headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 17/04/2024 - Ngày 9 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THẦY NHƯ DÒNG SÔNG

Như Đức  

“Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình(Hoàng Hiệp)

Thầy là người dẫn đường ta đi trong cõi trần ai mù mịt. Phải sống thật sự an lạc theo lời chỉ giáo của thầy mới nhận ra được hạnh phúc đó. Hạnh phúc được gặp Phật pháp và được bậc minh sư hướng dẫn, trong một bài sám nguyện, ta chẳng từng đọc “Sanh phùng trung quốc, trưởng ngộ minh sư” (nghĩa là sanh ở chốn văn minh và gặp được thầy lành) đó sao.

 Phải có nhiều kinh nghiệm, thấy nhiều ghềnh thác hố hầm của cuộc đời, mới tự cảm nhận và thốt lên: “Ồ may mắn thay, ta được sống theo thầy!”.

 

May mắn và hạnh phúc đó, diễn tả như thế nào nhỉ? Như một người thất nghiệp được việc làm? Như kẻ ăn trộm vớ được hũ vàng? Như người bị bệnh nan y chợt gặp thuốc lành bệnh? Chưa có ngôn từ để diễn tả đủ. Trong kinh thường mô tả là như người lạc đường giữa rừng gặp được hướng đạo, có lẽ điều kiện ngày xưa người ta hay phải đi qua rừng, qua những miền hoang dã, vì đâu có đường giao thông và phố thị đông đúc như bây giờ.

Tăng Nhất A Hàm, trong một phẩm kinh Phật nói cho Bà-la-môn Sanh Lậu, khi ông này hỏi về ác tri thức và thiện tri thức, bởi vì cũng là thầy nhưng có thầy dẫn ta vào ác đạo, ta không hay biết. Phật dạy ác tri thức như trăng cuối tháng, càng lúc càng giảm ánh quang minh. Người ấy không có niềm tin vững chắc và do đó ta cũng không có được niềm tin. Người ấy không có giới đức và ta theo đó sống đời buông thả. Người ấy không đa văn quảng bác và ta không được nghe điều hay lẽ phải. Người ấy không bố thí cho chúng sanh dù là tiền của, giáo pháp hay sự vững mạnh không sợ hãi và ta theo người ấy không được gì. Người ấy không có trí huệ, không phân biệt chánh tà, hay lẫn lộn cho chánh là tà, cho tà là chánh, và vì thế làm hỏng con đường của chúng ta. (Trong Kinh nói gọn là không có tín, giới, văn, thí, huệ).

Ngược lại thiện tri thức như trăng đầu tháng, theo thời gian trăng đầy, ánh sáng tăng trưởng cho đến ngày rằm, hoàn toàn sáng tỏ. Thiện tri thức có niềm tin, có giới đức, có đa văn, có bố thí và trí huệ, chúng ta đi theo thiện tri thức nên cũng có được tín, giới, văn, thí, huệ, rốt cuộc khi thân hoại mạng chung sanh về cõi lành.

Bà-la-môn Sanh Lậu sau khi nghe Phật giải thích đã tán thán:

 Lành thay, Cù-đàm! Ví như người gù được thẳng, người mù được sáng, người mê thấy đường, nơi tối tăm có đèn. Đây cũng như thế. Sa-môn Cù-đàm dùng vô số phương tiện thuyết pháp cho con. Nay con xin tự quy y Phật, Pháp và chúng Tăng. Từ nay con xin làm Ưu-bà-tắc cho đến hết đời. Đức Phật, bậc thầy của trời người thường bảo các đệ tử: “Trong đời có một người đáng tôn quý, đáng nghe theo, đáng cúng dường, đó là Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác”. Dường như Ngài muốn tự đề cao mình nên mới nói như thế. Thật ra làm thầy chúng sanh có khoẻ gì đâu. Dạy dỗ và cưu mang chúng có nghĩa là cưu mang cả tập khí của chúng, nào là nghiệp lành nghiệp dữ, và phải chịu liên lụy với cái quốc độ khổ đau của chúng, nào là tật bệnh, thiên tai, nghèo đói, chiến tranh, xì ke ma túy… Khi làm thầy có nghĩa là “cởi áo trưởng giả mặc áo nhơ xấu bụi bặm” (Kinh Pháp Hoa) để gần gũi chỉ dạy.

