Nhớ về Chơn Không

thoithienbatnha74Ni Sư Thích Nữ Như Đức

Đối với tôi Chơn Không là một nơi chốn có nhiều kỷ niệm khó quên, nhất là lúc tuổi trẻ nhìn đâu cũng thấy tươi mới lạ kỳ.

Năm 1968, lần đầu tiên leo núi để viếng thăm Thầy ở Pháp Lạc Thất, đúng là rừng rậm tre gai hoang sơ. Bò theo một con dốc đất đỏ, một bên là ngôi nhà tráng lệ của ông Ba Hạc, và một bên là lùm bụi mịt mù. Lúc ấy chưa có tên Chơn Không, nhưng trong lòng cảm khái giống như một chàng niên thiếu vạch cỏ đường rừng đi học đạo với bậc ẩn sĩ. Bậc ẩn sĩ đây là bậc thầy uy nghiêm một thời của các Phật học viện, phong cách mô phạm cao vòi vọi, tôi chỉ dám cung kính đứng xa. Nói đi học đạo để cho có vẻ “hợp thời trang”, lúc đó tôi còn chưa xuất gia.

 Rồi những năm 1971 - 1972, Sư cô lão mẫu của tôi cùng với Sư cô Hồng rủ nhau lên núi cất cốc học thiền. Hai bà già cứ rù rì thầm thì với nhau ở nhà bếp Dược Sư, ở trước sân chánh điện, tưởng đâu chỉ là chuyện chợ búa dưa cà, dè đâu tuyên bố một câu làm chấn động. Mấy đứa mơ mộng lại ước ao có một am tranh bên dòng suối vắng, lúc đó Chơn Không khai giảng khóa I. Nghỉ hè ở trường, tôi rủ huynh đệ lên thăm Sư cô, bên hang Ông Hổ, một cái cốc tôn không phải cốc tranh, nhưng đủ gió và trăng sao cho một vùng núi. Sư cô tôi ngân nga câu hát “Trời Nam mưa pháp con về Chơn Không. 

Thầy đang thắp sáng đuốc tuệ thiền tông. Ngàn xưa ngay đấy, tiếng cổ âm điềm lên và tiếng không gian đều êm…” Hát theo điệu cổ nhạc nào đó với một sự thích thú vô cùng.

sucolaomau

Còn Sư cô Hồng, cốc ở trên xa hơn, cũng không thoát khỏi mấy tên phá đám. Mang theo một lô sách của Phạm Công Thiện, nằm trên võng cột dưới gốc điều, đọc sách đọc thơ trong khi Sư cô lúi húi trong chái bếp tôn nấu cơm cho ăn. Huynh đệ tôi xúm nhiếc mắng hắn là đồ không biết điều, đồ cà chớn báo hại Sư cô… Nhưng vẻ mặt khoái chí của hắn chứng tỏ là trên đời này không có gì sang cả hơn việc đọc sách ở cốc tôn. Bên thất Sư cô là thất của Ni sư Chơn Hiền, một hai tiểu đồng thị giả gánh nước hái củi, chị Thuần Hạnh, Thuần Giác lui tới học đạo. Phía dưới một chút là thất hai chị Thuần Chơn, Thuần Tịnh. Và sau này Sư cô Kim, Sư cô Diệu cùng rủ rê về, cứ moi vài góc đá, kiếm vài miếng tôn, vài cây cột và một mớ dây rừng hay dây kẽm cột lại. Trời đất có vẻ thanh bình, tự do tự tại. Đi học với Thầy về râm ran một cõi.

Lúc đó Thầy đang bận đào tạo lớp thiền sinh thứ nhất, cũng là lò thử nghiệm đầu tiên của thầy, chư tăng rất trang nghiêm uy hùng. Quý Sư bà, thầy của tôi, một bề kính nể như Phật sống, mỗi khi lên cúng dường đều xá chào sát đất. Về lại trường còn nhắc đến tên với hết mực ngưỡng mộ, làm như tất cả thế gian lúc đó chỉ có Chơn Không là nhất.

Phải đợi đến khi Sư bà tôi xây dựng xong thiền viện Bát Nhã, kế bên Chơn Không thu nhận chúng ni, lúc đó giấc mộng tu thiền của tôi mới thành tựu. Bạn bè tôi, nhất là mấy tên ưa đọc sách Kim Dung đều gọi Chơn Không là “vùng đất hứa”. Mỗi khi đặt chân lên đường dốc qua thất cô Hồng, cô Thiện, cô Ba Nhi, qua khỏi khu vực hang Ông Hổ với thất cô Tám mẹ của Thanh Tịnh, thất bà ngoại cô Sáu, tôi luôn có cảm giác sung sướng như Sư cô lão mẫu trước Nhà khách Chơn Không trở về nhà. Mà thật, thất của Sư cô Lão mẫu nằm ngay bên đường, kế bên Dương Chi am, đi lên trên là thất cô Ba Tịnh Viên, thất bà Năm Oshawa, đối diện nhau như đường phố, ai cũng là người quen. Và Bát Nhã, đi qua đất của ông Tư Bành, có thất bà cô má của Tuệ Đăng, luôn vui vẻ mời cho ăn bánh. Nhưng, đi tu thiền mà kể chuyện ăn uống thì cũng kỳ. Tôi chỉ ở Bát Nhã, hưởng khí thiền Chơn Không khóa II được một năm (1974). Đó là thời gian vô cùng hào hứng với những công phu tu hành không thể ghi chép vào ngữ lục.

Tôi chỉ biết ước vọng duy nhất của mình, một đời tu hành có khi rất lết bết, đau ốm liên miên cho đến nỗi đôi khi Thầy gọi chúng tôi là “thiền xanh” chứ không phải thiền sinh. Thầy chỉ mong mấy đứa đệ tử học thiền mặt mày hồng hào tươi tỉnh, mà chúng Viên Chiếu cứ trình diện bộ mặt xanh xao, phản ứng ngược với lời dạy của Thầy. Cho tới bây giờ, bốn mươi năm, hết xanh thì đến mặt nổi tàn nhang, đốm nâu đốm đen - không tin nhìn mặt Hạnh Huệ thì biết. Chắc một điều, trong tâm chúng tôi lúc nào cũng một nỗi hân hoan tu tập, kiên trì tu tập, luôn cám ơn Chơn Không có một thời khai mở. Những người ở Chơn Không ngày xưa, hoặc có liên hệ tu tập, mỗi tháng một tuần, đều không thể quên kỷ niệm của Chơn Không.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]