THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ CAO PHONG DIỆU DẠY CHÚNG

thiensucaophongdieuViệc này chỉ cần người có tâm tha thiết, vừa phát tâm tha thiết chân nghi liền khởi. Nghi qua, nghi lại, không nghi tự nghi, từ sáng đến chiều vuốt đầu rút đuôi làm thành một khối. Khuấy không động, đuổi không đi, sáng suốt linh diệu, thường hiện ở trước, đây là khi đắc lực.
Việc này chỉ cần người có tâm tha thiết, vừa phát tâm tha thiết chân nghi liền khởi. Người tham thoại đầu phải làm sao đề khởi được chân nghi. Muốn chân nghi hiện tiền, phải làm sao phát khởi được tâm tha thiết. Cũng vậy, muốn hết ngủ gật và tán loạn, phải tu hành miên mật. Muốn tu hành được miên mật, phải tỉnh sáng và nhất tâm. Điểm giống nhau giữa pháp tham thoại đầu và cách thức tu hành của chúng ta là phải có tâm tha thiết. Tâm tha thiết đầy đủ, hiện tiền thì chân nghi hiện.

 Nghi qua, nghi lại, không nghi tự nghi, từ sáng đến chiều vuốt đầu rút đuôi làm thành một khối. Nghĩa là làm sao bảo vệ việc đề khởi nghi tình, bảo vệ được chân nghi hiện tiền thì từ sáng tới chiều đi tới đi lui tự nhiên kết thành một khối. Cũng vậy, người tu miên mật không có kẽ hở, ngủ gục và tán động không làm gì được họ, công phu thầm thầm tỉnh sáng, rõ ràng thường biết.

Khuấy không động, đuổi không đi, sáng suốt linh diệu, thường hiện ở trước, đây là khi đắc lực. Khi công phu đắc lực, không cách chi có thể làm nó tan ra được. Sáng suốt linh diệu, đuổi cũng không đi.

Cho nên người ta thường nói, người tu thoại đầu khi đã đề khởi được nghi tình, công phu sẽ đắc lực. Đi mà không biết mình đang đi, nhiều khi ngơ ngơ, từ trong nhà vệ sinh ra cứ đi thẳng, quên hết tất cả công việc phải làm. Đó là lúc công phu đắc lực nhất. Nó tạo thành một khối, khuấy không được, đuổi không đi, linh hoạt, rõ ràng. Trong sinh hoạt hàng ngày thấy như ngu như ngơ, như đui như điếc. Thật ra nếu người tu khán thoại đầu mà lanh lợi, liếc ngó lăng xăng như khỉ vượn thì không dính dáng được với chân nghi. Căn cứ vào lời dạy của thiền sư Cao Phong Diệu, chúng ta có thể nhận ra được công phu của chính mình cũng như huynh đệ cùng tu có đắc lực hay không.

Lại phải xác định chánh niệm, cẩn thận không khởi nhị tâm, cho đến đi mà không biết mình đi, ngồi không biết mình ngôài, lạnh, nóng, đói, khát, tất cả đều không biết, cảnh giới này hiện tiền tức là tin tức sắp đến nhà.

Hình thức tu tập Thiền sư nêu ra ở đây không quá khó, nhưng đòi hỏi phải quyết liệt, như ngu như ngơ. Tin tức sắp đến nhà nghĩa là sắp ngộ đạo, sắp xong việc. Căn cứ vào đây chúng ta có thể biết được mức độ công phu của mình.

Nắm thì tới, bắt thì được, chỉ còn đợi thời khắc mà thôi. Lại không nên nghe nói như thế rồi khởi tâm tinh tấn cầu nó, cũng không được đem tâm đợi nó, không được buông, không được bỏ, chỉ cần ngưng đọng chánh niệm, lấy ngộ làm quy tắc.

Nắm thì tới, bắt thì được, chỉ còn đợi thời khắc mà thôi, coi như công phu gần đến chỗ đắc lực. Lại không nên nghe nói như thế rồi khởi tâm tinh tấn cầu nó, cũng không được đem tâm đợi nó. Chúng ta không nên chỉ nghe nói như vậy rồi ngồi đợi cái đắc lực, cái như ngu như ngơ. Nếu không phải là người đã kết được nghi tình, không phải là người đến đi tự tại thì tuyệt đối không nên ngồi đó mong được cái diệu này cái sáng kia. Bởi vì tất cả những thứ đó đều là ma mỵ trong công phu. Nó sẽ dẫn chúng ta đi theo con đường tà, không người giúp đỡ, không người chặn đầu kéo mình trở về.

