KHÔNG MONG CẦU ĐƯỢC BÁO ĐÁP

Hòa thượng Tinh Vân - Đạt ma Chí Hải dịch    

Tục  ngữ có câu: “Người đạt vô cầu, phẩm chất tự cao”.  Trong đời sống phần nhiều ai cũng mong có được  nhiều công danh, phú quý, cầu cho sự nghiệp thuận  lợi, gia đình bình an. Còn người xuất gia tu theo Phật, nhờ có được sự thể nghiệm trong công phu, sự chứng ngộ ở nội tâm nên tự nhiên không hướng ra  ngoài để mong cầu.

Nhiều người mặc dù đã xuất gia rồi nhưng vẫn chưa dứt trừ được dục lạc.Vì sao? Vì họ không có sự soi xét ở nội tâm, không có sự thể nghiệm Phật pháp, không có thể nghiệm Phật pháp, không có đạo lực nên không tiêu trừ được những cám dỗ bên ngoài, dễ bị mê hoặc bởi những thú vui trần tục, thay vì họ được an vui trong chánh pháp.Tất cả pháp giới đều ở trong tâm, tự trong nội tâm của mỗi người vốn đã đầy đủ, nếu khéo vận dụng công phu tu hành chúng ta sẽ có tất cả mà không mong cầu ai ban cho.

Ông Nhan Hồi là học trò của Khổng Tử, có đời sống thật giản dị, khiêm cung, biết đủ, tùy phương tiện có được mà sử dụng. Khi không có chén, ông ăn cơm đựng trong ống tre, uống nước bằng gáo dừa mà vẫn an lạc. Ông bằng lòng với những gì mình đang có trong hiện tại.

Đệ tử lớn của Phật là Tôn giả Ca Diếp, thường sống trong nghĩa địa, ven bờ sông, tọa thiền nơi rừng vắng mà lúc nào cũng an ổn tự tại.Vì ngài thường sống trong tâm đạo sáng suốt.

Hy  vọng chúng ta cũng có chủng phước này. Là người xuất gia phải nỗ lực tu hành để tâm luôn có sự giác ngộ, buông bỏ mọi  khen chê, vinh nhục, hằng sống với tâm không mong cầu, không được mất, như thế mới có thể an trụ thân tâm.

1-Không mong cầu mà vẫn có quyền lợi

Người xuất gia dù không mong cầu được nhà cao cửa rộng, chùa to Phật lớn, mà vẫn sống được trong đó.Vì sao? Vì người xuất gia vui với cái người khác có được.Ví như thấy có thầy xây được chùa to Phật lớn, mình cũng được thơm lây. Huynh đệ đỗ đạt, học vấn uyên thâm, chúng ta có thể nương theo để học hỏi. Núi biếc sông xanh cây tươi hoa tốt… tất cả không phải của tôi nhưng tôi có thể lang thang trong đó, hít thở không khí trong lành giữa bầu trời cao rộng.Tôi không làm được Phật sự lớn lao, lại không có khả năng thuyết pháp, giảng kinh nhưng tôi có thể nói được những câu vui vẻ, chân thành. Tất cả các pháp trên thế gian này nếu chúng ta có cái nhìn không tham cầu cho riêng mình thì chúng ta sẽ có tất cả.

2-Không mong cầu mà vẫn được bao dung

Tôi hay hỏi các vị trẻ tuổi xuất gia ở Phật Quang Sơn: “Phật Quang Sơn này là của ai?”

Họ đều nói: “Con xuất gia ở Phật Quang Sơn, nên trong lòng con lúc nào cũng có Phật Quang Sơn”.

Trong tâm quý vị có Phật Quang Sơn, quý vị nương ở núi này mà xuất gia thọ giới. Nhưng nếu tôi hỏi: “Thầy vì sao mà đến Quang Sơn thọ giới?”

Thầy ấy thưa: “Vì con kính giới luật ở đây!”

Như vậy, quý vị có đạo tràng, có Tam bảo chứng minh, có quý thầy làm lễ xuất gia. Quý vị cần phải tự hào với Tam bảo nơi mình thọ nhận và được ủng hộ.

