HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA : Thiền sư Huyền Giác

tshuyengiac3. Thiền sư Huyền Giác
ở Vĩnh Gia  (665 - 713)

Sư họ Đới, quê ở Vĩnh Gia Ôn Châu, xuất gia từ thuở nhỏ. Sư xem khắp ba tạng Kinh, trí đức viên mãn, trụ trì chùa Hưng Long.

Trên đây giới thiệu xuất xứ của ngài Huyền Giác. Ngài có duyên lớn với Phật pháp nên đã xuất gia từ thời còn bé thơ, không trải qua con đường hoạn lộ. Những người học giỏi, thi đỗ tại quê nhà, lên tỉnh, lên kinh đô ứng thí đỗ đạt, được ban áo mão làm quan là bước vào con đường hoạn lộ.

Đây là con đường của kẻ học sĩ, những người có tài và cũng có phước. Vinh dự được đi học mà học giỏi, thi đỗ cao, được làm quan là phước lớn chứ không phải nhỏ. Tại sao? Vì có rất nhiều người cũng đi học nhưng học không đến nơi, cũng thi nhưng không đậu. Nếu thi đậu lại gặp việc này việc khác không được làm quan, luôn luôn có những trở ngại trên bước đường tiến thân. Tuy nhiên những người được áo mão cân đai thường bị vướng vào vòng danh lợi. Nơi đó ví như hỏa lò, người ta sát phạt và giết hại nhau. Vậy mà ai cũng thích đi con đường đó, Phật nói thật đáng thương.

Ngài đã xem khắp ba tạng kinh. Vị tôn đức nào đọc được tam tạng kinh điển là một việc hy hữu. Khi lớn lên, cảm trọng thâm ân Phật pháp Ngài luôn cố gắng trau dồi giới đức. Hòa thượng Trúc Lâm cũng đã đọc tam tạng kinh điển, Ngài có duyên tu thiền và cảm ngộ kinh Lăng-nghiêm từ thuở còn trẻ. Khi đọc đến đoạn thất xứ trưng tâm, Hòa thượng cảm động rơi lệ. Từ đó nhân duyên tu thiền ngày càng mãnh liệt nơi Ngài.

Việc quan trọng ban đầu của người tu là phải nghiên cứu, đọc học lời dạy của Phật tổ thật kỹ, sau đó mới ứng dụng tu hành. Học kinh Phật không chỉ học bằng chữ mà còn học bằng tâm, bằng nhiệt huyết của mình, phải vùi sâu trong đó để nhận được yếu lý mà hành trì cho đạt. Nếu chỉ học trên chữ nghĩa, công phu không có, kết quả đời tu chúng ta sẽ không đi tới đâu.

Ở Việt Nam cũng như các nước Phật giáo lớn khác, chư tổ từ việc học, nghiên cứu kinh điển mà sáng đạo không phải ít. Như tổ Minh Chánh tác giả của Pháp Hoa Đề Cương, ngộ được từ yếu chỉ kinh Pháp Hoa. Thiền sư Minh Đàm là sư huynh của Ngài cũng ngộ từ kinh Pháp Hoa. Do vậy nên các ngài sáng tác, giảng giải về kinh Pháp Hoa rất thâm áo.

Sư tinh thâm về pháp môn Chỉ Quán của đại sư Trí Khải ở núi Thiên Thai, trong bốn oai nghi lúc nào cũng khế hợp thiền quán.

Đó là Ngài đã nhập được Chỉ Quán. Chỉ Quán là gì? Chỉ là dừng, quán là soi xét. Chỉ Quán đã trở thành một pháp môn lớn thuộc Thiền Đại thừa Phật giáo.

Trong đời sống nếu đối duyên xúc cảnh chúng ta dừng được là tu, gặp vấn đề biết soi chiếu là tu. Tùy căn cơ mỗi người, có vị do dừng mà ngộ đạo, có vị do soi chiếu sáng được việc. Do vậy, Chỉ Quán đối với người tu không thể thiếu. Người tu thiền nhất định phải thông những điều này. Thí dụ như đang ngồi đây mà nghe cái gì um sùm ngoài kia, mình muốn phóng ra. Làm sao? Chỉ. Là yên thôi. Chỉ rồi thì trong đầu đừng nghĩ: “Không biết chuyện gì ngoài đó?” Không thể soi rọi như vậy. Cho nên có người dùng Chỉ Quán một lượt, có người chỉ dùng một thứ, hoặc Chỉ hoặc Quán là yên.