Cho nên thiền sư mới đinh ninh dặn dò: Không được buông, không được bỏ, chỉ cần ngưng đọng chánh niệm, lấy ngộ làm quy tắc. Nghĩa là giữ gìn công phu miên mật, công phu đắc lực, tự nhiên nhân duyên đến kết quả như thùng sơn lủng đáy.

Chính khi ấy, có tám muôn bốn ngàn quân ma rình rập trước căn môn của ông, tất cả việc kỳ quái, thiện ác... tùy tâm ông mà hiện.

Người công phu đến mức độ này sẽ có vô vàn khó khăn, trở ngại tinh vi, từ căn môn của mình bao nhiêu thứ quái gở rình rập. Nếu chúng ta không hóa giải được sẽ rơi vào cái rọ của ma. Nói là ma chứ người cũng ma, cóc cũng ma, tất cả đều là ma.

Ông vừa khởi một mảy may tâm nhiễm trước, liền rơi vào rọ của ma, bị chúng làm chủ, chịu chúng chỉ huy, miệng nói lời ma, thân làm việc ma, chánh nhân Bát-nhã từ đây hằng mất, hạt giống Bồ-đề không thể nảy mầm. Chỉ đừng khởi tâm như quỷ giữ thây ma, giữ qua giữ lại, khối nghi bỗng nhiên nổ một tiếng kinh thiên động địa.

Có nhiều trường hợp, người tu hành cả đời giữ giới miên mật, tới một lúc nào đó tự dưng trở chứng, nói khác và làm khác. Nghĩa là không khéo để căn môn của mình mở cửa, bị rơi vào rọ của ma. Nói lời ma, làm việc ma mà bản thân mình không hay không biết. Hoặc có người đang tu đàng hoàng, tự nhiên lên thuyết pháp ăn cá thịt không có tội, giết hại chúng sinh để ăn cũng không có tội. Cho nên khi công phu tu hành miên mật tiến đến chỗ tinh vi đắc lực mà không được bảo vệ, rất dễ rơi vào rọ của ma. Chánh nhân Bát-nhã không còn, thành ra nói xằng nói bậy. Đạo Phật chủ trương đời sống tăng ni phải thanh tịnh, phát huy trí tuệ Bát-nhã, nghĩa là phải giác ngộ rồi giải thoát. Khi đánh mất chánh nhân Bát-nhã, mình sẽ bị ma lực dẫn, thành ra nói ngược không có giác ngộ giải thoát.

Chỉ đừng khởi tâm như quỷ giữ thây ma, giữ qua giữ lại, khối nghi bỗng nhiên nổ một tiếng kinh thiên động địa. Nói theo cách thông thường, quỷ giữ thây ma là tu tới đâu chấp cứng tới đó, buông không được, đứng sựng một chỗ. Cho nên chỉ đừng khởi tâm cố chấp thì mọi việc tự nhiên linh hoạt, có cơ hội giác ngộ.

Tôi mười lăm tuổi xuất gia, hai mươi tuổi được đắp y, đến Tịnh Từ lập nguyện bốn năm liều chết học thiền.

Thiền sư Cao Phong Diệu kể về quá trình tu tập của mình. Ngài xuất gia lúc mười lăm tuổi, hai mươi tuổi được thọ giới Cụ túc. Theo truyền thống Phật giáo, tu sỹ trong bất kỳ tông phái nào cũng phải thọ giới, học và hành giới luật.

Hồi xưa có những vị chỉ phát nguyện đi học, giả tỷ một khóa học trong trường là sáu năm. Nếu bắt đầu lấy ngang trình độ lớp 8 lớp 9 mà năm đó mình mười lăm, mười sáu tuổi vừa đủ điều kiện được tham dự. Trong sáu năm này, chúng ta cần đóng một số tiền và có người bảo lãnh. Hơn nữa phải có một lá đơn phát nguyện gửi cho Ban điều hành. Nếu học nửa chừng bỏ cuộc, số tiền đóng vào sẽ được sung quỹ. Hoặc những vật dụng do nhà trường chi tiền mua sẽ được đòi lại nơi người bảo lãnh. Có người không chấp nhận làm theo sự sắp đặt của Ban lãnh đạo, phải bù lại chi phí cho nhà trường từ khi vào học tới ngày ra.

