headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 14/11/2024 - Ngày 14 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

PHẨM THẾ GIAN: 10- Phẩm Vật Không Thể Nào So Sánh

Keo kiết không sanh thiên ...

Câu chuyện này xảy ra, khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến phẩm vật tối thắng.

Một hôm, đức Thế Tôn cùng với năm trăm Tỳ-kheo đi khất thực, trở về Kỳ Viên. Vua Ba-tư-nặc đi đến tinh xá thỉnh Phật thọ trai. Hôm sau, nhà vua ra lệnh sắm sửa rất nhiều phẩm vật để dâng cúng chư Tăng, và bảo dân cư trong thành:

- Hãy đến nhìn phẩm vật do ta sắm sửa.

Dân chúng đến hoàng cung, nhìn các phẩm vật, rồi ngày hôm sau nữa, họ thỉnh Phật và chúng Tăng, họ cũng chuẩn bị các thứ phẩm vật, tâu lên nhà vua.

- Ðại vương hãy đến nhìn phẩm vật của các thần dân cúng dường.

Khi nhà vua trông thấy các thứ cúng dường của dân chúng, đã tự nhủ: "Các thị dân này đã cúng dường nhiều vô số phẩm vật hơn ta, ta sẽ cúng dường lần thứ hai". Lập tức, nhà vua sắm sửa phẩm vật vào ngày tiếp theo, và khi dân cư trong thành được thấy các thứ cúng dường ấy, họ cũng trở vể chuẩn bị cúng dường vào ngày kế đó.

Giữa nhà vua và các thị dân thành Xá-vệ không ai hơn ai. Kết quả, sau sáu lần cúng dường, các thị dân gia tăng phẩm vật lên gấp trăm gấp ngàn lần, chuẩn bị đầy đủ đến nổi không ai có thể phê bình là còn thiếu một thứ gì.

Khi nhà vua thấy họ tổ chức quy mô đầy đủ như vậy, Ngài nghĩ thầm "Nếu ta không sắm sửa nhiều hơn họ, ta còn sống để làm gì?" Và nhà vua nằm dài, suy nghĩ mọi phương chước. Hoàng hậu Mạt-lợi (Mallikà) đi đến, thấy nhà vua nằm trầm tư bèn hỏi:

- Ðại vương! Vì sao lại nằm như vậy? Chuyện gì khiến Ðại vương có vẻ lo buồn?

- Vậy hậu không biết gì sao?

- Thần thiếp không biết.

Nhà vua thuật lại mọi chuyện ganh đua cúng dường giữa mình và thần dân. Hoàng hậu nói:

- Xin bệ hạ đừng phiền não, bệ hạ có bao giờ nghe hoặc thấy một chúa tể vương quốc lại bị thua thiệt về vật chất? Thiếp sẽ sắp đặt việc này.

Hoàng hậu Mạt-lợi nói vậy vì bà muốn tạo một phẩm vật tối thắng. Bà tâu vua:

- Ðại vương hãy ra lệnh xây một lâu đài làm bằng gỗ hạng nhất của cây Sala hình vòng cung để cho năm trăm Sa-môn ngồi, còn những người tùy tùng các Sa-môn thì ngồi ngoài vòng cung ấy. Làm năm trăm lọng trắng cho năm trăm con voi mang lọng đứng che các Sa-môn. Giữa lâu đài đặt tám hay mười cái bàn bằng hồng ngọc. Giữa hai Sa-môn cho một số thiếu nữ dòng Sát-lợi ngồi rưới hương thơm, và một thiếu nữ đứng quạt cho hai vị ấy. Một số thiếu nữ dòng Sát-lợi mang hương bột rắc vào bồn vàng. Một số mang hoa sen xanh nhúng vào bồn hương và dâng lên các Sa-môn. Ðấy, dân chúng làm gì có con gái dòng Sát-lợi, cũng chẳng có lọng trắng, voi và họ sẽ thua Bệ hạ. Ðó là điều Bệ hạ nên làm.