Cũng kinh Tăng Nhất A hàm, một thời Phật ở nước Xá- vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc, Ngài bảo các Tỳ-kheo: - Nếu có một người xuất hiện ở đời, chúng sanh ở đây liền tăng tuổi thọ, nhan sắc tươi nhuận, khí lực mạnh mẽ, khoái lạc vô cùng, âm thanh hòa nhã. Đó 1à người nào? Là Như Lai 4 Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Người này xuất hiện ở đời chúng sanh liền tăng tuổi thọ, nhan sắc tươi nhuận… (Phẩm Hộ Tâm) Lợi ích khi gặp được bậc thầy đúng chánh pháp là như thế, nhờ vâng giữ chánh pháp theo lời thầy dạy mà vượt qua bao khổ đau, đời sống có ý nghĩa hơn, cả thọ mạng và sắc đẹp là điều cần cho chúng sanh cũng tăng trưởng.

Ai có trải qua mới biết. Phật tử khi gặp chuyện kinh hoàng, một biến cố trong đời, nhớ lời Thầy bình tĩnh giải quyết và bình tĩnh chịu đựng. Thầy thường nhắc hoài thế gian này không thật, thân này không thật… Nhờ chịu khó đi nghe giảng, cứ nghe lặp đi lặp lại như thế, nghe giảng cũng vậy, Thầy đâu có nói chuyện gì khác. Và chợt thấy mình vừa qua một nạn lớn, thân được an ổn, nếu không chắc chết rồi. Không tăng trưởng thọ mạng và nhan sắc là gì.

Để làm thầy chúng sanh, không phải chỉ một đời, mà đã nhiều đời làm thiện tri thức. Với sự sáng suốt, nhận xét đúng, người hướng đạo dẫn đến con đường tốt. Truyện tiền thân của Phật, Ngài thường làm thương chủ đưa người đi biển, làm trưởng đoàn dẫn người đi buôn, làm thầy dạy nghề nghiệp, làm gia chủ khôn ngoan… Có một truyện kể khi Ngài làm chủ đoàn buôn, có một người cũng làm chủ một đoàn buôn khác cùng đi một đường. Đoạn đường sắp tới trước khi vào xóm 5 làng, có một cây trái độc mọc ngoài bìa rừng. Thương chủ là tiền thân Phật dặn người trong nhóm của mình:

- Trước khi đến làng các bạn sẽ gặp một cái cây to lớn, trái nó như trái xoài chín thơm ngon, chớ có hái ăn những trái đó. Các bạn sẽ tránh được hiểm nguy nếu nghe lời tôi. Đoàn buôn của người thương chủ không có kinh nghiệm, khi gặp cây ấy đã hái trái ăn, cả đoàn bị ngộ độc nằm la liệt. Dân trong xóm đã chuẩn bị gậy gộc để cướp phá vì họ thường gặp những khách thương như thế, bị tê liệt tay chân làm sao chống cự lại.

Đoàn của vị thương chủ khôn ngoan này đi đến, không ăn trái, lo cứu chữa những người trước. Dân làng thấy họ thoát hiểm, ngạc nhiên hỏi làm sao biết đó là cây độc. Trưởng đoàn nói: - Cây không xa làng, trái chín tươi tốt rất nhiều mà không ai hái ăn, như thế là cây độc. Người thương chủ khi thành Phật thì những người đi theo trong đoàn đều là đệ tử. Trong vô số kiếp đi theo người dẫn đường qua những cánh rừng vô minh u tối, qua những sa mạc thù hận khô hạn, con đường của ta đi an toàn biết bao. Nhiều năm, nhiều đời nhân duyên hội ngộ, khi gặp thầy có người cảm động rưng rưng, có người khóc mừng rỡ, cũng có người khóc tủi thân vì xa cách quá lâu. Ai hiểu được những 6 giọt nước mắt khi đó.

 Không mất bao giờ khi ta gieo nhân duyên với bậc thầy thiện tri thức, khi ta chịu để đời mình được điều khiển bởi bàn tay của thầy. Đức Phật có nói, khi Ngài làm Sa-di đã từng giáo hóa vô lượng trăm ngàn hằng sa chúng sanh. Những chúng sanh đó thường theo Ngài học đạo, cho đến ngày nay có người trụ bực Thanh văn, và Ngài thường giáo hóa pháp vô thượng cho chúng (Kinh Pháp Hoa, phẩm Hóa Thành Dụ).

Tin lời Phật, chúng ta biết rõ về nhân duyên thầy trò. Một vị thầy có cần thiết không? Người tại gia có thầy truyền tam quy ngũ giới. Người xuất gia nhiều thầy hơn, thầy quy y thế độ, thầy truyền giới Sa-di Tỳ-kheo, thầy giáo thọ còn thầy truyền y bát. Xuất gia vì phải đi đúng đường, phải học kinh điển, phải tu tập nội tâm hoàn thiện rồi còn trách nhiệm nối đèn tiếp lửa nên phải có thầy. Giới cư sỹ với cuộc đời thế tục, chưa hẳn là thấy cần phải quy y, phải có thêm một vị thầy hướng đạo. E sợ một ràng buộc mất tự do.

