Lời vàng của Tổ Thiện Hoa

Đậu Hũ  -  Góp nhặt 

I. ĐỐI VỚI VIỆC TU HỌC
. Học và tu song hành
: Hòa thượng không đồng ý việc Tăng Ni cũng như Phật tử tu mà không học. Vì tu mà không học thì việc tu ấy dễ lạc đường. Lại, đạo Phật là đạo “Duy tuệ thị nghiệp” nên với việc học, Hòa thượng luôn khuyến khích.

 . Cần xác định tinh thần tu học rõ ràng : Hòa thượng nói: “Ðầu tiên cần có một động cơ đúng đắn. Người đi học phải thật tâm nghĩ rằng học để đường tu sáng suốt hơn và để dẫn dắt chúng sinh cùng giải thoát.

 

 Chí nguyện mạnh mẽ đó sẽ thúc đẩy Tăng Ni nỗ lực vượt qua khó khăn đi đến cùng, thậm chí còn phải quyết học thật giỏi, học hết sức mình chứ không thả trôi, an phận. Chúng tôi nói như thế bởi thực tế đã có một số vị đi học với những tư tưởng khác hẳn. Có người không ham học nhưng thấy huynh đệ có bằng này bằng nọ được chung quanh nể trọng thì lòng bỗng "xôn xao", muốn kiếm một chút "chứng chỉ" cho bằng chị bằng em. Cái bản ngã trở thành động cơ. Có người học là để né tránh công tác ở chùa Thầy Tổ (vì có khi ở nông thôn phải làm vườn, làm ruộng), hoặc né tránh cảnh heo hút buồn bã ở vùng sâu vùng xa. Học kiểu này thường không có mục đích rõ ràng, cứ đăng ký hết lớp này đến lớp khác miễn lấp đầy thời gian. Nhưng dẫu có giấu giếm cỡ nào thì lâu ngày những động cơ như thế vẫn lộ hình, mọi người vẫn nhìn ra và không ủng hộ”.

. Nội điển ngoại điển đều cần thiết : Thời đại hiện nay là thời đại khoa học phát triển, đa phần chúng sinh đều được trang bị đầy đủ các kiến thức. Nếu Tăng Ni chỉ có kiến thức Phật học mà không có kiến thức ở xã hội thì khó có thể tiếp cận được với quần chúng sâu rộng. Vì thế, trong vấn đề tu học, kiến thức về nội ngoại điển đều cần thiết. Tuy nhiên, tùy khả năng từng người mà việc học nội hay ngoại điển này có khác nhau.

Với nội điển, thì tất cả đều phải học, vì đó là những môn bắt buộc. Nhưng đi sâu vào chuyên ngành thì cũng cần chú ý đến sở trường của từng người. Như người mà khoa ăn nói chỉ tàm tàm thì không nên chọn khóa giảng sư. Nếu là người có năng khiếu về chữ Hán thì nên chọn khoa dịch thuật Hán Nôm v.v…

Với ngoại điển, thì cần phải chọn kỹ vì có quá nhiều môn để học. Việc lựa chọn này phụ thuộc vào khả năng của người học. Người không có khiếu về ngoại ngữ, thì dù ngoại ngữ là thứ hiện nay đang rất cần thiết, cũng không nên chọn, mà phải chọn môn nào phù hợp với khả năng mình đang có. Như người có khiếu về trang trí thì nên dự một lớp mỹ thuật ứng dụng để sau này điều hành việc thiết kế lễ đài trong các chùa cho tốt. Người có khiếu về y dược thì học lớp y dược sau ra giúp đời, lấy đó làm phương tiện truyền bá chánh pháp cho chúng sinh v.v…

Trong vấn đề học hỏi, Hòa thượng khuyên nên tránh cái nhìn không bình đẳng đối với các pháp, tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Như việc học ra giảng sư, tuy là tối cao trong các ngành, nhưng nếu ai cũng theo hướng đó, dù khả năng không có, thì tương lai giảng sư sẽ thừa, chưa kể chất lượng còn yếu kém. Vì đã dồn cho ngành đó nên ở những ngành cần thiết cho các Phật sự khác, lại thiếu người. Hòa thượng nói: “Chúng ta nên tập có cái nhìn bình đẳng một chút, trân trọng mọi nỗ lực dù ở bất cứ ngành nào, như thế lớp trẻ mới mạnh dạn đi theo sở trường của mình”.

