headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TÌNH THƯƠNG LÀ MÙA XUÂN

HẠNH CHIẾU   

Tình thương là mùa xuân, là niềm vui, là hạnh phúc, nếu tình thương ấy hoàn toàn chân thật, trong sáng, không biên giới, không ích kỷ buộc ràng.

Kinh Pháp Cú kể lại: Tôn giả Vakkali xuất gia vì thương Phật quá. Do thương Phật bằng tình thương ích kỷ buộc ràng, nên tôn giả thất vọng khi thấy Phật không quan tâm đặc biệt tới mình. Từ đó ngài đau khổ và không tu được.

Đức Phật dùng tâm đại từ vô duyên đối với tất cả chúng sanh mà Vakkali lại tự trói buộc mình trong vòng luyến ái hữu duyên, Phật vô ý mà Vakkali lại hữu ý. Mỗi khi đức Phật thuyết pháp, Vakkli cứ nhìn Như Lai trân trân nhưng không nghe không biết Như Lai nói gì, vì tâm tôn giả bị kẹt nơi sắc tướng và âm thanh của Thế Tôn, không thể mở ra để đón nhận giáo pháp vi diệu. Không muốn tôn giả chìm sâu trong si ái, đức Phật tránh mỗi khi Vakkali tìm cách thân cận riêng. Cuối cùng chịu hết nổi, Vakkali chọn con đường tự tử để không phải kéo dài nỗi khổ thêm nữa. Ngay khi ông định lao xuống vực, đức Phật xuất hiện với lòng từ vô duyên. Vakkali như người chết đuối vớt được chiếc phao cứu mệnh.

Tôn giả nói:

- Như Lai không bỏ con?

Phật bảo:

- Ta chưa bao giờ bỏ ông, chỉ có ông mới bỏ ông. Như Lai đã lập bày phương tiện, giúp ông khai mở tâm tư đón nhận giáo pháp, nhưng ông không chịu mở tâm ra, tự giam hãm mình trong ích kỷ si mê. Đó chẳng phải là ý muốn của Như Lai.

Bấy giờ Vakkali mới mở được đôi mắt tuệ ra, hiểu rõ Như Lai vẫn thương tưởng đến mình, nhưng không thương như mình từng nghĩ sai lầm. Ngài ăn năn sám hối và từ đó thoát ra khỏi lưới ái, lắng đọng tâm tư nghe Phật chỉ dạy, triển khai thiền định, chẳng bao lâu thành tựu được Thánh quả.

Đức Phật dùng lòng từ vô duyên, không gá duyên nên không bị cột trói bởi các duyên. Vô duyên từ của Phật và Bồ-tát, hạng phàm phu tục tử như chúng ta không dễ có được đâu. Phật độ chúng sanh là vì thương xót chúng ngu mê, bất luận người nào, loài nào, hễ thấy khổ là Phật độ, không ra điều kiện, không phân biệt thân sơ, không nghĩ tới bản thân mình được đền đáp lại. Tình thương của Phật bình đẳng, trong tình thương ấy không có luyến ái buộc ràng, không có cho đi đòi lại, không có sự trói buộc. Đây mới đích thực là một tình thương lớn, đúng nghĩa, chân thật.

Đức Phật từng thương chúng sanh như vậy và cũng mong mỏi chúng sanh khai mở được suối nguồn vi diệu ấy. Nhờ có tình thương mà tâm ta khoan dung độ lượng, bỏ tật xan tham keo xẻn. Tình thương làm cho mình mở rộng tâm vị tha. Phật dạy bốn vô lượng tâm từ, bi, hỷ, xả. Từ là ban vui, bi là cứu khổ, hỷ là vui vẻ tùy hỷ, xả là tha thứ buông bỏ. Bốn tâm này nếu được phát triển tột cùng, nó sẽ trở thành vô lượng. Muốn cứu khổ ban vui thì phải thương, không thương không làm được. Ví dụ thấy đứa bé bị té, ta chạy đến bế lên, vì thương sợ nó đau nên mới bế. Tình thương chân thành, vô phân biệt thì thấy bé nào té cũng bế. Tình thương ái nhiễm, trói buộc thì chỉ bế bé của mình, chớ không bế bé của người khác. Một khi đối xử phân biệt như vậy, bé của mình lỡ bị mất đi mình sẽ chịu không nổi. Chúng ta thường chỉ cứu người ta thương, còn người ta ghét thì cho… chết luôn. Như vậy không có chút xíu nào từ tâm cả, không phải là con Phật, không phải là người tu hạnh Bồ-tát. Đại bi là lòng thương rộng lớn không có ranh giới, không có đối tượng riêng biệt. Bồ-tát thấy ai khổ cũng cứu, không phân biệt thân sơ, không thương ghét để lòng.

