NHẬN LẠI TÁNH GIÁC

 Trong kinh nghiệm tu hành, cái vướng mắc nhất của chúng ta là vô minh, các Thiền sư gọi là vọng niệm, do đó công phu không tăng tiến được. Vọng niệm là gì? Nó có sức mạnh như thế nào mà làm đảo loạn công phu của chúng ta? Nó có sức mạnh che lấp tánh giác. Đây là những vấn đề người tu Phật, nhất là tu thiền cần phải hiểu cho đến nơi đến chốn, như vậy công phu mới có thể tăng tiến hơn. Cho nên đề tài chúng tôi nói hôm nay là Nhận lại tánh giác.

 

 

Các Thiền sư thường nói đến từ vọng tâm hay vọng nghiệp. Song có khi các Ngài cũng nói vọng tâm tức là Bồ-đề. Bồ-đề là giác, vọng tâm là mê, nó cũng là cơn khát của vô minh. Vô minh làm cho chúng ta mờ mịt, từ đó không vững tâm nên dễ thoái bước trên con đường tu tập. Do đó vọng tâm là đối tượng chánh yếu của người tu chúng ta.

Thiền sư Huệ ở viện Hoa Nghiêm - Quảng Châu, có một vị tăng đến hỏi: Người xưa nói vọng tâm không chỗ nơi, tức là Bồ-đề. Vậy chính ngay khi vọng lại có Bồ-đề chăng? Thiền sư đáp: Lời đáp đã rõ. Tăng thưa: Chẳng hội. Thiền sư nói: Vọng tâm không chỗ nơi tức là Bồ-đề.

Qua vấn đáp này, chúng ta nhận ra như thế nào? Nghĩa là ngay khi chúng ta biết được vọng niệm tức là Bồ-đề, chứ gì nữa. Chữ “biết” là giác. Nếu chúng ta hằng sống được với tánh giác là sống với Bồ-đề. Vì vậy Thiền sư Huệ ở Quảng Châu trả lời vị thiền tăng này: Trong lời đáp đã rõ ràng. Tất cả chúng ta nhận được vọng tâm không chỗ nơi tức là tánh giác của chúng ta có cơ hội phát triển được. Sở dĩ ta không sống được với tánh giác vì lâu nay mình bỏ quên nó đi, nên cứ lầm lũi mê muội trải dài kiếp số. Trong cuộc sống này, chúng ta đã tạo tác đủ thứ việc, nghĩa là gây ra bao nhiêu nghiệp thiện ác rồi. Bây giờ có phút giây nào đó, cơ hội nào đó ta chợt nhận lại, những động tác thi vi từ lâu nay xuất phát từ vọng tâm. Cái chợt nhận biết đó là giác, là tâm chân thật của chúng ta.

Người tu nhất là tu thiền, làm sao nhận và sống được với tánh giác đó. Thiền sư đáp, nghĩa ở trong lời đáp đã rõ ràng. Vọng tâm không chỗ nơi tức đó là Bồ-đề. Phật tử hiện giờ trong tất cả thời dù buổi sáng, buổi chiều hay cuối đêm, bất cứ lúc nào chúng ta chợt nhận rằng, tất cả những động tác thi vi của mình từ lâu đều từ vọng niệm hay là nói cách khác từ vô minh tạo ra, là ta có cơ hội mở cửa sống lại với tánh giác rồi đó. Chúng ta có thể hiểu, nhận và sống được với tánh giác của chúng ta.

Thật sự nó luôn hiện tiền, không có phút giây nào xen hở cách ly mình cả. Nhưng có điều chúng ta bỏ quên nên Phật nói chúng sanh mê tánh giác. Bởi bỏ quên nên ta chạy theo những vọng trần, sống với nó và lầm tưởng nó thật, nó là mình. Nếu ta cứ một bề lầm lũi chạy theo vọng trần mãi thì không có cơ hội sống lại với tánh giác đâu. Phải dừng lại. Chỉ bao giờ ta dừng lại, nhìn và kiểm soát từng động tác của mình, nhận ra cái gì đúng cái gì sai thì mới mong thoát khỏi vô minh. Người nào có cơ hội nhìn lại, sống lại với mình thì sẽ an ổn thôi.

