TẮC 76: ĐƠN HÀ ĂN CƠM RỒI CHƯA

LỜI DẪN: Nhỏ như hạt gạo bể, lạnh tợ băng sương, bít lấp càn khôn, lìa sáng dứt tối, chỗ thấp thấp xem đó có dư, chỗ cao cao bình đó chẳng đủ, nắm đứng buông đi, thảy ở trong đây. Lại có chỗ xuất thân hay không, thử cử xem ?

CÔNG ÁN: Đơn Hà hỏi Tăng: Từ đâu đến ? Tăng thưa: Dưới núi đến. Đơn Hà hỏi: Ăn cơm rồi chưa ? Tăng thưa: Ăn cơm rồi. Đơn Hà hỏi: Người đem cơm cho ông ăn có đủ mắt chăng ? Tăng không đáp được.

Trường Khánh hỏi Bảo Phước: Đem cơm cho người ăn có phần đền ơn, vì sao lại chẳng đủ mắt ? Bảo Phước đáp: Người thí kẻ thọ cả hai đều mù. Trường Khánh nói: Tột cơ kia đến, lại thành mù chăng ? Bảo Phước nói: Bảo ta mù được chăng ?

GIẢI THÍCH: Thiền sư Thiên Nhiên ở núi Đơn Hà tại Đặng Châu, chẳng biết người xứ nào. Buổi đầu Sư học tập Nho sắp vào Trường An ứng thí, nghỉ ở quán trọ, chợt mộng   thấy hào quang trắng đầy nhà. Người bàn mộng nói: Là điềm hiểu Không. Gặp một Thiền khách hỏi: Nhân giả đi đâu ? Sư đáp: Đi thi làm quan. Thiền khách nói: Thi làm quan đâu bằng thi làm Phật. Sư hỏi: Thi Phật phải đến chỗ nào ? Thiền khách nói: Nay Mã Đại sư ở Giang Tây khai đường dạy chúng là trường thi Phật, nhân giả nên đến đó. Sư liền đi thẳng đến Giang Tây, vừa thấy Mã Đại sư, liền lấy hai tay lột cái mũ trên đầu. Mã Đại sư nhìn kỹ, nói: Tôi không phải thầy của ông, hãy sang Nam Nhạc Thạch Đầu đi. Sư đi thẳng đến Thạch Đầu, lại làm như ý trước. Thạch Đầu bảo: Xuống nhà trù đi. Sư lễ tạ, vào nhà cư sĩ theo chúng làm công tác, đến ba năm. Một hôm Thạch Đầu bảo chúng: Sáng mai hớt cỏ trước điện Phật. Đến hôm sau, đại chúng cầm liềm hái đến trước điện Phật hớt cỏ, riêng Sư múc một thau nước sạch, quì gối trước Thạch Đầu. Thạch Đầu thấy thế cười, vì Sư cạo tóc, tiếp nói giới. Sư bịt lỗ tai đi ra. Thẳng đến Giang Tây yết kiến Mã Tổ. Chưa tham lễ, Sư đi thẳng vào Tăng đường leo ngồi trên cổ tượng Thánh tăng. Đại chúng thấy kinh ngạc, chạy báo cho Mã Tổ. Mã Tổ đích thân đến xem, nói: Con ta Thiên Nhiên. Sư bước xuống lễ bái thưa: Tạ Thầy ban pháp hiệu. Nhân đây gọi là Thiên Nhiên. Cổ nhân Thiên Nhiên như thế thường giải thoát, nên nói thi quan không bằng thi Phật. Trong Truyền Đăng Lục chép ngữ cú của Sư thật là vách đứng ngàn nhẫn, mỗi câu đều có thủ đoạn vì người nhổ đinh tháo chốt. Giống như hỏi vị Tăng này: Ở đâu đến ? Tăng thưa: Ở dưới núi đến. Vị Tăng này lại chẳng thông chỗ đi, giống như người có mắt khám phá ngược lại chủ nhà. Đương thời, nếu chẳng phải Đơn Hà cũng khó nắm được y. Đơn Hà lại hỏi: Ăn cơm chưa ? Ban đầu thảy chưa thấy được, lần thứ hai này khám phá được y. Tăng thưa: Ăn cơm rồi. Kẻ mù mịt vốn là chẳng hiểu. Đơn Hà hỏi: Người đem cơm cho ông ăn có đủ mắt chăng ? Tăng không đáp được. Ý Đơn Hà nói, kẻ vì ông đem cơm kham làm việc gì ? Vị Tăng này nếu là kẻ khác thử cho Sư một tát xem Sư làm gì ? Tuy nhiên như thế, Đơn Hà cũng chưa buông ông. Vị Tăng kia con mắt chớp lia không có lời để đáp. Bảo Phước, Trường Khánh đồng ở trong hội Tuyết Phong, thường cử công án của cổ nhân để thương lượng. Trường Khánh hỏi Bảo Phước: Đem cơm cho người ăn là có phần đền ơn, tại sao không đủ mắt ? Không hẳn hỏi hết việc trong công án này, đại cương mượn lời này làm thoại đầu, cần nghiệm chỗ chân thật của kia. Bảo Phước nói: Người thí kẻ thọ cả hai đều mù. Thích thay! Đến trong đây chỉ luận việc đương cơ, trong nhà có con đường xuất thân. Trường Khánh nói: Người tột cơ kia đến, lại thành mù chăng ? Bảo Phước nói: Bảo ta mù được sao ? Ý Bảo Phước nói ta đủ mắt thế ấy, vì ông nói rồi, lại nói ta mù được chăng ? Tuy nhiên như thế, là nửa nhắm nửa mở. Khi ấy nếu là Sơn tăng đợi y nói “người tột cơ kia đến, lại thành mù chăng”, chỉ nói với y “mù”. Đáng tiếc Bảo Phước khi ấy nếu hạ được một chữ “mù”, khỏi bị Tuyết Đậu có nhiều thứ sắn bìm. Tuyết Đậu chỉ dùng ý này tụng:

TỤNG:             Tận cơ bất thành hạt

                        Án ngưu đầu khiết thảo

                        Tứ thất nhị tam chư Tổ sư

                        Bảo khí trì lai thành quá cựu.

                        Quá cựu thâm, vô xứ tầm

                        Thiên thượng nhân gian đồng lục trầm.

DỊCH:              Tột cơ chẳng thành mù

                        Chận đầu trâu ăn cỏ

                        Ba mươi ba chư vị Tổ sư

                        Bảo khí đến giờ thành quấy lỗi.

                        Quấy lỗi sâu, không chỗ tìm

                        Trên trời nhân gian đồng ngập chìm.

GIẢI TỤNG: Câu “tột cơ chẳng thành mù”, Trường Khánh nói người tột cơ kia đến, lại thành mù chăng ? Bảo Phước nói “bảo ta mù được chăng”, giống như “chận đầu trâu ăn cỏ”. Phải đồng với kia tự ăn mới được, trong ấy lại chận đầu trâu ăn cỏ. Tuyết Đậu tụng thế ấy tự nhiên thấy ý Đơn Hà. “Ba mươi ba chư vị Tổ sư, bảo khí đến giờ thành quấy lỗi”, chẳng những chỉ đới lụy Trường Khánh, cho đến Tây thiên hai mươi tám Tổ, Trung Hoa sáu Tổ, đồng thời chôn vùi. Đức Phật Thích-ca bốn mươi chín năm nói một Đại Tạng kinh, rốt sau chỉ truyền một bảo khí này. Vĩnh Gia nói: “Chẳng phải tiêu hình việc truyền suông, gậy báu Như Lai còn dấu vết.” Nếu khởi kiến giải của Bảo Phước thì bảo khí giữ đến giờ trọn thành quấy lỗi. “Quấy lỗi sâu, không chỗ tìm”, cái này vì ông nói chẳng được, chỉ tìm chỗ ngồi yên, nhằm trong câu này kiểm điểm xem ? Đã là quấy lỗi sâu, tại sao lại không chỗ tìm ? Đây không phải lỗi nhỏ, vì đem việc lớn của Tổ sư một lúc ở trên đất bằng làm chìm ngập hết. Vì thế Tuyết Đậu nói “trên trời nhân gian đồng ngập chìm”.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]