Không chỉ khuyên người có tâm bình đẳng với pháp học, trong việc huấn luyện người, tâm Hòa thượng cũng bình đẳng như thế. Hòa thượng không chỉ khuyến khích hay huấn luyện Tăng Ni theo sở trường của họ để thành giảng viên có thể đi giảng ở các nơi, mà còn khuyến khích Cư sĩ theo học các lớp giảng tại chùa Ấn Quang, để họ cũng đủ khả năng đi diễn giảng ở các nơi như Tăng Ni.

. Tránh tình trạng học hoài : Học thì tốt, nhưng nếu học hoài, thấy môn nào cũng học thì không biết học đến bao giờ mới xong. Học như thế có nhiều bất lợi :

1. Học nhiều mà không có môn nào ra môn nào thì chẳng thà học một môn rồi ứng dụng thực hành làm lợi ích cho chúng sinh còn hơn.

2. Học mà không có ứng dụng thực tế thì tất cả chỉ là trên lý thuyết, không có giá trị thực tiễn. Học cần đi đôi với ứng dụng thì lý thuyết mình học ấy mới có giá trị sống động, ngày càng được bổ sung và phát triển cũng như chuyên sâu.

3. Tuổi trẻ qua đi thì năng lực phục vụ cũng giảm bớt, trong khi việc tu học của Tăng Ni là để phục vụ chúng sinh.

. Học mà phải tu : Đây là phần Hòa thượng nhấn mạnh Phật tử Tăng Ni cần phải chú trọng. Hòa thượng nói: “Sau cùng, và cũng quan trọng nhất, là học mà đừng quên tu. Học cũng là tu nếu chú tâm và có đạo hạnh. Còn nếu lo học mà buông lung những phẩm chất của người xuất gia thì cái học ấy không được thiện cảm của người chung quanh. Một trong những lý do khiến Phật tử ít ủng hộ việc học của Tăng Ni là bởi nhìn vào thấy cái học không làm cho người tu tốt hơn, thôi thà ở chùa lo tụng kinh cho rồi. Con sâu làm rầu nồi canh? Nhưng hãy cảnh giác. Và khi đã học xong rồi, vẫn không nên nghĩ rằng kiến thức là nổi trội. Nhiều vị tôn túc học xong đã nhập thất tĩnh tu để nâng cao đạo lực rồi mới ra làm Phật sự. Ðó cũng là một trong những cách hỗ trợ cho kiến thức. Hay nói đúng hơn, đạo lực tu hành mới là nền tảng vững chắc để kiến thức phát huy công dụng của nó. Thiếu sức tu, thì có học giỏi mấy cũng không có sự thuyết phục. Hình như lớp trẻ chúng ta đang quá hăng hái chạy theo kiến thức mà bỏ quên điều này. Có thể rực rỡ ở giai đoạn đầu, nhưng rồi sự nghiệp không được bền cho lắm”. Đây là điều Hòa thượng dạy rất thiết thực. Trong thực tế, có vị dù bằng cấp đã đến tiến sĩ, nhưng chỉ mới nghe chúng sinh khích một câu, lập tức nổi nóng rồi phát lời tranh tụng bừa bãi, quên mất lớp y đang mặc trên người. Đó là do chỉ có học mà không có tu, lại ỷ vào cấp bằng tiến sĩ mình đang có … mới ra nông nổi như thế. Cho nên, Hòa thượng nhấn mạnh ‘học mà phải tu’ là việc tối quan trọng trong các việc của người xuất gia cũng như tại gia.

II. ĐỐI VỚI PHẬT SỰ

. Đặt lợi ích chúng sinh trên tất cả : Với việc Phật sự, Hòa thượng đặt nặng vấn đề lợi ích chúng sinh trên tất cả. Hòa thượng nói: “Chỗ nào chúng sanh mời thì mình đến, chỗ nào đạo pháp cần thì mình đi, không kể gian lao chẳng từ khó nhọc".

Tăng Ni nào không chung lo Đạo pháp, chỉ bo bo giữ chùa riêng, bổn đạo riêng, Hòa thượng cũng quở trách: "Một con trâu cũng tốn một thằng chăn, cả bầy trâu cũng chỉ một thằng chăn. Tại sao khuôn mình trong chỗ hẹp mà quên việc to lớn?". Cũng dạy: "Gánh vác Phật sự là việc tốt, nhưng khi lãnh nhiệm vụ lớn, phải tự xem mình như đứa con nít. Dù bị người chê khen khinh trọng vẫn không nao núng. Đừng nhớ mình có chùa to, có đệ tử nhiều, gặp việc trái ý là xách gói về chùa. Tâm niệm được như thế, mới nên đảm đang đại sự".

