HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Thần Hội

tsthanhoi6. Thiền sư Thần Hội -  (Hà Trạch)
(668 - 760)

Sư họ Cao, quê ở Tương Dương. Lúc nhỏ theo thầy học Nho, Sư thông suốt Ngũ kinh, hiểu rành Lão Trang, sau nghiên cứu Phật pháp. Sư theo Pháp sư Hạo Nguyên ở chùa Quốc Xướng tại phủ nhà xuất gia, học thông Kinh Luật.

Thời phong kiến, một người học thông Tứ thư Ngũ kinh phải mất một thời gian đáng kể trong đời. Ngài Thần Hội đến học đạo với Lục Tổ lúc mới 14 tuổi mà đã thông suốt Ngũ kinh, hiểu rành Lão Trang; đối với Phật pháp cũng am tường Kinh Luật. Như vậy việc học hành nghiên cứu của Ngài đã bắt đầu từ những năm tuổi còn rất nhỏ và có lẽ còn do túc duyên từ nhiều đời trước.

 Năm 14 tuổi là Sa-di ở chùa Ngọc Tuyền, Sư tìm đến yết kiến Lục tổ Huệ Năng.

Tổ hỏi:

- Tri thức từ phương xa nhọc nhằn tìm đến, có đem được gốc (bản) theo chăng? Nếu có gốc phải biết chủ, thử nói xem?

Sư thưa:

- Lấy không trụ làm gốc, thấy tức là chủ.

Tổ bảo:

- Sa-di đâu nên dùng lời đó.

Sư thưa:

- Hòa thượng ngồi thiền là thấy hay chẳng thấy?

Tổ cầm gậy đánh Sư ba gậy, hỏi:

- Ta đánh ngươi đau hay chẳng đau?

- Cũng đau cũng chẳng đau.

- Ta cũng thấy cũng chẳng thấy.

- Thế nào là cũng thấy cũng chẳng thấy?

- Chỗ ta thấy là thường thấy lỗi lầm nơi tâm mình, không thấy việc phải quấy của người khác. Ấy là cũng thấy cũng chẳng thấy. Ngươi nói cũng đau cũng chẳng đau là sao? Nếu ngươi chẳng đau thì đồng cây cỏ, nếu ngươi đau thì đồng với phàm phu, ắt khởi tâm giận hờn. Trước ngươi nói thấy chẳng thấy là hai bên, đau chẳng đau là sanh diệt. Ngươi không thấy tự tánh mà dám cợt với người.

Sư lễ bái sám hối.

Tổ thấy một sa-di 14 tuổi đi hỏi đạo bèn gọi là tri thức. Tri thức từ phương xa nhọc nhằn tìm đến, có đem được gốc (bản) theo chăng? Nếu có gốc phải biết chủ, thử nói xem? Sư liền xuất chiêu: Lấy không trụ làm gốc, thấy tức là chủ. Không trụ tức tâm rỗng rang sáng suốt, cái thấy cái biết tức là chủ. Tổ quở: Sa-di đâu nên dùng lời đó. Ông sa-di nhỏ này nói hơi to rồi đó.

Sư lại hỏi: Hòa thượng ngồi thiền là thấy hay chẳng thấy? Ngài đưa ra tất cả sự hiểu biết của mình, đây là cái không kinh nghiệm của người nhỏ tuổi. Tổ cầm gậy đánh Sư ba gậy hỏi đau hay chẳng đau, sau đó chỉ ra chỗ vướng mắc của Ngài: Nếu ngươi chẳng đau thì đồng cây cỏ, nếu ngươi đau thì đồng với phàm phu, ắt khởi tâm giận hờn. Trước ngươi nói thấy chẳng thấy là hai bên, đau chẳng đau là sanh diệt.

Qua đối đáp trên, ngài Thần Hội quả là người có kiến thức và dám trình bày những điều mình hiểu biết. Tuy bị quở trách: Ngươi không thấy tự tánh mà dám cợt với người nhưng được thầy từ bi chỉ dạy: Chỗ ta thấy là thường thấy lỗi lầm nơi tâm mình, không thấy việc phải quấy của người khác. Ấy là cũng thấy cũng chẳng thấy. Chúng ta nên cẩn thận, dè dặt từng bước nghe, nhận, thấy rõ ràng rồi mới phát biểu nếu không dễ bị hớ, bị lầm.

