Câu chuyện góp ý    

vietlachChân hiền Tâm 

Nhận được cú điện thoại của cậu bạn nhỏ. Hắn nói vẫn đọc bài tôi viết trong báo Giác Ngộ. Nhưng bạn hắn thì chê, nói dài. “Ngày xưa bài cô viết ngắn mà súc tích, giờ sao dài vậy cô”. Ừ, ừ để rút kinh nghiệm.  

Ngày xưa viết bài ngắn, người ta nói sao chỗ này viết tắt quá, không hiểu. Giờ trích kinh trích luận, phân tích rõ ra, bài thành dài, thiên hạ thấy ngán, không đọc. Mình giống như hai cha con cưỡi lừa trong câu chuyện ngụ ngôn của Mỹ, leo lên cũng không xong mà leo xuống cũng không xong.

 

Trong cái thế giới nhị biên này, nghe người góp ý mà thay đổi thì không biết khi nào mới hết đổi thay. Tuy vậy, tôi rất thích những lời góp ý (dù đôi khi cũng thấy lùng bùng). Cũng hay làm theo lời góp ý. Bởi lời góp ý luôn có phần giá trị nhất định của nó. Dù không đúng chăng nữa, đó cũng là cái duyên để mình hiểu được tâm trạng và cách nhìn nhận vấn đề của một con người. Cũng là điều kiện để mình có cơ hội giải thích hoặc làm đề tài cho một bài viết mới khi đầu đang rỗng tuếch.

Góp ý, tôi thấy việc đó thật lợi ích cho đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Lợi ích, vì không ai là thánh nhân, nên trong lời nói, việc làm, viết lách v.v… thế nào cũng có ít nhiều sai sót không thể tránh được. Một người đã nhận ra và nói cho mình biết, thật là quí hóa quá!

Rồi, dù cho ý bài viết không sai, nhưng có khi do tính chủ quan, mình nghĩ diễn tả đã rõ rồi, nhưng thật là vẫn chưa đủ để người khác hiểu được những gì  mình muốn nói. Vấn đề đôi khi thành sai lệch do sự chủ quan của mình. Chỉ những kẻ khách quan, trong tâm không tồn tại những việc như thế, mới có thể nhận ra. Và họ nói cho mình biết. Cứu một bàn thua thấy rõ. Không cám ơn sao được.   

Một lời góp ý, còn có thể làm nẩy sinh những cuộc trao đổi lý thú, giúp bản thân và những người ngoài cuộc nhận ra nhiều vấn đề mà tự bản thân chúng ta ít ai để ý, cho đến khi cuộc tranh luận xảy ra.

Tôi đã tìm thấy khá nhiều điều thú vị trong việc “Được góp ý” và “Góp ý” này. 

“Bài dài, không đọc” là cách góp ý không cần phải động não nhiều. Với người thích bài ngắn, thể loại dài xem như rớt đài ngay từ phần hình thức, không còn gì để bàn. Cái có thể bàn là những gì thuộc về nội dung.

Đôi lúc, tôi thấy lời góp ý của người này chẳng dính gì đến bài viết của người kia. Bản thân tôi cũng thế. Một điều gì đó không chính xác lắm qua đầu óc vội vả của mình. Hoặc là bận tâm quá với văn tự nên bỏ mất tinh thần mà bài viết muốn nói. Hoặc là đánh rơi đâu đó vài chữ, nhưng chúng lại là tiền đề quyết định đúng sai cho vấn đề muốn nói.

Người ta nói rất rõ “Ngoài nước…”, mình mắt nhắm mắt mở, vơ hết những thứ trong nước ra chứng minh, nói người ta sai. Khi bị phản đòn, mới hay không phải mình góp ý với người mà là đang góp ý với cái vọng tưởng của chính mình. Đợt đó, tôi rút kinh nghiệm, muốn phê bình hay góp ý điều gì, việc đầu tiên là cần phải nghe kỹ và đọc kỹ những gì cần góp ý. Cố gắng hiểu cho được tinh thần mà bài viết muốn nói. Tránh cố chấp trên văn tự. Cũng không nên bỏ quên những câu từ quyết định ít nhiều tính sai đúng của bài viết. Nói chung, trong sự góp ý cần có một tấm lòng. Để hạn chế bớt những gì không chính xác, giúp việc góp ý đạt hiệu quả tốt hơn.

Một việc nữa khiến lời góp ý dù hay nhưng lại không có giá trị với câu chuyện được góp ý, là do mình thiếu cái nhìn Duyên khởi đối với vạn pháp. Chính là mặt tùy duyên của vạn pháp. Trên mặt khế lý và khế cơ mà nói, nó thuộc phần khế cơ. Người ta nói cho đối tượng này, mình lại lấy pháp của đối tượng kia ra so, người ta nói trong hoàn cảnh này, mình lại lấy hoàn cảnh khác ra sánh, nên thấy chướng. Rơi vào tranh luận, tranh luận bất phân thắng bại, một phần cũng do không dụng được cái nhìn Duyên khởi này.