Những Phật tử trong Ban Từ Thiện Ấn Quang, khi ra làm Phật sự gặp nhiều điều khó khăn, về chùa than thở với Hòa thượng thì Hòa thượng dạy: “Phật sự lúc nào làm được nên cố gắng mà làm, đến khi thiếu duyên dù có muốn làm cũng không thể làm được. Nên nhẫn nhục thông qua thì mới viên mãn công đức”.

. Dục tốc bất đạt : Hòa thượng nói: “Muốn làm việc lớn, trước phải làm việc nhỏ, muốn đi xa trước phải từ nơi gần”.

. Cần rút kinh nghiệm : Hòa thượng dạy mỗi khi làm một việc gì, dù thất bại hay thành công đều là một bài học cho chúng ta rút kinh nghiệm, để làm việc sắp đến. Gặp thành công, thì giữ y như thế mà tiến. Gặp thất bại thì rút kinh nghiệm để sửa chữa. Mỗi khi ra một quyển sách hay giảng dạy một bài nào, cần dọ hỏi dư luận quần chúng. Hòa thượng khuyên nên tìm hiểu ghi nhớ những lời phê bình chỉ trích hơn là lời khen ngợi.

. Có mục đích rõ ràng : Mỗi khi làm việc gì, trước nhất phải tự hỏi: "Mục đích làm việc này là gì?". Khi đã xác định trõ ràng và vào việc thì phải luôn nhắm mục đích ấy mà tiến, không nên rẻ đường khác.

“Như việc phiên dịch và sáng tác, trước khi bắt tay vào việc, phải tự vấn lương tâm: Mục đích để làm gì? Vì danh? Vì lợi? Hay vì hoằng pháp lợi sinh?. Sau khi đã quyết định: Mục đích là để phổ biến giáo lý và may ra có lợi phần nào, thì cần tiếp tục in thêm kinh sách. Một phần để cúng dường cho các giảng sư hay những người đang thiếu thốn chung quanh. Khi thấy quí giảng sư đã thành công trong việc diễn giảng, có đủ phương tiện để tự túc, thì bớt lại phần cúng dường, xoay qua làm bút phí cho việc sửa chữa, hay tu chỉnh các tác phẩm và dịch phẩm đã xuất bản”.

. Ghi ân : Do thấu hiểu được lý Duyên sinh: không có việc gì có thể tự nó thành tựu mà không nhờ các duyên chung quanh, nên trong bất cứ công việc nào, từ việc giảng dạy cho đến trước tác và phiên dịch, Hòa thượng đều ghi ơn tất cả những ai đã giúp đỡ Hòa thượng.

Đầu tiên là ghi ơn Tam Bảo gia hộ.

Kế là ghi ơn Sư trưởng và thiện hữu tri thức đã mở mang kiến thức cho Hòa thượng.

Kế nữa là ơn Phụ mẫu sanh thành và ơn Đàn na giúp đỡ.

Kế nữa là ơn các Thượng tọa, Đại đức, Cư sĩ, nhà xuất bản và các độc giả v.v…

Ghi ân tất cả đã giúp công việc hoằng pháp của Hòa thượng được viên mãn.

. Hồi hướng : Những lợi ích mà Hòa thượng đã làm, được bao nhiêu công đức, đều hồi hướng để

                        Trên đền đáp bốn ơn
                        Dưới cứu giúp ba loài

Và cầu nguyện cho:

                       Mặt trời Phật thêm sáng
                       Bánh xe pháp xoay hoài
                       Thế giới đều hoà bình
                       Nhân dân được an lạc
                       Tôi và các chúng sinh
                       Đều sanh về cõi Phật

. Cần có Khả năng : Muốn làm công việc gì, trước cần phải có đủ khả năng về công việc ấy. Như người muốn sáng tác và phiên dịch giáo lý, thì phải có đủ khả năng về việc này. Phải có học lực khá, cả nội điển lẫn ngoại điển, tương đương với công việc mới có thể làm được.

. Cần bền chí : Đây là yếu tố cần nhất trong mọi công việc, nhứt là việc sáng tác và phiên dịch. “Công việc này đòi hỏi rất nhiều sự cần cù, rị mọ, ngồi cặm cụi suốt ngày trên bàn viết, từ tháng này đến năm nọ. Người không bền chí không thể đeo đuổi dài lâu. Nếu chỉ do hứng thú nhất thời thì chỉ viết hoặc dịch được vài quyển mà thôi”.

