headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 17/04/2024 - Ngày 9 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TẮC 1: THÁNH ĐẾ ĐỆ NHẤT NGHĨA

LỜI DẪN: Cách núi thấy khói tức biết có lửa, cách tường thấy sừng liền biết có trâu. Nêu một rõ ba, mắt nhìn liền biết cân lượng, là việc tầm thường cơm nước trong nhà thiền. Đến như cắt đứt các dòng, Đông vọt lên Tây lặn xuống, dọc ngang thuận nghịch buông nắm tự tại, chính khi ấy hãy nói là chỗ hành lý của người nào ? Thử xem sắn bìm của Tuyết Đậu.

CÔNG ÁN: Lương Võ Đế hỏi Đại sư Đạt-ma: “Thế nào là Thánh đế đệ nhất nghĩa ?” Đạt-ma đáp: Rỗng thênh không Thánh. Vua hỏi: Đối trẫm là ai ? Đạt-ma đáp: Chẳng biết. Vua không khế hội. Đạt-ma bèn sang sông đến Ngụy. Sau vua đem việc này hỏi Hòa thượng Chí Công. Chí Công tâu: Bệ hạ lại biết người này chăng ? Vua nói: Chẳng biết. Chí Công tâu: Đây là Quán Âm Đại sĩ truyền tâm ấn Phật. Vua hối hận sai sứ đi thỉnh trở lại. Chí Công tâu: Chẳng những bệ hạ sai sứ đi thỉnh chẳng được, dù người trong cả nước đi thỉnh y cũng chẳng trở lại.

GIẢI THÍCH: Tổ Đạt-ma xa xem thấy cõi này có căn khí Đại thừa vượt biển mà đến, riêng truyền tâm ấn, vạch bày những lớp mê, chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Nếu thế ấy thấy được thì có phần tự do, chẳng bị tất cả ngôn ngữ chuyển, thoát thể hiện thành, liền hay ở sau cùng Võ Đế đối đáp và chỗ an tâm của Nhị Tổ tự nhiên thấy được, không có một mảy tình trần phân biệt, một đao chặt đứt, thong dong tự tại, đâu cần phân phải phân quấy, biện được biện mất. Tuy nhiên thế ấy, khéo được có mấy người.

Võ Đế thường đắp ca-sa giảng kinh Phóng Quang Bát-nhã cảm được hoa trời rơi loạn, đất biến thành vàng, hiển đạo thờ Phật, ra chiếu cho toàn dân cất chùa độ Tăng, y kinh điển tu hành, người đời gọi ông là Phật tâm Thiên tử.

 Tổ Đạt-ma vừa gặp Võ Đế, vua hỏi: Trẫm cất chùa độ Tăng có công đức gì ?

Đạt-ma đáp: Không công đức.

Đây là tạt một gáo nước lạnh vào mặt. Nếu thấu được câu không công đức này, bảo ông thấy Tổ Đạt-ma. Hãy nói cất chùa độ Tăng tại sao toàn không công đức ? Ý này ở chỗ nào ? Võ Đế cùng Pháp sư Lũ Ước, Phó Đại sĩ, Thái tử Chiêu Minh luận bàn về chân đế, tục đế, cứ theo trong kinh nói: Chân đế để rõ phi hữu, tục đế để rõ phi vô, chân tục không hai tức là Thánh đế đệ nhất nghĩa. Đây là chỗ cực diệu cùng huyền của giáo lý.

Vua đem chỗ cực tắc này hỏi Tổ Đạt-ma: Thế nào là Thánh đế đệ nhất nghĩa ?

Tổ Đạt-ma đáp: Rỗng thênh không Thánh.

Thiền tăng khắp nơi nhảy không khỏi chỗ này. Tổ Đạt-ma cho y một đao đứt sạch. Ngày nay có một số người hiểu lầm trở lại đùa tinh hồn, trợn mắt đứng tròng bảo: Rỗng thênh không Thánh. Đáng cười không dính dáng. Ngũ Tổ tiên sư (Pháp Diễn) nói: “Chỉ câu ‘Rỗng thênh không Thánh’ nếu người thấu được về nhà ngồi an ổn, còn bậc nhất đẳng thì làm sắn bìm, chẳng ngại cho y đập bể thùng sơn.” Tổ Đạt-ma thật là kỳ đặc, là tại tham thấu một câu thì ngàn câu muôn câu đồng thời thấu, tự nhiên ngồi được đoạn, nắm được định. Người xưa nói: “Tan xương nát thịt chưa đủ đền, một câu rõ suốt vượt trăm ức.” Tổ Đạt-ma bổ thẳng vào đầu y một phát,cũng đã ít nhiều lận đận. Vua chẳng tỉnh, lại đem chấp nhân ngã hỏi lại: “Đối trẫm là ai ?” Tổ Đạt-ma từ bi quá lắm, lại nhằm y nói: “Chẳng biết.” Liền đó Võ Đế sửng sốt không biết chỗ rơi, ấy là lời nói gì ? Đến trong đó, có việc không việc đem lại đều không kham. Hòa thượng Nghĩa Đoan có làm bài tụng:

TỤNG:   Nhất tiễn tầm thường lạc nhất điêu
            Cánh gia nhất tiễn dĩ tương nhiêu 
           Trực qui Thiếu Thất phong tiền tọa
            Lương chúa hưu ngôn cánh khứ chiêu. 