Nhà vua tán thành:

- Hay quá! Chương trình của hậu tuyệt diệu.

Và nhà vua ra lệnh làm theo sự sắp đặt của hoàng hậu. Tuy nhiên, thiếu một con voi cho một vị Sa-môn. Nhà vua bảo hoàng hậu Mạt-lợi:

- Ái khanh! Chỉ còn thiếu một con voi. Bây giờ làm sao?

- Bệ hạ bảo sao, không đủ năm trăm con voi ư?

- Có đấy, nhưng lại còn lại mấy con voi hung dữ, khi chúng thấy các Sa-môn, chúng sẽ nổi cơn phẩn nộ như cuồng phong.

- Thần thiếp biết chỗ đứng cho một con voi hung hăng, có thể mang lọng trên lưng.

- Ðặt nó ở đâu?

- Bên cạnh Tôn giả Angulimàla.

Nhà vua y lời. Chú voi ta cụp đuôi xuống tận chân, xếp tai, nhắm mắt và đứng yên. Dân chúng nhìn chú voi với vẻ thán phục, xầm xì với nhau.

- Con voi dữ kia mới ngoan làm sao!

Nhà vua lo hầu tiếp Tăng đoàn do đức Thế Tôn chủ tọa. Sau đom vua quỳ lạy và thưa:

- Bạch Thế Tôn! Những phẩm vật trong bữa ngọ trai này, đáng giá hay không đáng giá, con xin dâng tất cả cho Thế Tôn.

Tổn phí cho buổi cúng dường khoảng mười bốn triệu châu báu chỉ trong một ngày. Bốn vật vô giá cúng dường cho đức Thế Tôn tùy nghi sử dụng: một lọng trắng, một giường nằm, một ghế ngồi và một ghế đỡ chân. Sau đó, không có phẩm vật nào dâng cúng đức Phật có thể so sánh với phẩm vật của nhà vua, nên được gọi là phẩm vật tối thắng. Ðiều này đã từng xảy ra cho các đức Phật, và luôn luôn do các hoàng hậu sắp xếp.

Khi ấy, trong triều có hai đại thần Kàla và JunhaKàla nghĩ thầm "Của cải nhà vua bị mất mát nhiều làm sao! Chỉ trong một ngày mà tốn hết mười bốn triệu châu báu. Và các lão Sa-môn kia, sau khi ăn xong, sẽ đi về nằm ngủ khì! Nhà vua phung phí tài sản!" Còn Junha nghĩ "Ôi! Nhà vua dâng cúng phẩm vật tuyệt vời! Chỉ có vua mới làm như vậy! Hơn nữa, chẳng có người nào ngoài nhà vua làm cho mọi loài hưởng phước nhờ sự cúng dường. Ta cảm tạ những phẩm vật mà nhà vua đã dâng cúng".

Khi đức Phật thọ trai xong, nhà vua cầm lấy bát của Ngài đợi Ngài thuyết pháp. Ðức Phật nghĩ thầm: " Nhà vua đã cúng dường phẩm vật lớn lao, cúng dường như thác lũ. Dân chúng có tín kính điều này, hay không tin?" Và nhận biết được ý nghĩ của hai vị đại thần, Ngài nghĩ tiếp: "Nếu Ta tán thán công đức của nhà vua cho tương xứng phẩm vật, thì đầu của Kàla sẽ vỡ làm bảy phần, Ngài chỉ nói một bài pháp đơn giản gồm bốn câu tán dương nhà vua, người đang đứng trước Ngài sau khi cúng dường tối thắng. Nói xong, Ngài đứng lên trở về tinh xá.

Các Tỳ-kheo hỏi Angulimàla:

- Tôn giả, Ngài có sợ khi thấy con voi mang lọng trắng dữ dằn đứng gần Ngài?

- Không, chư hiền, tôi không sợ.

