HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA : Thiền sư Bổn Tịnh

tshithien4. Thiền sư Bổn Tịnh
(667 - 761)

Sư họ Trương, quê ở Ráng Châu, xuất gia từ thuở ấu thơ. Sau Sư đến tham học với Lục tổ Huệ Năng được Tổ truyền tâm. Sư từ giã Tổ, tìm đến núi Tư Không ở chùa Vô Tướng, nơi đây chuyên tu hành.
Núi Tư Không là nơi Tam tổ Tăng Xán ẩn mình trong thời gian bị pháp nạn thời Đường.

Chùa Vô Tướng có thể là đạo tràng mang ý nghĩa không tướng. Nơi đây không còn dính mắc chút gì đối với những sự duyên bên ngoài. Như vậy thiền sư Bổn Tịnh chuyên tu tại một nơi, nơi đó chính là “ngoài không dính các duyên, trong tâm không dấy động,” tự tại, thảnh thơi.
Đời Đường niên hiệu Thiên Bảo năm thứ 3 (744 TL), vua Huyền Tông sai Trung sứ Dương Quang Đình vào núi cắt dây thường xuân. Dương Quang Đình tình cờ gặp được thất của Sư. Đình lễ bái thưa:
- Đệ tử mộ đạo đã lâu, cúi xin Hòa thượng từ bi tóm tắt chỉ dạy.
Sư bảo:
- Người nghiên học thiền tông trong thiên hạ đều hội về kinh sư, thiên sứ nên trở về triều thưa hỏi là đầy đủ. Bần đạo ở gộp núi cạnh khe không có chỗ dụng tâm.
Quang Đình thiết tha khóc lóc lễ lạy.
Sư bảo:
- Thôi! Chớ lễ bần đạo. Thiên sứ vì cầu Phật hay vì hỏi đạo?
Quang Đình thưa:
- Đệ tử trí thức tối tăm chưa biết Phật với Đạo nghĩa ấy thế nào?
Sư bảo:
- Nếu muốn cầu Phật, tức tâm là Phật. Nếu muốn hội Đạo, không tâm là Đạo.
Hai vấn đề quan trọng xưa nay không biết bao nhiêu trí giả tìm cầu, lý giải, ngài Bổn Tịnh chỉ ra một cách hết sức giản dị: tức tâm là Phật, không tâm là Đạo. Chỉ có người luôn tỉnh giác, hằng nhớ quay lại với Phật tâm trong từng dấy niệm, đã thực sự chứng ngộ và sống với trí tuệ Bát-nhã mới có thể chỉ ra một cách rõ ràng như vậy. Giống như đồ dùng trong nhà, cái bàn, cái ghế nằm chỗ nào mình biết rõ, khi có ai hỏi mình chỉ một cách chính xác, không mơ hồ. Vì vậy, thiền sư Bổn Tịnh chỉ thẳng nếu tâm không dính mắc trần cảnh, lòng rỗng rang sáng suốt tức là đạo.
- Thế nào tức tâm là Phật?
- Phật nhân tâm mà ngộ, tâm do Phật được bày. Nếu ngộ không tâm thì Phật cũng chẳng có.
Tuy nhiên quan Trung sứ vẫn chưa hội nên phải hỏi lại rằng tức tâm là Phật là như thế nào. Thiền sư lại từ bi giảng rõ: Phật nhân tâm mà ngộ, tâm do Phật được bày. Câu nói này giống lời dạy của Tổ sư Đạt-ma: “Ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm.” Khi ngộ được không tâm nghĩa là lòng mình đã rỗng rang sáng suốt, sáu căn đối trước sáu trần không một mảy động thì không phải tìm Phật, cầu đạo, hay không cần phải tu gì khác.
- Thế nào không tâm là Đạo?
- Đạo vốn không tâm, không tâm gọi là Đạo. Nếu rõ không tâm thì không tâm tức là Đạo vậy.
Hằng sống được với cái không đó là đạo. Ở đây nghe để nghiệm chứ không phải để suy nghĩ. Nghiệm là vào trong chỗ đó để nhận ra.
Quang Đình đảnh lễ tin nhận.
Trở về triều, Quang Đình tâu hết việc trong núi cho vua nghe. Vua ban sắc lệnh sai Quang Đình đi thỉnh Sư. Ngày 13 tháng chạp, Sư theo sứ về đến đế đô, vua thỉnh ở chùa Bạch Liên.
Đến ngày rằm tháng 2 năm sau, vua mời hết những danh tăng và các người học Phật uyên bác đến nội đạo tràng (đạo tràng trong cung) cùng Sư xiển dương Phật lý.
Ngài Bổn Tịnh vốn là một vị thiền sư sống lâu nơi núi rừng, nay phụng chỉ về đế kinh để vua Đường Huyền Tông được gần gũi học hỏi Phật pháp. Nhà vua còn cho mời tất cả danh tăng, học giả đến cùng Ngài đàm luận Phật pháp tại đạo tràng trong nội cung. Điều này cho thấy sự mến mộ của vua Huyền Tông đối với Ngài. Nhưng chính sự kính trọng này làm cho Sư trở thành đối tượng cật vấn của chư vị tôn đức chốn kinh thành.
Khi ấy, có thiền sư Viễn lên tiếng hỏi Sư:
- Nay đối Thánh thượng để xét lường tôn chỉ, cần phải hỏi thẳng, đáp thẳng, không cần dùng nhiều lời. Như chỗ thấy của thiền sư lấy gì làm đạo?
Sư đáp:
- Không tâm là đạo.
Viễn hỏi:
- Đạo nhân tâm mà có, đâu được nói không tâm là đạo?
- Đạo vốn không tên, nhân tâm có đạo. Tâm và tên nếu có thì đạo không rỗng suốt. Tột tâm đã không thì đạo nương đâu mà lập? Cả hai đều là giả danh.
Trước vua Đường, thiền sư Viễn đưa ra cách thức nói thẳng, hỏi thẳng, đáp thẳng, vào ngay vấn đề. Ngài Bổn Tịnh bảo: Không tâm là đạo, còn thiền sư Viễn cho rằng: Đạo nhân tâm mà có. Hai ý này giống như hai đường song song, không gặp nhau.
Đến đây ngài Bổn Tịnh giải thích: Đạo vốn không tên, nhân tâm có đạo. Bản chất của đạo vốn không có tên, chẳng qua vì khi cần thiết phải nói ra, cho nên miễn cưỡng đặt tên này tên nọ. Thí dụ trước khi đóng cái bàn, người thợ mộc phải khởi nghĩ về cấu trúc, hình dáng. Sau đó ghép ván gỗ, đóng đinh nối các bộ phận lại với nhau mới thành hình, đặt cho nó tên là cái bàn. Nếu họ đặt tên nó là cái ghế thì bây giờ chúng ta cũng gọi nó là cái ghế. Nói như vậy để thấy danh từ “cái bàn” vốn không phải là bản thân cái bàn, mà chỉ do con người tạm đặt là tên giả mà thôi.

