đói đến thì ăn mệt ngủ liền

                    Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

                    Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền

Chỗ đơn giản này, tuy vậy không dễ thực hiện vì chúng ta cứ bị những cái lăng xăng trong đầu quấy nhiễu. Khi chú ý tập trung vào hiện tại, vào việc mà mình đang làm, không vẩn vơ suy tính, chính đó là lúc thiền hiển hiện, không cần tìm cầu. Trong một ngụ ngôn thiền hiện đại, tác giả Richard McLean kể chuyện Thiền và nồi xúp. Sư già và sư trẻ cùng làm bếp. Sư già lấy một củ hành chín, dạy:

- Cái quan trọng nhất trong thiền là những gì huynh bỏ ra.
Sư kề dao lên củ hành, lấy thế:
- Trước hết, thân hình ngồi ngay thẳng, vững vàng.
Sư cắt lõi củ hành:
- Tiếp đến hít sâu vào tận rốn.
Sư lột từng lớp củ hành tây:
- Giờ là làm con khỉ tâm lầm bầm im tiếng.
Xong Sư ném các miếng hành vào nồi:
- Và đợi.
- Bao lâu?
- Nếu cần cả đời.
- Đợi gì?
- Xúp chứ gì nữa, huynh rõ ngớ ngẩn.

Một ngụ ngôn thiền khác cho giới trẻ thích ngồi bên vi tính: Phật tánh xuất hiện trong vi mạch cũng dễ dàng như trong mùi thơm của hoa (Buddha - Nature arises in silicon circuits as effortlessly as it does in the fragrance of a flower).

 + Tính năng động

Bước vào thiền viện, thấy các thiền sư cứ ngồi im lặng chẳng nói năng, tư cách dường như rất thụ động. Một năng lượng tỏa ra từ tư thế ngồi ấy. Ngồi như núi, tỏa sáng như mặt trời, chuyển động như dòng sông (Sit like a mountain. Shine like the sun. Move like a river). Đó là những ngụ ngôn thiền cho giới trẻ Âu Mỹ (American Zen).

Từ nội tâm vững chải chúng ta ứng duyên tiếp vật một cách linh động. “Chiến thắng không cố gắng” là tên một trường phái kiếm thuật do Bokuden thành lập. Một lần trong cuộc hành trình đến Đông Nhật Bản, Bokuden ngồi trên chiếc thuyền nhỏ với năm - sáu hành khách. Tất cả đều im lặng chỉ trừ một người to lớn khoe khoang về sức mạnh vô địch của y trong kiếm thuật. Bokuden đến định cho y một bài học, nên mời y đấu kiếm sau khi cho biết trường phái của mình là “Chiến thắng không cố gắng” hay “Con đường không thua”. Gã độc ác lập tức rủ Bokuden lên bờ để so gươm. Bokuden chỉ đến một mũi nhọn nhô ra trên biển, ở đó đơn độc chỉ có ghềnh đá cheo leo. Và khi thuyền vừa chèo cập bờ, đối thủ nhảy vội lên bờ rút kiếm ra thét gọi Bokuden. Vẫn ở trên thuyền Bokuden trao kiếm cho người lái thuyền, cầm lấy mái chèo và bất ngờ xô thuyền ra xa. Để mặc cho gã la hét một mình, Bokuden nói:

- Nếu ngươi phàn nàn thì bơi ra, ta sẽ cho ngươi thấy bài học về chiến thắng không cố gắng.
(Trích dịch Zen Fables for Today - Richard McLean)

Tính năng động là phương thuốc chữa bệnh chán đời của tuổi trẻ, tạo nguồn sinh khí mới vô tận. Học tăng hỏi thiền sư Động Sơn:
- Lúc nóng lạnh đến làm sao tránh?
- Sao không tránh ở chỗ không nóng lạnh!
- Chỗ nào?
Động Sơn nói:
- Lạnh thời ông thầy lạnh cóng. Nóng thời ông thầy nóng bỏng.

Đối mặt đích thực, đi thẳng vào trung tâm, từ nhiệt tình đó tỏa ra sức mạnh.

+ Tính lạc quan

Giữa những lo toan mệt mỏi làm đời sống trở nên khô cằn, thiền dạy chúng ta phương thuốc thoát khỏi stress bằng tính lạc quan, với nụ cười như ngài Ca-diếp.

Bài kệ dạy chúng của Thiền sư Vạn Hạnh (dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi đời thứ 12) thời Lý, dẫn dắt dân tộc qua những nẻo thăng trầm, luôn luôn phảng phất nụ cười coi nhẹ mọi sự.

                Thân như bóng chớp chiều tà

                Cỏ cây tươi tốt thu qua rụng rời

                Sá chi suy thịnh cuộc đời

                Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành

Là người xây dựng tư tưởng cho một triều đại bắt đầu độc lập, Thiền sư chỉ cho chúng ta cái nhìn thấu đáo về sự biến chuyển mà vững vàng không sợ hãi, coi nhẹ mọi thứ như giọt sương. Tuổi trẻ khi đời cần đến có khi cũng coi nhẹ thân mình:

                Chí làm trai dặm nghìn da ngựa

                Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao

                Giã nhà đeo bức chiến bào

                Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.

                                (Chinh Phụ Ngâm)

Đó là thái độ vô úy và lạc quan, thái độ đó là mạch sống của dân tộc Việt tự bao đời. Thiền sư Mãn Giác (dòng thiền Vô Ngôn Thông, đời thứ 8), trong bài kệ thị tịch đưa ra một cành mai với phong cách tin tưởng. Nói cành mai là biểu trưng cho chân lý, cho cái tuyệt đối vô cùng... đó là chuyện của các nhà triết học. Chúng ta thấy ở đây một niềm tin không bao giờ tàn rụi:

                   Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

                   Đêm qua sân trước một cành mai

Với cành mai này, chúng ta xây dựng lại, đứng lên từ những hoang tàn đổ nát.

Tinh thần thiền như vậy, không thể nói người ta yếm thế bi quan. Cũng có những mẩu đối thoại tưởng chừng như đùa giỡn, nhưng vẫn khiến ta phải suy nghĩ. Một thiền sinh hỏi thầy:
- Thưa Thầy, cây bách có thành Phật không?
- Có
- Vậy chừng nào thành Phật?
- Đợi khi trời sập!
- Trời bao giờ sập?
- Khi cây bách thành Phật.

Lời bàn của tác giả Sái Chí Trung - Phật tánh là bản tánh tồn tại của vạn vật. Thiền là thể nhập bản tánh này, khéo nhận thì ngay nơi vật là pháp thân, ngay sanh đã vô sanh, cần gì chờ thành Phật?

Thiền sư Triệu Châu đang quét đất, một ông khách tình cờ thấy hỏi:
- Đất Già-lam thanh tịnh làm sao có bụi?
Câu hỏi vừa trêu ghẹo mà cũng đặt vấn đề, Thiền sư trả lời:
- Lại một hạt bụi nữa!

Thật là dí dỏm mà thật là hay.

Kho chuyện về thiền vẫn còn nhiều, phong phú như đời sống đang diễn ra quanh đây.

 

[ Quay lại ]