NHỮNG ĐOẢN KHÚC THƯỜNG CHIẾU

                                                                             CHƯA SÁNG ĐẠO    

                              Mưa rơi từng hạt nặng
                              Hổ thẹn đời làm tăng
                             Tu hành chưa sáng đạo
                             Bởi nhiều kiếp trôi lăn
                             
                 Chiếu Hạnh


Thầy Chiếu Hạnh là một người có hạnh. Trải hơn mười năm tu hành, qua hai thiền viện nhưng đến nay vẫn chưa … sáng được việc lớn của mình. Trong khi chủ trương của nhà thiền là kiến tánh khởi tu hay đốn ngộ tiệm tu. Tức tu hành dù trải qua thời gian bao lâu, mà đạo chưa sáng thì kể như chưa thấy đường về nhà. Đây là nỗi lo của hầu hết thiền sinh trong viện.

Một hôm thầy ngồi một mình trong phòng, nghe mưa rơi mà thấy lòng quặn thắt. Thầy chợt thốt thành thơ “Mưa rơi từng hạt nặng. Hổ thẹn đời làm tăng … “. Nghe qua cũng đáng suy gẫm! Cơ duyên sáng đạo sao thật khó khăn! Cần đủ duyên, đủ phước, trí tuệ sắc bén … Nói chung, phải đủ thời tiết nhân duyên mới có thể nhận được.
Tuy nhiên, cũng đáng khâm phục thầy lắm. Sự hổ thẹn sẽ giúp thầy thăng tiến hơn. Chắc chắn một ngày nào đó, thầy cũng sẽ … sáng đạo!

KHỔ HẠNH GIẢI THOÁT 

 Chí Nhân

 Trong thời đại văn minh khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ thì nếp sống con người càng được nâng cao. Việc giữ vệ sinh, ngăn nắp trật tự luôn thể hiện một nếp sống văn hóa lành mạnh. Ngay đạo tràng tu học cũng thế. Một đời sống trang nghiêm sạch sẽ là điều rất cần thiết. Nó thể hiện hạnh nết của người tu. Vậy mà có những người học theo người xưa tu tập “khổ hạnh”. Loại “khổ hạnh”, xét ra không được hợp thời cho lắm.

Nguyên ở Tây đuờng I, có một vị sư huynh thích tu cái hạnh không tắm rửa. Khoảng 4 hay 5 ngày huynh ấy mới tắm một lần. Vì thế, mọi người luôn được thưởng thức mùi hương đặc biệt toát ra từ huynh. Huynh đệ thắc mắc thì huynh ấy trả lời “Tôi muốn tu học theo hạnh của người xưa. Khi đức Thế Tôn còn tại thế, ngài dạy các tỳ kheo nửa tháng mới tắm một lần. Ngày nay tôi tắm như vậy cũng là hơi nhiều. Kể ra cũng hổ thẹn. Song được phần nào hay phần đó. Hơn nữa, được như vậy là tiết kiệm nhiều. Đỡ tốn xà phòng, khỏi hao nước, khỏi phải cực nhọc hong phơi …”.

Tôi tán vô “Có thêm thời giờ đi chơi, tán ngẫu … tiện làm sao phải không?”.

Huynh tôi đành im lặng.

“Đệ thấy huynh nên tắm rửa sạch sẽ để thân được nhẹ nhàng khoẻ mạnh, tinh thần mới sáng suốt. Việc tu học mới tiến bộ. Mọi người ở chung sẽ được thoải mái. Hơn nữa chúng ta tu hành chân chánh, dùng vật thực cúng dường đảm bảo cho việc tu học của mình là một việc tốt. Ta tiến tu được mà người cũng được phước báu. Nếu không chịu nhận cũng không tu sửa, thì mình vô ích mà người cũng không được lợi. Huynh không nên phụ lòng thí chủ”.

Nghe xong, Huynh tôi có vẽ đồng ý nhưng vẫn còn … lưỡng lự. Tôi tán vô “Huynh còn lưỡng lự điều gì? Không được siêng lắm hả ? Thôi được, để đệ tắm cho”.

