headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 08/11/2024 - Ngày 8 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Con mắt thứ hai

 Thường thường mỗi người chúng ta ai cũng có hai con mắt, nhưng chúng ta có biết thế nào là con mắt thứ hai chăng? Nếu chỉ mắt bên phải hoặc bên trái đều không đúng, vì cả hai đồng thời sanh thì làm sao bảo cái nào là cái thứ nhất, cái nào là cái thứ hai? Vậy ai có thể chỉ ra được ?

Đây chúng ta hãy nghe câu chuyện đức Phật khi Ngài còn làm Bồ Tát. Thuở ấy Ngài sanh làm một vị vua trị vì thiên hạ. Một hôm, do túc duyên nhiều đời Ngài bỗng chán ngai vàng và những lạc thú thế gian, vua liền trốn khỏi hoàng thành đi vào rừng sâu để tìm bậc Đạo Sư chuyên tu thiền định. Hoàng hậu hay tin vội đuổi theo tìm vua và bà gặp Ngài trên  đường đi. Vua hết sức khuyên bà trở lại, nhưng bà quyết một mực theo Ngài. Trời Đế Thích thấy vua có chí siêu xuất thế gian, để thúc đẩy Ngài thêm, mới hiện ra một người thợ mộc ở gần bên đường. Vua vừa đi đến, chợt trông thấy anh ta đang cầm thanh gỗ nhắm xem đã thẳng mực hay chưa? Trong khi đó anh ta nhắm bớt một mắt lại, vua thấy lạ mới đến hỏi: Vì sau phải nhắm bớt một mắt lại như vậy? Người thợ mộc đáp: Vì nếu có con mắt thứ hai thì hai con nó tranh nhau khó nhìn chính xác. Vua nghe nói chợt tỉnh, nghĩ rằng: Cũng thế, ta đã chán cảnh đua chen của thế gian để vào rừng chuyên tu, thế mà còn có con mắt thứ hai là Hoàng hậu bên cạnh thì làm sao tránh khỏi tâm bị chi phối. Nghĩ như vậy, vua từ giả anh thợ mộc, đi đến một ngã tư đường, vua bẻ một cành lau đưa trước Hoàng hậu hỏi: Như cành lau này có thể dính trở lại với thân cây chăng? Bà thưa: Tâu bệ hạ, không thể được. Vua nói: Cũng vậy, chừng nào cành lau này dính trở lại với thân cây, chừng ấy chúng ta mới có thể sống lại với nhau, giờ chúng ta phải chia tay. Tức thời vua bỏ bà ở lại và phóng thẳng vào rừng.

Như thế chúng ta đã thấy con mắt thứ hai chưa, nhất là đối với những người xuất gia? Cứ nhắm đi một mắt thì sẽ thấy những gì là con mắt thứ hai! Giờ chúng ta hãy nghiệm lại câu nói của người thợ mộc: “Nếu có con mắt thứ hai thì hai con nó tranh nhau khó nhìn chính xác”. Người tu đã phát nguyện từ bỏ gia đình, cắt đứt những gì thân ái từ trước để sống đời phạm hạnh; thực hiện hoài bảo cao cả của người xuất gia; thế mà thiếu tinh thần dứt khoát làm sao đạt thành sở nguyện? Chúng ta hãy quán kỹ lại xem, tất cả thế gian này có gì quan trọng đáng để lưu ý? Ngay cái thân sống hàng ngày đây ta cũng không thể lo lắng giữ gìn được, huống là những cái bên ngoài! Nó già ta bảo nó đừng già cũng không được. Nó đau ta bảo nó đừng đau, nhưng nó vẫn đau, cho đến ta bảo nó đừng hư hoại, song rốt cuộc rồi nó cũng phải hư hoại! Thế thì, cái theo sát một bên mà chúng ta còn không thể giữ gìn sắp xếp gì được, thì những việc xa vời đâu đâu mà cứ vương vấn mãi, thử hỏi có sáng suốt hay không? Vậy mà đa số vẫn không bỏ được! Người tu chúng ta là người sống theo trí tuệ, lấy chánh giác làm đầu, không thể đi theo con đường u ám! Với trí tuệ quán sát kỹ, cái đáng làm chúng ta sẵn sàng làm, cái đáng bỏ chúng ta sẵn sàng buông bỏ, như thế mới đúng ý nghĩa cao đẹp của người xuất gia. Đằng này, vừa mới phát tâm xuất gia liền nghĩ: “Gia đình rồi đây ai chăm sóc?”. Vừa cạo tóc, liếc thấy những sợi tóc đen huyền óng ánh lại nghĩ: “Ta hãy giữ nó làm kỹ niệm”. Vừa khoác áo cà sa lại nhớ đến: “Mấy đứa bạn hôm qua sao chẳng đến thăm?” v.v... Như vậy, có xứng đáng với tâm xuất gia chưa hay đã rong về trần tục mất rồi? Do đó ngay từ bước ban đầu phải sẵn sàng bẻ gẫy những gì còn vương vấn có thể đưa đến tâm sai biệt, vươn lên khỏi vòng  vây con mắt thứ hai. Phải can đảm dứt khoát như vị vua bẻ gẫy cành lau không chút luyến tiếc.