Tiến thêm một bước nữa, ngay chính bản thân vật thể cái bàn cũng không phải là chính nó. Bởi vì cái bàn do nhiều yếu tố kết hợp lại: gỗ, đinh, sơn, công sức của người thợ mộc … mà thành. Những yếu tố chính này lại cũng do nhiều yếu tố khác tạo nên. Ví như gỗ là từ cây, muốn có cây thì phải từ hạt giống, nước, gió, ánh sáng v.v... Cho nên ngài Bổn Tịnh nói đạo không rỗng suốt nghĩa là tất cả pháp đều là không, do nhân duyên kết lại mà thành. Tột tâm đã không thì đạo nương đâu mà lập? Cả hai đều là giả danh. Như vậy, Ngài đã đập nát luận cứ của thiền sư Viễn bằng những lời lẽ hết sức thẳng tắt đúng như yêu cầu từ đầu của thiền sư Viễn.
Viễn hỏi:
- Thiền sư thấy thân tâm là đạo rồi chăng?
Sư đáp:
- Sơn tăng thân tâm xưa nay là đạo.
Viễn hỏi:
- Vừa nói không tâm là đạo, giờ lại nói thân tâm xưa nay là đạo, đâu không trái nhau?
Sư đáp:
- Không tâm là đạo, tâm mất đạo không, tâm đạo nhất như nên nói không tâm là đạo. Thân tâm xưa nay là đạo, đạo cũng vốn là thân tâm, thân tâm vốn đã là không, đạo cũng không, tột nguồn chẳng có.
Thiền sư Viễn gạn hỏi ngài Bổn Tịnh đã chứng đạo, thân tâm đã thể hiện đạo chưa. Ngài Bổn Tịnh chỉ rõ: Không tâm là đạo. Không ở đây là không vọng tưởng, khi tâm không còn vọng tưởng, đó chính là đạo. Tâm mất đạo không, nếu không có tâm thì không thể nào có đạo được. Trong kinh Lăng-già, đức Phật dạy: “Tâm là chủ, cửa không là cửa pháp” cho nên không có tâm thì không thể nào lấy cái không ngơ mà cho là đạt đạo. Cũng như khi ngài Huệ Khả trình với tổ sư Bồ-đề-đạt-ma: “Kính bạch Hòa thượng, con dứt hết các duyên.” Tổ liền nhắc: “Coi chừng rơi vào không.” Ngài Huệ Khả khẳng định: “Rõ ràng thường biết, làm sao không được” khi đó Tổ mới ấn chứng cho Ngài.