Trong một thời pháp mùa Vu lan, giảng sư nói công ân cha mẹ là trên hết. Tôi đã không đồng ý với điều đó, vì trong Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký nói: “Với người xuất gia, ân sư tăng là lớn, ân cha mẹ là kế ”.[1] Tôi mang điều đó trình với giảng sư và nhận được một câu trả lời khá thú vị: «Hãy nhìn những người đang nghe pháp đây. Là những phật tử tại gia, đa phần trình độ còn rất thấp. Tâm chưa thể đón nhận nhiều thứ trong một thời lượng quá ngắn. Nếu muốn, chúng ta sẽ có một bài pháp nữa về hiếu hạnh của người xuất gia. Còn đây, chỉ như thế thôi». Chỉ như thế thôi, vì duyên của nó là dành cho người tại gia. Mình mang xuất gia ra so mới sinh chuyện. Mình đòi một cái toàn diện trong khi người ta chỉ có thể nhận cái từng phần. Với nhà thiền, ‘Pháp, do ứng cơ mà nói’ thì đúng là không có gì để bàn. Chỉ là « Chỉ như thế thôi ».

Chả trách kinh, luật, luận đều có phần Duyên khởi ở đầu. Nói Duyên khởi của một bộ kinh là do đâu mà viết ra kinh đó, cũng là để nêu lên đối tượng mà vì họ, bộ kinh ra đời. Như luận Đại Thừa Khởi Tín nói: «Nhân duyên gì mà tạo luận này? Đó là để chúng sinh lìa khổ được lạc. Vì muốn giải thích nghĩa căn bản của Như Lai. Vì muốn chúng sinh căn lành thành thục kham nhận Đại thừa. Vì muốn chúng sinh căn lành ít ỏi tu tập tín tâm. Vì chỉ bày phương tiện trừ diệt các ác nghiệp chướng… ». Nêu rõ nhân duyên cùng đối tượng ra vậy, tức đã khoanh vùng phủ sóng. Trong phạm vi phủ sóng đó, thứ gì không đúng thì mới góp ý. Lấy việc ngoài vùng phủ sóng mà góp ý thì đương nhiên không đúng. Không đúng, không do ý mình sai mà do dụng pháp không đúng duyên.

Nếu đọc phần luận trên mà khởi tâm: « Sao thiền mà không dạy « không lấy không bỏ » lại dạy trừ diệt? » là lời góp ý ngoài vòng phủ sóng. « Không lấy không bỏ » là pháp dành cho hàng thượng căn «lưu hoặc độ sinh»,[2] không phải là pháp dùng cho hàng nghiệp chướng còn dày, vô minh chưa mỏng. Dạy « không lấy không bỏ », khác gì khuyên người ta đừng tu. Chúng sinh vẫn hoàn chúng sinh. Chỉ hại. Không lợi. Thành lời góp ý tuy khế lý mà không khế cơ, cũng thành trật. 

Một bà cụ, khi đọc một bài viết của tôi, đã nói: « Vì sao phải nói đến cái quả của việc bố thí mà không phải là bố thí vì tình thương, không cầu quả báo? ». Một ý tưởng rất chuẩn xác, không chê vào đâu được. Nhưng … tôi sẽ đưa ý tưởng đó vào một bài viết khác, không phải với bài viết đang góp ý. Vì nó không đáp ứng đúng cái duyên mà tôi muốn nói. Chủ đích của bài viết là để đối trị một tư tưởng không phù hợp với kinh luận: « Muốn sung túc, phải tìm cách thâu gom bất kể thiện, ác ». Vì muốn đối trị tư tưởng đó mà bài viết phải nói đến phần quả báo của việc bố thí, để thấy bố thí là nhân của sung túc, không phải thu gom bất kể thiện ác là nhân của sung túc. Nếu không nói đến phần quả báo của việc bố thí thì không thể nào đối trị được tư tưởng đó. 