Tôi kể một câu chuyện có liên quan đến việc nhận ra tánh giác của mình như thế này. Cư sĩ Phạm Trung làm Tả Thừa Tướng, ông có hiệu là Trí Hư. Ông đến yết kiến thiền sư Mân tức thiền sư Viên Thông. Vì là một vị quan to trong triều đình, đồng thời cũng đã từng qua lại với các Thiền sư, nên ông đến đây rất tự nhiên và được mời uống trà. Uống trà xong ông than với Thiền sư: “Con sắp già rồi mà còn rơi vào đường quan nên cách việc này hơi xa”. Thiền sư Viên Thông gọi: Nội Hàn. Ông liền ứng thinh: Dạ. Ngài Viên Thông bảo: Có xa đâu! Ngang đó cư sĩ nhận lại được tánh giác của mình.

Là một vị quan to, hằng ngày công việc rất bề bộn. Cho nên đến được thiền hội là những phút giây rất quí hiếm. Sau khi uống trà xong ông than với thầy: Con già rồi mà còn vướng vào con đường quan chức thế này, nên việc tu hành còn cách xa quá. Nghe thế, Thiền sư liền gọi: Nội Hàn. Tức là kêu thẳng chức của quan Tả Thừa Tướng, ông ứng thinh: Dạ. Thiền sư kết lại: Có xa đâu. Ông vừa nói xa nhưng thực sự đâu có xa, nghe kêu liền “Dạ” là ngay một bên rồi. Nếu xa thì ai ở đó mà nghe. Biết nghe, biết nói là tánh giác hiện tiền. Nó sẵn sàng nhưng chúng ta không dám nhận, đó là tại mình chớ đâu phải tại ai.

Qua những sự kiện người xưa nhận được, chúng ta thấy tánh giác không xa, nếu chúng ta luôn sống được với tánh giác ấy thì an ổn. Hồi xưa những Phật tử có trách nhiệm nặng, bận rộn với công việc quốc gia như vậy mà vẫn tu được, có kết quả tốt. Thế tại sao chúng ta ngày nay rảnh rang hơn lại không tu được? Chỉ vì mình không dám nhận, không dám tin khả năng giác ngộ của chính mình mà thôi. Tánh giác đó luôn luôn sẵn sàng, chỉ cần nhận lại thôi, chớ đâu phải làm gì nữa. Cho nên việc chánh yếu nhất của người tu chúng ta là phải làm sao nhận lại được của báu lâu đời này.

Qua sự kiện trên, chúng ta thấy việc nhận sống và tu của người xưa quả thực không khó. Nhưng công phu của chúng ta hiện giờ chưa được như vậy, tánh giác của chúng ta còn lẩn khuất ở đâu đó là vì mình còn bận rộn công kia việc nọ nhiều quá, chưa buông bỏ được. Vọng tâm không là gì nhưng nếu ta thiếu sức tỉnh giác thì nó sẽ làm chướng ngại việc tu hành của mình rất lớn. Ở một mặt nào đó vọng niệm có sức hấp dẫn ghê gớm, nó kéo lôi rồi đẩy ta vào thế quên bẵng mình đi, lăng xăng xuôi ngược cả đời, không phút giây nào tỉnh được. Như vậy cũng đáng sợ chứ, nhưng không có nghĩa là mình không thể chiến thắng nó. Thành ra đối với vấn đề này, đòi hỏi chúng ta phải có tỉnh, có trí tuệ sáng suốt. Để làm gì? Như vị Tả Thừa Tướng ở trên, phải tỉnh sáng để khi nghe Thiền sư gọi đến tên mình liền ứng thinh dạ.

Nếu chúng ta sống trong trạng thái lờ lờ lững lững, giống như quên lãng, lúc đó ai gọi mình đâu có nghe. Hoặc ngồi trò chuyện với huynh đệ mà không biết họ nói gì, mình nghe gì. Đang tính việc này, việc nọ xen vào, đang nói chuyện con lại nhớ chuyện cháu v.v… Đó là lúc ta bị hụt hẫng, quên mất ông chủ của mình. Nếu cuộc sống như vậy thì quả thực ta bị lưới mê mờ phủ kín rồi, không sáng suốt để thấy rõ việc gì hết. Người luôn bị quần quật trong những trường hợp như vậy thì chỉ sống bằng vọng niệm, không sống được với tánh giác của mình.