Thiền sư Bổn Tịnh lại nói: Thân tâm xưa nay là đạo, đạo cũng vốn là thân tâm, thân tâm vốn đã là không, đạo cũng không tột nguồn chẳng có. Thân tâm chính là đạo, nhưng thân do duyên hợp, tâm thể vốn rỗng rang cho nên Ngài nói thân tâm vốn là không, tột nguồn của đạo cũng là không. Đó là cái không rộng lớn trùm khắp pháp giới.
Viễn hỏi:
- Xem hình thể thiền sư rất nhỏ đâu thể hội được lý này?
Sư đáp:
- Đại đức chỉ thấy tướng sơn tăng, chẳng thấy được không tướng của sơn tăng. Thấy tướng là chỗ thấy của đại đức. Kinh nói: “Phàm có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức ngộ được đạo kia.” Nếu lấy tướng cho là thật thì cùng kiếp không thể ngộ đạo.
Đến đây Ngài dẫn kinh Kim Cang để chỉ thẳng chỗ kẹt của sư Viễn, đó là chấp tướng, chấp có, chấp thật.
Viễn bảo:
- Nay thỉnh thiền sư ở trên tướng nói không tướng.
Sư đáp:
- Kinh Tịnh Danh nói: “Bốn đại không chủ, thân cũng không ngã, chỗ thấy không ngã, cùng đạo tương ưng.” Đại đức nếu cho tứ đại có chủ là ngã, nếu thấy có ngã thì cùng kiếp không thể hội đạo.
Lần này ngài Bổn Tịnh dẫn kinh Duy-ma-cật: thân tứ đại vốn là vô thường, duyên hợp, không có chủ thể, nếu thấy được như vậy chính là thấy đạo. Bằng ngược lại cái không thật mà chấp là thật, cái vô thường mà chấp thường là si mê, thiếu trí tuệ thì làm sao thấy đạo.

Viễn nghe nói thất sắc lặng lẽ rút lui.

Sư có bài kệ:

Tứ đại vô chủ phục như thủy,
Ngộ khúc phùng trực vô bỉ thử.
Tịnh uế lưỡng xứ bất sanh tâm,
Ủng quyết hà tằng hữu nhị ý.
Xúc cảnh đản tợ thủy vô tâm,
Tại thế tung hoành hữu hà sự?

        Dịch:

Bốn đại không chủ cũng như nước,
Dù gặp cong ngay chẳng kia đây.
Hai nơi nhơ sạch tâm không sanh,
Thông bít chưa từng có hai ý.
Xúc cảnh chỉ như nước không tâm,
Ở thế tung hoành nào có việc?

Một đại như thế, bốn đại cũng vậy. Nếu rõ bốn đại không chủ tức ngộ không tâm. Nếu rõ không tâm tự nhiên hợp đạo.
Sống bình thường, lòng không vướng mắc các cảnh. Cảnh là cảnh, mình là mình. Cả hai bên đều sống với tinh thần tự do tự tại. Đó là hợp lẽ đạo.
Thiền sư Minh Chí hỏi:
- Nếu nói không tâm là đạo, ngói gạch không tâm cũng ưng là đạo? Thân tâm xưa nay là đạo, tứ sanh thập loại đều có thân tâm cũng ưng là đạo?
Sư đáp:
- Đại đức nếu hiểu bằng thấy nghe hiểu biết thì cùng đạo khác xa, tức là người cầu thấy nghe hiểu biết, không phải là người cầu đạo. Kinh nói: “Không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý...” Sáu căn còn không, thấy nghe hiểu biết nương đâu mà lập? Cùng tột gốc nguồn chẳng có thì chỗ nào còn tâm? Đâu không đồng với cỏ cây ngói gạch.
Cách lập luận của thiền sư Bổn Tịnh đơn giản đúng như tinh thần của người ở núi rừng. Như ở trong rừng có cây rừng, có đá, có gió thổi, suối chảy, mây bay, chưa bao giờ nghe có cục đá nào cãi cọ với nhau. Phong cách của thiền sư Bổn Tịnh thể hiện nếp sống đó. Do vậy Ngài lý giải rất dễ hiểu, cứ như vậy mà hiểu, suy nghĩ phân biệt là sai.