Những huynh đệ không có người bảo lãnh và tiền bạc, họ biết khả năng và sức chịu đựng có thể học được cho nên phấn đấu rất nhiều. Vị ấy phải đảnh lễ Ban lãnh đạo, cầu xin và hứa sẽ áp dụng nội quy nghiêm chỉnh. Thấy người có ý chí, có tâm nguyện họ đồng ý cho ghi danh vào học. Đó là một sự phấn đấu phi thường. Ngày xưa vào trường cần có người bảo lãnh, còn bây giờ muốn vào trường Cao, Trung tại thành phố Hồ Chí Minh phải đóng một số tiền. Ban giám hiệu dùng số tiền đó gửi vào ngân hàng, mỗi tháng lấy lãi suất chi dùng cho văn phòng, thù lao giảng viên cũng như tất cả các sinh hoạt của trường. Nếu có 300 học trò, mỗi vị đóng hai triệu, một đợt như vậy được 600 triệu mà vẫn chưa đủ để mở một khoản công, nhà trường phải vay thêm số tiền bao nhiêu chẳng hạn, để có đủ lãi suất hàng tháng rút ra chi dùng.

Tuy nhiên có những vị rất đặc biệt, trường lớp tổ chức như vậy, mình không có một đồng bạc mà vẫn nghiễm nhiên vào học được và trở thành một học sinh xuất sắc. Dĩ nhiên phải học xuất sắc mới vào được. Nghĩa là mỗi tháng được tuyên dương trước lớp hoặc trong ngành nào đó của Phật giáo. Trong trường hợp này chi phí hoàn toàn không phải lo. Nhà trường sẽ bảo lãnh, có khi còn được hưởng thêm những tiêu chuẩn đặc biệt khác.

Trái lại, dù đóng đủ tiền mà không chịu học, hoặc học quá dở không tiến được thì giống như bị chế tài, bị khoanh lại không làm ăn gì được. Song song với học giỏi là tu tốt. Kế theo tu tốt phải có hạnh kiểm tốt. Học hạnh khiêm ưu, tự nhiên có uy tín, danh dự. Tuy ở ngôi trường xa xôi nhưng tiếng tăm nổi khắp tất cả các trường khác.

Ngược lại, những học trò khá giả đóng tiền đầy đủ nhưng học quá dở, không lên lớp. Mỗi tháng Ban giám thị phải thay mặt nhà trường gửi thư báo tin cho bổn sư, cho gia đình cố gắng động viên. Nhiều người mặt mũi coi sáng sủa mà học hành quá tệ, theo học sáu năm, tám năm, mười năm nhưng không phát minh phát kiến được điều gì. Vì thế khi còn trong giai đoạn đi học, điều căn bản và tư cách của một học trò là phải học giỏi, song song là hạnh kiểm tốt. Đời sống và đạo đức luôn thể hiện là một người vừa có học vừa có tu, gọi là ngôn hạnh tương ưng. Với người tu, điều quan trọng nhất là tu tốt.

Ở đây thiền sư Cao Phong Diệu kể lại, sau khi thọ giới Cụ túc, ngài đến pháp hội Tịnh Từ, nơi thiền môn quy củ đặc biệt, lập nguyện bốn năm liều chết học thiền. Như vậy người xưa muốn thành tựu đạo nghiệp, không phải ngồi đó uống trà, uống cà phê, ăn bánh ngọt, nói chuyện thiên hạ,... ngày này trôi suông qua ngày khác, mà phải có những giai đoạn quyết tâm, quyết liệt, liều chết tu hành.

Từ nơi thiền sư Cao Phong Diệu, chúng ta học được sự chịu khó, vượt khó. Vào đạo khi tuổi còn rất nhỏ nhưng ý chí rất cao cường lẫm liệt. Đây là những kinh nghiệm quý báu cần thiết, tu hành không thể thiếu tinh thần liều chết. Ngày nay đa số chúng ta bị rơi trong tình huống vì cơm ăn áo mặc, vì mặc cảm tự ái, vì tiếp cận những va chạm góc cạnh trong sinh hoạt hàng ngày. Chết chìm trong đó nên quên bẵng lời phát nguyện sấn sướt công phu trong đại cuộc quyết tử học đạo. Bởi không gầy dựng nổi cho nên chúng ta lình xình bất an, thậm chí trở thành người yếu đuối, nắng không ưa mưa không chịu.