Phật nói tất cả chúng sanh từ lâu đến giờ bị các thứ điên đảo nhiễu loạn cũng như người lầm bốn phương đổi chỗ. Do lầm nhận bốn đại làm thân tướng mình, duyên bóng dáng sáu trần làm tâm tướng mình, như người bị bệnh mắt thấy trong hư không có hoa đốm lăng xăng. Chẳng những lầm nhận tánh của hư không mà cũng quên luôn chỗ sinh ra hoa thật. Từ đây vọng có sống chết trôi lăn nên gọi là vô minh. Trong câu này, ý đầu tiên Phật dạy tất cả chúng sinh từ lâu đến giờ bị các thứ điên đảo cũng như người lầm nhận bốn phương đổi dời. Nghĩa là tất cả chúng ta từ đời thuở nào tới bây giờ lầm nhận các tướng sanh diệt cho là thật mình. Từ cái gốc lầm ấy dẫn dắt mình dài dài, hết lầm này đến lầm khác, tiếp nối nhau mãi. Cũng giống như người bị bệnh mắt thấy trong hư không hoa đốm bay loạn, mà thật ra hư không đâu có hoa đốm.

Nếu chúng ta biết từ bệnh phát sanh những sự kiện đó, thì ta cũng biết nó không thật, từ bệnh mà có. Nếu con mắt không bệnh, nhìn vào hư không ta thấy rỗng rang sáng suốt. Nếu mình không lấy tay ấn vào con mắt, thì sẽ thấy không mặt trăng thứ hai, chỉ thấy mặt trăng thật thôi. Như vậy yêu cầu đối với người tu là làm sao thấy được mặt trăng thật, đó là người sáng suốt, không bị vô minh vây phủ. Bây giờ cái lầm nhận thứ nhất của chúng ta là thân này không thật mà cho là thật, suy nghĩ phân biệt hư dối không thật mà cho là tâm mình thật. Ai đụng tới mình liền nói đụng tới thân tôi, tâm tôi, không được. Bởi lầm nhận như vậy nên bỏ quên tánh giác. Từ đó mọi vấn đề rắc rối liên tục xảy ra, trôi lăn sống chết không có ngày cùng.

Quý vị thấy rõ ràng ta lo cho thân này biết chừng nào mới rồi. Còn vọng tâm thì vẽ vời dẫn dắt đi hết chỗ này tới chỗ kia. Đây là gia đình tôi, sự nghiệp của tôi, danh dự của tôi… đến lúc hắt hơi bỏ thân này cũng chưa buông được. Bấy giờ những người thân có tâm đạo ngồi kề một bên nhắc nhở: “Anh (Chị hay Thầy,..) hãy bỏ đi! Chuyện thế gian là hư dối, giờ này chỉ nhớ Phật”, nhưng có nhớ được đâu. Những gì đã lầm đã quen sâu dầy cứng chắc, cạy bỏ là cả một vấn đề. Cạo đầu mặc pháp phục là hình thức bên ngoài rất dễ làm, nhưng cạo bỏ hết các thứ cố chấp si mê, lầm nhận thân này tâm này là mình thật khó khăn vô cùng.

Cho nên tu không gì khác hơn là bỏ những tâm niệm mê lầm ấy đi. Đó là cách thức tu gần gũi nhất, đúng đắn mà ai cũng có thể áp dụng được. Dù cho hình thức bên ngoài có to lớn, đẹp đẽ bao nhiêu trong tâm đầy ắp vọng tưởng tối tăm thì cũng thể nói là người tu Phật, huống là hằng sống được với tánh giác của mình. Sự tu thật ra rất giản dị bình thường, nhà thiền gọi là trực chỉ nhân tâm. Nó gần gũi với chúng ta lắm, bởi vì mình áp dụng thường xuyên trong đời sống này. Đối trước mọi hoàn cảnh, lúc nào ta cũng có thể sống và áp dụng được cái sẵn có sáng suốt ấy.

Tóm lại Phật dạy chúng ta đừng lầm mê để phải vướng vào vô minh. Là người con Phật lúc nào chúng ta cũng phải “minh”, dám nhận cái lầm của mình tức là dám tu. Chữ “tu” có nghĩa là sửa chớ không gì khác hơn, sửa được những gì không hay, những gì lầm dở của mình thành hay thành tốt. Được vậy gọi là tu chân chánh, chưa được vậy thì phải cố gắng lên. Phật đưa ra ví dụ như trong hư không, thật không có hoa đốm nhưng người mắt bệnh lầm thấy có hoa đốm bay loạn trong đó. Vì lầm chấp như vậy nên không nhận được cái thật, cũng không biết luôn cái không thật nữa. Trong kinh Viên Giác, Phật nói như ngón tay chỉ mặt trăng, người sáng nhân ngón tay này mà thấy được mặt trăng. Người không sáng chẳng những không nhận được mặt trăng thật mà còn cho ngón tay là mặt trăng, như vậy là làm hư luôn cả ngón tay.

