Trung Luận - PHẨM PHÁ ĐI ĐẾN

      Đã đi không có đi,
      Chưa đi cũng không đi.
      Lìa đã đi, chưa đi,
      Đang đi cũng không đi.

Hỏi: - Thế gian mắt thấy ba thời có tạo tác: đã đi, chưa đi, đang đi. Vì có tạo tác nên biết có các pháp!
Đáp: -  Đã đi không có đi,
           Chưa đi cũng không đi.
           Lìa đã đi, chưa đi,
           Đang đi cũng không đi.

Đã đi không có đi, vì đã đi rồi. Nếu lìa cái đi có hành động đi (khứ nghiệp), việc đó chẳng đúng. Chưa đi cũng không đi, vì chưa có cái đi. Đang đi gọi là nửa đi, nửa chưa đi, vì chẳng lìa đã đi và chưa đi.

Hỏi: -  Chỗ động ắt có đi,
          Trong đây có đang đi.
          Chẳng phải đã, chưa đi,
          Thế nên đang đi đi.

Tùy chỗ có hành động tạo tác, (tác nghiệp) trong đây nên đi. Mắt thấy trong đang đi có hành động tạo tác; trong đã đi thì hành động tạo tác đã diệt; trong chưa đi thì chưa có hành động tạo tác; thế nên phải biết đang đi có đi.

Đáp: - Làm sao đối đang đi,
         
Mà sẽ có cái đi,
          Nếu tách lìa cái đi,
          Đang đi chẳng thể được.

Đang đi có đi, việc đó chẳng đúng. Tại sao? Vì lìa cái đi, đang đi chẳng thể được. Nếu lìa cái đi có đang đi, lý đáng trong đang đi có đi, như trong dĩa có trái cây.

   Lại nữa,

             Nếu nói đang đi đi,
             Người ấy ắt có lỗi:
             Lìa đi có đang đi,
             Vì đang đi riêng đi.

Nếu bảo trong đã đi, chưa đi không có đi, đang đi thật có đi; người ấy ắt có lỗi. Nếu lìa cái đi có đang đi, ắt chẳng làm nhân đối đải nhau. Tại sao? Nếu nói đang đi có đi, đây ắt thành hai, mà thật chẳng phải thế nên chẳng được nói lìa đi có đang đi.

   Lại nữa,

             Nếu đang đi có đi,
             Ắt có hai thứ đi:
             Một gọi là đang đi,
             Hai là đang đi đi.

Nếu bảo đang đi có đi, điều đó ắt có lỗi: Nghĩa là có hai cái đi. Một là nhân đi có đang đi. Hai là trong đang đi có đi.

Hỏi: - Nếu có hai cái đi thì có lỗi gì?

Đáp: -  Nếu có hai cái đi,
           Ắt có hai người đi.
           Do lìa nơi người đi,
           Cái đi chẳng thể được.

Nếu có hai cái đi ắt có hai người đi. Tại sao? Vì nhân cái đi có người đi. Một người mà có hai cái đi, hai người đi, điều ắt chẳng đúng. Thế nên đang đi cũng không có đi.

Hỏi: - Lìa người đi không cái đi có thể chấp nhận, nhưng nay trong ba thời quyết định có người đi.
Đáp: Nếu tách lìa người đi,
           Cái đi chẳng thể được.
           Do vì không cái đi,
           Đâu được có người đi.

Nếu lìa người đi, không thể có cái đi. Nay làm sao ở trong không cái đi, nói ba thời quyết định có người đi.
   Lại nữa,
              Người đi ắt chẳng đi,
              Người chẳng đi chẳng đi.
              Lìa người đi, chẳng đi,
              Không người thứ ba đi.

Không có người đi. Tại sao? Nếu có người đi ắt có hai trường hợp: hoặc người đi, hoặc người chẳng đi; lìa hai người này không có ngưới thứ ba.

Hỏi: - Nếu người đi đi, có lỗi gì?
Đáp: -  Nếu nói người đi đi,
           Làm sao có nghĩa này?
           Nếu tách lìa cái đi,
           Người đi chẳng thể được.

Nếu bảo quyết định có người đi dùng cái đi, điều đó chẳng đúng. Tại sao? Vì lìa cái đi, người đi chẳng thể được (không thể có). Nếu lìa người đi quyết định có cái đi ắt người đi hay dùng cái đi mà thật chẳng phải vậy.

     Lại nữa,

               Nếu người đi có đi,
               Ắt có hai thứ đi:
               Một là người đi đi,
               Hai là cái đi đi.

