headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 23/04/2024 - Ngày 15 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

CÂY BỒ ĐỀ ANANDA

 Gần cổng vào Tinh xá Kỳ Viên, có một cội Bồ-đề sum sê to lớn mang tên là Bồ-đề Ananda. Sách ghi như sau:

"Lúc bấy giờ thiện tín đến hầu Phật thường mang theo bông hoa hay những tràng hoa để cúng dường Ngài. Trong những lúc Đức Phật đi vắng thì các thiện tín ấy đặt bông hoa trước cửa tịnh thất Ngài rồi về.

Trưởng giả Cấp Cô Độc thấy vậy, thỉnh cầu Đại đức Ananda bạch với Đức Phật xem có nơi nào khác để thiện tín có thể đến lễ bái cúng dường trong lúc Đức Phật đi hoằng pháp, không có mặt ở tinh xá.

Đại đức Ananda bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu bảo vật để chúng sanh lễ bái cúng dường? "

- Này Ananda, tất cả có ba: Những vật để chúng sanh lễ bái cúng dường có liên quan đến thân như xá-lợi của Phật, những vật liên quan đến đồ dùng riêng, và những vật để tưởng nhớ Phật.

- Bạch Thế Tôn, trong lúc Ngài còn tại tiền, có nên xây tháp để tôn thờ chăng?

- Không, vật để chúng sanh lễ bái cúng dường có liên quan đến thân chỉ nên được kiến tạo sau khi Như Lai nhập diệt. Vật lễ bái cúng dường để tưởng niệm Như Lai hoàn toàn thuộc về tinh thần, những vật ấy chỉ tượng trưng, không có căn bản vật chất. Nhưng cây Bồ-đề to lớn mà xưa kia đã có lần che mưa đỡ nắng cho Như Lai là vật để chúng sanh lễ bái cúng dường, dầu Như Lai còn tại thế hay đã nhập diệt.

- Bạch Thế Tôn, khi Ngài đi thuyết pháp phương xa, khi thiện tín đến tinh xá Kỳ Viên rộng lớn này không biết hướng vào đâu để lễ bái cúng dường. Bạch Thế Tôn, xin Ngài hoan hỷ cho phép con lấy một hạt của cây Bồ-đề mẹ để gieo trồng trước cổng tinh xá."

Đại đức Ananda thuật câu chuyện lại cho những vị đại thí chủ như Trưởng giả Cấp Cô Độc, Bà Visakha, Bình Sa Vương, rồi Đại đức yêu cầu tôn giả Mục-kiền-liên giữ lại một trái chín mùi từ cây rơi xuống chưa đụng đất. Ngài Mục-kiền-liên trao cho tôn giả Ananda. Ngài A-nan đưa cho vua Ba-tư-nặc. Vua trao lại cho Trưởng giả Cấp-cô-độc trồng.

Một cây Bồ-đề sớm mọc lên tươi tốt mang tên là "Bồ-đề Ananda".

Cây Bồ-đề lịch sử này đến nay vẫn còn dấu tích tại Tinh xá Kỳ Hoàn. Khi đoàn hành hương đến Tinh xá Kỳ Viên, cũng như ở các Thánh tích khác, đoàn đến tụng kinh lễ bái, đi nhiễu ba vòng quanh cội Bồ-đề .

Đi sâu vào bên trong Kỳ Viên, đoàn đến lễ bái Hương phòng, nơi Đức Phật ngự khi Ngài ở tại tinh xá này. Chúng tôi cùng ngồi quây quần trên nền hương thất cũ, Thầy nói lại những điểm quan trọng của Tinh xá. Một huynh đệ viết: "Tinh xá Kỳ-hoàn, cả đoàn lễ nơi cây Bồ-đề Ananda, hương thất Đức Thế Tôn. Câu chuyện về đàn kiến, một bài học lớn cho những ai còn chìm đắm trong luân hồi sanh tử".

Những ngày hành hương lễ bái Thánh tích, chúng tôi được trải qua biết bao lần những giờ phút như thế này. Trước cảnh cũ, hồn xưa cộng thêm lời nhắc nhở của Thầy, tâm tư bừng sáng. Những chiếc lá như xanh hơn, nắng ấm, trời cao, mây trắng hơn và hạnh phúc dường như gần gũi hơn.

Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni

Đây là điểm cuối trong chuyến đi chiêm bái Thánh tích của đoàn. Hôm nay chúng ta đến viếng, nhìn tận mắt thánh tích Tinh xá Kỳ-hoàn. Thời Phật tại thế, đây là Tinh xá nổi tiếng. Trong cuộc đời giáo hóa của Đức Phật, Ngài đã trụ tại hương thất này nhiều nhất, đến hai mươi lăm mùa an cư.

Vừa rồi, quí thầy cũng có giới thiệu, lúc bấy giờ tại thành Xá-vệ này chưa có tinh xá. Với lòng thành và niềm tin mạnh mẽ đối với Phật, Trưởng giả Cấp-cô-độc sẵn sàng xả bỏ của cải không tiếc, trải vàng để mua đất xây tinh xá. Trưởng giả phát tâm dâng cúng lên Phật để có chỗ cho chư Tăng tu học. Lúc xây dựng tinh xá, Trưởng giả có thỉnh ngài Xá-lợi-phất đến trông coi.

Việc Trưởng giả gặp Phật cũng là nhân duyên hy hữu. Một lần ông có duyên sự đến nhà người bạn nghỉ qua đêm. Thấy trong nhà lăng xăng lo chuẩn bị thức ăn uống. Ông mới hỏi làm gì? Người nhà nói chuẩn bị để sáng thỉnh Đức Phật đến cúng dường thọ trai. Khi nghe đến tiếng Phật là có gì rúng động trong tâm của ông. Do chủng duyên sẵn có, ông nhất định tìm gặp Phật ngay. Sau khi gặp Phật, được Phật giáo hóa. Ông thỉnh Phật đến thành Xá-vệ hoằng pháp. Nhưng vì lúc đó ở đây chưa có tinh xá, chưa có chúng Tăng, do đó ông tìm đất xây cất tinh xá cúng dường cho Phật và chúng Tăng. Khi tìm thì thấy chỉ có ngôi vườn này là phù hợp, song thuộc sở hữu của thái tử Kỳ-đà. Là Thái tử thì đâu có nghèo mà bán đất, làm sao mua được. Nhưng vì niềm tin quá mạnh, ông vẫn tới hỏi mua. Thái tử từ chối khéo nói: "Nếu ông trải vàng đầy hết đất trong vườn thì tôi bán". Ai ngờ ông làm thiệt. Cuối cùng thái tử Kỳ-đà thấy niềm tin ông quá mạnh nên phát tâm cùng chung cúng dường, nói rằng: "Vậy là đất thì của ông, còn vườn cây thì của tôi". Do nhân duyên đó mà nơi này có tên là Kỳ-thọ Cấp-cô-độc Viên.

Thời Phật, ngôi Tinh xá này có rất nhiều sự kiện xảy ra. Cũng ở nơi đây, Đức Phật thị hiện thần thông dưới gốc cây xoài để hàng phục lục sư ngoại đạo. Cũng ở địa phương này, Phật độ ông Vô-não, độ người hốt phân. Phật thuyết nhiều bài kinh quan trọng nơi đây. Lại có một sự kiện là thời gian ngài Xá-lợi-phất hướng dẫn xây tinh xá, thì một hôm Ngài thấy đàn kiến bò ngang, liền dùng thiên nhãn xem nói rằng: "Đã thấy đàn kiến này hồi thời Đức Phật Tỳ-bà-thi mà bây giờ chúng nó cũng còn ở đây". Chúng nó sinh đi sinh lại mà đến giờ vẫn còn thì đó là điểm mà chúng ta nghe rồi cảm nghiệm sâu mới thấy giựt mình. Nếu chúng ta không khéo tu hành để rớt vào trong loài vật như vậy, thì không biết làm sao ngóc đầu lên được. Loài kiến nhỏ nhoi nên vô minh cũng quá nặng. Đời này chúng ta có duyên gặp gỡ Phật pháp, chánh pháp và thăm viếng những di tích, đây cũng là đã kết duyên sâu với Tam bảo.

