headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Bài 32 — Long Nha một thiền bản

牙 禪 板

Long Nha thiền bản

慶 蒲 團

Trường Khánh bồ đoàn

山 肉 案

Bàn Sơn nhục án

子 臺 盤

Hiện Tử đài bàn

125. — Long Nha một thiền bản

Thiền sư Cư Tuần ở núi Long Nha thuộc Hồ Nam (nối pháp Ngộ Bản), lúc ở chỗ Thúy Vi, Sư hỏi:

– Thế nào là ý Tổ sư?

Thúy Vi:

– Ông mang thiền bản qua đây cho ta.

Sư liền mang thiền bản qua cho Thúy Vi. Thúy Vi tiếp lấy liền đánh. Sư nói:

– Ðánh thì cứ đánh nhưng không có ý của Tổ sư.

Sư lại hỏi Lâm Tế:

– Thế nào là ý Tổ sư?

Lâm Tế bảo:

– Ðưa bồ đoàn cho ta.

Long Nha đưa bồ đoàn cho Lâm Tế, Lâm Tế tiếp lấy liền đánh. Sư nói:

– Ðánh thì cứ đánh nhưng không có ý của Tổ sư.

Về sau có vị tăng hỏi:

– Lúc Hòa thượng hành cước hỏi hai vị tôn túc về ý chỉ Tổ sư, chưa biết hai vị tôn túc ấy đạo nhãn sáng hay chưa?

Sư đáp:

– Sáng thì có sáng nhưng vẫn không có ý Tổ sư.

Ðông Thiên Tề nói:

– Trong chúng nói Phật pháp thì có, nhưng không có ý Tổ sư. Nếu hiểu thế ấy thì có gì dính dáng, còn lúc này làm sao hiểu được đạo lí “Không có ý Tổ sư?”.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 17.)

126. — Trường Khánh bảy bồ đoàn

Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng ở Phúc Châu (nối pháp Tuyết Phong) tham vấn trải qua nhiều thiền hội. Về sau, Sư tham học với Linh Vân, Sư hỏi:

– Thế nào là đại ý Phật pháp?

Vân nói:

– Việc lừa chưa đi, việc ngựa lại đến.

Cứ như thế Sư qua lại Tuyết Phong và Huyền Sa ngót hai mươi năm, ngồi rách bảy cái bồ đoàn mà chẳng sáng việc này. Một hôm, Sư cuốn rèm, hốt nhiên đại ngộ, liền làm bài tụng:

Dã đại sai hĩ dã đại sai hĩ

Quyển khởi liêm lai kiến thiên hạ

Hữu nhân vấn ngã giải hà tông

Niêm khởi phất tử phách khẩu đả.

               Cũng rất lầm, cũng rất lầm

               Cuốn rèm lên thấy người chung quanh

              Ai đến hỏi ta tông nào đấy?

              Phất tử nhằm nơi miệng đánh nhanh!

Phong kể lại cho Huyền Sa nghe và nói:

– Gã này triệt rồi vậy!

Sa nói:

– Chưa chắc, đây là do ý thức làm ra, cần phải khám nghiệm qua mới được.

Ðến chiều, giờ chúng tăng lên tham vấn. Tuyết Phong bảo Sư rằng:

– Ðầu Ðà Bị chưa chấp nhận ông. Nếu ông thật có chính ngộ hãy đối trước chúng trình xem!

Sư liền làm bài tụng:

Vạn tượng chi trung độc lộ thân

Duy nhân tự khẳng nãi phương thân

Tích thì mậu hướng đồ trung mịch

Kim nhật khán như hỏa lí băng.

                Chính nơi vạn tượng bày một thân

                Chỉ người tự nhận mới là gần

                Lúc xưa lầm hướng ngoài đường kiếm

                Xem lại băng trong lửa cháy rần.

Tuyết Phong nói:

– Chẳng thể là do ý thức làm ra.

Sư hỏi Tuyết Phong rằng:

– Từ trên chư Thánh truyền lại một con đường, thỉnh Sư từ bi chỉ dạy?

Phong im lặng hồi lâu. Sư bèn lễ bái mà lui. Phong liền mỉm cười.

Sư vào phương trượng tham vấn Tuyết Phong, Phong hỏi:

– Là thế nào?

Sư thưa:

– Hôm nay trời tốt đáng mời làm việc công cộng.

Từ đấy sự đối đáp của Sư đều hợp huyền chỉ.

(Theo: Hội Nguyên, quyển 7.)

127. — Bàn Sơn với thớt thịt

Một hôm, Bàn Sơn (nối pháp Mã Tổ) ở nơi ngã tư chợt thấy một người tại quầy hàng mua thịt, bảo với người bán:

– Cắt cho tôi miếng nào ngon nhất.

Người hàng thịt buông dao, khoanh tay nói:

– Thưa ông, miếng thịt nào mà chẳng ngon?

Sơn nghe lời ấy hốt nhiên đại ngộ, liền trở về bạch với Mã Tổ. Tổ ấn khả cho Bàn Sơn.

(Theo: Hội Nguyên, quyển 3.)

128. — Hiện Tử rượu một bàn

Hòa thượng Hiện Tử ở phủ Kinh Triệu (nối pháp Lương Giới). Chẳng ai biết Sư là người chốn nào, sự tích rất kì dị. Sư không ở một chỗ nào nhất định, tự ấn tâm nơi Ðộng Sơn, hòa lẫn với thế tục ở Mân Châu. Sư chẳng theo luật nghi, chẳng nuôi đồ chúng. Mùa đông hay hạ, Sư cũng chỉ mặc có một chiếc áo nạp. Suốt ngày Sư lang thang ngoài bãi sông, lượm sò ốc để ăn, chiều tối liền vào ngủ trong đống giấy tiền vàng bạc ở miếu Bạch Mã tại Ðông Sơn. Dân chúng gọi Sư là Hòa thượng Hiện Tử.

Thiền sư Hoa Nghiêm Tịnh nghe đồn về Sư nên muốn biết rõ là thật hay giả, bèn đến miếu trước, núp vào trong đống giấy tiền vàng bạc. Ðến đêm, Sư trở về, Nghiêm nắm chặt lại hỏi:

– Thế nào là ý Tổ sư từ phương Tây lại?

Sư liền đáp: Bàn rượu trước thần.

Hoa Nghiêm buông tay ra nói:

– Quả thật ông cùng một cội rễ với ta!

Về sau, Nghiêm được Trang Tông mời vào Trường An, Sư cũng đến đấy trước. Mỗi ngày Sư tự vỗ tay ca hát hoặc giả điên khùng, đi về trong mưa tuyết mà không lưu dấu vết. Sau đó, chẳng ai biết được chỗ của Sư mất.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 17.)

[ Quay lại ]