headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THIỀN SƯ HUỆ NHẬT TRÍ GIÁC

chùa Vĩnh Minh Diên Thọ - (904 - 975)

Sư họ Vương quê ở Dư Hàng, thuở bé đã qui tâm về Phật thừa. Lúc thiếu niên Sư không ăn thịt cá, mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Sư trì kinh Pháp Hoa vừa được sáu tuần liền được lão thông, cảm đến bầy dê quì nghe kinh.

Năm Sư hai mươi tám tuổi làm quan trấn ở Hoa Đình, gặp lúc Đại sư Thúy Nham Vĩnh Minh dời về ở chùa Long San truyền bá Thiền tông, Sư thường tới lui hỏi đạo. Vua Văn Mục Vương nước Ngô Việt biết Sư mộ đạo, bèn theo chí nguyện của Sư cho xuất gia.

Sư lễ Thúy Nham xin làm đệ tử, hằng ngày làm việc phục vụ cho chúng trọn quên mình là kẻ làm quan. Mặc chẳng cần đẹp, ăn chẳng nghĩ ngon, áo vải đơn sơ che mưa đỡ gió.        

Lên núi Thiên Thai, ở ngọn Thiên Trụ tập định chín tuần, có loại chim tha cỏ làm ổ trong áo của Sư.

Sư đến yết kiến Quốc sư Đức Thiều. Vừa trông thấy Sư, Quốc sư đã chấp nhận, thầm trao huyền chỉ. Quốc sư bảo Sư: Người cùng Nguyên soái có duyên, sau này sẽ làm hưng thịnh Phật pháp.

*

Ban đầu, Sư đến Minh Châu ở núi Tuyết Đậu học chúng rất đông.

Sư thượng đường dạy:

- Trong núi Tuyết Đậu này vươn lên ngàn tầm không dừng mảy thóc, dựa đảnh muôn nhẫn không có chỗ để chân. Tất cả các người nhằm chỗ nào tiến bộ?

Có vị Tăng ra hỏi:- Một lối tắt của Tuyết Đậu làm sao dẫm đi?

Sư đáp:- Bước bước hoa lạnh kết, lời lời suốt đáy băng.

*

Niên hiệu Kiến Long (950), Trung Hiến Vương thỉnh Sư trụ trì chùa mới ở núi Linh Ẩn. Năm sau, lại thỉnh Sư trụ trì đại đạo tràng Vĩnh Minh. Ở đây, chúng tụ họp đến hơn hai ngàn vị.

Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là diệu chỉ của Vĩnh Minh?

Sư đáp:- Lại thêm hương đi.

- Tạ Thầy chỉ dạy.

- Hãy mừng chớ giao thiệp.

Sư làm bài kệ:

            Dục thức Vĩnh Minh chỉ

            Môn tiền nhất hồ thủy

            Nhật chiếu quang minh sanh

            Phong lai ba lãng khởi.

 

            Biết diệu chỉ Vĩnh Minh

            Trước cửa nước một hồ

            Trời soi ánh sáng dậy

            Gió sang sóng mòi sanh.

*

Tăng hỏi:- Trường Sa kệ rằng:

            Học đạo chi nhân bất thức chân

            Chỉ vị tùng tiền nhận thức thần

            Vô thủy thời lai sanh tử bản

            Si nhân hoán tác bổn lai nhân

[Xem T.S.T.H. tập 1 về Thiền sư Cảnh Sầm có bản dịch.]

-Đâu chẳng phải lìa thức tánh riêng có chân tâm ư?

Sư đáp:

- Như Lai Thế Tôn trên hội Thủ Lăng Nghiêm vì ngài A-nan giản biệt rất rõ mà người vẫn cố chẳng tin. Ngài A-nan lấy cái suy xét theo đuổi làm tâm, bị Phật quở đó, cái suy xét theo đuổi ấy là ?thức? vậy. Nếu lấy cái biết pháp, theo tướng là phiền não thì gọi thức, chẳng gọi tâm. Ý là nhớ, nhớ tưởng cảnh trước khởi vọng đều là vọng thức chẳng can gì về việc của tâm. Tâm chẳng phải có không, có không chẳng nhiễm. Tâm chẳng phải cấu tịnh, cấu tịnh chẳng nhơ. Cho đến mê ngộ phàm thánh đi đứng ngồi nằm đều là vọng thức, chẳng phải tâm vậy. Tâm xưa chẳng sanh nay cũng chẳng diệt. Nếu biết tâm mình như thế, đối chư Phật cũng vậy. Cho nên ông Duy-ma nói: ?trực tâm là đạo tràng?, vì không có hư giả vậy.

*

Tăng hỏi:

- Học nhân ở tại Vĩnh Minh đã lâu, vì sao chẳng hội gia phong Vĩnh Minh?

Sư đáp:- Chỗ chẳng hội nên hội lấy.

- Chỗ chẳng hội làm sao mà hội?

- Thai trâu sanh voi con, biển biết dấy bụi hồng.

*

Sư muốn đem giáo pháp một đời của Phật lưu truyền ở cõi này, xem qua lối phán giáo của ngài Thiên Thai, Hiền Thủ, Từ Ân chia các tông tánh tướng v.v... trở thành mâu thuẫn khiến khó khăn thêm cho người học đạo. Sư lấy yếu điểm của Tâm tông (Thiền tông) làm nhân chiết trung, góp các kinh Phương Đẳng v.v... sáu mươi bộ, những lời dạy của ba trăm vị Tổ ở Ấn Độ và Trung Hoa để giúp nghĩa cho Tâm tông, soạn thành bộ sách một trăm quyển tên là Tông Cảnh Lục để lưu truyền hậu thế.

*

Sư ở chùa Vĩnh Minh mười lăm năm, độ một ngàn bảy trăm đệ tử. Niên hiệu Khai Bảo năm thứ bảy (974), Sư lên núi Thiên Thai truyền giới chừng một vạn người, thường cho bảy chúng thọ giới Bồ-tát. Ban đêm cúng thí quỉ thần, ban ngày làm lễ phóng sanh không thể tính hết. Sáu thời tán hoa, hành đạo còn dư sức, Sư tụng một vạn ba ngàn (13.000) bộ kinh Pháp Hoa.

Ngoài bộ Tông Cảnh Lục, Sư còn trước tác thi, kệ, phú, vịnh đến cả ngàn muôn lời.

*

Vua nước Cao Ly (Triều Tiên) xem các tác phẩm của Sư cảm mến sai sứ đem thơ sang, trong thơ tự nhận là đệ tử, dâng cúng Sư y ca-sa tía do kim tuyến dệt thành, mấy hạt châu thủy tinh, chung vàng v.v...

Có ba mươi sáu vị Tăng ở Cao Ly sang học đạo với Sư đều được ấn ký, lần lượt về nước mỗi người giáo hóa mỗi nơi.

*

Đến niên hiệu Khai Bảo năm thứ tám (975) tháng chạp, Sư có chút bệnh. Ngày hai mươi sáu vào buổi sáng, Sư thắp hương từ biệt chúng, ngồi kiết già thị tịch, thọ bảy mươi hai tuổi, bốn mươi hai tuổi hạ.

[ Quay lại ]