Tình thương không phân biệt, không có điều kiện sẽ không có sự trói buộc, khổ đau. Chúng ta thấy đức Phật không bao giờ khổ. Ngược lại chúng ta thương có đối tượng, cho và nhận đều tính toán kỹ càng nên khổ. Mình cho người ta ít mà đòi lại khá nhiều. Như vậy là ăn gian. Nếu có đòi cũng đòi ít thôi, đừng có đòi quá, đòi quá sẽ mắc nợ trở lại, vay trả hoài mệt lắm. Tất cả sự đổ vỡ trong cuộc đời, chỉ có ta mới biết mấu chốt ở chỗ nào mà xây dựng lại, làm lành trở lại. Phải là ta tự cứu ta, rồi sau đó chia sẻ cho mọi người. Đã là ta tự cứu ta thì đâu có trả giá, dù làm lợi ích cho người nhưng vẫn là viên mãn hạnh nguyện lợi tha cho chính mình, như vậy đâu có gì để so đo tính toán nữa. Bồ-tát rõ biết thế ấy nên các ngài phát triển hạnh đại bi vô tận, vẫn không cảm thấy mệt mỏi.

Quanh ta trong cuộc đời, rất nhiều những con người thầm lặng đến rồi thầm lặng đi, không chút lưu dấu mà chan chứa bi trí tròn đầy, để lại trong lòng nhân sinh những khoảnh khắc giật mình. Giật mình nên tỉnh, biết nghĩ lại. Sao ta không thể yêu thương cả trần gian này, mà chỉ yêu thương có một vùng? Trái tim con người vì thế bị siết chặt trong chiếc thòng lọng của vô minh khát ái, để rồi phải thản thốt kêu lên tuyệt vọng giữa cuộc đời vẫn còn nhiều tấm lòng trong sáng, rộng mở luôn hướng về mình. Thật tiếc quá!

Phật bảo tháo gỡ sự trói buộc tức thì giải thoát thong dong, tự tại. Tháo được hay không là do sự quyết tâm, ý chí và nghị lực của mỗi người. Tháo được thì khỏe, tháo không được thì mệt, cho nên phải ráng tháo cho được. Đó là chuyện sống còn của ta, chớ không phải của ai khác. Đức Phật, chư vị Bồ-tát và thiện hữu tri thức đã hết lòng tiếp sức cho chúng ta rồi. Tệ lắm thì mình cũng phải bắt chước tôn giả Vakkali, một lần đứng trước cửa tử rồi muôn thuở sống lại với chính mình, chấm dứt tử sinh, đem mầm sống mới đến cho muôn loài.

Một chiều cuối Đông, thật bất ngờ khi tôi gặp em, nghe em đọc lại những dòng chữ năm xưa chính tôi đã viết:

… Cơn đói khát lên tiếng cồn cào, chiếc thân gầy nhũn xuống mặc cho đôi tay vẫn trơ lỳ đờ đẫn. Và giữa lúc ấy, giữa lúc mà tia hy vọng mong manh sắp tắt thì một bàn tay bé bỏng ấm áp đặt lên, xiết chặt đôi tay già còm cõi giá rét. Để từ đó, hai cảnh đời, hai tâm hồn kết tập thành một bài kinh:

- Cháu xin lỗi ông, cháu đã tìm khắp, đã lục lạo trong túi áo, trong cặp, trong thân mình. Cháu muốn biếu ông một vật gì đó, chút xíu thôi cũng được, nhưng cháu không có một cái gì cả.

- Cám ơn cháu… Cháu… đã cho ông… thật nhiều.

Và cứ thế, bàn tay vẫn trong lòng bàn tay. Một già một trẻ, một dòng suối cam lồ tuôn chảy giữa đôi cung bậc đầu và cuối trong bản giao hưởng về đời người. Giây phút ấy thật ngắn ngủi mà cũng thật thiên thu!

Em đọc bằng trái tim, đôi tay lướt trên những dòng chữ Braille (chữ nổi) kỳ diệu, đã tiếp thêm cho tôi một sức sống nhiệm mầu. Tất cả chúng ta hãy đến với cuộc đời bằng trái tim và lòng vị tha chân thành. Mười năm trước tôi đã cảm ơn em, một em bé giàu lòng nhân ái và thật sự làm cho người ta phải mở rộng lòng yêu thương. Mười năm sau tôi lại cảm ơn em, một người bạn khiếm thị đến với đạo, với cuộc đời bằng tất cả nỗ lực bình sinh của tuổi thanh xuân.

Và còn nữa… còn nữa những mười năm để đưa tất cả chúng ta đến thật gần với mùa xuân, với tình thương bất tận tròn đầy.
 

[ Quay lại ]