Tổ bảo:

- Nếu ngươi tâm mê không thấy nên hỏi thiện tri thức chỉ đường. Nếu ngươi tâm ngộ liền tự thấy tánh, y pháp tu hành. Ngươi đã mê không thấy tâm mình, trở lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy. Ta thấy thì ta tự biết, đâu thế cái mê cho ngươi được. Nếu ngươi tự thấy cũng không thế được cái mê cho ta. Tại sao không tự biết tự thấy, lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy?

Sư lễ bái hơn trăm lạy cầu xin sám hối.

Từ đây, Sư ở lại hầu hạ Tổ không lúc nào rời.

Tổ chỉ cho ngài Thần Hội và cho chúng ta nữa, nếu chưa sáng được việc thì phải nhờ thiện tri thức chỉ đường. Nếu đã giác ngộ rồi thì đó là cái ngộ của mình, không thể thay được cái mê của người khác. Cứ y theo chỗ nhận đó mà tu cho rốt ráo.

Người học đạo phải biết rằng thiện tri thức là người chỉ đường cho mình đi, chỉ việc cho mình làm, chỉ đạo cho mình tu; không thể hành đạo hay giác ngộ thay mình. Chúng ta phải tự nhận ra yếu chỉ rồi tự hành trì, tự đạt đạo. Nếu nhận được điều này thì các hình thức cầu cúng, mê tín dị đoan sẽ không còn. Người học đạo có những hình thức lạ kỳ vì chưa thấy tánh cũng chưa rõ phương pháp tu hành nên còn lăng xăng ở bên ngoài.

Cho nên người học đạo phải kiến tánh. Hòa thượng Trúc Lâm dạy chúng ta muốn vào cửa Không, phải sống được với cái bất sanh bất diệt là chân tâm vô niệm. Chư tổ thời nào cũng dạy chúng ta phải xoay lại nhận lấy cái của mình, nhất định sẽ được an lạc, giải thoát.

Tổ nói: Ta thấy thì ta tự biết, đâu thế cái mê cho ngươi được. Ngài Thần Hội biết lỗi lễ bái hơn trăm lạy xin sám hối. Lỗi của Ngài là người thông minh học rộng, nói đạo lý giỏi nhưng làm chưa tới nơi. Đây là bài học cho chúng ta khi mình nói nhiều mà làm chưa được, gọi là nói suông. Vậy phải làm sao? Không nói cũng không được vì ai biết đâu mà làm. Hòa thượng Trúc Lâm dạy, dù chúng ta chưa là người giác ngộ triệt để nhưng đã biết phương hướng tu nên phát tâm vì người sau mà chỉ vẽ cho họ đừng đi lầm. Thí dụ mình biết ở ngã ba đường đó, về miền Đông theo hướng nào, miền Tây theo hướng nào. Lỡ có người muốn về miền Tây lại đón xe đi miền Đông thì thật là tội nghiệp. Trong túi chỉ có 10 đồng mà đi lạc hết 20 đồng thì trở về thật là khó.

Chẳng những đi lầm mà làm bất cứ điều gì lầm cũng đều tội nghiệp. Bởi vậy nên các bậc thầy của chúng ta phải cất chùa, lập quy chế để hướng dẫn huynh đệ. Các ngài dạy mình muốn tu thành Phật thì trước hết phải tưới cây, quét sân, nấu cơm, ngồi thiền… Con đường này quý thầy đã trải nghiệm qua nên bây giờ đủ tư cách chỉ dẫn người sau. Hiểu vậy để làm gì? Để tâm bình thường, tự tại trong cuộc sống hằng ngày, không khởi thắc mắc tại sao con đến đây tu mà cứ bắt con làm hoài. Vì nhiều đời mình lười nhác không chịu tu, không chịu làm nên bây giờ phải làm lại. Chúng ta vui với hiện tại, dù trời mưa ầm ầm mà sư phụ biểu xách nước đi tưới tùng mình cũng vâng lời, không khởi thắc mắc gì. Chừng nào cuộc sống được như vậy thì Niết-bàn ở ngay đây.

Một hôm Tổ bảo đại chúng:

- Ta có một vật không đầu không đuôi, không tên không họ, không lưng không mặt, các ngươi biết chăng?

Sư bước ra thưa:

- Ấy là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.

Tổ bảo:

- Đã nói với các ngươi là không tên không họ, ngươi lại kêu là bản nguyên, Phật tánh. Ngươi lại đi lấy tranh che đầu, cũng chỉ thành tông đồ của hàng tri giải.

Sư lễ bái lui ra.