 Diệu Trang kể về chuyện quy y của cô bạn:

- Tại sao bạn không quy y Tam Bảo ?

- Quy y là hướng về nghe theo Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng đó phải không? Tao sợ quy y vì tao “tà” quá, sợ không làm đúng với lời dạy thì thiệt là hổ thẹn. Với lại đó chỉ là hình 7 thức thôi, quy y hay không quy y không quan trọng bằng chính lòng mình.

 - Mày sai rồi, khi làm tội thì dù quy y hay không quy y cũng phải hổ thẹn, nhỏ ơi! Và cũng đều có tội như nhau hết, chớ đâu phải không quy y không hứa thì không có tội. Và nó trả lời con:

- Khổ quá hà. Đồng ý là quy y hay không quy y, hễ xấu là xấu. Nhưng theo ý tao, nếu mày không phải là Phật tử khi phạm tội mày đỡ bị cắn rứt hơn (đối với tòa án lương tâm của bản thân mày), đỡ bị “lên án” hơn (dưới mắt nhìn phê phán của những người khác). Ngoài ra, khi đã là Phật tử mày phải biết rõ năm giới hơn người khác, và khi biết dĩ nhiên có tội nặng hơn, vì mày cố ý phạm tội…

Tranh luận của giới trẻ về vấn đề quy y chịu phục tùng một vị thầy cho thấy có sự e ngại, nhất là khi người ta trẻ yêu chuộng tự do. Cũng có nhiều người nghĩ như vậy, không cần quy y miễn mình không làm gì ác thì thôi, với lại ông thầy đâu có thể thay thế cho mình khi mình chịu hình phạt, còn trẻ mà có niềm tin tôn giáo, hơi quê đấy.

Thật ra người ta thường nói “làm lành gặp lành, làm ác gặp ác”. Ta không làm ác ta không gặp ác, nhưng vì không làm lành nên không gặp lành. Quy y hướng về Tam Bảo là đã làm lành, thọ nhận năm giới cấm là 8 hướng về điều lành, sẽ có đáp ứng, ai không thích đời mình được gặp quả lành. Con đường không quy y là con đường trung tính, có thể lành có thể dữ, không có rào cản, sơ sẩy là rơi vào điều ác. Trong đời sống, làm điều lành khó hơn làm điều ác.

Như đi chùa nghe giảng, hoặc phát nguyện ăn chay phải cố gắng lắm mới làm tròn. Đi đánh bạc, đi nhậu, đi xem hát có cố gắng chút nào không? Vì không người hướng dẫn, không có con đê chặn những cuồng vọng nội tâm, chúng sanh dễ thất lạc. Giới cấm, lời răn của thầy, có một nơi qui hướng như chiếc neo để canh chừng, thuyền ra khơi giữa bờ biển lạ, có ai biết được con đường mình, có thầy để soi sáng để canh chừng cho bước chân lạc. Có đi lạc một lần, quờ quạng không tìm được chủ đích, mới sợ hãi đêm tối và rừng rú gai góc.

Đời sống có chủ đích là đời tối thượng, còn cứ lêu bêu làm theo ý mình, một lúc nào đó ta cảm thấy chán nản vô vọng. Có lẽ những lời sau đây đáng cho chúng ta lưu ý về suy nghĩ của giới trẻ Âu Mỹ, Brooke, quy y tại Thường Chiếu đã viết: “Ngày một tháng mười hai đánh dấu ngày tôi xin quy y Năm giới, và tôi là đệ tử ngoại kiều thứ hai của thầy Viện chủ, Hòa thượng Thích Thanh Từ, thiền sư Thiền Đại thừa Phật giáo nổi tiếng nhất Việt Nam.

Đảnh lễ Hòa Thượng xong, tôi quỳ gối cúi đầu đọc lời nguyện hứa sẽ không giết hại, không 9 trộm cắp, không dối trá, không tà dâm và không uống rượu. Tôi chẳng nghĩ rằng lời hứa này quá khó giữ trọn, tuy nhiên, tôi quy y năm giới tức là trên cơ bản tôi đã cung thỉnh thầy Viện chủ vào trong một phạm vi đời tôi, nơi mà trước đây chỉ có sự hiện diện của lương tâm tôi...”. ”Cung thỉnh một vị thầy hiện diện trong đời sống”, cách nói đó có ý nghĩa rất quan trọng. Brooke khi ấy mười bảy tuổi. Chúng tôi có hạnh phúc và bình an khi sống bên Thầy. Nhưng trước hết gây phiền lụy chẳng ít. Ngày khai giảng khóa hai tại Tu Viện Chơn Không, Thầy giảng kinh Kim Cang. Sư bà Giám viện cho thuê xe chở hết chúng lên dự, và để nghe giảng.