Ở xứ sở này, mỗi lần đi đâu hay làm việc gì, áo của tôi ướt đẫm mồ hôi. Thế nhưng buổi khuya hơi se lạnh một chút, tôi đã thấy chư tăng trùm áo lạnh, quấn cổ, đội nón len, mang vớ tùm lum. Đây là biểu hiện của sự yếu đuối, nếu mình để tinh thần bị trùm phủ một lớp ma mỵ như vậy thì nói gì đến tu hành. Thấy tôi bệnh hoạn, người ta cho áo ấm nhiều lắm nhưng ít khi nào tôi chịu mặc. Thấy quý thầy mặc áo lạnh đi qua đi lại, tôi mặc đồ bình thường chống gậy đi ra ngoài xem thử coi sao.

Ai không kham nhẫn thì không ở đây được, vì cõi này là cõi Ta-bà, nghĩa là kham nhẫn. Kham cái gì, nhẫn cái gì? Chữ nhẫn là nhận chịu, chữ kham là chấp thuận. Kham nhẫn nghĩa là đồng ý chấp thuận. Trong ý nghĩa của kham nhẫn, khoảng chừng ba mươi phần trăm thuộc về nhận chịu sự đắng cay của cuộc đời. Như huynh đệ tập sự tu thiền, ai cũng biết ngồi thiền là đau chân. Ít người nào dám nói ngồi thiền không đau chân. Chỗ này chúng ta phải kham nhẫn, phải tự vấn tại sao người ta làm được mà mình làm không được. Ít nhất trong đó huynh đệ phải có một chút cay đắng, tổn thương khoảng ba mươi lăm phần trăm.

Nhiều khi mình ngồi đó, con muỗi lại chọc chơi. Nó nhè ngay mí môi, cụp cái vòi hút máu của mình. Chúng ta biết ngứa, biết đau, biết sợ nó truyền dịch không tốt cho cơ thể, biết cái tay mình chỉ cần đưa nhẹ là nó tan nát. Nhưng tuyệt đối không đụng tới nó, chấp nhận kéo dài sự khó chịu khoảng ba mươi đến năm mươi phần trăm. Ý nghĩa của sự chịu đựng cay đắng trong khoảng mấy mươi phần trăm là như vậy.

Khi giảng về lịch sử đức Phật Thích-ca, Hòa thượng Trúc Lâm luôn nhấn mạnh giai đoạn Phật tu khổ hạnh, chuẩn bị tọa thiền bốn mươi chín ngày đêm dưới cội Bồ-đề. Hòa thượng nói: "Mấy chú hãy xem coi, thái tử Sĩ-đạt-ta là một vị Phật tương lai, một con người thị hiện." Chúng ta cũng biết, các ngài là những vị đại Bồ-tát nhất sinh bổ xứ, đang tụ hội trên cung trời Đâu-suất. Với tuệ nhãn xem xét khắp mười phương, chỗ nào đủ duyên các ngài sẽ thị hiện, tu hành thành Phật giáo hóa chúng sinh.

Như vậy, đức Phật không phải con của bà già quê dưới xóm, không phải nhà nghèo thiếu cơm ăn hay người đi làm thuê làm mướn. Nhưng tại sao khi xuất gia, ngài lại chấp nhận khổ hạnh? Ngài dám xông pha từ ba mươi lăm phần trăm cay đắng và đã nhân nó lên tới bao nhiêu chục ngàn lần, chấp nhận khổ đau, đói rét, thậm chí đẩy mình rơi vào chỗ cùng cực. Thân thể như chúng ta mà ăn ngày một hạt mè, một hạt đậu, làm sao có thể sống? Học lịch sử đức Phật, ta không nên đọc qua loa mà phải lấy đó làm tấm gương sống và tu tập theo.