Thấy cạnh chùa dưới sườn núi có cảnh đẹp, Sư bèn xuống cất một thiền am, lưng tựa ngọn núi xanh, hông kề dòng suối trong. Sư sống một đời thanh đạm, không hề nghĩ đến việc thế tục.

Con người của Ngài phóng khoáng nên thích cảnh sơn thủy, cất thiền am trong thế lưng tựa ngọn núi xanh, hông kề bên dòng suối. Đây thuộc về phong thủy. Nơi đây, Ngài sống thật tiêu sái, giải thoát.

Sư nhân xem kinh Duy-ma phát minh được tâm địa. Gặp đệ tử của Lục Tổ là thiền sư Huyền Sách, hai bên nói chuyện nhau đều thích hợp chư tổ. Huyền Sách hỏi:

- Nhân giả đắc pháp nơi thầy nào?

Đây là giai đoạn chuyển hướng. Ngài sống một mình trong cái am nhỏ bình yên ở lưng chừng núi, là người đã thấu đạo. Do xem kinh Duy-ma ngộ được yếu chỉ nên đời sống của Ngài khế hợp với Phật, với tổ.

Trong kinh Duy-ma, người chủ hội này là một vị cư sĩ tên Duy-ma-cật. Chư Bồ-tát, các vị thánh đều biết Ngài chính là một vị cổ Phật thị hiện độ sanh trong hình thức một vị cư sĩ. Yếu chỉ của kinh này là pháp môn bất nhị. Bất nhị tức không hai. Thường hoặc là một hoặc là hai, nhưng ở đây thuyết minh đỉnh cao là không phải hai. Người trình bày rõ nhất về tinh thần không hai này chính là Duy-ma-cật. Pháp môn bất nhị cũng chính là Thiền tông, là pháp môn mà chúng ta đang hành trì.

Ngài Huyền Giác xem kinh Duy-ma phát minh được tâm địa tức ngộ được tâm, nên đời sống của Ngài có nhiều đặc biệt. Đệ tử của Lục Tổ là ngài Huyền Sách, đã ngộ được tâm, do nhân duyên đi khắp nơi nên gặp ngài Huyền Giác. Qua đối đáp thấy ngài Huyền Giác nói lời nào cũng hợp với yếu chỉ của Phật tổ nên Huyền Sách hỏi: Nhân giả đắc pháp nơi thầy nào?

Sư đáp:

- Tôi nghe trong các kinh luận Phương Đẳng mỗi vị đều có thầy trò trao truyền. Sau xem kinh Duy-ma ngộ được tâm tông, mà chưa có người chứng minh.

Trước đó ngài Huyền Giác đã nghiên cứu, đọc học rất nhiều kinh luận, thấy rõ rằng mỗi vị đều có sự trao truyền thầy trò rõ ràng. Nhưng từ khi Ngài xem kinh Duy-ma ngộ được tâm tông chưa có ai truyền, chỉ là tự ngộ.

Huyền Sách bảo:

- Từ đức Phật Oai Âm Vương về trước, không có thầy chứng minh thì được. Từ đức Phật Oai Âm Vương về sau, không thầy tự ngộ đều là ngoại đạo thiên nhiên.

Đức Phật Oai Âm Vương là đức Phật nào? Chắc rằng chúng ta không biết nhưng thật ra mình có thể yết kiến được Ngài. Như trước khi khởi niệm nghĩ về một vấn đề gì, đó là trước thời Oai Âm Vương, trước đức Phật quá khứ. Thí dụ tôi đang khởi niệm đọc hoặc minh họa một đoạn nhân duyên về hành trạng của chư tổ Thiền tông, khi khởi niệm đó là từ Oai Âm Vương về sau. Từ sau đức Phật Oai Âm Vương mỗi thứ đều phải có bài bản, có sự hướng dẫn, phải theo đúng nghi biểu mà người trước đã sắp đặt.