Chúng ta còn nhớ bài kệ khi ba nhát dao của bậc Thầy thế độ lên đầu, và ba lượn tóc bắt đầu rơi khỏi mái tóc thân yêu:

            Hủy hình thủ chí tiết

            Cát ái từ sở thân

            Xuất gia hoằng thánh đạo

            Thệ độ nhất thiết nhân

Hủy hình là phá đi cái đẹp của hình sắc diện mạo để giữ gìn cái chí siêu trần, cắt đứt sợi dây ân ái, xa lìa những chỗ thân yêu. Quyết một bề bỏ nhà ra đi hoằng truyền đạo Thánh tức là đạo giải thoát, đưa hết mọi người đồng qua biển khổ, đó là lời thề của ta vậy. Thế nhưng chúng ta có giữ đúng chăng hay là mấy hôm sau, trên đầu đã thấy lấm tấm bụi trần trở lại? Nếu không khéo chúng ta cứ buông xuôi theo đó ắt không lâu tóc đen phủ kín da đầu như cũ. Cho nên phải dứt khoát ngay từ đầu, sẵn sàng con dao bên cạnh, một lần cạo là cạo mãi, chớm lên liền cạo, cạo cho đến hơi thở cuối cùng quyết không dừng tay ngó lại con mắt thứ hai! Chúng ta đâu chẳng nghe Hòa Thượng Triệu Châu, sau khi được Nam Tuyền ấn khả, Sư trở về Tào Châu thăm Bổn Sư. Những người quen thuộc hay tin Sư về đều muốn đến thăm. Sư nghe được nói: “Lưới ái trần tục không có ngày dứt được, ta đã từ bỏ xuất gia không muốn gặp lại”. Sư liền mang bát, cầm gậy ra đi. Phải một con người dứt khoát như vậy mới hay làm nên việc lớn. Đâu thể yếu đuối để cho các duyên lôi cuốn mà phai mờ chí nguyện cao đẹp của buổi ban đầu! Đó là nói về con mắt thứ hai đối với bên ngoài tức thuộc về tình.

Đến bên trong nói về lý thì hình ảnh con mắt thứ hai có phần tế nhị hơn. Nghĩa là còn tương ưng một pháp thứ hai là còn có hình ảnh của nó. Chẳng hạn khi chúng ta đang ngồi thiền lặng lẽ không vọng tưởng, chợt khởi nghĩ: “Còn cái gì nữa chăng?”. Thế là lọt vào con mắt thứ hai, vướng víu trong cái sai biệt! Đâu chẳng biết, chính ngay lúc tâm lặng lẽ tỉnh sáng rõ ràng không một bóng dáng gì chen vào làm rối loạn, như vậy tức thảnh thơi quá rồi, lại còn đòi hỏi cái gì thêm nữa? Đòi thêm cái nữa thì cái này bỏ đi đâu? Nếu có hai cái, đến bao giờ mới được thôi dứt? Thế nên nói: “Sáng không chiếu cảnh, cảnh cũng chẳng còn, sáng cảnh đều quên, lại là vật gì?”. Sáng là tâm, cảnh là duyên. Tâm không chỗ chiếu, cảnh từ đâu khởi? Tâm cảnh đều dứt, còn gì lại nghi? Chúng ta đọc kinh Viên Giác có một đoạn cũng ứng hợp chỗ này: “Ở tất cả thời chẳng khởi vọng niệm, ở các vọng tâm cũng chẳng tắt diệt. Trụ cảnh vọng tưởng chẳng thêm rõ biết, ở không rõ biết chẳng phân biệt chân thật”. Ở tất cả thời chẳng khởi vọng niệm là “tâm không sanh”. Ở các vọng tâm cũng chẳng tắt diệt là “trí chẳng dứt”. Trụ cảnh vọng tưởng chẳng thêm rõ biết là “chiếu không nơi”. Ở không rõ biết chẳng phân biệt chân thật là “năng sở đều dứt, rõ ràng không nghi”.