Có sáu điều nghi trong tạng Kinh, Sư đem ra hỏi Lục Tổ:

- Giới định tuệ dùng như thế nào? Giới vật gì? Định từ chỗ nào tu? Tuệ nhân chỗ nào khởi? Chỗ thấy của con chưa thông suốt.

Tổ đáp:

- Định là định tâm kia, đem giới để giới hạnh kia, trong tánh thường có tuệ chiếu, tự thấy tự biết sâu.

Tổ lại rầy ông cũng chỉ là người giỏi nói, giỏi lý luận mà thôi. Ngài cũng biết mình chưa thông suốt nên đem các điều nghi cầu Tổ chỉ dạy. Tuy nhiên qua các điều nghi này chúng ta thấy Ngài không phải là người tầm thường. Ngài hỏi: Giới định tuệ dùng như thế nào? Giới vật gì? Định từ chỗ nào tu? Tuệ nhân chỗ nào khởi? Tổ đáp định cái tâm chưa định, giới cái hạnh chưa giới và bản tánh của mình đầy đủ trí tuệ nên tự thấy tự biết tất cả.

Quý vị bây giờ là sa-di còn rất nhiều giới điều phải học, nhiều tầng cấp phải trải qua nhưng nếu sáng suốt nhận ra được bản tánh của mình thì trí tuệ sẽ luôn hiện hữu. Chúng ta chưa nhận ra được nên cũng giống như ngài Thần Hội bị Tổ quở là học nhiều, hiểu nhiều mà lại vướng kẹt bởi những tri giải. Chúng ta chưa có hạnh đức đầy đủ lưu xuất từ chân tánh nên phải giữ giới để thành tựu hạnh đức đó. Giữ giới thì có định, có định thì trí tuệ hiện tiền, cách tu hành là vậy. Không thể nói rằng tôi chỉ muốn kiến tánh mà không giữ giới. Tất cả các tông phái Phật giáo đều phải thọ giới và hành trì giới luật để dẹp bỏ những lăng xăng, vướng mắc trong tâm tưởng. Đó là phương tiện thiết yếu để phát huy trí tuệ.

Hòa thượng Trúc Lâm dạy Thiền Giáo đồng hành. Chúng ta tu thiền và lấy lời Phật, tổ dạy làm căn bản. Thí dụ thời khóa biểu một ngày của thiền viện là sáng làm công tác, chiều học pháp, tối tụng kinh sám hối, đầu hôm cuối hôm tĩnh tọa. Có khi công việc tất bật, thời gian đuổi nhau làm mình thấy mệt mỏi. Để làm gì? Chẳng làm gì hết, nếu mệt cứ nghỉ đi, khỏe thì làm. Mà có làm gì đâu. Các pháp không thật, thời giảng nào Hòa thượng cũng nhắc nhở chúng ta như vậy.

Cho nên phải tìm thấy niềm vui trong cuộc sống này. Đó là sức sống của thiền tăng. Vui vì mình sống, mình làm mà không bị vướng bị kẹt bởi những phương tiện. Điều này không dễ, phải thật cẩn thận. Thông minh như tiểu sư Thần Hội dù được theo thầy học đạo một thời gian mà vẫn còn vướng mắc bởi những kiến giải, lý luận. Chúng ta bị vướng bởi những tư tưởng, quan niệm nên muốn hạnh phúc phải trừ bỏ chúng. Phật dạy hết duyên thì buông. Phong thái của thiền sư vì thế rất tích cực, không có xìu xìu ểnh ểnh. Hòa thượng dạy phải sấn bước, phải liều mạng, cạp đất mà ăn. Cho nên thời trước tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng các thiền tăng Thường Chiếu luôn cất cao giọng: “Một ngày không làm là một ngày không ăn”.

- Xưa không nay có, có vật gì? Xưa có nay không, không vật gì? Tụng kinh chẳng thấy nghĩa có không, thật giống người cỡi lừa lại tìm lừa.

- Niệm trước nghiệp ác xưa không, niệm sau thiện sanh nay có, niệm niệm thường làm hạnh lành, đời sau sanh người trời chẳng khó. Chính ngươi nay nghe ta nói, ta tức xưa không nay có.

Khi chưa khởi niệm thì có gì đâu. Khi niệm khởi lên thì thiện ác, có không bày hiện. Thí dụ có người chợt nghĩ ở đây nóng quá, muốn đi Đà Lạt cho mát. Người đó phải mất sáu giờ đồng hồ ngồi xe mệt mỏi bực bội gấp mấy lần cái khó chịu ở đây. Sao không cứ ngồi bình yên giữa cái nóng này, nắng mưa là việc của trời đất, muốn mát thì quạt. Lòng mình khỏe thì nóng lạnh gì cũng khỏe.