Khi đi vào rừng sâu, thái tử Sĩ-đạt-ta không đem theo đầu bếp, người hầu, chăn mùng, áo mão,... bỏ nhà không nhà học đạo. Rõ ràng ngài đã chấp nhận tất cả cay đắng, nào đói khát, nóng lạnh, mưa gió, rét mướt, rắn độc, hổ báo... Ngài nhân rộng ra khắp hết. Thậm chí thấy những chúng sinh hổ báo bị đói, ngài dám gieo mình cho nó ăn sống. Như vậy ngài đã kham nhẫn tất cả. Sự kham nhẫn của ngài vượt quá mức bình thường.

Thế cho nên ngày nay chúng ta mới có được chánh pháp để tu. Nếu không có Phật thì làm gì có pháp của Phật. Không có pháp của Phật thì chúng ta mãi là chúng sinh mê muội, đen thui đen thủi, tạo nghiệp sinh tử vô lượng vô biên. Gánh chịu hậu quả đã tạo do nghiệp tập, vì thế chúng sinh trôi lăn mãi trong vòng đói khát, khổ sở, chết chóc, điêu đứng của kiếp địa ngục, ngạ quỷ. Tại sao? Bởi vì nếu chưa giác ngộ thì nghiệp nhân nào cũng đáng rơi trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nhận ra chỗ này, huynh đệ mới thấy được phúc duyên mình hưởng và giá trị gặp được Phật pháp. Chứ không thì nhất cử nhất động mình đều gây tạo nghiệp dẫn vào tam đồ, khổ đau vô vàn không có lối thoát, không có ngày cùng. Đó là hướng đi, lối mòn, chỗ chúng ta trơn trượt, rớt vào trong ấy.

Thật ra chúng ta mất quá nhiều thời gian cho việc ăn mặc, giao tế hằng ngày. Mình thả vọng tưởng từ sáng sớm mở con mắt ra cho tới chiều tối đóng con mắt lại. Thời gian ấy sống với điên đảo nghiệp tập, chấp nhận bị xoay lăn trong luân hồi sinh tử. May có Phật pháp tăng, các bậc thầy tổ mở cho mình một lối thoát.

Nhưng e chúng ta không chịu đi theo quý ngài. Hoặc đi một đỗi cũng quay trở lại.

Kiểm lại huynh đệ thoát ngoài cõi kham nhẫn này được bao nhiêu? Thời gian chìm ngập, vùi sâu trong đó bao nhiêu? Chúng ta tạm chia ra từng khoảng, như từ ba giờ tới năm giờ sáng là một đoạn, sáu giờ tới mười giờ một đoạn, mười giờ bốn lăm tới mười ba giờ là một đoạn, mười bốn giờ tới mười sáu giờ một đoạn, mười sáu giờ tới mười tám giờ một đoạn... Chia ra từng đoạn như vậy, sự kham nhẫn, điên đảo, đánh mất mình trong loay hoay lẩn quẩn, ăn mặc ngủ nghỉ... nhiều vô kể. Sự vươn lên để làm chủ, quyết định vận mệnh của mình... lại quá ít, quá yếu, không thể đương đầu nổi với cõi kham nhẫn. Cho nên khi trả bỏ thân này, không dễ gì tự tại đi theo Phật.

Ban đầu học với hòa thượng Đoạn Kiều, dạy tham cứu "Sanh từ đâu đến, chết trở về đâu?" Ý phân hai đường, tâm không quy nhất.

Ý phân hai đường, tâm không quy nhất nghĩa là chưa có ý chí, tâm thể chưa rỗng rang, chưa hiện tiền. Rất giống với hoàn cảnh của chúng ta.

Sau yết kiến hòa thượng Tuyết Nham, dạy khán chữ Không. Lại dạy mỗi ngày đến trình một lần, như người đi đường mỗi ngày cần thấy công trình, nhân thấy nói mới có thứ tự. Rốt sau đến ngài không hỏi chỗ công phu.

Đoạn này ý đại khái là như người đi đường, mỗi ngày phải trình rõ đoạn đường mình đã đi qua, biết rõ các việc mình đã giải quyết. Sau cùng tới lượt ngài, hòa thượng Tuyết Nham không hỏi đến công phu nữa.