Sau thời giảng chúng tôi chạy nhảy leo trèo trên những gộp đá, chui lòn qua mấy bụi rậm, gặp một tảng đá bằng phẳng tôi kêu réo mấy người đang ở chỏm đá cao.

- Xuống đây, chỗ này rộng lắm. Mấy tên kia ào ào kéo xuống, cười la chộn rộn.

Bất chợt phía dưới có tiếng vọng lên:

- Tui lên mét thầy Thanh Từ. Mấy cô nầy leo lên nóc chùa người ta.  Té ra chúng tôi đang đứng trên tảng đá nằm trên nóc chùa Hang. Cả đám hoảng sợ, kéo nhau đi, cứ lo nơm nớp không biết bà chủ chùa có lên mét Thầy. Khóa thứ hai, mỗi tháng Ban Giám đốc Dược Sư đều lên Chơn Không học một tuần, quý vị lớn đi vắng để trống khung thành, lũ chúng tôi ở nhà tha hồ múa gậy vườn hoang.

Sau một tuần học trở về, Sư bà và quý Ni sư đều có vẻ an lạc, được bồi dưỡng từ nguồn pháp của Thầy ai cũng tươi tỉnh bớt gắt với chúng. Chúng tôi hưởng niềm vui ké, tuần thứ nhất rồi tuần thứ hai, tuần thứ ba giảm dần, niềm vui chỉ còn thoáng nhẹ, rồi lại đến ngày đi học, lại được hồi sinh. Chọn con đường theo Thầy, tôi cũng có mơ mộng chút ít. Một đầu non, một vị thầy, những tà áo thiền sư, núi rừng hoang dã.

Khi ở Viên Chiếu, Thầy xuống thăm và giảng dạy. Thầy không bao giờ ngừng nghỉ. Hồi đó chỉ có một cái nhà lá sơ sài, cây rừng lấn vào tận sân. Thầy ngồi trên cái đơn đóng bằng ván thùng đạn, giảng Thiền Sư Trung Hoa có cảnh hái trà trồng lúa để chúng tôi an tâm. Trong khi những trường lớp Phật học, những tu viện đều ngừng hoạt động, Thầy vẫn nuôi dưỡng chúng tôi bằng niềm tin chánh pháp. Chúng tôi nghe giảng, cảm động vì sự chăm lo của Thầy, và nghe tiếng chim rừng chung quanh ríu rít lời niệm ân.

 Lúc Thầy nhập thất, 11 chúng tôi đem băng giảng của Thầy ra nghe, hồi đó chưa có điện, máy cassette chạy bằng bình sạt, chúng xúm quanh cái bình sạt có hai cọng râu và gọi cái bình ấy là bình sữa. Đám giỗ ở Chơn Không, huynh đệ kéo nhau về núi, vui mừng gặp lại cảnh cũ người xưa.

 Những cốc thất, những đường non chập chùng, ngồi quanh thất Thầy và ca hát:

                            Thầy là vầng trăng sáng êm soi đêm dài

                            Thầy là đại dương chứa dung muôn dòng sông

                            Người người ra tắm mát, uống xong no lòng

                            Thầy bóng râm vô cùng, mát che mọi loài

                            . . . . . . . . . . (Hạnh Đoan)

 Hạnh Huyền thì ngồi ở hành lang cái nhà Viên Chiếu thứ hai, ngóng ra phía ruộng ca hát vi vu: “Mùa xuân ngày xưa vì đâu khiến con gặp Thầy, lòng con từ đây bừng sáng soi niềm tin. Nguồn tâm bình an tràn lan khắp nơi vô tận. Là thương là yêu mọi chúng sinh khổ đau…” Những nốt nhấn dấu sắc vút cao, cả chúng nghe hoan hỷ quên mệt, cũng chuộc bớt phần nào cố tật của cô em nhỏ.

Tu tập lâu dần, tâm bớt hoang đàng. Một ngày trên Trúc Lâm, ngồi gần bên Thầy thấy tóc Thầy bạc trắng. Thầy vẫn ân cần nhắc nhở trong mỗi bài giảng, mỗi dịp lễ giỗ. Tôi 12 biết mình không thể vô tư xem thường những ngày tháng này. Một dòng nhạc để kết thúc: “Sông vẫn in màu mây, vẫn khi vơi đầy, vẫn mang phù sa làm đẹp làng quê yêu dấu. Sông vẫn như thuở ấy, có con đò ngang đón đưa người sang, và từng đêm hát ru đôi bờ.” (Hoàng Hiệp - Trở về dòng sông tuổi thơ). Thầy như dòng sông đưa phù sa Phật pháp đến với mọi người.

[ Quay lại ]