DỊCH:   Một mũi tầm thường rớt một con
            Lại thêm một mũi tỏ lòng son
            Thẳng về Thiếu Thất ngồi trên đảnh
            Lương chúa thôi đừng có ngóng mong.

Lại bảo: Ai ngóng mong. Vua chẳng hội, Ngài âm thầm ra khỏi  nước. Cái lão này chỉ đành bối rối. Ngài qua sông đến nước Ngụy. Nhằm lúc vua Hiếu Minh Đế đang trị vì, ông là người chủng tộc phương Bắc họ Thát Bạc, sau này mới gọi là Trung Quốc. Tổ Đạt-ma đến nước này cũng không yết kiến vua, đi thẳng đến Thiếu Lâm ngồi xây mặt vô vách chín năm, tiếp được Nhị Tổ, phương này gọi Ngài là Bích Quán Bà-la-môn.

Vua Võ Đế sau hỏi Chí Công, Chí Công tâu: Bệ hạ biết người này chăng ?

Vua bảo: Chẳng biết.

Câu này cùng câu chẳng biết của Tổ Đạt-ma là đồng là khác ? Giống thì cũng giống, phải thì chẳng phải. Nhiều người hiểu lầm nói: Trước kia Tổ Đạt-ma đáp ông là Thiền, sau này Võ Đế đáp Chí Công “chẳng biết” là chẳng biết nhau.

Thật nào có dính dáng. Chính khi Chí Công hỏi thế ấy, hãy nói đáp thế nào ? Sao chẳng đập một gậy chết tốt cho rồi, để khỏi thấy bôi hồ trét lọ. Võ Đế lại đáp ông: Chẳng biết. Chí Công gặp lúc phải làm, liền nói: Đây là Quán Âm Đại sĩ truyền Phật tâm ấn. Võ Đế hối hận sai sứ đi thỉnh lại. Thật chẳng ngại ngùng. Chính khi Chí Công nói đây là Quán Âm Đại sĩ truyền Phật tâm ấn, cũng nên đuổi y ra khỏi nước, vẫn còn so sánh chút ít.

Tương truyền Hòa thượng Chí Công tịch năm niên hiệu Thiên Giám thứ mười ba (514), Tổ Đạt-ma sang Trung Quốc niên hiệu Phổ Thông năm đầu (520) cách nhau bảy năm, tại sao lại nói đồng thời gặp nhau, đây ắt là sai. Cứ theo truyện chép, nay chẳng luận việc này, chỉ cần biết đại cương thôi. Vả lại nói Đạt-ma là Quán Âm, Chí Công là Quán Âm thì ai là Quán Âm thật, đã là Quán Âm sao lại có đến hai ? Chẳng những có hai mà thành đoàn kết đội. Thời Hậu Ngụy, Luật sư Quang Thống, Tam Tạng Pháp sư Bồ-đề-lưu-chi cùng Tổ Đạt-ma luận nghị. Tổ bác tướng chỉ tâm, các vị vì lượng nhỏ hẹp, tự không kham nhận, dấy khởi tâm hại, nhiều lần để thuốc độc. Đến lần thứ sáu, do hóa duyên đã hết, đã được người truyền pháp, nên không cần cứu, Tổ ngồi ngay thẳng mà tịch, nhập tháp trên núi Hùng Nhĩ tại chùa Định Lâm. Thời Hậu Ngụy, Tống Vân đi sứ đến núi Thông Lãnh gặp Tổ tay xách chiếc giày về Tây. Võ Đế nhớ lại tự làm văn bia: “Than ôi ! Thấy đó chẳng thấy, gần đó chẳng gần, gặp đó chẳng gặp, kim ấy cổ ấy, oán ấy hận ấy.” Lại tán: “Tâm có vậy, nhiều kiếp mang thân phàm phu, tâm không vậy, trong khoảng sát-na liền lên Diệu giác.” Hãy nói Đạt-ma hiện nay ở đâu ? Lầm qua cũng chẳng biết.

TỤNG:     Thánh đế khoách nhiên      
               Hà đương biện đích.
               Đối trẫm giả thùy ?
               Hoàn vân bất thức.
               Nhân tự ám độ giang
               Khởi miễn sanh kinh cức.
               Hạp quốc nhân truy bất tái lai
               Thiên cổ vạn cổ không tương ức.
               Hưu tương ức
               Thanh phong táp địa hữu hà cực.

