headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CẢNH GIỚI CHƠN KHÔNG

canhgioichankhongThành lập Tu viện xong, Thầy đặt tên là CHƠN KHÔNG. Tu viện Chơn Không.

Tên này mang hai ý nghĩa.

Trước hết tên này là một kỷ niệm trong thời gian huân tu đã qua. Khi Thầy khắc khoải trên hướng đi tìm đường thoát ly sinh tử. Dạo ấy, tức vào năm 1968, một hôm khi nỗi lòng thiết tha của Thầy đã đến độ cao tột thì duyên lành đến, Thầy chợt nhận ra “Thật”. Ngay đó cảnh giới Chơn Không bày hiện trong lòng. Cảnh giới ấy đã hòa quyện lấy Thầy và bao nhiêu niềm khắc khoải ưu tư trên đường sanh tử đều tan biến. Nẻo giải thoát mở toang thông thống.

Để kỷ niệm thời điểm tối linh thiêng ấy, thời điểm Thầy được sanh ra bằng sự hóa hiện trong sáng, bằng "cái khố" mẹ Chơn Không, nên Thầy lấy “Chơn Không” làm tên cho Tu viện.

Việc thứ hai, do nơi Thầy xem qua sách sử mà cảm niệm đạo hạnh Thiền sư Chân Không - một Thiền sư Việt Nam.

Thiền sư Chân Không (1045-1100) đời thứ 16 dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi, triều đại nhà Lý (Lý Nhân Tông).

Sư họ Vương, tục danh Hải Thiềm, quê làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, con nhà sang trọng. Lúc mẹ mang thai Sư, cha mộng thấy vị Tăng trao cho cây tích trượng. Sau đó sinh ra Sư.

Thuở nhỏ, Sư thích ở yên một mình, siêng năng đọc sách, chẳng màng những việc vặt. Năm 15 tuổi, Sư đã bác thông sách sử. Đến 20 tuổi, Sư xuất gia, rồi dạo khắp tòng lâm tầm nơi khế hợp.

Sư đến pháp hội chùa Tĩnh Lự, núi Đông Cứu nghe giảng kinh Pháp Hoa, hoát nhiên tỉnh ngộ. Cơ duyên khế hợp ấy, khác nào con rùa mù gặp bộng cây. Sư ở đây nhập thất 6 năm, sự tham vấn càng ngày càng sâu. Nhân đó được truyền tâm ấn.

Sau, Sư đến núi Từ Sơn dừng trụ. Tự lấy giới luật giữ mình, trên 20 năm không hề xuống núi. Danh tiếng vang dậy xa gần. Vua Lý Nhân Tông nghe danh, xuống chiếu mời vào Đại nội giảng kinh Pháp Hoa. Thính giả nghe giảng ai nấy đều kính phục.

Bấy giờ, Thái uý Lý Thường Kiệt và Châu Thích Sử, Tướng quốc Thân Vưu rất kính trọng thường đem tài vật cúng dường. Những phần cúng dường, Sư đều dùng vào việc sửa chùa, xây tháp, đúc hồng chung để lại đời.

Về sau, Sư Trụ trì chùa Chúc Thánh trên núi Phổ Lại. Có vị Tăng đến hỏi:

- Thế nào là diệu đạo?

Sư đáp :

- Sau khi giác ngộ rồi mới biết.

- Giáo chỉ từ trước học nhân chưa rõ, lời dạy hôm nay làm sao hội được?

- Nếu đến Tiên gia trong động sâu
  Hoàn đan hoán cốt được mang về.

- Thế nào là hoàn đan?

- Nhiều kiếp tối tăm không hiểu thấu
  Hôm nay chợt ngộ được khai minh.

- Thế nào là khai minh?

- Khai minh chiếu khắp cõi Ta-bà
  Tất cả chúng sanh chung một nhà.

Tăng lại thưa :

- Tuy nhiên không biện rõ,
  Chốn chốn đều gặp y.

- Cái gì là y?

