headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 26/04/2024 - Ngày 18 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THIỀN SƯ VĂN CHUẨN

Phần Đàm - (1061 - 1115)

Sư họ Lương, quê ở Đường Cố phủ Hưng Nguyên. Thuở trong nôi thấy tượng Phật, Sư liền cười, đến đồng tử Sư chẳng ưa nghe rượu thịt. Sa-môn Hư Phổ ở chùa Kim Sơn đến nhà khất thực, Sư ở trước cửa ứng đối như người lớn. Lúc bấy giờ mới tám tuổi, Sư xin từ cha mẹ theo Hư Phổ về chùa.

*

Kinh lược Thiểm Tây là Phạm Công đến chùa Hư Phổ, Phổ tuổi già ứng đối lơ là. Sư đứng hầu bên cạnh giải thích rõ ràng tới lui có qui củ, Phạm Công muốn dẫn Sư về Thiểm Tây, Sư từ rằng: Lên núi để cầu ngọc vào biển để tìm châu, mỗi người có chí của mình. Người học đạo có bản hạnh, việc đẹp ở đời không phải là chỗ tâm thích. Phạm Công thầm khen lời này, liền cho xuất gia làm Tăng.

Sư đến nương Thiền sư Thừa ở Lương Sơn. Thừa quở rằng: Khu ô chưa thọ giới dám học Phật thừa. Sư vòng tay thưa: - Đàn tràng là giới chăng? Xà-lê phạm hạnh và ba phen yết-ma là giới chăng?

Thừa kinh ngạc. Sư cười thưa: - Tuy nhiên đâu dám không vâng lời dạy. Sư bèn đến Luật sư Đường An thọ giới cụ túc. Sư dạo khắp các nơi giảng dạy tại Thành đô. Pháp sư Đàm Diễn thích chỗ anh tài của Sư vỗ về bảo: Ông là pháp thuyền sau này. Phương Nam có các bậc khai sĩ như Chơn Như ở Đại Qui, Chơn Tịnh ở Cửu Phong, nên đến đó cầu đạo. Sư lễ bái vâng dạy, cùng đồng học đến Đại Qui, trụ tại đây khá lâu mà không khế ngộ.

Sư đến Cửu Phong yết kiến Chơn Tịnh. Chơn Tịnh hỏi: - Ở đâu đến?

             Sư thưa:- Hưng Nguyên phủ đến.

             Chơn Tịnh hỏi:- Vừa rời chỗ nào?

             Sư thưa:- Đại Qui.

             Chơn Tịnh hỏi:- Hạ ở đâu?

             Sư thưa:- Qui Sơn.

             Chơn Tịnh xòe tay nói:- Tay ta sao giống tay Phật.

             Sư mờ mịt không biết. Chơn Tịnh quở: - Mới đến câu câu không sai lầm một mảy tơ linh minh thiên chân, vừa nói đến tay Phật liền thành cách ngại, bệnh tại chỗ nào?

             Sư thưa:- Chẳng hiểu.

             Chơn Tịnh bảo:- Tất cả hiện thành lại bảo ai hiểu?

             Sư ở đây hầu hạ hơn mười năm. Một hôm Sư cầm cây gậy vạch mặt hồ cho trống giặt y, nhân đây đại ngộ, chạy đến Chơn Tịnh thuật sở ngộ.

             Chơn Tịnh quở:- Trong đây lại dám dùng gai sậy ư?

             Từ đây, Sư càng ẩn giấu mà danh càng bày.

Tiết chế Lý Cảnh Chơn thú Dự Chương mến đức Sư thỉnh khai pháp ở Vân Nham. Chưa bao lâu, Phạm Công mời Sư đến Phần Đàm. Sư lời lẽ như tên bay nước lũ, cơ phong như điện chớp, Thiền tăng sợ mà kính. Dưới sự hướng dẫn của Sư có cả ngàn người. Sư tự hiệu là Trạm Đường.

             Có vị Tăng mới đến yết kiến liền trải tọa cụ. Sư bảo:- Chưa hỏi việc người, Thượng tọa vừa rời chỗ nào?

             Tăng thưa:- Qui Tông ở Lô Sơn.

             Sư hỏi:- Qui Tông chỗ nào?

             Tăng thưa:- Hạ!

             Sư bảo:- Trong hang ếch làm kế sống.

             Tăng thưa:- Hòa thượng sao không lãnh thoại?

             Sư bảo:- Ông đâu chẳng phải từ Qui Tông lại.

             Tăng thưa:- Phải.

             Sư bảo:- Kẻ trước lừa sau ngựa.

             Sư hỏi đệ nhị tòa:- Vừa ở chỗ nào đến?

             Tăng thưa:- Viên Châu.

             Sư hỏi:- Hạ ở đâu?

             Tăng thưa:- Ngưỡng Sơn.

             Sư hỏi:- Lại thấy tiểu Thích-ca chăng?

             Tăng thưa:- Thấy.

             Sư hỏi:- Lỗ mũi dài hay ngắn?

             Tăng suy nghĩ. Sư bảo: - Ông thầy quê, lời nói đã rơi.