Việc nhầm nhân lộn duyên rồi sinh ta tranh luận, không phải chỉ chúng ta ngày nay mới dính, mà tự ngàn xưa, cũng đã xảy ra những việc tương tự. Trong cuốn Nguồn Thiền, ngài Tông Mật nói: «Kẻ hậu học của hai tông Không và Hữu cùng với người học kinh luận chỉ hại nhau, bài xích chẳng khác cừu thù. Vậy thì đến khi nào mới chứng vô sinh pháp nhẫn?». Không phải chỉ dừng ở việc góp ý mà còn dẫn đến tình trạng bài xích lẫn nhau như cừu thù. Đó là do không nhận ra mặt Duyên khởi của vạn pháp. Không nhận ra «Thuận tột thì làm thành nhau. Trái tột thì phá lẫn nhau. Nhưng trái thuận đều tự tại. Nên phá mà không phá, tức đối với các pháp đều hòa hội».[3] Thứ gì có hình có tướng, đều có mặt đối đãi của nó, như âm dương sinh nhau. Có âm là có dương. Có dương là có âm. Chỉ là thiếu duyên thì ẩn. Đủ duyên thì hiện. Do thế đối đãi đó ở thế gian mà thấy kinh luận dường như trái nhau, Tổ Tổ cứ như chống nhau, mà thật là không phải. Chỉ là tùy cơ mà có pháp. Vì cơ đối nhau nên thấy pháp đối nhau. Như con đường, hai bên là vực sâu. Người đi lệch về bên trái có nguy cơ lọt vực thì Tổ bảo « Về bên phải ». Người đi lệch về bên phải có nguy cơ lọt vực thì Tổ bảo « Về bên trái ». Trái hay phải là do căn cơ của chúng sinh mà lập, tuy thấy đối nhau mà đồng một mục đích lợi ích, không do bài xích hại nhau.

Đứng ở mặt phá, Tổ sư có phá cũng vì lợi ích cho người. Hoặc vì pháp khế lý mà không khế cơ, hoặc vì pháp khế cơ mà không khế lý, hoặc muốn đưa người về chỗ vô trụ, nên phá. Như Ngoại Luân nói: «Hay đoạn trăm tư tưởng», Lục Tổ nói: «Chẳng đoạn trăm tư tưởng », là muốn hiển bày « đoạn » hay « không đoạn » chưa phải là chỗ rốt ráo, chỉ là pháp Duyên khởi đối đãi, cần phải tiến lên nữa. Thành phá mà không phá, đối với các pháp đều hòa hội là vậy.    

Tổ sư nhận tánh mà dụng pháp nên lập hay phá đều không lầm, trái hay thuận đều tự tại. Kẻ hậu sinh lấy tướng làm tánh, theo đó sinh tưởng chấp trước, nên tranh luận bài xích lẫn nhau không dứt, tâm không thoát khỏi phiền não và sở tri. Chẳng còn nhận được lợi ích trong việc phá và lập của Tổ sư.

Duyên khởi, còn thể hiện qua sự liên kết giữa các câu văn. Những câu văn, nếu ý nghĩa của nó lệ thuộc nhiều vào các câu quanh đó, mà mình tách nó ra như một ý độc lập, thì có khi ý thành trái ngược.

Ai cũng biết có nhiều loại bệnh, khi đang hiện khởi, không nên uống nhân sâm. Tôi cũng biết chút ít về điều đó. Nên mới nhảy đỏng lên khi thấy tập tài liệu ghi: « … bệnh đó uống nhân sâm»[4]. Ông bạn cầm tập tài liệu lên, lật sang trang kế. Hóa ra còn hai chữ … « thì chết» mới hết câu. Tại mình nhanh nhẩu đoản, mới nghe một câu trái với sở tri của mình, lập tức lùng bùng quên truy xét cho tận nguồn. Lần đó giựt cả mình. May là câu này đi liền với câu kia, ông bạn có thể giúp mình nhận ra cái lầm của mình tức khắc. Giả như có những đoạn văn mà phần kết cấu không gần nhau, mình chỉ đọc một đoạn mà không đọc đoạn kia, hay mình chỉ đọc sách này mà không đọc sách khác để nắm được ít nhiều tinh thần chủ đạo của tác giả, thì việc góp ý vô tình trở thành vạch lá tìm sâu, mất hết tinh thần tốt đẹp của nó.

Một điều hay gặp nữa trong việc thảo luận góp ý, là mình hay để cho bà phiền não khởi kèm với ông sở tri của mình. Phiền não, là chỉ cho những gì thuộc về bức xúc, bực bội. Một ý tưởng chống trái hay một lời góp ý không chính xác dễ khiến mình sinh bức bối. Sự bức bối có khi hiện rõ qua lời văn, câu chữ hay giọng nói của mình. Giăng thuyền đi trong mưa bão, ít nhiều gì cũng bị thất thu. Từ hình thức đến nội dung. Cho nên, không nên để cụ phiền não hiện khởi trong quá trinh thảo luận. Để nó hiện khởi, là dụng pháp không đúng duyên. Chỉ cần một ông sở tri độc hành là đủ.

Viết chừng đó thấy đã dài. Viết dài nữa, hắn chê. Ngắn chút mà súc tích là được.

 Nguồn : BGN số 199

 


[1] Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký quyển 8 – Phẩm Kim Cang Tràng Bồ Tát Hồi Hướng thứ 21. Sa môn Pháp Tạng thuyết. 

[2] Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký – Sa môn Pháp Tạng thuyết.

[3] Nguồn Thiền – Đại sư Tông Mật.

[4] Lâu quá, người viết không nhớ được phần văn phía trước, cáo lỗi.

 

 

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]