Minh Chí lặng thinh thối lui.

Sư có bài kệ:

Kiến văn giác tri vô chướng ngại,
Thanh hương vị xúc thường tam-muội.
Như điểu không trung chỉ ma phi,
Vô thủ vô xả vô tắng ái.
Nhược hội ứng xứ bản vô tâm,
Thủy đắc danh vi Quán Tự Tại.

Dịch:

Thấy nghe hiểu biết không chướng ngại,
Tiếng, mùi, vị chạm thường tam-muội.
Như chim trong không mặc tình bay,
Không thủ không xả không thương ghét.
Nếu hội mỗi nơi vốn không tâm,
Mới được tên là Quán Tự Tại.

Thấy nghe hiểu biết là thức tình, tiếng, mùi, vị, chạm là thanh, hương, vị, xúc. Ở đây Ngài muốn chỉ ra sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần không khởi tâm phân biệt, dính mắc nghĩa là không tâm. Nếu ai thấy được như vậy thì người ấy chính là Bồ-tát Quán Tự Tại.

Chỉ một ý này có thể nhận ra để tu. Mỗi ngày chúng ta tụng bài kinh Bát-nhã ít nhất là năm lần, cứ nghĩ Phật đang dạy cho Bồ-tát Quán Tự Tại, đâu ngờ Phật dạy cho mình. Chúng ta nếu thấy được, nhận được, vào được chỗ vốn không tâm đó, thì cũng là Bồ-tát Quán Tự Tại.
Thiền sư Chơn hỏi:
- Đạo đã không tâm, Phật có tâm chăng? Phật cùng với đạo là một, là khác?
Sư đáp:
- Chẳng một chẳng khác.
Chơn hỏi:
- Phật độ chúng sanh vì có tâm, đạo không độ chúng sanh vì không tâm. Một độ một không độ đâu được không khác?
Sư đáp:
- Nếu nói Phật độ chúng sanh, đạo không độ, đây là đại đức vọng sanh thấy hai. Theo sơn tăng tức chẳng phải vậy. Phật là tên suông, đạo cũng dối lập, cả hai đều không thật, toàn là giả danh. Trong một cái giả sao lại phân làm hai?

Người tu hành được giác ngộ gọi là Phật, như vậy chữ Phật là danh xưng. Tên đó để chỉ người giác ngộ. Người giác ngộ là người đã giải trừ hết tất cả vô minh, tăm tối, khổ đau, cội gốc của trầm luân sanh tử. Nhưng nếu có người suốt ngày nói Phật, nói đạo lại không giải trừ vô minh, phiền não thì đâu có dính dáng gì tới Phật đạo. Câu trả lời của thiền sư mở ra một chân trời thênh thang để thấy rằng những kiến thức về kinh điển, đạo lý mà thiền sư Chơn ôm giữ từ lâu nay chỉ toàn là vướng mắc. Như kinh Viên Giác, Phật dùng ngón tay để chỉ mặt trăng, người vin vào ngón tay cho đó là mặt trăng, là sai lầm. Nên biết tất cả chỉ là giả danh, là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Ngài Bổn Tịnh đã chỉ rõ cho sư Chơn thấy cái lầm của mình.
Chơn hỏi:
- Phật với đạo đều là giả danh, chính khi lập danh nhân cái gì mà lập? Nếu có lập được, đâu thể nói là không?
Sư đáp:
- Phật với đạo nhân tâm mà lập, xét cùng cái tâm dựng lập, tâm ấy cũng không, tâm đã là không liền ngộ cả hai đều chẳng thật, biết như mộng huyễn liền ngộ vốn không. Gắng lập hai tên Phật, Đạo, đây là cái thấy biết của hàng Nhị thừa.