Rõ ràng người không tỉnh sáng làm hỏng đi việc tu hành của mình. Chẳng những không thấy được cái thực mà còn làm hỏng luôn cái phương tiện. Thành thử với người tu chúng ta, nhất định phải tỉnh mới được. Tỉnh để cái gì thật chúng ta biết nó thật, cái gì không thật chúng ta biết nó giả, buông đi. Thấy được thật chất của thân năm uẩn này theo đúng tinh thần Bát-nhã là “soi thấy năm uẩn đều không liền vượt qua hết thảy khổ ách”. Cho nên người không lầm thân ngũ uẩn này là hết khổ. Chúng ta cứ khư khư chấp thân này thật, tâm này thật thì ai mà gỡ ra cho được. Tự chúng ta không gỡ, không ai có thể cứu mình được cả. Cho nên Phật dạy Phải soi thấy thật chất đối với thân ngũ uẩn, mới hết khổ. Giản dị như thế thôi.

Rõ ràng mình tu là muốn hết khổ. Khổ của sanh già bệnh chết, khổ trầm luân sanh tử kéo dài lê thê từ vô lượng kiếp đến nay. Khổ của điên đảo vọng tưởng, cái không thật mà cho là thật, đây là nỗi khổ trầm thống nhất, điêu đứng nhất. Bây giờ làm sao ta tỉnh sáng để thấy thủng vấn đề thì hết khổ ngay. Như Thiền sư vừa kêu, vị quan kia liền dạ, đâu có xa xôi gì. Ngay đó nếu chúng ta nhận được, chẳng những vừa hết khổ mà cũng vừa tu được pháp trực chỉ của Tổ sư. Đối với những suy nghĩ vọng tưởng nếu ta buông được thì sẽ thanh tịnh dần dần, chừng đó mới thấy được năng lực của tâm siêu việt. Tâm đó rỗng rang sáng suốt, không phải tưởng tượng hay cảm thụ, không phải suy nghĩ hay chạy ngược chạy xuôi, bám cái này vướng cái kia. Chỉ khi nào buông hết những thứ đó, ta sẽ thể nhập tâm rỗng rang sáng suốt ấy.

Trước khi muốn biết làm sao để phá trừ phiền não, ta nên biết nó xuất phát từ đâu. Phật bảo các lậu là hạt giống phiền não, nên nói chúng sanh hữu lậu. Lậu là lọt. Tức chúng sanh còn phiền não rơi rớt lại nên mới trầm luân sanh tử trong ba cõi. Có mấy thứ lậu:

Thứ nhất là Dục lậu. Kinh nói cõi dục phiền não sâu nặng mà tham dục là căn cội. Tham là những ham muốn. Quý vị nghiệm lại trong sinh hoạt hằng ngày của mình, không khi nào ta hoàn toàn bất động với tất cả các hiện tượng bên ngoài. Không ham muốn cái này cũng ham muốn cái khác, không ham muốn nhà lầu xe hơi cũng ham muốn địa vị. Cho đến tu cũng ham muốn, nhưng là những ham muốn ngược đời; ham muốn được sống trong rừng núi, trong hang đá như các loài dã thú, đừng ai biết tới… Nhìn kỹ tất cả hoàn toàn từ những dấy niệm ham muốn, chớ không gì khác. Nên chư Tổ dạy buông hết những dấy niệm là giải thoát an ổn.

Dục lậu này rất khó trừ diệt. Đối duyên xúc cảnh tâm liền khởi tham muốn, không kềm chế kịp. Ví dụ nhìn một nhánh cây thấy thích hợp, ta liền muốn nó về chùa mình, mọc ngay trước sân chánh điện. Tham vọng ghê gớm lắm, những cái bình thường thôi mà còn như vậy, đừng nói những thứ tệ hại hơn. Bởi vậy tâm mình lăng xăng cả đời, không lúc nào mình yên được. Người thế gian có khi vất vả cả đời vì danh vọng hão huyền. Còn người xuất gia phải khổ công chiến đấu với loạn quân vọng tưởng. Không chạy theo những tham vọng thế gian, nhưng lại kẹt cố chấp trong đạo nên cũng mất hết tâm thể sáng suốt. Tai họa của Dục lậu ghê gớm như thế, đâu phải thiền tăng mà yên!