Ngài Huyền Sách khẳng định từ trước đức Oai Âm Vương không thầy chứng minh thì được. Lúc chưa khởi niệm thì có gì để chứng minh, nhưng từ sau khi khởi niệm, sau khi có thầy rồi nhất nhất mỗi thứ đều phải theo sự hướng dẫn của thầy. Ngồi thiền có thầy, có kinh bản hướng dẫn ngồi đúng pháp, không chạy theo vọng tưởng, làm chủ được mình, không để cho bất cứ niệm tưởng nào dẫn đi và nhất là luôn luôn tỉnh sáng. Chúng ta phải sống ngay ở hiện tại.

Sư nói:

- Xin nhân giả vì tôi chứng minh.

Huyền Sách bảo:

- Lời nói tôi nhẹ lắm. Ở Tào Khê có Lục Tổ đại sư bốn phương học giả tụ họp về thọ pháp, nếu nhân giả muốn đi thì tôi cùng đi với.

Sư bèn theo Huyền Sách đi đến Tào Khê.

Ngài Huyền Sách không giới thiệu Ngài là đệ tử của Lục Tổ. Ngài đã học pháp, sáng việc nơi Lục Tổ nhưng Ngài nói Lục Tổ là nơi mọi người hiện tại đổ về học pháp.
Ngài Huyền Giác trước khi gặp Lục Tổ là một người tu hành từ bé thơ, luôn làm tròn bổn phận và có tư cách, gầy dựng được nếp sinh hoạt tu hành đúng với chánh pháp. Chính bản thân Ngài tu chân chánh, đọc học, nghiên cứu Phật pháp nên nhận được yếu chỉ Phật tổ, tự sắp đặt đời sống xứng với chỗ nhận, chỗ ngộ của mình. Qua hình ảnh của Ngài, chúng ta có thể hình dung và gầy dựng trong lòng, hình thành một đời sống thật sự tiêu sái và giác ngộ giải thoát nữa.

Đến nơi, Sư tay cầm tích trượng vai mang bình bát đi nhiễu Tổ ba vòng. Tổ hỏi:

- Phàm Sa-môn phải đủ ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh, Đại đức là người phương nào đến, mà sanh đại ngã mạn như vậy?

Ngài nhiễu Tổ ba vòng nhưng không đảnh lễ. Tổ là người đã đạt đạo, là Bồ-tát rất từ bi nên biết trong lòng Ngài đang mang gánh nặng, do đó không lễ được. Vì thế Tổ nhắc nếu là sa-môn thật đến đây vì cầu đạo và muốn được chứng minh thì oai nghi như vậy chưa đúng. Ông còn mang trong lòng nhiều dụng cụ lùm sùm, phải bỏ hết đi.

Sư thưa:

- Sanh tử là việc lớn, vô thường quá nhanh.

Trong lòng Ngài đang khủng khiếp về việc sống chết vốn là việc lớn chưa giải quyết được vì sự vô thường, đổi thay quá nhanh chóng. Ngài đã nhận được yếu chỉ của Phật từ kinh Duy-ma nên đến với Lục tổ Huệ Năng trình bày hết những suy nghĩ trong lòng.

Ngày xưa thái tử Sĩ-đạt-ta vượt thành xuất gia vào rừng tu khổ hạnh, vua Tịnh Phạn cũng như cả triều đình không ngăn cản được. Nguyên nhân là do Ngài đi ra ngoài các cửa thành, chứng kiến những sự khổ ở đời: sanh, lão, bệnh, tử chi phối tất cả chúng sanh, trong đó có cả bản thân Ngài. Quy luật này như một thứ nam châm hút mọi người vào trong đó, nhưng không ai có cách gì thoát ra được. Chúng sanh bị sanh tử, phiền não, khổ đau cùng cực không có lối thoát, cũng không hề nghĩ đến cách để tìm lối thoát mà cứ cam tâm sống theo lối mòn ấy. Mỗi ngày cứ bận rộn với ăn uống, làm việc, ngủ nghỉ…

Sanh tử là việc chí cốt, là việc đáng sợ nhất ai cũng phải đương đầu nhưng thường chúng ta lại không quan tâm. Mạng sống con người mong manh lắm! Một cơn gió độc thổi vào là gục, một mảnh gì bay vào hoặc đứt mạch máu là chết, bao nhiêu thú dữ độc hại có thể sát mạng chúng ta bất cứ lúc nào. Nguy hiểm như vậy mà ta vẫn cứ thản nhiên. Rõ ràng cái chết kề bên, sự sống của con người mong manh quá nhưng không ai có lối thoát.