Một điều nữa là phải nhớ đến nhân quả. Tổ dạy nếu lúc nào cũng dấy niệm lành thì đời sau sanh trời người không khó. Ngược lại lúc nào cũng dấy niệm không lành thì ba đường dữ không tránh khỏi. Mình không tạo phúc nhân của những người sanh ra ở miền ôn đới nên phải chấp nhận khí hậu nhiệt đới. Mọi thứ rồi cũng trôi qua, đời mình cũng qua nhanh. Mình đã gieo nhân gì thì an lòng mà nhận lấy quả đó. Trong kinh có câu: “Thiên đường hữu lộ vô nhân đáo. Địa ngục vô môn hữu khách tầm”. Chúng ta phải tự nhắc nhở mình để không làm người khách đi vào con đường không có lối thoát.

- Đem sanh diệt dẹp diệt, đem diệt diệt dẹp sanh, không rõ nghĩa sanh diệt, chỗ thấy in mù điếc.

- Đem sanh diệt dẹp diệt, khiến người không chấp tánh. Đem diệt diệt dẹp sanh, khiến người tâm lìa cảnh. Nếu lìa được hai bên, tự trừ bệnh sanh diệt.

Nói cách khác là lấy cái này để diệt cái kia, cái này không có thì cái kia cũng không. Trong sự tương đối có không này không để vướng mắc. Biết cõi này là cõi tạm, thân này là thân giả, hết duyên thì đi. Có người đến lúc cần đi lại không đi vì bị lôi kéo bởi cái này cái kia, vướng víu hoặc lên hoặc xuống chứ không trót lọt. Chỉ người tự tại mới đi trót lọt, an ổn giải thoát. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật ví dụ về một khúc gỗ trôi trên dòng nước. Nếu nó không bị kẹt ở hai bên bờ, không bị hư hoại giữa chừng thì sẽ tự do thong dong giữa đại dương mênh mông. Đừng để cuộc đời chúng ta giữa chừng lạc lối.

- Trước đốn mà sau tiệm, trước tiệm mà sau đốn, người không ngộ đốn tiệm, trong tâm thường mê muội.

- Nghe pháp trong đốn mà tiệm, ngộ pháp trong tiệm mà đốn, tu hành trong đốn mà tiệm, chứng quả trong tiệm mà đốn. Đốn tiệm là nhân thường, trong ngộ không mê muội.

Hiểu thì đốn mà tu tập cho được điều mình hiểu thì phải từ từ. Việc này đòi hỏi thời gian. Có một vị thầy hỏi đệ tử mỗi sáng thức dậy xỏ chân vào dép nào trước. Việc tưởng đơn giản nhưng nếu không tỉnh thì không làm được. Chúng ta thường làm việc theo thói quen và chịu ảnh hưởng bởi những người chung quanh mà không biết rõ mình đang làm gì. Hồi còn để chỏm, anh em chúng tôi được Thầy dạy: “Khi ăn, tụi con đừng có ồn, kéo cái ghế cho nhẹ, lấy chén cầm đũa cho nhe.ï” Vậy mà làm cũng không được nên cứ bị rầy hoài. Những ương dở đó tồn đọng trên con đường tu hành đã qua nên bây giờ phải làm lại.

Do vậy, chúng ta phải cố gắng sửa đổi và tri ân những người đã nhắc nhở, chỉ lỗi cho mình. Ngài Thần Hội thông minh, bản lĩnh như vậy nhưng nghe thầy quở sai liền thành khẩn lễ bái sám hối. Hòa thượng Trúc Lâm cũng nói người biết nhận lỗi, sửa lỗi là người tốt. Làm được điều này cuộc sống chúng ta sẽ nhẹ nhàng lắm. Cũng như Tổ nói khi đã ngộ rồi thì trong tâm không mê muội.

- Trước định sau tuệ, trước tuệ sau định, định tuệ cái nào sanh trước cái nào sanh sau là đúng?

- Thường sanh tâm thanh tịnh, trong định mà có tuệ; ở trên cảnh mà không tâm, trong tuệ mà có định; định tuệ đồng không trước sau, tu cả hai tự tâm chánh.

Tổ dạy định tuệ đồng đẳng. Khi một niệm khởi lên mà không chạy theo thì nó không đủ sức kéo lôi mình. Làm chủ được các dấy niệm như vậy tức là trong định thường có tuệ, trí tuệ Bát-nhã. Nói cách khác, cái biết thấy, biết nghe, biết niệm là chân tâm.