Đến đây sư Chơn vẫn chưa nhận ra, thiền sư Bổn Tịnh phải nói thẳng rằng thấy như vậy là hàng Nhị thừa, nghĩa là còn chấp đúng sai, có không, kẹt hai bên.

Sư bèn nói bài kệ Không Tu, Không Tác:

Kiến đạo phương tu đạo,
Bất kiến phục hà tu.
Đạo tánh như hư không,
Hư không hà sở tu.
Biến quán tu đạo giả,
Bác hỏa mích phù âu.
Đản khán lộng khối lỗi,
Tuyến đoạn nhất thời hưu.

Dịch:

Thấy đạo mới tu đạo,
Chẳng thấy lấy gì tu.
Tánh đạo như hư không,
Hư không tu chỗ nào?
Khắp xem người tu đạo,
Vạch lửa tìm bọt nổi.
Chỉ xem người gỗ máy,
Đứt dây một lúc dừng.

Trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” nghĩa là phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Người tu ngày nay thường mắc phải lỗi chấp thủ. Nếu không chấp thân, chấp tâm thì cũng chấp vào những lời dạy của chư Phật, chư tổ mà không thật sự nhận ra bản chất vô thường duyên hợp của vạn pháp. Đó là sai lầm muôn kiếp của chúng sanh, cho nên cứ lẩn quẩn trong luân hồi sanh tử.

Ngài ví chúng ta như người gỗ máy bị điều khiển bởi ba sợi dây tham, sân, si. Hễ thấy cái gì vừa mắt, dễ chịu thì bị sợi dây tham giật, khiến phải làm mọi cách để chiếm hữu cho riêng mình. Khi có chuyện không vừa ý thì sợi dây sân giật khiến cho phùng mang, trợn mắt, đỏ mặt đỏ mày. Cảnh u tối phiền muộn hay nhớ chuyện xưa buồn chuyện nay thì sợi dây si giật khiến hai chân mày chau xuống, phiền muộn, nước mắt chảy… Vì vậy, thiền sư dạy: Chỉ xem người gỗ máy, đứt dây một lúc dừng. Nếu chúng ta đủ dũng lực chặt đứt những sợi dây đó thì dừng lại được, tự chủ được. Nói sợi dây cũng chỉ là một cách nói, bởi vì chúng chỉ là những vọng tưởng điên đảo không có thật, chẳng qua mình để nó điều khiển nên trở thành thật mà thôi.

Thiền sư Pháp Không hỏi:
- Phật với đạo đều là giả danh, mười hai phần giáo cũng chẳng phải thật, vì sao các hàng tôn túc từ xưa đều nói có tu có đạo?

- Đại đức lầm hội ý kinh, đạo vốn không tu, đại đức cưỡng tu, đạo vốn không tác, đại đức cưỡng tác, đạo vốn không sự, đại đức cưỡng sanh đa sự, đạo vốn không biết, ở trong ấy cưỡng biết. Thấy hiểu như thế cùng đạo trái nhau. Tôn túc từ xưa không như thế, tự đại đức không hội, xin suy ngẫm đó.

Sư có bài kệ:

Đạo thể bản vô tu,
Bất tu tự hiệp đạo.
Nhược khởi tu đạo tâm,
Thử nhân bất hội đạo.
Khí khước nhất chân tánh,
Khước nhập náo hạo hạo.
Hốt phùng tu đạo nhân,
Đệ nhất mạc hướng đạo.

Dịch:

Thể đạo vốn không tu,
Chẳng tu tự hiệp đạo.
Nếu khởi tâm tu đạo,
Người này không hiệp đạo.
Bỏ mất một tánh chân,
Lại vào nơi phiền lụy.
Chợt gặp người tu đạo,
Bậc nhất chớ hướng đạo.

Đối với ngài Pháp Không, thiền sư Bổn Tịnh thưa thẳng rằng ông đã hiểu sai ý kinh. Bởi vì tất cả chúng sanh vốn đã sẵn có Phật tánh, kể cả những pháp tánh như từ, bi, hỷ, xả cũng đã tự đầy đủ. Đức Phật Bổn Sư Thích-ca-mâu-ni sau khi thành đạo cũng đã khẳng định rằng tất cả chúng sanh đều có sẵn hạt giống trí tuệ của Như Lai. Lục tổ Huệ Năng cũng nói “Bản lai vô nhất vật.” Nếu Sư cho rằng nhờ tu mới có đạo là lầm rồi.