Thái tử Sĩ-đạt-ta được sự chấp thuận của vua cha, đi dạo bốn cửa thành. Đầu tiên thấy một người già lụm cụm, Ngài hỏi cận vệ: “Ta có già không?” - “Ai cũng sẽ già”. Nghe câu trả lời, Ngài cảm thấy kinh khủng, nhận ra rằng cái già đang chực chờ mình. Cửa thứ hai là người bệnh đang đau đớn, vật vã, khóc than. Cửa thứ ba là người chết hôi thối, ruồi bu, kiến đậu, sình lên. Cửa thứ tư Ngài gặp một sa-môn nghiêm trang, điềm tĩnh, thoát tục.

Đi dạo bốn cửa thành về rồi, Ngài không còn muốn dự những buổi dạ vũ, tiệc tùng; sức sống của Ngài mất hẳn. Thái tử thường ở một mình nhìn ra khoảng không, dường như từ phương trời nào đó có ai nhắc nhở Thái tử phải thoát nhanh. Từ đó, Ngài quyết định phải thoát khỏi tất cả những sự trói buộc, những dây luyến ái nhiều đời. Cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan cũng không giữ được Thái tử. Cuối cùng Ngài quyết định lên đường tìm lối thoát.

Lối thoát này có ý nghĩa rất lớn là tự giải thoát cho mình và tất cả chúng sanh đang trông chờ. Ngài đã tự un đúc cho mình một ý chí sắt đá. Từ một ông hoàng sắp lên ngôi với những dục lạc bậc nhất của thế gian, nhưng Thái tử bỏ tất cả. Bước tu hành đầu tiên của Ngài là khổ hạnh. Sau khi cởi bỏ vương bào, đổi mảnh vải của người thợ săn, Ngài vào rừng tu khổ hạnh. Vừa tu vừa tìm thầy, tìm phương pháp để giải quyết vấn đề sanh tử. Ở Việt Nam, vua Trần Nhân Tông cũng khéo léo sắp đặt, trao mọi quyền hành, công việc lại cho người thừa kế, lên núi tu khổ hạnh.
Rõ ràng chúng ta đang đi trong sanh tử, cận kề bờ vực thẳm mà lâu nay mình cứ ngủ gà ngủ gật. Ngày xưa Phật tổ đã thị hiện muốn giải thoát sanh tử phải xuất gia, bỏ nhà, không nhà học đạo, không thể thọ hưởng dục lạc là có thể giải thoát được. Huynh đệ chúng ta nếu ai cương quyết như vậy sẽ thành đạo, nhưng chưa ai dám tu khổ hạnh. Thiếu một trong ba bữa cơm là đã thấy bụng trống, phải kiếm cái gì để vào cho nó yên.

Tổ bảo:

- Sao không ngay nơi đó thể nhận lấy vô sanh, liễu chẳng mau ư?

Phải làm sao có được trí tuệ nhận chỗ tột cùng, đó là liễu đạt, là nhận được ý chỉ. Tổ đã đưa ra một đáp án cho Ngài.

Sư thưa:

- Thể tức vô sanh, liễu vốn không mau.

Thể là vô sanh nên Ngài nói liễu thì mau hơn, nhưng đã là vô sanh rồi đừng nói mau nói chậm gì. Ngài Vĩnh Gia đã đến được chỗ đó nhưng chưa có người chứng minh, nay Lục Tổ chứng minh gợi đúng chỗ đó, Ngài bước vào an ổn. Đúng như chư vị Thiền tổ nói “một bước nhảy thẳng vào đất Như Lai.”

Tổ khen:

- Đúng thế! Đúng thế!

Quá trình tu học trong nhiều đời và ngay trong đời này của Ngài như xuất gia, duyệt kinh tạng, nhận được Chỉ quán nên tới bây giờ Tổ xác minh: Đúng thế! Đúng thế!

Lúc đó đại chúng nghe nói đều ngạc nhiên. Sư bèn đầy đủ oai nghi lễ tạ Tổ. Chốc lát sau Sư xin cáo từ.

