headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 16/04/2024 - Ngày 8 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Thiền Sư  TÍNH TĨNH và Thiền Sư  TÍNH TUYỀN

(1692 - 1773)-(Đời pháp thứ 38, tông Lâm Tế)

Sư họ Trần, sinh năm 1692, quê ở Đông Khê, thọ giáo với Hòa thượng Như Hiện nơi chùa Nguyệt Quang. Sư thâm đạt yếu chỉ, ngộ được tâm tông.

Sau, Sư kế thừa trụ trì ở chùa Nguyệt Quang, giáo hóa thịnh hành làm rạng rỡ cho tông môn Lâm Tế. Sư chỉ chuyên tịnh nhất tâm, mà đã xây dựng lại được các ngôi cổ tự, nào Long Động, Phước Quang, Quỳnh Lâm. Sư đã từng làm Hòa thượng cho tám, chín đàn truyền giới. Đệ tử lớn của Sư có đến hai mươi vị Đại đức Trụ trì. Sư hằng giữ luật để bỏ trần về giác, chuyên trì kinh Lăng Nghiêm để thấy tánh sáng tâm.

Đến cuối mùa xuân năm Quí Tỵ (1773), Sư từ giã chúng thị tịch, thọ 82 tuổi.

Thiền Sư  TÍNH TUYỀN

(1674 - 1744)-(Đời pháp thứ 39, tông Lâm Tế)

Sư họ Huỳnh, quê ở Đa Nhất, Võ Tiên, tỉnh Nam Định. Năm 12 tuổi, Sư đến chùa Liên Tông đảnh lễ Thượng Sĩ xin thế phát xuất gia, thọ thập giới. Ở đây sáu năm, Sư chuyên cần học tập, siêng năng hầu hạ không lúc bê trễ.

Một hôm, Thượng Sĩ than với Sư rằng: “Hiện nay nhằm thời mạt pháp, nhân tâm suy đồi, Phật pháp quạnh quẽ, giới luật đã không có người được học. Ngươi nên đi xa cầu chánh pháp để dẹp trừ những tệ đoan, thì còn gì quí hơn !”

          Sư lễ tạ vâng lệnh. Thượng Sĩ tiễn Sư kệ rằng:

          Thiền lâm gương cổ đã chôn vùi

          Vì pháp quên mình có mấy người

          Thiện Tài tham vấn nay còn đó

          Bát tuần hành khước gắng chuyên cần.

          (Thiền lâm cổ kính cửu mai trần

          Vị pháp vong thân kỷ hứa nhân

          Ngũ thập tam tham kim cổ tại

          Bát tuần hành khước dã tân cần.)

Sư tư duy thâm nhập phát thệ nguyện lớn, nghiên tầm kinh luật. Một hôm Sư đến trước Phật Tổ thắp hương lễ bái xong, bạch hết chí nguyện mình lên Phật Tổ cầu chứng  giám.

Khoảng niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740), Sư trèo non vượt biển chừng sáu tháng đến núi Đảnh Hồ ở Quảng Châu, Trung Hoa, vào chùa Khánh Vân Đại Thiền, ngụ trọ ngoài tam quan ba tháng. Một hôm, thầy Duy-na đi ra cửa ngoài thấy Sư dung mạo buồn thảm, hỏi rằng:

- Ngươi từ phương nào đến? Chí cầu việc gì ?

 Sư thưa:

- Bần tăng ở nước An Nam, đi xa ngàn dặm muốn cầu đại pháp. Không có cơ duyên được mãn nguyện, dám nhờ nhân giả thưa hộ lên Hòa thượng, thật là vạn hạnh cho bần tăng.

Thầy Duy-na bẩm hết nguyên do lên Hòa thượng. Hòa thượng bảo: “tốt lắm!”

Sư được mời vào phương trượng đảnh lễ Hòa thượng Kim Quang Đoan, trình bày hết chí nguyện của mình. Hòa thượng bảo: “Vào tăng đường đi.”

Từ đây, Sư gắng chịu mọi khổ nhọc, chẳng tiếc thân mạng. Phục dịch như thế đến ba năm, trong ba năm này, Sư vừa công tác vừa tu niệm và gắng sức học tập không lúc bê trễ. Khi ấy Sư đã được 25 tuổi, cầu xin thọ giới Tỳ-kheo, Bồ-tát, được Hòa thượng chấp thuận. Lễ truyền giới được tổ chức ngay chùa này, Hòa thượng Kim Quang Đoan làm Hòa thượng trong đàn lễ truyền giới.

Ở Trung Hoa mãn sáu năm, Sư xin phép trở về cố quốc. Khi về, Sư thỉnh được ba trăm bộ kinh luật luận, cả thảy hơn một ngàn quyển. Lúc ra về, Sư đến từ Hòa thượng, Ngài phó chúc kệ rằng:

          Về mà chẳng ngộ

          Ngộ mà chẳng mê

          Tâm không mê ngộ

          Thật ngồi tòa sen.

          (Hoàn nhi bất ngộ

          Ngộ nhi bất mê

          Tâm vô mê ngộ

          Chân tọa liên hoa.)

Sư từ giã đại chúng trở về nước. Về đến thôn Nhân Mục, ở cửa Tam Huyền, Sư hay tin Thượng Sĩ đã tịch ba năm rồi. Sư chở ba tạng kinh để ở chùa Càn An. Tăng Ni trong nước đua nhau đến thỉnh Sư truyền giới lại. Sư là người mở đầu hoằng dương Luật tứ phần. Từ đây Phật giáo nước nhà được trùng hưng rạng rỡ.

Năm 70 tuổi, một hôm Sư bảo đánh chuông nhóm chúng và gọi đệ tử lớn là Hải Quýnh bảo:

- Đạo của ta được thịnh hành là nhờ ngươi vậy. Hãy nghe kệ đây:

          Đạo cả không lời

          Vào cửa chẳng hai

          Pháp môn vô lượng

          Ai là kẻ sau.

          (Chí đạo vô ngôn    

          Nhập bất nhị môn   

          Pháp môn vô lượng 

          Thùy thị hậu côn.)  

Nói xong, Sư ngồi kiết già thị tịch. Đệ tử làm lễ hỏa táng nhục thân Sư và xây tháp ở hai chùa Hàm Long và Sùng Phước để thờ.

[ Quay lại ]