Thiền sư An hỏi:
- Đạo đã giả danh, Phật nói dối lập, mười hai phần giáo cũng là phương tiện tiếp vật độ sanh, tất cả là vọng, lấy gì làm chân?

Sư đáp:
- Vì có vọng nên đem chân đối vọng. Xét cùng tánh vọng vốn không, chân cũng chưa từng có. Thế thì biết chân vọng đều là giả danh, hai việc đối trị trọn không thật thể, tột cội gốc nó thì tất cả đều không.

An hỏi:
- Đã nói tất cả là vọng, vọng cũng đồng chân, chân vọng không khác, lại là vật gì?

Sư đáp:
- Nếu nói vật gì, vật gì cũng vọng. Kinh nói: “Không tương tợ, không so sánh, bặt đường nói năng, như chim bay trong không.”

Thiền sư An thầm phục mà không biết mối manh.

Đó là cách trả lời, cách lý giải của các thiền sư Không tông. Cũng như quốc sư Huệ Trung khi vua Đường Túc Tông đến hỏi:

- Thầy được pháp gì?

Sư đáp:
- Bệ hạ thấy một mảnh mây trong hư không chăng?

- Thấy.
- Nó do đóng đinh mắc hay do cột dây mắc?

Vua lại hỏi:
- Trẫm là thiên tử nước Đại Đường, tại sao thầy không nhìn đến?

Sư đáp:

- Bệ hạ thấy hư không chăng?

- Thấy.

- Hư không có nhìn bệ hạ không?

Đó chính là chỗ tự tại của thiền sư. Một khi đã đến được chỗ đó, không cần phải đi chùa, phải tu. Chúng ta sở dĩ mỗi ngày phải tụng kinh, tọa thiền vì còn vướng mắc quá nhiều hình thức bên ngoài. Chúng ta chỉ lướt trên danh tướng. Bởi lướt trên danh tướng nên không thể vào sâu, thấy được cốt lõi, bản chất của các pháp. Cho nên chúng ta còn phải tu, nhưng tu như thế nào? Tu đừng vướng mắc, tu buông bỏ, tu tự tại trong tất cả các cảnh duyên như lời Hòa thượng Trúc Lâm đã dạy: “Phải làm chủ, phải nhận ra, sống được với ông chủ của mình.”

Sư có bài kệ:

Suy chân, chân vô tướng,
Cùng vọng, vọng vô hình.
Phản quán suy cùng tâm,
Tri tâm diệc giả danh.
Hội đạo diệc như thử,
Đáo đầu diệc tự ninh.

Dịch:

Xét chân, chân không tướng,
Tìm vọng, vọng không hình.
Quán lại tâm tìm xét,
Biết tâm cũng giả danh.
Hội đạo cũng như vậy,
Đến cùng chỉ lặng yên.

Vì còn vọng nên tạm nói chân để phân rõ, nhưng nếu xét cùng tận thì vọng hay chân đều không có hình tướng. Chỉ cần làm sao buông hết vọng thì chân tự hiện bày.

Lý thuyết thì như vậy nhưng thực hành thì sao? Chỉ một chuyện ngồi thiền ngủ gục thôi mà bỏ hoài không được là vì chúng ta cứ nuông chiều thói quen mê ngủ. Nếu mình cương quyết nói: “Tôi không ngủ gục, tôi không chấp nhận ngủ gục, tôi không đi theo con đường ngủ gục” thì dần dần sẽ sống với cái lặng yên tỉnh giác như trong bài kệ hô thiền “Lặng yên chẳng động tự như như.”

Thiền sư Đạt Tánh hỏi:

- Thiền thật chí vi chí diệu, chân vọng cả hai đều bặt, Phật, đạo cả hai chẳng còn, tu hành tánh là không, danh tướng chẳng thật, thế giới như huyễn, tất cả đều giả danh. Khi người đạt đến cái hiểu biết này cũng không thể đoạn dứt hai gốc thiện ác của chúng sanh?