Một hôm vào cửa, ngài hỏi: "Ai cùng ông kéo tử thi đến?" (Thùy dữ nê đà giá tử thi lai?) Tiếng chưa dứt, ngài liền đi ra. Sau đến Kính Sơn, vừa vào thiền đường, tôi như trong mộng chợt nhớ câu "Muôn pháp về một, một về chỗ nào?" Từ đây nghi tình phát hiện, không còn phân biệt đông tây nam bắc. Ngày thứ sáu ở đây, theo chúng lên gác tụng kinh, vừa ngước đầu nhìn lên chợt thấy bài Chân Tán của Ngũ Tổ Diễn hòa thượng, hai câu sau:

        Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày,
        Gắng công suy xét nguyên lai là gì.
Âm:
        Bách niên tam vạn lục thiên triêu,
        Phản phúc nguyên lai thị giá hán.

 

Đắc lực hay không đắc lực, ngài vẫn công phu. Trở ngại hay không trở ngại, lúc nào cũng công phu. Công phu đắc lực một cách liên tục. Bởi rốt ráo như vậy cho nên khi đến chỗ ngài Kính Sơn, vừa vào thiền đường ngài chợt nhớ ra công phu của mình. Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày, gắng công suy xét nguyên lai là gì, cùng nghĩa với câu Sanh từ đâu đến, chết đi về đâu

Câu "kéo tử thi..." ngày trước, bỗng nhiên thấu triệt, liền hồn phi đảm tán, chặp sau tỉnh lại, khác nào người buông gánh nặng trăm hai chục cân. Khi đó tôi được hai mươi bốn tuổi.

Đây là lời đúc kết một quá trình công phu tu hành. Chữ đảm là gan, đảm tán là vỡ mật, hồn phi là hồn bay. Hồn phi đảm tán nghĩa là bay hồn bạt vía hoặc bay hồn vỡ mật, diễn tả trạng thái hết hồn hết vía. Qua cơn đó, tỉnh lại nhẹ nhàng giống như người buông được gánh nặng trăm hai chục cân. Trên thực tế, chúng ta gánh mỗi bên chừng năm chục cân là đã thấy đuối chân rồi, người yếu đi không nổi. Hoặc mỗi bên sáu chục cân thì quả thật quá khó khăn. Vậy mà ngài cảm nhận một trạng thái như buông được gánh nặng trăm hai chục cân xuống. Khi đó ngài mới hai mươi bốn tuổi. Thật không thể tưởng tượng nổi.

Mãn nguyện ba năm, sau bị Hòa thượng hỏi: "Những ngày này tu tập đã làm chủ được chưa?" Tôi thưa: "Đã làm chủ". Lại hỏi: "Trong khi ngủ nằm mộng có làm chủ được không?" Thưa: "Làm chủ được". Lại hỏi: "Khi ngủ mê không mộng chủ ở chỗ nào?" Câu hỏi này không có lời để đáp, không có lý lẽ trình bày. Hòa thượng dạy: "Từ nay ông không cần học Phật pháp cùng cổ tột kim, chỉ cần đói thì ăn, mệt thì ngủ, ngủ vừa thức dậy chấn chỉnh tinh thần, tự hỏi cái ta thức này chủ nhân rốt ráo tại chỗ nào? An thân lập mạng, tự thệ chuyển một đời ngu si, quyết định phải thấy rõ ràng cái ấy."

Mãn khóa tu học ba năm, Hòa thượng rà soát thử coi hành giả có gắn bó gì không. Hòa thượng hỏi một câu bình thường, không nói đủ ba năm, thời gian gần đây ông tu tập làm chủ được chưa, ngài đáp đã làm chủ. Sau sự việc bay hồn bạt vía, ngài đã làm chủ được mình.

Lại hỏi: Trong khi ngủ nằm mộng có làm chủ được không? Thưa: Làm chủ được.

Tuy hai trạng thái khác nhau, lúc thức sinh hoạt và lúc ngủ nằm mộng, ngài đều làm chủ được. Chứng tỏ công phu rất khá, rất vững vàng.

Lại hỏi: Khi ngủ mê không mộng chủ ở chỗ nào? Ngài không có lời để đáp, không có lý để trình bày. Nếu hàng ngày chúng ta chưa làm chủ được trong cả hai thời thức và ngủ thì làm sao có thể biết được chỗ này. Hòa thượng Trúc Lâm dạy chúng ta làm chủ các dấy niệm, giản dị mà mình cũng chưa làm được. Niệm tưởng có khi cứng như mũi nhọn, có khi mềm mại như tơ. Vừa thù đáp cái này, cái khác xen vào hồi nào không hay. Thật là ngộ!