Thành ra đối với Dục lậu làm sao làm chủ được, đừng để bị lọt thì ta thoát được một nỗi khổ. Giống như người đi thi đậu tức là không rớt, người đó sẽ được bái tổ vinh quy. Còn lọt tức là thi rớt, không được bái tổ vinh quy. Tu là ta có được tỉnh lực để hóa giải tất cả phiền não, được thế dù không ở trên núi rừng mình vẫn yên. Nếu buông được những dục lậu trong lòng, chúng ta ngồi đâu cũng thấy yên. Đi trên danh vọng như đi trên những đóa sen. Chúng ta tu hành cần phải chứng tỏ diệu dụng của đạo lý thanh tịnh giải thoát là như thế.

Thứ hai là Hữu lậu. Hữu lậu có ba cõi hay theo thế giới quan của Phật giáo có tới 25 loài. Chúng sanh lẩn quẩn trong vòng luân hồi sanh tử, theo nghiệp sanh đây thác kia. Như người tu Thập thiện hoàn bị thì được sanh lên các cõi trời an vui, còn người tạo những nhân khổ thì rơi vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Do căn nghiệp của chúng ta mà lẩn quẩn trong ba cõi, căn bản từ phiền não lậu hoặc mà ra. Nếu chưa sạch phiền não thì quả báo đến với ta, nên gọi là lọt hay lậu. Dù sanh lên trời vẫn gọi là hữu lậu, vì còn rơi rớt lại trong ba cõi. Chỉ khi nào hết lậu hoặc, chúng ta mới hoàn toàn thoát ly sanh tử, chấm dứt khổ đau.

Chúng ta là đệ tử Phật, sống theo tinh thần Phật dạy, tu để được giải thoát như Phật chớ không ham muốn gì khác, thậm chí ham muốn sanh lên thiên giới rực rỡ. Bởi vì lên đó hưởng phước đến lúc nào hết phước, nếu ta không biết tu thì sẽ bị rơi vào các cõi thấp hơn, vì nhân phiền não hữu lậu vẫn còn. Cho nên được sanh lên cõi trời đâu hẳn là sướng, nó nguy hiểm trăm phần. Vì lên đó chỉ thụ hưởng, giống như người vung vãi tài sản của mình một cách phung phí thì giàu có bao nhiêu cũng hết. Người ta nói “Tọa thực nhi sơn băng”, dù của cải bằng núi mà ngồi không ăn thì cũng bứt hết. Lên được cõi trời tuy phúc báo không thể kể xiết, nhưng cứ hưởng hoài cũng giống người ngồi không ăn, của bằng núi cũng phải sạt lở. Hôm nào hết phước lại phải rơi xuống những cảnh giới thấp hơn, chịu nhiều khổ đau.

Chỉ khi nào bám chân Phật sống ở thế giới của Phật mới được hết các lậu. Chúng ta là đệ tử Phật, theo chân Phật tu hạnh giải thoát thì trước phải dứt hết lậu hoặc. Không sự thành công nào có giá trị tuyệt đỉnh với người ngồi đó chờ nó đến. Không có con bươm bướm nào mang vinh dự đến cho chúng ta như thế đâu, phải có công phu tích cực mới được.

Thứ ba là Vô minh lậu. Vô minh lậu là gì? Phiền não tế vi ẩn mật gọi là vô minh lậu, tức là những phiền não nhỏ nhiệm sâu sắc bên trong rất khó dứt trừ. Hành giả muốn trừ loại lậu này phải có công phu thiền định rất thâm hậu, mới có thể phát hiện và loại trừ nó. Thành ra vô minh lậu là gốc của các phiền não, những phiền não tế vi ẩn mật cực độ bên trong của chúng ta.

Ví dụ cái sân không ai biết nó ở đâu, trong tim trong phổi hay trong tay trong chân, trong bụng trong cổ mình mà đụng tới là nó vọt ra liền, nhanh nhẹn vô cùng. Dù lúc đó quý vị đang đứng trước bàn Phật hay đang ăn cơm, hoặc chuẩn bị ngủ nhưng nghe ai nói câu gì trái tai thì anh sân nhảy ra liền, phá hủy hết tất cả các chương trình mình đang làm. Nó gắn liền, thân thiết với chúng ta như vậy, cho nên gỡ được nó không phải chuyện một ngày một bữa. Do đó người tu là người kiên trì, gan dạ, nhẫn lực rất lớn mới phá hết vô minh được. Sự tu học của người con Phật chủ yếu là phải tỉnh táo sáng suốt, đừng để vô minh lậu, hữu lậu, dục lậu chi phối. Hay nói gọn hơn, chúng ta đừng để vô minh tăm tối làm mờ tánh giác của mình.