- Trước Phật sau pháp, trước pháp sau Phật, nguồn gốc Phật pháp từ đâu khởi?

- Nói, tức trước Phật sau pháp, nghe tức trước pháp sau Phật. Nếu luận nguồn gốc Phật pháp, xuất phát trong tâm tất cả chúng sanh.

Lục Tổ biết sắp đến ngày quy tịch nên họp chúng lại bảo:

- Ta đến tháng 8 sắp lìa thế gian, các ngươi có nghi phải ra hỏi sớm, ta sẽ vì các ngươi giải nghi, khiến các ngươi hết mê lầm, sau khi ta đi rồi không có người dạy các ngươi.

Toàn hội chúng đều khóc dầm dề, chỉ có Sư thần tình chẳng động, cũng không ứa nước mắt. Tổ bảo:

- Thần Hội tiểu sư lại được thiện ác, khen chê, vui buồn... đều chẳng động, các ngươi chẳng bằng.

Sau Sư đi đến Tây Kinh thọ giới Cụ túc.

Niên hiệu Khai Nguyên năm thứ 8 (720 TL), vua Đường Huyền Tông thỉnh Sư về chùa Long Hưng tại Nam Dương, lại đến Lạc Dương. Ở đây, Sư đã thắp sáng ngọn đuốc thiền tông đốn ngộ của Lục Tổ. Trước kia, hai kinh đô này chỉ dùng pháp thiền tiệm tu của ngài Thần Tú, đến nay mới nhận rõ đốn tiệm hai tông. Vì thế, phái thiền Thần Tú trước thịnh, từ đây suy dần dần.

Khoảng niên hiệu Thiên Bảo (742 - 756 TL), Ngự sử Lư Dịch a tòng cùng môn đồ Thần Tú tâu dối với vua rằng: “Sư nhóm họp đồ chúng manh tâm làm phản.” Vua Huyền Tông mời Sư về kinh đô để tham vấn. Ra mắt vua, Sư giải bày hợp lý, vua rất hài lòng. Vua mời Sư dời về ở Quân Bộ. Sau vua ra sắc lệnh đày Sư đến ở viện Bát-nhã chùa Khai Nguyên tại Kinh Châu.

Sau vua Túc Tông xuống chiếu thỉnh Sư vào cung cúng dường và lập ngôi chùa Hà Trạch thỉnh Sư trụ trì ở đó. Nơi đây, Sư hiển phát tông phong của Lục Tổ, đồ chúng tham học rất đông.

Ngài Thần Hội được vua mời về kinh trong khi ngài Thần Tú đang làm Quốc sư. Pháp của Ngài được vua trọng vọng. Có lẽ chính vì sự năng động, trí tuệ bén nhạy mà Ngài gặp nạn bị đày về Kinh Châu. Đến đời vua sau mới thỉnh sư trở về cất ngôi chùa Hà Trạch. Bấy giờ Sư bắt đầu phát huy tông phong của Lục Tổ.

Sư dạy chúng:

- Phàm người học đạo phải đạt tột nguồn gốc của mình; hàng Tứ quả Tam hiền đều gọi là điều phục; Bích-chi, La-hán chưa dứt hoài nghi; Đẳng giác, Diệu giác liễu đạt tường tận. Giác có cạn sâu, giáo có đốn tiệm. Tiệm giáo trải kiếp a-tăng-kỳ vẫn còn luân hồi; đốn giáo chỉ khoảng co duỗi cánh tay liền lên Diệu giác. Nếu trước không giống đạo, luống học biết nhiều. Tất cả tại tâm, tà chánh do mình. Không nghĩ một vật tức là tâm mình, không phải chỗ biết của trí. Không có hạnh nào riêng để ngộ vào đây. Pháp tam-ma-đề chân thật không có đi đến, dứt mé trước sau. Nếu biết vô niệm là tối thượng thừa, rộng suốt trời xanh chóng mở kho báu. Tâm chẳng phải sanh diệt, tánh bặt đổi dời. Tự tịnh thì niệm cảnh không sanh, vô tác thì vin theo tự dứt.