*

             Sư hỏi vị Tăng: - Ông đến làm gì?

             Tăng thưa: - Con đến vấn an Hòa thượng.

             Sư bảo: - Mây bay đầu núi nhàn biết mấy, nước chảy dưới khe rất nhộn nhàng.

             Tăng thưa: - Hòa thượng chớ lừa người.

             Sư bảo: - Mã Đại sư vì sao từ gót chân ông đi qua?

             Tăng không đáp được. Sư bảo: - Lại là Xà-lê lừa lão Tăng.

*

             Sư ở Phần Ninh gặp Hòa thượng Tử Tâm, Tử Tâm hỏi:- Ông trở về trong núi này chăng?

             Sư thưa: - Cần đến lễ bái Sư huynh.       

             Tử Tâm bảo: - Khi ông đến khéo xem phương tiện.

             Sư thưa: - Cớ sao?

             Tử Tâm bảo: - Con đường Hoàng Long ta trơn.

             Sư hỏi: - Đã té nhào bao nhiêu người?

             Tử Tâm bảo: - Ông chưa đến Hoàng Long gót chân trước đã rít.

             Sư thưa: - Hòa thượng đâu được đóng cửa tiếp nhau.

             Tử Tâm lại hỏi: - Lão Chuẩn nuôi nhiều Tăng thế này chỉ là tụ đầu cãi lẽ rồi ăn cơm, ông cứu kính đem cái gì vì người?

             Sư thưa: - Nhân gió thổi lửa.

             Tử Tâm bảo: - Nhiễu loạn làm gì?

             Sư thưa: - Từ đây có chút ít.

             Sư hỏi lại: - Trong núi Hòa thượng nuôi bao nhiêu chúng?

             Tử Tâm nói: - Bốn trăm người toàn là Thiền tăng tinh xảo.

             Sư thưa: - Trong hang sư tử không thú khác.

             Tử Tâm bảo: - Khi ông đến cũng phải chiếu cố.

             Sư thưa: - Cũng đợi khi đến.

             Tử Tâm hỏi: - Khi đến làm sao?

             Sư thưa: - Kêu lại rửa chân.

             Tử Tâm bảo: - Ông thầy đất Xuyên mở miệng to thế.

             Sư thưa: - Thượng tọa Chuẩn từ lâu như thế.

             Tử Tâm nói: - Ba mươi năm đùa cỡi ngựa.

             Thấy Tăng xem kinh, Sư hỏi: - Xem kinh gì?

             Tăng thưa: - Kinh Kim Cang.

             Sư bảo: - Trong kinh nói ?Pháp ấy bình đẳng không có cao thấp? phải chăng?

             Tăng thưa: - Phải.

             Sư bảo: - Tại sao núi Vân Cư cao, núi Bảo Phong thấp?

             Tăng thưa: - Pháp ấy bình đẳng không có cao thấp.

             Sư bảo: - Ông chỉ làm được kẻ tôi tớ Tọa chủ.

             Tăng thưa: - Hòa thượng lại thế nào?

             Sư bảo: - Hãy buông lỗ mũi ông để thở.

*

             Sư hỏi vị Tăng: - An vui chăng?

             Tăng thưa: - Vô sự.

             Sư bảo: - Ông còn có việc lớn.

             Tăng hỏi: - Chưa biết con còn có việc gì?

             Sư bảo: - Gần đây Kim Cang ở Thượng Lam cùng Thổ Địa ở Thiên Ninh đánh nhau.

             Tăng không nói được. Sư bảo: - Nguyên lai vô sự.

*

Một hôm Sư thượng đường: Bảo Phong một đêm ngủ không suy tính, ngày nay thượng đường moi bụng móc ngực thảy suy nghĩ chẳng ra, mà nay đến giờ việc bức ngặt phải ra cửa gấp, liền đưa cây gậy nói: Thượng tọa Chuẩn gần đây làm được cán cây phất tử, hãy tạm đem cúng dường đại chúng, bèn ném xuống nói: Gốc tre lá móc dây gai cột, dạng tựa thiên nhiên riêng một nhà.

*

             Niên hiệu Chánh Hòa thứ năm (1115) mùa hạ tháng sáu, Sư bị bệnh. Thủ tọa đến hỏi thăm: - Ngày gần đây thân thể Hòa thượng thế nào?

             Sư bảo: - Lừa què leo vách.

             Thủ tọa thưa: - Hòa thượng cũng nên uống thuốc.     

             Sư bảo: - Cây mục bắc cầu.

             Thủ tọa thưa: - Cũng biết Hòa thượng chẳng chịu kiêng miệng.

             Sư hỏi: - Ông làm sao?

             Thủ tọa suy nghĩ để nói. Sư bảo: - Ông cũng cần phải uống thuốc.

            Đến ngày hai mươi hai tháng bảy, Sư nói kệ rồi tịch, thọ năm mươi lăm tuổi, ba mươi lăm tuổi hạ.

             Thừa tướng Trương Vô Tận làm lời bia, Giản Nghị Hồng Câu phụ chép Ngữ lục.

[ Quay lại ]