Đến đây chẳng bảo chúng ta nhắm con mắt thứ hai mà phải thấu suốt cả hai mắt không còn nhắm mở, đó mới là chỗ cứu cánh giải thoát. Trái lại, còn dính bên nhắm hoặc bên mở đều chưa tránh khỏi vòng vây con mắt thứ hai, khó đạt đến kết quả viên mãn. Chúng ta hãy nghe câu chuyện Ngài Đạo Ưng. Sư cất am ở nơi Tam Phong, trải qua tuần nhật không xuống trai đường. Động Sơn thấy lạ hỏi: Mấy ngày nay sao không thấy ngươi đến thọ trai?

Sư thưa:

-Mỗi ngày có Thiên thần cúng dường.

Động Sơn bảo:

-Ta bảo ngươi là kẻ vẫn còn kiến giải, ngươi rảnh chiều lại.

Chiều Sư đến, Động Sơn gọi:

-Ưng am chủ!

Sư ứng thanh: Dạ!

Động Sơn bảo:

-Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác là cái gì?

Sư trở về am ngồi yên lặng lẽ. Thiên thần tìm mãi không thấy, trải ba ngày như thế mới thôi cúng dường.

Chúng ta thấy, vì sao Đạo Ưng bị Động Sơn quở? Chính bởi Sư tuy đã từng đạt lý thật mà còn một chút niệm thiện chưa quên, bị Thiên thần xem thấy nên Động Sơn quở là “Kẻ vẫn còn kiến giải” tức chưa sạch hết dấu vết, nếu chấp trước nơi đây ắt công phu khó viên mãn.

Do đó người tu phải sẵn sàng buông bỏ, can đảm dứt khoát những gì còn liên hệ níu kéo ngay từ buổi đầu cho đến rốt sau, từ cái bên ngoài cho đến trong tâm thức. Nói cho dễ hiểu là dứt bặt hết các duyên không để một chút gì còn vương vấn như người buông tay đi trong không. Đó là hình ảnh con người chân thật dứt khoát và tự tại.

Nên nhớ rằng sở dĩ chúng ta bị dẫn đi mãi trong luân hồi không có ngày ra là cũng tại “mê chỗ duyên sanh” chớ không có gì lạ. Mê duyên khởi là sanh tử, ngộ duyên khởi là Niết Bàn. Bởi vì tự tâm vốn không sanh, do duyên mà khởi, nếu khi khởi mà chẳng giác biết tức bị cuốn trôi. Trái lại, ngay lúc vừa khởi liền tỉnh giác tức thành vô sanh. Cho nên các Tổ thường nói: Chính khi sanh tức chẳng sanh (Đương sanh tức bất sanh) nghĩa là thẳng đó liền dứt bặt chẳng thể tiếp nối. Được vậy mới xứng đáng là người xuất gia giải thoát, tình và lý đều vô ngại.

Đến đây kết luận bằng bài kệ của Tổ Hoàng Bá:

            Trần lao quýnh thoát sự phi thường

            Hệ bả thằng đầu tố nhất trường

            Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt

            Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương!

Dịch:

            Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường

            Đầu dây nắm chặt giữ lập trường

            Chẳng phải một phen xương lạnh buốt

            Hoa mai đâu được ngửi mùi hương!

Muốn vượt khỏi trần lao chẳng phải việc tầm thường, phải nắm giữ lập trường vững chắc, phải dám chịu một cái lạnh thấu xương của mùa Đông, nếu không làm sao có thể ngửi được mùi thơm của hoa mai?

Vậy có ai dám bẻ gẫy cành lau chưa? Người có tâm thoát tục hãy khéo nhận cho kỹ!

[ Quay lại ]