Sư đáp:
- Hai gốc thiện ác đều nhân tâm mà có, tìm tột tâm nếu có thì gốc ắt thật, xét tâm đã không thì gốc nhân đâu mà lập. Kinh nói: “Pháp thiện pháp ác từ tâm hóa sanh, nghiệp duyên thiện ác vốn không thật có.”
Sư nói bài kệ:

Thiện ký tùng tâm sanh,
Ác khởi ly tâm hữu.
Thiện ác thị ngoại duyên,
Ư tâm thật bất hữu.
Xả ác tống hà xứ,
Thủ thiện linh thùy thủ.
Thương nha nhị kiến nhân,
Phan duyên lưỡng đầu tẩu.
Nhược ngộ bản vô tâm,
Thủy hối tùng tiền cựu.

        Dịch:

Thiện đã từ tâm sanh,
Ác đâu rời tâm có.
Thiện ác là duyên ngoài,
Nơi tâm thật chẳng có.
Bỏ ác đẩy chỗ nào?
Lấy thiện bảo ai giữ?
Than ôi! Người thấy hai,
Bám víu hai đầu chạy.
Nếu ngộ vốn không tâm,
Mới hối lỗi từ trước.

Chúng ta chấp các pháp bên ngoài là thật, chấp tâm mình là thật nên khởi niệm thiện thì tạo nghiệp thiện nhận quả thiện, khởi niệm ác tạo nghiệp ác lãnh quả ác. Nếu biết rõ niệm niệm đều không thật, khi khởi lên bỏ đi thì đâu dẫn đến những hệ quả xấu.

Hòa thượng Ân sư vẫn thường nói: “Buông đi! Thân tứ đại không thật, cảnh duyên bên ngoài không thật” hoặc “Cái chấp là tâm của mình cũng không thật, nó chỉ là bóng dáng của tiền trần.” Để từ đó chúng ta ngộ được cái chân thật của chính mình. Cái đó không vướng mắc, không hình thức, không quá khứ vị lai, không sanh không tử. Đó là chân tâm vô niệm sẵn có trong mỗi chúng ta.

Vị quan cận thần hỏi:
- Thân này từ đâu mà đến? Sau khi trăm tuổi trở về đâu?

Đây là câu hỏi mà tất cả những ai chưa biết tìm về cái thật của chính mình vẫn hay băn khoăn.

Sư đáp:
- Như người khi mộng từ đâu mà đến? Khi thức giấc lại đi về đâu?

Quan thưa:
- Khi mộng không thể nói không, đã thức không thể nói có. Tuy có mà không từ đâu đến, đi không đi về đâu.
Sư nói:
- Bần đạo thấy thân này cũng như mộng.
Có bài kệ:

Thị sanh như tại mộng,
Mộng lý thật thị náo.
Hốt giác vạn sự hưu,
Hoàn đồng thùy thời ngộ.
Trí giả hội ngộ mộng,
Mê nhân tín mộng náo.
Hội mộng như lưỡng ban,
Nhất ngộ vô biệt ngộ.
Phú quý dữ bần tiện,
Cánh diệc vô biệt lộ.

    Dịch:

Thấy cuộc sống như mộng,
Trong mộng thật là ồn.
Chợt giác muôn việc hết,
Lại đồng tỉnh cơn mộng.
Người trí nhận biết mộng,
Kẻ mê tin mộng ồn.
Biết mộng như hai việc,
Một ngộ không ngộ khác.
Giàu sang cùng nghèo hèn,
Lại cũng không đường khác.

Bài kệ này thật không khác với bài thơ Mộng của Hòa thượng Trúc Lâm:

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng.

Niên hiệu Thượng Nguyên năm thứ 2 (761 TL), ngày mùng 5 tháng 5, Sư quy tịch.

Vua sắc ban hiệu là Đại Hiển thiền sư.

Thiền sư Bổn Tịnh quả xứng đáng là người được ý chỉ Tào Khê. Ngài không những đã nhận được, sống được với tinh thần “Bản lai vô nhất vật” của Lục Tổ mà còn hoằng dương tâm tông chốn đế kinh, chỉ thẳng chỗ lầm cho chư vị tôn đức vốn vẫn theo đường lối tiệm tu của quốc sư Thần Tú. Đối với hàng hậu học chúng ta, ngài Bổn Tịnh đánh mạnh vào tất cả những kiến chấp về thân, về tâm, về pháp. Cho nên học thiền có những cái không cần phải giải thích, chỉ nhân đó mà nhận. Phải biết vượt ngoài danh tướng, buông bỏ hết vọng tâm, nhận ra bản tâm và hằng sống được với cái chân thật hiện tiền.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]