Dẫu cho tiền của vàng bạc, kiến thiết xây dựng tiện nghi có nhiều đến đâu đi nữa, nếu như không phải là của quý vị, quý vị cũng không cho là quý. Cõi đào nguyên tuy tốt đẹp, chung cuộc chẳng phải là chốn quê nhà. Tuy nhiên, khi thấy ai phá hoại nơi nằm hoặc bàn ghế, quý vị cũng biết ra sức bảo vệ của Tam bảo.

Tất cả trên thế gian này, đều từ tâm khoan dung nhiều hay ít của quý vị mà quý vị được nhiều hay ít. Người đời chỉ nghĩ đến cha mẹ, anh em trong gia đình, bạn bè cùng lớp của mình, trong lòng chúng ta chỉ có những người thân của mình mà thôi. Nếu có thể xem tất cả chúng sanh là mình, cả thế giới đều là chính bản thân mình, thì trên thế giới này sẽ không có người bần cùng bơ vơ đói khổ.

Trong tâm của quý vị có sự bao dung nhiều hay ít, quý vị cũng sẽ nhận lại được như vậy. Người ta trồng hoa trong vườn, hoa tuy không phải là ta, nhưng hoa nở rất đẹp, ta có thể ngắm nhìn thưởng thức từng đóa. Hoa kia và mình lúc ấy là một. Quý vị vừa xây xong một ngôi thất thật đẹp và mua sắm các thứ vật dụng, quý vị có thể đi tản bộ từ đông sang tây. Dưới mái hiên, có thể cho ta chỗ trú nắng che mưa.

Trong tâm quý vị rộng lớn, sẽ chứa cả thế giới rộng lớn: Ghẻ lở bọc mủ thường dơ bẩn, nhưng nó lại ở trên thân thể của chúng ta, ta không thể không chăm sóc chùi rửa, thoa thuốc lên vết thương, ta vì lòng bao dung mà chăm sóc tận tình.

3-Không mong cầu mà vẫn được kết thiện duyên

Chúng ta đối trước những cảnh thuận nghịch trong đời sống, thì bao giờ cũng mong cầu cho mình gặp được những thiện duyên. Nếu thuận thì ta vui mừng. bằng ngược lại thì ta phiền não, sân giận rồi tự trách mình, trách người mà quên rằng trong cuộc sống, ta ít khi chịu làm điều lành.

Phật Tổ dạy chúng ta không nên hướng ra ngoài tìm cầu. Nếu chúng ta có tâm nguyện tốt, thì khi đã giúp ai, ta không mong cầu được đền trả. Khi gặp điều bất như ý, ta tự xét lại tham sân si trong lòng mình còn nhiều hay ít? Quán chiếu xem trong mối nhân duyên giữa ta và người ra sao?Nếu biết rộng kết thiện duyên với mọi người thì dẫu không mongc cầu việc thiện thì việc thiện cũng đến với chúng ta.

4-Không mong cầu mà vẫn được đầy đủ

Người đời thường nói:”Biết đủ thường vui, hay nhịn tự an”.”Người biết đủ nằm dưới đất cũng như ở thiên đường. Người không biết đủ tuy ở chốn thiên đường mà như ở địa ngục”. Khi nhìn vào trong sinh hoạt đời sống, qua cách ứng xử ta có thể biết họ giàu hay nghèo.Có người thật giàu có, danh tiếng lẫy lừng trong xã hội, mà  trên gương mặt lúc nào cũng đăm chiêu buồn bã, là vì sao?Vì họ không biết đủ, họ còn muốn nhiều hơn nữa, cho nên khi bước ra ngoài họ thấy ai cũng có thể là kẻ thù của mình, về nhà thì họ coi như đang sống trong địa ngục, bởi vì không ai làm họ vừa ý. Tham muốn tràn trề, tình cảm và vật chất như vị mặn trong nước, càng uống càng cảm thấy khát. Theo cái nhìn của người biết tri túc, thì họ luôn là những người nghèo khổ, thiếu thốn. Ngược lại những người có đời sống giản dị, biết đủ, sống hòa hợp, vì người, vì mình thì lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc, an vui. Họ là những người có đầy đủ tất cả, những người này được xem là giàu có. Nếu ta biết an vui cùng hiện tại, hạnh phúc sẽ mãi mãi quanh ta.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]