Sư đáp:

- Kiếp hỏa cháy tan mảy mai sạch
  Núi xanh như cũ, mây trắng bay.
Tăng hỏi:

- Khi xác thân bại hoại thì thế nào?

- Xuân đến xuân đi ngỡ xuân hết,
  Hoa nở hoa tàn chỉ là Xuân.

Tăng suy nghĩ, Sư quát rằng:
- Đất bằng sau nhiều năm,
  Thực vật đều thơm ngát.

Tăng lễ bái.

Cuối đời, Sư trở về quận nhà, trùng tu lại ngôi chùa Bảo Cảm. Công việc vừa xong, ngày mùng 1 tháng 11 niên hiệu Hội Phong thứ 9 (1100). Sư báo tin sắp tịch nói kệ:

Diệu bổn hư vô minh tự khoa
Hòa phong xuy khởi biến Ta-bà
Nhơn nhơn tận thức vô vi lạc
Nhược đắc vô vi thủy thị gia.

Dịch :

Diệu bổn thênh thang bổn tự bày
Gió hòa thổi dậy khắp Ta-bà
Người người nhận rõ vô vi lạc
Nếu được vô vi mới là nhà.

Đến nửa đêm, Sư lại bảo: “Đạo của ta đã thành, ta giáo hóa đã xong. Vậy, ta tùy ý ra đi”. Sư bèn ngồi kiết già mà tịch, thọ 55 tuổi, được 36 tuổi hạ.

Hoàng thái hậu Linh Nhân, Công chúa Thiên Thành, Ni sư Diệu Nhân và đông đảo đệ tử làm lễ cúng dường trai tăng hai ngày. Đại sư Nghĩa Hải ở chùa Đại Minh và Sa môn Pháp Thành cùng toàn thể đồ chúng lo đủ lễ táng Sư, xây tháp bên ngoài trai đường.

Học sử Nguyễn Văn Cử vâng chiếu soạn lời minh ghi trên tháp. Công bộ Thượng, thơ Đoàn Văn Khâm làm thơ truy điệu Sư :

Hạnh cao triều dã chấn thanh phong
Tích trụ như vân mộ tập long
Nhân vũ hốt kinh băng huệ đống
Đạo lâm trường thán yển trinh tòng.
Phần oanh bích thảo thiêm tân tháp
Thủy trám thanh sơn nhận tạ dung
Tịch tịch thiền quan thùy cánh khấu
Kinh qua sầu thính mộ thiên chung.

Dịch :

Trong triều, ngoài nội kính gia phong,
Chống gậy đường mây quyện bóng rồng.
Cửa từ chợt hoảng rường cột đổ,
Rừng đạo bùi ngùi cội thông long.
Cỏ biếc quanh mồ thêm tháp mới,
Non xanh nước thắm gởi thân trong.
Vắng vẻ cửa thiền ai đến gõ,
Văng vẳng chuông chiều nát cõi lòng.

                        (Trích Thiền sư Việt Nam - Tu viện Chơn Không xuất bản)

Như vậy, khi Thầy lấy tên “Chơn Không” là những mong truyền đạt cho người thấu được lẽ Chơn Không như mình.

- Dựng lại dòng giống cha ông, dựng lại đạo Thiền, tiếp nối dòng lịch sử thuở nào.

Đây là việc làm nêu cao tình nghĩa, cũng là đền trả tứ ân, tỏ rạng lòng từ hiền bày đức dũng. Một việc làm mà người thiếu đảm lược, thiếu trí tuệ khó nổi thừa đương. Đi lần vào nội dung tập sách chúng ta sẽ thấy tất cả cõi lòng, tất cả ý hướng, trình độ giác ngộ, sự vận dụng trí tuệ vào cuộc sống, làm thuyền bè cho chúng sanh … ở một người Thầy.

canhgioichankhong2

Tu viện Chơn Không đã nói lên sức sống mãnh liệt của đạo Thiền. Sức sống đạo được thể hiện bằng nét hồn nhiên trong sáng của những người tiếp nhận đạo mầu nơi cõi Chơn Không.

- Kỷ yếu 50 năm TV Chơn Không -

[ Quay lại ]