Theo bản đồ hiện nay thì trong khu vườn này có rất nhiều di tích. Tháp ngài A-nan, tháp ngài Xá-lợi-phất, tháp ngài Vô Não, lại có những đường đi kinh hành của Phật.

 Giờ đây nhắc lại bài kinh "NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH" mà Phật đã thuyết tại Tinh xá Kỳ-hoàn này. Nguyên nhân Phật an cư nơi này vào mùa hạ thứ mười bốn, trong Tăng đoàn có thầy Tỳ-kheo Thera ít nói chuyện, thường thích đi một mình, làm việc một mình, không làm phật lòng phật ý ai, cũng không vi phạm giới luật, thầy chỉ thích sống một mình. Một hôm, sau giờ thuyết pháp, Phật gọi thầy lại hỏi: "Thầy là người thích sống một mình, đi đâu hay làm gì cũng không thích chung đụng với người khác có đúng như vậy không?" Thầy thưa: "Bạch Thế Tôn! Đúng như vậy! Con thường nghe Thế Tôn dạy, là người khất sĩ thường phải biết sống một mình, ở nơi thanh vắng". Phật dạy: "Này các thầy, các thầy hãy lắng nghe, Như Lai sẽ giảng cho các thầy hiểu thế nào là người biết sống một mình". Người biết sống một mình là người biết an trú trong chánh niệm. Người đó ý thức được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, trong cơ thể, trong cảm giác trong tư tưởng hay ở trước mặt. Người đó biết nhận thức cuộc sống trong giờ phút hiện tại, không tìm về quá khứ, không tưởng tới tương lai. Vì quá khứ thì không còn mà tương lai thì chưa tới, cuộc sống có mặt ngay trong giờ phút hiện tại". Quí vị thấy, sống một mình là sống như vậy. Nhiều khi tách rời đại chúng ở riêng rẽ một mình trong rừng vắng, hoặc là trong thất vắng nhưng cũng chưa chắc là sống một mình. Hoặc khi sống trong rừng mà vọng tưởng lăng xăng, thì đó cũng là sống với nhiều người, với bạn bè, cũng chưa thật sự sống một mình. Ở đây Phật dạy người biết sống một mình là phải biết an trú trong chánh niệm, trong thực tại. Điều này khế hợp với con đường thiền. Quá khứ qua rồi, tương lai chưa đến, ngay trong hiện tại biết khéo sống, gọi là biết ý thức trong giây phút hiện tại. Quí vị ngồi ở đây có nhận thức được ngay hiện tại không? Được như vậy mới là khéo sống một mình.

"Này các thầy! Thế nào là tìm về quá khứ? Tức là nghĩ rằng quá khứ hình thể của ta từng như thế đó, cảm thọ của ta từng như thế đó, địa vị của ta từng như thế đó, hạnh phúc của ta từng như thế đó, rồi đau khổ của ta từng như thế đó, phát khởi lên những suy tư như thế và tâm bị ràng buộc bởi những vui buồn về quá khứ". Phật dạy tìm về quá khứ là tưởng nhớ cái này, cái kia thuộc quá khứ rồi bỏ quên mất hiện tại. Sống như vậy là sống với cái đã chết.

"Này các thầy! Thế nào là tưởng tới tương lai? Tưởng tới tương lai là nghĩ rằng: Tương lai hình thể của ta từng như thế đó, cảm thọ của ta từng như thế đó, hạnh phúc của ta từng như thế đó, rồi đau khổ của ta từng như thế đó, phát khởi lên những suy tư như thế và tâm bị ràng buộc bởi những lo sợ về tương lai, đó là tưởng đến tương lai". Tương lai thì chưa tới mà nghĩ tới rồi mơ ước, rồi lo sợ. Tức là lo sợ không đạt được, khi được rồi thì sợ sẽ mất, rồi vui buồn, rồi khổ đau theo đó, chính là bỏ mất hiện tại.

