headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Lời đầu sách

Lời Đầu Sách

Nỗi trăn trở lớn của con người là cuộc sống và danh dự cuộc sống. Sống thế nào có ý nghĩa, có sự nghiệp và danh dự sáng ngời. Mang một kiếp người mất quyền sống vì bị lệ thuộc vào nhiều thứ thì nỗi ray rức đắng cay mãi mãi đeo mang suốt đời. Và như thế, cuộc sống sẽ mất hết ý nghĩa, mất sức vươn lên, mất sức sống. Để rồi cuối bước phiêu lãng, không ít khách phong trần đã phải ngửa mặt ngậm từng ngụm mây trôi: “Ta trải một đời xuôi ngược, mọi thứ qua nhanh. Tuy nhiên, miếng chung đỉnh vẫn mù tăm, vẫn lao đao lận đận tự thuở nào!”

Cười nhạt một thoáng, giật mình một giấc, Điều Ngự Giác Hoàng choàng dậy trong nhung lụa mơ màng. Bất ngờ như chưa từng có, hiển hiện như chưa từng không. Thượng Hoàng Trần Nhân Tông, Ngài đã vươn lên trong khoảng đời khó vươn lên nhất, thắp sáng hiện hữu, bừng dậy tròn đầy một sức sống cho mình cùng tha nhân. “Nửa gian lều quý nửa thiên cung. Ba phiến ngói yêu hơn lầu gác”. Đã thế, có gì ngần ngại để biến chốn kinh kỳ thành núi rừng muôn thuở. An nhiên, tự tại, Giải thoát hoàn toàn. Thượng Hoàng dõng dạc bước lên thẳng đầu nguồn với suối rừng chim hót, hoa cỏ xinh tươi, sống một đời ai dám buộc ràng?

Tuy nhiên như thế, Ngài đã để lại tấm gương cho hậu thế soi chung về một cuộc đời mẫu mực dung hòa. Bên thì vui đạo, bên lại vẹn đời. Ngài hoàn thành một cách tuyệt vời nếp sống ở đời vui đạo qua bài phú Cư Trần Lạc Đạo. Tất cả những gì Thượng Hoàng tâm đắc, tâm nguyện và tâm chứng trong từng hơi thở của mình đều in trên khuôn bản đó, đến nay vẫn còn lung linh sức sống đạo giữa cõi đời ô trược này. Thử bắt đầu bằng phân nửa ngày của Thượng Hoàng rồi ta sẽ thấy bình yên giữa thế gian. Ta sẽ sống và sống trong tâm đạo huy hoàng sáng rực. Từ đó, mọi ưu phiền vứt sạch, tùy duyên linh hoạt, không còn nữa những ngày buông hình bắt bóng, bôn ba xuôi ngược trong vạn nẻo tử sinh.

Trên tinh thần đó, Thiền tăng Thường Chiếu đã được Hòa thượng Ân sư từng bước dìu dắt tu hành theo dấu Tổ sư Trúc Lâm. Và một lần nữa, chúng tôi đã cùng huynh đệ cúi mình học tập lại cuộc sống của Điều Ngự Giác Hoàng. Học Thượng Hoàng Trần Nhân Tông là sống thực và là cuộc sống vui tích cực, hài hòa, lắng yên trên đỉnh cao của sự thế. Ta không chạy trốn bao giờ. Ta vẫn là ta giữa tất cả mà trọn vẹn, sống động, an nhiên, siêu thoát. Nhận thấy sự lợi ích lớn lao và nét đẹp tiêu sái của Ngài qua bài phú Cư Trần Lạc Đạo, Thiền sinh Thường Chiếu đã ghi lại bài giảng của chúng tôi để anh em lấy đó làm khuôn phép trên bước đường tu hành. Tùy hỷ và chân thành hòa cùng tâm nguyện của huynh đệ, mong tất cả chúng ta sẽ vui sống đạo như chính Tổ sư đã dạy, nên tôi cho ra mắt tác phẩm này.

Nửa ngày của Thái Thượng Hoàng ra đời với những lời nói mộc mạc chân tình cùng huynh đệ trong nhà, nên không sao tránh khỏi những sơ suất của nó. Mong bạn đọc chỉ nhận ý quên lời, để chúng ta cùng nhau chia sẻ chút niềm vui. Được thế, chúng tôi không ngại lời lẽ vụng về, xin được đặt bút ghi lại đôi dòng tăng quê.

Thiền viện Thường Chiếu,

Ngày đầu Xuân Giáp Thân

Thích Nhật Quang

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ

Đây là bài phú do Sơ Tổ Trúc Lâm tức vua Trần Nhân Tông sáng tác bằng chữ Nôm. Khi Ngài còn là một Cư sĩ, ở ngai vua mà đã liễu ngộ lẽ thật của đạo, mới cảm khái nên bài phú này. Trước khi đi vào bài phú, chúng ta cũng nên sơ lược đôi nét về Sơ Tổ Trúc Lâm.

Vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308), 21 tuổi lên ngôi Hoàng đế (1279). Lúc làm vua, ông vẫn đến chùa Tư Phước trong đại nội học đạo. Năm 1293 Ngài nhường ngôi cho con là Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng. Trong một ngày, phân nửa thời gian Ngài dạy con trông coi việc nước, phân nửa thời gian còn lại nghiên cứu nội điển.

Tháng 10 năm Kỷ Hợi (1299), Ngài xuất gia, lên núi Yên Tử tu hạnh đầu đà, lấy hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngộ đạo nơi Tuệ Trung Thượng Sĩ, lấy câu “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” của Tuệ Trung dạy làm phương châm tu hành của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Năm Hưng Long thứ 15, Ngài truyền y bát cho Pháp Loa. Năm này Pháp Loa được 24 tuổi (1307).

Năm Hưng Long thứ 16, ngày 01-11 Mậu Thân (1308), Ngài an nhiên thị tịch, thọ 51 tuổi. Pháp Loa theo di chúc của Ngài làm lễ hỏa táng, thu được Xá Lợi năm màu để vào bình tôn thờ nơi Đức Lăng và xây tháp ở chùa Vân Yên núi Yên Tử, để hiệu là Huệ Quang Kim Tháp, dâng tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật.

Hòa thượng dạy chư Tăng trong Thiền viện phải học thuộc bài phú này. Học thuộc không chưa đủ mà còn phải hiểu và hành cho tới nơi tới chốn nữa. Do đó hôm nay chúng ta cùng học lại từng hội và tìm hiểu ý nghĩa cho thật cặn kẽ những gì Sơ Tổ Trúc Lâm đã chỉ dạy trong ấy, để cùng nhau nỗ lực công phu, hầu đạt được kết quả tốt đẹp trong việc tu tập của mình.

Vì đây là văn chữ Nôm xưa, nên sau mỗi hội, nếu thấy cần thiết chúng tôi sẽ có phần chú để giải thích những chữ Nôm xưa ra Việt ngữ ngày nay cho quý vị tiện việc tham khảo.

[ Quay lại ]