headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 21/04/2024 - Ngày 13 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TẮC 74: KIM NGƯU THÙNG CƠM

LỜI DẪN: Kiếm Mạc Da để ngang, trước mũi nhọn cắt đứt ổ sắn bìm, gương treo trên cao, trong câu dẫn ra ấn Tỳ-lô. Chỗ điền địa ẩn mật, ăn cơm mặc áo. Chỗ thần thông du hí, làm sao gá nương, lại thông suốt chăng ? Xem lấy văn sau.

CÔNG ÁN: Hòa thượng Kim Ngưu mỗi khi đến giờ trai tự mang thùng cơm để trước Tăng đường múa rồi cười ha hả, nói: Bồ-tát con lại ăn cơm! Tuyết Đậu nói: Tuy nhiên như thế, Kim Ngưu chẳng phải hảo tâm. Tăng hỏi Trường Khánh: Cổ nhân nói Bồ-tát con lại ăn cơm, ý chỉ thế nào ? Trường Khánh nói: Giống như nhân thụ trai khánh tán.

GIẢI THÍCH: Kim Ngưu là bậc tôn túc dưới Mã Tổ, mỗi khi đến giờ trai tự mang thùng cơm để trước Tăng đường, múa rồi cười hả hả, nói: Bồ-tát con đến ăn cơm ! Như thế đến hai mươi năm. Hãy nói ý Ngài ở chỗ nào ? Nếu chỉ gọi ăn cơm, bình thường đánh bản đánh trống cũng đủ báo hiệu rồi. Tại sao lại tự mang thùng cơm đến, làm nhiều việc như thế ? Có phải Ngài điên chăng ? Có phải Ngài đề xướng dựng lập chăng ? Nếu là đề xướng việc này sao chẳng lên tòa Bảo Hoa Vương gõ giường thiền, dựng phất tử, làm như thế để làm gì ? Người nay đâu chẳng biết cổ nhân ý tại ngôn ngoại. Sao chẳng xem đề mục đương thời Tổ sư mới đến nói cái gì ? Rõ ràng nói: “Giáo ngoại biệt truyền, riêng truyền tâm ấn.” Phương tiện của cổ nhân cũng chỉ dạy ông chặt thẳng, thừa đương đi. Người sau vọng tự suy tính, nói ở đâu có nhiều việc ? Lạnh thì đến lửa, nóng thì dạo mát, đói thì ăn cơm, nhọc thì đi ngủ. Nếu thế ấy là dùng thường tình nghĩa giải chú thích, một tông Đạt-ma mất sạch. Chẳng biết cổ nhân nhằm trong mười hai giờ niệm niệm chẳng xả, cốt rõ việc này. Tuyết Đậu nói: Tuy nhiên như thế, Kim Ngưu chẳng phải hảo tâm. Chỉ một câu này nhiều người hiểu lầm. Chỗ nói thượng vị đề-hồ là vật quí ở đời, gặp kẻ này trở thành độc dược. Kim Ngưu đã là vì người rơi trong cỏ, vì sao Tuyết Đậu nói chẳng phải hảo tâm ? Nhân đâu mà nói thế ấy ? Hàng Thiền khách phải có sanh cơ mới được. Người nay chẳng đến điền địa của cổ nhân, chỉ thích nói: Thấy tâm gì ? Có Phật gì ? Nếu khởi kiến giải này là hoại mất lão tác gia Kim Ngưu rồi, cần phải chín chắn xem mới được. Nếu chỉ ngày nay ngày mai nói cho thích khẩu, ắt không có ngày liễu ngộ. Sau này Trường Khánh thượng đường, có vị Tăng hỏi: Cổ nhân nói Bồ-tát con đến ăn cơm, ý chỉ thế nào ? Trường Khánh đáp: Giống như nhân trai khánh tán. Hàng tôn túc rất mực từ bi, ló đuôi chẳng ít, phải thì phải, nhân trai khánh tán, ông hãy nói khánh tán cái gì ? Xem Tuyết Đậu tụng:         

TỤNG:      Bạch vân ảnh lý tiếu ha ha

                Lưỡng thủ trì lai phó dữ tha

                Nhược thị kim mao sư tử tử

                Tam thiên lý ngoại kiến hào ngoa.

DỊCH:       Bóng mây trắng bạc cười ha ha

                Hai tay mang lại gởi cho va

                Sư tử lông vàng con quả thực

                Ngoài ba ngàn dặm thấy sai ngoa.

GIẢI TỤNG: Câu “bóng mây trắng bạc cười ha ha”, Trường Khánh nói “nhân trai khánh tán”. Tuyết Đậu nói “hai tay mang lại gởi cho va”. Hãy nói chỉ là cho Tăng ăn cơm hay riêng có kỳ đặc ? Nếu thẳng đó biết đúng đắn tức là sư tử con lông vàng. Nếu là con của sư tử lông vàng, chẳng cần Kim Ngưu mang thùng cơm lại, múa may cười to, thẳng ngoài ba ngàn dặm liền biết chỗ bại quyết của Ngài. Cổ nhân nói: Soi trước cơ chẳng cần một cái ấn tay. Vì thế hàng Thiền khách bình thường phải nhằm cách ngoại dụng, mới được xưng bổn phận Tông sư. Nếu chỉ y cứ ngữ ngôn chưa khỏi ló đuôi.

[ Quay lại ]