Nhiều lúc ngồi chơi nghe tiếng chim kêu mình cũng thấy nhớ nhà, buồn man mác. Nghiệm kỹ mới biết, chúng ta đã loay hoay lẩn quẩn trong luân hồi sinh tử không biết bao nhiêu lần. Đứng trước tất cả những giả cảnh, những hiện tượng nhân duyên bên ngoài, nếu chúng ta có một cái nhìn chín chắn thì những niệm đắm trước, bảo thủ, mê muội sẽ giảm. Cho nên đối với một người tu hành không thể thiếu sự chững chạc, sáng suốt để có thể làm chủ những tham đắm, chấp thủ, ái kiến..., thấy được chân lý chắc thật của các pháp.

Hòa thượng dạy: Từ nay ông không cần học Phật pháp cùng cổ tột kim. Nghĩa là ông cứ bình thường, không cần phải tra xét, đào xới, ghi nhớ hay đập thủng da trâu.

Chỉ cần đói thì ăn, mệt thì ngủ, ngủ vừa thức dậy chấn chỉnh tinh thần, tự hỏi cái ta thức này chủ nhân rốt ráo tại chỗ nào ? Cái ta thức này rốt ráo chủ nhân ở chỗ nào? Nói tóm lại ngành tu về công án đặt vấn đề chỉ khởi cái nghi. Nghi sống nghi chết, nghi đi nghi nằm, nghi đứng nghi ngồi. Có nghi mới có ngộ.

An thân lập mạng, tự thệ chuyển một đời ngu si, quyết định phải thấy rõ ràng cái ấy. Chúng ta đang sống trong cái si mê, lăng xăng điên đảo. Bây giờ tự bản thân phải kiên quyết chuyển một đời si mê để nhận ra ông chủ. Chớ nên lượm những cái không phải là thứ thiệt bên ngoài đem vào rồi nhận là của mình.

Trong kinh Viên Giác, Phật dùng ví dụ ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay không phải là mặt trăng, nhân ngón tay để thấy được mặt trăng. Nếu cho ngón tay là mặt trăng, chẳng những không biết mặt trăng thật, không nhận ra mặt trăng thật mà còn làm hư ngón tay. Rõ ràng là như vậy. Cho nên tất cả những điều chúng ta nói cho nhau nghe cốt để gợi ý, nâng đỡ nhau đứng dậy, cùng nhau chiêm nghiệm, trải nghiệm công phu. Để cuối cùng tất cả đều vào được chỗ đó.

Trải qua năm năm, một hôm đang ngủ chợt thức giấc, vẫn ôm lòng hoài nghi việc này, bỗng một đạo hữu cùng ngủ đẩy rớt cái gối xuống đất, động một tiếng, ngẫu nhiên tan vỡ khối nghi, như chim thoát khỏi lưới. Bao nhiêu công án của Phật tổ, những nhân duyên sai biệt nay đều thấu đạt. Từ đây, nhà yên nước thịnh, thiên hạ thái bình, nhất niệm vô vi mười phương đều dứt.

Năm năm là thời gian không phải ít. Nhân duyên đạo hữu ngủ chung trong liêu làm rơi cái gối xuống phát ra âm thanh, ngài ngộ đạo. Trường hợp này giống với nhân duyên ngộ đạo của các vị thiền sư. Khi ngộ đạo, bao nhiêu công án của Phật tổ, những nhân duyên sai biệt nay đều thấu đạt. Từ đây, nhà yên nước thịnh, thiên hạ thái bình, nhất niệm vô vi mười phương đều dứt. Nghĩa là đất nước an ổn thanh bình, lòng người yên định rõ ràng.

Thiền sư Cao Phong Diệu đã trải qua một quá trình công phu khá dài, không phải dễ dàng, cũng không phải ai cũng làm được. Với người quyết tâm không cần nói nhiều, lời nói việc làm khế hợp nhau, có quyết ắt có thành. Người Tây phương nói rằng: "Muốn là được, quyết là thành." Chúng ta phải khẳng định, đầy đủ ý chí và phát huy như vậy.