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Angulimàla nói dối.

Phật xác nhận:

- Này các Tỳ-kheo! Angulimăala không hề sợ hãi, vì những Tỳ-kheo như người con của Ta là cao quý nhất trong số những người cao quý đã thoát khỏi tham dục; và không hề sợ hãi.

Ngài dạy:

(422) Bậc cao quý, thù thắng,
Bậc anh hùng, đại sĩ,
Bậc chiến thắng, vô nhiễm,
Bậc tẩy sạch, giác ngộ,
Ta gọi Bà-la-môn.

Nhà vua thất vọng cay đắng, nghĩ thầm "Sau khi ta cúng dường vô số phẩm vật, và đứng đấy hầu đức Thế Tôn, thay vì nói lời tán thán tương xứng với phẩm vật ấy, Ngài chỉ nói một bài kệ ngắn và đi về. Có thể là ta đã cúng dường những phẩm vật không thích đáng cho đức Thế Tôn, có thể là ta đã cũng những vật không thích hợp thay vì những vật thích hợp. Có thể là Thế Tôn giận ta, bởi Ngài thường có lệ hồi hướng công đức cân xứng với phẩm vật". Nghĩ như thế, vua Ba-tư-nặc đi đến tinh xá, đảnh lễ Phật và bạch:

- Bạch Thế Tôn, con có lỗi lầm khi dâng cúng phẩm vật không? Có phải thay vì cúng những vật thích hợp con lại cúng những vật không thích hợp?

- Vì sao đại vương hỏi như thế?

- Thế Tôn không hồi hướng công đức cân xứng với phẩm vật con đã dâng cúng.

- Này đại vương, phẩm vật cúng dường rất thích hợp. Phẩm vật tối thắng mà đại vương cúng dường chỉ có một lần cho một đức Phật, phẩm vật như thế khó có lần thứ hai.

- Nhưng, bạch Thế Tôn, vì sao Ngài không nói công đức tương xứng với phẩm vật ấy?

- Vì có đại thần không thanh tịnh.

- Bạch Thế Tôn, trong các quan ai là người có lỗi.

Ðức Phật nói cho vua biết hai quan điểm trái ngược của hai đại thần và an ủi vua rằng, vì thương hại Kàla nên Ngài không tán dương công đức.

Nhà vua hỏi Kàla:

- Phải chăng khanh có ý nghĩ như thế?

- Tâu vâng.

- Ta không hề lấy những gì thuộc về khanh, ta chỉ cho những gì của ta, với sự hỗ trợ của hoàng hậu và thái tử. Ta có sai quấy gì với khanh không? Hãy đi đi! Những gì ta cúng ta cứ cúng, còn phần khanh bước ra khỏi cung điện của ta.

Sau khi đuổi Kàla ra khỏi cung, nhà vua cho gọi Junha và hỏi:

- Phải khanh nghĩ đúng như thế không?

- Thưa vâng.

- Khanh nghĩ đúng, ta rất hài lòng. Ta cho phép khanh dự vào hoàng tộc và cúng dường bảy ngày như ta.

Nhà vua cho Junha ở trong cung bảy hôm, và đến bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, tên ngu si ấy đã cư xử tệ hại. Thấy con cúng dường, y đã phản ứng ngược lại.

- Phải đấy, đại vương, người ngu không hoan hỷ khi thấy ai bố thí, và sẽ bị trừng phạt về sau. Nhưng người trí vui thích với phẩm vật được người khác cúng dường và sẽ sanh thiên.

Ngài nói kệ:

(177) Keo kiết không sanh thiên,
Kẻ ngu ghét bố thí.
Người trí thích bố thí.
Ðời sau được hưởng lạc.

Cuối bài pháp, Junha chứng quả Dự lưu. Hội chúng cũng được lợi ích. Junha sau khi chứng quả đã cúng dường suốt bảy ngày như một vị hoàng đế.

[ Quay lại ]