. Cần sức khoẻ : Cũng là yếu tố cần thiết cho mọi công việc. “Nếu làm việc gì mà thiếu sức khoẻ thì khó thành công miễn mãn. Sức khoẻ kém, thì thân thể mỏi mệt, tinh thần bì quyện, không minh mẫn sáng suốt, không thề ngồi lâu, để phiên dịch hoặc sáng tác”.

. Cần thích thú : “Làm việc gì, dù có khả năng, sức khoẻ và bền chí, nhưng nếu không thấy thích thú thì cũng khó mà thành tựu, nhứt là việc phiên dịch và sáng tác. Có thấy thích thú, mới vượt qua được sự khó khăn cực khổ, mài miệt nơi bàn viết ngày đêm, không chán”.

. Có sáng kiến : Trong khi giảng dịch hay viết lách, nếu không có một đôi chút sáng kiến thì người nghe hay đọc cảm thấy khô khan, buồn nãn. Trái lại, nếu có sáng kiến thêm vào, thì người đọc cảm thấy như thưởng thức vài phần hương vị mới lạ.

. Cần phổ thông dễ hiểu : Viết văn hay diễn giảng, ai cũng muốn cho nhiều người đọc và dễ hiểu. Nhưng trái lại, khi viết hay giảng, phần nhiều lại muốn nói cho cao siêu khó khăn, làm cho người đọc và nghe phải mệt trí. Như thế không khác gì người muốn đi tới mà hai chân lại bước lui. Điều đó là do ảnh hưởng tính tình ...

Hòa thượng nêu ra ba điểm mà trong việc trước tác và phiên dịch, nếu tác phẩm nào thiếu chúng thì khó mà được độc giả ủng hộ đông đúc.

1/ Khoa học (rõ ràng thứ lớp) : Một tập sách, nhất là những tập sách dày, mà ý tứ không rõ ràng, bố cục không hợp lý thì sẽ khiến người đọc không nắm được ý tác giả muốn nói, lại khiến độc giả cảm thấy chán nản và mệt mỏi.

2/ Đại chúng (Phổ thông, bình dân) : Khiến người đọc không phải đầu tư quá nhiều đầu óc vào tập sách, mà sinh tình trạng rối trí và mệt mỏi.

3/ Dân tộc (mang sắc thái Việt nam) : Phong tục tập quán của mỗi nước mỗi khác. Chỉ cần khác miền, khác hơi hướm ngôn từ là đã có sự trở ngại trong việc tiếp thu, huống là phong tục tập quán của từng nước. Thứ gì đã quen sẽ dễ tiếp thu hơn là thứ xa lạ. Vì thế một tập sách mang hơi hướm dân tộc dễ khiến người đọc cảm thấy gần gũi và cảm thông những gì tác giả đã viết dễ dàng hơn.

. Sưu tầm tài liệu với tâm bình đẳng : Khi muốn thực hiện việc giảng dạy v.v… trước Hòa thượng gom góp sưu tầm các tài liệu. Đọc trong kinh, xem trong sách, hoặc nghe những bài giảng nào có thể làm tài liệu đóng cây thang giáo lý thì đều góp nhặt để dành lại. Hòa thượng nói: “Từ đó, tôi bắt đầu gom góp sưu tầm các tài liệu. Đọc trong kinh, xem trong sách, hoặc nghe những bài giảng nào có thể làm tài liệu đóng cây thang giáo lý, thì tôi đều góp nhặt để dành. Nhất là tài liệu của bác sĩ Lê Đình Thám (pháp danh Tâm Minh) giảng cho lớp Thanh Niên Đức Dục”.

. Tự do ấn tống : Với các tác phẩm của mình, Hòa thượng đều không giữ bản quyền đối với những ai muốn ấn tống. Chỉ trong trường hợp muốn sửa đổi nội dung hay in để kiếm lời, thì phải được sự đồng ý của Hòa thượng. Hòa thượng đã viết: "Những tác phẩm hay dịch phẩm của nhà Hương Đạo chúng tôi, sau khi tu chỉnh hoàn bị, và thanh toán tất cả nợ nhà in rồi, chúng tôi sẽ làm lễ hiến cúng cho giáo hội hay những người nối theo chí nguyện phiên dịch và sáng tác của chúng tôi”. Đó là tâm nguyện của Hòa thượng đối với vấn đề kinh sách của mình.

 

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]