Nói về vô minh không thật thể này, Phật dạy: Tất cả chúng sanh trong chỗ không sanh vọng thấy có sanh diệt thế nên bị luân chuyển sanh tử. Chúng sanh sống trong chiêm bao, bỏ quên tánh giác, nhận lầm đồ giả cho là thật để rồi lẩn quẩn trong sanh diệt không có ngày cùng. Bây giờ thấy được lẽ thực của mọi vấn đề chúng ta cố gắng vươn lên. Thấy tận nguồn gốc thân, tâm và cảnh bên ngoài đều không thật, đều là hoa đốm trong hư không, thì mình đừng bám víu vào nó nữa, buông bỏ hết đi. Chúng ta thấy rõ do lậu hoặc vô minh che đậy, mà mình không phát huy được tánh giác rỗng rang sáng suốt của mình nên bây giờ nhất định phải xé tan màng vô minh ấy đi. Phải sử dụng đến trí tuệ, phục hồi được trí tuệ của chính mình mới đủ sức phá tan vô minh.

Muốn thế trước tiên chúng ta nên thực hành pháp Chân quán. Chữ “quán” tức là phân tích, quán sát thấy rõ. Ví dụ như trước mắt chúng ta thấy có quạt máy, đồng hồ, bức tranh… Bây giờ ta quán chiếu phân tích cái quạt này có những cánh, rồi do nguồn điện xuyên qua những động cơ khiến các cánh quạt quay v.v… Nếu thiếu một bộ phận một nhân duyên nào thì cái quạt không hoạt động được hay không thể gọi nó là quạt. Dùng chân trí quán sát như vậy để biết tự thân mình cùng tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau, nên ta sẽ không còn phân biệt đây kia, có thương có ghét nữa. Hai bên đối đãi không còn thì phiền não cũng chấm dứt. Đó là chỗ khởi nguyên của đồng thể đại bi.

Điều này cần lắm, nhất là đối với người tu chúng ta. Lúc nào chúng ta cũng sử dụng đến chân quán này. Để làm gì? Từ chân quán chúng ta thấy suốt chân tánh của các pháp. Để làm gì? Để thấy mình và tất cả chúng sinh đều đồng thể, đều bình đẳng như nhau. Từ đó ta mới nhận được lời dạy của Phật: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Lời này chúng ta đã được học lâu rồi, nhưng không biết từ cơ sở nào để nhận được.

Nếu chúng ta chỉ thấy trên hình thức thôi, chưa phải cái thấy quán chiếu thì không thể soi thấu tận gốc rễ của muôn sự muôn vật. Ở đây nói tánh thể hay là chân tánh để thấy được sự đồng thể của nam và nữ, sự đồng thể của chính mình và vạn vật. Thấy được sự đồng thể đó rồi, mình mới tin nhận tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành, ai cũng có khả năng thành Phật. Nghĩa là ai tu cũng có thể thanh tịnh giải thoát được. Trí quán chiếu này rất cần đối với chúng ta, nó không bị hình thức bên ngoài làm mờ chân tánh của mình. Mà người tu phải có cái nhìn thấu thể, nhìn sâu tận nguồn cội bên trong như vậy mới được.

Trong kinh Pháp Hoa, Bồ-tát Thường Bất Khinh đời đời kiếp kiếp thị hiện giáo hóa chúng sanh chỉ bằng một bài kinh giản dị. Mỗi khi ra đường ở bất cứ nơi nào, gặp bất cứ ai, Ngài cũng đều bái bái nói: “Tôi không dám khinh các vị, vì các vị là Phật sẽ thành.” Chỉ chừng ấy thôi mà bài pháp của Ngài rạng rỡ, bay khắp và chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới. Nhưng chúng ta đố ai làm được, vì nó giản dị quá nên mình làm không được. Chúng sanh chỉ làm được những gì rườm rà, khó khăn, còn giản dị quá lại làm không được, mới lạ chứ!

