headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 18/04/2024 - Ngày 10 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Bài 117 — Bốn chỗ dối gạt người

四 處 謾 人

Tứ xứ man nhân

三 翻 懡㦬

Tam phiên ma la

韶 陽 九 九

Thiều Dương cửu cửu

文 殊 三 三

Văn thù tam tam

467. — Bốn chỗ dối gạt người

Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển ở Chương Châu, có bốn câu hỏi gạt người:

– Câu thứ nhất hỏi tăng: “Phật gì ở trong điện?”. Tăng nói: “Hòa thượng thử đoán xem!”. Sư nói: “Phật Thích Ca”. Tăng nói: “Chớ dối gạt người”. Sư nói: “Ấy là ông gạt ta”.

– Câu thứ hai hỏi tăng: “Ông tạo nghiệp gì mà ăn nhiều như thế?”. Tăng đáp: “Hòa thượng cũng chẳng ít”. Sư liền ngồi dang chân. Tăng nói: “Hòa thượng chớ có gạt người”. Sư nói: “Ấy là ông gạt ta”.

– Câu thứ ba hỏi tăng: “Ông tên là gì?”. Tăng đáp: “Hàm Trạch”. Sư nói: “Khi gặp khô cạn thì thế nào?”. Tăng nói: “Hòa thượng chớ gạt người”. Sư bảo: “Ấy là ông gạt ta”.

– Câu thứ tư Sư hỏi Dục chủ (vị tăng coi sóc nhà xí nhà tắm): “Có bao nhiêu nước nóng trong nồi?”. Dục chủ nói: “Thỉnh Sư lường”. Sư liền làm thế lường nước. Chủ nói: “Hòa thượng chớ gạt người”. Sư nói: “ Ấy là ông gạt ta”.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 19.)

468. 翻懡 — Ba phen hổ thẹn quá

Thiền sư Thủ Trừng Tịnh Quả ở viện Hổ Quốc thuộc Tùy Châu. Có vị tăng hỏi:

– Khi con hạc đậu trên cây tùng khô thì thế nào?

– Dưới đất một phen hổ thẹn!

– Khi bị pháp nạn Hội Xương, Hộ pháp thiện thần đi về đâu?

– Trước cổng chùa có hai lão, một phen hổ thẹn!

Tăng hỏi: Giọt nước trong bình nhỏ ra thì thế nào?

– Khi mặt trời lên, một phen hổ thẹn!

(Theo: Truyền Đăng.)

469. — Thiều Dương: Chín lần chín

Tăng hỏi Vân Môn:

– Thế nào một lỗ hướng thượng?

– Chín lần chín là tám mươi mốt

– Thế nào là câu ban đầu?

– Chín lần chín là tám mươi mốt.

Lại một vị tăng hỏi:

– Chữ Dĩ () chẳng phải, chữ Bát () chẳng thành, chưa biết là chữ gì?

– Chín lần chín là tám mươi mốt.

(Theo: Vân Môn lục.)

470. — Văn thù đáp ba ba

Thiền sư Vô Trước Văn Hỉ ở Hàn Châu, ban đầu yết kiến Thiền sư Tính Không ở núi Ðại Từ. Tính Không nói:

– Ông sao không đi tham vấn khắp nơi?

Sư liền lên chùa Hoa Nghiêm ở núi Ngũ Ðài đến hang Kim Cang chiêm bái, gặp một ông già cưỡi trâu mời Sư vào chùa. Ông già gọi:

– Quân Ðề!

Có một đồng tử ứng thinh bước ra chào đón. Ông già liền thả trâu rồi dẫn Sư lên nhà trên. Trong nhà ánh sáng vàng rực rỡ, ông già ngồi trên giường chỉ cái đôn bảo Sư ngồi và nói:

– Từ đâu đến đây?

– Từ phương Nam đến.

– Phật pháp ở phương Nam được gìn giữ ra sao?

– Ðời mạt pháp, Tì-kheo ít giữ giới luật.

– Có bao nhiêu chúng?

– Hoặc ba trăm, hoặc năm trăm.

Sư liền hỏi: Ở đây Phật pháp được gìn giữ thế nào?

– Rồng rắn lẫn lộn, phàm thánh ở chung.

– Có bao nhiêu chúng?

– Trước ba ba sau ba ba.

Ông già gọi đồng tử dâng trà lên và cùng Sư thù tạc. Sư nhắp vị trà, tâm hồn sảng khoái, ông già giơ chung pha lê hỏi Sư:

– Phương Nam có cái này chăng?

– Không có.

– Bình thường lấy cái gì để uống trà?

Sư không đáp được. Sư thấy trời đã về chiều bèn thưa với ông già xin cho Sư nghỉ lại một đêm được chăng. Ông già đáp:

– Ông còn có tâm chấp thì chẳng được ngủ!

– Tôi không còn tâm chấp.

– Ông từng thụ giới chưa?

– Thụ giới đã lâu rồi.

– Ông nếu không còn tâm chấp thì cần gì thụ giới?

Sư cáo từ lui bước, ông già sai đồng tử đưa tiễn. Sư hỏi đồng tử:

– Trước ba ba là bao nhiêu vậy?

Ðồng tử gọi: Ðại đức!

Sư ứng thinh: Dạ!

– Là bao nhiêu?

Sư không đáp được, lại hỏi: Ðây là chỗ nào?

– Ðây là chùa Bát-nhã trong hang Kim Cang.

Sư chợt tỉnh, biết ông già kia là Văn thù, xong không thể gặp lại, bèn cúi chào đồng tử, xin một lời từ biệt. Ðồng tử nói kệ:

Trên mặt không sân, đồ cúng dường

Trong miệng không sân, tỏa hương thơm

Trong tâm không sân là trân bảo

Không nhơ không nhiễm là chân thường.

Nói xong, Quân Ðề cùng với chùa chiền đều biến mất chỉ thấy trong mây ngũ sắc, Văn thù cưỡi sư tử lông vàng bay qua lại. Bỗng có một đám mây trắng từ phương Ðông kéo đến che khuất chẳng thấy nữa. Lúc ấy, nơi chùa Bồ Ðề ổ Thương Châu, các vị tăng còn nghe văng vẳng âm thanh chấn động trong núi. Sư nhân đó mà dừng lại ở Ngũ Ðài.

(Theo: Hội Nguyên, quyển 5.)

[ Quay lại ]