"Này các thầy! Sống trong thực tại là sống tỉnh thức trong các niệm, sống trong thực tại không có nghĩa là sống buông lung theo những khoái lạc hoặc sầu khổ trong hiện tại. Bởi vì sống buông lung theo những khoái lạc sầu khổ trong hiện tại cũng là quên thực tại". Sống thực tại là sống ý thức được thực tại của mình sẵn có chớ không phải sống theo sự vui buồn của hiện tại. Vì theo duyên vui buồn là đánh mất thực tại, đánh mất mình.

"Này các thầy! Người biết sống một mình là người biết an trú trong chánh niệm, dù người ấy đang ở giữa đám đông. Người ngồi trong rừng sâu mà không giữ được chánh niệm để cho những con ma quá khứ và tương lai lôi cuốn và ám ảnh thì người ấy vẫn không phải là người biết sống một mình". Dù sống trong rừng sâu, mà vẫn bị những duyên đó lôi cuốn, thì cũng chưa phải là thực sống một mình. Còn giữa đám đông mà biết an trú hiện tại, chính là người biết sống một mình.

Lời Phật dạy là ý thiền. Khéo sống như vậy thì chúng ta sẽ bớt khổ. Những khổ đau của chúng ta thường là do ý niệm, tưởng nhớ về quá khứ rồi nghĩ đến tương lai, chuyện đã qua rồi cho nó qua theo quá khứ luôn thì đâu có buồn khổ. Nên phải tập sống ngay thực tại hiện tiền đây thì sẽ bớt khổ. Phật nói bài kệ tóm tắt ý nghĩa.

                Đừng tìm về quá khứ               Đừng tưởng tới tương lai
                Quá khứ đã không còn             Tương lai thì chưa tới 
                Hãy quán sát sự sống              Trong giờ phút hiện tại 
                Kẻ thức giả an trú                    Vững chãi và thảnh thơi.
               Phải tinh tấn hôm nay               Để ngày mai không kịp
                Cái chết đến bất ngờ                Không thể nào mặc cả.

                                                          (theo Sự Tích Đức Phật Thích Ca)

Khéo ý thức cuộc sống của chúng ta ngay giờ phút hiện tại, những hành động trong cảm thọ, trong cử chỉ, ý thức được như vậy đó là người biết sống với thực tại. Được như vậy là thắp sáng thực tại của chính mình.

"Phải tinh tấn hôm nay, để ngày mai không kịp. Cái chết đến bất ngờ, không thể nào mặc cả". Đây Phật nhắc nhở phải khéo tinh tấn ngay hôm nay, chứ không phải đợi ngày mai mới tinh tấn. Tức là tu không có trả giá. Nhiều khi chúng ta tu mà còn trả giá. Ngay đây ý thức, nhận được là thực hành liền chớ không có trả giá. Người nào biết an trú đêm ngày trong chánh niệm thì Như Lai gọi là người biết sống một mình. Như vậy, người dù ở chợ mà biết sống với thực tại cũng là biết sống một mình. Nếu hiểu, ứng dụng được vào cuộc sống ngay hiện tại thì cũng gọi là sống có chủ.

Ý thức được sự có mặt của ta trong thực tại, trong từng hành động cảm nghĩ hay cảm giác, cho đến những cảm thọ, luôn ý thức được thực tại rõ ràng, tức là chúng ta có mặt ngay lúc đó, ngay lúc thực tại này, là người sống có chủ. Ngược lại đa số chúng ta thường sống mất chủ. Mà sống mất chủ tức là sống nô lệ. Nô lệ cho những tư tưởng, ý niệm rồi những buồn vui giận ghét… Thế nên ngay bây giờ phải tập sống có chủ trở lại.

Chúng ta đang ngồi nơi hương thất của Phật, nhắc lại lời Phật dạy giúp mỗi người càng có ấn tượng mạnh hơn. Mong rằng mỗi vị khéo sống có chủ trở lại và nương nhân duyên này cũng nguyện cho tất cả được luôn tiến tới con đường chánh giác của Phật. Đây là một duyên lành hy hữu, mà trong đoàn chúng ta chắc cũng có gieo trồng nhân duyên gì với nhau nên mới được hội ngộ đầy đủ như vậy. Nguyện cho căn lành của mỗi vị trong đoàn luôn được tăng trưởng tốt đẹp.

Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni

Thầy Trụ trì TVTL
 

[ Quay lại ]