Tổ bảo:

- Trở về quá nhanh!

Sư thưa:

- Vốn tự không động thì đâu có nhanh.

Chỗ đến, sức sống của Ngài lúc đó là vô sanh. Ngài không động, không thấy mau, thấy chậm, không thấy liễu hay không liễu nên nêu lên điều gì cũng là yếu chỉ.

Tổ bảo:

- Cái gì biết không động?

Sư thưa:

- Ngài tự phân biệt.

Tổ bảo:

- Ngươi được ý vô sanh rất sâu.

Sư thưa:

- Vô sanh có ý sao?

Lời khen của Tổ đối với ngài Huyền Giác là một nhát búa bén, Tổ đưa ra một cái bẫy. Ngài Vĩnh Gia đã được vào chỗ vô sanh. Chỗ này Hòa thượng Trúc Lâm dạy, nó là liễu liễu thường tri, không có hình thức nên không bị sanh diệt, rỗng rang sáng suốt, là chân tâm vô niệm. Đối đáp của hai thầy trò là thầy đưa ra cái bẫy, còn đệ tử phá cái bẫy đó.

Tổ bảo:

- Không ý, cái gì biết phân biệt?

Đây là một cách đưa đệ tử đứng trên bờ vực thẳm.

Sư thưa:

- Phân biệt cũng không phải ý.

- Lành thay! Lành thay!

Phân biệt của người đã đến chỗ vô sanh không phải từ ý thức mà từ sự hồn nhiên. Giả sử nhìn miếng giấy tôi biết là miếng giấy, nhìn micro tôi biết micro, rõ ràng như vậy không cần phải phân biệt gì hết. Lục tổ Huệ Năng muốn đưa ra một cái mốc để kiểm tra xem người đệ tử này còn bị rơi rớt gì, có thoát được không. Rõ ràng đã trót lọt, đã thoát ra được nên Tổ mới khen.

Sư ở lại đây một đêm để hỏi thêm đạo lý. Sáng hôm sau, Sư cùng Huyền Sách đồng xuống núi trở về Ôn Giang. Thời nhân gọi Sư là Nhất Túc Giác (một đêm giác ngộ).

Từ đây về sau, học chúng bốn phương tìm đến tham vấn Sư thật đông. Sư được tặng hiệu là Chân Giác đại sư.

Ngài được ban hiệu, được công nhận là một bậc đã thật sự giác ngộ dù chỉ đối đáp với Tổ vài câu và thời gian ở lại đạo tràng của Tổ chỉ một đêm.

Đời Đường niên hiệu Tiên Thiên thứ 2 (713 TL) ngày 17 tháng 10, tại viện riêng ở chùa Hưng Long, Sư ngồi vui vẻ thị tịch, thọ 49 tuổi. Vua ban sắc là Vô Tướng đại sư, tháp hiệu Tịnh Quang.

Tịnh Quang là sáng sạch, tức là trí tuệ tuyệt vời quét sạch tất cả những dây mơ rễ má si mê. Chúng ta vẫn chưa giác ngộ, chưa đình chỉ được những loạn tưởng, chưa làm chủ được những dấy niệm.

Hòa thượng Trúc Lâm dạy mình phải làm được những việc đó. Lời dạy của Ngài vẫn luôn soi sáng và vang vọng trong mỗi chúng ta.

Tập Chứng Đạo Ca và Thiền Tông Ngộ Tu Viên Chỉ do Sư trước tác, sau này môn đồ là Ngụy Tỉnh làm Thích sử Khánh Châu, góp lại làm thành 10 thiên gọi là Vĩnh Gia Tập.

Từng câu, từng lời trong Chứng Đạo Ca của ngài Huyền Giác được diễn tả trung thành với kinh Đại Bát-niết-bàn. Bộ kinh này do ngài Cưu-ma-la-thập, một vị pháp sư nổi tiếng, dịch từ tiếng Phạn sang Hán, Hòa thượng Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay dịch lại từ Hán sang Việt.