Người tu phải luôn luôn sống và vận dụng trí tuệ của mình. Chúng ta làm chủ được, tu yên ổn, tu tiến, sáng được việc cũng từ cái trí. Tu thiền là tu trí tuệ. Bằng cách này cách khác, vận dụng trí tuệ soi rọi quán chiếu. Từ cái ăn mặc đi đứng đến đối duyên tiếp cảnh mọi thời mọi lúc, mọi hiện tượng đều phải vận dụng trí tuệ. Người được như vậy thì chắc chắn vững vàng, sống an ổn, tu tiến. Còn không thì đeo mang cái tử thi, ba vạn sáu ngàn ngày không biết ta là gì?

Trong khi tu hành chúng ta quên đi thời gian, coi như mình chết rồi mà sấn bước công phu. Thiền sư Cao Phong Diệu vừa thọ giới liền phát tâm bốn năm ở chỗ khó khăn để trui luyện, quyết liệt tu hành. Ngài đã xoáy thủng, chuyên sâu và vào được cái vị đó. Lúc ngài hai mươi bốn tuổi là công phu đã đắc lực. Thiền sử kể về một vị thiền sư tái lai làm hưng thịnh tông Lâm Tế. Ngài sống trong ngôi chùa đổ nát. Đêm đêm phải gom lá đốt lên để xem kinh tạng. Ngài sống như vậy mười năm, sau chỗ đó trở thành đạo tràng uy nghi phát huy tông Lâm Tế.

Học hành trạng của các vị thiền sư, tôi thấy thật cảm động. Chúng ta không sánh được một chút với các ngài. Tiện nghi càng đầy đủ, vật chất dần dần bu bám làm ta yếu đuối. Cho nên có điều kiện nghiên cứu, phải tha thiết bảo vệ, nuôi dưỡng tâm nguyện tu hành của mình, đừng để bị thoái vữa. Quỷ vô thường có thể chụp chúng ta bất cứ lúc nào. Giữa đêm nghe mấy vị chức sự kiếm xe đưa người đi cấp cứu, vào tới nơi nằm bất động. Không nói, không cục kịch nhúc nhích. Quá nhanh.

Đạo lực, công phu quyết định cuộc đời tu hành của mình mà chúng ta cứ thả lơi. Không khéo lâu dần mình rơi vào tình huống như các bậc thầy dạy, chỉ cam tâm làm vị tăng cơm cháo qua ngày. Rất tiếc! Rõ ràng trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cứ loanh quanh trong việc ăn mặc. Lời nguyện giác ngộ chúng ta để cho nó lụn tàn đi. Những huynh đệ trẻ hai mấy tuổi đừng nghĩ sẽ sống đến trăm tuổi. Sống một ngày yên ổn, chưa đến nỗi bị tai biến, nhũn não... là có phước rồi. Luôn luôn phải ý thức rằng, mình đang đứng trên mũi nhọn, đi trên băng mỏng, có thể vỡ tan bất cứ lúc nào.

Những phúc duyên, những tiện nghi Hòa thượng Trúc Lâm đã chuẩn bị, lo lắng, sắp xếp cho chúng ta được hưởng như ngày hôm nay thật quá lớn. Chúng ta phải làm sao xứng đáng là người kế thừa Hòa thượng. Một tâm niệm sơ sài có thể dẫn chúng ta rơi vào địa ngục chịu khổ vô vàn, nguy hiểm vô cùng. Một tâm niệm xấu khởi lên chúng ta không làm chủ được, cửa địa ngục băng giá, cõi súc sinh đói khát mở ra, khổ sở điêu đứng. Cho nên anh em phải tỉnh mới buông được những thứ lảng vảng chung quanh. Cơm áo, nhà cửa, danh vị có là gì đâu.

Học tác phẩm Thiền Quan Sách Tấn là học những vinh danh của chư thiền tổ nổi tiếng, nhất là quá trình tu tập sống trải của các ngài. Đây là một bài học quý báu đúc kết thành kinh nghiệm cho chúng ta. Dù mình không tu thoại đầu, cũng không tham công án nhưng lời dạy của các ngài đầy chất liệu quý báu. Từ đó chúng ta cảm nhận, tiếp thu và chỉnh lý tất cả những cái không hay của mình.

 

- HT THÍCH NHẬT QUANG -
 

 

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]