Mặc kệ tiếng “Hả?” đầy kinh ngạc pha lẫn hoảng hồn của ông sư huynh, tôi lấy nước dội thẳng … Từ đó mỗi ngày, tôi đều kiểm tra tắm rửa cho huynh theo cách đó. Huynh luôn sạch sẽ, tinh thần tươi tỉnh mà huynh đệ trong liêu ai cũng vui. Chúng tôi thoát được sắc mùi kỳ diệu toát ra từ thân thể không tắm rửa. Huynh luôn nở nụ cười khi thấy tôi.

Thế đấy, cái khổ đâu có ý hành ai. Nó cũng không bà con thân thuộc gì với ai. Nhưng nó rất gần với những ai cố chấp. Đã chấp thì khổ liền kề. Sư ông vẫn thường dạy “Khổ là do hai thứ chấp : Chấp ngã và chấp pháp. Chấp mình là thật, chấp các hiện tượng sự vật trong thế gian là thật, nên mới khổ hoài”.

Nhưng nó có thật hay không ?

Xét ra, một chữ BUÔNG, sạch sẽ nhẹ nhàng.



TU MUỘN

Kiến Hiệu

 Sống trên cõi đời này, phần nhiều ai cũng muốn giàu sang phú quí, hưởng nhiều dục lạc và được nghỉ ngơi trong lúc tuổi già. Nếu chỉ có thế thì tôi cũng là một người gần được mãn nguyện. Bởi vì ngoài đời, tôi có một cuộc sống tương đối. Nếu mình ngó lên thì không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì cũng hơn khá nhiều người.

Tưởng rằng cuộc sống như thế là yên ổn. Chấp chặt vào đó cho là quá đủ với người ở tuổi xế chiều. Nhưng ai học được chữ ngờ … Một cuộc đổi thay chớp nhoáng khiến tôi tỉnh biết cuộc đời vô thường, không gì là cố định : Có hiệp thì có tan. Hôm qua nhà lầu xe hơi. Hôm nay trắng tay là chuyện thường tình. Sống đó liền mất đó.

Nhờ giác ngộ mọi việc là vô thường, nên tôi quyết tâm tìm đường giải thoát dù tuổi đã cao. Đức Phật đâu không dạy mọi chúng sanh đều có Phật tánh. Chỉ vì bị vô minh che lấp mà thành chúng sanh. Ngày nay đã được giác ngộ phần nào, nên phải nhất quyết tìm đường chánh mà đi. Để một khi thân này có mất, thì cũng như rùa mù tìm được bọng cây. Có được thân người hầu tiếp tục con đường giải thoát.

Phật từng dạy “Thân người khó được. Phật pháp khó nghe. Minh sư tri thức khó gặp”. Vì thế mặc dù tuổi già quá cổ lai hy, tôi vẫn nghĩ đến chuyện xuất gia. Xét cho cùng, việc xuất gia đâu dành riêng ai. Tuy người trẻ có nhiều điều kiện tốt hơn người già. Nhưng thời đức Phật, Ông Tu-bạt-đà-la, 120 tuổi vẫn xuất gia theo Phật. Sau nghe bài pháp Tứ đế, ông đắc quả La Hán, cùng nhập niết bàn ngay đêm đức Phật nhập diệt. Tuổi già đâu không thể xuất gia.

Được xuất gia, tôi rất mừng. Vì nghĩ mình vẫn còn đầy đủ phước duyên như bao người khác. Nhập chúng rồi, tuy hai thế hệ khác nhau, nhưng tôi không muốn ở thất mà vẫn nguyện sống cùng đại chúng trong những ngày còn lại của đời mình. Cần gắn bó với Thầy và đại chúng để tu học. Cần trở thành tấm gương tốt cho lớp trẻ. Phải cố gắng thức tỉnh trong mọi hành động. Lời nói cần đi đôi với việc làm. Không nên nói suông mà không thực hành. Cần tránh mọi sự va chạm với huynh đệ. Thực hành đúng thanh qui. Sống trong thiền viện huynh đệ phải coi nhau như con một nhà.

Tôi nguyện trọn đời gắn bó, sống chung với đại chúng. Tuyệt đối tôn trọng nội qui giờ giấc tụng kinh, ngồi thiền, ăn uống ngủ nghỉ … quyết tâm vâng theo lời dạy của Thầy. Tôi tin tưởng sẽ hòa nhập và tiến tu cùng đại chúng an vui. Bởi già trẻ tuổi tác tuy có khác nhau, nhưng Phật tánh thì không hề khác. 
 

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]