DỊCH:      Thánh đế rỗng thênh
               Làm sao biết trúng.
               Đối trẫm là ai ?
               Lại bảo chẳng biết.
               Nhân đây ngầm sang sông
               Há khỏi sanh gai góc.
               Người cả nước mời chẳng trở về
               Muôn đời ngàn đời nhớ nhau rỗng.
               Thôi nhớ nhau
               Gió mát khắp nơi nào có tột.

Sư xem bên trái bên phải bảo: Trong đây lại có Tổ sư chăng ? Tự đáp: Có, gọi đến rửa chân cho Lão tăng.

GIẢI TỤNG: Cứ theo lời tụng công án này của Tuyết Đậu giống như người giỏi múa kiếm Thái A, huơi trong hư không thênh thang mà không chạm đến lưỡi bén. Nếu người không có thủ đoạn này, vừa nắm đến liền chạm lưỡi đứt tay.

Nếu là người có mắt sáng, thấy Sư một đưa ra một rút lại, một khen một chê, chỉ dùng bốn câu đủ quyết định một tắc công án. Phàm tụng cổ chỉ là “nhiễu lộ nói Thiền”, niêm cổ đại cương là “cứ khoản kết án” mà thôi.

Tuyết Đậu vì kia lôi ra bổ thẳng vào đầu, liền nói: “Thánh đế rỗng thênh, làm sao biện trúng.” Tuyết Đậu ngay câu đầu hạ một câu này rất là kỳ đặc. Hãy nói cứu kính làm sao biện trúng ? Dù cho mắt sắt tròng đồng dò tìm cũng chẳng được. Đến trong đây dùng tình thức suy đoán được chăng ? Do đó Vân Môn nói: Như chọi đá nháng lửa, như làn điện chớp.

Cái này không rơi vào tâm cơ, ý thức, tình tưởng đợi ông mở miệng, kham làm gì ? Khi khởi so sánh thì chim điêu đã bay đến Tân La. Tuyết Đậu nói, Thiền tăng khắp nơi các ông làm sao biện trúng ? “Đối trẫm là ai” liền hạ “lại bảo chẳng biết”. Đây là Tuyết Đậu rất mực từ bi vì người trùng lặp. Vả nói “rỗng thênh” cùng “chẳng biết” là một loại hay hai thứ ? Nếu là người đã liễu ngộ thì chẳng nói mà hiểu, người chưa liễu ngộ quyết định cho là hai.

Chư phương tầm thường đều nói Tuyết Đậu một phen chỉ lại. Đâu chẳng biết chỉ bốn câu tụng đã tột công án. Sau vì lòng từ bi tụng ra sự tích “nhân đây ngầm sang sông, há khỏi sanh gai góc”.

Tổ Đạt-ma đến xứ này vì gỡ niêm mở trói, nhổ đinh tháo chốt, dẹp trừ gai góc, tại sao lại nói “sanh gai góc” ? Chẳng những là người đương thời, mà người đời nay gót chân vẫn còn lún sâu mấy trượng. “Người cả nước mời chẳng trở về, muôn đời ngàn đời nhớ nhau rỗng”, rất mực chẳng trượng phu. Hãy nói Đạt-ma ở chỗ nào ? Nếu thấy Đạt-ma là thấy chỗ rốt sau vì người của Tuyết Đậu. Tuyết Đậu sợ e người chạy theo tình kiến, vì thế rút hẳn cây chốt cửa, bày kiến giải của chính mình, nói: “Thôi nhớ nhau, gió mát khắp nơi nào có tột.” Đã thôi nhớ nhau, việc dưới gót chân ông lại là gì ? Tuyết Đậu nói chính nay gió mát khắp nơi, trên trời dưới trời chỗ nào thiếu. Tuyết Đậu nắm việc ngàn xưa muôn xưa ném đến trước mặt. Chẳng những Tuyết Đậu đương thời chỗ nào thiếu ? Mà trên phần của các ông cũng chỗ nào thiếu ? Sư lại sợ người chấp ở trong ấy, lại lập phương tiện, lớn tiếng bảo “trong đây lại có Tổ sư chăng” ? Tự đáp “có”. Tuyết Đậu ở trong ấy chẳng ngại vì người lòng son từng mảnh. Lại tự nói: “Gọi đến rửa chân cho Lão tăng”, giảm tột uy quang người.

Đương thời đã làm đầy đủ bổn phận. Thử nói ý Tuyết Đậu ở chỗ nào ? Đến trong ấy gọi lừa là phải, gọi ngựa là phải, gọi Tổ sư là phải ? Danh mạo thế nào ? Người thường bảo rằng: Tuyết Đậu sai sử  Tổ sư. Đáng tức cười không dính dáng. Nói xem, cứu kính thế nào ? Chỉ cho lão Hồ biết, chẳng cho lão Hồ hiểu.

[ Quay lại ]