Ngày xưa, ta đẩy chiếc xe bất thối, nay được định tuệ song tu, như bàn tay với cánh tay. Thấy thể vô niệm chẳng theo vật mà sanh, thường liễu ngộ Như Lai thì còn chỗ nào mà khởi. Nay huyễn chất này nguyên là thường chân, tự tánh như không, xưa nay không tướng. Đã đạt lý này thì còn gì sợ, gì buồn. Trời đất không thể đổi thể kia. Tâm về pháp giới, vạn tượng nhất như. Xa lìa suy tính, trí đồng pháp tánh. Ngàn Kinh muôn Luận chỉ nói rõ tâm. Đã chẳng lập tâm tức thể hội chân lý, hoàn toàn không sở đắc. Bảo các học chúng không tìm cầu bên ngoài, nếu là tối thượng thừa cần phải vô tác. Trân trọng!

Bài pháp này chúng ta đã được nghe lặp đi lặp lại rất nhiều lần bởi chư vị thiền sư. Các pháp đều từ tâm sanh, tà chánh do mình. Không nghĩ một vật là cách chỉ thẳng tâm của Lục Tổ trong bài kệ đầu tiên “bản lai vô nhất vật”, không phải chỗ biết của trí tuệ thế gian. Không có hạnh nào riêng để ngộ vào đây, tức tu là phải kiến tánh, một niệm nhảy thẳng vào đất Như Lai; không phải như kiểu nói của ngài Thần Tú “thời thời cần phất thức”. Cuối cùng Ngài dạy rằng tâm thanh tịnh thì đối cảnh không sanh niệm, dứt sạch những tìm cầu bên ngoài, tức không tạo tác mới thành tựu đạo vô thượng.

Có người hỏi Sư:

- Vô niệm thì pháp có, không chăng?

Sư đáp:

- Chẳng nói có không.

- Khi ấy thế nào?

- Cũng không khi ấy. Ví như gương sáng nếu không đối hình tượng trọn không thấy hình tượng, nếu thấy không vật mới là thấy gương thật.

Khi cuộc sống có những lúc mệt mỏi chúng ta thường hỏi: Tại sao lại như vậy? Nếu vô niệm thì không có gì để khởi, không có tại sao, mệt thì đi nghỉ. Nếu thấy chưa chán vọng tưởng điên đảo, luân hồi sanh tử thì cứ theo nó. Bằng như chán rồi phải ráng tu thôi. Bao giờ biết sợ, biết chán mới yên lòng đi trên con đường thánh đạo. Ngài ví chân tâm vô niệm như gương sáng, có vật thì soi rõ vật, không vật thì thấy không vật.

Đời Đường niên hiệu Thượng Nguyên năm đầu (760 TL) tháng 5 đêm 12, Sư từ biệt đại chúng, đến nửa đêm thị tịch, thọ 93 tuổi.

Vua sắc ban hiệu là Chơn Tông đại sư, tháp hiệu Bát-nhã. Sư có trước tác tập Hiển Tông Ký, hiện giờ còn lưu hành.

Điều đặc biệt ở tiểu sư Thần Hội là trí tuệ sắc bén và tinh thần lạc quan, tích cực. Ngay từ tuổi còn rất nhỏ, Ngài đã tìm đến với nhiều vị thầy để học đạo. Khi đến với Tổ sư, Ngài dám thẳng thắn trình bày những điều đã học, đã biết. Được chỉ lỗi Ngài lập tức sám hối sửa sai, không phải ai cũng làm được. Có người thành công đến chín mươi mấy phần trăm mà còn một chút này không qua được nên những nỗ lực trước đó đành đổ sông đổ biển.

Hòa thượng Trúc Lâm nói người biết lỗi, sửa lỗi là người tốt. Cho nên những người đang hành trì pháp để dẹp bỏ những tăm tối lâu nay là người tốt. Người tốt như vậy ở chung quanh chúng ta rất nhiều. Sự có mặt ấy mang đến niềm vui, giúp chúng ta lướt qua những khó nhọc của cuộc sống.

Vì thế, pháp đốn giáo của ngài Thần Hội được hoan hỷ đón nhận ở phương Bắc. Vào cuối đời, Tổ nói một câu cả đại chúng khóc dầm dề, chỉ riêng tiểu sư Thần Hội thần tình bất động, được thầy khen thiện ác, khen chê, vui buồn … đều chẳng động tức đã giải thoát khỏi pháp sanh diệt thế gian. Do vậy, chúng ta cũng có thể áp dụng được pháp đốn giáo này. Tuy ngày nay tu hành không đắc lực như người xưa nhưng điểm hướng của chúng ta nhất định là nơi chư tổ đã từng đến. Con đường chúng ta đi là con đường chư tổ đã đi qua, không có gì khác.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]