Thứ hai là Thanh tịnh quán. Từ chân trí ta quán sát, thấy giữa tịnh pháp và nhiễm pháp, hai thứ không đến nhau. Hai thứ này không đến nhau, không dính nhau. Cũng may, nếu nhiễm mà phá được tịnh thì ta tu không nổi đâu. Rõ ràng dù mình có trôi dạt trong luân hồi sanh tử bao lâu, tâm thanh tịnh vẫn không mất. Chỉ khi đủ duyên bỗng nhiên ta phát hiện được sự có mặt thường xuyên của nó. Rõ ràng như Tả Thừa Tướng Phạm Trung, nghe Thiền sư gọi ông dạ, liền biết mình đâu từng mất. Chúng ta cũng như vậy, dù có luân hồi sanh tử, bị nhiễm ô gì chăng nữa, cái tịnh vẫn không mất.

Như câu chuyện trong kinh Niết Bàn, nói rằng: Mùa hạ, mùa thu nhiều người đi chơi ở một đầm nước thật trong, thấy nước trong quá nên lượm viên đá thảy xuống, do viên sỏi rơi vào nên nước hơi đục, viên đá lặn mất. Người thông thường nói viên đá mất nhưng người có trí biết không mất. Chờ lúc đầm lắng trong trở lại, chỉ cần lặn sâu dưới đáy đầm là lấy được nó. Chỉ cần dùng trí nhìn rõ xem nó ở đâu, ta lượm nó lên không khó.

Hiện tại chúng ta còn nhiều phiền não, lậu lọt đầy đầm nên nước đục không thấy viên sỏi ở đâu. Bây giờ phải ngồi tỉnh lặng, xem gốc phiền não từ đâu mà có. Thấy được căn cội của phiền não rồi thì nhổ nó lên không khó. Tóm lại chúng ta phải tỉnh mới tu được, chớ sôi đùng đùng với những trận phong ba lôi đình thì làm sao tu được. Nhờ tỉnh mới thấy phiền não do vô minh si mê mà có, vô minh này vốn không thực thể, do đó ta không chấp không kẹt nó nữa. Như vậy là nhổ bỏ gốc phiền não được rồi. Đó gọi là biết tu, biết quán thanh tịnh. Dùng chân trí thanh tịnh quán thì chúng ta luôn sống với pháp tịnh hay tánh giác không ô nhiễm của mình.

Trong kinh Phật dạy vô minh chẳng có thật thể, như người trong mộng thấy có các cảnh, nhưng khi thức giấc hoàn toàn không có gì. Phật muốn chỉ cho chúng ta thấy vô minh hay dục lậu không có thật thể. Giống như người ngủ chiêm bao thấy cái gì cũng thật hết, nhưng thức giấc tất cả đều không. Thấy đỗ Trạng vinh quy bái tổ, vợ đẹp con ngoan đủ thứ chuyện trên đời, nhưng giật mình thức giấc tìm không ra mộng. Vô minh lậu hoặc cũng như thế, nó không có thực thể. Khi mê thì có, lúc ngộ liền không.

Chúng ta biết tu rồi cố gắng làm sao đừng để những giấc chiêm bao mê hoặc mình, đừng kéo dài tô vẽ thêm cho những giấc chiêm bao. Mình phải làm gì? Phải biết cuộc đời là chiêm bao, chỉ như thế thôi. Khi biết rõ thế gian chỉ là chiêm bao, tức là mình thấy được lẽ thực của các pháp, sống được với tánh giác phần nào rồi. Cho nên Phật Tổ dạy: Cuộc đời là chiêm bao, thế giới là chiêm bao, là mộng mị, là giả huyễn. Ta biết như thế, sống thực như thế, tức là ta có trí tuệ và hằng sống với tánh giác của mình. Ta nhận được vô minh lậu hoặc không có thực thể, giống như giấc chiêm bao thì ta hết khổ, vì như vậy là bắt đầu sống lại với tánh giác của mình.

Phật tử biết đi chùa là có tỉnh, biết lạy Phật, biết tu là có tỉnh, biết làm lành lánh dữ là có tỉnh. Chúng ta đi trên con đường sáng trở về với tâm rỗng rang là có tỉnh. Dù tỉnh ít nhưng vẫn có tỉnh chớ không phải đang mê mệt với những giấc chiêm bao. Quý vị nhớ dù trong chiêm bao, mình là vua, là tể tướng quyền uy tột đỉnh, giàu sang tột đỉnh... tất cả đều là mộng, không có gì thật cả. Ai nhận được như vậy sẽ thấy xót xa cho chính mình. Tại sao xót xa? Vì đường về nhà thật là ngắn nhưng vì mình cứ ngủ vùi trong chiêm bao nên thành ra dài không biết bao nhiêu đời kiếp! Chúng sanh cứ khổ hoài mặc dù cái khổ ấy không thật. Như vậy không xót xa sao được?