Nếu nói người đi dùng cái đi ắt có hai lỗi: ở trong một người đi mà có hai cái đi. Một do cái đi làm thành người đi. Hai do người đi làm thành cái đi. Người đi thành rồi, sau đó dùng cái đi. Điều đó chẳng đúng. Thế nên trước nói trong ba thời quyết định có người đi dùng cái đi, điều đó chẳng đúng.

     Lại nữa,

              Nếu bảo người đi đi,
              Người ấy ắt có lỗi:
              Lìa đi có người đi,
              Nói người đi có đi.

Nếu người nói người đi hay dùng cái đi, người ấy ắt có lỗi: lìa cái đi có người đi. Tại sao? Nói người đi dùng cái đi, đó là trước có người đi, sau có cái đi. Điều đó chẳng phải.

Lại nữa, nếu quyết định có đi, có người đi, lý đáng có mới cất bước; song đối vớ ba thời tìm cái cất bước chẳng thể được. Tại sao?

             Trong đã đi không cất (bước)
             Trong chưa đi không cất.
             Trong đang đi không cất,
             Cất bước ở chỗ nào?
             Cớ sao trong ba thời không có cất bước?
             Chưa cất (bước) không đang đi,
             Cũng không có đã đi,
             Hai chỗ ấy nên có (cất bước)
             Chưa đi đâu có cất?
           - Không đi, không chưa đi,
             Cũng lại không đang đi
             Tất cả không có cất,
             Cớ sao mà phân biệt?

Nếu người chưa cất bước ắt không có đang đi, cũng không có đã đi. Nếu có cất bước, sẽ ở trong hai chỗ: trong đang đi và đã đi. Cả hai đều chẳng đúng. Còn khi chưa đi, vì chưa có cất bước nên trong chưa đi, đâu có cất bước. Vì không có cất bước nên không có đi. Vì không có đi nên không người đi, đâu được có đã đi, chưa đi, đang đi.

Hỏi: - Nếu không có đi, không người đi, lý đáng có đứng, người đứng?
Đáp: -   Người đi ắt chẳng đứng,
            Người chẳng đi chẳng đứng.
            Lìa người đi chẳng đi,
            Đâu có thứ ba đứng.

Nếu có đứng, có người đứng, lý đáng là người đi đứng, hoặc người chẳng đi đứng. Nếu lìa hai trường hợp này sẽ có người thứ ba đứng, thảy đều chẳng đúng.

Người đi chẳng đứng, vì cứ đi chưa dừng. Trái với đi mới gọi là đứng.

Người chẳng đi cũng chẳng đứng. Tại sao? Vì nhân cái đi diệt nên có đứng; không có đi ắt không có đứng.

Lìa người đi và người chẳng đi, trọn không có người thứ ba đứng. Nếu có người thứ ba đứng tức ở trong người đi và người chẳng đi. Do đó nên chẳng được nói người đi đứng.

     Lại nữa,
               Người đi nếu sẽ đứng,
               Làm sao có nghĩa này?
               Nếu sẽ lìa cái đi,
               Người đi chẳng thể được.

Ông bảo người đi đứng, điều đó chẳng đúng. Lìa cái đi, người đi chẳng thể được. Nếu người đi đang ở tướng đi, làm sao sẽ có tướng đứng? Vì đi và đứng trái nhau.

    Lại nữa,
           Đi, chưa đi không đứng, 
           Đang đi cũng không đứng.
           Chỗ có pháp hành chỉ,
           Đều đồng với nghĩa này.

Nếu bảo người đi có đứng, người ấy lý đáng ở trong đang đi đã đi và chưa đi dứng. Ba chỗ đều không có đứng; thế nên ông nói người đi có đứng, điều đó ắt chẳng đúng.

Như phá pháp đi, đứng, hành chỉ cũng như thế. Hành như từ hạt lúa tiếp nối đến mầm, cọng, lá … Chỉ, là vì hạt lúa diệt nên mầm, cọng, lá… diệt. Vì tiếp nối nên gọi là hành; vì đoạn dứt nên gọi là chỉ.

Lại như vô minh duyên các hành cho đến già, chết, đó gọi là hành. Vì vô minh diệt nên các hành … diệt, đó gọi là chỉ.

Hỏi: - Dù ông đủ thứ trường hợp phá đi và người đi, đứng và người đứng, nhưng mắt thấy có đi, đứng.
Đáp: - Chỗ mắt thịt thấy chẳng đáng tin. Nếu thật có đi và người đi là do một pháp thành? là do hai pháp thành? Cả hai đều có lỗi. Tại sao?