Mỗi người chúng ta cũng có thể có những khúc ca chứng đạo của riêng mình. Thí dụ ta tu tập có niềm vui liền ghi thành một đoạn văn diễn tả niềm vui ấy khi tâm được rỗng rang sáng suốt. Càng đi sâu vào cuộc đời chúng ta càng thấy rối bời, không giác ngộ giải thoát được. Chỉ có con đường của Phật mới cắt đứt tất cả, mới giải thoát. Các thiền sư dạy cho chúng ta biết sợi dây tình cảm luyến ái của gia đình không dứt được thì không thể có giác ngộ, có được yếu chỉ kinh Duy-ma, có được lời khen: Lành thay! Lành thay! của thầy tổ.

Những tác phẩm chứng đạo của chính chúng ta sẽ hình thành qua cuộc đời tu hành, trong cái nhận được, cái sống của mỗi người. Trong bao nhiêu sự ràng buộc, cho tới một lúc nào đó mình nhận ra, hiểu được tất cả chỉ là những sự ràng buộc vô lý thì tự nhiên đầu mối dây mơ rễ má bứt tung. Chúng ta có ngày đó với điều kiện phải kiên quyết, phải có sự tu tập.

Ai cũng có những sợi dây đó. Có người phải dùng búa bằng thép, kim cương mới chặt đứt được. Có người chỉ mượn búa bửa củi khẻ một cái là đứt. Không nát, không bể những trói buộc e rằng chuyện ngộ đạo chúng ta chỉ nói với nhau mà thôi. Thực chất chỗ đó ta không có duyên, không đủ điều kiện để bước vào.

Ý thức được như vậy chúng ta phải cố gắng. Nhất định người xưa làm được, mình làm được. Tổ Quy Sơn dạy: “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ.” Người ta được như vậy, mình cũng phải được như vậy. Ai cũng đều có phần, tuy nhiên đòi hỏi nơi sự cố gắng của mỗi người. Phật tổ, các bậc thầy đều nói rằng chúng ta có khả năng, có đầy đủ tư cách là con của Phật, là Phật sẽ thành. Đây là vinh dự ta nắm chắc trong tay.

Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật còn nói mình là những đứa con cưng trong gia đình phú gia, chứ không phải đứa con nghèo khó đi lang thang làm thuê làm mướn, chạy cơm chạy gạo hàng ngày. Đồng thời các ngài mở cửa để chúng ta sáng mắt nhận ra rằng từ vị trí của chúng ta bước vào chỗ thật sự an lạc không phải xa, không có một bờ bến biên cương nào, không có sự ngăn trở nào.

Kinh Pháp Hoa nói rằng mỗi người đều có tri kiến Phật nhưng từ lâu chúng ta quên đi, bây giờ nhờ một gợi ý nào đó để nhận lại, soi rọi lại. Ý nghĩa của Chỉ Quán, của sự soi rọi rất quan trọng. Soi rọi là xem mình đã để viên ngọc của mình ở đâu. Hòa thượng Trúc Lâm không nói ngọc, mà nói làm sao đừng chọc bốn rắn nhốt chung trong một cái lồng cắn lộn nhau là thành công, sống được đời sống hòa hợp vui vẻ, đó là mạch sống của những người sống đạo.

Nhận lại Phật tri kiến, hoặc là nhận lại tánh giác, sống được với chân tâm của mình không phải là vấn đề ngoài mình. Chuyện tưởng dễ dàng như vậy nhưng chúng ta làm hoài không được. Lục Tổ cũng nói nó ở tại đây, ngay trong đêm được Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang, Ngài đã thốt lên:

Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh.
Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt.
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ.
Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động.
Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp!

Ngài Huyền Giác là một thiền sư đồng thời là một đại thi sĩ, thi hào của Phật pháp. Ngài thị hiện tu hành ngay từ thời bé thơ, đọc học kinh sách, ngộ đạo rồi gặp Tổ và giác ngộ nhanh chóng, đến với Tổ chỉ một đêm. Hy vọng rằng qua hành trạng của Ngài, chúng ta quay về áp dụng cho chính bản thân, nhận được yếu chỉ từ những điều học được và sự tu tập của mình. Mỗi khi hành trì thấy có vấn đề, chư huynh đệ phải Chỉ Quán, phải soi rọi lại cho kỹ tại sao như vậy.

Chúng ta luôn luôn có sự chuẩn bị mà người xưa thường nhắc đó là tư lương dùng cho chính mình. Tư lương ấy là gì? Là làm chủ được mình.
 

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]