Rõ ràng nếu chúng ta chịu học, chịu tu đâu có trôi lăn đến ngày hôm nay. Chỉ khi nào mình nhận ra cuộc sống lâu nay ta mê đắm là huyễn mộng thì mới nhẹ nhàng thoải mái buông bỏ nó. Cũng như hoa đốm trong hư không tự diệt trong hư không, chẳng thể nói nó có chỗ diệt. Tất cả những giấc mộng của chúng ta đều giống như hoa đốm trong hư không vậy. Do con mắt bệnh nên mới sanh sự như vậy, một khi con mắt hết bệnh rồi, ta không thể tìm được hoa đốm đó diệt ở đâu. Bởi đó là chuyện không thật, chợt sanh chợt hiện làm gì có chỗ nơi. Nếu chúng ta nhận được thấu suốt điều này thì sẽ bình an, vui vẻ vô cùng. Chúng ta yên lòng hành đạo, yên lòng làm tất cả việc công đức, khỏi phải lo lắng gì cả.

Vì khi biết rõ thân này không thật thì danh vọng địa vị, sự còn mất của nó đâu có gì quan trọng nữa. Nếu lầm nó thật ta sẽ lo sợ đủ thứ, sợ mất tài sản, địa vị, danh vọng, hạnh phúc gia đình… Đến đỗi sợ mai mốt mình chết, không biết có hòm tốt chôn xác không, nếu hòm xấu sẽ bị nhục. Đủ thứ lo sợ vớ vẩn, tội nghiệp như vậy. Đó là từ những cái lầm căn bản về thân và tâm mà ra. Cho nên khi đã biết tất cả đều không thật thì sự còn mất không làm gì được ta nữa. Chính chỗ đó là chỗ các Thiền sư tự tại khi ra đi. Các Ngài còn nói chết như cởi được cái áo nóng bức giữa mùa hạ, nghe khỏe khoắn nhẹ nhõm vô cùng. Chúng ta chưa được thế là vì lầm chấp trong chiêm bao sâu quá, nên ôm khổ dài dài.

Người làm chủ được mình, sống với tánh giác, tự tại trước vấn đề sinh tử là người thanh tịnh giải thoát hoàn toàn. Điều này chúng ta có thể làm được, nhưng quan trọng là mình có chịu làm hay không? Đôi khi vì giản dị quá nên ta xem thường, cứ để ngày qua ngày. Chúng ta đâu biết thời giờ trôi qua nhanh lắm. Như mới hồi sáng đây mà bây giờ đã trưa, rồi tới chiều tới tối hồi nào không hay. Thời gian trôi vun vút không ai bắt nó dừng lại được. Thế mà chúng ta cứ dễ duôi qua ngày qua tháng, đó là điểm các Thiền sư thường quở trách kẻ học đạo thời nay. Ngồi đó nhìn thời gian qua suông là đánh mất chính mình, mà ta đâu hay biết gì. Thế nên chư Tổ thường nhắc kẻ tu hành phải mãnh tỉnh cố gắng công phu, đừng để vô thường kéo đến trở tay không kịp, bọn chúng không tha cho bất cứ ai đâu.

Buổi sinh hoạt đạo lý hôm nay, tôi xin nhắc tất cả chúng ta cùng nhớ, sở dĩ mình chưa sống được với tánh giác là vì chưa chịu bỏ những thứ lậu hoặc mê lầm, chưa chịu sáng, chưa chịu nhận lại tánh giác của mình. Do đó cái rất gần, rất quí báu mà mình không nhận được. Bởi vậy nên chúng ta khổ. Đó là điều thứ nhất. Thứ hai, niệm tưởng lậu hoặc không thật, như chiêm bao ta không nên đeo bám theo nó, cho là thật. Điều thứ ba, người tu Phật phải dùng trí để nhận ra những thứ không thật và tánh giác chân thật. Có trí tuệ ta không bị những hình thức bên ngoài chi phối, không bị ái kiến trói buộc, thấy được lẽ thực của các pháp, thấy tất cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành, đều bình đẳng như nhau vì cùng có tánh giác.

Đó là những gì tôi muốn nói với quý vị.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]