           Cái đi tức người đi,
           Điều đó ắt chẳng đúng.
           Cái đi khác người đi,
           Điều đó cũng chẳng đúng.

Nếu cái đi, người đi là một, điều đó ắt chẳng đúng; là khác cũng chẳng đúng.
Hỏi: - Một và khác có lỗi gì?
Đáp: -  Nếu bảo rằng cái đi,
           Tức đó là người đi.
           Tác giả và tác nghiệp,
           Điều đó ắt là một.
         - Nếu bảo rằng cái đi,
           Có khác với người đi.
           Lìa người đi có đi.
           Lìa đi có người đi.

Như thế cả hai điều có lỗi. Tại sao? Nếu cái đi tức người đi, điều đó ắt lầm lộn, phá về nhân duyên: Nhân đi có người đi, nhân người đi có đi.

Lại, đi gọi pháp, người đi là người; người thì thường, pháp thì vô thường. Nếu là một, ắt cả hai đều nên thường, hoặc cả hai đều nên vô thường. Trong nghĩa một có những lỗi như thế. Nếu là khác, ắt trái nhau, chưa có cái đi lý đáng có người đi, chưa có người đi lý đáng có cái đi, chẳng làm nhân đối đải nhau, một pháp diệt lý đáng một pháp còn. Trong khác, có những lỗi như thế.

    Lại nữa,
            Đi, người đi có hai.
            Nếu pháp một khác thành.
            Hai môn đều chẳng thành.
            Làm sao sẽ có thành?

Nếu người đi, cái đi là có, lý đáng do pháp một thành hay do pháp khác thành? Cả hai đều chẳng thể được. Trước đã nói không pháp thứ ba thành. Nếu bảo có thành, lý đáng nói về nhân duyên không đi, không người đi.

    Nay sẽ nói thêm:

              Nhân đi biết người đi,
              Chẳng thể dùng đi ấy.
              Vì trước không có đi,
              Nên không người đi đi.

Tùy do cái đi nào biết người đi, người đi ấy chẳng thể dùng cái đi ấy. Tại sao? Khi cái đi ấy chưa có thì không có người đi, cũng không có đang đi, đã đi, chưa đi. Như trước có người, có thành ấp mới có chỗ đi đến. Cái đi và người đi ắt chẳng vậy. Người đi nhân cái đi mà thành, cái đi nhân người đi mà thành.

       Lại nữa,
              Nhân đi biết người đi,
              Chẳng thể dùng (cái) đi khác.
              Vì trong một người đi,
              Chẳng được hai cái đi.

Tùy do cái đi nào biết người đi, người đi ấy chẳng thể dùng cái đi khác. Tại sao? Vì trong một người đi chẳng thể có hai cái đi.

      Lại nữa,
             Quyết định có người đi,
             Chẳng thể dùng ba (cái) đi.
             Chẳng quyết định người đi,
            Cũng chẳng dùng ba (cái) đi.
          - Cái đi định, chẳng định,
            Người đi chẳng dùng ba.
            Thế nên đi, người đi,
            Và chỗ đi đều không.

Quyết định, nghĩa là thật có, chẳng nhân cái đi sanh.

               Cái đi, nghĩa là thân cử động.
               Ba, nghĩa là chưa đi, đã đi, đang đi.

Nếu quyết định có người đi, thì lìa cái đi lý đáng có đi, chẳng nên có đứng. Thế nên nói quyết định có người đi, chẳng thể dùng ba cái đi.

Nếu người đi chẳng quyết định, chẳng quyết định nghĩa là vốn thật không có, vì nhân cái đi được gọi là người đi. Do vì không cái đi nên chẳng thể dùng ba thứ đi. Vì nhân cái đi nên có người đi, nếu trước không có cái đi ắt không người đi, làm sao nói chẳng quyết định người đi dùng ba cái đi?

Như người đi, cái đi cũng như thế. Nếu trước lìa người đi, quyết định có đi, ắt chẳng nhân người đi có cái đi. Thế nên người đi chẳng thể dùng ba cái đi. Nếu quyết định không cái đi, người đi dùng cái gì?

Như thế suy nghĩ, quán xét cái đi, người đi, chỗ đi, phép đó đều là nhân đối đải nhau: nhân cái đi có người đi, nhân người đi có cái đi, nhân hai pháp ấy ắt có chỗ đi, chẳng được nói quyết định có, chẳng được nói quyết định không. Thế nên quyết định biết ba pháp là hư vọng, rỗng không, không có gì, chỉ có giả danh, như huyễn như hóa.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]